Chỉ còn 12 tháng có lẻ ít ngày nữa [sic: căn cứ vào thời điểm trước tác bài tham luận-Việt Thức ghi chú] sẽ bắt đầu khai mạc [mùa xuân 2011-Việt Thức ghi chú] kỳ đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), dư luận của đồng bào người Việt trong nước cũng như ngoài nước hiện đang bắt đầu chú ý quan tâm đến sự kiện này.
Một vài tác giả đã phát tán những bài viết của mình trên mạng Internet nhận định, đánh giá và dự đoán xem ai sẽ là tổng bí thư mới của ĐCSVN. Thậm chí có người còn đưa ra nhận định rất lạc quan (?), là nếu ông Hồ Đức Việt (hiện đang là ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư, trưởng ban tổ chức trung ương ĐCSVN) mà lên làm tổng bí thư thì sẽ là… vận may cho đất nước Việt Nam.
Không! Chúng ta cần khẳng định rằng. Dù bất kỳ đảng nào có tên gọi là đảng Cộng Sản hay đảng Trừ Sản, Tiến Bộ, hay Tự Do… mà độc quyền cai trị một đất nước bằng hiến pháp và hệ thống luật định do họ đơn phương tự ý lập ra. Tức là chế độ chính trị cầm quyền nhất nguyên, độc tài, thì đừng ai nên mơ tưởng đến một xã hội dân chủ thực sự tốt đẹp có chỗ đứng ở quốc gia đó!
Cả thế giới đều biết đến thủ tướng Lý Quang Diệu và đảng Hành Động Nhân Dân của ông, đã vận hành một chế độ cầm quyền độc tài tạm cho là tiến bộ (?) ở Singapore. Nhưng ông Lý Quang Diệu cũng bị chỉ trích là đã đàn áp phe đối lập (tuy độc tài nhưng Singapore vẫn có các đảng đối lập hiện hữu) và hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Lý Quang Diệu còn bị cáo buộc là lợi dụng quyền tự do khởi kiện để khởi kiện các đối thủ của mình, cho đến khi họ bị phá sản, thân bại danh liệt. Vậy chẳng khác nào ông ta đã dùng sức mạnh tài chính của mình để thủ tiêu các quyền đối lập về chính trị của công dân. Trong thời gian giữ chức thủ tướng Singapore từ năm 1965 đến năm 1990 Lý Quang Diệu đã cầm tù Chia Thye Poh- Một cựu dân biểu thuộc đảng đối lập Barisan Socialis tới 22 năm mà không hề xét xử (!). Tuy cho phép tòa án được hoạt động độc lập, nhưng Lý Quang Diệu đã hủy bỏ “Luật Xét Xử Có Bồi Thẩm Đoàn” của tòa án, hủy bỏ quyền kháng án của đương sự. Ngoài ra ông ta còn nhào nặn hiến pháp để hợp thức hóa việc áp đặt chế độ chính trị gia đình trị, chế độ kinh tế do gia đình ông lộng quản, thao túng, tại Singapore chẳng khác nào thời Phong Kiến vv
Như vậy mô hình “độc tài tiến bộ” của Singapore tuy có phảng phất nét tiến bộ, nhưng còn cách xa thế giới tự do dân chủ đích thực tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Canada.., một trời một vực.
Ở Việt Nam, đối với trường hợp của ông Hồ Đức Việt, thì cái chức danh bí thư trung ương Đảng chỉ là bù nhìn, vì trung ương Đảng là ai? Liệu ông Việt có dám qua mặt ông Mạnh, ông Dũng, ông Hùng…, để mà làm công tác “bí thư” hay không? Tương tự như vậy thì về công việc “tổ chức trung ương”, ông ta cũng chỉ là người đầu sai thực hiện các quyết định của những ông “bố già” như Mạnh, Hùng, Dũng v.v… mà thôi.
