Nhân Vụ Thượng Đỉnh Asean Nhóm Họp Ở Naypyidaw, Miễn Điện, 12-13 Tháng 11 Năm 2014 Và Tranh Chấp Biển Đông Sẽ Là Một Chủ Đề Tranh Cãi, Nhắc Lại, Gợi Ý Về Hai Công Tác Cần Phải Làm
- Thường xuyên duyệt xét lại tất cả những bản đồ thế giới đã được ấn hành liên hệ tới Hoàng Sa và Trường Sa để nếu cần yêu cầu sửa đổi.
- Nhân dịp Thượng Đỉnh ASEAN Lần Thứ 25 họp ở Naypyidaw, Miến Điện với chủ đề tranh chấp Biển Đông và Hoa Kỳ trở lại Á Châu-Thái Bình Dương, tiếp tục vận động đổi tên South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) hay Mer de Chine (Biển Trung Hoa), những danh xưng quốc tế, thành Southeast Asia Sea (Biển Đông Nam Á) hay Mer de l’Asie du Sud-Est.
Bài này khởi sự được viết sau khi vụ Hội Địa Lý Quốc Gia (National Geographic Society) của người Mỹ ghi chú không đúng về quần đảo Hoàng Sa đã tạm thời được giải quyết với sự đồng ý sửa lại của tổ chức này.
Đây là một thành công quan trọng mà người Việt Nam nói chung đã đạt nhờ sự lên tiếng và tranh đấu của các giáo sư, học giả, các cơ quan hay tổ chức nghiên cứu chuyên môn và của những người Việt yêu nước bình thường cả trong lẫn ngoài nước. Có điều đây mới chỉ là bước mở đầu vì National Geogaphic Society không phải là cơ quan hay nhà xuất bản duy nhất sản xuất và phát hành bản đồ ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Còn rất nhiều cơ quan và nhà xuất bản khác cũng làm những công việc tương tự. Việc làm sáng tỏ và tranh đấu để có sự điều chỉnh cho đúng sự thực do đó cần phải được tiếp nối.
Trong bài này người viết xin được đưa ra hai gợi ý cần phải làm vào lúc này.
Thứ nhất là người Việt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước lớn như Pháp, Anh, Úc, Nhật, Đức, Gia Nã Đại và các nước Bắc Âu… cần phải duyệt lại tất cả những tài liệu đã được phổ biến liên hệ tới không riêng Quần Đảo Hoàng Sa mà luôn cả Quần Đảo Trường Sa và nếu cần, phải vận động để điều chỉnh.
Thứ hai là phải xét lại danh xưng South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) hay Mer de Chine (Biển Trung Hoa) và đổi thành Southeat Asia Sea hay Mer de l’Asiedu Sud-Est(Biển Đông Nam Á).
Cả hai gợi ý này đều có những lý do riêng và đều có thể thực hiện được nếu mọi người Việt Nam nhất là các nhà cầm quyền ở trong nước đều muốn làm vì năm 2014 chúng ta lại ở vào những vị thế và thời điểm vô cùng thuận lợi, thuận lợi hơn hồi năm 2010 rất nhiều. Tôi xin được trình bày lại với những chi tiết như sau:
Thứ nhất: Thường xuyên duyệt xét lại tất cả những bản đồ đã được ấn hành hay phổ biến trên mạng
Lý do của việc làm này là bản đồ có thể được phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau: trên mạng, in rời từng bản để treo tường hay in trong sách hay thành tập gọi là atlas dưới nhiều khổ lớn nhỏ, dầy mỏng khác nhau, có tỷ lệ khác nhau, từ đó chi tiết được trình bày hay ghi chú khác nhau, đồng thời cũng có thể là những cầu đồ (globes). Gợi ý để mọi người cùng làm ở đây là người Việt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước lớn như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật, Đức và các nước Bắc Âu… cần phải thường xuyên duyệt lại tất cả những tài liệu đã được phổ biến này và nếu cần, có thể vận động để điều chỉnh. Hoa Kỳ là một trường hợp điển hình. Chúng ta thử bắt đầu một chút bằng quốc gia có nhiều liên hệ với Việt Nam này. Điều nên nhớ là công việc duyệt xét này, vói một kiến thức không cần thật cao về các ngôn ngữ liên hệ, ai cũng có thể làm được, nhất là các thanh thiếu niên thuộc thế hệ trẻ ở các học đường, chưa nói tới các người làm ở các thư viện.
