Từ đây, một thực cảnh đã hiện đến với không ít người là quay cuồng giữa cơn lốc che mù lối thoát. Nhiệt tình phụng sự luôn nhắc nhở phải dấn thân nhưng vốn liếng kinh nghiệm đấu tranh hạn chế đã khiến không thể thoát khỏi cảnh bó tay.
Trong mong mỏi chung, phần đông bất mãn với chính quyền nên đều muốn có sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo để củng cố chế độ chứ không muốn đạp đổ chế độ. Cho nên không ít người đã mau chóng tìm tới với nhóm cầm đầu cuộc đảo chánh tháng 11/1960. Nhưng cuộc đảo chánh thất bại và chính quyền càng thẳng tay hơn trong sự đàn áp nhắm vào các mầm mống chống đối.
Hành động của chính quyền đã đẩy thêm tinh thần đối kháng nơi hàng ngũ trí thức bất mãn để mở ra cơ may đặc biệt cho miền Bắc trong ý đồ thôn tính miền Nam.
Từ 1959, Hà Nội đã mở đường mòn Trường Sơn đưa người và vũ khí vào Nam và cơn khủng hoảng quyền lực tại miền Nam lúc này giúp miền Bắc tìm ra ngay một giải pháp hành động. Đúng lúc chính quyền miền Nam lo săn lùng các phần tử trí thức đối kháng, ngày 20/12/1960, Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tuyên bố thành lập dưới danh nghĩa một chính đảng của dân chúng miền Nam chống xâm lược Mỹ và chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm.
Nhiều nhân vật trí thức miền Nam được mời tham gia với vị thế lãnh đạo Mặt Trận như dược sĩ Trần Kim Quan, luật sư Trịnh Đình Thảo, giám đốc ngân hàng Pháp-Hoa Michel Văn Vi. Những người này đều từ chối nên cuối cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành chủ tịch Mặt Trận sau khi ra khỏi nhà tù Tuy Hoà. Tới lúc đó, Nguyễn Hữu Thọ vẫn ứng ngoài hàng ngũ cộng sản, nhưng việc giải cứu Thọ khỏi nhà tù lại do Huỳnh Tấn Phát là một người cộng sản thực hiện. Cũng tới lúc đó, các thành viên khác của Mặt Trận đều luôn khẳng định chỉ là người đối kháng với chính quyền Ngô Đình Diệm chứ không hề liên quan với cộng sản. Ngoại trừ các cán bộ cộng sản giấu kín tung tích, một số đều biết chính quyền cộng sản miền Bắc đang đứng sau lưng, nhưng lại tin rằng họ sẽ được tôn trọng với tư cách một chính đảng độc lập tại miền Nam khi đấu tranh thành công. Cảnh ngộ riêng tư như trường hợp Nguyễn Hữu Thọ và tâm trạng bất mãn cao độ của những người khác đối với chính quyền Ngô Đình Diệm dễ dàng khơi gợi niềm tin đó. Niềm tin đó còn được củng cố thêm bởi những hứa hẹn liên tục đưa ra từ chính các nhân vật lãnh đạo miền Bắc. Một thành viên của Mặt Trận, Trương Như Tảng, kể lại trong nhiều năm chính quyền miền Bắc luôn cam kết tôn trọng vai trò tự quyết của Mặt Trận Giải Phóng.
Theo Trương Như Tảng, tổng bí thư Lê Duẩn đã khẳng định “Miền Nam cần có chính sách riêng của miền Nam” trong khi thủ tướng Phạm Văn Đồng, hơn một lần tuyên bố công khai với báo chí rằng “Chẳng ai lại có cái ý nghĩ ngu xuẩn và tội lỗi là thôn tính miền Nam”. (69)
William Shawcross đã viết về Trương Như Tảng và cuốn hồi ký trên tờ Washington Post trước đây: “Ông trở thành bộ trưởng tư pháp trong chính phủ VC, nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt, ông đã trốn thoát khỏi VN với tâm trạng bị vỡ mộng và thất vọng. Nay ông tị nạn ở Paris. Ông là một trong những viên chức cao cấp nhất đã đào thoát khỏi VN sang Tây Phương. Đây là cuốn tự truyện mang tính cáo giác, bộc trực và đáng nhớ.” (70)
Trương Như Tảng may mắn hơn những người cùng chung chọn lựa tới nay vẫn phải sống tại Việt Nam, tuy nhiên, dù may mắn cỡ nào vẫn khó tránh nỗi đau xót vì đã tự đâm đầu vào rọ do nhẹ dạ trước những lời dụ dỗ xảo trá. Đáng buồn là đã có hàng loạt người vướng nỗi đau xót này dù có một thời khoảng mà giới trí thức không còn phải bó tay bất lực trong cảnh bị cô lập vì mịt mù không tìm ra lối thoát trong đấu tranh. Đó là thời kỳ bùng nổ biến cố Phật Giáo đưa đến sự sụp đổ của nền đệ nhất cộng hoà để đặt miền Nam trên đoạn đường mới.
