“Trương chậm bước lại vì chàng vừa nhận thấy mình đi nhanh quá tuy không có việc gì vội và cũng không nhất định đi đến đâu”.
Câu văn khơi dòng cho tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh, là bước chân người đi. Người ấy lắng nghe, và nhận định nhịp bước, nhận thấy mình đi nhanh quá, mà không có lý do, không có việc gì vội. Sau đó lại bổ sung không nhất định đi đến đâu, dường như muốn tu chỉnh câu vừa mới nói:không có việc gì, không cần đến chữ vội, như lỡ bước quá một bước, thốt quá một lời, viết quá một chữ. Quá một chữ, không nhất thiết phải là thừa, vì câu nói, lời văn, bước chân đưa đẩy như vậy, trong đời sống như vậy.
Khi ta bước, hay thở, không mấy khi ta lưu ý. Cũng có khi cố tình nhanh hay chậm chân một chút, hay thở mạnh, sâu hơn một chút, vì lý do nào đó. Như lý do đưa đẩy Nhất Linh viết truyện Bướm trắng: chuyện của Trương biết mình bị bệnh phổi, được bác sĩ tiên đoán sống một năm. Biết vậy, và cho rằng không tránh khỏi, Trương lắng nghe cuộc sống đang tiếp diễn, và gây thêm biến cố, để cuộc sống xao động hơn, để mình nghe tiếng động của đời sống rõ rệt hơn.
Trong Tiếng nói của im lặng (Les voix du silence), André Malraux có giải thích tác phẩm của mình: Tôi có lần kể cuộc phiêu lưu của một người không nhận ra giọng nói của mình vừa được thu âm, vì anh ta mới nghe lần đầu qua lỗ tai chứ không qua cổ họng; và vì chỉ có cổ họng mới chuyển đến ta, tiếng nói của nội tâm, tôi gọi tên sách là Thân phận làm người (La condition humaine).
Nói rộng ra, gọi Bướm trắng là tiếng thầm thì của nội tâm cũng được. Bướm trắng viết vào năm 1939, đăng báo 1940, xuất bản 1941, khi Nhất Linh đã có địa vị vững vàng trong văn học; tiểu thuyết Đoạn tuyệt, 1934, đã gây chấn động vì luận đề xã hội. Nhất Linh dựng lại hai nhân vật Dũng và Loan trong Đôi bạn, 1938-39, giầu tính chất văn chương hơn, nhưng cái nền của tác phẩm vẫn còn tồn đọng chuyện xã hội và chính trị trong bối cảnh nông thôn miền Bắc. Đến Bướm trắng, ông chủ tâm viết một tác phẩm văn học thuần túy, không hàm ý chính trị hay xã hội, lấy đời sống đô thị làm khung cảnh.
Nhất Linh muốn thể nghiệm một kỹ thuật khác xưa: viết tiểu thuyết để hành văn, lấy văn chương làm cứu cánh, không mượn văn học để luận về xã hội và thời thế. Dù rằng thời điểm Bướm trắng, 1939-1940, tình hình đất nước đang căng thẳng. Bản thân Nhất Linh đã dấn thân sâu vào thời cuộc, nhưng không mượn văn chương để bày tỏ quan điểm xã hội. Tuy nhiên tác phẩm bao giờ cũng phản ánh đời sống xã hội qua một thành phần nào đó, điều này là quy luật hiển nhiên, không tránh khỏi.
Chuyện xảy ra tại Hà Nội, giữa một nhóm thanh niên trí thức thuộc gia đình khá giả. Trương, sinh viên trường luật, thôi học vì bệnh lao phổi. Trong giới hạn thời gian còn sống, Trương muốn khám phá triệt để cuộc sống, chủ yếu qua hai cách: qua tình yêu với Thu và qua kinh nghiệm trác táng. Có lúc thụt két, phải vào tù mấy tháng. Ra tù, Trương khỏi bệnh, về làng cưới vợ quê.
Trong một tham luận nhân cuộc hội thảo về Tự lực văn đoàn ở Cẩm Giàng, quê Nhất Linh, ngày 9/5/2008, học giả Nguyễn Huệ Chi đã nhận ra những biến chuyển trong quan niệm và kỹ thuật tiểu thuyết Nhất Linh: “Nhà văn luôn luôn tìm tòi không ngừng không mỏi. Vừa cho ra mắt một loạt tiểu thuyết luận đề làm cả một thế hệ thanh niên yêu thích, ông lại thoắt chuyển sang dạng tiểu thuyết không có truyện, lấy việc phân tích các biến thái tâm lý nhân vật làm chủ điểm (Đôi bạn) rồi lại thoắt chuyển sang dạng tiểu thuyết khơi sâu vào những miền khuất tối, không dễ nhận biết của cái “tôi”, cái thế giới bí mật nhất trong mỗi con người, kể cả sự mò mẫm vô thức trên quá trình cái tôi phân thân, tự hủy, ít nhiều mang dáng dấp hiện sinh (Bướm trắng)”.[1] Chúng tôi lưu ý vào hai chữ hiện sinh.
