Cuộc cách mạng về đối ngoại của Tổng Thống Obama
Vì theo dõi kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế, dư luận Hoa Kỳ không mấy chú ý tới một quyết định về ngoại thương của Tổng Thống Barack Obama. Ðây là một cuộc cách mạng có thể thay đổi quan hệ bạn thù của Hoa Kỳ với các nước khác…
Dù rất bận về các hồ sơ nội chính, hôm Thứ Năm, 11 tháng 3, Tổng Thống Barack Obama đích thân tới trụ sở ngân hàng Xuất Nhập Cảng Hoa Kỳ (U.S. Export-Import Bank) tham dự hội nghị thường niên của cơ quan này. Ðược thành lập năm 1934, sau vụ Tổng Khủng Hoảng, và có quy chế độc lập của Hành Pháp từ năm 1945, ngân hàng Ex-Im Bank là công cụ phát triển ngoại thương Hoa Kỳ, chủ yếu là qua cung cấp đảm bảo tín dụng cho nghiệp vụ xuất cảng của doanh nghiệp Mỹ.
Tại đây, tổng thống Mỹ loan báo Sáng Kiến Xuất Cảng – “National Export Initiative” – trong một bài diễn văn ít được truyền thông Mỹ loan tải, nhưng làm chấn động nhiều quốc gia đối tác của Hoa Kỳ.
Mục tiêu của sáng kiến là để nhân số xuất cảng gấp đôi trong năm năm hầu tạo thêm hai triệu việc làm cho dân Mỹ. Trong hoàn cảnh kinh tế bị nhập siêu và thất nghiệp nặng, quyết định ấy có thể khiến ta nghĩ đến viễn ảnh tái tranh cử của ông Obama năm 2012. Việc đặt ra chỉ tiêu gia tăng xuất cảng trung bình 14% một năm (khoảng 15 tỷ đô la) từ nay đến 2015 có thể khiến giới kinh tế suy nghĩ về tính chất khả thi, có nổi không. Trong khi giới bình luận chính trị thì để ý tới khuynh hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh trong đảng Dân Chủ đang ưu lo về nhu cầu bầu cử năm nay.
Nhưng chuyện ấy thật ra vẫn nhỏ nếu ta tìm hiểu thêm về nội dung của sáng kiến xuất cảng.
Chính quyền Obama sẽ lập ra một bộ phận được mờ ảo gọi tên là “Export Promotion Cabinet.” Mờ ảo vì cơ quan khuếch trương xuất cảng ấy có vị trí hành chánh ngang hàng một bộ không mà được gọi là “Cabinet,” thay vì “Agency” hay “Administration”? Chuyện ấy cũng nhỏ. Cơ quan này quy tụ đại diện các bộ Ngoại Giao, Tài Chánh, Thương Mại, Canh Nông và một số bộ phận công quyền liên hệ đến ngoại thương để cùng phối hợp chánh sách. Bên cạnh tổng thống, Hội Ðồng Xuất Cảng cũng được cải tổ và nâng cấp để cố vấn cho Hành Pháp về phương thức đẩy mạnh xuất cảng. Lãnh đạo hai tổ hợp Boeing và Xerox được mời vào Hội Ðồng “Export Council” này.
Về tổ chức thì vậy. Về chánh sách thì từ nay, các bộ phận có trách nhiệm về ngoại giao chính trị sẽ nhận lãnh thêm một nhiệm vụ mới là thúc đẩy xuất cảng. Việc gia tăng xuất cảng không còn tùy vào khả năng của các doanh nghiệp Mỹ, các phòng Thương Mại Hoa Kỳ hay các tùy viên thương mại trong Sứ Quán Hoa Kỳ trên thế giới. Chính phủ Mỹ sẽ đứng phía sau để đẩy mạnh quốc sách xuất cảng và mở rộng thị trường nhập cảng của các nước đối tác với Hoa Kỳ.
Thuần về kinh tế thì đây là một quyết định hợp lý.
Thế giới đang gặp một thất quân bình quái đản cần điều chỉnh, là các nước công nghiệp hóa tiết kiệm ít hơn các nước đang phát triền loại “tân hưng” và nhập cảng rất nhiều từ các nước này bên bị nhập siêu và mắc nợ. Trong các nước công nghiệp hóa đó, Hoa Kỳ đứng đầu và bị thất quân bình nặng nhất, nhập siêu tới 800 tỷ và mắc nợ ngập đầu.