Nhận xét về biến cố Phật giáo và sự sụp đổ của nền đệ nhất cộng hòa, Stanley Karnow viết: “Sự cáo chung của chế độ khởi đầu bằng một rắc rối tôn giáo mà lúc đầu tưởng như không có gì quan trọng. Nhưng nó đã mau chóng kết tụ những bất mãn khác và chẳng mấy chốc sự bất mãn với chính quyền tích lũy nay lan rộng mau chóng và mang kích thước một cuộc nổi dậy về chính trị.” (71)
Biến cố khởi đầu ngày 8/5/1963 tại Huế chỉ là phong trào đòi hỏi thực thi quyền bình đẳng tôn giáo có vẻ tự phát, thuần tín ngưỡng và xử dụng phương pháp bất bạo động.
Mục tiêu phản đối lệnh cấm treo cờ Phật Giáo dù bằng cuộc biểu tình với hàng ngàn Phật tử tham gia tại Huế chưa báo hiệu tầm vóc của một biến cố lớn. Nhưng diễn tiến ngay sau đó đã thổi bùng lên trận cuồng phong lan rộng tới Sài Gòn chỉ trong vòng bảy ngày.
Một tháng sau, ngày 11/6 là vụ hoà thượng Thích lôi cuốn không chỉ riêng tín đồ Phật giáo mà đủ mọi thành phần đặc biệt là giới trí thức trẻ bao gồm hầu hết sinh viên khắp các đại học trên toàn quốc. Diễn biến có ý nghĩa đáng kể nối theo của giới trí thức là quyết định từ chức bộ trưởng ngoại giao của giáo sư Vũ Văn Mẫu kèm theo quyết định cạo đầu phản đối guồng máy chính quyền mà chính ông là một thành phần trong đó. Mức độ biến chuyển dồn dập như bão táp khiến chính thượng toạ Thích Trí Quang, một linh hồn của phong trào đấu tranh lúc đó đã phải thừa nhận là “một sự vận động kỳ quái” vượt xa mọi dự đoán.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Phật giáo đã có cuộc vận động mang tầm vóc quốc gia và tác động sâu đậm tới dư luận quốc tế. Từ mục tiêu đòi bình đẳng tôn giáo, phong trào mau chóng chuyển hướng thành lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và giới tướng lãnh đã hoàn tất ý hướng này vào ngày 1/11/1963.
Cuộc vận động cũng đưa vào chính trường một thành phần gần như chưa từng có vai trò trong mọi biến cố mang tầm vóc quyết định vận mạng xã hội. Đó là những con người vốn giản dị, hiền hoà với nếp sống tu hành lặng lẽ mà theo quan niệm của đại đa số còn là những người không bận tâm tới mọi diễn biến thực tế hàng ngày, thậm chí không bận tâm đến cả sự còn mất của bản thân. Những con người này vụt biến thành tác nhân với mức ảnh hưởng đủ sức xoay hướng chính trường. Một người trong số đó là thượng toạ Thích Trí Quang đã luôn nằm trong tầm ngắm của giới báo chí quốc tế.
Ngay giữa dòng cuộc vận động, thượng toạ Trí Quang đã được gán biệt danh “người làm rung chuyển nước Mỹ” và suốt từ đó gần như cái tên Trí Quang thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo.
Hình của ông được in trên bìa tạp chí Time, số ra ngày 22/4/1966 trong đó có một bài phỏng vấn và một bài viết về ông mà nhà báo đã tả ông bằng những lời lẽ trân trọng (72):
“Đôi bàn tay yếu ớt nhưng thanh nhã của vị tu sĩ Phật giáo, người đã châm ngòi cho sự biến động, đưa lên ra dấu và đám đông trở về nhà, bầu không khí trở lại trong trẻo. Tuy sự khủng hoảng chưa hẳn chấm dứt, nhưng đường lối đã thay đổi và được điều vi, lúc thì tế nhị lúc thì oai nghiêm, dưới sự điều khiển của một trong những người phi thường nhất của miền Nam Việt Nam. Như là kết quả của quyền lực và kỷ luật mà ông đã chứng minh tuần vừa qua…”
Sự lưu tâm đặc biệt đến thượng toạ Trí Quang không chỉ do ngưỡng mộ mà một phần đã khởi từ những nghi vấn về hoạt động chính trị cũng như tôn giáo của ông. Điều dễ thấy là cuộc vận động của Phật Giáo năm 1963 đã đem lại cho miền Bắc một cơ hội bằng vàng trong mưu đồ đánh bại miền Nam. Cho tới lúc đó, miền Bắc đã đưa nhiều đơn vị xâm nhập, đã mở được một số trận đánh tương đối lớn như trận Ấp Bắc, nhưng tất cả mới chỉ là bước khởi đầu trong khi chính quyền miền Nam vẫn nắm vững tình thế. Sự bùng nổ phong trào Phật Giáo chống đối hiển nhiên buộc chính quyền miền Nam phải phân chia năng lực, nhất là đã có tác động huỷ hoại uy tín từng có của chính quyền miền Nam trong dư luận quốc tế. Do đó, việc miền Bắc lợi dụng khai thác phong trào Phật Giáo đấu tranh sẽ không có gì đáng ngờ vực hoặc gây ngạc nhiên. Chỉ đáng ngạc nhiên nếu miền Bắc không lợi dụng khai thác mà thôi.