Tiểu thuyết, thông thường thì cần cốt truyện. Chuyện Trương đối diện với cái chết có thể là một đề tài hấp dẫn, nhưng tác giả không muốn lôi cuốn bằng chuyện kể, không tạo tình tiết éo le, ly kỳ, gây cấn. Sự việc phần nhiều là do nhân vật cố tình tạo ra để thăm dò cảm giác và suy tưởng của chính mình: “Mình thụt két mà Thu còn yêu mới thực là yêu, Thu không yêu nữa càng hay. Thử xem sao. Chẳng có gì mà sợ, chết cũng không sợ lại còn sợ một việc cỏn con như thế này à?” (Bướm trắng, tr.119, Nxb Văn Mới, 2014, California).
Trương, con người bình thường, thậm chí tầm thường, trở nên nhân vật tiểu thuyết vì bệnh lao, việc có thể đến với bất cứ người nào. Nhất Linh chọn nhân vật thanh niên trí thức Hà Nội, vì hoàn cảnh này thuận lợi cho việc tạo ra sự việc để nhẩn nha và tỉ mỉ phân tích nội tâm. Dụng tâm của Nhất Linh là kể một câu chuyện đời thường, bằng giọng văn đời thường, không lên bổng xuống trầm, không hùng hồn để thuyết phục, không bi lụy để gây xúc cảm, không thắt nút mở nút. Chuyện của Trương chấm dứt ở đây, nhưng vẫn có thể tiếp tục diễn tiến. Kết cuộc như thế, không tự nhiên, cũng không bất ngờ, có thể không như thế.
Câu kết: “Nói xong, Nhan nhìn Trương, mỉm cười; nàng sung sướng có cái cảm tưởng như được săn sóc âu yếm đến một người chồng”.
Đây chỉ mới là cái cảm tưởng như trong trí tưởng một thôn nữ, trong một câu dứt chuyện lấp lửng về phía Nhất Linh. Tình tiết câu chuyện – cấu trúc nội tại của tiểu thuyết – không nhất thiết đưa đẩy đến kết thúc như vậy. Nhưng giọng kể của Nhất Linh đẩy đưa như vậy. Vì Bướm trắng tác phẩm nghệ thuật là một cấu trúc hư tưởng. Nó tự do với người đọc.
Tác phẩm có thể đề xuất vài ba câu hỏi phụ. Tại sao tựa đề Bướm trắng? Trước tiên, là ẩn dụ một bông cẩm chướng trắng, trong phòng khách của bác sĩ: “Một bông cẩm chướng trắng, gió lọt vào làm rung động như một cánh bướm. Tưởng đến một ngày chủ nhật nắng – một ngày đã xa lắm chàng đứng nhìn những con bướm trắng bay trên một luống cải lấm tấm hoa vàng – và nhớ lại cả cái ngạc nhiên của mình khi nhìn cảnh rất thường ấy.” (sđd, tr.22).
Xa hơn nữa, một buổi sáng trời còn nhá nhem, nghe tiếng xe bò lăn lạch cạch: “Trương đoán là một xe rau ở ngoại ô lên chợ sớm. Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thắm, những luống thìa-là lá nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hòa lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về…” (sđd, tr.106).
Vườn xưa; vườn mẹ hay địa đàng thơ ấu? Đời này hay tiền kiếp? Hoa đậu đơn sơ. Bướm không có màu, lẫn vào hoa trắng. Như chuyện Trang Chu. Ẩn dụ trong điển tích lại đưa chúng ta vào một chiều kính sâu thẳm khác của nhan đề.
Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, lại thấy mình là Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu. Thiên Tề vật luận trong Nam hoa kinhý nói mọi vật đều đồng đẳng, tương đương. Chuyện thị phi, tốt xấu, phải trái… không phải là những giá trị đối lập và tuyệt đối. Trước cõi chết, sự “huyền đồng” này được ý thức soi sáng: Cái chết là ngọn gió san bằng mọi giá trị nhân tạo.
Nội dung truyện Bướm trắng có hơi hướm tư tưởng Trang Châu, riêng cái tiêu đề Bướm trắng chưa chắc gì đã có liên hệ với con bướm Trang Châu
Không cứ gì người phương Đông chịu ảnh hưởng Lão Trang mới có tư tưởng này. Trong tiểu thuyết Kẻ vô luân, l’Immoraliste, 1902, nổi tiếng, André Gide đã đề xuất một hoàn cảnh và tư tưởng gần với Bướm trắng.