Ấy là còn chưa kể đến các ông Hồ Đức Việt, Nguyễn Văn Chi (chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, cựu bí thư trung ương Đảng), Tô Huy Rứa (trưởng ban Ban Tuyên Giáo, mới mất chức bí thư trung ương Đảng), chắc chắn sẽ bị các ủy viên Bộ Chính Trị khác coi thường vì không từng dạn dày qua binh nghiệp so với nhiều người khác. Nói như vậy thì cũng nên loại trừ ông Mạnh, ông Mạnh là trường hợp ưu tiên đặc biệt, vì theo dư luận và suy luận có cơ sở, ông ta là con của ông Hồ Chí Minh nên không phải cầm súng.
Đã từ lâu, để dễ bề thao túng quyền hành, các đời tổng bí thư, thủ tướng của ĐCSVN luôn tìm cách sắp đặt các nhân vật con rối bù nhìn vào một số chức vụ hữu danh vô thực trong Bộ Chính Trị của họ, trong đó phải kể đến cả chức danh chủ tịch nước (chỉ trừ chức danh chủ tịch nước của Hồ Chí Minh), và chủ tịch quốc hội trở xuống, kế đến là các chức vụ bí thư, trưởng ban tổ chức, trưởng ban kiểm tra trung ương v.v… Có thực quyền và được phân chia thực quyền phải là tổng bí thư, thủ tướng, các phó thủ tướng thường trực, phó thủ tướng phụ trách kinh tài, bộ trưởng công an, bộ trưởng bộ quốc phòng, bộ trưởng bộ tài chính.
Nhiều người nhận xét ông Triết là cực đoan khi phát biểu huỵch toẹt trước công luận là “bỏ điều 4 (hiến pháp) là tự sát”. Và họ cũng chê ông Triết có tác phong lăng xăng, thiếu đĩnh đạc của một vị nguyên thủ, đã thế lại hay phát ngôn thiếu suy nghĩ như câu nói “Việt Nam và Cu Ba canh giữ cho hòa bình thế giới, Cu Ba thức thì Việt Nam ngủ” vv…Nhưng nếu ông Triết lại là người không có những “biệt tài” ấy, thì liệu ông ta có lên được chức danh chủ tịch nước hay không? Chắc chắn là không rồi, vì như vậy thì ông ta làm sao thành con rối để ông Mạnh, ông Dũng và Bộ Chính Trị giật dây được.
Kỳ đại hội ĐCSVN toàn quốc nào cũng vậy, dù cơ cấu ít người trong Bộ Chính Trị như các kỳ 2; 3 và 6 chỉ có 13 người. Hoặc cơ cấu của Bộ Chính Trị lên tới 19 người như kỳ 8. Cứ sau một nhiệm kỳ thì các “con rối”, hoặc các vị trí không cùng “dây” với tổng bí thư, thủ tướng lại bị thay thế. Nhất là trong trường hợp tổng bí thư mới lên ngôi. Ngay trong nhiệm kỳ 9 sang nhiệm kỳ 10 đã có 9 ủy viên Bộ Chính Trị bị loại là các ông: Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Lê Minh Hương, Phạm Văn Trà, Phan Diễn, Trần Đình Hoan, Trương Quang Được, Nguyễn Khoa Điềm. Vậy thì trong nhiệm kỳ tới có thể các ông như Hồ Đức Việt, Nguyễn Văn Chi, hay Tô Huy Rứa, sẽ khó có cơ hội tồn tại trong Bộ Chính Trị. Thực chất mỗi kỳ đại hội đảng toàn quốc của ĐCSVN chỉ là một cuộc “hát lại bài cũ”, nghĩa là “tiếp tục đi lên (hay đi xuống?) theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa, định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” v.v.., mà bản chất độc tài của kẻ cầm quyền vẫn không hề thay đổi.
