Không hiểu tôi có lầm không, nhưng cảm-tưởng của tôi là những ngày gần đây “văn-học H.O.” được mùa. Này nhé, đối với một người tương-đối thích đọc sách như tôi thì chỉ trong vòng có vài tháng, tôi đã được đọc những tác-phẩm của các cựu-tù-nhân chính-trị VN (hiểu là “cựu-tù-nhân” trong các trại tập trung gọi là “học tập cải tạo” của CS) như: Hồi-ký của Nguyễn Văn Lục, Hồi-ký Võ Long Triều, tạp-ghi của Huy Phương mà cuốn Hạnh phúc xót xa mới ra mắt cách đây hai tuần ở miền Đông đã là cuốn tạp-ghi thứ năm, chưa kể đến loại biên-khảo như Việt Nam trong chiến tranh tư hữu của Nguyễn Cao Quyền hay sách dịch, cuốn I Must Live dịch cuốn Tôi Phải Sống của L.M. Nguyễn Hữu Lễ. Rõ ràng là gần như có một phong trào mà sự đóng góp của các cựu-tù-nhân chiếm một vị-trí trung-tâm nên tôi xin tạm gọi một cách vắn tắt, gọn gàng là “văn-học H.O.”
Sự hiện diện của nền văn-học này có thể bị coi là “lạc lõng” không đối với những người thích trò thời-thượng? Xem một tạp-chí “thời-thượng” như Hợp Lưu, hay một website như Da Màu, Talawas, tôi chắc chắn không có nhiều bài viết về kinh-nghiệm “học tập cải tạo” kiểu CS như ta có thể tìm thấy trong những tác-phẩm vừa được nêu trên. Những người chủ-trương các tạp-chí hay website “thời-thượng” có lẽ nghĩ rằng họ chỉ cần sống với hôm nay, rằng họ đã bỏ được lại quá-khứ đằng sau lưng, bắt kịp được với những ưu tư của thế-giới (như phụ-nữ-quyền, “ghê” hay “gay,” đồng-tính luyến ái, v.v.). Thực-sự không phải vậy! Thực-sự, ngay những sản-phẩm loại này vẫn cần đến lịch-sử, như ta thấy báo Hợp Lưu vẫn có những bài về lịch-sử cận-hiện-đại của Vũ Ngự Chiêu hay về văn-học-sử, đôi khi rất xa xôi, của Nguyễn Phạm Hùng, Giáo-sư tại Đại-học Hà-nội. Họ chỉ kỵ nói đến những chuyện mà có thể xem là đụng chạm với chế-độ đương-thời trong lúc này để có thể “hợp lưu” trên mặt trận văn nghệ “phi-chính-trị.”
Song nếu xem được những bài như của Nguyễn Phạm Hùng về “Nam Quốc Sơn Hà” và “Phạt Tống Lộ Bố Văn” của Lý Thường Kiệt hoặc về “Dụ Chư Tỳ Tướng Hịch Văn” (còn được biết ngắn gọn hơn dưới tên “Hịch Tướng Sĩ”) của Trần Quốc Tuấn là có ứng-dụng đến cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay thì tại sao lại phải quay lưng, tránh né những sự thực của một quá-khứ gần gũi hơn nhiều và thậm chí còn ứng vào ngay thực-tế của Việt-nam hôm nay?
Ta đọc tin hàng ngày, thấy những chuyện “chướng tai, gai mắt” như xảy ra với Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Tiến Trung, Hồ Thị Bích Khương, Lê Công Định, hay Cù Huy Hà Vũ mới đây thì thử hỏi loại tin nào, loại kinh-nghiệm nào ứng-dụng hơn đối với cuộc sống của chúng ta hôm nay: chuyện Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn hay chuyện “học tập cải tạo” của các đàn anh chúng ta?
Tôi là một con người may mắn. Suốt một đời người gần 3/4 thế-kỷ, tôi chưa bị tù tội tới một ngày chứ nói gì đến chuyện đi “mút mùa” 5-3 “tờ lịch” hoặc lại còn bị kiên-giam nhiều ngày như Phan Nhật Nam hay một số tác-giả H.O. mà ta có dịp đọc. Vậy thì tại sao tôi vẫn tìm đọc đến các tác-giả như Song Nhị trong cuốn sách ra mắt hôm nay, Nửa thế kỷ Việt Nam?
Phải chăng vì đó là kinh-nghiệm tập-thể của một dân-tộc mà tôi là một thành-phần trong đó nên không thể tự-loại-trừ mình ra khỏi được? Nói cách khác, nếu cái vinh cái nhục của một người Quốc-gia như anh Song Nhị cũng là cái vinh cái nhục của tôi thì cái đau, cái uất của anh sau khi mất miền Nam cũng phần nào là cái đau, cái uất của chính tôi tuy nói như người ta mô-tả trong tiếng Anh, đó là “a vicarious pleasure, a vicarious experience,” một thứ “thú đau thương” vay mượn ở kinh-nghiệm những người sống thật qua những kinh-nghiệm tù đày đó. Để làm gì? Thưa, để hiểu hơn cái chế-độ hiện vẫn còn đang ngự-trị trên quê hương chúng ta, để thông-cảm hơn với những người hiện đang bị tù đày như các tác-giả H.O. của chúng ta năm xưa.