Nhưng nghi vấn về hoạt động của thượng toạ Thích Trí Quang không dừng ở mức bị miền Bắc lợi dụng khai thác mà vươn xa tới mức tìm hiểu về tương quan giữa ông với cộng sản ra sao. Bởi ngay thời gian vừa bùng nổ phong trào Phật Giáo, việc gán ghép các nhân vật cầm đầu phong trào có liên hệ với cộng sản đã được nêu ra. Điều này không khó hiểu tuy nhiên vẫn gây thắc mắc. Và, cơ quan CIA trong phạm vi trách nhiệm bắt buộc đã có bản phúc trình ngày 28/8/1964 như sau: “Một phân tích xem Trí Quang có thể có liên hệ tới đảng phái, nhân cách và những mục tiêu Cộng sản: Cơ sở tường trình ngày 27 tháng 8 năm 1964: Đánh giá rằng Trí Quang không phải cộng sản, ông ta có thể mong muốn xây dựng
một thể chế thần quyền tại Việt Nam.” (73)
Riêng thượng toạ Trí Quang từng phát biểu về Cộng Sản khi trả lời ký giả Nhật Bản Takhasi Oka: “Cộng Sản chống chúng tôi, vì Phật Giáo nằm trong lòng dân tộc. Cộng Sản luôn luôn muốn tổ chức quần chúng mà Phật Giáo lại là quần chúng. Điều đó gây khó khăn cho cả Cộng Sản lẫn chúng tôi.”
Tờ Lập Trường, cơ quan tranh đấu của Phật Giáo tại Huế, số ra ngày 17/10/1964 đã phổ biến lời tuyên bố sau của thượng toạ Trí Quang: “Tôi tin tưởng vững chắc rằng chủ nghĩa Cộng Sản không bao giờ có thể thắng được. Tôi tin tưởng vững chắc rằng chủ nghĩa Cộng Sản không phải là lý tưởng của loài người.”
Sau 1975 vẫn có những bài báo quốc tế trở lại đề tài này với khẳng định chỉ có bằng chứng cho thấy thượng tọa Trí Quang là người nuôi cao vọng vận dụng sức mạnh Phật Giáo để gạt cả Cộng Sản lẫn Mỹ khỏi vấn đề VN. Chính vì thế mà ông đã trở thành kẻ thù của mọi phía.
Tuy nhiên, phong trào Phật Giáo 1963 không chỉ có tác dụng đưa vào chính trường một lớp người mới với các huyền thoại kiểu vẽ rắn thêm chân hoặc tô điểm bằng màu sắc trái ngược. Dấu ấn đáng kể là lực đẩy miền Nam qua một thời kỳ mới, đồng thời biến VN thành đề tài cuốn hút dư luận thế giới.
Nguồn cỗi đưa tới dấu ấn này là vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11/6, vụ tự tử của nhà văn Nhất Linh ngày 7/7 và vụ từ chức của giáo sư Vũ Văn Mẫu ngày 21/8.
Dù có thể nói về biến cố Phật Giáo 63 theo mọi cách, thì trước vụ hòa thượng Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, mọi người đều phải cúi đầu câm lặng, phải suy nghĩ, phải đánh động tâm tư và phải thức tỉnh.
Cái chết ấy gióng lên một niềm tin do đã mang vóc dáng vượt xa cảnh giới bình thường, trở thành biểu tượng của Phật giáo và của người dân miền Nam.