Nhận định ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ lên tổng bí thư là hoàn toàn có cơ sở khi bên cạnh ông có những nhân vật thân tín, trình độ cao như Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Phùng Quang Thanh, và đặc biệt là Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (hiện đang giữ chức thứ trưởng Bộ Quốc Phòng). Nhưng chức tổng bí thư sẽ đem đến cho ông Dũng nhiều danh vị mà ít tiền tài hơn vị trí thủ tướng. Nếu chức tổng bí thư mà là chức tổng thống thì ông Dũng sẽ quyết giành kỳ được. Vấn đề đặt ra là, trường hợp ông Dũng muốn lên làm tổng thống thì ông ta phải tìm cách tác động lên Quốc Hội để sửa hiến pháp. Ông Dũng đang nắm giữ nhiều cái “nhất”, ông là thủ tướng trẻ nhất Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Ông Dũng còn dũng cảm nhất, khi là một thủ tướng dám cho con mình kết hôn với con của một “ngụy quyền” hạng Gộc (theo cách gọi của CS), mà không sợ bị ảnh hưởng lý lịch và uy tín…
Liệu ông Dũng có dám tiếp tục ghi tên mình vào lịch sử, khi là vị tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất?
Muốn làm tổng thống thì trước hết ông Nguyễn Tấn Dũng phải giành được chức tổng bí thư, sau đó vận động thay đổi hiến pháp. Tất nhiên là trước sức ép của quốc tế và mong mỏi của nhân dân, ông Dũng cần phải nêu vấn đề xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp Năm 1992, cùng với việc xác định chức danh Tổng Thống. Đây cũng là một cách khôn ngoan để giữ uy tín của ĐCSVN. Bằng cách này sẽ khẳng định thế mạnh vượt trội của ĐCS với các đảng phái khác, khi hiện nay ở Việt Nam, nói chính xác là người Việt Nam chưa có tổ chức hay đảng phái đối lập nào đối trọng xứng tầm về lực lượng với ĐCS. Chắc chắn là ĐCSVN vẫn tiếp tục là đảng cầm quyền.
Ông Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn có thể yên tâm tại vị trong cương vị tổng thống ít nhất là một, hoặc hai nhiệm kỳ. Trong lúc này ĐCSVN sẽ biến bài học về cách cầm quyền độc tài nhưng lại được lòng dân (?) của ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore, mà có lần ĐCSVN đã mời sang Việt Nam làm quân sư, thành hiện thực. Nhưng ông Dũng cần quan tâm đặc biệt đến vai trò của quốc tế đối với tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam.
Xét về tổng quan, ở tầm ảnh hưởng chính trị trên bình diện quan hệ quốc tế đối với Việt Nam hiện nay, có thể chia ra hai khu vực: Khu Vực Dân Chủ, đứng đầu là Mỹ. Khu Vực Cộng Sản, đứng đầu là Trung Quốc.
Chỉ trừ ra những kẻ nào là tình báo của Trung Quốc đang sống tại Việt Nam, hoặc người Việt đang làm giàu bất chính nhờ Trung Quốc, thì mới ngả theo ĐCSTQ mà thôi. Còn bất cứ người dân Việt nào có đầu óc bình thường (trong đó có Nguyễn Tấn Dũng) cũng đều không chấp nhận việc Trung Quốc lấn lướt phá hoại kinh tế Việt Nam bằng cách đưa hàng hóa lậu thuế trái phép vào lũng đoạn thị trường Việt Nam, nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Việt Nam. Không những thế, ĐCSTQ còn đang công khai cho lực lượng vũ trang xâm lấn biển đảo của Việt Nam. Bắn giết, bắt cóc, cướp bóc tàu cá của ngư dân Việt Nam. Cho nên nếu gọi là ảnh hưởng tích cực từ ĐCSTQ đến Việt Nam thì hoàn toàn không có mảy may cơ sở nào.
Đối với Khu Vực Dân Chủ thì Hoa Kỳ và các nước dân chủ sẽ hoàn toàn ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng, nếu ông Dũng lên làm tổng bí thư ĐCSVN. Đương nhiên là Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn ủng hộ ĐCSVN nếu ĐCSVN thực sự muốn đổi mới, thực sự muốn chứng tỏ mình với thế giới rằng, đảng của họ là một đảng cầu tiến qua việc sửa đổi hiến pháp. Và chắc chắn trong một khoảng thời gian hàng chục năm nữa, cơ hội độc quyền lãnh đạo đất nước vẫn thuộc về ĐCSVN.
