Vào tháng sáu năm nay, bầu trời Orange không còn rực rở nắng ấm như những năm qua. Năm nay thời tiết bất thường. Cái bất thường của Trời Đất dường như chia sẻ những điều nghịch lý thường xuyên xảy ra cho công đồng người Việt hải ngoại tại quận Cam trong thời gian gần đây. Các đường phố không còn rộn ràng với sắc màu của hoa phượng tím, nhứt là ở ngã giao lộ của xa lộ 22, 5 và 57, vì bầu trời xám xịt không làm tăng được sắc sáng rực màu tím hoa cà của màu hoa mùa học trò.
Sở dĩ tôi viết những dòng chữ trên không phải vì còn lưu luyến với tuổi học trò trong khi “chập chửng” bước vào tuổi thất thập. Tôi viết ra đây, chính vì để nhớ và nhắc nhở các bạn trẻ một tấm gương sáng của cộng đồng, của người Việt hải ngoại và nhứt là một tấm lòng sắc son với Đất và Nước đang còn điêu linh và cò chịu dưới ách thấng trị của cường quyền.
Đôi dòng hôm nay, tôi thực sự dành cho Nguyễn Ngọc Phú vì đã gần đến ngày kỷ niệm 5 năm ngày Phú ra đi ngày 7 tháng 6 năm 2005.
Phú thân mến,
Tôi biết Phú qua những sinh hoạt cộng đồng và tôi cũng đã gặp Phú một năm trước đó tại trụ sở của Tổng hội sinh Viên Nam California đường Western. Phú gọi tôi bằng Bác, nhưng tôi vội sửa lại là nên gọi tôi bằng Chú, thân mật và gần gũi hơn, vì chữ Bác cách xa quá.
Phú dáng người mảnh khảnh, tướng đi khoan thai chậm rãi nhưng vẫn lộ nét tự tin. Đầu luôn ngước thẳng về phía trước. Sau khi Phú ra trường, tôi được biết và chúc mừng Phú đã được nhận vào trường Y khoa.
Trong thời gian tiếp xúc với nhau, tôi thường chia sẻ với Phú về những trăn trở đối với đất nước. Phú lắng nghe và không có phản ứng. Tuy nhiên, trong Phú tôi đọc được những nỗi ưu tư qua sự thay đổi của ánh mắt của Phú.
Tình thân thiết cũng như quan điểm về đất nước quá gần gũi nhau, do đó, tôi mới mạo muội nhờ Phú lấy những mẫu nước ở Việt Nam ở những nơi Phú đi qua, trong một dịp Phú về thăm viếng quê nhà cũng như quan sát trực diện những niềm đau của đất Mẹ.
Phú đã hoàn thành việc tôi nhờ, và cũng nhờ đó tôi có thêm một số tư liệu về tình trạng ô nhiễm Arsenic ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trầm trọng thêm. Cho đến năm 2005, tôi bắt đầu lấy mẫu nước và đất từ năm 1999 và có cảnh báo tình trạng ô nhiễm arsenic ổ Việt Nam vào năm 2000, một số tỉnh ở miền Nam có nồng độ arsenic đã vượt qua định mức cho phép trong nước uống là 10 phần tỷ do WHO ấn định mức an toàn của arsenic trong nước.
Niềm vui của Phú khi được chấp nhận vào Y khoa của đại học UCLA chưa kịp nguôi, Phú vội vã ra đi sau cơn đột ngụy thình lình trong khi sinh hoạt cùng với các bạn sinh viên trong Tổng hội.
Phú ra đi để lại một sự mất mát lớn cho gia đình, cho Tổng hội sinh viên còn đang trên đà lớn mạnh, và nhứt là đối với giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại. Cuộc dấn thân, nhập cuộc của Phú tuy ngắn ngũi nhưng tôi tin chắc là đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét cho các bằng hữu và cộng sự viên trong thời gian Phú sinh hoạt trong công đồng.
Nơi Phú, tôi đã nhìn thấy được một niềm tin sắc son của Tuổi trẻ trước đại cuộc. Phú không mang nặng một quá khứ đau buồn cũng như nhiều mặc cảm của tuổi cha chú trong khi hội nhập vào xã hội mới.
Trên lưng của Phú chỉ có một hành trang “tích cực” và lao thẳng vào đời.
Chấp nhận làm và chấp nhận thất bại để từ đó học thêm được một kinh nghiệm mới và tiếp tục Đi Tới nữa. Tôi đã nhìn thấy điều nầy rõ hơn sau khi Phú từ Việt Nam trở lại Hoa Kỳ.
Tôi hy vọng tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại rút được một bài học lớn về trường hợp của Nguyễn Ngọc Phú.
Xin nhắc lại, tuổi trẻ Nguyễn Ngọc Phú là có thật! Và những việc làm của Phú là có thật! Những lời chân tình của tôi đối với Phú là những lời chân thật, không khách sáo, và những lời tôi viết ra đây chỉ là một vài suy nghĩ mà tôi đang nghĩ đến Phú, về Phú.
Nguyễn Ngọc Phú là hình ảnh của tuổi trẻ Việt Nam chứ không là hình ảnh trong tưởng tượng của “anh hùng” Lê Văn Tám của cường quyền hiện tại.
Xin đốt một nén hương nhân ngày kỷ niệm ngày ra đi của Nguyễn Ngọc Phú
Mai Thanh Truyết
7/6/2010