Tấm hình chụp đầu tiên ghi rõ mầu áo còn trắng, lửa bốc cao tỏa rộng như chưa táp vào người hòa thượng. Bên cạnh, thùng xăng nhựa còn để đó. Hòa thượng ngồi kiết già, mắt nhắm, lưng thẳng, tay buông xuôi, nghiêm chỉnh và tự tại như đã đạt cảnh giới hư vô giữa sức nóng của lửa táp, mặt không lộ một nét nhăn,gần như vô cảm. Không thể tin nổi con người có thể trấn áp những cơn đau chạm thẳng đến thần kinh cảm giác như vậy. Dù sức chịu đựng tới đâu cũng khó tránh quằn quại vùng vẫy, la hét. Các cơ bắp sẽ phải tự nhiên co bóp, giật tay, giật chân và sau khi chết, có thể méo miệng, trợn mắt, tay chân co dúm, khòng khoèo… Lạ lùng tới phi thường là tất cả những hiện tượng đó không hề xảy ra.
Qua những bức hình kế tiếp, áo ngài đã cháy rụi, mặt nhám đen không còn nhìn rõ. Nhưng tư thế ngồi vẫn thế. Vẫn bất di bất dịch. Vẫn kiết đàn. Vẫn bình thân tự tại. Thân hình chỉ như nhỏ thót lại. Và, trong tấm hình chót, lửa hầu tắt, tay ngài vẫn đặt ngang bụng. Hai tấm vải hay tấm nhựa gì đó vẫn còn nguyên vẹn, mặt dường như nhiều chỗ đen xì, nhưng toàn bộ vẫn không bị cháy.
Phóng viên tờ New York Times, David Halberstam, ghi lại điều đã chứng kiến và cảm xúc của bản thân: “Đằng sau tôi là tiếng sụt sùi của những người Việt Nam tụ tập ở đó. Tôi xúc động đến không kêu lên được, lúng túng không biết ghi chép gì hay đặt câu hỏi, đầu óc luẩn quẩn không nghĩ được gì nữa… Trong khi bị lửa đốt, bắp thịt hòa thượng không hề co giật, ngài không thốt một tiếng kêu, dáng ngồi vẫn thẳng, khác hẳn với đám người đang chờ đợi chung quanh.(74)
Thế ngồi thẳng, không một chút lay động, trước và sau lúc tự thiêu vẫn thế, cho thấy một sự điềm nhiên tọa thị thật kỳ lạ, thật ấn tượng, trong khi đồng đạo đứng bên ngoài đều không nén nổi bật khóc. Có một cái gì vượt xa tầm nhận thức con người, một sức mạnh siêu thường, bất chấp quy luật tự nhiên.
Khó thể có tư thế chết nào đẹp hơn.
Chết vì đạo, hy sinh tấm thân để cứu đạo, cứu đời, nhưng trong bản chúc thư, lời lẽ vẫn ôn nhu, trân trọng đối với kẻ đáng nhẽ bị coi là kẻ thù. Cái quý chính là trái tim đó, tấm lòng đó. Hãy lắng nghe lời di chúc của Hòa thượng Thích Quảng Đức như còn vẳng đâu đây: “Cầu hồng ơn Phật Tổ gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt. Cầu cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn. Cầu Đức Phật gia hộ cho đại đức, tăng ni tránh khỏi kiếp nạn. Cầu cho đất nước thanh bình. Cuối cùng thì một lần nữa kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm lấy lòng từ bi bác ái đối với quốc dân.”
Miền Nam cần những tấm lòng như thế. Đất nước Việt Nam cần những tấm lòng như thế. Lửa Quảng Đức còn dạy cho các thế hệ mai sau bài học của lòng nhân ái ngay đối với kẻ thù. Lòng nhân ái đó, nói
theo tinh thần nhà Phật, chính là ngọn lửa từ bi.
16 ngày trước vụ tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức đã có cái chết của một nữ sinh gây xúc động cho mọi người. Đó là cái chết của nữ sinh Quách Thị Trang trong cuộc biểu tình tại khu chợ Bến Thành ngày 25/8/1963 mà nhà thơ Bùi Khải Nguyên, một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã ghi lại trong bài thơ “Quách Thị Trang”:
Tóc ngọc lan xõa vai
Xinh Lolita
Ngây thơ Juliette
Ngày hôm qua
Cô còn thức thì thầm bên gối chiếc
Cô còn ép cánh hồng giữa trang tiểu thuyết Công trường Diên Hồng
25 tháng 8
Cô gái yếu đuối như sên
Hiền như đất
Xinh Lolita
Ngây thơ Juliette
Trái tim Sài Gòn – Việt Nam thổn thức. “Đoàng”. Phát súng dã man
Cô nữ sinh ôm tim gục xuống Để chúng ta
Mỗi lần qua công trường Diên Hồng
ngợp hương hoa nắng
Nhớ dùm cho
Một phút: 60 giây
Quách thị Trang
Ơi em gái nằm đây
Yếu như sên
Hiền như đất
Xinh Lolita
Ngây thơ Juliette
Đã can đảm dám yêu, dám ghét
Đã dám sống đủ 60 giây, một phút Rất hồn nhiên…
Không tính toán…
Chẳng băn khoăn…
Những con người, những sự hy sinh thật trong sáng và đáng ngưỡng phục.
