Nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả của bài thơ bất hủ “Bên Kia Sông Đuống“, đã qua đời lúc 9 giờ sáng ngày 6 tháng 5 tại Hà Nội, Việt Nam. Nhà thơ sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922, tên thật là Bùi Tằng Việt, quê xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Tên của ông là chữ ghép của xã Phúc Tằng và huyên Việt Yên. Ông đổ tú tài toàn phần 1940 và bước vào nghề dịch sách. Bút hiệu của ông được đặt theo tên của vị thuốc đắng Hoàng Cầm. Cũng trong thời gian đó ông bắt đầu tham gia các hoạt động chống Pháp và như ông trả lời đài BBC cách đây không lâu, ông chống Pháp chỉ vì lòng yêu nước. Tháng 4-1955, ông cùng các nhà thơ Trần Dần, Đỗ Nhuận, Trúc Lâm, Tử Phác đệ trình “Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa”, nêu yêu cầu cần có tự do sáng tác. Không lâu sau đó, ông là một trong những tác giả bị đảng Cộng Sản kết án trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Ông rút lui ra khỏi hội Văn Nghệ Việt Nam và sống cuộc đời ẩn dật dù năm đó chỉ 48 tuổi. Sau lần té ngã cách đây 2 năm sức khỏe ông yếu đi và dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi tại căn phòng nhỏ ở Hà Nội. Ông trở bịnh vào ngày 2 và 3 ngày sau, tác giả của Lá Diêu Bông vĩnh viễn ra đi. Hiện nay thi hài nhà thơ vẫn còn ở bịnh viện 108, chưa biết chính xác chương trình tang lễ.
Nhà thơ Hoàng Cầm: Người “chép” thơ của cõi vô hình
Người đời vẫn nói, nhà thơ thường đa tình. Nhà thơ thì ngụy biện, có đa tình mới làm được thơ. Có vẻ như ông không bao giờ rầu lòng khi người ta “gán” cho ông hai chữ: thi sĩ đa tình?
-Tôi là thi sĩ đa tình thật đấy, đó là trời cho tôi chứ tôi không cố tỏ ra đa tình. Tôi có vung vãi cái đa tình ra ngoài đời đâu nhỉ. Mới đây tôi có nói như thế này, nếu bây giờ có một người đàn bà có tấm lòng hy sinh, yêu tôi và chăm sóc cho tôi lúc tuổi già thì chắc chắn tôi sẽ còn ra một tập thơ nữa.
Cõi mê xưa đã trôi veo
Nhớ chăng chẳng nhớ hồn theo bụi nào
Có thời gái nhoẻn hồng đào…
Đừng thương em nữa vui càng sinh đau
Chuông thiền xa đổ nhịp mau
Bóng anh thấp thoáng chìm sau mai vàng”
(Thư cuối năm của người yêu xưa).
Có lúc nào ông muốn rũ nghiệp văn chương?
– Trời đã định cái nghiệp cho con người khi còn trong bụng mẹ rồi thì muốn rũ ra cũng không được. Hầu hết những bài thơ của tôi được độc giả ưa thích bao giờ cũng bắt đầu một cách vi diệu từ thế giới xa xăm, vô hình nào đó. Vẳng bên tai tôi đôi ba câu của một giọng nữ lảnh lót rất xa. Tức khắc tôi ghi lại ngay, bắt lấy ngay, và từ đó mạch bài thơ như những đợt sóng tuôn trào mãnh liệt. Cho đến khi tôi lắng nghe thấy những cơn sóng trở về với biển, trả lại sự tĩnh lặng của tâm hồn, tôi hiểu bài thơ đã hoàn tất một cuộc sinh nở.
Ví như bài Bên kia sông Đuống, trong một đêm mất ngủ khi nghe quê hương bị giặc Pháp tàn phá, giết chóc, đột nhiên trong thế giới thinh không vẳng bên tai tôi 3 câu thơ:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa…cát trắng phẳng lỳ….
Tôi bèn ghi ngay lại và viết rất nhanh, sợ không theo kịp những thanh âm đang cuồn cuộn dâng lên trong tâm thức. Sớm tinh mơ, tôi đun ấm nước xanh gọi Nguyên Hồng lúc ấy đang tập thể dục ngoài sân vào nghe bài thơ. Nguyên Hồng không làm thơ nhưng rất thích nghe thơ. Tôi mới đọc được 5 câu, Nguyên Hồng đã khóc nức khóc nở, khóc dấm dứt. Nguyên Hồng mếu máo bảo tôi viết ra làm 3 bản để anh đi in. Bẵng đi 2 tháng sau, bài thơ được đăng trên tờ Cứu Quốc của Như Phong và Tô Hoài.
Lá diêu bông là bài thơ duy nhất tôi viết trong trạng thái vô thức. Đó là mùa rét năm 1959, đêm nào khi lên giường, tôi cũng cầm sẵn một tập giấy trắng bên tay trái và cây bút chì bên tay phải, phòng khi không ngủ được thì làm thơ. Chợt vẳng bên tai một giọng nữ nhỏ nhẹ độc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thuở xa xưa nào vọng đến: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…”. Sáng hôm sau, tôi phải mất nửa giờ mới tách được ra các câu thơ theo thứ tự mà người phụ nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi. Tôi gọi những giây phút vô thức ấy là “xuất thần”, đó là phần tinh tuý của tinh thần bật ra.
Ông chú trọng thủ pháp gì trong thơ ca?
– Thủ pháp quan trọng nhất là phải khéo sử dụng âm thanh và nhịp điệu theo chủ đề của bài thơ. Ví dụ thế này, trong bài Tương biệt hành, tôi viết:
“Cánh lá buồn riêng em, anh ngậm, lá bất ly thân em, lá bất ly tâm em, lá bất ly đời em, đã trao anh cầm
từ trinh trắng nào tròn trăng quanh năm
sao hôm nay ai xui bơ vơ em về xa mê câm“.
Có lẽ khi được sinh ra trên cõi dương gian, tôi đã được Mẹ Kinh Bắc cho tôi ăn những giọt sữa tinh khôi chắt chiu từ những câu hát quan họ ngọt say như mật, nên từ nhỏ tôi đã chọn thủ pháp khai thác triệt để tính nhạc của ngôn ngữ và đặc biệt là chất say của thơ. Nhiều người bảo thơ tôi hư hư, thực thực, say mà tỉnh, ẩn mà hiện như trong cõi mơ.
Vì sao ông lấy bút danh Hoàng Cầm?
– Ông cụ thân sinh tôi là nhà nho và làm nghề bốc thuốc. Trong các vị thuốc bắc ông dùng chữa bệnh đau mắt có một cây cỏ có tên Hoàng Cầm, vị rất đắng. Nhưng không phải tôi nghĩ đến thứ cỏ này để đặt tên đâu. Tôi thích tên Cầm một cách vô thức, và tôi thích cây đàn hoàng tử vừa đẹp vừa sang trọng. Thế là tôi lấy chữ Hoàng ghép với chữ Cầm. Cái tên Hoàng Cầm xuất hiện lần đầu tiên trên Tiểu thuyết thứ 7 của NXB Tân Dân năm tôi tròn 17 tuổi.
|
THU HỒNG ( Báo TN)