Ở Hoa Kỳ, ngoài National Geographic, còn có những nhà xuất bản khác không kém quen thuộc đối với học giới nói chung, các nhà địa lý học hay các thày dạy sử địa nói riêng, như Hammond, Rand McNally, DK, Oxford University Press, Merriam-Webster, Random House, Snithsonian, Harper Collins…Các tài liệu này vì được ấn hành bằng tiếng Anh nên cùng lúc được xuất bản và phổ biến ở các nước nói tiếng Anh như Gia Nã Dại, Úc, Anh…Các bản đồ của các nhà xuất bản này phần lớn dùng các tên Paracel hay Spratly, những tên quốc tế, rồi đã hoặc là để trống (Oxford Atlas of the World, 2005; Oxford New Concise World Atlas, 2009; Random House Compact World Atlas, 2006; Smithsonian Handy World Atlas, 2004) hoặc đề sovereignty disputed hay disputed – chủ quyền tranh chấp hay tranh chấp ( Hammond World Atlas,2009; Hammond Concise World Atlas,(?); DK World Atlas, Digital Mapping for the 21th Century,2007, DK Concise Atlas of the World, 2007) hoặc đề là claimed by (đòi chủ quyền bởi) rồi kể tên các quốc gia (Rand Mcnally, Answer Atlas, the Geography Resource for Students, 2006). Riêng cuốn Merriam-Webster,s Geographic Dictionary, 2007, vì là từ điển nên ngoài tên quốc tế lại ghi thêm các tên Xi-sha Qndao (Trung Hoa), Quần Đảo Hoàng Sa (Việt Nam) và Hi-ra-ta gun-tô (Nhật Bản) trước khi ghi các chi tiết khác.
National Geographic có lẽ là một trường hợp cá biệt. Các bản đồ in của hội này cũng đã ghi chú y như họ đã ghi chú trên mạng (National Geographic Family Reference Atlas of the World, 2010; National Geographic Visual of the World Atlas,2009; National Geographic Collegiate Atlas of the World (?). Cần để ý là trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ngay từ những ngày đầu, National Geographic Society đã chú ý rất nhiều đến cuộc chiến đấu chống Cộng của người Việt. Họ đã viết và đã phổ biến rất nhiều bài về đề tài này một cách có cảm tình với phía ngưòi Việt Quốc Gia.
Vậy tại sao với tư cách là một hội khoa học họ lại thay đổi thái độ một cách vội vã, thiếu vô tư và thiếu thận trọng so với những nhà xuất bản khác nặng về kinh doanh, thương mại hơn như vậy? Qua sự kiện này câu hỏi được đặt ra người ta có thể tin tưởng vào tinh thần khoa học, vô vị lợi của người Mỹ đến mực nào?
Việt Nam (miền Bắc) cũng dùng các danh xưng Tây Sa (Xisha) và Nam Sa (Nansha) của Trung Quốc trên các bản đồ của mình
Trở về với Việt Nam, việc dùng các danh xưng Tây Sa và Nam Sa, gốc của người Tàu, thay vì Hoàng Sa và Trường Sa trong tiếng Việt, không phải là không có. Sự kiện này sở dĩ đã xảy ra có thể là do sự dễ dãi, dẫn xuất từ tính “thế nào xong thôi” – một thói quen mà một sử gia người Mỹ mà người viết (PCD) tạm thời quên mất tên, nói người Việt Nam cần bỏ nếu muốn tiến bộ – của người Việt. Nó cũng có thể là do sự cẩu thả của người làm sách hay vẽ bản đồ nhưng nó cũng có thể do chủ trương của người cầm quyền đương thời liên hệ tới quốc tế chủ nghĩa và nhu cầu của tình thế và của chiến tranh thể hiện qua văn thư của Thủ Tướng Chính Phủ Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng gửi cho đồng chí của ông là Tổng Lý Quốc Vụ Viện Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa Chu Ân Lai, ngày 14 tháng 9 năm 1958 và cách giải thích của những người có trách nhiệm ở miền Bắc đương thời. Có điều giải thích ra sao cũng vậy.
