I. Tiểu Sử của Nhà Triết Học Voltaire
Voltaire là bút hiệu của François Marie Arouet, là một nhà văn người Pháp thuộc thời đại Khai Sáng (Enlightenment), nhà triết học danh tiếng vì trí thông minh, nhà viết luận văn thường đứng ra bảo vệ các quyền tự do dân sự, gồm cả sự tự do tôn giáo.
Voltaire cũng là nhà tranh luận châm biếm, một nhân vật nói thẳng để ủng hộ các cải cách xã hội, ông thường dùng các sáng tác của mình để chỉ trích các giáo điều của Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo và các định chế bất công, mặc dù các luật lệ kiểm duyệt khắc nghiệt và các hình phạt nặng nề dành cho những người dám chống đối chế độ đương quyền của nước Pháp.
Voltaire còn là một trong các nhà văn khai sáng, cùng với John Locke và Thomas Hobbes, đã có các tư tưởng và tác phẩm ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhà chính trị hoạt động trong hai cuộc Cách Mạng Pháp và Hoa Kỳ.
François Marie Arouet chào đời vào ngày 21/11/1694 tại thành phố Paris, là người con thứ năm và con út của ông Francois Arouet, một chưởng khế (a notary) và cũng là một nhân viên ngân hàng hạng trung, và bà mẹ tên là Marie Marguerite d’Aumart, thuộc một gia đình quý tộc trong tỉnh Poitou.
Khi còn nhỏ, Voltaire là một đứa trẻ ốm yếu, nhiều bệnh tật khiến cho gia đình tin tưởng rằng sẽ không sống được lâu, thế nhưng ông đã kéo dài cuộc đời một cách đầy nghị lực tới năm 84 tuổi.
Voltaire có người cha đỡ đầu là giám mục của miền Chateauneuf, là một nhà thông thái nhưng bi quan. Ông này ưa thích cậu bé Voltaire thông minh nên đã hướng dẫn cậu về thần học và đã dạy cho cậu Voltaire đọc các câu thơ châm biếm trong quyển thơ Moisade.
Vào năm 1704, Voltaire theo học trường trung học Louis-le-Grand giảng dạy do các cha Dòng Tên (Jesuites), ngoài các môn học căn bản còn học thêm tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp (Greek). Trong thời gian theo học tại trường này tới năm 17 tuổi, Voltaire đã đoạt được nhiều phần thưởng và một người bạn của cha thấy Voltaire là một thiếu niên sớm phát triển nên đã tặng cho cậu 2,000 quan tiền để mua sách.
Cũng tại trường do các cha Dòng Tên giảng dạy, Voltaire được theo học một nền giáo dục khai phóng (liberal education) nên đã phát triển thành một nhà văn có các cảm nhận sắc bén về tự do. Do nhà trường thường hay tổ chức các buổi diễn kịch theo truyền thống phục hưng cổ điển, Voltaire đã học hỏi được các điều căn bản về kịch nghệ.
Từ thuở thiếu thời, Voltaire đã tỏ ra có năng khiếu về làm thơ nên dự tính sau này sẽ trở thành một thi sĩ, nhưng người cha, ông Francois Arouet, đã không tin tưởng vào văn chương, cho rằng nghề này không thể mang lại một đời sống đầy đủ, nên ông đã bắt cậu con trai theo học ngành Luật từ năm 1711 tới năm 1713.
Nhờ người cha đỡ đầu là giám mục miền Chateauneuf, Voltaire được giới thiệu với các văn nhân, với các nhà quý tộc như Công Tước de Sully, Công Tước de Vendome, ông Hoàng de Carti… Vì mong muốn nổi tiếng trong giới văn học, Voltaire đã viết ra các câu thơ châm biếm đồng thời cũng trở thành một con người hào hoa, được các bà mệnh phụ chú ý và ưa thích.
Vì nhận thấy Voltaire là một chàng trai sinh sống phóng đãng, ông Francois Arouet đã bắt con trai phải rời thành phố Paris, đi làm thư ký cho vị Đại Sứ Pháp tại Hòa Lan, trong thời gian sinh sống tại nơi đây, Voltaire đã yêu thương một thiếu nữ tị nạn người Pháp theo đạo Tin Lành, tên là Catherine Olympe Dunoyer. Sự bỏ nhà ra đi của cặp tình nhân này đã bị người cha cản trở và Voltaire bị bắt buộc phải trở về Paris.
Khi trở lại Paris, Voltaire đã được nhiều người biết tới vì các lời văn, lời thơ chỉ trích châm biếm. Khả năng đặc biệt này cũng khiến cho Voltaire gặp phải nhiều rắc rối trong suốt cuộc đời. Voltaire bị tố cáo là đã viết ra các lời thơ phỉ báng một số nhân vật trong xã hội, vì vậy lần này bị cha bắt phải đi xa, sinh sống trong gần một năm và là người khách của Hầu Tước de Saint-Ange. Chính trong thời gian này, Voltaire bắt đầu viết các bài luận văn (essays) và xây dựng vở bi kịch đầu tiên (tragedy).
Voltaire có tài làm quen với rất nhiều bạn mới, nhưng do khả năng nhậy cảm với các điều sai trái của xã hội, ông lại ưa thích tấn công các người mà mình không đồng ý về các quan điểm, bằng các lời thơ nhạo báng.
Vào lúc trở về Paris, Voltaire được giới thiệu với một câu lạc bộ chính trị và văn học rất danh tiếng có tên là Cung Đình de Seaux (Court de Seaux) với nhân vật chủ trương là bà Công Tước du Maine. Có lẽ do bà này gợi ý mà Voltaire đã viết ra các lời thơ châm biếm, công kích kẻ thù của bà Công Tước là Quan Nhiếp Chính d’Orleans (the Regent). Vì những rắc rối, vì các kẻ thù, Voltaire phải chạy khỏi thành phố Paris vào tháng 5 năm 1716, đầu tiên tới miền Tulle rồi miền Sully.
