Cách đây mấy ngày tôi đọc bài “SOS Thứ Bậc VN Trên Xếp Hạng Trí Tuệ Toàn Cầu”, chiều ngày 9 – 8 lại được nghe GS. Nguyễn Văn Tuấn (Úc) thuyết trình về tình trạng nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam với những bảng biểu và con số cụ thể chứng minh rằng Việt Nam đang thua rất xa các nước trong khu vực về thành tựu nghiên cứu khoa học. Rồi nữa, chuyện thầy đánh trò đình đám xảy ra cách đây mấy tuần mà báo chí đã đưa tin… Tất cả như quyện lại với nhau, như cùng có một nguyên nhân sâu xa nào đó liên quan đến triết lý giáo dục, mà cũng hình như liên quan đến chuyện “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” trong nhà trường mà chúng ta đang tranh luận.
Nho giáo và các vấn đề giáo dục hiện nay
Rõ ràng không thể cho việc “ngụp lặn” của trí tuệ người Việt ở nửa dưới thế giới là do tư chất người Việt kém. Ngược lại, tôi thấy con em người Việt ở nước ngoài đã tỏ ra sắc bén không thua chị kém em nước sở tại trong chuyện học hành, nghiên cứu. Vậy chắc chắn có cái gì đó không ổn trong triết lý giáo dục mà hậu quả là chúng ta đã không đào tạo được những con người có văn hoá phản biện, có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo để tự thay đổi mình và thay đổi môi trường sống, cũng như góp sức mình làm phong phú kho tàng tri thức của nhân loại.Phải chăng, hiện trạng này có liên quan một phần đến Nho giáo, đến bóng của Khổng Tử trên ngành giáo dục, thể hiện trong quan niệm và cách làm của người quản lý, trong não trạng và cách dạy của thầy, cũng như trong suy nghĩ và cách học của trò hiện tại ?
Quan niệm giáo dục lấy thầy làm trung tâm, lấy tư tưởng người xưa làm mẫu mực, là rào cản của sự tò mò, trí tưởng tượng vốn rất cần cho sự sáng tạo, làm hạn chế khả năng tư duy độc lập mà chức năng của giáo dục đáng lẽ là phải khơi gợi, kích thích và làm cho nó phát triển. Tình trạng này cùng với một môi trường xã hội không tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển các tri thức và thông tin, luật pháp chưa bảo vệ được những sản phẩm trí tuệ … là những nguyên nhân quan trọng của hiện trạng không lấy gì làm sáng sủa như đã nói đầu bài viết.
Quan niệm dạy – học mang màu sắc giáo dục khổng giáo vốn xem trọng quá khứ, “tầm chương trích cú”, “thuộc làu kinh sử” biến học sinh thành những con vẹt, biến những bộ óc non nớt của các em thành những thùng chứa đồ cũ, là nguyên nhân của bệnh đọc – chép. Đọc chép lâu dần không những làm cho học sinh mất hết khả năng sáng tạo, mà còn tạo ra nơi người học thói quen xài chùa của người khác, trong lĩnh vực học thuật, thì đó là đạo văn.
Việc gắn sự học với việc làm quan trong giáo dục nho giáo vốn đang ảnh hưởng rất mạnh trên não trạng của người Việt mình là thủ phạm gây ra hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ”, sính bằng cấp, học giả bằng thật, vv. Có lẽ phải mất nhiều thời gian, tốn nhiều giấy mực để nghiên cứu ngọn ngành sự liên quan xa gần giữa những ảnh hưởng Nho giáo và từng hiện tượng cụ thể đang tồn tại trong ngành giáo dục mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể trình bày thấu đáo.