Bút sa là gà phải chết! Khi những tranh chấp xảy ra, người Tàu đã dùng những tài liệu do chính người Việt tạo ra mà họ có được trong tay này làm chứng cớ để biện minh cho chủ quyền của họ ở các quần đảo hai bên đang tranh chấp. Bài viết nhan đề “Xisha and Nansha Islands belong to China” (Tây Sa và Nam Sa thuộc Trung Quốc) đăng trên tờ Beijing Review, cơ quan ngôn luậnchính thức của chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh bằng Anh ngữ, số 21, ra ngày 25 tháng 5 năm 1979 cho người ta thấy điều đó. Bài này không ghi tên tác giả mà chỉ ghi là một bài bình luận của ký giả Tân Hoa Xã, có lẽ để tránh không bị coi là chính thức, nhưng ai cũng biết Tân Hoa Xã là cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Trung Hoa Cộng Sản.
Trong bài bình luận này, ngoài những lập luận và chứng cớ bằng ngôn từ, tác giả đã viện dẫn tới các bản đồ chính thức của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc) ấn hành trước năm 1975. Các bản đồ này đã gọi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng tên Trung Hoa đọc theo tiếng Việt là Tây Sa và Nam Sa của chúng kèm theo những ghi chú chứng tỏ các quần đảo này là thuộc Trung Hoa. Tác giả bài báo đã nêu lên một số trường hợp làm thí dụ:
Thí dụ thứ nhất: Bản đồ thế giới vẽ và ấn hành bởi Cục Bản Đồ (?) của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân Việt Nam năm 1960 đã ghi rõ bằng tiếng Việt “Quần Đảo Tây Sa (Trung Hoa)” và “Quần Đảo Nam Sa (Trung Hoa)”. Nguyên bản tiếng Anh để chữ China (Trung Hoa) trong ngoặc đơn rồi tất cả trong ngoặc kép “ the Xisha Islands (China)”, “the Nansha Islands (China)” thành người viết bài này (PCD) không rõ chữ China này là ghi đúng như trên bản đồ của Việt Nam hay do tác giả bài viết trên tờ Beijing Review thêm vô.
Thí dụ thứ hai: Những bản đồ Việt Nam xuất bản bởi Cục Địa Đồ Hà Nội vào tháng 5 năm 1964 và những bản đồ thế giới ấn hành tháng 5 năm 1972 cùng những bản đồ chính trị thế giới do Cục Đo Đạc và Bản Đồ Quốc Gia Hà Nội ấn hành tháng 3 năm 1974 ghi các quần đảo này bằng tên Trung hoa viết bằng tiếng Việt Nam. Không bao giờ các quần đảo này được ghi bằng tên tiếng Việt là “Quần Đảo Hoàng Sa” và “Quần Đảo Trường Sa” như sau này, theo tác giả bài báo.
Thí dụ thứ ba: Một bài học về Trung Quốc dành cho lớp 9 trong một cuốn sách giáo khoa về địa lý do Nhà Xuất Bản Giáo Dục Hà Nội ấn hành năm 1974 có câu “Vòng cung hợp bởi các quần đảo Nam Sa và Tây Sa, đảo Hải Nam, Đài Loan, Quần Đảo Bành Hồ… tạo thành một bức “trường thành” che chở cho Trung Hoa Lục Địa.” Có nhiều diễn tả tương tự đã được thấy trong các sách giáo khoa của Bắc Việt Nam.
Thí dụ thứ tư: Kinh độ phía đông của Việt Nam. Ngày 15 tháng 5 năm 1975, non một tháng sau ngày quân đội Việt Nam (Cộng Sản) tiến chiếm sáu đảo của Quần Đảo Trường Sa, tờ Quân Đội Nhân Dân cho đăng một bản đồ Việt Nam bao gồm cả Quần Đảo Trường Sa và khẳng định là địa điểm cực đông của lãnh thổ Việt Nam nằm ở 109 độ 29 phút Đông. Điều này (theo bài báo) chứng tỏ Việt Nam đã chiếm đóng lãnh thổ của Trung Quốc. Mặt khác, một tài liệu nhan đề Địa Lý Thiên Nhiên Việt Nam và Các Vùng Thiên Nhiên của Lãnh Thổ Việt Nam (?) do Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam và Nhà Xuất Bản Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, Hà Nội ấn hành năm 1970 lại xác định điểm cực đông của lãnh thổ Việt Nam nằm ở 109 độ 21 phút Đông thay vì 109 độ 29 Đông, chênh nhau 8 phút. Tác giả bài báo cho rằng dù có tăng thêm 8 phút cho lãnh thổ Việt Nam, Nam Sa vẫn không thuộc Việt Nam vì Nam Sa nằm ở 109 độ 30 phút đông của lãnh thổ Việt Nam (cũng theo bài báo).