Michel là một nhà bác học trẻ tuổi thượng lưu. Bị bệnh lao phổi nặng, anh mới khám phá ra giá trị cơ bản của sự sống, của nhục thể, bên ngoài thành kiến về đạo đức, văn hóa, tài sản mà xã hội đã xe kết để áp đảo thậm chí tiêu hủy căn tính con người: “văn hóa, nảy sinh từ sự sống, hủy diệt sự sống” (la culture, née de la vie, tuant la vie). Michel tự sự:
“Với một người tưởng chết không gì bi thảm bằng cuộc dưỡng bệnh dài. Sau khi chạm phải cánh cửa tử thần, những điều hệ trọng trước kia, nay không còn quan trọng, nhiều điều khác, xưa kia thì không, nay trở thành quan hệ. Thậm chí xưa kia mình không biết là có. Từng lớp hiểu biết chồng lên trí não, nay vỡ lỡ ra như những mảng phấn dồi, và đôi chỗ, để lộ ra những mảng thịt da trần trụi của con người chân chính xưa kia bị khuất lấp”.
Nhất Linh có tiếp cận tác phẩm và tư tưởng André Gide, thịnh hành khoảng 1930, nhưng chịu ảnh hưởng đến đâu thì không biết, dù rằng có những câu gợi nhớ:
“Nếu còn sống thì không bao giờ nữa chàng là người có lỗi. Không có tội với ai nữa (…) Chàng mở to hai mắt, khắp người rờn rợn sợ hãi vì lần đầu nhận thấy rõ căn bản của tâm hồn mình một căn bản vô luân khốn nạn” (sđd, tr.104).
Vô luân: từ then chốt, vọt miệng thốt ra nhắc đến tên sách của Gide, Kẻ vô luân. Nhưng đạo đức ở đây không phải là chuyện luân lý giáo khoa thư, mà là lý tưởng tự do của con người muốn để tư tưởng thoát ly ra khỏi quan niệm thiện ác, phải trái của một chế độ giáo lý hạn hẹp – trong tâm trạng cùng cực của con người sắp chết. Giảng luận về thiênTề vật luận của Trang Tử, Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã nhận định: “Họ không phải là người vô luân lý, immoral [Thu Giang chua tiếng Pháp] như người ta đã hiểu lầm, mà là một hạng người đã vượt lên trên tất cả mọi thứ luân lý tầm thường chật hẹp: họ là hạng người không còn tư tâm tư dục nữa”.[2]
Trong Bướm trắng, Nhất Linh không có ý đồ cao đạo như vậy. Ông cũng không đặt vấn đề đạo đức, văn hóa triệt để, thành hệ thống, như Gide. Ông chỉ viết một cuốn truyện dung dị về con người bình thường, cho người đọc trung bình lấy văn chương làm niềm vui. Gán cho ông một dụng ý đạo lý, triết lý cao siêu là khiên cưỡng. Nhan đề Bướm trắng cũng không minh họa cho giấc mơ của Trang Châu. Nhất Linh đã dùng hình ảnh này và tư tưởng thoát tục trong những trước tác khác.
Văn học có lúc tạo nên những tao ngộ lạ lùng. Khi thế giới lao vào thế chiến thứ hai, thì Nhất Linh khởi viết Bướm trắng, đồng thời Albert Camus viết Kẻ xa lạ (l’ Etranger) chỉ xuất bản vào 1942. Dĩ nhiên là Nhất Linh không biết đến.
Chuyện xảy ra tại Alger, Meursault làm thư ký quèn cho một hãng buôn, một chủ nhật trên bãi biển, phạm tội ngộ sát. Ra tòa, bị kết án cố sát; vì thái độ dửng dưng trước những giá trị đạo đức, tôn giáo mà công tố viện đưa ra, Meursault lãnh án tử hình; và trước khi lên đoạn đầu đài, đã tổng kết cuộc sống: “Tôi đã có lý, tôi vẫn có lý, tôi luôn có lý. Tôi đã sống thể này trong khi có thể sống cách khác. Tôi đã làm điều này mà không làm điều nọ. Tôi đã không làm chuyện nọ trong lúc đã làm chuyện kia. Thì đã sao? Không có gì quan trọng và tôi đã biết tại sao…”.
Camus thời trẻ, vào tuổi của Trương, bị bệnh lao nặng, tái phát nhiều lần, phải vào viện lao nhiều lần và có tiếp xúc tới tư tưởng Lão Trang qua ảnh hưởng thầy học Jean Grenier, đã từng dịch Lão và Trang tử [3] ra tiếng Pháp.