Thành thử nếu một sản-phẩm như Hợp Lưu, Da Màu hay Talawas có quay lưng vào cái thống-khổ của dân-tộc vào lúc này, hôm nay, nghĩa là không đá động gì đến những dân oan, đến những vi-phạm nhân-quyền trắng trợn ở quê nhà, dù nhân danh cái gì đi nữa (tỷ-dụ, sự hòa-hợp dân-tộc), thì một người bình-thường như tôi vẫn muốn được học kinh-nghiệm của người đi trước, của người chẳng may rớt vào vòng tù tội thay cho tôi để tôi hiểu biết xã-hội, dân-tộc của tôi hơn.
Đó là lý-do tôi tìm đến đọc cuốn sách ra mắt ngày hôm nay, “bút-ký, tự-truyện” Nửa thế kỷ Việt Nam của tác-giả Song Nhị.
* *
“Tôi đã viết và đã xóa bỏ từng dòng. Tôi đã viết và đã xóa bỏ từng trang. Tôi đã xóa bỏ nhiều lần như vậy. Một bài viết ngắn [. . .] cho tới hôm nay… đã chẵn mười năm!” Tác-giả mở đầu sách của anh như vậy. Như thế hẳn không phải là một tác-phẩm bôi bác mà là một tác-phẩm có nhiều đắn đo, cân nhắc!
Các chuyện anh viết, “mười năm góp nhặt, suy nghĩ, đắn đo,” sau một thời-gian bỗng “những cá biệt, tản mạn đó lại tạo nên một bố cục chặt chẽ, sống động, rất thật trên một đường trường lịch sử nửa thế kỷ Việt Nam.”
Vậy ta hãy thử xem những “cá biệt, tản mạn” của anh có những gì?
Chương đầu, “Giữa một miền quê hiền hòa,” nói về những ngày thơ ấu dễ thương của anh “trên đồng ruộng, ngồi trên lưng trâu, hai mùa lạnh buốt thấu xương, nắng cháy da người” ở Nghệ Tĩnh. Rồi đi học, rồi yêu, nhưng phải trốn sang Lào với gia-đình sau khi chứng-kiến cuộc Cải Cách Ruộng Đất (Chương II) “long trời lở đất” ở quê nhà. Kinh-nghiệm bản-thân của tác-giả khá giới-hạn (vào chuyện mắt thấy tai nghe trong gia-đình mình, bị vu là địa-chủ, và trong xóm làng) nhưng anh đã đưa thêm được nhiều tài-liệu mới được tiết-lộ sau này để vừa có hình ảnh (của nhiếp-ảnh-gia người Nga Dmitri Baltermants) vừa có bằng-chứng bất khả đảo ngược về vai trò chính-yếu của Hồ Chí Minh trong cuộc tắm máu kinh-hoàng này với con số chính-thức lên đến 172.008 người mà đích-thực có thể đã lên đến nửa triệu hay hơn nữa.
Chương III là nói về cuộc vượt biên sang Lào, với gia-đình được sự giúp đỡ của một cựu-sĩ-quan Pathet Lao, và Chương IV cho biết về những ngày tương-đối yên lành ở Lào trước khi bị CS xâm-nhập. Đến đây, tôi phải mở ngoặc để nói là chính cá-nhân tôi cũng đã có kinh-nghiệm gặp gỡ một người ở Lào về khi tôi còn đang học đệ tam ở trường Pháp ở Sài-gòn: đó là anh bạn Nguyễn Thế Anh mà sau này trở thành một sử-gia hàng đầu của VN hiện đang ở Pháp.
Từ Chương V trở đi là cuộc sống của tác-giả và gia-đình trong một miền Nam tự do sau khi bị “trục xuất” từ Lào về. Được ăn học tử tế rồi bị lôi cuốn vào những phong trào sinh-viên bị CS lũng đoạn, tác-giả mô-tả những ngày tranh đấu không riêng gì ở Trường Đại-học Vạn Hạnh chống lại phía bên kia mà còn lan ra khắp các khoa ở Đại-học Sài-gòn. Chương này và chương sau (khoảng 50 trang) đối với riêng tôi có thể xem là hấp dẫn nhất vì thời-gian đó, tôi đang du học ở Mỹ và chỉ được nghe qua người này người khác, kể cả một số người trong cuộc như Ngô Vương Toại, Bùi Bảo Trúc, Phạm Dương Hiển, Đỗ Ngọc Yến v.v. Được cái may là ngoài chứng-từ của tác-giả Song Nhị, chúng ta gần đây còn có hồi-ký rất chi-tiết của Nguyễn Văn Lục và hồi-ký của Hoàng Xuân Sơn (đã đăng thành nhiều kỳ trong Phố Văn) để đem ra bổ túc và đối-chiếu về một giai-đoạn lịch-sử, có cả máu đổ (như Ngô Vương Toại, Bùi Hồng Sĩ bị Mặt Trận bắn bị thương hay cả Lê Khắc Sinh Nhật, bị CS bắn chết) do tuổi trẻ làm nên này.
