Tối ngày 8 tháng 8 vừa qua, trong một quán karaoke ở Hải Phòng, nghĩ là anh Nguyễn Tuấn Định nhìn “đểu” mình, một số thanh niên dùng tuýp sắt đánh anh đến bị chấn thương sọ não, phải chở vào bệnh viện cấp cứu. Chưa đã cơn giận, các thanh niên này còn chạy đến bệnh viện dùng dao chém chết anh Định ngay trên băng-ca lúc chờ bác sĩ khám và chữa.
Mấy ngày sau, ở Bến Tre, Huỳnh Văn Phương và Lê Văn Tèo, cả hai đều 35 tuổi, đi xe gắn máy, bị đụng quẹt vào xe của anh Phạm Văn Phường, 25 tuổi. Phương và Tèo nhào xuống đánh anh Phường. Chưa đủ, Phương và Tèo chạy vào một căn nhà dọc đường lấy dao ra cắt cổ anh Phường. Nạn nhân chết ngay tại chỗ.
Ra đường thì thế; ở nhà có an toàn hơn không? Không. Cũng trong mấy tháng vừa qua, ở Việt Nam xảy ra mấy vụ giết người, ở đó, cả gia đình đều bị giết.
Như vụ giết người tại Nghệ An, chẳng hạn. Vy Văn Mằn vào vườn của anh Lô Văn Thọ hái trộm mấy trái chanh, bị anh Thọ bắt gặp. Hai người cãi vã nhau. Mằn nhào đến đánh anh Thọ. Chưa đủ. Mằn chụp con dao chém liên tục vào đầu anh Thọ khiến anh Thọ chết tại chỗ. Vợ anh Thọ, chị Lê Thị Yến thấy vậy sợ hãi ôm con chạy trốn. Mằn rượt theo. Gặp bà Chương, mẹ anh Thọ, Mằn chém chết; sau đó, chém chị Yến và cả đứa con chị địu trên lưng, mới một tuổi. Như vậy, chỉ vì mấy trái chanh, Vy Văn Mằn giết cả gia đình anh Lô Văn Thọ, kể cả một em bé sơ sinh.
Vụ giết người ở Nghệ An xảy ra chưa bao lâu thì đến vụ giết người cũng tàn độc không kém ở Bình Phước. Nguyễn Hải Dương, 24 tuổi, bị gia đình người yêu phản đối, bèn rủ bạn đến nhà người yêu cũ, giết sáu người trong gia đình, kể cả người mình từng yêu. Chỉ có một em bé chưa tới hai tuổi là được tha mạng.
Rồi xảy ra vụ án ở Yên Bái. Vì một sự tranh chấp nhỏ trên mảnh đất làm nương, Đặng Văn Hùng, 26 tuổi, xô xát với anh Trần Đức Long. Bị đánh, Anh Long bỏ chạy, Hùng rượt theo, chém tới tấp vào đầu vào cổ anh Long nhiều nhát. Chị Hoa, vợ anh Long, bỏ chạy. Hùng rượt theo, chém chị chết. Chưa hết. Hùng chạy vào nhà anh Long, chém chết em vợ anh Long. Cũng chưa hết. Thấy con trai anh Long, mới hai tuổi, đang đứng trên giường, Hùng “tiện tay” nhào đến chém mấy nhát khiến bé chết ngay tại chỗ.
Kể ra, ở đâu cũng có hiện tượng giết người. Ở Tây phương, không kể các cuộc khủng bố, thỉnh thoảng vẫn có những tên tâm thần cầm súng bắn xối xả vào đám đông. Tuy nhiên, những vụ giết người vì các vụ cãi cọ hay tranh chấp vu vơ nho nhỏ rất hiếm hoi. Ở Việt Nam trước đây, nơi người dân được xem là hiền hoà và hiếu hoà, những vụ giết người như thế cũng khá hiếm hoi. Vậy tại sao bây giờ những vụ giết người tàn bạo như thế lại xảy ra nhiều đến như vậy?
Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học thuộc Học viện Cảnh sát Nhân dân, cho các vụ thảm án liên tục như vậy là không bình thường. Hơn nữa, ông còn cho những tội ác “không bình thường” ấy không phải là cái gì “đột xuất bất ngờ” mà chỉ là “hệ quả của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực”. Những “yếu tố tiêu cực” ấy là gì? Theo ông Thìn, “trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, nhiều cạnh tranh, sức ép từ việc làm, khó khăn về kinh tế, vướng mắc trong đời sống, sự phân tầng xã hội diễn ra gay gắt, những mặt tiêu cực của yếu tố thị trường, những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày… đã làm cho một bộ phận dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi không thích nghi được”. Vì không thích nghi được, nhiều thanh niên “dễ bị chấn thương tinh thần, không định vị được giá trị cuộc sống” và “mất phương hướng, tiêu cực trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt là những hành động cực đoan, gây tội ác”.
Đỗ Cảnh Thìn còn đổ lỗi “những hình ảnh bạo lực, lạnh lùng, vô cảm; lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá hay những phương thức, thủ đoạn tàn bạo, dã man, phi nhân tính của tội phạm… lan tràn trên sách báo, phim ảnh, Internet đang hàng ngày, hàng giờ tác động, “thẩm thấu” vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người, nhất là những người trẻ tuổi kỹ năng sống hạn chế, kiến thức, kinh nghiệm sống còn non nớt, từ đó dễ dẫn đến những hành vi lệch lạc chuẩn mực xã hội.”
Tuy nhiên, vấn đề là: tại sao ở các nước khác, cũng thị trường hoá, cũng đầy những phim ảnh bạo động, thanh niên lại không bị “chấn thương” và “mất phương hướng” để dẫn đến những vụ giết người một cách độc ác như thế? Nguyên nhân chính, như vậy, không phải chỉ ở nền kinh tế thị trường hay phim ảnh.
Theo tôi, có hai nguyên nhân nên để ý: luật pháp và văn hoá.
Trước hết, về phương diện văn hoá, lâu nay đã có nhiều người lên tiếng báo động về sự suy đồi trong đạo đức xã hội. Tất cả các giá trị thiêng liêng, các chuẩn mực trong quan hệ giữa người và người đều bị phá sản. Mọi người ào ạt chạy theo lợi nhuận và những quyền lợi cá nhân. Người ta đâm ra vô cảm trước những nỗi đau khổ của người khác. Người ta có khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mọi tranh chấp. Ở trường học, chỉ cần một chút xích mích, học sinh, kể cả học sinh nữ, ẩu đả và hành hạ nhau trước cái nhìn dửng dưng của các học sinh khác. Ngoài đường, chỉ cần đụng quẹt xe một chút xíu, người ta chửi bới, hơn nữa, đánh đá nhau. Trong xã hội, bạo lực được xem là cách chính để giải quyết mâu thuẫn. Trong môi trường văn hoá như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người sẵn sàng giết người một cách dễ dàng và dã man như chúng ta từng thấy qua các bài tường thuật trên báo chí.
Nguyên nhân thứ hai là về luật pháp. Luật pháp Việt Nam khắc nghiệt nhưng không nghiêm minh. Khắc nghiệt ở chỗ Việt Nam vẫn còn duy trì án tử hình và trên thực tế, rất nhiều người bị án tử hình vì tội giết người, nhưng không nghiêm minh vì có rất nhiều người phạm tội, dưới nhiều hình thức và với nhiều mức độ khác nhau, vẫn vô can, thậm chí, sống ung dung và thanh thản ngoài đời. Đó là lý do tại sao Đặng Văn Hùng giết chết đứa con anh Trần Đức Long: “Giết để sau này không bị trả thù”. Hùng sợ đứa bé mấy chục năm sau, lớn lên, trả thù mình mà không hề sợ vì tội giết người hàng loạt như vậy sẽ bị án tử hình. Rõ ràng người ta không tin và cũng không sợ pháp luật. Không tin nên người ta sẵn sàng động chân động tay để giải quyết mọi xung đột. Không sợ nên chỉ vì những xung đột nho nhỏ, người ta có thể xuống tay giết người không hề một chút đắn đo suy nghĩ.
Để ngăn chận các vụ giết người vì cãi vã, bởi vậy, không những cần củng cố các giá trị văn hoá, người ta cần phải làm cho pháp luật thực sự nghiêm minh.