Kẻ xa lạ hành văn bình dị – “ bút pháp trắng ” – lý tưởng của Nhất Linh. Tác phẩm vang danh khắp thế giới, được dịch ra tiếng Việt năm lần bảy lượt. Kẻ xa lạ gây ảnh hưởng rộng rãi như vậy, vì thái độ dửng dưng “xa lạ” của Meursault, còn có tác động đạo đức mạnh hơn những phản ứng mãnh liệt rốt ráo của Michel trong Kẻ vô luân của Gide.
Cuộc trùng phùng giữa hai tác phẩm chưa hẳn đã là tình cờ, mà có cơ duyên: là niềm hoang mang của con người, từ Đông sang Tây, giữa lòng thế kỷ XX mà André Gide, André Malraux, và nhiều tác gia khác, đã dự báo.
Việt Nam 1940, chưa ai nói đến triết lý hiện sinh. Ngay tại Pháp, phải sau thế chiến, nó mới thành tư trào văn nghệ phổ biến; giữa thập niên 1950 mới du nhập vào Việt Nam. Và ngày nay, sau những cơn say thời thượng, đọc lại Nhất Linh, có ai nói rằng Bướm trắng là tác phẩm hiện sinh, là tiểu thuyết hiện sinh đầu tiên và sáng giá nhất bằng tiếng Việt, đóng góp vào một kinh nghiệm trí thức lớn lao của thế giới giữa thế kỷ XX, được chăng? Nói vậy được chăng? Tôi an tâm khi học giả Nguyễn Huệ Chi cùng đưa ra cảm giác ấy (xem trích dẫn 1).
***
Bướm trắng là một tác phẩm nghệ thuật, cần được thưởng lãm như một bức tranh, một bản nhạc giao hưởng. Nó không phải một tác phẩm luận đề luân lý, giáo điều như Kẻ vô luân của André Gide.
Nhất Linh khi bày tỏ tham vọng viết một tiểu thuyết hay, đào sâu tâm lý con người, không khỏi nhắc đến bộ sách đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, cho dùBướm trắng không đạt tới kích thước ấy.
Ngày nay, chúng ta đều biết mãnh lực gợi cảm của những danh từ riêng – tên người, tên địa lý đối với Proust. Thử tìm hiểu tên nhân vật trong Bướm trắng, người đọc thấy đôi điều lý thú. Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con út Nhất Linh, đã kể về người chị vắn số:
“Chị Thoa có lần nói với tôi: – Em biết không, cậu lấy tên của chị đặt cho một nhân vật trong tiểu thuyết của cậu đấy!”. Sau khi người chị qua đời, kiểm soát lại thời điểm ông mới khấn thầm: Chị lầm rồi! Không phải cậu lấy tên chị đặt cho nhân vật Thoa trong Hai buổi chiều vàng đâu, mà (ngược lại) cậu lấy nhân vật Thoa để đặt tên cho chị đấy! Hai buổi chiều vàng xuất bản năm 1937, một năm trước khi chị ra đời”.[4]
Việc đặt tên cho nhân vật truyện, có khi còn phức tạp hơn việc đặt tên con. Trong Bướm trắng có hai cô gái giang hồ, tên Phương và tên Mùi. Tên Phương đã xuất hiện trong Đôi bạn, là một cô hàng xén, hoạt động cách mạng bị Pháp bắt; ra tù ít lâu rồi chết vì bệnh lao; trong Bướm trắng, Liên là người yêu của Trương cũng chết vì bệnh lao trước đấy ba năm. Sau này, trong Giòng sông Thanh Thủy, Phương là một cô gái đẹp. Tên Mùi nôm na, nhưng nghĩa cũng gần với tên Phương, còn quen thuộc hơn, vì là nhân vật chính trong tác phẩm dài hơi Xóm Cầu Mới, mà phần đầu có lúc Nhất Linh đặt tiểu tựa là Cô Mùi. Trong các nhân vật nữ của Nhất Linh, Mùi là cô gái dung dị, khả ái, xuất hiện lâu dài có lẽ hơn cả cô Loan.
Có lẽ vì tinh nghịch, Nhất Linh đã đưa chính mình vào tác phẩm qua nhân vật tên Linhthổi clarinette (sđd, tr.97), cố theo người hát sai cả nhịp (sđd, tr.98).
Tên hai nhân vật chính, Trương và Thu dường như chỉ xuất hiện trong Bướm trắng nhưng mang nặng ngữ nghĩa. Trương là nhân vật truyện, nhân vật hư cấu quen thuộc trong các truyện dân gian: Trương Chi, Trương Ba, Trương Hống, chàng Trương trong chuyện thiếu phụ Nam Xương, Dũng trong Đoạn tuyệt và Đôi bạn, cũng họ Trương. E chỉ là tình cờ thôi nhưng trong tiềm thức một nhà văn dồi dào văn hóa như Nhất Linh, tên Trương có âm vang tiêu biểu không khỏi nhắc đến bài viết nổi tiếng của Roland Barthes: Proust và tên(Proust et les noms), và âm hưởng nhân danh, địa danh bất thần gây cảm hứng cho Marcel Proust.