Voltaire bị nghi ngờ đã sáng tác ra 2 tập thơ nhạo báng tên là “Puerto Regnanto” và “Tôi đã nhìn thấy” (J’ai vu) nên bị bắt vào ngày 16/5/1717, bị nhốt trong ngục Bastille trong 11 tháng. Khi được thả ra, ông phải đi sống lưu vong tại miền Chatenay và chính vào thời gian này, Voltaire đã sửa chữa lại vở bi kịch đầu tiên, có tên là Oedipe, với chủ đề là sự chuyên chế của giới tu sĩ và bắt đầu viết tập thơ anh hùng ca L’Henriade, qua đó ông ca ngợi các hành động của Vua Henry IV của nước Pháp, để đề cao sự dung thứ (tolerance). Qua hai tác phẩm ban đầu này, người ta đã thấy rõ ở Voltaire một con người tận tụy với sự tự do và sự công bằng, chống đối mọi hình thức đạo đức giả, sự cuồng tín và các tập tục xấu.
Sau khi được thả ra khỏi nhà ngục Bastille, ông bắt đầu dùng bút hiệu Auret de Voltaire. Chữ “de” là do ông thuộc gia đình quý tộc của bà mẹ, còn có người cho rằng tên “Voltaire” là do khi còn đi học, ông được các bạn bè cùng lớp gọi bằng tên riêng là “le volontaire” (người tự nguyện làm việc).
Đầu tiên được trình diễn vào tháng 11 năm 1718, vở bị kịch Oedipe đã sớm thành công và đã được diễn xuất liên tục trong 45 ngày, và khi Voltaire trở về Paris, ông được mọi người ca ngợi là một nhà thơ thiên tài, chuyên về bi kịch (a gifted tragic poet). Cũng do nổi tiếng vì viết ra các lời thơ châm biếm, công kích, Voltaire bị tố cáo là tác giả của tập thơ Philippiques, chế nhạo Công Tước d’Orleans, nhưng vào thời gian này, Voltaire là khách mời của Công Tước de Villars, một vị anh hùng trong chiến tranh và cũng là thống chế của nước Pháp (maréchal de France). Đây là thời kỳ Voltaire thu thập các tài liệu để viết ra các tác phẩm lịch sử.
Cho tới cuối năm 1725, Voltaire nhận được sự bảo trợ của Công Tước Richelieu (the Duke of Richelieu) nên cuộc sống rất dễ chịu nhưng rồi gặp phải sự ganh ghét của Hiệp Sĩ Rohan (Chevalier du Rohan), ông này đã chế nhạo biệt hiệu “Voltaire”. Kết quả sau cuộc cãi cọ là Hiệp Sĩ Rohan đã cho các người hầu tấn công nhà thơ. Khi Voltaire thách đố cuộc đấu gươm thì bị ông Rohan kể trên nhờ thế lực, nhốt Voltaire vào trong Ngục Bastille trong 2 tuần lễ. Sau khi được trả tự do, Voltaire phải ra đi sống lưu vong, qua nước Anh.
Trước kia vào đầu thập niên 1720, Voltaire đã gặp ông Henry St. John, Tử Tước miền Bolingbroke (Viscount of Bolingbroke) khi chính ông này đang sống lưu vong tại nước Pháp. Hai người trở nên đôi bạn thân và vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với nhau. Có lẽ do tình bạn này mà Voltaire đã trải qua 3 năm sinh sống trên đất nước Anh và sự việc này đã ảnh hưởng lớn lao tới cuộc đời của Voltaire.
Trong các năm từ 1726 tới 1729, hoàn cảnh trí thức và văn hóa tại nước Anh đã làm cho Voltaire vui sướng. Ông được các nhân vật thuộc hai đảng Whig và Tory đón tiếp nồng hậu. Trong số các người bạn cũ và mới, Voltaire đã gặp Alexander Pope, Jonathan Swift, John Gay, Edward Young và James Thomson, và Voltaire đã ghi lại trong nhật ký về sự kính trọng và thán phục của mình đối với tác giả Jonathan Swift của cuốn truyện “Các cuộc Du Lịch của Julliver” (Gulliver’s Travels), và chắc chắn rằng tác phẩm này đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuốn truyện Candide. Voltaire cũng đặc biệt kính trọng Alexander Pope, một nhân vật cùng có các đặc tính thông thái, châm biếm, làm thơ dễ dàng và hay chỉ trích các điều sai trái của xã hội Anh.
Trong khi sinh sống tại nước Anh, Voltaire đã học cách đọc và viết tiếng Anh, nghiền ngẫm các tác phẩm của Francis Bacon, William Shakespeare, John Milton, Isaac Newton và John Locke. Do sự yêu thích Shakespeare mà Voltaire bắt đầu viết vở kịch “Brutus”.
Voltaire cũng thu lượm các tài liệu để viết nên tác phẩm “Các Bức Thư Triết Học về Người Anh” (Lettres philosophiques sur les Anglais). Voltaire đã nhận thấy sự tự do và sự dung thứ (tolerance) trên quê hương này, ông đã ca ngợi nền văn hóa Anh và so sánh nước Anh với nước Pháp. Đối với tự do ngôn luận, Voltaire đã từng nói rằng: “tôi có thể không đồng ý với lời nói của một nhân vật nào đó nhưng tôi quyết bảo vệ cho tới chết cái quyền mà một cá nhân được nói ra”. Nhà văn học sử danh tiếng người Pháp là ông Gustave Lanson đã nói rằng tác phẩm “Các Bức Thư ” kể trên là một trái bom ném vào “chế độ cũ” (ancien régime) của nước Pháp.
Vào mùa xuân năm 1729, Voltaire tìm cách xin phép trở về nước Pháp rồi qua năm 1733, ông cho xuất bản tác phẩm “Các Bức Thư” và tập thơ châm biếm “Temple du Gout”. Tác phẩm thứ nhất trong khi ca ngợi người Anh về các tinh thần dân chủ, tự do, dung thứ, thì lại công kích chính quyền và nhà thờ của nước Pháp. Tập thơ thứ hai nhạo báng các nhà văn đương thời, đặc biệt là J. J. Rousseau, vì thế, chính quyền Pháp đã ban ra một lệnh truy nã Voltaire, căn nhà của ông bị lục soát.
