Mấy tuần nay, cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã bị chửi rủa thậm tệ kể từ khi ông xuất đầu lộ diện sau hơn 35 năm sống ẩn dật và im lặng.
Không rõ Ông Trần Thiện Khiêm nghĩ gì, riêng người (cựu) công dân Việt Nam Cộng Hoà này cảm thấy đau xót và muốn nhân dịp này nói lên vài điều.
Kể từ trưa ngày 30.4.1975, cũng như tuyệt đại đa số người dân miền Nam Việt Nam, tôi đã trải qua nhiều cực khổ về vật chất, nhưng thật không đáng kể so với những đau đớn về tinh thần của người dân trong một nước bại trận mà phẩm giá, danh dự, nhân quyền, tình cảm đã bị dày xéo, chà đạp cả trong những giấc ngủ.
Đó là lý do đã khiến tôi quyết định bước lên con tàu gỗ nhỏ ra khơi trong một đêm tối và đã may mắn không bỏ thây dưới biển sâu. Gần ba mươi năm nay, tôi đã sống một cuộc đời khác trên quê hương thứ hai nhưng đồng thời vẫn tự coi mình như một người tị nạn, và có những sinh hoạt với cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Những sinh hoạt này là sợi dây liên lạc với quê cũ, và cũng làm cho sự ra đi của mình có ý nghĩa khác với một di dân kinh tế. Trong cộng đồng người Việt tị nạn, tôi đã tìm lại được những gì đã bị tước đoạt trên quê hương cũ, nhưng đã phải mang trong lòng một đau xót mới, mà tôi tin rằng cũng là một bóng đen ám ảnh tâm hồn nhiều người khác.
Nhiều người đã than phiền về hiện tượng kém văn hoá trong đối thoại và phát biểu chính kiến được một số người thường xuyên sử dụng và ngày càng phổ biến trong cộng đồng với phương tiện truyền thông điện tử ngày nay. Không kể những bài viết nặc danh hay bệnh hoạn, một số người tự nhận là nhà văn, nhà báo, trí thức cũng dùng hình thức lăng mạ thậm từ khi công kích người không đồng quan điểm với mình, thay vì đưa ra những dữ kiện để nói lên lập trường của mình. Những người này đã nhân danh “chống cộng” để mạt sát những người quốc gia nặng nề hơn cả những ngôn từ mà Việt Cộng đã dùng để chửi người quốc gia.
Đối phương gọi những cấp lãnh đạo miền Nam là “thằng” làm người ta bất bình nhưng không đau xót như khi những người ấy bị vài kẻ tự nhận là “người quốc gia” nguyền rủa bằng những tĩnh từ xấu xa, dơ bẩn. Những người này đang làm giùm kẻ thù công việc dành cho những tay sai thấp hèn của chúng với hiệu quả gấp đôi, vì dưới mắt công luận, “chính người quốc gia đã chửi rủa người quốc gia”.
Sau khi chiếm được miền Nam năm 1975 bằng võ lực, kẻ chiến thắng biết không chiếm được lòng dân nên đã áp dụng chính sách khuyến khích người miền Nam viết bài, viết sách phơi bày những xấu xa (bất kể sự thật hay bịa đặt) của các tướng tá và những người lãnh đạo của chế độ cũ, nhưng cũng không mấy ai hưởng ứng. Ngày nay, những điều ấy đầy dẫy trên các mạng điện tử và sách báo ở hải ngoại.
Riêng trường hợp cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, ông còn mang thêm cấp bực đại tướng và đã từng nắm nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội VNCH và đã đóng những vai trò then chốt trong các biến cố chính trị tại miền Nam Việt Nam từ cuộc chính biến ngày 11.11.1960 đến cuộc đảo chính ngày 01.11.1963 và về sau. Ông là một trong những người bị gọi là “tẩu tướng” vì đã bỏ hàng ngũ và chạy thoát khỏi Việt Nam trước khi Sài-Gòn thất thủ năm 1975. Sau 35 im lặng, gần đây không rõ do động cơ nào ông đã ra khỏi bóng tối và phát biểu những lời khiến nhiều người bất bình.
