Khoa điện thoại cho tôi từ phòng lab:
– Hình xong rồi, đã lắm. Mày kiếm đâu ra ông già ngon vậy?
Tôi cười, gác máy rồi xách xe chạy lại chỗ Khoa. Những tấm ảnh đen trắng treo trên dây còn đọng nước, giọt rất tròn và trĩu. Khoa nghiêng đầu ngắm:
– Mày coi, hình như, trong mắt ông già này có nước.
– Mày cận bao nhiêu độ rồi?
Khoa mắc cở tháo cặp kính ra, đôi mắt đờ đẫn.
– Hôm trước ba rưỡi, bây giờ chắc ba tám rồi.
– Mắt mày cũng còn ngon lắm.
Khoa lại hỏi tôi cái câu ban nãy, “mày kiếm ông này ở đâu mà thần thái vậy?”. Tôi không trả lời, ngước mắt nhìn về những bức ảnh của tôi. Trong mảng tối sáng trong vắt, khuôn mặt một người đàn ông hiện lên, trầm lặng mà sâu sắc.
Và tôi lại thấy mình ở trong một căn chòi chăn vịt cất dựa mé kinh Chiếc. Căn chòi đầy khói. Cái mẻ un ám khói chất đầy giỏ dừa khô. Khói ngùn ngụt khói. Ngồi trên cái sạp ghe đóng thưa bằng tre chẻ thẻ, một người đàn ông ngồi nhìn ra cửa. Cô độc. Gió vụt vụt vô chòi. Ông làm nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Hôm nay ở đồng Rạch Mũi, ngày mai ở Nhà Phấn Ngọn, xa nữa lại dạt đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng sang những cánh đồng lúa vừa mới chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng. Đời của ông là một cuộc đời lang bạt. Một cuộc sống trên đồng khơi. Chòi cặm ở đâu cũng được, miễn có chỗ khô ráo cho ông nằm. Buổi sáng, ông lùa bầy vịt ra đồng, tay cầm cây trúc không róc đọt, bù xù. Bầy vịt ngàn hai trăm con, ngoi quẫy, vẫy vùng, rúc vào những nùi rạ mới, nhặt từng hột lúa. Con vịt xiêm tên Cộc cũng ào ra cùng bọn chúng, những lúc đó, không phải vì bụng đói, mà vì mùi rạ thơm quá, ngọt quá, ngụp mỏ vào thấy sướng người. Ông ngồi bệt trên bờ mẫu, khăn sọc cũ quấn đầu, nón vải nâu lốm đốm mủ chuối. Ông ngó lũ vịt và vấn điếu thuốc châm lửa, phà khói lên trời.
Và trời rất xa xanh, trong. Ông kêu :
– Cộc, biểu!
Con Cộc chạy lại, vẫy nước và cọ đầu vào bắp đùi đen bóng của ông.
Buổi tối buồn lắm. Đêm nào cũng như đêm nấy, lùa vịt vô chuồng, tắm táp qua loa, ông khom lưng thổi phù phù vô cái bếp un cho căn chòi đầy khói rồi nằm đưa võng. Gió vụt vụt vô chòi. Con Cộc lò mò ra đống rơm dập dềnh dưới mé kinh, vùi mình vào đó ngủ một giấc. Nó tưởng lâu vậy, dài vậy mà lúc ngó lên vẫn thấy chao chát ngọn đèn đỏ lòm. Ông kêu:
– Cộc, giận gì mà xuống đó vậy mậy?
Cộc lạch bạch đi lên. Nó ghé ngang cái lưới bao rào vịt, thò mỏ vào mổ một con vịt ta khác. Gây chuyện chơi cho vui. Nó là con vịt chúa gây chuyện. Ngoài những lúc này, nó khá cộc cằn, tư lự. Mấy người bạn lang bạt của ông chụm lại nhậu lần nào cũng nhằn: “Cha nội sống như vầy rầu thấy mẹ, mai mốt con vịt xiêm đó chết rồi, cha sống với ai”. Ông cười, “còn thằng con tao”. Nó ở chợ. Lâu lắm mới về thăm ông một lần, về tới, ngoài việc kêu ông bán bầy vịt ra ngoải sống với nó, còn chuyện ông cưới vợ, nó nói, nó con trai, biết cô đơn là cái gì rồi, khổ lắm, buồn lắm. Nó giục ông từ năm nó mười hai tuổi. Ông ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi ông biết rằng, nó đã học được ông cái tánh rộng lòng đồng khơi, như trời cao. Ông vò đầu nói với nó, cũng khó khăn thiệt, nhưng ông quen rồi. Nghề nuôi vịt mà, nghèo, lang thang, đeo mang người nữa, không đành.
