Thế giới chiến tranh thứ 2 chấm dứt năm 1945 mở màn cho cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên xô. Bảy mươi năm qua tình hình thế giới có lúc căng thẳng tưởng chừng như Thế giới chiến tranh thứ 3 có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Nhưng nhờ bom nguyên tử, không ai muốn đánh ai trước để cùng tự sát nên đã tránh được chiến tranh.
Bước qua thế kỷ 21, Trung quốc nhập cuộc siêu cường và thế giới chứng kiến sự kèn cựa tranh giành thế lực giữa Hoa Kỳ và Trung quốc có lúc cũng rất căng thẳng, nhưng điều kiện cho một cuộc chiến tranh toàn cầu càng lúc càng xa. Người ta hy vọng thế giới đã vượt qua được nạn đại chiến ít nhất là một thời gian dài trước mắt.
Có nhiều triển vọng là vậy. Nhưng hiện nay thế giới đang phải đối đầu với hai đại nạn một Thiên Tai, một Nhân Tai có tầm vóc toàn cầu mà nếu không có biện pháp phòng chống sức công phá của chúng có thể còn lớn hơn một trận Thế giới Đại chiến.
Trước hết là Nhân Tai, hay là nạn khủng bố của thành phần Hồi giáo quá khích –ISIS – (trong bài viết nay cụm chữ ISIS được hiểu là thành phần Hồi giáo quá khích dùng phương tiện khủng bố làm vũ khí chính).
ISIS là sản phẩm của cuộc chiến Iraq (xem tài liệu số 63. Mục “Không chính trị”, www.tranbinhnam.com, link:http://www.tranbinhnam.com/story/HoiGiao_DoiDau_TayPhuong.html. Lúc đầu giới hạn tại Syria và Iraq, ISIS đã tổ chức các cuộc khủng bố ra cùng khắp thế giới và đang trở thành một mối đe dọa toàn cầu.
Đầu năm 2015, ngày 9 tháng 1, ISIS tấn công tòa soạn tờ báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo giết 12 nhà báo để trả thù đã vẽ hình châm biếm giáo chủ đạo Hồi. Tiếp theo ISIS đã đánh bom một máy bay hàng không dân sự của Nga cất cánh từ thành phố du lịch Sharm Al Sheikh trong bán đảo Sinai.
Và cao điểm là hai vụ đánh liên tiếp, một tại Paris ngày 13/11/2015 giết 130 thường dân, và vụ hai vợ chồng theo đạo Hồi, chồng sinh tại Mỹ, bảo lãnh vợ từ Pakistan, âm mưu tàng trữ vũ khí, giả vờ sống hiền lành tại Mỹ để tấn công giết 14 người đang tham dự tiệc mừng Giáng sinh tại quận San Bernardino, California hôm 2/12/2015. Cuộc khủng bố tại California là cuộc khủng bố lớn nhất kể từ cuộc đại khủng bố 911 (11/9/2001) đã đưa cuộc chiến chống khủng bố ISIS lên tầm tòan cầu. Không một quốc gia nào, không một người dân lương thiện nào, đàn bà, con nít có thể nằm ngoài lằn đạn của khủng bố!
Sau vụ San Bernardino, tổng thống Obama hôm Chủ nhật 6/12 đã nghiêm chỉnh lên tiếng về đại nạn khủng bố và đề ra sách lược chống trả và tiêu diệt ISIS. Ông ghi nhận ISIS là một bệnh ung thư chưa có thuốc chữa, sản phẩm của một thành phần Hồi giáo quá khích nhưng trước sau Hoa Kỳ cũng sẽ đánh thắng ISIS bằng khả năng, và sự kiên trì. Nhưng ông không đề ra một sách lược cụ thể nào để đánh thắng. Ông thấy một cuộc chiến tranh mới – một cuộc đại chiến- đã mở màn, nhưng ông không nghĩ ông là người của lịch sử để đề ra những giải pháp dứt khoát. Nhiệm kỳ của ông chỉ còn võn vẹn một năm, và khi tranh cử ông đã hứa sẽ đưa Hoa Kỳ ra khỏi hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, ông không muốn là người đưa Hoa Kỳ vào một cuốn chiến tranh khác dù ông biết Hoa Kỳ không có cách nào lẫn tránh. Nhìn lại, tổng thống Obama biết buổi nói chuyện ngày 2/12 của ông không làm cho dân chúng yên tâm, nhưng ông cũng biết nếu đề ra những giải pháp quân sự mạnh mẽ như gởi quân qua Iraq và Syria để dẹp loạn ISIS, Hoa Kỳ sẽ vướng chân vào một cuộc chiến khác mà trước mắt là cái giá ước lượng – theo lời ông – 100 binh sĩ tử thương, 500 binh sĩ bị thương và 10 tỉ mỹ kim mỗi tháng. Đưa ra những con số nói trên tổng thống Obama muốn nói ông nghĩ dân chúng Hoa Kỳ không muốn thấy hằng ngày máy bay chở xác binh sĩ trở về như trong thời kỳ chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, và khả năng giới hạn của ngân sách quốc phòng.