Qua những thí dụ kể trên, người ta thấy lập luận của phía Trung Hoa có những điều bất ổn. Ba thí dụ đầu căn cứ vào những tài liệu được ấn hành từ trước năm 1975, khi Việt Nam còn bị chia đôi và có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam trong khi các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo Hiệp Định Genève mà Trung Quốc có tham dự và đóng vai trò tích cực, là do miền Nam quản trị. Lập luận của Trung Quốc trong trường hợp này không có giá trị vì nó cũng giống như lập luận của họ đối với văn thư Phạm Văn Đồng gửi cho Châu Ân Lai. Nói cách khác, những gì miền Bắc làm đối với Hoàng Sa và Trường Sa là không có giá trị pháp lý căn cứ vào Hiệp Định Genève, trừ phi họ vin cớ là sau khi miền Bắc thắng trận, lẽ phải là lẽ phải của kẻ thắng.
Một câu hỏi được nêu lên là tại sao các nhà làm sách và làm bản đồ ở miền Bắc thời trước năm 1975 lại dùng những danh xưng của người Tàu thay vì các danh xưng của người Việt để gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa? Câu trả lời có thể là vì thời gian đó là thời gian Việt Nam và Trung Hoa là hai nước Cộng Sản “anh em”, em không giữ được thì đưa cho anh thay vì để người ngoài chiếm mất, đồng thời đó cũng là thời gian chiến tranh, Cộng Sản Việt Nam cần sự giúp đỡ của Cộng Sản Trung Quốc và vai trò của Trung Quốc nói chung và của các cố vấn Trung Quốc nói riêng rất mạnh, không ai có thể chống lại. Do đó, việc dùng ngôn từ của Trung Quốc hay việc chép nguyên văn từ các tài liệu do các cố vấn Trung Quốc đưa cho ở đây cũng chỉ là một điều bình thường giống hệt như trong các cuộc chỉnh huấn trong quân đội hay cải cách ruộng đất và việc dùng danh xưng Quân Đội Nhân Dân thay thế cho danh xưng Vệ Quốc Đoàn mang nặng tinh thần quốc gia chủ nghĩa.
Khó ai có thể ngờ Trung Quốc trước sau như một khiến cho những gì các nhà làm bàn đồ hay sách giáo khoa về địa lý ở miền Bắc đã làm ở thời đó sau này đã gây ra bất lợi cho cả đất nước Việt Nam. Ở đây ta chưa kể tới sự kiện là việc ấn loát có thể là do người Tầu thực hiện. Về vấn đề kinh độ, 109 độ 21 hay 29 phút chỉ là của Việt Nam lục địa tức phần chính của Việt Nam mà thôi. Các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được trình bày trong tài liệu được viện dẫn.
Ngoài ra người ta cũng phải để ý là tháng 5 năm 1975 miền Bắc mới chiếm được miền Nam và tự coi là có trách nhiệm trên toàn thể lãnh thổ của miền Nam trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian quá ngắn nên những tài liệu tờ Quân Đội Nhân Dân dùng cho bài viết của họ vẫn là tài liệu cũ của miền Bắc. Họ chưa có đủ thì giờ để cập nhật hóa những gì phải làm. Các học giả trong nước có trách nhiệm phối kiểm và làm sáng tỏ những chi tiết này.
Các tên quốc tế như South China Sea hay Mer de Chine cần phải được thay thế bằng Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie du Sud-Est hay Biển Đông Nam Á
Đây là một vấn đề lẽ ra phải được nêu lên từ lâu nhưng hầu như ít ai để ý đến hoặc chưa có dịp. Năm 2010 chúng ta đã để lỡ một cơ hội có thể coi là ngàn năm một thuở vì Việt Nam trong năm 2010 là chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời trong tháng 4 năm này cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp Hội đã diễn ra ở Hà Nội. Với tư cách chủ nhà và ở cương vị chủ tịch, nhà nước Cộng Sản Việt Nam có thể đưa ra đề nghị để hội nghị cứu xét và thông qua.