Vào lúc chính quyền Pháp ra lệnh lùng bắt Voltaire thì ông đang cư ngụ tại Cirey, trong tỉnh Lorraine, đây là một vùng đất độc lập và ông là khách mời của bà Emilie de Breteuil, nữ Hầu Tước của vùng Châtelet. Bà Hầu Tước này trẻ hơn Voltaire 12 tuổi, là một phụ nữ đặc biệt. Bà ta thông minh, đã tìm hiểu các môn Toán Học, Khoa Học và Triết Học, và rất hâm mộ nền triết học lạc quan của Leibnitz. Bà ta cũng giống như Voltaire ở sự ưa thích Newton và để trình bày hệ thống vật lý Newton, bà Emilie đã dịch tác phẩm “Nguyên Lý” (The Principia) sang tiếng Pháp, đồng thời cũng thêm vào đó các lời bình luận.
Trong thời gian sinh sống tại Cirey, Voltaire đã thực hiện được khá nhiều công việc. Ông đã soạn xong phần khảo sát về Siêu Hình (methphysics), viết xong 6 vở kịch, hoàn thành hai tập thơ trong đó có tác phẩm Le Mondain (Trần Tục), đây là sáng tác châm biếm các nhà tu Jansenits là những người theo giáo điều giống như các người theo đạo Calvinism. Voltaire cũng viết xong tác phẩm “Luận Bàn về Con Người” (Discours sur l’homme), bắt đầu viết tác phẩm “Thế Kỷ của Vua Louis 14” (Siècle de Louis 14) và cuốn lịch sử thế giới “Khảo Luận về các Tập Quán” (Essai sur moeurs).
Sau khi quan Phụ Chính Orléans qua đời, giới quyền thế tại Paris đã đón chào Voltaire trở lại.
Sau năm 1743, Voltaire được hưởng các ân sủng của Triều Đình Pháp, phần lớn nhờ Hồng Y Richelieu và Bà Pompadour, đây là phụ nữ rất hâm mộ nhà soạn kịch Voltaire. Tới khi tác phẩm mới “Tập Thơ Fontenay” (Poeme de Fontenay, 1745) của Voltaire thành công và được nhiều người ca ngợi, Voltaire được lãnh một món tiền trợ cấp khá lớn và được chọn làm nhà nghiên cứu lịch sử của hoàng gia (a royal historiographer), chức vụ này trước kia đã do Racine và Corneille đảm nhiệm.
Cũng vào thời gian này, Voltaire quay sang viết loại truyện triết học (philosophical tales) trong đó tác phẩm “Candide” được coi là danh tiếng nhất. Voltaire cũng soạn các vở kịch mới, cạnh tranh với nhà soạn kịch Crébillon, sự việc này đã gây ra mối bất hòa, rồi cuối cùng vào năm 1746, Voltaire được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp Quốc (the French Academy).
Với ngòi bút táo bạo, Voltaire không ngừng chỉ trích, lần này trong tác phẩm châm biếm “Trajan est-il content” (Trajan có bằng lòng không) với người bị ám chỉ chính là Vua Louis 15.
Vào năm 1748, Voltaire lại phải đi tìm nơi ẩn náu, lần này tới vùng đất của Bà Công Tước de Sceaux rồi sau đó, đi theo bà de Châtelet tại Luneville. Vào tháng 9 năm 1749, bà de Châtelet đã qua đời sau khi hạ sinh một đứa con, sự việc này khiến cho ông phải tìm một nơi cư ngụ khác. Voltaire không thể trở về Paris vì sự thù nghịch với Crébillon. Trong khi đó, Đại Đế Frederick (Frederick the Great) của nước Phổ là người đã từng gặp Voltaire và đã trao đổi thư từ với ông trong thời gian qua, đã ngỏ lời mời nhà triết học Voltaire tới Potsdam. Đây là nơi mà vị Vua của nước Phổ đã thiết lập nên một Hàn Lâm Viện, và đang chờ đợi Voltaire để thêm tên ông vào danh sách các nhà thông triết (philosophes), tức là các nhà trí thức của châu Âu.
Vì vậy, Voltaire đã tới Potsdam vào năm 1750, nhận được tiền trợ cấp rộng rãi, nhờ vậy ông hoàn thành hai tác phẩm lịch sử, viết ra với tham vọng lớn lao, đó là cuốn “Thế Kỷ của Vua Louis 14” (Siècle de Louis 14). Ông cũng viết ra một truyện triết học mới, cuốn Micromégas, đây là tác phẩm chịu ảnh hưởng của cuốn “Các Cuộc Du Lịch của Gulliver” (Gulliver’s Travels) của Jonathan Swift, và Voltaire tiếp tục soạn cuốn lịch sử thế giới (universal history).
Nhưng, cuộc sống tại Potsdam của Voltaire đã không kéo dài được lâu bởi vì cá tính của hai nhân vật. Voltaire cảm thấy nhà vua Phổ quá kiêu căng trong khi đó ông lại chỉ trích Hàn Lâm Viện Khoa Học của Vua Frederick. Đã có một lần Voltaire bị bắt giữ tại Frankfort với hành lý bị lục soát. Voltaire như vậy không thể sinh sống tại nước Phổ, cũng như không thể trở về Paris vì đã có thời gian hợp tác với Vua Frederick, cuối cùng ông đã chọn nơi cự ngụ là Geneva, một địa phương có nền tự do tương đối khá hơn.