Hai cuộc khủng bố của ISIS ở Paris và ở California làm rúng động Âu châu và Mỹ châu, làm nhiều nước thay đổi thái độ. Anh quốc quyết định tham gia oanh tạc ISIS tại Syria và Iraq, Liên bang Nga đã mềm dẽo hơn trong việc hợp tác với Hoa Kỳ tìm một gỉải pháp giải quyết cuộc chiến tranh ở Syria làm căn bản chiến thắng ISIS. Tuy nhiên thế giới chưa có một giải pháp nào trước mắt khả dĩ mang đến một hy vọng sẽ diệt trừ được nạn ISIS. Khối các nước A Rập ôn hòa chưa chịu nhập cuộc.
Thiên Tai là nạn bão táp hạn hán, lụt lội khác thường do độ nóng của bầu không khí (nói là Thiên Tai, thật ra đây cũng là Nhân Tai, vì chính sự đốt nhiên liệu mỏ để sản xuất năng lượng của con người đã thải quá nhiều khí chận nhiệt vào không khí làm bầu không khí nóng dần lên).
Theo các nhà khoa học, thời tíết nếu có đe dọa đời sống trên quả đất cũng còn chờ 25 hay 30 năm nữa, nhưng nguyên nhân của nó đang tích lũy và diễn ra hằng ngày nếu con người không thay đổi cách sản xuất năng lượng. Một khi bão táp tàn phá nhiều vùng rộng lớn, sự tan chảy của khối băng ở Nam và Bắc cực làm nước biển dâng lên chiếm đất sinh sống và mùa màng của cư dân có thể làm thay đổi hiện trạng trên bề mặt trái đất, tạo ra những làn sóng tị nạn khổng lồ.
Vấn đề đại nạn thời tiết đã được Liên hiệp quốc quan tâm và trước đây đã có những Hội nghị quốc tế về thời tiết. Hội nghị đầu tiên năm 1992 tại Rio de Janeiro do Ủy ban Liên hiệp quốc về Thời tiết (UN Framework Convention on Climate Change – UNFCCC) triệu tập và hai hội nghị gần nhất là hội nghị Kyoto, Nhật Bản năm 2005 và hội nghị Copenagen, Đan Mạch năm 2009. Cả hai hội nghị đều thất bại không đưa đến một sự thỏa thuận nào vì Trung quốc và Ấn Độ không muốn dính vào những cam kết quốc tế ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của mình.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung quốc nước thải khí bẩn nhiều nhất vào không khí đã nhìn thấy sự tàn phá của thiên nhiên đối với đời sống của hơn một tỉ người trên lục địa Trung Hoa nên Trung quốc đã có thái độ hợp tác để tìm một giải pháp chung, nhất là khi tổng thống Obama sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2, bất chấp sự chống đối của đảng Cộng Hòa (Do nhiều ảnh hưởng trong đó có ảnh hưởng của tôn giáo, nhiều đại diện dân cử thuộc đảng Cộng Hòa vẫn chưa tin độ nóng tăng lên của bầu khí quyển là do sinh hoạt kinh tế của con người) đã ban hành nhiều biện pháp hành chánh để giảm sự thải khí bẩn vào không khí.
Do vận động tích cực của Bộ trưởng ngoại giao John Kerry, tháng 11/2014 tại Bắc Kinh, tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng tuyên bố sẽ cùng bắt tay nhau thực hiện chương trình làm sạch không khí. Bản tuyên bố của hai quốc gia thải nhiều khí bẩn nhất thế giới đã giải tỏa bế tắc kéo dài dai dẵng 20 năm qua kể từ Hội nghị thời tiết Rio 1992.