Hoa Kỳ tiêu thụ nhiều hơn tiết kiệm, nhập cảng nhiều hơn xuất cảng và đang bị thất nghiệp tới gần 10%. Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách, bị nhập siêu và phải vay mượn thế giới để duy trì mức sống và thói sống của người dân.
Vì vậy, từ nay nội các Hoa Kỳ sẽ ra trận để “tiền pháo” cho các doanh nghiệp Mỹ “hậu xung.” Vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ được mời vào Hội Ðồng Xuất Cảng để giúp chính quyền chấm tọa độ… Quan hệ giữa các quốc gia với Mỹ sẽ được quyết định ở một yếu tố phụ trội là thiện chí mở cửa để nhập hàng Mỹ. Ðó là tinh thần của chính quyền Obama khi tung ra sáng kiến xuất cảng, đẩy mạnh kế hoạch xây dựng đối tác thương mại với các nước Thái Bình Dương và muốn bán hàng nhiều hơn cho nước tân hưng như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil, Indonesia, v.v…
Ngay tại hội nghị của Ex-Im Bank hôm 11, Tổng Thống Obama nêu đích danh Trung Quốc về hối suất thiếu tự do của đồng Nhân Dân tệ (đồng Nguyên). Xin giải thích: hối suất thấp làm hàng Trung Quốc rẻ hơn khi bán vào Hoa Kỳ, hàng Mỹ thành đắt hơn khi bán vào Hoa Lục, và làm lợi tức dân chúng Trung Quốc bị ghìm, thị trường tiêu thụ bị giới hạn, nhập cảng khó tăng. v.v…
Ðồng thời lưỡng viện Quốc Hội Mỹ cũng mở chiến dịch gây sức ép với Bắc Kinh và cả Hành Pháp Mỹ để mở rộng thị trường Hoa Lục cho doanh nghiệp Mỹ. Nếu không thì sẽ áp dụng thuế biểu trừng phạt. Vì vậy, người ta có thể và nên chú ý đến trận chiến ngoại thương Mỹ-Hoa trong một chiến tuyến gần như toàn diện giữa hai nước. Người ta cũng có thể chú ý đến triết lý chính trị của ông Obama và đảng Dân Chủ khi muốn chính quyền can thiệp mạnh hơn vào xã hội và thị trường.
Nhưng, những chuyện ấy không là mục tiêu của bài viết này!
Mục tiêu bài viết là tìm ra động lực chính trị bên sau các quyết định kinh tế và nhất là chiến lược đối ngoại gần như truyền thống của Hoa Kỳ: kinh tế là phương tiện của chính trị.
Sau hai đại chiến của thế kỷ 20, lãnh đạo Hoa Kỳ có rút tỉa bài học. Mâu thuẫn kinh tế giữa các nước có thể gây ra chiến tranh làm Mỹ bị liên lụy. Bị đánh bại và xử ép sau Thế Chiến I, nước Ðức vùng dậy dưới lá cờ Ðức Quốc Xã, trở thành cường quốc quân sự để giành lại quyền lợi kinh tế. Nước Nhật cũng vì kinh tế mà muốn xây dựng vùng Thịnh Vượng Ðông Á, bị Mỹ chặn tại Ðông Nam Á là mở ra vụ tấn công Trân Châu cảng năm 1941…
Vì vậy, sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ nghĩ đến kinh tế trong các giải pháp chính trị quốc tế, trước nhất là với Nhật và Ðức. Hoa Kỳ giúp hai xứ ấy xây dựng nền dân chủ, và được bảo vệ về an ninh. Nhưng quan trọng nhất là được dễ dàng bán hàng cho Mỹ – thậm chí, được duy trì cả chế độ bảo hộ mậu dịch mà Mỹ rất kỵ, là trường hợp của Nhật. Hai quốc gia đã khai chiến năm 1941, bại trận năm 1945 lại trở thành cường quốc kinh tế và đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Cũng thế, toàn bộ quan niệm xây dựng quan hệ thân hữu với các nước đều có dựa trên mối lợi kinh tế là bán hàng cho Mỹ.
Chiến tranh lạnh đã kéo dài 40 năm – gấp đôi khoảng cách giữa hai thế chiến – mà không biến thành chiến tranh nóng là nhờ vào quyền lợi kinh tế ràng buộc với nhau. Cũng vì thế mà sau này Hoa Kỳ còn giúp cả Trung Quốc lẫn Việt Nam Cộng Sản nghệ thuật xuất cảng vào Mỹ!