Vào lúc này, Voltaire là một người giàu có, ông đã thừa hưởng các số tiền từ người cha, người anh của mình, đã nhận lãnh các trợ cấp rộng rãi từ các Vua nước Pháp và nước Phổ, đã kiếm được nhiều tiền nhờ các tác phẩm văn chương, đặc biệt là các vở kịch. Hơn nữa, ngay từ lúc nhỏ, Voltaire đã tỏ ra là người có năng khiếu về đầu tư và tài sản của ông có thể coi như ngang với tài sản của ông Rothschild.
Voltaire đã mua một lâu đài tại Geneva và đặt tên là “Les Délices” (Niềm Vui), đây là “lâu đài mùa hè” của ông. Voltaire cũng mua một lâu đài khác tại Monrion, thuộc xứ Lausanne và gọi nơi này là “lâu đài mùa đông”. Cũng tại xứ Thụy Sĩ, Voltaire đã viết tác phẩm “Candide” và ông vẫn không ngừng tấn công các tôn giáo.
Voltaire còn mua một lâu đài tại Ferney trên đất Pháp nhưng rất gần biên giới Thụy Sĩ và ông dọn về nơi này vào năm 1760 và sinh sống với một người cháu gái là bà Denis. Tại Ferney, cảnh sống của Voltaire thực là sang trọng với 60 người phục vụ. Ông rất hiếu khách, thường xuyên đón tiếp các nhân vật danh tiếng của khắp châu Âu. Voltaire đã cư ngụ tại Ferney trong 20 năm trường.
Trong suốt cuộc đời, Voltaire đã tin tưởng rằng môn văn chương phải giảng dạy “lẽ phải” cho quần chúng và ông đã dùng các vở kịch và các tập truyện vào mục đích chính này. Các tác phẩm của Voltaire đã đề cập tới các vấn đề tôn giáo, chính trị, xã hội, triết học và ông luôn luôn tranh đấu cho sự dung thứ (tolerance) và sự công bằng (justice). Tác phẩm “Khảo Sát về sự Dung Thứ” (Traité sur la tolérance, 1763) đã được viết ra để biện hộ cho Jean Calais, một người đã bị hành hạ và hành hình do kết quả của cuộc tranh luận về tôn giáo (a religious controversy).
Voltaire đã tranh đấu cho một số trường hợp các nạn nhân bị xét xử một cách bất công và các bản án đã được xét lại, vì vậy, ông đã được nhiều người ca ngợi là “tông đồ của Tự Do” (the apostle of freedom).
Các việc làm chính thức của Voltaire không chỉ nhắm vào cách tiêu diệt sự bất công và sự bất dung thứ, mà còn có các mục đích là làm cải thiện xã hội, phổ biến kiến thức như là một cách để đánh đổ các thành kiến và bất dung thứ dù cho các sai lầm này ở vào các phạm vi xã hội, tôn giáo hay chủng tộc.
Tại châu Âu, thế kỷ 18 là thời kỳ của các nhà quân chủ tuyệt đối nhưng đây cũng là thời đại của sự khai sáng (the age of the Enlightment). Đồng thời với Voltaire, trên lục địa châu Âu đã xuất hiện các nhà văn và các nhà tư tưởng danh tiếng chẳng hạn như Denis Diderot (1713 – 1784) và Jean La Rond d’Alembert (1717 – 1783) tại nước Pháp, Cesare Baccaria (1735 – 1794) tại nước Ý và Gotthold Lessing (1729 – 1781) tại nước Đức, tất cả các nhân vật này đều nói lên sự cần thiết phải giải quyết một cách hợp lý các vấn đề xã hội, tôn giáo, chính trị… và họ cũng tranh đấu cho sự tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, và Voltairre vẫn đươc coi là “vị thống trị trí thức của châu Âu” (the intellectual potentate of Europe).
Vào mùa xuân năm 1778, vở kịch cuối cùng của Voltaire, bi kịch Irène, được giới chính quyền Pháp chấp nhận và cho trình diễn tại thành phố Paris và tác giả Voltaire đã có mặt trong buổi trình diễn đầu tiên. Voltaire cũng được Hàn Lâm Viện Pháp ca ngợi là nhân vật đặc biệt nhất.
Voltaire đã qua đời vào ngày 30/5/1778, ở tuổi 84. Vào giờ phút cuối đời, ông đã từ chối nhận lễ xức dầu (unction) và lễ giải tội (absolution), sự việc này đã gây khó khăn cho việc chôn cất ông. Quan tài của ông được chôn lấp vội vã trong tu viện Scellières, thuộc miền Champagne, trước khi có sự can thiệp của vị tổng giáo mục địa phương. 13 năm sau, di hài của nhà triết học lừng danh Voltaire đã được di chuyển về thành phố Paris, đặt bên trong Điện Panthéon, đây là Ngôi Đền Thờ danh tiếng nhất của nước Pháp, tương đương với Tu Viện Westminster của nước Anh.
II. Tư tưởng của Voltaire khi viết tác phẩm Candide
Vào năm 1755, thành phố Lisbon thuộc nước Bồ Đào Nha (Portugal) đã bị san bằng do một trận động đất khủng khiếp. Hơn 30,000 người đã thiệt mạng. Biến cố này đã làm chấn động châu Âu. Vào thời gian này, nhà văn Francois Marie Arouet de Voltaire đã là một nhà triết học hàng đầu của nước Pháp và cũng là một trong các nhân vật có ảnh hưởng nhất của châu Âu.
Trước thảm họa này, Voltaire đã viết ra “Bài thơ về tai họa tại Lisbon” (Poem on the Disaster of Lisbon) rồi 4 năm sau, 1759, ông đã viết ra tác phẩm châm biếm Candide sau khi suy nghĩ về thảm họa kể trên.
Vào thời đại của Voltaire, rất nhiều người đã quá “lạc quan”, họ tin tưởng rằng thời kỳ này là “lúc tốt đẹp nhất” và những gì đang xẩy ra cũng là “tốt đẹp nhất”. Như vậy sự thiệt mạng của hơn 30,000 nạn nhân có phải là “tốt đẹp nhất” không? Cuộc chiến tranh 7 năm (the Seven Years War) kéo dài từ 1756 tới 1763, đã tàn phá châu Âu, có phải là một sự “tốt đẹp nhất” không?
