“Thật lạ đời rằng trong một chế độ dân chủ tự do, nơi người ta không chính thức đưa đạo đức lên như một giá trị của thể chế, nơi người ta chỉ dành nhiều thời gian và công sức để đề cao và bảo vệ nền pháp trị thì đạo đức lại được phát huy. Bởi xét cho cùng những giá trị như công bằng, tự do, tự thân chúng lại là một vấn đề đạo đức. Không có kẻ vô đạo đức nào yêu chuộng công bằng, tự do. Bởi vậy, không ngoa chút nào khi ta nói xã hội dân chủ được đặc trưng bởi đạo đức.” (Trích: “Bàn về đạo đức thay lời chúc mừng Giáng Sinh” của Huỳnh Thục Vy đăng trên báo Dân Luận.). Những “lời bàn” này của HTV, theo tôi, giá trị của nó rất nặng cân. Và tôi muốn tiếp sức cho “lời bàn” của cô với một bài luận (đã được viết từ cuối thập niên 1980s) về cái mà tôi gọi là “đạo đức cơ chế.”
Con người không phải là dã thú cho nên phải lấy văn minh thiện đức mà đối đãi nhau. Muốn được văn minh thiện đức, đời sống tinh thần và vật chất của con người phải phong phú và hài hòa. Tổ chức cho đời sống của con người phải dựa trên những tư tưởng, nguyên tắc và hành động phù trợ văn minh thiện đức.
Con người sinh ra vốn bình đẳng và tự do. Đời sống đúng nghĩa cho con người phải thể hiện trạng thái bình đẳng và tự do. Ngay cả tương quan thiên địa nhân còn đồng vị hà huống chi là tương quan giữa con người với con người. Cho nên không ai có thể nhân danh bất cứ một lý do nào -dầu là vì Trời, vì Đất, hay vì Người- để hủy bỏ hoặc tước đoạt sự bình đẳng và tự do của con người.
Không một ai có thể tự đặt mình ở vị thế cao trọng hơn người khác hoặc ép buộc người khác phải tuân theo tha lực trái với ý muốn. Đành rằng tổ chức của xã hội loài người phát sinh nhu cầu lãnh đạo và tuân hành nhưng không vì nhu cầu đó mà sự bình đẳng và tự do của con người có thể bị ngang nhiên cưỡng đoạt. Để dung hòa giữa nhu cầu tổ chức với nhu cầu tôn trọng quyền bình đẳng và tự do của con người, quyền lãnh đạo phải được cho phép trước bởi những người tuân hành.
Sự tự nguyện tuân hành của đại đa số bằng cách ủy nhiệm vai trò lãnh đạo cho một thiểu số là nguồn gốc cơ bản của quyền lực dân chủ. Từ đó, trong phạm trù tổ chức của một quốc gia dân chủ, quyền lãnh đạo là do dân trao cho mà có. Dân phải là chủ. Quyền cho phép lãnh đạo phải nằm trong tay dân. Đó gọi là dân quyền.
Dân quyền phải là nền móng cho cung cách tổ chức của một quốc gia dân chủ. Dân thiết lập hiến pháp và thể chế lãnh đạo. Dân chọn lựa thành phần lãnh đạo và sách lược lãnh đạo. Dân quyết định tương lai và vận số của đất nước. Tất cả guồng máy lãnh đạo đất nước phải là của dân, do dân và vì dân.
Dân quyền hoàn toàn không hiện hữu nếu dân không thể tự chủ thiết lập hiến pháp và thể chế lãnh đạo; nếu dân không thể tự chủ chọn lựa thành phần lãnh đạo và sách lược lãnh đạo; nếu dân không thể tự chủ quyết định tương lai và vận số của đất nước. Tất cả mọi hình thức “cho phép” người dân suy nghĩ, lên tiếng, hay hành động từ phía nhà cầm quyền không thể gọi là dân quyền, không thể ngụy tạo là dân quyền, không thể ngộ nhận là dân quyền, không thể chấp nhận là dân quyền. Theo đó, cũng không thể nói guồng máy điều hành đất nước là của dân, do dân và vì dân.