Ngày 7/7/63, danh sách những con người hy sinh trong sáng đó ghi thêm một tên tuổi lẫy lừng của Việt Nam: nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
Đầu thập niên 1930, Nhất Linh sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, chủ trương báo Phong Hoá và là nhà văn mở đường cho một trào lưu sáng tác mới trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông cũng là nhà văn có những tác phẩm tác động mạnh mẽ vào trào lưu đổi mới nếp sống của lớp trẻ đương thời, đặc biệt là lớp trẻ thành thị. Ông không dừng tại đó mà đã dấn thân vào đấu tranh chính trị khi tình thế đất nước đòi hỏi. Vì thế trước 1945, ông phải rời bỏ thế giới văn chương trốn qua Hoa Nam khi bị chính quyền bảo hộ Pháp lùng bắt.
Sau 1945, ông trở thành bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ liên hiệp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản để cùng mọi người chung lo phụng sự đất nước. Ông đã không thành công trong chính trị như trong sinh hoạt văn chương. Với tư cách bộ trưởng ngoại giao, ông cầm đầu phái đoàn thương thuyết với Pháp tại Đà Lạt năm 1946 và thực tế cho ông thấy đảng cộng sản vẫn chi phối chính quyền, triệt tiêu mọi đóng góp của các thành phần đảng phái để thực hiện chủ trương riêng.
Vì thế, ông từ bỏ chức vụ, và một lần nữa trốn qua biên giới sang Trung Quốc năm 1946, sống lưu vong ở Côn Minh, Trùng Khánh rồi Thượng Hải. Sau khi Hoa Lục rơi vào tay Cộng Sản Trung Hoa, ông về sống tại Sài Gòn từ 1951.
Thời gian này, ông có nhiều thay đổi và một người thân của ông, nhà văn Trương Bảo Sơn, cho biết: “Tuy làm việc đấy, nhưng ông xuống tinh thần, như người thất chí, chán đời, mệt mỏi chỉ tiếp một số bạn bè thân. Ông tuyên bố không làm chính trị nữa và đưa con lên ở Đà Lạt, lấy thú đi rừng kiếm lan, chơi lan để giải buồn.”
Con trai ông, Nguyễn Tường Thiết, cũng kể về những điều bất thường của ông:
“Có đêm lũ chúng tôi lồm cồm bò dậy còn nghe tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Sau này khám phá ra rằng cha tôi là người cô đơn và đau khổ”.
Nhất Linh có nhiều lý do để cô đơn và đau khổ: Sự thất bại cay đắng trong việc hoà hợp với cộng sản Việt Minh năm 1945 lại thêm cái chết của người em và cũng là đồng chí, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long. Kế tiếp, người em út Nguyễn Tường Bách đã từ Quảng Châu đến Hồng Kông đề nghị ông nên từ bỏ chủ nghĩa Tam Dân tạo nên sự phân rẽ hệ phái Quốc Dân Đảng làm hai, trong khi Mặt Trận Quốc
Dân Đoàn Kết do ông cùng hai nhân vật Phan Khắc Sửu, Nguyễn Xuân Chữ đề xướng không tạo nổi tiếng vang nào.
Ngay từ 1954, sức khỏe của ông đã suy sụp như Nguiễn Ngu Í từng kể: “Anh dường như yếu nhiều và chẳng những tay anh hơi run, mà phía dưới hai gò má anh cũng giựt lia, giọng anh liu líu, hơi nói chẳng được dài. Và cả người anh một cái gì mệt mỏi chán chường.”
Tuy vậy, Nhất Linh vẫn tiếp tục các hoạt động chính trị trong thế đứng đối lập với chính quyền Ngô Đình Diệm và đã tán trợ cuộc đảo chánh bất thành ngày 11/11/960 nên có quyết định đưa ra Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt xét xử vào ngày 9/7/1963. Nhất Linh đã không có mặt trước toà vì ngày 7/7, ông đã uống độc dược tự sát và ghi lại ít dòng chữ cho biết:
“Không ai có quyền xét xử đời tôi ngoại trừ lịch sử.”
