Thể chế là cách tổ chức và thực thi quyền lực Nhà Nước. Có hai mô hình nhà nước là Nhà Nước tập quyền và Nhà Nước phân quyền. Nhà Nước phân quyền thì lại được phân chia thành cộng hòa tổng thống và cộng hòa đại nghị.
Thể chế cũng có thể được hiểu là cách thức nhà nước thực thi nền kinh tế. Ở cách hiểu này Nhà Nước được phân chia thành Nhà Nước điều chỉnh, Nhà Nước kế hoạch hóa tập trung, Nhà Nước phúc lợi và Nhà Nước kiến tạo phát triển.
Nếu muốn kinh tế phát triển thì chúng ta cần triển khai theo mô thức nào? Thực tế cho thấy là không có một mô hình nào tốt một cách tuyệt đối. Mỗi thể chế phát huy tác dụng trên một nền tảng văn hóa nhất định.
THỂ CHẾ VÀ VĂN HÓA
Mỹ, Úc, Canada, New Zealand đều là những cựu thuộc địa của nước Anh. Họ đã thành công khi áp dụng mô hình đế chế Anh. Di sản lớn nhất của nước Anh là thể chế của nước này. Các cựu thuộc địa của Anh đều rất phát triển. Tuy nhiên mô hình của Anh lại không đúng với Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước Á Phi khác mà trước kia cũng là thuộc địa của Anh. Tại sao? Câu trả lời là vì Ấn Độ, Pakistan và một số nước Á Phi khác có một nền văn hóa rất khác với văn hóa của Anh Quốc.
VIỆT NAM PHÙ HỢP VỚI MÔ HÌNH NÀO?
Đối với Việt Nam về mặt văn hóa chúng ta lại giống các nước Đông Bắc Á (Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Nam Hàn, Triều Tiên). Có thể nói ra một vài biểu hiện như dùng đũa đề ăn cơm, viết chữ nho, học hành thi cử để ra làm quan là con đường phấn đấu được coi trọng nhất. Mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là Nhà Nước Kiến Tạo Phát Triển (developmental state). Mô hình phát triển cho các nước này đã mang lại những kết quả kỳ diệu. Cho nên rất có thể là mô hình này phù hợp với Việt Nam.
KHÁI NIỆM NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN
Khái niệm Nhà Nước Kiến Tạo Phát Triển xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước qua sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Sau này các nước như Nam Hàn, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore đều được xem là các nước kiến tạo phát triển. Đặc trưng của mô hình này là Nhà Nước trực tiếp đề ra những kế hoạch phát triển công nghiệp to lớn. Có thể nói là trong mô hình nói trên sự phát triển là do Nhà Nước hường dẫn chứ không tuỳ thuộc thị trường. Nhà Nước Kiến Tạo Phát Triển can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.
MÔ HÌNH KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN CÓ CÒN PHÙ HỢP VỚI VN NỮA KHÔNG?
Mô hình Kiến Tạo Phát Triển thật ra chỉ phù hợp với những nền kinh tế mới được giải phóng cách đây vài thập niên. Vào thời kỳ đó, những nước như Ấn Độ, Đại Hàn, Đài Loan đã thành công vì họ đã trút bỏ được đúng lúc ách cai trị của thực dân để dổn tâm trí vào sự phát triển của đất nước. Ngày nay Việt Nam không còn được hưởng cái khoảng thời gian rộng rãi đó nữa. Việt Nam đã giành độc lập quá muộn. Cái khoảng thời gian mà Việt Nam có thể chạy theo để phát triển theo thế giới quá ít ỏi. Cho nên mô hình Kiến Tạo Phát Triển không còn phù hợp, giờ đây chỉ còn trông vào mô hình Mỹ, Úc, Canada và Tân Tây Lan là Mô Hình Điều Chỉnh.
MÔ HÌNH ĐIỀU CHỈNH GIÚP VIỆT NAM TRÁNH ĐƯỢC TAI HẠI RA SAO?
Trong điều kiện kinh doanh của Nhà Nước Việt Nam hiện nay, mặc dù lợi nhuận vẫn có nhưng chúng lại là lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải là lợi nhuận của các doanh nhân và Nhà Nước Việt Nam. Đây là lý do chính khiến Việt Nam phải chia tay không thương tiếc với mô hình Kiến Tạo Phát Triển.
Nhìn vào thực tế của vấn đề thì ta thấy rằng Việt Nam đang thiếu một đội ngũ lãnh đạo “tinh hoa” nên khó lòng thực hiện được một chính sách phát triển đúng đắn.
Muốn phát triển đúng đắn, nhà nước phải thu hút được người tài. Đó là chiến lược hàng đầu, cần phải nhanh chóng thực hiện. Và trong chiến lược này phải khôn khéo làm sao để tận dụng được tri thức của giới Việt Kiều tinh hoa hải ngoại hầu có khả nang phát triển nền kỹ nghệ cao cấp. Việt Nam phải cố gắng phát triển khả năng thiết kế. Điều này đi ngược với quyết tâm của Nhà Nước nhưng phải chấp nhận. Bộ máy chính trị của cộng sản rất nặng nề. Quan chức cộng sản chỉ quen ăn nói về mặt chính trị lỗi thời chứ không có khả năng phát triển chuyên môn. Sự kém cỏi này không giúp họ vượt qua được những trở ngại của mô hình đang áp dụng. Dân trí ngày nay đã khá cao, đa số dân thuộc giai cấp trung lưu và đã trưởng thành về mặt văn hóa, do đó những cải cách dân chủ năng động sẽ đưa đến đổ vỡ.
NGUYỄN CAO QUYỀN