Tên Thu là tên mùa thu, không gian, thời gian lý tưởng làm nổi bật vẻ đẹp của trần thế và hạnh phúc làm người. Khí hậu mùa thu thường xuất hiện trong tác phẩm Nhất Linh, như nơi trang nhập đề Đôi bạn.
Trước đó, Nhất Linh có truyện dài Nắng thu, 1934, tả cuộc tình cực kỳ lãng mạn giữa Phong với Trâm, một cô gái câm; sau bao nhiêu nghịch cảnh, hai người đã tái hợp, cùng nhìn cảnh từ một khoang thuyền về nhà: “Rồi hai người say sưa nhìn nhau rồi lặng yên để hưởng cái hạnh phúc êm đềm lúc đó như man mác khắp bầu trời, phảng phất trên mặt nước lăn tăn gợn sóng như hòa với gió heo may, với ánh nắng một ngày thu trong sáng” (câu cuối truyện).
Nhân vật của Nhất Linh dù chính hay phụ vẫn thường được lấy mẫu từ cuộc sống thực. Cô Thu cũng vậy thôi, và còn có thể là một kỷ niệm riêng mà tác giả chiu chắt. Huy Cận thân thiết với Nhất Linh thời Bướm trắng, có thổ lộ riêng với Nguyễn Tường Thiết: “Chỉ có tôi với ông Nhất Linh biết thôi! Chúng tôi có san sẻ riêng với nhau câu chuyện về một thiếu nữ. Tôi không biết ông Nhất Linh có mê cô ấy thật không, nhưng ông đặt một bí danh cho thiếu nữ ấy là “cô áo trắng”. Bài thơ Áo trắng của tôi, ông muốn tôi đề tặng ông. Cháu biết không, cô áo trắng là cô Thu trong Bướm trắng của ông Nhất Linh đấy”.[5]
Huy Cận đã xác nhận chi tiết này trong hồi ký: “Một kỷ niệm vui nữa của Nhất Linh đối với tôi là khi tập Lửa Thiêng của tôi sắp đem in thì tôi hỏi Nhất Linh muốn tôi tặng bài thơ nào. Nhất Linh lật qua các trang thơ đã đánh máy, dừng lại ở bài Áo trắng. “Anh cho tôi bài thơ này”. Tôi hỏi “Chắc anh có kỷ niệm gì liên quan đến tình cảm của bài thơ ”. “Đúng thế, trong đời tôi cũng có một cô áo trắng”. Về sau đọc tiểu thuyết của Nhất Linh tôi có chú ý rằng Nhất Linh đã một vài lần tả chiếc áo trắng của người trong truyện, đặc biệt là trong một đoạn của cuốn Bướm trắng tác giả đã tả chiếc áo cánh phơi trên dây còn bày ra mùi hương da thịt làm đắm đuối một nhân vật đứng ngắm chiếc áo. Chắc hẳn tác giả đã vận dụng kỷ niệm, đã sống lại kỷ niệm say sưa của mình để viết đoạn văn trên” [6].
Huy Cận nhớ mang máng như vậy là đã tình nghĩa, nhưng không chính xác: tấm áo trắng phơi trên dây là của cô Loan vào cuối truyện Đôi bạn. Áo của cô Thu không biết màu gì và vắt ở đầu giường, mềm như da người và mùi thơm hơi cay vì Trương úp mặt vào chiếc áo (sđd, tr.44), chứ không phải đứng nhìn áo phơi trên dây.
Chi tiết không mấy quan trọng, nhưng cũng cần minh định vì Nhất Linh là nhà văn duy lý: Những câu văn thi vị, huyền ảo đến đâu cũng phải hợp lý: không phải chỉ vì ông xuất thân là nhà khoa học, nhưng vì cốt cách tri thức như thế.
Những kỷ niệm của Huy Cận về Bướm trắng lại có ích cho người tìm hiểu văn học: “Có khi anh còn rủ tôi về chơi nhà anh ở thị xã Hà Đông vào một dịp Tết. Lúc đó Nhất Linh đang viết truyện dài Bướm trắng, anh có khoe với tôi là đã viết được gần nửa truyện rồi. Nhất Linh viết truyện trên những quyển vở gạch carô, và viết bằng bút chì vót thật nhọn, chữ viết đều đặn và rất nhỏ. Trên trang bản thảo ít có chỗ chữa, thảng hoặc có thêm câu nào thì móc ra ở ngoài lề như kiểu ta chữa bản mo-rát của nhà in đem tới. Anh khoe với tôi là viết tiểu thuyết như vậy, anh không hề có đề cương trước, có dàn bài trước, hay nói cho đúng hơn là anh có một thứ dàn bài mơ hồ trong tâm trí, một thứ khung của câu truyện. Rồi thì anh xông vào viết truyện, mặc cho nhân vật lôi cuốn anh đi”. (sđd, tr. 254).