Tất cả những quyền lực lãnh đạo, bất kể phát xuất từ đâu hay dưới bất cứ danh nghĩa nào, nếu không có sự ủy nhiệm của dân đều được coi là bạo quyền. Và, nếu đã là một guồng máy lãnh đạo được xây dựng trên nền móng của bạo quyền thì đất nước đó không thể thực sự là một quốc gia dân chủ dầu nhà cầm quyền có che đậy dưới bất cứ hình thức nào, có đánh bóng với bất cứ lý tưởng nào, có trống chiên với bất cứ chiêu bài nào, có ngụy tạo dưới bất cứ ngôn từ nào, có giải thích với bất cứ lý do nào.
Bạo quyền là nguồn gốc cơ bản của chiến tranh. Từ nghìn xưa cho tới giờ chế độ quân chủ phong kiến chuyên chế không ổn định lâu dài. Chế độ phát xít độc tài chuyên chế không ổn định lâu dài. Chế độ cộng sản độc tài chuyên chế không ổn định lâu dài. Chỉ vì những chế độ này đều dùng sức mạnh của bạo quyền mà áp chế. Bạo quyền thường hấp dẫn bạo hành. Đó là định luật đương nhiên. Vì vậy, đấu tranh tàn hủy triền miên là điều khó tránh. Tội nghiệp dân đen phải chịu cảnh nổi trôi quằn quại!
Bạo quyền là nguồn gốc cơ bản của mọi cưỡng đoạt. Dưới móng vuốt của bạo quyền, mạng sống của con người bị cưỡng đoạt; sự sống của con người bị cưỡng đoạt; cho đến cách sống của con người cũng bị cưỡng đoạt. Nói một cách khác, mọi quyền sống của con người -bao gồm mạng sống, sự sống, và cách sống- đều bị cưỡng đoạt. Cưỡng đoạt công khai, cưỡng đoạt âm thầm, cưỡng đoạt thô bỉ, cưỡng đoạt tinh vi, cưỡng đoạt có lý do, cưỡng đoạt không lý do, cưỡng đoạt dưới mọi hình thức, cưỡng đoạt trong mọi môi trường, cưỡng đoạt ở mọi cấp độ. Chế độ quân chủ phong kiến độc tài chuyên chế cưỡng đoạt quyền sống của con người. Chế độ phát xít độc tài chuyên chế cưỡng đoạt quyền sống của con người. Chế độ cộng sản độc tài chuyên chế cưỡng đoạt quyền sống của con người. Những chế độ độc tài chuyên chế này đều dựa vào bạo quyền để cưỡng đoạt. Và một khi quyền sống của người dân đã bị cưỡng đoạt thì hạnh phúc của người dân không thể nào thực sự hiện hữu.
Nhìn suốt dòng lịch sử của nhân loại, chỉ có quyền lực dân chủ mới bảo đảm được sự ổn định lâu dài cho đất nước. Và duy nhất chỉ có quyền lực dân chủ mới bảo đảm được quyền sống và hạnh phúc cho người dân.
Tuy nhiên, quyền lực dân chủ tự nó chưa đủ để có thể nói là “bảo đảm chắc chắn” cho sự ổn định lâu dài và cho quyền sống của con người. Phải có một cơ chế dân chủ để gìn giữ và ngăn chận không cho quyền lực dân chủ đi đến tình trạng tha hóa.
Con người, không cần biết là chi sơ tính bản thiện hay tính bản ác, luôn luôn thay đổi để đáp ứng với hoàn cảnh. Sự thay đổi có thể mang con người từ chỗ không văn minh thiện đức đến chỗ văn minh thiện đức. Ngược lại, sự thay đổi có thể mang con người từ chỗ văn minh thiện đức đến chỗ mất đi văn minh thiện đức. Và sự thay đổi của những tập thể cũng không khác. Đó là một sự thật tất nhiên và bất biến.