Tháng Tám. Ông trở về kinh Mười Hai, quê ruột của ông. Chèo gần tới nhà ông thấy một người phụ nữ ngồi dưới bực cỏ đợi tàu. Chiều rồi, tàu cuối chạy lúc ba giờ rưỡi đi qua đã lâu lắm. Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết. Ông chèo lựng khựng cho ghe đi tới. Qua khỏi đám lá, ông quạt chèo trở lại. Ông hỏi chị nọ đi đâu, chị khóc như mưa bấc, “Tôi cũng không biết mình đi đâu”. Lãng xẹt vậy đó. Ông ngại ngần ngó những tia nắng đỏ cuối cùng đậu phía dưới đám dừa nước:
– Cô có sao không?
Người phụ nữ lắc đầu. Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang. Chị vẫn khóc.
– Tôi biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay … làm ơn cho tôi theo anh đêm nay nghen.
Ông suy nghĩ rất lâu và trả lời một câu nhỏ xíu trong khi tụi vịt đạp đầu chen nhau dưới sạp ghe bằng tre đóng thưa thớt rộ lên lạc cạc inh ỏi. Đôi chân đàn bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cuối đầu không nói không rằng lùi lụi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi nhưng ông la: “Cộc! Bị đòn nghe mậy”. Nó dừng lại, đủng đỉnh qua đi. Chị khịt mũi cái sột, lau nước mắt kêu: “Trời, vịt gì mà khôn quá vậy?”. Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, Vịt Xiêm chứ vịt gì, thiệt tình.
Qua thêm ba đám lá dày nữa là về tới nhà ông. Nhà vắng, vườn hoang, lúc chạng vạng buồn hiu hắt. Ông đi năm ba tháng về một lần, về đúng vạt đồng sau vừa chín. Hồi đi, con tắc kè ễnh bụng kêu è è, hồi về đã thấy đeo trên cột nhà mấy con tắc kè con, da chưa bông chưa hoa, mốc cời, đầu chờ vờ như cá lóc gặp nước mặn. Ông đẩy cửa bước vô trước, tay quơ mớ váng nhện lùng nhùng, đốt cái đèn, thổi lù lù mớ củi ướt. Chị ôm cặp đồ ngồi gá nhẹ mép ván, ngó quanh. Ông lượng xượng, “Nhà bỏ lâu, bê bối quá chừng”. Rồi khói bay lên, ấm áp.
Ở căn nhà lá cũ mèm này, ông có nhiều kỷ niệm. Mỗi khi trở về nó lại chảy thành dòng dịu ngọt trong ông, nó chảy khẽ giữa những mạch máu. Những ngày thơ ông có ba má, những ngày trẻ ông có người chăn gối cùng. Có cây lụa bên hè làm chứng, mỗi lần nhà đổ bánh xèo, vợ ông ra hái đọt lụa, đứng tần ngần, “phải ảnh có nhà để ăn”. Chiến tranh, ông đi biền biệt. Ngày về, chỉ còn đứa con trai. Nó khóc, kể, “Bữa đó cúng đình, có cải lương, má rũ con đi. Tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn đó ba. Hát chưa xong khúc Thoại Khanh ngồi đờn cho công chúa Châu Tuấn nghe, thì pháo đằng đồn Chẹt bắn lại, má con chết luôn”. Mùa đó lụa ra lá từng chùm trắng xanh, non nhuốt. Ông bắt thèm ứa nước mắt. Cũng thằng con ông, sau này nó nhằn: “Chuyện buồn mà ba nhớ làm chi cho tới già vậy không biết. Ông bảo ông có nhớ gì đâu. Thiệt đó, thằng nhóc, có nhớ gì đâu. Thằng con chép miệng, “Khổ quá!”
Người phụ nữ ông lượm chiều đó còn khổ hơn. Chị quê Cây Khô, lỡ thời, thương thằng (xin lỗi!) thợ gặt miệt Bình An đổ xuống. Không biết gốc gác, cội nguồn người ta mà thương gì ác nhơn vậy không biết. Làm vợ thợ gặt, sống đời thợ gặt. Chị ngồi vấn vạt áo: “Ai cũng nói em ngu, cực cỡ nào em cũng chịu, miễn là mình thương người ta”. Vậy mà thằng đó (xin lỗi!) tệ thiệt, làm ít, nhậu nhiều. Tới đây, nhậu nhẹt, nợ nần, chị ra gánh trả. Nợ nhiều quá, mấy cái quán tạp hóa đòi lấy xuồng, nửa đêm chồng chị trốn đi, bỏ chị lại. Không biết quê chồng, không về được quê mình, chị ra bờ sông ngồi khóc.