Cái chết của Nhất Linh mang hai ý nghĩa. Với riêng cá nhân ông, nó hoàn tất và chấm dứt một cuộc đời đầy bi lụy với những thất bại chính trị, và có thể đã trở thành chiến thắng cuối cùng mà ông từng mong đợi? Đối với dân chúng miền Nam, cái chết của Nhất Linh như một lời cảnh cáo chế độ, bùng thêm một ngọn lửa hun nóng niềm tin và tạo thêm sức mạnh cho những người đang đấu tranh cho tiến trình dân chủ. Với cái chết chọn lựa, Nhất Linh đã thành biểu tượng sáng chói cho trí thức giới miền Nam giai đoạn này trong ý nghĩa được diễn tả qua hai câu thơ của Phạm Thiên Thư nói về cái chết của ông:
Là khai tử để khai sinh lại mình.
Sau vụ tự tử của nhà văn Nhất Linh, chính quyền Ngô Đình Diệm gần như mất hết tín nhiệm trong quần chúng, đặc biệt là cả với nhiều người theo Thiên Chúa Giáo. Nhìn chung, lòng dân đã đổi, đủ mọi thành phần trí thức đều tỏ ý phản đối.
Người Mỹ không còn mặn mà trong khi các tướng lãnh rắp tâm đảo chính. Giữa tình hình đó lại thêm tiếng nổ phát ra từ lầu thượng của toà nhà chính quyền: ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức và cạo đầu phản đối việc tấn công các chùa. Việc cảnh sát bao vây các chùa, bắt giữ toàn bộ tăng ni diễn ra giữa khuya 20/8/63 rạng sáng 21/8/63 và chiều 21/8, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu tuyên bố từ chức.
Ngoại trưởng Mẫu là một giáo sư nổi tiếng của Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và là gương mặt trí thức sáng giá của miền Nam. Ông trở thành bộ trưởng ngoại giao từ ngày mở đầu nền đệ nhất cộng hoà Việt Nam cho tới thời điểm đó và vẫn được tả như một người thận trọng. Một người thận trọng mà phải hành xử quyết liệt như thế rõ ràng đã trút dầu sôi vào ngọn lửa đang nóng bỏng. Giới sinh viên như được thổi một làn gió mát để tăng thêm hăng say tin tưởng, đồng thời nhiều nhân vật trí thức cảm thấy cần thiết phải dấn thân. Ngay sau đó là tin giáo sư Phạm Biểu Tâm từ chức rồi bị bắt giam cùng các nhân vật nổi tiếng như giáo sư Âu Trường Thanh, luật sư Bùi Tường Chiểu …
Thời kỳ mới do phong trào Phật Giáo 1963 mở ra chính là thời kỳ giới trí thức Việt Nam chọn lựa thái độ dấn thân đấu tranh thay vì giới hạn đóng góp trong phạm vi chuyên môn như từng có.
Tới lúc đó, tổng thống Diệm đã cầm quyền 9 năm và sự hiện diện trên chính trường của giới trí thức rất mờ nhạt – mờ nhạt ngay cả khi đem so với vai trò của giới trí thức miền Bắc trong khuôn nếp một chế độ chuyên chế.
Mặc dù đặt nặng cán cân giá trị cho tính “hồng” so với tính “chuyên” miền Bắc luôn vận dụng tối đa vai trò trí thức trong đấu tranh, đặc biệt trên mặt trận tuyên truyền. Trí thức miền Bắc có vẻ thường xuyên có mặt trên chính trường theo hai hướng nhất định là chứng minh chính nghĩa của miền Bắc
và thúc đẩy thái độ chống đối nhắm vào miền Nam. Khai thác thực tế theo thủ thuật đồng hoá các phong trào yêu nước với cộng sản, miền Bắc giơ cao lá cờ đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập để tự tạo thế thừa kế độc nhất của giai đoạn chống thực dân Pháp đầu thế kỷ 20. Lợi thế của miền Bắc là
đã có mặt một số người từng sống trong các nhà tù thực dân Pháp trước 1945 cùng một số nhân vật tên tuổi tại hải ngoại nặng tình với đất nước nhưng chưa nhìn rõ lá cờ yêu nước chỉ là bộ áo khoác ngoài của đảng Cộng Sản. Mặt trận tuyên truyền là mặt trận chủ yếu trong sách lược cộng sản nên vai trò của những người này rất đáng kể. Tất nhiên, có thể bảo họ chỉ là công cụ cho tập thể cầm quyền không hề tôn trọng kiến thức của họ mà chỉ lưu tâm tới ảnh hưởng và uy tín của họ đối với dư luận và quần chúng, nhưng họ vẫn có mặt trong các công cuộc chung của toàn miền Bắc. Trong số họ, có người tận tín mù quáng ở chủ nghĩa Cộng Sản, có người bị lôi cuốn bởi lợi lộc, danh vị và cũng có người vì run sợ trước các hình thức đe doạ của bạo quyền, nhưng hết thẩy đều đã có mặt và góp phần vào thành tựu của Cộng Sản trong cuộc đối đầu với miền Nam. Ngoài thành phần tương đối đặc biệt đó là giới trí thức bao gồm những người sinh hoạt trong các lãnh vực văn học, nghệ thuật và cả lớp trẻ tại các học đường.