Đây là cơ hội lớn để ĐCSVN tự xóa bỏ sự hạn chế phát triển của đất nước bởi rào cản hiến pháp. Và đây cũng là cơ hội ĐCSVN cởi trói cho nhân dân khỏi sự bắt buộc chấp nhận sự cai trị độc tài, độc đảng, thay vì nhân dân tự chấp nhận điều này. Người dân Việt Nam sẽ chấp nhận độc tài, khi mà ĐCSVN tự làm cho nhân dân thực sự phải công nhận là không có chính đảng nào cầm quyền tốt hơn ĐCSVN .
Nếu người dân trong một quốc gia độc đảng thuần CS như Việt Nam, muốn nước mình trở thành quốc gia dân chủ theo cách dễ dãi, thì không hề đơn giản. Ta hãy cùng điểm lại ở Đông Âu, Nam Phi, Chi Lê, trước khi chế độ độc tài (và sự thống trị của ngoại bang như Nam Phi) sụp đổ, thì các quốc gia đó đều đã có đa đảng được hoạt động công khai từ trước. Đây là một thuận lợi vô cùng lớn mà hiện nay ở Việt Nam chưa có. Trên thực tế cách mạng “thuần nhung” chỉ xảy ra ở một số ít nước như Tiệp Khắc, Séc Bi, Ba Lan. Còn ở những nước điển hình như Ru Ma Ni, Nam Phi, Chi Lê vv.., thì đấu tranh bạo động thậm chí còn luôn đi trước đấu tranh bất bạo động. Chính vì có bạo động, cho nên áp lực của những người đấu tranh tạo ra cho các nhà cầm quyền mới thực sự đủ mạnh, vì bản chất tâm lý của các quan chức độc tài thời bình là ham sống sợ chết. Ví dụ ở Chi Lê, thậm chí chính tên độc tài Pino Chet đã suýt phải bỏ mạng vì một cuộc tấn công vũ trang vào đoàn xe hộ tống hắn. Lần ấy chỉ có may mắn mới cứu sống được Pino Chet.
Nếu ĐCSVN cố tình bảo vệ ngôi vị độc tài bằng mọi giá, kỳ đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI này mà họ không có gì thay đổi theo hướng tích cực, thì nhiều khả năng đất nước sẽ có đấu tranh bạo động tự phát. “Tức nước vỡ bờ” đó là nguyên nhân bạo động đã trở thành chân lý. Đấu tranh ôn hòa công khai mà bị đàn áp, bắt bớ tù đày, thì có thể một số ít những người đấu tranh có tư tưởng tiêu cực, sẽ chuyển qua bí mật tấn công vũ trang hòng trốn tránh đàn áp là chuyện sẽ xảy ra.
Nếu ĐCSVN muốn đổi mới thì động thái trước tiên họ phải làm là sửa đổi hiến pháp. Sửa đổi hiến pháp là một việc làm hết sức bình thường đối với một quốc gia, nhằm giải quyết vấn đề đổi mới và phát triển. Nếu không, để cho đấu tranh bạo động tự phát tràn lan trên đất nước thì hậu quả sẽ khó lường, mà người thiệt hại đầu tiên chính là người dân vô tội. Kết cục cuối cùng là “dân liệu sẽ xong” và lúc đó ĐCSVN mất cả chì lẫn chài, vừa mất đi vị trí lãnh đạo đất nước, vừa mang tiếng xấu, tiếng ác xuống mồ. Nhưng máu lại chảy, dân đã khổ lại càng khổ hơn. Vậy lúc này, và trong kỳ đại hội toàn quốc lần thứ XI của ĐCSVN, là cơ hội tốt cho ĐCSVN thay đổi, để giữ vững an ninh chính trị, chứng tỏ vị thế cầm quyền thuyết phục của mình trong xã hội (!).
