«Liên Hiệp (Âu châu) dành mọi nỗ lực để xây dựng lâu dài một Âu châu … trên một nền Kinh tế Tự Do, Xã hội … »*
Hiến Ước Âu châu 1: 3
Thế nhưng…
Từ nhiều năm nay, đặc biệt từ những năm khủng hoảng kinh tế tài chánh, quan niệm Kinh tế Thị trường Xã hội (Économie Sociale de marché / Social Economy of Market) hay là Kinh tế Tự do Xã hội (libéralisme social / social liberalism ) được các nhà bình luận và nghiên cứu chánh trị-kinh tế Âu Tây bàn luận rất nhiều.
Quan niệm nầy được trình bày như là một cái mẫu quản trị kinh tế Âu Tây tương lai để phát triển Âu châu – lục địa của thế giới cũ (diển văn của Ngoại trưởng Pháp de Villepin năm 2002 trước Liên hiệp Quốc) lục địa của thế giới của Văn hóa trọng Con Người, Văn Hóa Nhơn bản – với một nền Văn Hóa đặt Con Người vào trọng tâm, trái với quan niệm gọi là trường phái Anh-Mỹ (anglo – saxon), trường phái Kinh tế Thị trường Tự do (Économie de marché libérale – liberal economy) của một thế giới mới có Văn minh kỹ thuật nhưng phát triển trong hổn loạn, không kiểm soát, thả nỗi theo luật cung cầu của thị trường (hay đúng hơn kiểm soát bắng kỹ thuật để tìm kết quả về lợi nhuận) và Con Người thường bị bỏ quên.
Những cuộc bầu cử vừa qua ở Pháp đã đưa đến những kết quả hoàn toàn bất lợi cho Tổng thống Hollande và Đảng Xã hội. Mặc dù Thủ tướng Manuel Valls cố vớt vát chuyển hướng Xã hội rất phái tả, sang hướng trung dung thuận cho những chương trình phát triển Kinh tế Thị trường, hướng Tự do Xã hội, với vị Bộ trưởng trẻ tuổi tân thời Emmanuel Macron, đã đưa lập luận rằng nền Kinh tế Tư bản thị trường tương lai của Liên Âu sẽ dần dần « mất chất xã hội » đem đến tranh luận và bàn cải, nhứt là ngay trong Đảng Xã hội. Một đảng Xã hội mà chính Manuel Valls cho rằng đã quá cổ lỗ xĩ. Theo nhận xét riêng của chúng tôi thì nền Kinh tế tương lai chỉ là một vấn đề quan niệm nhỏ thôi. Cái khó là đi giữa hai làn đạn chánh trị do “người chánh trị”, “đảng phái chánh trị” tạo thành. Một nền Kinh tế tương lai phải dựa vào thực tế đời sống ngưới dân, một chánh sách tự do hành đông trong kinh doanh theo luật thị trường cung cầu, nhưng phải giữ đạo đức trong cạnh tranh, trong trao đổi quyền lợi chủ thợ nói tóm lại phải dựa vào một “thái độ đạo đức xã hội”. Khổ nỗi làm sao kết hợp,”cái tự do thả nổi” của kinh tế thị trường và cái gò bó luật lệ của luật “xã hội”!
Nhưng dù thế nào đi nữa thì toàn bộ các quốc gia thành viên Liên Âu (28 quốc gia) cũng phải ngồi lại với nhau để tìm cho được một mẫu số chung về tổ chức xã hội,mẫu số chung về kinh tế, để trả lời những bài toán nan giải về công ăn việc làm (tạo việc làm để đơn thuần chống nạn thất nghiệp không giải quyết được vấn đề tạo việc và xây dựng hệ thống chuyên nghiệp, tay nghề cho tương lai), những vấn đề phát triển đồng bộ cân bằng, những vấn đề dung hòa những điều kiện để phát triển, từ những suy nghĩ nghề nghiệp hóa công ăn việc làm đến những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp như phụ túc liên đới bảo hiểm sức khỏe, dân sinh, xã hội, hưu trí…. Điều quan trọng là, để có một nền kinh tế thị trường xã hội là phải được dựa trên ba cột trụ xã hội : Giáo dục (cưởng bách và miển phí cho đến có tay nghề), Y tế (miển phí-với một mạng lưới đi đến cấp huyện), Hưu trí và tuổi già được che chở ; nhưng vẫn giữ phần tiên tiến về mặt kỹ thuật, cạnh tranh, nghiên cứu … do luật thị trường đòi hỏi.