Giáo dục hiện đại không bắt con trẻ học thuộc lòng nội dung và áp dụng một điều gì đó kể cả các “chân lý” đã được khoa học kiểm chứng một cách như học “lời của thánh hiền”, nhưng dạy cho các em làm thế nào (học phương pháp) các nhà khoa học đã tìm ra chân lý đó, không phải bắt các em “tuân phục” mà cất nghĩa cho các em hiểu tại sao lại phải vậy, và trang bị cho các em có đủ khả năng vận dụng lý trí của mình để soi sáng những điều đó và khi cần thì biết cải tiến, biết vượt qua nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Lại nói chuyện “lễ”
Có nhiều người lo là nếu bỏ “tiên học lễ…” sẽ làm giới trẻ mất phương châm sống? Không đến nỗi như vậy, ăn thua là người lớn chúng ta có làm cho trẻ biết ước mơ, có những hoài bão đẹp hay không ? Khi trẻ có lý tưởng sống đẹp thì tự các em sẽ có cách sống đẹp. Chữ lễ quy định cách thức ứng xử giữa người với người theo kiểu nho giáo, chứ không phải là lý tưởng sống, càng không phải là chân lý bất biến, bởi cách kiểu ứng xử thì tuỳ từng xã hội, xấu hay tốt nhiều khi cũng tuỳ từng xã hội.
Người Phương Tây chẳng có Nho giáo, chẳng có “lễ” làm cơ sở để đối nhân xử thế, thì họ vẫn có lý tưởng sống, vẫn sống tử tế với nhau, vẫn đối xử lịch thiệp, vẫn bác ái, vẫn biết thương lượng với nhau để tránh xung đột, vẫn biết chung sống với nhau trong sự khác biệt đó thôi. Tôi không chủ trường bài xích hoàn toàn giá trị của Nho giáo, nhưng không mấy thiện cảm với chữ lễ ở trong học thuyết này. Xin hiểu cho là tôi đang nói chữ lễ trong ý nghĩa gốc của khái niệm như tác giả của “Dựa vào gì để cân nhắc bỏ hay giữ “học lễ”? đã đề cập, chứ không chê các giá trị văn hoá đạo đức tích cực, tốt lành trong xã hội hiện tại mà trách vụ của giáo dục là phải chuyển tải cho học sinh.
Tôi đã chứng kiến số phận bao nhiêu con người phải khổ sở thế nào vì những lề thói mang màu sắc chữ lễ Nho giáo: Một ông bác gây sự om sòm trong đám hỏi của cháu làm các cháu sợ xanh tím mặt mày, chỉ vì các cháu không biết những lễ nghĩa với bác; những bậc cha mẹ sẵn sàng cấm, cắt đứt chuyện yêu đương của con cái chỉ vì những người lớn chấp trách lễ nghĩa với nhau; những cảnh đời phụ nữ có cuộc sống như là nô lệ tại nhà chồng cũng chỉ vì não trạng kiểu “tam tòng tứ đức” vv. Suy cho cùng thì những người lớn cứ nằng nặc bắt trẻ con phải dữ lễ nghĩa kiểu như vậy cũng chỉ vì muốn thoả mãn cái tôi của mình, mà không đếm xỉa gì tới tình cảm, cảm giác của con cháu mình thế nào. Lễ nghĩa hình thức nếu chúng ta câu nệ quá, sẽ làm khổ con người, làm tan biến con người trong một mớ quy định, thay vì đặt con người làm trung tâm và làm chủ của tất cả.
Nhà trường không nên trưng khẩu hiệu
Nguyễn Khánh Trung (Viết từ Pháp)
One Comment
tu dinh
Tác giả Nguyễn Khánh Trung là một người rất hiếm hoi, dám nói sự thật, về Nho Giáo hay Khổng Giáo.
Có thể nói, 99.99% lớp người có học của Việt Nam không bao giờ dám động đến Khổng Giáo, và những tư tuởng sai của Khổng Tử. Lý do: trẻ con bị tập cho biết khoanh tay và cúi đầu, đó là bài học vỡ lòng, để làm cho con người biết khuất phục, từ tuổi thơ.
Vài ví dụ nữa.