– Cô Út không ngại, cứ ở lại đây, chừng nào có hướng đi đâu, mần ăn gì thì đi, nghen.
Nghe xong câu chuyện của chị, ông bập một hơi thuốc lá, nói một câu, bập hơi nữa thì hết điếu.
Chị chịu ở lại. Buổi sáng, chị thức dậy bắc ấm nước lên bếp cho ông uống trà, xong lùa vịt ra đồng. Thả vịt ruộng gần, chị đem cơm ra tới chỗ, dọn trên bờ mẫu, ngồi nhìn trời, nhìn đất, nhìn vịt, chờ ông ăn xong mới đi vô. Ruộng xa, chị thức dậy từ ba giờ sáng nấu cơm dỡ cho ông xách theo. Thuốc gò, giấy quyến mới vơi một ít, chị bỏ lại cho đầy để ông bỏ túi, “Nửa chừng mà hết thuốc chịu không thấu anh Hai à, giữa đồng mông quạnh, buồn chết, hồi đó ảnh …”, chị bỏ câu nói nửa chừng. Mờ mờ trời, chị lụi hụi vô chuồng lấy hột vịt, rồ chở ra chợ xã bán, chị tính:
– Chịu khó ra ngoài đó một chút, bán giá cao hơn anh Hai à. Sẵn hái ít đọt lụa bán luôn, thứ này người ta khoái lắm.
– Nhưng phiền cô quá….
– Có gì đâu.
Chị làm cỏ ngoài sân, trồng lên dấp cá với húng lủi. Chị súc lu đợi trời mưa hứng nước. Chị giặt mùng mền phơi cho thơm nắng. Ông cằn nhằn:
– Cô làm gì như người ở đợ cho tôi vậy?
– Có gì đâu, anh Hai, được ở lại đây là em mừng rồi.
Ông ngoái lại, nói:
– Thiệt tình, cô ở lại để chờ người ta phải hôn cô?
Chị không trả lời, chị cuối đầu đi thẳng. Chị không đẹp lắm, nhưng lúc thổi lửa có duyên. Chị không có duyên lắm nhưng lúc bậm môi bửa củi thấy đẹp. Ông chắc không để ý chuyện này, ông bận đốn so đũa cặm cột, dừng lá dừa nước làm cái nhà tắm cho chị. Ông vừa mài cây búa vừa nói nhỏ nhỏ với con Cộc:
– Mình đàn ông gì cũng được, giờ có thêm người… Ông ngừng lại, vuốt cánh con vịt -vậy hen Cộc?
Cộc không trả lời, kêu cóc cóc, há mỏ đớp vô mắt cá chân ông. Thì vậy chứ còn sao nữa, ý nó muốn nói vậy. Rồi nó đủng đỉnh đi chơi, dạo dạo bậy bạ kiếm trùn đất ăn. Ông nghĩ trong bụng hoài, “Làm vịt như mầy coi bộ sướng. Cộc à, làm người, hỏng làm thì thôi, làm phải cho ngon, thiệt khó”.
Thằng con ông đi công tác qua nhà thấy có người lạ nó ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng xong thì mừng. Nó nói: “Ba lúc này ngon rồi nghen”. Ông gạt phăng phăng, “Mày chỉ giỏi bậy bạ”. Ông không nói với nó vẫn thường thấy chị ôm cái áo người cũ ngồi khóc, chị thường hay kho cá bỏ me, ông vốn không thích. Hễ hổng đi chợ thì thôi, đi về y như rằng mua chai rượu, ông có uống gì nhiều đâu. Thằng con không biết. Thằng con đi dài dài xóm, ai cũng xầm xì chuyện của ba nó với người đàn bà gặt mướn. Cô Ba nó nói: “Tao thấy con mẻ không xứng với ba mày đâu, bỏ nhà theo trai, bị trai bỏ, giờ mới bám víu vô đàn vịt của ổng, đàn bà đàng hoàng, ai ở lại dễ dãi vậy”. Thằng con cười, “Sao cũng được, cô Ba à, trước là trước, bây giờ là bây giờ, tốt xấu gì ba con biết, miễn sao ba vui là được rồi”. Cô Ba chẩng hẩng.
