Tin tức từ trong nước cho biết Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ với lời hứa hẹn là sẽ được Tổng thống Barack Obama đón tiếp theo “nghi thức cao nhất” dành cho các nguyên thủ. Nếu dự định ấy được thực hiện, ông Trọng sẽ là Tổng Bí thư đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ. Chúng ta không thể không thắc mắc: ông Trọng sang Mỹ để làm gì?
Chưa có chi tiết nào về chuyến đi được công bố, tuy nhiên, điều đầu tiên có thể khẳng định một cách chắc chắn là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không thể ký kết bất cứ một hiệp ước quan trọng nào với Mỹ. Đó là nguyên tắc hành chánh. Trong cấu trúc chính trị của Việt Nam, với tư cách tổng bí thư, ông Trọng là người có quyền lực cao nhất nước, nhưng dưới mắt Tây phương, ông lại chỉ là lãnh tụ của một đảng chứ không phải lãnh tụ của quốc gia (như trường hợp của chủ tịch nước hay thủ tướng), do đó, về phương diện ngoại giao, ông không phải là đối tác thích ứng của tổng thống Mỹ.
Huống gì ông Nguyễn Phú Trọng lại có hai thế yếu để có thể hoạch định chiến lược chung với Mỹ. Thứ nhất, ai cũng biết ông Trọng không phải là một tổng bí thư mạnh và có ảnh hưởng quyết định về chính sách trong đảng. Qua những sự thất bại của ông trong nỗ lực kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng cũng như đưa Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị trước đây, ai cũng thấy rõ tầm ảnh hưởng của Nguyễn Phú Trọng trong Ban Chấp hành Trung ương đảng rất yếu. Thứ hai, sinh năm 1944, trong kỳ đại hội đảng vào đầu năm 2016 sắp tới, ông đã 71 tuổi, lứa tuổi bị buộc phải về hưu. Như vậy, ông chỉ còn tại vị được chưa tới một năm nữa thôi. Đó là một thời khoảng ngắn ngủi không thích hợp cho bất cứ một cam kết hoặc một chính sách nào lâu dài. Mỹ chắc chắn biết rõ điều đó: Trong tiếng Anh, người ta hay gọi những lãnh tụ sắp hết nhiệm kỳ như vậy là “vịt què” (lame duck).
Không có một hiệp ước hay một cam kết dài hạn nào, chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, theo tôi, chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Hoàn toàn có tính chất tượng trưng.
Tượng trưng, về phía Việt Nam, nằm ở chỗ: họ muốn khẳng định thiện chí và nhiệt tình thắt chặt bang giao với Mỹ để cân bằng cán cân quyền lực với Trung Quốc. Điều ai cũng biết là lâu nay Trung Quốc tìm mọi cách để lấn hiếp Việt Nam. Với con đường lưỡi bò của Trung Quốc, nếu thành hiện thực, nước bị thiệt thòi lớn nhất là Việt Nam. Với việc bồi đắp các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Trung Quốc, khi hoàn tất, nước bị đe doạ nhiều nhất cũng là Việt Nam. Với cả hai, Việt Nam đều bị bất lực. Nhỏ và yếu, Việt Nam không có cách gì để phòng vệ một cách hiệu quả cả. Dù muốn hay không, Việt Nam cũng phải tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong mấy năm vừa rồi, Việt Nam chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm đồng minh. Nhưng đồng minh duy nhất có thể giúp được Việt Nam chính là Mỹ. Không thể có ai khác. Qua chuyến đi Mỹ, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn gửi một thông điệp: cả đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam đều cần Mỹ và đều đặt hy vọng vào quan hệ đồng minh ấy.
Về phía Mỹ, việc tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng cũng có tính chất tượng trưng: Họ muốn gửi một thông điệp là họ muốn và sẵn sàng liên kết với Việt Nam để bảo vệ an ninh trên Biển Đông. Họ không chấp nhận những hành vi xâm chiếm cũng như những thái độ gây hấn của Trung Quốc. Với họ, Biển Đông là một con đường hàng hải tối quan trọng không thể để mặc cho Trung Quốc tự tung tự tác. Nhưng nói đến Biển Đông là nói đến Việt Nam, nước có chủ quyền trên nhiều hòn đảo ở Trường Sa nhất và cũng là nước có lãnh hải chung với con đường lưỡi bò của Trung Quốc nhiều nhất. Có thể nói tất cả các nỗ lực bảo vệ nguyên trạng trên Biển Đông của Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu Mỹ không lôi cuốn được sự tham dự của Việt Nam, quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng nhất trên Biển Đông.
Tuy nhiên, việc đón tiếp Nguyễn Phú Trọng với những “nghi thức cao nhất” dành cho các nguyên thủ quốc gia của Mỹ lại mang một ý nghĩa khác nữa: Mỹ thừa nhận tư cách nguyên thủ của ông Trọng, và qua đó, thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản tại Việt Nam. Thật ra, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Lâu nay, Mỹ vẫn chủ trương, một mặt, đòi hỏi các quốc gia phải tôn trọng nhân quyền, nhưng mặt khác, vẫn tôn trọng các cơ cấu quyền lực ở các quốc gia khác. Riêng với Việt Nam, Mỹ vẫn thường xuyên lên án các hành động trấn áp dân chúng của cộng sản nhưng chưa bao giờ kêu gọi lật đổ chính quyền cộng sản để xây dựng một chế độ khác. Với họ, việc thay đổi chế độ là công việc trong nội bộ nước ấy.
Không đáng ngạc nhiên, nhưng hai sự thừa nhận nêu trên cũng là một món quà lớn đối với đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam: Nó làm tăng thêm tính chính đáng của đảng cầm quyền.
Dĩ nhiên, trong quan hệ quốc tế, không có món quà nào là trọn vẹn. Chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ đặt ra một số điều kiện cụ thể cho hành động “ban phước lành” của họ. Những điều kiện ấy chắc chắn thuộc hai loại: Một, Việt Nam phải có lập trường rõ ràng và dứt khoát trong việc bảo vệ Trường Sa cũng như Biển Đông trước các hành động xâm lấn của Trung Quốc; và hai, Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và chấp nhận dần dần con đường dân chủ hoá.
Chưa biết Việt Nam sẽ đáp ứng thế nào trước hai loại điều kiện ấy. Chờ xem.
Nguyễn Hưng Quốc