Lâu lâu, khi đất nước đối diện với những khó khăn và bế tắc, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đây đó, một số người lại đề nghị nên mở một cuộc hội nghị Diên Hồng mới theo mô thức cuộc hội nghị mang tính chất dân chủ đầu tiên thời nhà Trần vào năm 1284.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “[t]háng 12, Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta. Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế sách đánh giặc. Các phụ lão đều nói ‘đánh’, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.” (1)
Bình luận về sự kiện ấy, sử gia Ngô Sĩ Liên viết:
“Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy.”(2)
Nhận xét của Ngô Sĩ Liên rất tinh tế. Ông hiểu được những dụng ý chính trị đằng sau cuộc họp mặt với các phụ lão trước nguy cơ xâm lược của nhà Nguyên. Trước đó, Trần Thánh Tông đã tổ chức một cuộc hội nghị khác ở Bình Than, chủ yếu với các vương thân và tướng lãnh để bàn về chiến lược và chiến thuật chống giặc. Mọi phương sách đã được hoạch định. Cuộc hội nghị Diên Hồng chỉ có tính chất chính trị. Như một cách vận động quần chúng.
Từ đó, với người Việt Nam, hình ảnh hội nghị Diên Hồng đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm đánh giặc để bảo vệ độc lập, và đặc biệt, tinh thần dân chủ. Chính vì vậy, lâu lâu, nhiều người lại mơ ước có một cuộc vận động chính trị tương tự để mọi người dân có cơ hội lên tiếng bày tỏ không những nhiệt tâm và quyết tâm mà còn cả tư tưởng của mình trước những biến chuyển quan trọng và lớn lao của đất nước.
Không chừng chính Hồ Chí Minh cũng nghĩ như vậy nên, trước cuộc tổng khởi nghĩa giành độc lập vào đầu tháng 8 năm 1945, ông đã ra lệnh cấp tốc tổ chức cuộc hội nghị toàn quốc của đảng và Quốc dân đại hội đại biểu ở Việt Bắc. Họp để thống nhất kế sách giành chính quyền, đã đành. Nhưng họp còn để biểu dương một thứ tinh thần Diên Hồng của thời kỳ tiền-khởi nghĩa nữa.
Có điều, một thứ hội nghị Diên Hồng mang tính biểu tượng như vậy, thật ra, chỉ là một hình thức mị dân. Lý do đơn giản là không có cuộc hội nghị nào có thể quy tụ được đầy đủ dân chúng, hoặc ít nhất, những đại biểu chân chính của dân chúng. Một trăm người ư? Dĩ nhiên là quá ít! Một ngàn người ư? Vẫn ít! Một chục ngàn người ư? Vẫn ít! Trình độ dân trí càng cao, xã hội càng phân hóa, quan điểm chính trị cũng sẽ càng đa dạng. Bởi vậy, một thứ hội nghị Diên Hồng theo tinh thần nhà Trần sẽ không bao giờ có thể xảy ra được nữa. Không bao giờ.
Nhưng không nên bi quan. Trên thế giới, đặc biệt ở Tây phương, người ta vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị Diên Hồng đó thôi. Xin nhấn mạnh: họ không những tổ chức mà còn tổ chức thường xuyên.
Thì chứ còn gì nữa? Các cuộc bầu cử dân chủ không phải là một thứ hội nghị Diên Hồng đó sao? Bằng lá phiếu của mình, mọi người dân ở lứa tuổi trưởng thành đều được quyền lên tiếng. Cách lên tiếng ấy thầm lặng hơn nhưng rõ ràng, về bản chất, tuyệt đối không có gì khác với những tiếng hô “Quyết chiến!” dõng dạc trước điện Diên Hồng ngày xưa. Không khác gì cả: tất cả đều là những tiếng nói của dân chúng.
Chỉ có vấn đề là: bầu cử thật hay không? Nếu là bầu cử thật thì đó sẽ là một thứ hội nghị Diên Hồng. Mà còn vĩ đại hơn cả hội nghị Diên Hồng: Đó là tiếng nói của mọi người chứ không phải chỉ là một số bậc phụ lão.