Nhưng thằng con hơi thất vọng. Hễ chạng vạng, nhốt vịt, tắm rửa xong, ông kêu con Cộc đi dài xóm chơi. Con vịt thì chạy xà quần rượt cắn đám con nít, ông chơi lai rai với bè bạn, họ hàng. Chờ khi khuya mới về. Về ngủ nhà xuồng cặp mé kinh. Nhà mục rồi, đêm nằm nghe mối ăn trẹo trẹo, sợ chị ngại, ông nói: “tánh tôi ở đồng quen rồi, ngủ có gió mới ngon”. Không lẽ nói trắng ra, nằm trong nhà, bên này nằm nghe bên kia thở nghe sao được. Những lúc nửa đêm, con Cộc cắm đầu cắm cổ chạy, ông cũng cuốn mùng chạy. Chị mở cửa năn nỉ ông vô nhà, để lạnh chết. Cực chẳng đã ông mới vô, ngồi chí mí ván, chong chong nhìn ra cửa chờ tạnh hột. Chị cảm động ứa nước mắt.
Chị vẫn thuờng đón ghe hàng bông hỏi thăm tin tức cánh thợ gặt An Bình. Tin tức ngày càng xa. Ở đây, trăm ngả sông nuớc, làm sao mà kiếm. Tin tức ngày càng vắng. Lúc rày, mưa nắng thất thuờng. Nắng một hơi năm bảy ngày, mưa một hơi năm bảy ngày, bà con nông dân gặt ngày mưa, phơi lúa không được rầu muốn chết. Chị đi chuyên nước vô lu, đôi dép Lào cu mỏng dính, trợt một cái trật gân. Tội nghiệp quá chừng. Ông về nạt nộ một hơi, đã nói mà, cô có chịu nghe tôi đâu. Nói vậy thôi, ông đi chợ huyện mua thuốc cho chị, sẵn mua đôi dép mới làm chị ngại trong lòng lắm. Ông bảo:
– Đôi dép cô mỏng thiếu điều cạo râu được rồi, tiếc làm chi, để té nữa thì khổ.
Những chiều, lùa bầy vịt no căng lườn từ ngoài ruộng về, ông xúc tô cơm, ngồi ngoài gốc cây vú sữa đã bị cưa thành cái đôn, vừa ăn vừa nhìn cây chanh núm bắt đầu ra trái. Dưới cầu ao, chị đang lật đít xoong chùi lọ nghẹ, cảnh chiều êm đềm. Cô Ba đi qua, tròn con mắt.
Một bữa, mưa nhiều, lúc ông đội áo đi, chị dặn:
– Mưa lúc này gầm dữ quá, sét nhiều, anh Hai nhớ vô sớm nghen.
Ông gật đầu, day qua dặn lại:
– Cô Út thôi đừng hứng nước mưa nữa, hỏng chừng mai mốt tôi đi, ai mà uống.
Chị chưng hửng hỏi ông đi đâu, ông trả lời giọng rất buồn:
– Thì cho vịt ăn hết đồng này phải lùa đi chỗ khác chớ cô. Vịt đang đẻ rất quạo, nhốt một hai ngày là mất sức. Tôi ở nhà cả tháng rồi, cũng buồn.
Nói vậy rồi ông quay lưng đi. Chị vịn tay vào cửa, nhìn theo.
Buổi chiều, ông về sớm, chị giũ áo mưa của ông phơi lên vách, miệng quở ông trời mưa dai thấy sợ. Chị xúc chén lúa đổ cho con Cộc, miệng hỏi lãng như không: “Cộc, mưa lạnh hôn con?”. Cộc không trả lời, nó nghinh lên, ý nói vịt mà lạnh gì, ổng lạnh sao không hỏi, thiệt tình. Ăn cơm xong, chị dọn ra xị rượu nướng mấy con khô cá chạch:
– Anh Hai lai rai cho ấm bụng, mưa quá, nhâm nhi đỡ buồn.
Chị ngồi lắc võng, may hai cái bìa khăn mới mua cho ông, vừa may vừa nói:
– Bây giờ người ta làm khăn mỏng dính, hỏng may xổ chỉ ra nùi nùi hết trơn.
Ông không nói gì, đi xúc chén lúa lại đổ cho đầy mẻ, biểu “Cộc, lại ăn nè”. Con vịt không chạy lại cái mẻ mà lạch bạch đi tới chỗ bộ ván ngựa sần sùi nó chui xuống gầm. Cái thau nhôm hôm nắng ông lấy nấu chai trét chiếc ghe giờ được làm mẻ un đang phì phì khói. Ông ngồi trước chai đế trầm ngâm. Chị dè dặt lên tiếng:
– Anh Hai tính chừng nào đi?
– Hai ba bữa nữa. Đi chuyến này qua tới miệt Khánh Hà, chắc đi lâu mới về.