Mục tiêu là các nước “đối tác” – chữ “đồng minh” là một khái niệm phù du, nhất thời – sẽ vì kinh tế mà hành xử ôn hòa với nhau và với Hoa Kỳ theo chiều hướng có lợi cho nước Mỹ. Nói nôm na là cho các nước chia phần trong thị trường Mỹ để chi phối các quyết định về ngoại giao, an ninh của họ.
Nhờ vậy mà nhiều quốc gia hung đồ xưa kia nay đã ráo riết sản xuất để bán hàng cho Mỹ.
Chiến lược kỳ lạ này dẫn tới sự kiện đặc biệt khác hẳn hầu hết các nước khác: Hoa Kỳ không dùng sức mạnh ngoại giao, chính trị hay quân sự để đòi mở cửa thị trường xuất cảng của Mỹ. Ðây là một chiến lược trái ngược với đường lối ngoại giao bằng pháo hạm của Âu Châu vào thế kỷ 19, phá vỡ thành trì của xứ khác để đòi bán hàng.
Hoa Kỳ có khả năng mở cửa mua hàng để kết bạn nhờ điều kiện địa dư hình thể có một không hai: lãnh thổ bát ngát và trù phú với một dân số còn thấp và một thị trường nội địa vĩ đại. Xuất cảng của Mỹ chỉ chiếm 15% của Tổng Sản Lượng quốc gia nên không là một vấn đề sinh tử như tại nhiều quốc gia khác, Trung Quốc là một! Vả lại, trong quan hệ buôn bán hai chiều thì chiều nào doanh nghiệp Mỹ cũng có thể kiếm lời, vì họ đầu tư để lập đầu cầu cho các nước học nghề xuất cảng vào Mỹ. Rồi đón nhận để phân phối bên trong nước Mỹ.
Bây giờ, Tổng Thống Obama làm cách mạng với quyết định đưa cả bộ máy công quyền vào việc mở rộng thị trường xuất cảng cho doanh nghiệp Mỹ. Các nước sẽ khó xuất cảng vào Mỹ hơn trước và sẽ phải nhập hàng Mỹ nhiều hơn trước. Bộ máy của chính quyền sẽ thúc đẩy việc đó.
Tức là sau này, Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào nhiều quốc gia, chi phối cả chánh sách kinh tế tài chánh của họ để các nước đối tác chấp nhận nhập cảng hàng hóa Mỹ. Ngoại giao, chính trị cho tới viện trợ Mỹ cho các nước sẽ được giàng thêm vào mục tiêu bán hàng. Nhiều quốc gia xưa nay cứ thấy ngon ăn nhờ xuất cảng vào Mỹ sẽ thấy con đường ngoại thương lại có hai chiều, và bị sức ép rất nặng! Các nước hung đồ lại phàn nàn là chính quyền Obama quả là đang học theo Châu Âu, trong hướng ngang ngược và lý tài của thế kỷ 19.
Quyết định của ông Obama đúng hay sai thì ta không nói ở đây – vì đúng/sai hay lợi/hại cho ai, và bao giờ sẽ thấy không là mục tiêu của bài viết. Mục tiêu bài viết là nêu ra một vấn đề: động lực kinh tế của nước Mỹ đang dẫn tới một đổi thay lớn trong môi trường quốc tế. Sau hơn 60 năm dùng nhập cảng làm yếu tố giải trừ mâu thuẫn và xung đột, Hoa Kỳ đang đảo ngược chiều hướng, có khi gây ra bất ổn và mất khá nhiều đồng minh…
Kết quả ra sao, có những hậu quả bất lường nào, xin đón đọc trên cột báo này… trong mươi năm tới!
Tài Liệu Bổ Túc
National Export Initiative
In his State of the Union address on January 27, President Obama announced a “National Export Initiative” (NEI) to help businesses, particularly small businesses and farmers, increase exports. Commerce Secretary Locke outlined the NEI in a February 7 speech, where he highlighted the administration’s efforts to expand trade advocacy, improve access to credit for small and medium sized businesses, and enforce international trade laws that help remove barriers that prevent U.S. companies from getting open and fair access to foreign markets. The President formally launched the NEI on March 11 when he spoke at the Export-Import Bank’s annual conference, “Exports Live!” and signed Executive Order 12870. Secretary Clinton will be part of the newly created Export Promotion Cabinet, along with the Secretaries of Treasury and Commerce, senior White House advisors, and the heads of key U.S. economic and trade agencies. Department officials will continue to be engaged in interagency coordination of export promotion efforts.