Hình thức thứ hai của hội nghị Diên Hồng là các cuộc trưng cầu dân ý. Cách đây mấy tuần, trên một blog nào đó ở trong nước, có người thách thức chính quyền Việt Nam: Lúc nào họ cũng nói nhân dân tin cậy và ủng hộ sự lãnh đạo của họ, và tuyệt đối tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội, vậy thì họ thử tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thực sự dân chủ xem sao. Lúc nào họ cũng nói các chính sách của họ là đúng đắn và hợp lòng dân; vậy thì cứ tổ chức trưng cầu dân ý đi!
Một cuộc trưng cầu dân ý như thế chắc chắn sẽ là một cuộc hội nghị Diên Hồng thời hiện đại.
Nhưng tổ chức trưng cầu dân ý là một việc làm khó khăn và tốn kém.
Thôi thì chúng ta thử tổ chức hội nghị Diên Hồng dưới hình thức khác. Bằng cách thăm dò dư luận nhé? Ừ, tại sao không? Đó cũng là cơ hội để dân chúng lên tiếng và bày tỏ thái độ chứ?
Ở các quốc gia Tây phương, các cuộc thăm dò dư luận như vậy đã có từ lâu và được tổ chức một cách rất đều đặn. Khi có vấn đề gì quan trọng, người ta cũng đều tổ chức các cuộc thăm dò dư luận. Ngay cả khi không có vấn đề gì quan trọng thì vài ba tháng, người ta cũng tổ chức các cuộc thăm dò như thế để biết dân chúng nghĩ gì về chính phủ, về đảng cầm quyền và về lãnh tụ. Đã đành số người được hỏi ý kiến trong các cuộc thăm dò ấy rất giới hạn, nhưng với tính chuyên nghiệp cao như hiện nay, mức độ chính xác của các cuộc thăm dò ấy rất lớn. Lớn đến độ không có chính phủ nào không quan tâm đến nó, không xem đó như một thứ hàn thử biểu chính trị trong dư luận.
Tại sao chính quyền Việt Nam lại không cho phép các tổ chức độc lập tiến hành thăm dò dư luận như vậy về các vấn đề quan trọng của đất nước? Như về vai trò của đảng, về tư cách của đảng viên, về tài năng của giới lãnh đạo, hay về mức độ tham nhũng? Như về dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên, về việc cho thuê đất thuê rừng hay về cái gọi là đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa rồi?
Kết quả của một cuộc thăm dò dư luận độc lập và khách quan như thế chính là một cuộc hội nghị Diên Hồng đấy!
Có điều cả ba hình thức “Diên Hồng” vừa kể đều khó được thực thi ở Việt Nam. Hai hình thức đầu, bầu cử tự do và trưng cầu dân ý tự do, hoàn toàn nằm trong tay nhà nước. Nhưng nhà nước Việt Nam thì chắc chắn không hề thích cái gọi là “tự do” đứng sau chuyện bầu cử và trưng cầu dân ý ấy. Hình thức thứ ba do các tổ chức tư nhân thực hiện, nhưng họ chỉ có thể thực hiện được với một điều kiện tiên quyết: họ phải được phép của chính phủ để làm việc một cách độc lập và khách quan. Mà cả sự độc lập và khách quan cũng lại đều là kẻ thù của chế độ.
Nhưng không nên tuyệt vọng. Vẫn còn một hình thức Diên Hồng khác để dân chúng lên tiếng bày tỏ thái độ và trình bày các suy nghĩ của mình, một hình thức tự do nhất và cũng khả thi nhất: trên blog!
Khi người dân không được tự do bỏ phiếu thì mỗi phát biểu trên blog đây đó đều có thể xem là một lá phiếu. Khi người dân không được phép phát biểu một cách dõng dạc như các bậc phụ lão trước điện Diên Hồng ngày xưa thì họ cũng có thể lên tiếng trong thế giới ảo của internet.
Có thể xem các blog và phần Ý kiến trên các blog là những cuộc hội nghị Diên Hồng của thời đại mới.
Tôi không biết các bạn có đồng ý với nhận định ấy hay không, nhưng tôi biết chắc chắn một điều: chính phủ Việt Nam cũng nghĩ vậy. Vì cũng nghĩ như vậy, họ mới ghét phần Ý kiến trên các blog như đã trình bày trong bài “Khi các ‘còm sĩ’ trở thành một lực lượng đáng sợ” vừa rồi.
Nguyễn Hưng Quốc