Vì vậy, để ngăn ngừa hậu quả không tốt, quyền lực lãnh đạo không được tập trung vào một tập thể duy nhất. Đồng thời, sự ủy nhiệm quyền lực lãnh đạo cho từng cá nhân phải có giới hạn. Nói một cách khác, ba nguyên tắc phân quyền, tản quyền và bầu cử định kỳ phải được áp dụng triệt để. Phân quyền, tản quyền và bầu cử định kỳ có thể tạm gọi là ba nguyên tắc ủy nhiệm quyền lực dân chủ.
Ba nguyên tắc ủy nhiệm quyền lực dân chủ là thành lũy kiên cố để chống lại sự lạm dụng quyền lực của cá nhân trong một cơ chế lãnh đạo; để chống lại sự lạm dụng quyền lực của một tập thể lãnh đạo; để bảo vệ dân quyền và nhân quyền; để gìn giữ cơ chế dân chủ; để khai phóng sinh hoạt chính trị theo chiều hướng nhân bản cao độ, trong đó toàn dân chung dự một cách thoải mái vì không sợ bị bạo quyền đe dọa đến đời sống và mạng sống. Và, theo đó sinh hoạt chính trị của quốc gia được ổn định lâu dài.
Đối với một cơ chế lãnh đạo dân chủ trong một guồng máy điều hành quốc gia được xây dựng trên nền móng dân quyền, ba nguyên tắc ủy nhiệm là phương tiện để có thể cùng nhau mà lãnh đạo. Cùng nhau lãnh đạo có thể thực hiện được nhờ vào bản chất của dân chủ là dung chứa và hòa hợp. Trong thể chế dân chủ, đối lực cũng là trợ lực. Trong cái đối kháng có sự phù trợ. Trong cái phù trợ có sự đối kháng. Phù trợ nhau để cùng sinh tồn. Đối kháng nhau để cùng tiến hóa. Đối kháng nhau mà không hủy diệt nhau. Phù trợ nhau mà không toa rập nhau để đưa đến chỗ chuyên chế lầm lạc. Vì vậy, ba nguyên tắc ủy nhiệm quyền lực lãnh đạo dân chủ có thể nói là cái thể dụng tuyệt vời của đạo lý âm dương. Phân quyền, tản quyền và bầu cử định kỳ là cái Đức sáng của Đạo thể hiện trong cơ chế dân chủ.
Đối với một cơ chế cầm quyền phi dân chủ cai quản một guồng máy khống trị đất nước được xây dựng trên nền móng bạo quyền, phân quyền là điều không thể thực sự có được bởi vì nhu cầu của bạo quyền là thống trị độc tôn. Tất cả mọi đối lực, bên trong và bên ngoài, đều được coi là những đe dọa trực tiếp tới quyền lực của giới cầm quyền khống trị và tới sự sinh tồn của bộ máy khống trị hỗ trợ quyền lực đó. Do những động lực phát sinh từ nhu cầu thống trị độc tôn, hủy diệt đối lực hay bị đối lực hủy diệt là tiến trình duy nhất. Khát vọng phải hủy diệt đối lực ngay từ trong trứng nước trở thành một ám ảnh không ngừng nghĩ trong tâm thức của giới cầm quyền khống trị và bạo hành là công cụ để thực hiện.
Bạo hành nuôi dưỡng bạo hành. Chính vì lẽ đó, có đầy dẫy chuyện cá nhân tàn hại cá nhân, cá nhân tàn hại tổ chức, tổ chức tàn hại cá nhân, tổ chức tàn hại tổ chức, những đối tượng tranh đoạt tàn hại lẫn nhau đưa đến chỗ tài nguyên kiệt tận, con người lầm than khốn khó, lễ nghĩa suy đồi, đất nước tan nát.
Nếu những đối tượng cùng nằm bên trong cơ chế cầm quyền và bộ máy khống trị đã không thể tương nhượng nhau thì làm sao có thể dung nạp những đối tượng từ bên ngoài? Nếu khuynh hướng hủy diệt đối lực được áp dụng triệt để lên những đối tượng nằm bên trong cơ chế cầm quyền và guồng máy khống trị thì làm sao những đối tượng đến từ bên ngoài có thể thoát khỏi nanh vuốt của bạo lực?