Sự tan rã của Quân đội VNCH năm 1975 đã để lại biết bao thảm kịch – của đất nước và của từng con người – mà hiển nhiên những người nắm vai trò lãnh đạo không thể chối bỏ trách nhiệm. Phải chi trong lúc tổ quốc lâm nguy, Đại tướng Trần Thiện Khiêm ở lại với quân đội, với thuộc cấp, với đồng bào để chiến đấu cho đến phút cuối cùng, và nếu lại tự bắn một viên đạn vào đầu hơn là để rơi vào tay địch quân thì đẹp biết bao, và sẽ lưu danh muôn thuở, như các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai,…
Quân đội VNCH không thiếu những chiến sĩ can trường, vì vậy quân đội ấy đã chiến đấu hữu hiệu và bảo vệ tự do cho miền Nam trong hai mươi năm. Trong thời gian dài hai thập niên ấy, bao nhiêu cuộc đời đã được tạo lập, bao nhiêu sự nghiệp đã được làm nên, bao nhiêu hạnh phúc đã được đắp xây, bao nhiêu công danh đã đạt thành, nhờ sự hy sinh của những người lính – trong đó gồm cả những người binh nhì đến những người lính mang sao trên cổ áo trận.
Lịch sử của Quân đội VNCH là một lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bất hạnh. Ra đời giữa hai gọng kềm của thực dân và cộng sản, quân đội ấy đã trưởng thành trong khói lửa với những cấp chỉ huy đầu tiên xuất thân từ Quân đội Pháp, sau đó lớn mạnh dần với những người lính được đào tạo từ các quân trường của chính quyền Quốc gia. Những người lính ấy được xem như những quân nhân chuyên nghiệp, cũng như ở mọi quốc gia theo cơ chế dân chủ khác, mà nhiệm vụ là bảo vệ đất nước, và đứng ngoài những hoạt động chính trị. Nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt do cuộc chiến tranh quốc/ cộng ngày một quyết liệt phải lệ thuộc sâu xa vào viện trợ của Hoa Kỳ, quân đội ấy đã bị lôi kéo vào đấu trường chính trị, và đã đem bạo lực vào chính trường qua những cuộc đảo chính do một số tướng tá cầm đầu.
Nhưng đảo chính quân sự không phải là hiếm tại những nước thuộc Thế giới Thứ Ba lúc ấy, từ Nam Hàn tới Indonesia, Thái Lan, Lào, Cam-bốt, Pakistan, nhất là tại các nước Phi Châu và Nam Mỹ. Những quân nhân làm đảo chính nếu thất bại sẽ trở thành kẻ phản loạn và phải ra Tòa án Quân sự, nếu thành công thì lên nắm quyền và tìm cách chính thống hoá sự cầm quyền bằng những cuộc bầu cử và tái lập chế độ dân chủ. Tại miền Nam Việt Nam, từ năm 1960 tới 1966 đã xảy ra nhiều cuộc đảo chính hay âm mưu đảo chính, trong đó, cuộc đảo chính ngày 01.11.1963 đã đưa một số quân nhân lên nắm quyền cho đến ngày VNCH sụp đổ năm 1975.
Sự thất bại của cuộc chiến đấu ngăn chặn làn sóng đỏ tại Việt Nam có nhiều nguyên nhân mà trong những năm gần đây sự thật đã dần dần được nhìn nhận. Cuộc chiến đấu ấy có thể thắng, nhưng đã thua vì sự suy sụp của mặt trận hậu phương tại Mỹ, vì sự phản bội của truyền thông báo chí Mỹ và phương Tây, nhất là vì những quyết định sai lầm của chính quyền Hoa Kỳ, đồng minh sinh tử của Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy.
Vì những nguyên nhân ấy, quân dân miền Nam Việt Nam đã trở thành nạn nhân. Quân lực VNCH hùng mạnh đã tan rã trong 55 ngày, mà số phận của những người lính thật bi đát. Trong những ngày cuối cùng hỗn loạn và cực kỳ căng thẳng, quyết định của mỗi cá nhân có lẽ phần nhiều là do những yếu tố ngoại cảnh đưa đẩy, ngày nay rất khó cho những ai muốn đóng vai trò một pháp quan để phán xét trong tháp ngà bình yên. Tuy nhiên, sự đào thoát sớm sủa của những viên tướng thâm niên ở Sài-Gòn là hành động khó biện minh. Danh từ “tẩu tướng” được gán cho họ là một bản án danh dự chung thân không có toà nào để kháng cáo.