Voltaire đã dùng kỹ thuật châm biếm để tấn công sự lạc quan, các giả dối và tật xấu của tôn giáo và xã hội. Bằng cách nói quá đáng, sự châm biếm đã làm cho chủ nghĩa “lạc quan” trở thành “vô lý” đồng thời cách châm chọc này cũng tấn công sự tự mãn và sự tự cho là đúng. Thứ tâm lý này thường tin tưởng vào định mệnh, đã từ chối các cải tiến, thay đổi, trong khi nhà triết học Voltaire lại muốn cho xã hội được công bằng, nhân đạo hơn, và chủ nghĩa lạc quan đối với ông bị coi là kẻ thù.
Vào thời đại của Voltaire, đứng sau vương quyền là Nhà Thờ Cơ Đốc La Mã (the Roman Catholic Church). Voltaire đã coi Nhà Thờ là cơ sở bảo vệ các điều mê tín, cổ võ cho sự cuồng tín (fanaticism) và sự bất dung thứ (intolerance), là lực lượng bảo thủ đứng ra cản trở các cải tiến hữu lý.
Voltaire sinh ra vào thời kỳ trị vì của Vua Louis 14 (1638-1715), nhà vua này được người dân Pháp gọi là “Vua Mặt Trời” (the Sun King), là nhân vật đã làm cho nước Pháp trở thành cường quốc hùng mạnh nhất châu Âu và nhà vua đã cho xây dựng Cung Điện Versailles huy hoàng bậc nhất vào thời kỳ đó.
Voltaire sinh sống trong thời đại của Vua Louis 15, vị vua này đã không thành công trong công việc khiến cho nước Pháp không thống trị được châu Âu. Trước vương quyền, Voltaire không chống đối thể chế quân chủ, nhưng ông thường hay chỉ trích các tham nhũng và lạm dụng của triều đình. Voltaire đã dùng phương pháp châm biếm để tấn công sự bất dung thứ (intolerance) và sự bất công (injustice), chống lại các thành kiến trước các vấn đề xã hội, tôn giáo và chủng tộc.
III. Tác phẩm Candide
1. Vài nhân vật chính.
a) Candide: là một thanh niên đơn giản, đã đi tới nhiều nơi trên thế giới và đã gặp nhiều hoàn cảnh có khi vui tươi, có khi hãi hùng. Trong suốt cuốn tiểu thuyết, Candide đã là một thử thách về quan niệm triết lý lạc quan (philosophical optimism) hay chủ trương “tất cả đều tốt đẹp nhất” (all is for the best… in this best of all worlds).
b) Nam Tước Thunder-ten-tronckh: là con người trống rỗng và tự cao, sinh sống trong lâu đài Westphalia. Ông này cùng với con trai, có thể bị coi là hình ảnh của Đại Đế Frederick của nước Phổ.
c) Cunegonde: là con gái rất đẹp của Nam Tước, là người mà Candide say mê.
d) Tiến Sĩ Pangloss: một nhà triết học uyên bác và là thầy dạy kèm của Nam Tước, ông triết gia này chấp nhận nền triết học lạc quan.
e) Paquette: người hầu phòng trong tòa lâu đài của Nam Tước, cô này có liên hệ với Tiến Sĩ Pangloss và truyền cho ông ta một thứ bệnh làm biến dạng con người.
f) Tín đồ của đạo Tái Rửa Tội (Anabaptist): là người tử tế, đã cứu sống Candide, Pangloss và 1 thủy thủ trên tầu.
g) Bà già: người làm việc cho Cunegonde, đã giúp đỡ Candide thoát khỏi nơi giá treo cổ tại địa điểm hỏa thiêu các người khác đạo (auto-da-fe), bà già này cũng đã nuôi dưỡng Candide cho tới khi lành bệnh. Bà ta cũng là con gái của Giáo Hoàng Urban X và công chúa Palestrina, nhưng trong suốt cuộc đời, bà ta đã chịu nhiều khổ đau.
2. Cốt truyện Candide.
Candide là một thanh niên ra đời tại Westphalia, một thành phố Đức nhưng lại sinh sống trong lâu đài của Nam Tước Thunder-ten-tronckh. Ông thầy dạy kèm cho Nam Tước là Tiến Sĩ Pangloss đã giảng dạy cho Nam Tước học thuyết “lạc quan” (philosophical optimism) theo đó “tất cả sẽ trở nên tốt đẹp nhất”.
Vì là một người đơn giản, Candide lúc đầu chấp nhận lý thuyết này nhưng anh ta đã từng trải qua các kinh nghiệm và những nỗi khủng khiếp của chiến tranh, nhìn thấy rõ các cảnh nghèo đói, các tính xấu của loài người, các đạo đức giả của nhà thờ…, vì thế Candide bắt đầu nghi ngờ lý thuyết của Tiến Sĩ Pangloss.
Vào lúc này, Tiến Sĩ Pangloss có liên hệ tình ái mờ ám với Paquette, cô hầu phòng. Người con gái đẹp của Nam Tước là cô Cunegonde đã chứng kiến cảnh dan díu kể trên nên cũng muốn làm công việc tương tự với Candide. Khi cả hai người bị Nam Tước bắt gặp đang tỏ vẻ yêu đương, Candide đã bị đuổi ra khỏi lâu đài.
Vì bị vừa đói, vừa rét, Candide bèn đi qua một thành phố bên cạnh, tại nơi này anh ta được hai người lính giúp đỡ rồi bị bắt buộc đầu quân vào lính, vì vậy Candide bị các cấp chỉ huy đánh đập. Anh ta liền bỏ trốn nên đã đi qua các làng mạc bị chiến tranh tàn phá và đã chứng kiến các cảnh hoang phế khủng khiếp của chiến tranh. Candide tìm đường tới xứ Hòa Lan theo Thiên Chúa giáo với hy vọng có thể tìm được sự giúp đỡ nhưng chỉ gặp những con người nhẫn tâm, trừ một anh chàng theo giáo phái rửa tội lại (an Anabaptist), anh này đã đối xử tử tế và rộng lượng với Candide.