Đối với một cơ chế cầm quyền phi dân chủ cai quản một guồng máy khống trị đất nước được xây dựng trên nền móng bạo quyền, tản quyền là điều không thể thực sự có được vì nhu cầu của bạo quyền là củng cố thế lực để hủy diệt đối lực. Tản quyền là tự chiết giảm quyền lực. Tản quyền là tự để đối tượng thoát ra khỏi ảnh hưởng của móng vuốt khống trị. Tản quyền là tự tạo cơ hội cho đối tượng xét lại. Tản quyền là tự gieo mầm mống đe dọa về sau. Cho nên, áp dụng nguyên tắc trung ương tập quyền là điều đương nhiên và dễ hiểu.
Chính vì trung ương tập quyền, giới lãnh đạo và guồng máy cai trị càng ngày càng xa cách với dân, điều hành càng ngày càng trì trệ, hiệu quả càng ngày càng suy thoái, xã hội càng ngày càng thua sút.
Đối với một cơ chế cầm quyền phi dân chủ cai quản một guồng máy khống trị đất nước được xây dựng trên nền móng bạo quyền, bầu cử định kỳ để người dân thu hồi quyền lãnh đạo của những người không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của dân và để ủy quyền cho những người khác lên thay là điều không thể thực sự có được vì nhu cầu của bạo quyền là phục vụ và duy nhất chỉ phục vụ cho tham vọng vô giới hạn của giới cầm quyền khống trị đất nước.
Áp đặt một bộ máy khống trị sắt máu là điều tất nhiên đối với một cơ chế cầm quyền phi dân chủ. Bộ máy đó được tạo tác và củng cố liên tục để có đủ khả năng nghiền nát những lực lượng đối lập, những phương án đối lập, những hành động đối lập, những quan điểm đối lập. Bộ máy đó không tin bất cứ ai và rất muốn khám phá mọi âm mưu từ trong trứng nước cho nên sẵn sàng sử dụng tất cả mọi thủ đoạn và phương tiện dầu là những thủ đoạn và phương tiện đó có ghê tởm hèn hạ đến mấy, có phi nhân phi nghĩa đến mấy, có để lại hậu quả khốc liệt đến mấy. Bộ máy đó luôn luôn đói khát chiến tranh: chiến tranh giữa những phần tử bên trong nội bộ, chiến tranh với nhân dân, và chiến tranh với những quốc gia láng giềng.
Là hệ lụy đương nhiên của cơ chế cầm quyền phi dân chủ, bối cảnh của đất nước và thân phận của con người trong đất nước không hơn được địa ngục âm u của loài súc sanh và ngạ quỷ.
Mỗi một con người sinh ra vốn khác nhau và độc đáo. Sự khác nhau và độc đáo đó làm nên những cá thể riêng biệt. Sự khác nhau và độc đáo làm nên trạng thái đa nguyên. Trạng thái đa nguyên là sự hiện hữu của những dị biệt trong cùng một không gian và thời gian. Đồng thời con người sinh ra vốn bình đẳng và tự do. Trong trạng thái bình đẳng và tự do, không một cá thể nào có thể bị cưỡng đoạt mất đi cái riêng biệt của chính mình. Đối với một xã hội văn minh thiện đức, trạng thái đa nguyên với trạng thái bình đẳng và tự do kết hợp nhau chặt chẽ và tự nhiên.
Để bảo đảm có được sự tôn trọng của người khác dành cho chính bản thân mình, tự nguyện tôn trọng sự khác biệt của những cá thể chung quanh là điều hợp tình hợp lý và thiết yếu.