Người đàn bà cuối xuống cắn chỉ, che cái thở dài.
– Cô Út à, tôi… có chuyện muốn nói với cô.
Chị làm rối chỉ:
– Gì vậy anh Hai?
– Sáng nay tôi gặp thằng bạn, nó mới chạy bầy vịt từ nông trường qua. Tôi hỏi, nghe nói có thợ gặt An Bình ở đó.
– Anh Hai!
Ông bước xuống đẩy mớ vỏ dừa vô mẻ un. Xơ dừa mịn, cháy rực, rồi tắt ngắm.
– Ảnh tên Sinh phải hôn cô Út? Ờ, Sinh, ảnh… cũng đang gặt bên đó, cô Út à.
– Anh Hai!
Chị buông cái khăn xuống kêu bàng hoàng.
– Tàu từ chạy nông trường lúc năm giờ, ngang đây, chắc cỡ sáu giờ rưỡi. Cô ráng đón chuyến đó. Để lỡ tới bữa sau, sợ mấy ảnh lại chuyển đồng, kiếm cực lắm. Tính vậy nghen cô Út.
Con Cộc lại hì hụi đi ra, ngỏng cổ lên nhìn ông. Khuôn mặt ông mờ mờ sau làn khói. Khói mắt dịch, làm cay con mắt muốn chết. Cái võng chị ngồi sau lưng ông, chị khom xuống cắn mớ chỉ rối mà buồn. Ông rót ly rượu uống mà buồn.
– Anh Hai à, sao anh tính vậy?
– Tôi biết cô còn nặng lòng cùng ảnh. Qua bển hỏi đầu đuôi gốc ngọn ra làm sao. Nói có tình, mình ở lại, biết đâu người ta có nỗi khổ gì…
Chị bật khóc. Con Cộc điềm đạm lại cái mẻ lúa, nó ăn chậm rãi. Ý nói làm sao mà tôi tội nghiệp hai người quá đi, làm người mà khổ vậy, làm vịt còn sướng hơn. Đêm đó, ngoài nhà xuồng, nó nghe ông thở nhẹ mà rất dài. Ai biểu…
Sáng sau ông lùa vịt ra đồng khi trời còn tối mịt tối mò. Ông đuổi vịt đi xa thiệt xa nhưng vẫn nghe tàu bè ghé bến nào rất gần. Ông ngồi bệt bên bờ mẫu, khăn cũ, nón cũ, kêu: “Cộc, biểu!” mà không thèm để ý nó có lại hay không. Kêu chơi vậy thôi. Nhưng Cộc là con vịt có nguyên tắc. Nó vẫn chạy lại, gác đầu lên đùi ông, cọ cọ an ủi. Rồi bất ngờ, ông lùa vịt cắt vạt đồng hối hả trở vô. Ông bỏ quên bịch thuốc trong nhà, thèm quá. Tới liếp tràm bông vàng trong vườn, ông ngồi lại, lũ vịt tràn xuống ao rau muống tắm táp. Ở đây, bỏ ba liếp chuối nữa là tới nhà. Ở nhà, không biết có còn ai…? Ngồi đây thôi, bước vô đó lỡ không còn ai… Hồi lâu, ông nói như chỉ nói với mình:
– Mai mốt mình đi nữa hen Cộc?
Con vịt cạp mắt cá ông, đi thì đi chớ gì.
– Mày đi hoài, mầy mệt không?
Nó há mỏm đóm đen cạp ngón cái chân ông, thì mệt chớ.
– Tao đốn tràm, làm nhà lại, ở luôn nghen.
Con Cộc mổ vô ống quyển ông, rồi nhóng cần cổ dòm ông lom lom, có phải ông chờ bà đó quay lại không? Ông nhìn lên ngọn tràm và thấy mấy cái bông vàng như mấy con sâu rọm đang dịu dàng rơi xuống. Có phải chỉ cần nhìn lại một chút, ông sẽ thấy ngọn khói bay lên không? Gió lùa lá chuối khô giống hệt bước chân ai vậy. Ông mắc ngoái nhìn. Và tôi đã chụp được chân dung ông trong ngoái nhìn khắc khoải đó.
Tôi bảo Khoa:
– Những người như ông già này có rất nhiều ở xứ mình, Khoa à, tao đâu có kiếm gì đâu.
Khoa nhìn tôi và nhìn lại những tấm ảnh, nó ngờ ngợ, “Mầy đang kể về ba mầy, phải không?”
Nguyễn Ngọc Tư
Trong Giao Thừa
Trong Giao Thừa