Sau đó Candide gặp một người ăn mày với hình dạng biến đổi rồi về sau mới khám phá ra rằng người ăn mày này là Tiến Sĩ Pangloss. Pangloss đã kể lại các kinh nghiệm cũ cùng với tin tức về cái chết do binh lính sát hại của Nam Tước và gia đình ông ta. Vào lúc này, mặc dù tình cảnh tồi tệ và các nỗi khủng khiếp mà ông ta đã trải qua, Tiến Sĩ Pangloss vẫn còn tin tưởng vào triết lý “lạc quan”. Anh chàng theo phái rửa tội lại đã mang Tiến Sĩ Pangloss và Candide lên tầu biển, đi về Lisbon.
Khi một trận bão ập tới, anh chàng giáo phái kể trên đã bị chết sau khi tìm cách cứu vớt một thủy thủ, tầu bị bể vỡ, chỉ còn 3 người sống sót là Candide, Tiến Sĩ Pangloss và người thủy thủ. Không lâu sau khi ba người này lên bờ tại Lisbon, một trận động đất kinh khủng đã làm rung động thành phố này rồi các vị lãnh đạo của nhà thờ đã tin rằng tai họa kể trên là do các người khác đạo mang lại, nên các lãnh đạo đã quyết định về một cuộc hỏa thiêu các người ngoại đạo. Tiến Sĩ Pangloss bị treo cổ, Candide tránh khỏi bị thiêu sống nhờ một bà già cứu giúp. Bà già này đã cho Candide ăn uống và tắm rửa sạch sẽ rồi đưa chàng ta tới gặp Cunegonde, cô này đã thoát chết khi quân lính tấn công Nam Tước một cách tàn bạo.
Cunegonde hiện đang sinh sống với hai người tình có quyền lực và chính cô này đã cứu Candide khỏi bị lên dàn lửa. Sau đó, do cãi lộn, Candide đã đâm chết hai người đàn ông kể trên. Quá sợ hãi, Candide, Cunegonde và bà già cùng nhau trốn ra một thành phố cảng, tại nơi này, một con tầu quân đội đang chất hàng để đi đến xứ Paraguay. Nhờ khả năng về quân sự, Candide được một ông tướng chú ý rồi ông tướng này đã phong cho Candide làm đại úy chỉ huy bộ binh.
Về sau, Candide đã cùng Cunegonde và bà già đáp tầu biển đi xuống miền Nam Mỹ (South America), trong chuyến đi xa này, bà già đã kể lại các câu chuyện khủng khiếp mà bà ta đã gặp phải, bà ta đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ, nhiều hơn tất cả các người khác. Tới lúc này, Candide bắt đầu nghi ngờ lý thuyết của Tiến Sĩ Pangloss về chủ nghĩa “lạc quan”.
Tại thành phố Buenos Aires, ba người đã gặp Don Fernando là người chú ý tới Cunegonde và muốn cưới cô này làm vợ. Candide rất đau buồn nhưng phải tìm cách lẩn trốn bởi vì các nhân viên cảnh sát đang theo dõi dấu vết của Candide. Do được anh hầu tên là Cacambo giúp đỡ, Candide đã trốn thoát và đã gặp Cha Linh Mục, chỉ huy trưởng của một đạo quân Dòng Tên (a Jesuit army) tại Paraguay. Vi chỉ huy trưởng này hóa ra lại là anh trai của Cunegonde, anh ta đã bị bỏ cho chết khi cha và mẹ của anh ta đã bị giết tại Westphalia. Lúc này, Candide mới cảm thấy mình yêu thương Cunegonde nên hy vọng rằng một ngày kia, sẽ cưới được nàng làm vợ. Người con trai của Nam Tước khi biết được ý tưởng này của Candide, đã nổi giận rồi một trận đấu gươm xẩy ra và Candide đã giết chết anh ta.
Một lần nữa, Candide và Cacambo phải bỏ chạy rồi không lâu sau đó, họ gặp nhóm dân Oreillons, nhưng người này suýt nữa giết chết Candide, nhưng rồi đã đối xử tử tế với Candide. Sau khi rời bỏ xứ sở của các người kể trên, Candide và Cacambo tới miền đất Eldorado, đây là nơi chứa đầy vàng và ngọc mà người dân địa phương lại không cần tới, bởi vì các nhu cầu của người dân đã được chính quyền địa phương cung cấp. Eldorado cũng là nơi không có tòa án, không có nhà tù bởi vì mọi người dân đã đối xử với nhau công bằng và không bào giờ phạm luật. Các công dân của xứ Eldorado tin tưởng vào Thượng Đế nhưng họ không bào giờ cầu nguyện, họ chỉ cảm tạ Thưởng Đế bời vì họ có đầy đủ các thứ cần tới.
Do muốn tìm kiếm Cunegonde, Candide và Cacambo đã rời khỏi xứ Eldorado cùng với một toán lừa màu đỏ chất đầy vàng, ngọc và các đồ tiếp tế khác. Khi tới miền Surinam, họ tách ra đi theo hai hướng khác nhau: Cacambo một cách bí mật hướng về Buenos Aires để tìm cách mua chuộc, giải cứu Cunegonde, còn Candide đi tới Venice là nơi anh ta không bị cảnh sát theo dõi. Candide bị hại do thuyền trưởng tên là Mynheer Vanderdendur và do một viên quan tòa mà Candide đã nhờ bão chữa. Thất vọng, Candide đã quảng cáo, muốn tìm một người bất hạnh nhất và người được chọn là một học giả lớn tuổi, tên là Martin. Sau đó, Candide và Martin cùng đi tới Venice.