Để duy trì sự ổn định tự nhiên và lâu dài mỗi người và mọi người phải đương nhiên tôn trọng sự khác biệt của mỗi người và mọi người chung quanh, không cần biết sự khác biệt đó là khác biệt thể dạng hay khác biệt tư tưởng, không cần biết sự khác biệt đó là do bẩm sinh hay do nhân tạo, không cần biết sự khác biệt đó gây cảm giác ưa thích hay khó chịu. Và sự khác biệt của mỗi cá thể trong xã hội được tôn trọng theo tinh thần bình đẳng và tự do.
Nói một cách khác, con người phải được quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do biểu hiện tư duy của chính mình, tự do tìm kiếm hạnh phúc . . . và xã hội phải tôn trọng những quyền sống căn bản này.
Nếu những khác biệt không được tôn trọng xã hội đi đến chỗ con người sẽ nhân danh cá nhân, nhân danh gia đình, nhân danh tập thể, nhân danh chế độ, nhân danh chủng tộc, nhân danh tôn giáo, nhân danh đạo đức, nhân danh thần linh, nhân danh Thượng Đế, nhân danh Đảng . . . để áp chế con người một cách trắng trợn.
Một khi sự dị biệt của một cá nhân không được tôn trọng, cá nhân đó đã vô hình trung bị “bức tử” một cách tàn nhẫn vì quyền sống của cá nhân đó đã bị cưỡng đoạt. Đó gọi là trạng thái vong thân. Nếu xã hội để cho một người bị vong thân, tất cả mọi người trong xã hội đó trước sau gì cũng sẽ bị vong thân. Vấn đề chỉ là xảy ra sớm hay muộn.
Những thể hiện dân chủ thực sự tuyệt nhiên không thể tách rời khỏi sự chấp nhận, tôn trọng và gìn giữ trạng thái đa nguyên. Bản chất của dân chủ thực sự tuyệt nhiên không thể tách rời khỏi trạng thái đa nguyên. Cơ chế dân chủ thực sự tuyệt nhiên không thể tách rời khỏi trạng thái đa nguyên. Xã hội dân chủ thực sự tuyệt nhiên không thể tách rời khỏi trạng thái đa nguyên. Yếu tính tự do không thể tách rời khỏi trạng thái đa nguyên. Yếu tính bình đẳng không thể tách rời khỏi trạng thái đa nguyên. Yếu tính nhân bản cũng không thể tách rời khỏi trạng thái đa nguyên.
Đa nguyên là trạng thái tự nhiên của trời đất. Vạn vật có muôn hình vạn trạng. Tuy có khác nhau nhưng bình đẳng và tự do. Tuy có khác nhau nhưng hòa hợp trong đại thể của trời đất. Xã hội của loài người cũng không khác. Tổ chức của loài người phải tôn trọng trạng thái đa nguyên, nếu thực sự yêu chuộng văn minh thiện đức.
Không may, lịch sử đã từng chứng minh là có những cá thể chỉ vì muốn thế giới còn lại một chủng tộc duy nhất mà đã nhẫn tâm dùng bạo lực tàn hại sinh linh. Lịch sử đã từng chứng minh là có những cá thể chỉ vì muốn tất cả mọi người đi theo một tôn giáo duy nhất mà đã nhẫn tâm dùng bạo lực tàn hại sinh linh. Lịch sử đã từng chứng minh là có những cá thể chỉ vì muốn mọi người nghe theo một tiếng nói duy nhất mà đã nhẫn tâm dùng bạo lực để tàn hại sinh linh. Sự đối chiếu lịch sử cho thấy một điều rất rõ rệt là tất cả những nỗ lực của con người nhằm hủy bỏ trạng thái đa nguyên đều là những nỗ lực vô đạo. Tất cả những nỗ lực của con người nhằm đi ngược lại với tinh thần bình đẳng và tự do trong môi trường đa nguyên đều là những nỗ lực vô đạo. Tất cả những nỗ lực của con người nhằm đi ngược lại với văn minh thiện đức đều là những nỗ lực vô đạo.
