Nikki Haley, the US envoy to the UN: US quits ‘biased’ UN human rights council
Ngày 19/6/2018 Mỹ tuyên bố rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC)
Đại diện Hoa Kỳ, bà Nikky Haley nói như sau : “Chúng tôi thực hiện quyết định này vì Hội Đồng Nhân Quyền LHQ đối xử không công bằng với Israel”.
Mỹ từ lâu đã đe dọa rút lui. Cách đây một năm, bà Haley đã kêu gọi cải cách và loại bỏ sự thiên vị kinh niên chống lại Do Thái. Theo bà, Hội Đồng Nhân Quyền LHQ có một nội dung thường trực trong nghị trình về sự vi phạm nhân quyền của Israel ở Palestine. Cho nên Mỹ muốn đưa vấn đề này ra khỏi nghị trình.
Tháng trước, đại sứ Israel ở Geneva đã lên án Hội Đồng này là: “truyền bá sự dối trá chống Israel”. Nhân vụ sát hại ở dải Gaza Do Thái đã bị cáo buộc là dùng bạo lực quá mức.
Bà Haley nói : “Mỹ không xóa bỏ các cam kết về nhân quyền mà chỉ là muốn đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền”.
Reuters loan tin các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo là hành vi của Mỹ sẽ làm cho việc thúc đẩy nhân quyền toàn cầu trở nên khó khăn hơn. Bà Haley khẳng định là việc Mỹ hành động như trên vào lúc này là muốn mọi người thấy rằng Mỹ là nước đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
Kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng (2017) Hoa kỳ đã rút khỏi UNESCO, cắt giảm tài trợ cho LHQ, rút khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump đã làm thế vì muốn “đặt quyền lợi của Mỹ lên trên hết”.
Khi xảy ra việc này, tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu rằng ông muốn HoaKỳ ở lại. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên vì gười ta cũng còn nhớ rằng khi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ra đời vào năm 2006 chính quyền của tổng thống George W Bush cũng không tham gia.
Ông Trump Chỉ Muốn Giữ Lời Hứa Khi Tranh Cử.
Ngoài cái gọi là thành kiến chống Do Thái, Mỹ không hài lòng vì các thành viên chủ chốt
trong Hội Đồng Nhân Quyền LHQ không chịu cải cách cơ quan này. Đại sứ Haley chê trách Nga Trung Quốc, Cuba, Ai Cập cản trở nỗ lực cải cách của Mỹ. Bà nói : “Cứ nhìn vào thành phần của Hội Đồng mà xem, qúy vị thấy ngay sự coi thường đối với những quyền con người căn bản nhất”.
Thời gian qua Mỹ đã vận động việc đơn giản hóa thủ tục bằng cách loại bỏ các thành viên UNHRC có thành tích nhân quyền kém. Nhưng những vận động này đã đổ vỡ và sự đổ vỡ báo hiệu trước rằng chính quyền của ông Trump sẽ rút luị.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng có cùng một ý hướng với tổng thống khi ông nói : “ Hội Đồng Nhân Quyền LHQ để xảy ra vi phạm nhân quyền bằng cách im lặng trước kẻ làm sai nhưng lại lên án những người không có lỗi gỉ”.
Hành Động Rút Lui Cũa Mỹ Gây Lo Ngại
Mậc dầu là đã có sự khẳng định của bà Haley là Mỹ sẽ trở lại, nhưng lời cam kết này không xoa dịu được sự lo lắng Các tổ chức nhân quyền lớn như Human Right First, Save The Children và CARE, cảnh báo việc Mỳ rút lui sẽ khiến hoạt động thúc đẩy nhân quyền trên khắp thế giới gặp gian nan.
Liên Minh Âu Châu thì cho rằng quyết định đó có nguy cơ làm tổn hại đến vai trò bảo vệ của Mỹ trên vũ đài thế giới. Ngoại trưởng Anh B. Johnson cho đó là điều đáng tiếc.
UNHRC họp ba lần mỗi năm để thẩm định tình trạng vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới. Cơ quan này đã trao quyền cho các thanh sát viên độc lập kiểm tra tình hình ở các điểm nóng như Syria, Triều Tiên, Myanmar, Sudan. Nghị quyết của UNHRC không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang thẩm quyền đạo đức.
Tình Trạng Của UNHRC Sau Khi Mỹ Rút
Sau khi rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ Mỹ đã để lại một quang cảnh hoang vắng mà những người còn ở lại cố gắng bồi đắp.. Ông Vojislov Suc, đại sứ Slovenia , hiện ̣ đang giữ chức chủ tịch luân phiên tại Hội Đồng cho biết ông sẽ thu xếp việc mang đi chiếc ghế dành cho đại diện Mỹ và sẽ làm việc với Hội Đồng để bầu ra một thành viên thay thế.
Trung Quốc ca ngợi Hội Đồng Nhân Quyền là một tổ chức lớn và cổ vũ việc thừa nhận các quyền của con người. Đại sứ Trung Quốc Yu Jiemhua nói: “Tất cả các phái đoàn ngoại giao đều gắn tầm quan trọng lớn lao cho tổ chức này của thế giới”.
Đại diện EU khẳng định sẽ gắn bó trung thành và tin cậy với UNHRC, đồng thời tiếp tục tham gia giải quyết những vấn đề tồn tại của tổ chức bất kể Mỹ rút lui.
Bô ngoại giao Nga, trước đó lên án Mỹ là luôn luôn có quan điểm chỉ trích và rẻ rúng Liên Hiệp Quốc thì nay đã hơi đổi giọng.
Các nhà ngoại giao cho biết việc Mỹ rút đi có thể củng cố vị thế của Cuba, Nga , Ai Cập vả Pakistan là những nước từ xưa đến nay vẫn kháng cự sự can thiêp của LHQ vào các vấn đề mà họ coi là họ có chủ quyền.
Ngày 20/6/2018 ngoại trưởng và đại sứ Mỹ tại LHQ tuyên bố quyết định Mỹ rút khỏi UNHRC. Cùng với tuyên bố này hai quan chức ngoại giao Mỹ kêu gọi UNHRC thay đổi và đặc biệt là thay đổi những quan điểm chống Israel. Sự khước từ của Washington là sự khước từ mới nhất của Mỹ đối với việc giao tiếp đa phương kể từ khi tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng.
Ảnh Hưởng Của Việc Này Đối Với Việt Nam Ra Sao?
Trước hành động này của Mỹ, giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam có nhiều phản ứng khác nhau. Ta có thể kể vài ba phản ứng như sau.
Thứ nhất, một luồng ý kiến cho rằng Mỹ ra khỏi UNHRC là một sư bất lợi cho phong trào nhân quyền tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh của cuộc Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) sắp tới vào tháng 1/2019.
Thứ hai, bên cạnh ý kiến trên thì cũng có những ý kiến khác cho rằng tiếng nói của Hoa Kỳ ngày càng mất giá trị, bởi vì trong Hội Đồng này còn có tiếng nói của Nga và của Trung Cộng luôn luôn là những tiếng nói trái chiều với ý kiến của Hoa Kỳ.
Thứ ba, nhiều nhà hoạt động nhân quyền, thực tế hơn, chia sẻ trên mạng cá nhân của mình rằng, rút khỏi UNHRC thì Mỹ không phải bỏ ra số tiền qúa lớn cho Hội Đồng này nữa và sẽ dùng số tiền đó để chi phí cho những vụ đối thoại song phương, có thể gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với các nước vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên những người có kinh nghiệm hoạt động nhân quyền lâu năm thì đều cho rằng “tự thân vận động” vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 6 năm 2018