Nói chung, giới trí thức tại miền Bắc có vai trò rất cụ thể trong chính trường là góp sức từng ngày từng giờ cho mọi hoạt động của chính quyền miền Bắc.
Ngược lại, dưới chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, giới trí thức miền Nam dấn thân phần đông lớn tuổi, từng hoạt động chính trị từ các thập niên 1930, 1940 với cách tham gia chính quyền hoặc đảng phái. Rất đông trong số này xuất thân khoa bảng và chưa vượt khỏi nếp suy tư truyền thống của một dân tộc nhược tiểu liên tục ép mình dưới các chế độ phong kiến rồi thực dân. Do đó chính kiến bị giới hạn ngay cả với người đã từng trải sinh hoạt đảng phái. Mục tiêu nhiều người nhắm tới thường không xa hơn việc thủ đoạt quyền lực nên chọn lựa phổ biến thường là chờ thời tham chính hoặc vận động ở hậu trường.
Một thiểu số có tầm nhìn tương đối xa thì nhận thấy tổng thống Ngô Đình Diệm đã nhân danh “tự do dân chủ” để thi hành một chế độ độc tài tương tự cộng sản miền Bắc với mức độ ít tàn khốc hơn. Cuối thập niên 1950, thiểu số này chính thức xác định sự có mặt trên chính trường nhưng chỉ bằng bản “tuyên ngôn Caravelle” và các vận động tạo dựng lực lượng chống đối tiến hành trong bí mật. Vai trò trí thức miền Nam do đó hết sức mờ nhạt và hạn chế, vì không có gì đáng kể ngoài những đóng góp chuyên môn của các chuyên gia tham dự chính quyền.
Trong khi đó, giới trí thức trẻ tại thành thị với khung cảnh giáo dục và xã hội thông thoáng có cơ hội tiếp xúc với nhiều chân trời lạ lại gần như thiếu hẳn hiểu biết về diễn biến lịch sử của đất nước Việt Nam trong giai đoạn trước đó. Kết quả là đã có nhiều hướng nhìn trái ngược về cuộc sống tới mức hỗn loạn để xé nát giới trí thức ra nhiều mảnh vụn rã rời hoặc đối nghịch lẫn nhau.
Tóm lại, cho tới năm 1963, trong hai thế đứng — ủng hộ hoặc chống đối chính quyền — của cả hai thành phần già và trẻ, giới trí thức tại miền Nam không hề có vai trò quyết định nào trên chính trường. Trong lúc giới trí thức miền Bắc phải còng lưng chu toàn trách nhiệm công cụ phục vụ một bạo quyền, giới trí thức miền Nam có thể thảnh thơi chọn lựa, kể cả chọn quay lưng với xã hội.
Tất cả đã đổi thay khi bùng nổ phong trào Phật Giáo đấu tranh. Diễn biến thực tế của phong trào với tác động kích cảm mãnh liệt chính là lời kêu gọi thái độ nhập cuộc và gần như mọi thành phần trí thức đã đồng loạt dấn thân.
Chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ ngày 1/11/1963 càng nâng cao cường độ tác động kích cảm này của giới trí thức, đặc biệt là lớp trí thức trẻ. Nhưng vốn liếng chính kiến và kinh nghiệm đấu tranh hạn chế đã khiến sự có mặt nhiều thành phần trí thức miền Nam trên chính trường vào thời gian sau đó chỉ là những cuộc phiêu lưu.
Lúc này, thay vì chọn lựa quay lưng với xã hội là chọn lựa phải đấu tranh chống lại mọi áp bức, bạo lực bất cứ từ đâu tới. Phải can đảm đứng về phía các nạn nhân bị áp bức, về phía người nghèo để chống lại mọi chế độ phản dân, mọi tham vọng độc tài hầu duy trì lý tưởng tự do dân chủ…
Tình hình chung với tính chất hối hả của chính trường miền Nam sau ngày 1/11/1963 đã góp thêm điều kiện cho các chọn lựa bất cập. Các cuộc đảo chính do tranh giành quyền lực và các mối bất đồng do tinh thần phe nhóm gần như đẩy toàn bộ miền Nam vào tình trạng vô chính phủ. Khối Phật Giáo Thống Nhất vừa tạo một cuộc đổi đời cho đất nước cũng mau chóng biến thành 2 phe đối đầu và biến cố miền Trung năm 1966 đã có lúc đặt miền Nam vào nguy cơ nội chiến. Gần như giới trí thức miền Nam, nhất là thành phần trẻ, không hề vắng mặt trên mọi thế đứng trong cơn hỗn loạn kéo dài tới năm 1966.