Điều này càng chứng tỏ Bướm trắng không còn là tác phẩm luận đề, mà là một tiểu thuyết tâm lý, dựa trên đề tài chính là tình yêu, nhưng có lúc người đọc tự hỏi Trương có thật sự yêu hay không, hay chỉ tạo tình huống để lắng nghe mình khổ sở hoặc vui sướng, trong tâm trạng đặc biệt của người bệnh. “Trương ở vào tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống” (sđd, tr. 41). Hay khám phá ra sự sống, cũng vậy thôi.
Từ đó, tình cảm của Trương với Thu dùng dằng, khi đắm say, cuồng dại, khi hờ hững, ích kỷ. Có thể anh đặt ra trò chơi rồi tự mình lún sâu vào cạm bẫy; hoặc là yêu thật mà không muốn thú nhận.
Quan hệ luyến ái Trương -Thu đánh dấu một thời đại trong tình yêu, từ xúc cảm tự nhiên đến cách biểu hiện, giữa đôi lứa và trước xã hội, từ thời Tố Tâm 1922, của Hoàng Ngọc Phách.
Tình yêu trong thời kỳ này, qua Bướm trắng và tiểu thuyết Nhất Linh nói chung, là một mỹ cảm, quan hệ nam nữ thiết tha, có thể đến mức máu theo nước mắt hồn lìa chiêm baonhư trong truyện Kiều, nhưng vẫn là một tình cảm lý tưởng, pla-tô-ních không đưa đến quan hệ tính dục như ta sẽ thấy ở các tác giả khác, thuộc thế hệ sau. Có thể là độc giả thời kỳ đó chờ đợi như thế. Dù muốn dù không nội dung một tác phẩm cũng phản ánh tâm lý thời đại – cụ thể là nhu cầu độc giả. Mà cũng có thể tạng viết của Nhất Linh tự nhiên như vậy, mà ông cũng muốn như vậy, trên tư thế của ông thời đó. Dù không có chức vụ gì chính thức, Nhất Linh cũng đang là một trí thức uy tín, nhà văn nhà báo chủ trương “nghệ thuật vị nhân sinh” qua những điều tâm niệm của Tự lực văn đoàn. TrongBướm trắng dù muốn tạo dựng một nhân vật “vô luân”, Nhất Linh vẫn là nhà đạo đức, moraliste, dù không rao giảng luân lý như trong các tác phẩm trước đó. Có lẽ điều này lý giải đoạn kết, đôn hậu bất ngờ: Trương về quê lấy vợ và sống cuộc sống nông thôn bình dị.
Bối cảnh xã hội và tâm lý các nhân vật Bướm trắng dễ đưa đến quan hệ tính dục, nhưng câu chuyện chỉ đưa đến một cái hôn ngây ngất trên cảnh chùa Thầy; sau một thời gian dằng co, Trương đơn phương chấm dứt quan hệ. Tình yêu được mô tả tập trung rõ nét hơn các tác phẩm trước, nhưng chỉ gây hứng thú cho người đọc ở nơi gặp gỡ của hai tâm hồn đồng điệu, hiểu nhau qua những cử chỉ nhỏ nhặt từ những chíu mày, chớp mắt, đến những lời nói bâng quơ, mà người ngoại cuộc dù có chứng kiến cũng không ngờ vực. Đây là sở trường của Nhất Linh, mà ta đã gặp và sẽ gặp trong trước tác khác; nhưng ởBướm trắng thì tập trung hơn vì không tan loãng trong những tạp âm khác của tâm cảnh.
Trong Viết và đọc tiểu thuyết (1952-1961), ông quan niệm một tác phẩm hay phải có giá trị “muôn nơi và muôn thuở” dịch ra tiếng nước ngoài vẫn còn hay; nghệ thuật tiểu thuyết không dựa vào cốt truyện, hay tư tưởng, hay câu văn trầm bổng, và là diễn biến tâm lý của nhân vật. Bướm trắng là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong trước tác Nhất Linh.
Học giả Bùi Xuân Bào, trong một chuyên luận về tiểu thuyết Việt Nam 1925-1945 bằng tiếng Pháp đã ghi nhận điều này: “Bướm trắng đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình Nhất Linh vì tác giả đã hoàn toàn dứt bỏ công thức luận đề mà xưa nay ông vẫn sử dụng. Ở đây hư cấu tiểu thuyết không tìm cách chứng minh điều gì. Mà chỉ nhắm phân tích tâm hồn một thanh niên ở tuổi hưởng thụ cuộc sống, khát khao hạnh phúc, mà chứng bệnh nan y đã cản ngăn những nguyện vọng chính đáng nhất […].