Năm nay, 2014, chúng ta lại có một cơ hội mới: Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 lại họp trong hai ngày 11 và 12 tháng tại Naypiyidaw, Miến Điện với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là nội dung chính. Chưa hết, cùng ngày 12, Hiệp Hội Châu Á (Asia Society cũng họp ở New York với đề tài hơi khác vì ngoài tranh chấp người ta còn nói tới hợp tác và phát triển; đồng thời tham dự chỉ có các học giả Mỹ và Tầu. Cũng vậy, trong hai ngày 17 và 18 một hội nghị quốc tế về Biển Đông cũng họp ở Đà Nẵng với đề tài tương tự. Tất nhiên là vì sự hung hãn của Trung Quốc và sự phức tạp của khối các nước Đông Nam Á một sự thỏa thuận khó có thể đạt được trong hoàn cảnh hiện tại, dù cho chỉ là tiến tới một Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC. Tuy nhiên một sự kiện vô cùng quan trọng đã được các nhà bình luận quan tâm là thái độ tích cực của Hoa Kỳ từ sau khi nước này xoay trục trở lại với Á Châu – Thái Bình Dương.
Một tham dự viên Hội Thảo Asia Society, nhà phân tích địa lý chính trị người Mỹ Robert Kaplan, đã so sánh tình hình Biển Đông hiện tại với sự thống trị của Trung Quốc với tình hình vùng biển Caribbean và sự thống trị của Mỹ từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Ở Biển Caribbean Mỹ đã đẩy các cường quốc Âu Châu ra khỏi vùng này. Còn ở Biển Đông Trung Quốc cũng có những hoạt động tương tự. Lý do khiến cho Trung Quốc có thể thống trị ỏ Biển Đông là vì bắt đầu từ năm 2008 hải quân Trung Quốc đã đủ sức mạnh để phô trương với thế giới bên ngoài và vì Hoa Kỳ quá bận rộn ở khu vực Trung Đông trong một thời gian quá dài mà bỏ quên châu Á khiến cho chiến lược chuyển trục bị muộn mất 20 năm.
Có nhiều lý do phải đổi tên cho vùng biển đang tranh chấp:
Thứ nhất: Tên South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) trong tiếng Anh và tên Mer de Chine (Biển Trung Hoa) hay Mer de Chine Méridionale trong tiếng Pháp không thích hợp với thực tại địa lý nói chung của biển này. Chúng đã được đặt ra và được chấp nhận từ nhiều thế kỷ trước, khi người Âu Châu mới tới vùng Đông Nam Á. Lúc đó họ đã biết hay đã quen với Trung Quốc nhiều hơn là với các xứ Đông Nam Á đương thời, trong khi trên thực tế biển này ba mặt phía nam, phía tây, phía đông được vây quanh bởi các nước Đông Nam Á, chỉ một phần phía bắc là tiếp giáp với Trung Quốc. Khi một danh xưng do người ngoài đặt cho và không hợp lý với thực tại dịa phương, người ta cần phải đổi đi cho hợp lý hơn thay vì để nguyên một cách thụ động và cứ thế mà dung, từ đó gây ra những hiểu lầm và bối rối lẽ ra có thể tránh được. Nên để ý là Indonesia xưa kia bị gọi là Nam Dương Quần Đảo. Sau khi độc lập nước này đã được đổi tên là Indonesia.
Thứ hai: Biển này nằm ở giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong tương lai, với đà phát triển trên nhiều mặt của Hiệp Hội ASEAN, sẽ là một cái hồ, một thứ Địa Trung Hải của toàn vùng. Nó sẽ giúp cho mọi sự tiếp xúc, trao đổi và hợp tác, nói chung, từ kinh tế, tài chánh, thương mại đến văn hóa, giáo dục… được dễ dàng vì giao thông bằng đường thủy luôn luôn thuận lợi với những số lượng lớn hơn gấp bội so với đường bộ hayđường hàng không nếu người ta biết tổ chức và khai thác. Tên South China Sea hay Mer de Chine không nói lên được tầm quan trọng này, chưa kể tới những ý nghĩa tiềm ẩn cò thể bị khai thác của hai chữ China hay Chine trong hai danh xưng này.