Chưa bao giờ các vụ tấn công cảnh sát, tấn công người thừa hành công vụ lại xảy ra ở Việt Nam nhiều như hiện nay. Chuyện lái xe tông thẳng xe của mình vào cảnh sát giao thông, chuyện người dân tấn công kiểm lâm, tấn công công an, đập phá ủy ban xã vv…, đã xảy ra hết sức thường xuyên. Đây là dấu hiệu nguy hiểm của tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo động, mà cách đàn áp bằng án tù không thể dập tắt được ý dân và giải tỏa được mâu thuẫn giai cấp.
Đến tận hôm nay, nhiều người vẫn còn tin vào sự thay đổi suy nghĩ của cựu đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp nay đã không thể còn đủ sức lực và trí tuệ để làm nên việc gì, ngoài việc viết thỉnh nguyện thư (thực chất chỉ là lời thỉnh nguyện) đến các cán bộ cao cấp của ĐCSVN.
Nhưng đó chỉ là những tiếng nói yếu ớt mà chẳng thể đem lại điều gì! Ông Giáp thực sự đã bị thất sủng từ trước năm 1975 đối với trung ương ĐCSVN. Ông Giáp từng bị sỉ nhục khi từ một vị đại tướng nổi danh thống lĩnh toàn quân, bỗng bất ngờ bị đẩy xuống làm trưởng ban Sinh Đẻ Và Kế Hoạch Hóa Gia Đình của quốc gia. Hàng chục năm nay, để ngăn chặn ý đồ đảo chính của tướng Giáp, ĐCSVN đã cắt cử hẳn một biệt đội cảnh vệ vũ trang canh gác tư gia của ông Võ Nguyên Giáp 24/24 giờ trong ngày nói là để bảo vệ tướng Giáp, nhưng thực chất là giam lỏng Ông tại gia.
Hiện nay không một ai, kể cả các cựu tổng bí thư như Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, “được” bảo vệ đặc biệt như vậy. Đó cũng là bài học nhãn tiền cho các vị tướng lĩnh của quân đội Việt Nam hôm nay- Bài học “vắt chanh bỏ vỏ”.
Chuyện ông Mạnh tiếp tục tại vị, hay ông Dũng hoặc bất kỳ ai trong Bộ Chính Trị của ĐCSVN lên làm tổng bí thư, sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng người dân Việt Nam có thể hy vọng nếu ông Nguyễn Tấn Dũng hoặc ai đó trong cương vị tổng bí thư, sẽ lên tiếng đề xuất việc sửa đổi hệ thống luật pháp của Việt Nam. Nếu có thay đổi, trước tiên phải là việc sửa đổi Hiến Pháp Năm 1992, xóa bỏ Điều 4 của nó. Tiếp theo là sửa đổi Bộ Luật Hình Sự, minh bạch hóa những điều khoản mập mờ trừu tượng trong đó như điều 88 và điều 79 vv.
Chính Hiến Pháp Năm 1992 và Bộ Luật Hình Sự của nước CHXHCNVN là sợi dây trói vô hình oan khiên ngăn chặn sự tiến bộ, ràng bó sự tự do, triệt tiêu tính dân chủ của cả xã hội cũng như của mỗi người dân Việt Nam.
Nhưng hơn 64 năm qua, lịch sử đã chứng minh là, không bao giờ ĐCSVN lại đơn phương từ bỏ quyền lực độc tài của mình. Vậy cùng với áp lực của quốc tế, người dân Việt Nam sẽ tự cứu lấy mình bằng cách tiếp tục đấu tranh dân chủ ôn hòa, trực diện với chế độ CS, tạo thêm nhiều áp lực mới lên ĐCSVN, thì mới có cơ may ít nhiều thay đổi suy nghĩ của các vị nguyên thủ quốc gia, đứng đầu là tổng bí thư ĐCSVN. Cởi trói! Đó là mục đích, và cũng là nhu cầu chính đáng cháy bỏng của bất kỳ những ai đang bị mất quyền tự do.
Lê Nguyên Hồng