Tác phẩm vô cùng độc đáo. Trước Nhất Linh và đồng thời với ông. Chưa có tác giả nào đẩy xa như vậy cuộc phân tích một bi kịch của tâm thức. Chưa bao giờ nỗi ám ảnh của cái chết được đan kết chặt chẽ như vậy với những hoang mang của tình yêu”.[7]
Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991) là một học giả uyên bác và nghiêm túc, lại là người đương thời cùng Nhất Linh, nhận định cũng là chứng từ của thời đại, cung cấp một tư liệu quan trọng. Đặt trước tác vào bối cảnh văn học của nó, Bùi Xuân Bào đã đề xuất, đối chiếu quan điểm chuyên môn và văn học “Kỹ thuật tiểu thuyết của Nhất Linh ở đây đã đạt tới độ toàn bích. Từ bỏ những thủ pháp thuần trí thức, cắt từng vạt sáng tối như trong các tác phẩm trước, tác giả đã uyển chuyển các phương tiện tra vấn nội tâm và phương tiện diễn đạt, ông đã đụng vào những xu hướng, những vận động của tiềm thức. Hình thức tự sự được sử dụng ưu tiên và nhuần nhuyễn, là độc thoại nội tâm; không phải theo các bậc thầy nội vấn hiện đại như Proust và Joyce mải mê phân tích chi li những nguồn mạch tâm lý, mà như phong cách Dostoievski; chúng tôi không dám so bì Nhất Linh với bậc thầy của tiểu thuyết Nga, nhưng chắc chắn là bước ngoặt của Bướm trắng trong biến chuyển nghệ thuật Nhất Linh, phải có dấu ấn do ảnh hưởng của Tội ác và hình phạt. Nói chung, tác phẩm mới nhất của Nhất Linh có một hậu cảnh siêu hình và duy linh (métaphysique et spirituel) có lẽ do ảnh hưởng nhiều chương trong Tội ác và hình phạt (sđd, tr. 365-366)”.
Bùi Xuân Bào có đơn cử chương 6 trong Bướm trắng, cảnh Trương băn khoăn trước tủ tiền với cuộc dằng xé nội tâm của Raskolnikov trước khi hạ sát bà chủ cho vay nợ.
Lịch sử khi sang trang, đã biến đổi nhiều luận điểm văn học. Gần đây, dường như ở Việt Nam đang có sự đánh giá lại. Phan Cự Đệ (1933-2007) khi đề cập đến tiến trình tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đã có trích dẫn đoạn Bùi Xuân Bào đánh giá cao Bướm trắng; Phan Cự Đệ cho rằng, trong Bướm trắng, Nhất Linh chịu ảnh hưởng cả Dostoievski lẫn Proust[8] chủ yếu là cách phân tích tâm lý chi li.
Trước đây, khoảng 1973, ông đã nhận xét về Đôi bạn: “trong tiểu thuyết này dòng tâm lý của các nhân vật phát triển cũng là nhờ sự vận động của những kỷ niệm, hồi ức, liên tưởng […] sẽ gây thành một phản ứng dây chuyền, làm cho dòng nội tâm trôi chảy không ngừng và chính cái đó tạo nên chiều sâu tâm lý nhân vật”.[9]
Gần đây, 30 năm sau, ông đã nới rộng nhận xét sang Bướm trắng, mà dường như ông mới đọc lại và nhận ra giá trị “Những hồi ức, liên tưởng cũng góp phần mở rộng không gian nghệ thuật của câu chuyện, đưa người đọc đến những vùng trời xa lạ khác nhau hoặc mở rộng thời gian nghệ thuật, rọi một ánh sáng mới vào quá vãng xa xăm và bỗng nhiên làm thay đổi cảm xúc của người đọc” (2004, tr.239).
Có lẽ Phan Cự Đệ quá đà, theo lối viết của ông ấy, từ cực đoan này sang cực đoan kia, chứ không ai ngờ vực rằng ông có chút cảm tình riêng tây gì với Nhất Linh.
Nhận định của giới phê bình và nghiên cứu văn học, qua nhiều quan điểm và thời điểm khác nhau, chứng tỏ giá trị khách quan của Bướm trắng – cho dù nó kén người đọc, ít phổ biến vì ra đời trong nghịch cảnh.