Thứ ba: Đổi tên từ South China Sea hay Mer de Chine thành Biển Đông Nam Á không có nghĩa là ta từ bỏ danh xưng Biển Đông hay Đông Hải của Việt Nam vì Biển Đông hay Đông Hải là những tên riêng của người Việt để dùng trong nội bộ mình. Các nước khác chắc chắn cũng có những tên riêng của để gọi biển này của họ. Vì là của riêng người ta vẫn có thể tiếp tục dùng những danh xưng này như những danh xưng truyền thống với những ý nghĩa vừa đúng với vị trí của biển này đối với người dân địa phương, vừa tình cảm của chúng. Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie du Sud-Est sẽ chỉ là những danh xưng quốc tế thích hợp hơn để dùng trên các văn kiện hay trong các buổi họp quốc tế, trên các địa đồ thế giới và cho các nước không nằm trong vùng.
Thứ tư: Dùng danh xưng Biển Đông Nam Á hay Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie dư Sud-Est sẽ giúp cho các học giả, các nhà ngoại giao, các chính khách Việt Nam, mỗi khi phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tránh được sự khó chịu khi phải dùng những tên vừa không do mình đặt ra vừa không đúng với thực tại địa lý mà còn hàm chứa ảnh hưỏng và sức mạnh quá lớn của Trung Quốc. Không những thế chúng còn mang các quốc gia Đông Nam Á lại gần với nhau hơn, đồng thời có thể tạo ra cho người dân của các quốc gia này một ý thức mới, ý thức thuộc về một khối người có nhiều điểm tương đồng, có những quyền lợi chung cần được khai thác với nhau trong hòa bình và cùng nhau bảo vệ nhất là trong phạm vi môi trường thiên nhiên vào lúc Trung Quốc đang nỗ lực kỹ nghệ hóa các tỉnh đông nam của họ.
Kết luận:
Với những lý do trên đây, và còn nhiều lý do khác nữa mà người viết, trong một bài báo ngắn gọn hay vì nhất thời tế nhị, không thể kể ra hết, việc thay thế các danh xưng South China Sea trong tiếng Anh và Mer de Chine hay Mer de Chine Méridionale trong tiếng Pháp bằng danh xưng Southeast Asia Sea hay Mer de l ‘Asie du Sud-Est là một việc làm cần thiết và thích hợp cho sự phát triển nhanh chóng và mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á như người ta đã và đang thấy. Nó nói lên sự bình đẳng và ý chí kết hợp của các nước trong vùng. Ngưòi ta có thể không thích ý kiến quốc tế hóa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì nó liên hệ tới chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải của riêng từng nước, nhưng người ta có thể chấp nhận, nếu không nói là hoan nghênh việc làm này như một cái tên thuần túy và đơn giản.
Các quốc gia Đông Nam Á đã có một tổ chức chung; đã đến lúc các quốc gia này phải có một cái gì cụ thể chung. Một vùng biển chung mang danh Biển Đông Nam Á ít ra qua danh xưng của nó là biểu tượng cho cái gì chung đó vậy. Trở về với Việt Nam, người viết xin được nhắc lại là tên Biển Đông Nam Á nếu được chấp nhận chỉ là tên gọi một vùng biển nằm giữa khu vực Đông Nam Á cho hợp lý mà thôi. Nó phản ánh tính cách “của chung” của tất cả các nước Đông Nam Á mà Trung Quốc chỉ có một phần phía bắc, là của chung của cả khối ASEAN chú không phải là của riêng của một nước nào.
Riêng về vấn đề chủ quyền, chủ quyền về lãnh thổ hay lãnh hải là do quốc tế công pháp, những luật về mặt biển, về thềm lục địa được qui định dựa trên các yếu tố địa lý, địa chất, nhất là lịch sử…Người Mỹ trong thế kỷ 21 không thể đẩy người Tầu ra khỏi Biển Đônghay ngược lại, giống như đã đẩy người Anh, người Pháp ra khỏi vùng Biển Caribbean hồi thế kỷ 19, nhưng người Mỹ có thể đẩy lui người Tầu về vị trí cũ của nước Tâu, đúng như lịch sử và địa lý, không để họ lấn át các nước Đông Nam Á, thực hiện chủ quyền trên cả vùng Lưỡi Bò như họ đã và đang làm trong mấy năm gần đây và trong hiện tại.
Đổi tên South China Sea hay Mer de Chine hay Mer de Chine Méridionale thành Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asia du Sud-Est là một bước tiến khởi đầu vậy. Nó hoàn toàn hợp với thực tại địa lý và đáp ứng lại nhu cầu hợp tác toàn vùng để cùng phát triển về mọi phương diện trong chiều hướng phát triển chung của cả nhân loại.
Phạm Cao Dương, TS