Từ đó, tác-phẩm nhảy vọt qua Chương VII (“Miền Nam, Cơn Lũ Nghịch Thường”) nói đến những ngày cuối cùng của miền Nam. Trong sự vội vã bỏ của chạy lấy người, người Mỹ đã quay lưng ngay cả vào “một cơ quan đầu não” là Phủ Đặc-ủy Trung-ương Tình-báo của VNCH. Với người cầm đầu cơ-quan, Thiếu-tướng Nguyễn Khắc Bình bỏ đi từ sớm, phút chót chỉ còn lại có ông phụ-tá Nguyễn Phút Lộc không làm được gì để cứu những người thuộc-cấp trong đó có tác-giả. Đó là uyên-nguyên của kinh-nghiệm “học tập cải tạo” sau đó của tác-giả, được mô-tả cặn kẽ với đầy đủ cả các tài-liệu như “Tài liệu phát động quần chúng” (có in lại photocopy trong sách, trang 129), rồi đến “Cuộc hội ngộ 3.000 quan chức Chính phủ VNCH tại 5 vùng ‘chiến thuật’” ở Long-thành với những ngày đầu tương-đối còn dễ chịu, rồi đến “Bản án ba năm tập trung cải tạo” (Chương VIII) với những “đợt ‘chuyển quân’ bằng máy bay ra Hà Nội,” “chuyến tàu Nam Bắc” với những “số phận lênh đênh.”
Chương IX riêng bàn về trường-hợp “Bùi Đình Thi” và chiêm-nghiệm về “nhân duyên” và “nghiệp quả” trong đó tác-giả cũng dành nhiều ngậm ngùi cho người đàn bà nạn-nhân khổ-sở là vợ Bùi Đình Thi.
Chương X nói về một số trại tù khá khắc-nghiệt ở miền Bắc nhưng cuộc Trung-Cộng tràn quân qua biên-giới (tháng 2/1979) đã buộc CS phải “chuyển quân” một lần nữa từ các trại tù như Nam Hà hay Cổng Trời về những trại như Thanh Cẩm hay Lam Sơn (tức Lý Bá Sơ “danh bất hư truyền” đã có về mặt dã-man từ trong thời kháng-chiến chống Pháp) để rồi cuối cùng cũng được trở về Nam (Chương XIV, “Châu về Hiệp Phố”). Xen kẽ trong những trang này là nhiều kinh-nghiệm rất sống động như “Làm thơ trong tù” (Chương XI), “Biểu tình tuyệt thực, Rừng vang tiếng hát” (Chương XII) nói lên sự bất khuất của người tù miền Nam, và “những cảnh huống [khác] trong tù” (Chương XIII) với đầy đủ những cảnh “hỉ, nộ, ái, ố, dục” ghi lại với một ngòi bút khá công-minh.
Sách cũng kết thúc bằng một số chuyện thú vị như “Nghệ sĩ Thành Được và cuộc vượt ngục tập thể FULRO” thành công, và một số gương bất khuất của người tù đáng lưu danh hậu-thế. Nhưng giá trị không nhỏ là Chương XV (“Hy vọng trong màn đêm, Ánh sáng cuối đường hầm”) là chương nói về sự vận-động của một số tổ-chức hải-ngoại mà hàng đầu là Hội Gia-đình Tù-nhân Chính-trị VN của bà Khúc Minh Thơ làm việc với những nhân-vật như Đại-sứ Robert Funseth để có chương-trình H.O. đón người cựu-tù-nhân bị trên 3 năm “tập trung cải tạo” đi Mỹ và các nước tự do khác. Sau đó, tuy có những chuyện rắc rối như “từ cửa ải đến cửa quyền” (Chương XVI) xong rồi cũng đi được.
Phụ-lục của sách còn mang một hồ-sơ thật đầy đủ với tài-liệu và hình ảnh mà tác-giả thu thập được để cho mai này ai muốn xuyên-tạc về chương-trình đón cựu-tù-nhân chính-trị của CSVN sang Mỹ cũng không thể dễ dàng phủ-nhận.
Xuyên suốt cuốn sách là một thái-độ rất thận trọng nhưng không kém phần tự-trọng nói lên được tất cả cái hào-hùng của một quân-đội tuy ngã ngựa và chịu nhiều đầy ải, song không bao giờ mất đi cái tính người và tình người của một quân ngũ có ăn học và và đã từng biết thế nào là tự do.
Nguyễn Ngọc Bích
Cảm-tưởng phát biểu tại buổi ra mắt
Ngày 13 tháng 11, 2010
James Lee Community Center, Falls Church, VA