Để có một đánh giá chừng mực, chúng tôi quan tâm đến cách đọc của nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ (1921-2000) trưởng thành vào thịnh thời của nhóm Tự Lực; trong một bộ văn học sử phổ thông, ông đã nhận định tổng hợp, ngắn gọn nhưng đầy đủ:
“Qua Bướm trắng, Nhất Linh cũng đã đưa ngòi bút phân tích tâm lý vào địa hạt nhân bản muôn thuở với trường hợp bi đát con người bị giằng co giữa tình yêu và cái chết, con người muốn phá hoại nhân phẩm, tự thân trụy lạc, mà vẫn không thể nào không hướng về những nẻo thiện mỹ, con người tủi thân giận phận muốn tìm xuống đáy địa ngục mà nằm cho xong nhưng hồn mộng vẫn chập chờn đôi cánh Bướm trắng, hình ảnh một hạnh phúc thiên đường đã trót để lỡ”.[10]
Bướm trắng viết xong 1940, đăng báo Ngày Nay, từ số 208 tháng 4-1940; năm sau, Đời Nay xuất bản, khi chiến tranh lan tràn trên khắp thế giới, và Việt Nam bước vào khúc quành quyết định.
Từ đó đến nay là hơn 70 năm. Thời gian đã dài, còn dài hơn nữa, với bao nhiêu đổi thay dâu biển, trong xã hội và lòng người. Giữa thế kỷ 18, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều ra xem vườn sau một cơn mưa:
Lởm chởm vài hàng tỏi Lơ thơ mấy khóm khương Vẻ chi tèo teo cảnh Thế mà cũng tang thương
Số phận một bức tranh, một bài thơ hay cuốn truyện cũng tèo teo như vậy, có khi tồn tại nhờ trí nhớ tập thể, cũng bấp bênh và phôi pha.
Ngày nay trong nước đang có phong trào xét lại sự đóng góp lớn lao của Tự lực văn đoàn trong quá trình xây dựng nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là tác phẩm Bướm trắng của Nhất Linh đã từng bị ruồng rẫy, có khi phê phán nặng lời, qua nhiều thế hệ. Qua cuộc hội thảo Nhìn lại 80 năm thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn tổ chức tại TP Hồ chí Minh, năm 2012, đã có nhiều tham luận đánh giá cao Tự lực văn đoàn. Từ những nhà nghiên cứu tên tuổi như Phong Lê (Viện Văn học): “trong ngót mười năm tồn tại, cho đến […] Bướm trắng 1941 Tự lực văn đoàn đã góp phần quan trọng đưa tiểu thuyết Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại, trên tất cả phương diện của cấu trúc tự sự kiểu loại nhân vật, tư duy nghệ thuật và ngôn ngữ giọng điệu…, sau khi dứt bỏ triệt để mọi dấu ấn trung đại”.11] Cho đến các nhà nghiên cứu trẻ tuổi hơn như Phạm Thị Phương (Đại học Sư phạm TPHCM): “Tiểu thuyết Bướm trắng được coi là đỉnh cao nghệ thuật của Nhất Linh. Giá trị nội tại, tự tại của tác phẩm ngày càng được khẳng định, khẳng định ngay cả khi đặt nó trong sự tương đồng với tác phẩm Người xa lạ của Camus, Thất lạc cõi người của Dazai Osamu v.v. mà Nhất Linh chưa từng biết đến khi viết nó, ngay cả khi đặt nó đối chiếu với phong cách của các tác giả … mà ông rõ ràng có chịu ảnh hưởng. Tất cả những sự đối chiếu này đã khẳng định bản lĩnh độc lập của thủ lĩnh một văn đoàn chủ trương đổi mới văn học nước nhà theo hướng hiện đại hóa, một cá tính sáng tạo của nhà nghệ sĩ lớn”.[12]
Đây là đoạn tổng kết của bài tham luận, đề cao nghệ thuật tiểu thuyết Bướm trắng.
Hiện nay ở nước ngoài nhà xuất bản Văn Mới (California – Hoa Kỳ) dự tính năm 2014 tái bản Bướm trắng, trong toàn văn và nguyên tác, là điều may cho ngành văn bản học và nền văn học dài lâu của đất nước; và cho một thiểu số độc giả, the happy few, không biết được bao nhiêu người và phiêu bạt những đâu đâu. Mà cũng không biết trước tác phẩm sẽ được tiếp nhận ra sao.
Dĩ nhiên là tác phẩm mong có được lớp độc giả mới, bây giờ và mai sau.
Từ đó bài này xem như một niềm hoài vọng:
Của tin gọi một chút này làm ghi…
Orléans, Noel 2013-Tết Giáp Ngọ 2014.
Đặng Tiến
(Bài dẫn nhập cho tiểu thuyết Bướm trắng, 1940, của Nhất Linh, dự tính tái bản tại Hoa Kỳ, giữa 2014)
Nguồn: Văn Việt.
[12] Phạm Thị Phương, Nhìn lại thơ mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn, tr. 378. Nxb Thanh niên, TPHCM, 2013.