Trước tình hình mới, tháng 12/2014, tại Lima, Peru các chuyên viên thời tiết đại diện cho 184 quốc gia đã hình thành được bản thảo mà một năm sau tại Paris đã thành bản đồng thuận “giảm độ nóng bầu khí quyển” xuống dưới mức tác hại.
Tại hội nghị quốc tế Paris về thời tiết kéo dài 2 tuần từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2105, 195 quốc gia tham dự đã đi đến một sự đồng thuận tham gia vào chương trình giảm độ nóng của bầu khí quyển để cứu lấy môi trường sống của con người.
Cuộc bàn thảo tại hội nghị Paris nhiều lúc giống như các học sinh trung học đang giải một bài toán nhiệt học. 1.5oC, 2.0oC hay 3.0oC ? 195 quốc gia cam kết sẽ đóng góp phần mình giữ nhiệt độ của khí quyển ở mức không cao hơn nhiệt độ trước kỷ nguyên kỹ nghệ toàn cầu (vào đầu thế kỷ 20) là 2.0oC , và hứa sẽ nỗ lực giảm xuống mức 1.5oC . Nhưng đồng thời tuy không ghi ra văn bản, nhưng các quốc gia tham dự cũng mặc nhiên nghĩ rằng với các nỗ lực chung độ nóng khí quyển có thể tăng đến3.0oC trên.
Hiện nay nhiệt độ khí quyển đã cao hơn trước thời kỹ nghệ 1.0oC, và bão táp, hạn hán đã bắt đầu xuất hiện một cách bất thường, và các nhà khoa học biết rằng 1.5oC có nghĩa là thế giới sẽ chịu được, và 3.0oC có nghĩa là khối băng Nam Bắc cực tan rã và nước biển sẽ dâng lên 6 mét. 3.0o là một tai họa khó lường. Không còn đất để ở và canh tác.
Bản thỏa ước về thời tiết tại Paris được thế giới tán thưởng xem là một thành công lớn của sự hợp tác quốc tế trước một vấn nạn chung của nhân loại. Thỏa ước có điều khoản hướng dẫn các quốc gia phải làm gì để thực hiện lời hứa. Có điều khoản các nước giàu giúp các nước nghèo thực hiện lời cam kết. 100 tỉ mỹ kim được dự liệu. Có thành lập ủy ban đặc nhiệm giúp các quốc gia đang bị nước biển đe dọa tràn ngập có đất sinh sống. Có điều khoản mua bán khả năng giảm thiểu khí thải (carbon-pricing). Bản thỏa ước còn đặt nặng sự khai thác và đầu tư vào các kỹ thuật mới để dần dần thế giới không còn lệ thuộc vào các mỏ nhiên liệu.
Nhưng điểm đặc biệt của bản thỏa ước là có lời hứa hạ quyết tâm nhưngkhông có một sự ràng buộc luật định nào cả. Tuy nhiên phấn khởi là qua bản thỏa ước cộng đồng nhân loại đã nhận ra mối nguy tự diệt nếu không hành động gì trước khi quá muộn. Vấn đề là: có quyết tâm hành động, nhưng có tránh được đại nạn không còn là một câu hỏi lớn.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Thiên tai vềthời tiết được cảnh báo từ 20 năm trước chẳng ai chú ý. Nhân Tai khủng bố ISIS bùng nổ năm 2014 tại Trung đông thế giới xem là mụt nhọt chữa trị lúc nào cũng được.
Thế nhưng thời tiết trong 5 năm gần đây càng năm càng khốc liệt và tàn phá. Mặc khác, cuối năm 2015 với hai cuộc khủng bố tại Paris và San Bernardino, Hoa Kỳ, chiếc quan tài đã lộ diện. Thế giới bừng tỉnh nhận chân đại nạn trước mắt và đã có những nổ lực cần thiết để tồn tại.
Các quốc gia Tây phương, Liên bang Nga, các nước A Rập đang bắt tay xây dựng một giải pháp bài trừ nạn ISIS. Và Hội nghi Paris về thời tiết đã đặt một căn bản tránh đại nạn thời tiết.
Nhưng cả hai cũng chỉ mới là hy vọng.
Trần Bình Nam
Dec. 20, 2015