Cơn say suốt 6 tháng tham gia phong trào Phật Giáo đấu tranh 1963 đã tạo nên nhiều viễn ảnh về lý tưởng tự do, về công bằng xã hội… và thúc đẩy mọi người sẵn sàng lao theo mọi lời kêu gọi đấu tranh, bất kể hành động của mình có thể bị các thế lực giấu mặt ở hậu trường khai thác ra sao.
Chính thượng tọa Trí Quang qua biến cố miền Trung phải nhìn nhận có nhiều việc xảy ra hoàn toàn không nằm trong chủ trương — chẳng hạn một số vụ tự thiêu ở Huế, vụ đưa bàn thờ Phật xuống đường…Khi đề cập tới những vụ này, ông đã nhìn nhận là ông không thể ngăn chặn kịp.
Khi khơi động biến cố miền Trung 1966, thượng tọa Trí Quang nêu lập trường vận động một nền hòa bình Phật giáo do dân tộc và cho dân tộc. Đây là lập trường được các phe phái trong khối Phật Giáo chuẩn thuận và là mục tiêu đấu tranh của Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng do thượng toạ Trí Quang chỉ đạo. Các ký giả Tây phương có dịp gặp ông lúc đó đã ghi lại nhiều lời tuyên bố của ông khẳng định không thể ngưng nỗ lực chống Cộng nhưng cũng không thể giao việc này cho các kẻ lợi dụng danh nghĩa chống Cộng, nhất là không thể chống Cộng chỉ bằng súng đạn như quan điểm của người Mỹ. Ông mô tả dân chúng Việt Nam phải gánh chịu quá nhiều thảm cảnh đau khổ do Cộng Sản và do cả những kẻ lợi dụng việc chống Cộng Sản.
Nhưng trong diễn biến của cuộc đấu tranh nhắm tìm một thế mạnh cho lực lượng chống Cộng Sản lại xuất hiện không ít khẩu hiệu sặc mùi Cộng Sản (75) ngay trên các đường phố Đà Nẵng và đã xẩy ra những sự việc mà chính người cầm đầu cuộc đấu tranh phải tự thú là ngược hẳn với mọi chỉ thị của mình, chẳng hạn các vụ tự thiêu và đưa bàn thờ Phật xuống đường.
Thời kỳ mới được mở ra cho miền Nam hiển nhiên là thời kỳ bừng bừng khí thế đấu tranh, nhưng cũng có thể coi là thời kỳ dấy lên những mầm mống đổ vỡ khó tránh của miền Nam. Bởi gần như mọi người đều không còn đủ bình tĩnh để tự chủ, nhất là không còn đủ sáng suốt để phân định chính xác mọi sự việc diễn biến ở xung quanh.
Phong trào trí thức tả khuynh xuất hiện sau đó chính là lời xác nhận cảnh tượng trí não rối mù của miền Nam trong thời kỳ 1963-1975.
Nguyễn Văn Lục
(Còn tiếp)
______________________________________________________
(70) “He became the Viet Cong’s Minister of Justice, but at the end of the war, he fled the country in disillusionment and despair. He now lives in exile in Paris, the highest level official to have defected from Viet Nam to the West. This is his candid, revealing and unforgettable autobiography.”
(71) “La fin du régime commenca par une controverse religieuse qui, au départ, parut sans importance. Mais elle cristallisa rapidement les autres griefs accumulés contre le gouvernement et prit les proportions d’un soulèvement politique.” — Viet Nam, Stanley Karnov, tr.159.
(72) “The frail, elegant hands of the Buddhist bonze who had ignited the trouble gestured- and the mobs went home, the air cleared. The crisis itself had not ended, but its course had been changed and channeled, sometimes subtly, sometimes imperiously, by one of South Viet Nam’s most extraordinary men. As a result of the power and discipline he displayed in last week…”
(73) Nguyên văn: “An analysis of Thich Tri Quang’s possible Communist Affiliations, Personality and Goals: Situation Report as of 27 August 1964: Assessment is that Tri Quang is not a Communist, he would like to establish a theocracy in South Viet Nam.”
(74) Nguyên văn: “Behind me I could hear the sobbing of the Vietnamese who were now gathering. I was too shock to cry, too confused to take notes or ask question, too bewildered to even think… As he burned, he never moved a muscle, never uttered a sound, his outward composure in sharp contrast to the waiting people around him.”
(75) Những khẩu hiệu thường xuất hiện trong các đám biểu tình: “Đà Nẵng đã biến thành Hiroshima” – “Đả đảo Thiệu, Kỳ, Có, tay sai đế quốc Mỹ”… .