Tại thành phố Paris, Candide đã mắc bệnh và đã được nhiều người chăm sóc, tất cả những người này đều chỉ muốn lấy tài sản của Candide. Sau đó Candide và Martin đi tới nước Anh và đã chứng kiến nhiều cảnh bạo hành, rồi cuối cùng họ tới được thành phố Venice.
Qua các cuộc thảo luận khác nhau, qua nhiều lần gặp mặt nhiều người khác nhau, Candide bắt đầu không còn tin tưởng vào triết lý “lạc quan” nữa. Không lâu sau đó, Candide gặp lại Cacambo, bây giờ là một tên nô lệ, anh này báo tin cho Candide biết rằng Cunegonde đang ở Constantinople và làm việc như một người hầu. Candide đã trả tiền chuộc cho Cacambo để rồi cùng đi Constantinople. Tại nơi này, họ đã gặp lại Tiến Sĩ Pangloss và người con trai của Nam Tước, cả hai người này đã tưởng bị chết, nhưng còn sống là nhờ sợi dây treo cổ Tiến Sĩ Pangloss đã tuột nút thắt, còn người con trai của Nam Tước đã lành khỏi vết thương bị Candide đâm.
Tất cả các người này cùng đi tìm kiếm Cunegonde, lúc này cô nàng đang sinh sống với bà già và không còn đẹp đẽ như trước kia, và Candide đã chuộc lại tự do cho hai người mới này. Nhưng khi người con trai của Nam Tước cản trở cuộc hôn nhân của Candide với Cunegonde, mặc dù Candide không còn mong muốn thứ đám cưới này, người con trai của Nam Tước đã bị đám đông giết chết.
Vào lúc cuối, Candide đã kết hôn với Cunegonde và mua một trang trại nhỏ bằng số tài sản Eldorado còn sót lại Tất cả nhóm người này: Candide, Cunegonde, Cacambo, Martin, Pangloss và bà già, đều sống với nhau tại trang trại kể trên rồi sau đó còn có Paquette và người bạn đồng hành của cô ta là sư huynh Giroflee. Họ thảo luận về triết lý của cuộc đời cho tới khi gặp một anh Thổ Nhĩ Kỳ (a Turk) đang ngồi nghỉ xả hơi dưới một gốc cây. Anh này cho biết rằng anh ta chỉ có một nông trại nhỏ để sinh sống với các con. Nông trại là nhu cầu của anh ta, đã tránh cho anh ta khỏi cảnh nhàm chán và các ước muốn xấu xa.
Nhờ lối giải thích kể trên, Candide cũng cho rằng nhóm người của anh sẽ tìm ra hạnh phúc và họ bắt đầu canh tác nông trại nhỏ bé của họ.
IV. Nhận xét về tác phẩm Candide
1. Phê bình các hệ thống triết học
Candide là tác phẩm chỉ trích một cách khôn ngoan và châm biếm các hệ thống triết học trừu tượng, đặc biệt là chủ thuyết lạc quan (optimism) của Gottfried W. Leibnitz (1646 – 1716). Leibnitz là nhà triết học danh tiếng người Đức, được một số nhà tư tưởng trong thế kỷ 18 kính trọng. Voltaire không phản bác tất cả các ý tưởng của Leibnitz mà chỉ tấn công chủ thuyết lạc quan, qua hình ảnh của Tiến Sĩ Pangloss.
Voltaire bác bỏ quan niệm cho rằng thế giới này có các biến cố do định mệnh (fatalism) theo đó mỗi nguyên nhân đều sinh ra hậu quả thích hợp và các nguyên nhân này đều phản ảnh ý muốn của Thượng Đế. Tiến Sĩ Pangloss vì quá lạc quan nên đã chấp nhận dễ dàng mọi sự việc xẩy ra, trái với ý nghĩ của Voltaire là con người phải có tinh thần phấn đấu và cải tiến để sửa sai các khuyết điểm. Voltaire cũng bác bỏ ý niệm cho rằng Thượng Đế đã can thiệp vào mọi công việc hàng ngày trên thế gian này, bởi vì các ý tưởng của ông được căn cứ trên lý trí (reason).
Vào cuối tác phẩm, Candide đã bày tỏ quan điểm của Voltaire, đó là Thượng Đế đã bỏ lại thế gian này sau khi đã tạo dựng nên và con người phải vun trồng khu vườn của chính mình.
Vào thế kỷ thứ nhất, một nhà tiên tri người Ba Tư tên là Mani (Persian prophet, 216 – 276?) đã tin tưởng vào hai nguyên lý: tốt và xấu (good and evil) và 2 nguyên lý này luôn xung đột với nhau: đây là chủ thuyết Manicheanism.
Trong tác phẩm Candide, Martin là con người bi quan (a pessimist), đã đi theo chủ thuyết kể trên nên tin tưởng rằng Thượng Đế đã bỏ thế gian này cho bọn ác quỷ (Satan và bóng tối) và điều ác là một hiện thực, không phải là một ảo giác.
Voltaire là người không hề tin tưởng vào một chủ thuyết nào, ông không ưa các lý thuyết trừu tượng và những người theo lý thuyết, dù cho đó là chủ thuyết lạc quan của Leibnitz hay bi quan của Mani. Voltaire chỉ tin tưởng vào thực nghiệm (empiricism) theo đó mọi kiến thức hay các điều hiểu biết phải do từ các kinh nghiệm của giác quan (sensory experiences). Về điều này, Voltaire chịu ảnh hưởng của nhà triết học người Anh John Locke (1632 – 1704). Theo Voltaire, một ý tưởng hay một giả thuyết chỉ có giá trị khi liên quan tới thế giới vật lý để cho con người có thể nhận biết và kiểm tra qua các giác quan. Cũng vì thế mà Cambo rồi sau này là Candide, đã trắc nghiệm mọi quan niệm và lời nói bằng các kinh nghiệm của họ, dù cho các sự việc kể trên thuộc về lạc quan hay bi quan.