Từ đó, trong phạm trù tổ chức của một quốc gia, xây dựng một xã hội văn minh thiện đức cần phải đặt trên nền tảng đa nguyên. Tự do tín ngưỡng phải được tôn trọng. Tự do ngôn luận phải được tôn trọng. Tự do hội họp phải được tôn trọng. Tự do biểu hiện tư duy phải được tôn trọng. Tự do tìm kiếm hạnh phúc phải được tôn trọng. Tất cả những thứ tự do khác phù trợ quyền sống của con người phải được tôn trọng. Cá nhân và nhà cầm quyền phải chấp nhận sự có mặt của nhiều tôn giáo khác nhau, phải chấp nhận sự có mặt của nhiều đảng phái và tổ chức khác nhau, phải chấp nhận nhiều hệ tư tưởng khác nhau . . . và phải chấp nhận ngay cả những điều chính cá nhân mình không ưa thích hoặc không đồng ý. Tất cả phải cư xử với nhau trên tinh thần dung thứ, tương nhượng và xây dựng.
Con người sinh ra vốn bình đẳng và tự do, trong đó có cả bình đẳng và tự do để mưu sinh và tư hữu. Đành rằng trước khi con người được sinh ra trời đất sinh vật đã hiện hữu, và do đó, vạn vật trong trời đất là của công hữu. Nhưng mỗi cá nhân đã bỏ tâm sức để phát triển tư năng và vận dụng tư năng của mình để mưu sinh cho nên vật chất cá nhân tạo được đã trở thành tư hữu. Nói một cách khác, chính vì sự lao tâm và lao lực của mỗi cá nhân để trộn thành quả lao động của mình vào vật chất sản xuất cho nên từ chỗ cộng sản dẫn tới chỗ tư sản là một tiến trình tất nhiên. Mọi nỗ lực cưỡng bách con người đi ngược lại tiến trình này đều là những nỗ lực nghịch lý và nghịch hành.
Sự sáng tạo, cần mẫn và tiết kiệm là những đức tính đáng quý của con người. Nhờ vào sáng tạo và cần kiệm con người mới tạo ra sự phong phú vật chất. Tự do mưu sinh và tư hữu cho con người cái cơ hội vận dụng sự sáng tạo và cần kiệm để làm cho đời sống trở nên phong phú hơn. Nói một cách khác, sự phong phú vật chất là thể hiện thực tế của những đức tính tốt. Vì vậy, quyền tư hữu không những là điều đương nhiên và hợp lý mà còn là phương tiện để thúc đẩy và biểu dương đức tính tốt của con người.
Chưa hết. Sự thật trong đời sống đã từng chứng minh là nghèo đói có thể đưa con người tới chỗ cùng đường, đến chỗ vong thân, đến chỗ mất đi lễ nghĩa. Sự thật trong đời sống đã từng chứng minh là nghèo đói cưỡng đoạt đi quyền sống căn bản của con người: quyền được sống trong no ấm và hạnh phúc. Nếu nghèo đói đưa con người đến chỗ cùng đường, đến chỗ vong thân, đến chỗ mất đi lễ nghĩa, đến chỗ mất đi quyền sống căn bản thì không ai có thể phủ nhận được sự phong phú vật chất là một phương tiện tốt để cho con người có được cái cơ hội sống đúng với tinh thần văn minh thiện đức. Vì vậy, quyền tư hữu không những là điều đương nhiên và hợp lý; không những là phương tiện để thúc đẩy và biểu dương đức tính tốt của con người; mà còn là phương tiện gìn giữ quyền sống căn bản của con người chống lại sự vong thân và mất đi lễ nghĩa.