Trở lại với trường hợp của (cựu) Tướng Trần Thiện Khiêm. Sự tái xuất hiện của ông đã làm nhiều người ngạc nhiên, trong đó có kẻ viết bài này, và làm tôi nhớ lại một việc xảy ra đã lâu, nhân dịp này, tưởng nên được ghi lại ở đây. Một ngày (không thể nhớ rõ) không lâu sau khi (cựu) Trung tướng Thái Quang Hoàng qua đời, tôi đang ngồi nói chuyện với (cựu) Tướng Phạm Văn Đổng tại phòng khách nhà ông (đường Hillsman, Falls Church, Virginia) thì có chuông điện thoại reo. Ông xin lỗi để trả lời điện thoại và đã nói chuyện khá lâu. Khi trở lại, ông cho biết Bà Trần Thiện Khiêm gọi về việc đăng báo chia buồn với gia đình Tướng Thái Quang Hoàng, và yêu cầu Ông Đổng bỏ cấp bậc “đại tướng” trước tên Trần Thiện Khiêm trên bản phân ưu (với lý do “ra ngoài này mà còn xưng tướng tá làm chi cho chúng chửi”). Ông Đổng cố thuyết phục Bà Khiêm và nói rằng “cấp tướng là do quốc hội quyết định vinh thăng, ai là tướng thì vẫn là tướng vì chỉ quốc hội mới có quyền lột lon họ”, và nếu bỏ cấp bậc trước tên Trần Thiện Khiêm trong khi những người khác có cấp bậc thì coi rất kỳ cục. Bà Khiêm nhất định không thay đổi lập trường và cuối cùng nói “vậy thì bỏ tên Trần Thiện Khiêm ra khỏi bản phân ưu”. Sau đó, tôi không được đọc bản phân ưu đăng trên báo nên không biết có tên Trần Thiện Khiêm hay không, và nếu có thì có kèm cấp bậc không. Ông Phạm Văn Đổng đã qua đời, bà vợ Ông Trần Thiện Khiêm cũng đã mất, nhưng tôi nghĩ vài người trong giới cựu tướng, tá đã nghe về giai thoại này.
Nay, Ông Trần Thiện Khiêm, trông hom hem với số tuổi ngoài 80, xuất hiện trước đám đông với bà vợ khác tươi cười bên cạnh trong bức ảnh được phổ biến trên các mạng điện tử cùng với những lời đả kích, lăng mạ ông. Tôi nghe một cảm giác xót xa trong lòng, và ngậm ngùi nghĩ đến những người lính (trong đó có những người mang sao trên cổ áo trận) đã tự sát trong bi kịch 30.4.1975.
Nhưng lịch sử không ngừng lại ở ngày 30.4.1975. Cuộc chiến đấu của quân dân VNCH vì chính nghiã Tư Do đang được những người khác tiếp tục trên một mặt trận khác – mặt trận không tiếng súng, và sớm hay muộn, chính nghiã ấy sẽ thắng. Khi ấy lịch sử sẽ công bằng hơn và khách quan hơn với những người đã giữ các vai trò quan trọng, ở bên này hay bên kia, trong cuộc tranh chấp ý thức hệ kéo dài qua hai thế kỷ trên mảnh đất bất hạnh Việt Nam.
Xin hãy dành mọi năng lực, tâm trí cho cuộc chiến đấu ấy hơn là mạt sát, xâu xé lẫn nhau vì những chuyện chỉ gây chia rẽ thuộc về một trang sử đã được lật qua.
Sơn Tùng
15.10.2010
One Comment
nguyen kim
cam on ong ST.ong da can dam viet kha nhieu nhung gi toi muon noi…cam on ong ,cam on ong .
tuy nhien,cung nen thong cam voi nhung nguoi chui dong..chac ong khong hep hoi.nhung chi co mot loi voi ho la nen soi guong ma chui..van nuoc no the.hay de lop tre ,nho vong linh tien to phu tro,chung se lam va noi nhung gi to tien muon lam va noi.dat nuoc se phuc hung va cai quai thai cong san se bi chon sau duoi long dat.sau con giong bao,troi lai sang .kn.