2. Chỉ trích xã hội
Voltaire tấn công mọi hình thức của xã hội: bản chất của con người đã bị thay đổi bởi các định chế dân sự (civil institutions) chẳng hạn như Candide đã tìm thấy ở thành phố Paris các kẻ nói dối và các tên vô loại. Giới tu sĩ từ Giáo Hoàng tới linh mục, thì hư hỏng, cuồng tín, tham lam, đàn áp, ham quyền lực. Giới y sĩ là loại lang băm, hành nghề gian lận, giới tòa án và cảnh sát có lòng liêm chính đáng bị nghi ngờ, sự phân biệt giai cấp trong xã hội được căn cứ vào cách giàu sang dỏm hơn là tài năng, còn sự thịnh vượng của châu Âu đặt căn bản trên sự nghèo khó của người dân và trên sự buôn bán nô lệ. Sau cùng, vinh quang bề ngoài của chiến tranh thì tương phản với sự tàn phá cả trên mặt đất lẫn trên mặt biển.
3. Giải pháp của Voltaire
Voltaire đã đề cập tới một nơi toàn hảo (a perfect place), đó là miếng vườn cộng đồng của Candide (Candide’s garden community) tại nơi này, mọi người cần phải làm việc chăm chỉ (hard work), thật thà, có tinh thần cởi mở, cầu tiến và cố gắng chung. Trong cộng đồng lý tưởng này, mỗi người tham gia tùy theo tài năng và sức mạnh của từng cá nhân, và mọi người phải làm việc thật chăm chỉ để cải thiện các điều kiện sinh hoạt bởi vì đây là nền văn hóa hướng vào công việc (work-oriented culture).
V. Các tác phẩm chính của Voltaire
1. Các công trình văn chương quan trọng
– Oedipe (1718).
– Zaire (1732).
– Lettres philosophiques sur les Anglais (Các Bức Thư Triết Học về người Anh, 1733), sửa chữa lại vào năm 1778 thành Letters on the English.
– Le Mondain (Trần Tục, 1736).
– Sept Discours en Vers sur l’Homme (Bẩy bài diễn văn bằng thơ về con người, 1738).
– Zadig (1747).
– Micromegas (1752).
– L’Orphelin de la Chine (Trẻ mồ côi của nước Trung Hoa, 1755).
– Candide (1759).
– Dictionnaire philosophique (Từ điển Triết Học, 1764).
– L’Ingenu (Người chất phác, 1767).
– La Princesse de Babylone (Công chúa của thành Babylone, 1768).
– Epitre à l’Auteur du Livre des Trois Imposteurs (Bức thư cho tác giả của cuốn sách của ba kẻ lường gạt, 1770).
2. Các vở kịch
Voltaire đã viết ra được từ 50 tới 60 vở kịch, kể cả một số chưa hoàn thành. Trong số này, đáng kể là các vở kịch: Oedipe (1718), Eriphile (1732), Irene, Socrates, Mahomet, Mérope, Nanine, Zaire (1732).
3. Các công trình lịch sử
– History of Charles XII, King of Sweden (Lịch sử của Charles 12, Vua xứ Thụy Điển, 1731).
– The Age of Louis XIV (Thời đại của Vua Louis 14, 1752).
– The Age of Louis XV (Thời đại của Vua Louis 15, 1746 – 1752).
– Annals of the Empire – Charlemagne, A.D. 742 – Henry VII 1313, Vol. I (Sử Biên Niên của Đế Quốc – từ Hoàng Đế Charlemagne tới Vua Henry 7, Tập I, 1754).
– Annales of the Empire – Louis of Bavaria, 1315 to Ferdinand II, 1631, Vol. II (Sử Biên Niên của Đế Quốc – từ Vua Louis xứ Bavaria tới Vua Ferdinand II, Tập II, 1754).
– History of the Russian Empire Under Peter the Great (Vol. I, 1759; Vol. II, 1763) (Lịch sử của Đế Quôc Nga dưới thời Đại Đế Peter, Tập I, 1759, Tập II, 1763)./.
Phạm Văn Tuấn
2 Comments
Anhcam
Rất cám ơn tác giả Phạm văn Tuấn và TS chủ nhiệm Việt Thức đã cho “post” lên bài tiểu sử của Voltaire, tôi đã chịu ảnh hưởng nền văn hóa Pháp từ thời tiểu học tới trung học qua các ông Alexandre Dumas Fils,Victo Huguo,Molière và Voltaire.Nhân đọc bài này tôi được học rõ thêm về nhân vật lỗi lạc nầy của nước Pháp vào thế kỷ 17! Đa tạ.
Viet Thuc
François-Marie Arouet, dit Voltaire, né le 21 novembre 1694 à Paris où il est mort le 30 mai 1778, est un écrivain et philosophe qui a marqué le 18è siècle et qui occupe une place particulière dans la mémoire collective française et internationale.
Figure emblématique de la France des Lumières, chef de file du parti philosophique, son nom reste attaché à son combat contre « l’Infâme », nom qu’il donne au fanatisme religieux, et pour la tolérance et la liberté de penser. Déiste en dehors des religions constituées, son objectif politique est celui d’une monarchie modérée et libérale, éclairée par les « philosophes ». Intellectuel engagé au service de la vérité et de la justice, il prend, sur le tard, seul et en se servant de son immense notoriété, la défense des victimes de l’intolérance religieuse et de l’arbitraire dans des affaires qu’il a rendues célèbres (Calas, Sirven, chevalier de La Barre, comte de Lally).
De son immense œuvre littéraire, on lit aujourd’hui essentiellement ses contes et romans, où se concentre le meilleur de l’écrivain – la fantaisie, la finesse du trait, le bonheur de l’écriture, l’esprit du philosophe –, mais aussi les Lettres philosophiques, le Dictionnaire philosophique et sa prodigieuse correspondance, plus de 21 000 lettres retrouvées. Son théâtre, ses poésies épiques, ses œuvres historiques, qui firent de lui l’un des écrivains français les plus célèbres au 18è siècle, sont aujourd’hui largement négligées ou ignorées.
Việt Thức Editor
Source: Wikipédia