Thêm vào đó, con người cần phải biết chia sẻ đùm bọc lẫn nhau. Tiền nhân nước Việt đã từng dạy “lá lành đùm lá rách.” Nhưng nếu một cá nhân không có được sự phong phú vật chất thì thử hỏi làm sao có thể đưa người khác ra khỏi cảnh nghèo đói, khỏi chỗ cùng đường, khỏi chỗ vong thân, khỏi chỗ mất đi lễ nghĩa dầu có đầy lòng nhân ái? Nhưng nếu cơ chế kinh tế của quốc gia không tạo ra được sự phong phú vật chất thì thử hỏi làm sao có thể đưa đại đa số dân chúng ra khỏi cảnh nghèo đói, khỏi chỗ cùng đường, khỏi chỗ vong thân, khỏi chỗ mất đi lễ nghĩa dầu công quyền có đầy lòng nhân ái? Vì vậy, quyền tư hữu không những là điều đương nhiên và hợp lý; không những là phương tiện để thúc đẩy và biểu dương đức tính tốt của con người; không những là phương tiện gìn giữ quyền sống căn bản của con người chống lại sự vong thân và mất đi lễ nghĩa; mà còn là phương tiện để con người trợ giúp cho sự sống và mạng sống của tha nhân, đồng bào, đồng loại.
Vì tất cả những lý do đó mà quyền tư hữu được tuyệt đối tôn trọng trong xã hội văn minh thiện đức.
Muốn có được một xã hội văn minh thiện đức, đời sống vật chất và tinh thần của con người phải hài hòa. Muốn có được một xã hội hài hòa vật chất và tinh thần con người không thể bị cưỡng đoạt đi quyền bình đẳng và tự do trong đó có quyền bình đẳng và tự do tư hữu, quyền bình đẳng và tự do mưu sinh, quyền bình đẳng và tự do tìm kiếm hạnh phúc theo nhu cầu cá nhân.
Từ đó, trong phạm trù tổ chức của một quốc gia, một cơ chế phù trợ văn minh thiện đức phải là một cơ chế tuyệt đối tôn trọng quyền tư hữu; phải là một cơ chế cho con người những cơ hội tìm kiếm hạnh phúc theo nhu cầu cá nhân; phải là một cơ chế khích lệ sự sáng tạo và cần kiệm; phải là một cơ chế có thể đưa đại đa số dân chúng ra khỏi cảnh nghèo đói, khỏi chỗ cùng đường, khỏi chỗ vong thân, khỏi chỗ mất đi lễ nghĩa; phải là một cơ chế có khả năng phong phú hóa đời sống con người; phải là một cơ chế bảo đảm tài sản tư hữu của cá nhân không bị tước đoạt bởi bạo quyền.
Và vì không sợ bị cưỡng đoạt bởi bạo quyền, tài sản tư hữu của cá nhân được tự do vận dụng theo nguyên tắc thị trường để đầu tư vào công cụ sản xuất. Công cụ sản xuất là phương tiện căn bản có thể phong phú hóa vật chất để cải thiện đời sống của người dân. Đem đầu tư tài sản cá nhân tạo ra phong phú vật chất để cho mọi người cộng hưởng, dầu nhiều ít có thể khác nhau, là noi theo huyền tích Ky Tô [dùng một miếng bánh mì tạo ra thêm nhiều miếng bánh mì chia xẻ cho giáo dân] theo tinh thần nhân ái của Thiên Chúa. Đem đầu tư tài sản cá nhân tạo ra phong phú vật chất để cho mọi người cộng hưởng, dầu nhiều ít có thể khác nhau, là hành động chia sẻ mà không biết mình đã chia sẻ, không biết đến người nhận sự chia sẻ, không biết đã chia sẻ bao nhiêu. Đó là noi theo tinh thần bố thí ba la mật của chư Bồ Tát. Một cơ chế điều hành đất nước biết tận dụng yếu tính tư hữu để có thể tạo ra công ích rộng lớn là một cơ chế điều hành đất nước phù hợp với văn minh thiện đức.
Tóm lại, trong một xã hội văn minh thiện đức bình đẳng và tự do của con người được tuyệt đối tôn trọng, trạng thái đa nguyên được tuyệt đối tôn trọng, và quyền tư hữu được tuyệt đối tôn trọng. Bình đẳng, tự do, dân chủ, dân quyền, nhân quyền, đa nguyên và tư hữu là những yếu tính “đạo đức” không thể thiếu vắng để có được cái gọi là “một xã hội văn minh thiện đức.”
Iris Vinh Hayes