(1) Con người sở hữu con người
Khổng Giáo chủ trương quyền của vua (quân quyền) và quyền của người đàn ông (nam quyền) gần như tuyệt đối. Từ đó, vua coi toàn dân như là sở hữu của mình, người đàn ông coi vợ và con như là sở hữu của mình. Xã hội Khổng Giáo cho phép con người sở hữu con người. Một xã hội của thời sơ khai hay bán khai. Một xã hội của thời nô lệ. Từ đó, sanh ra các tệ nạn: trong nam khinh nữ, tỷ lệ không cân đối giữa trai và gái, như tình trạng hiện nay tại Á Châu, mà LHQuốc vừa báo động, nạn cha mẹ giành quyền suy nghĩ giùm con cái. Vân vân.
Để giữ quyền con người sở hữu con người, Khổng Giáo đã tập cho con người phải biết khuất phục từ tuổi thơ, bằng các hủ tục: bắt khoanh tay và cúi đầu, đánh đập trẻ con . . .
(2) “Tôn sư trọng đạo”
Theo quan niệm của Khổng Giáo, người thầy là tuyệt đối đúng, sách vở (Tứ Thư, Ngũ Kinh) là tuyệt đối đúng, và suốt hơn hai ngàn năm, học trò Tàu và học trò Việt Nam phải nhai đi nhai lại. Một lối học từ chương, lối học thuộc lòng, lối học chỉ biết chấp nhận, không dám suy nghĩ độc lập, không dám suy nghĩ khác. Không dám vượt qua người thầy, lớp người sau không thể vươn lên khỏi thế hệ trước. Thế hệ nầy đến thế hệ khác, đều là như thế, nên cả một dân tộc không thể vươn lên.
Bởi ý niệm nầy của Khổng Giáo, dân tộc Việt Nam chưa có truyền thống khai phá, mở đường, nghiên cứu, sáng tạo và phát minh. Cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn chưa có đóng góp nào đáng kể cho tài sản trí thức của thế giới (không kể Người Việt học hành và làm việc tại Âu Mỹ). Vân vân.
(3) Ý niệm “Trung” của Khổng Giáo
Theo Khổng Giáo, quan phải trung với vua, vợ phải trung với chồng, “đệ tử” phải trung với “người thầy” . . . Trung, có nghĩa là trung với một con người. Có hợp lý chăng? Có hợp lý chăng, khi các ông quan vẫn phải trung với một ông vua thuộc loại hôn quân vô đạo? Có hợp lý chăng, khi một người vợ phải trung với một người chồng ăn chơi đàng điếm, năm thê bảy thiếp, hoặc hành hạ đánh đập vơ tàn nhẩn?
Trung với một con người, là không hợp lý. Khi một người là người tốt, người ta kính trọng và nghe theo. Cũng con người ấy, khi họ không còn là người tốt, người ta không thể kính trọng và nghe theo, và người ta liền rời bỏ. Điều đó không có nghĩa là phản bội.
Một phát ngôn viên của TT Bush con, sau khi nghỉ việc, có viết một cuốn sách, phê bình những việc không đúng của TT Bush. Nhiều đồng nghiệp cho là ông nầy đã phản bội TT Bush. Ông trả lời, “Tôi chỉ trung thành với Sự Thật.”
Trung thành với một con người, là không cần thiết, vì con người có thể đổi thay. Chúng ta chỉ cần trung thành với Sự Thật, Lẽ Phải, Điều Tốt, và Cái Đẹp.
Chủ nghĩa cộng sản là một Đống Rác của lịch sử (lời của TT Mỹ R. Reagan); Khổng Giáo cũng là một Đống Rác của lịch sử. Bao lâu dân tộc Việt Nam đem chôn hai đống rác nầy (như Âu Châu đã chon chủ nghĩa cộng sản dưới nấm mồ lịch sử), chắc chắn, dân tộc Việt Nam sẽ vươn lên, vì dân tộc Việt Nam hoàn toàn có khả năng để vươn lên rất nhanh.