Hiện nay, vào thế kỷ 21, Kinh tế Tự Do Xã hội vẫn còn ở trong địa hạt lý luận, trao đổi quan điểm.
1. «Một sự nhầm lẫn khổng lồ»
Nếu quan niệm Kinh tế Tự Do Xã hội vẫn chưa có một tương lai rõ ràng cũng bởi vì trong quá khứ, quan niệm ấy thiếu một lịch sử trong sáng. Từ ngữ nầy là một sự vá víu giữa những quan điểm khác nhau. Người đầu tiên đưa từ ngữ ấy vào chánh trường đã sử dụng như một khẩu hiệu tranh cử. Đó là ông Thủ tướng Đức, Tiến sĩ Ludwig Erhard (1897-1977). Vào những năm ’50 của thế kỷ trước, ông được xem như là người cha đẻ của phép « mầu nhiệm (kinh tế) Đức », ông cũng là vị kinh tế gia lỗi lạc, giáo sư của Đại học Fribourg với lý thuyết « ordo libéralismus – trật tự của tự do kinh tế », một lý thuyết kinh tế, mô tả một nền kinh tế tuy được gọi là « tự do » nhưng được ông đóng khung trong những « luật lệ chặc chẽ ». Để tranh cử, và để chống lại những đôi thủ thuộc Đảng Xã hội đang đòi hỏi nới rộng những quyền hạn và vai trò kiểm soát của Nhà Nước ; để sửa sai và kiểm soát những kết quả của một chế độ kinh tế « Tư bản tự do» bằng những luật «công bằng xã hộỉ », ông bèn dùng một xảo thuật nghề nghiệp, lý thuyết hóa bằng ghép vào nhau những từ ngữ !Từ ngữ « xã hội » được ngay Ngài Thủ tướng, giáo sư kinh tế đại tài sử dụng để chận đứng những đòn lý luận của các đối thủ của ông. Và ông chứng minh rằng « không gì xã hội bằng kinh tế thị trường (tự do) !» và ông ráp ngay Kinh tế thị trường tự do với tĩnh từ Xã hội. Nếu thoạt đầu chỉ là một khẩu hiệu tranh cử, với tài nghệ của ông, từ ngữ nầy biến thành một ý thức hệ, một quan niệm kinh tế, một trường phái kinh tế. Với những bài nhận định, phân tích khoa học để tạo một sự tin tưởng rộng rãi trong dân chúng, và từ ngữ nầy đã biến thành một chủ thuyết kinh tế
« Không nên nói như vậy, đây là một sư nhầm lẫn khổng lồ » Tiến sĩ Friedrich Von Hayek (1899 -1992), giải Nobel kinh tế 1974, vị trưởng tràng của trường phái Áo, của những trí thức gia thuộc phái « tự do chủ nghĩa » toàn thế giới, phải thốt lên câu nói nầy, để răng dạy anh đàn em học trò Ludwig Erhard đã dám mó tay mở cái nồi « luyện linh đơn », « cái hộp của Pandore » (hộp bửu bối). Và mặc dù Ngài Tiến sĩ Thủ tướng giáo sư kinh tế cố đưa ra những bài đính chánh, những lời hối hận, mọi việc đã trễ rồi: Con tàu « Kinh tế thị trườngTự do Xã hộỉ » đã có một đời sống độc lập, trôi theo những giòng tư tưởng chánh trị như một con thuyền không bến.
Chủ thuyết nầy đã phá vỡ nền kinh tế thị trường tự do và đánh bại « nhóm tự do » ở Đức. Vậy thì :
2. Chủ thuyết Kinh tế Tự do Xã hội nói gì?
Nền Kinh tế nầy, theo lý thuyết phải là một nền kinh tế thị trường tự do, nghĩa là bị ảnh hưởng và phát triển theo nhịp của luật Cung/Cầu của thị trường. Nhưng nó phải được kiểm soát, bổ sung, sửa sai bởi Nhà Nước, để san bằng sai biệt xã hội giai cấp, tạo công bằng xã hội, tạo sự liên đới bổ sung giữa những giai cấp, thành phần xã hội.
Khi được định nghĩa như vậy, chủ thuyết nầy được nhóm « dân chủ xã hội » Âu châu, và đặc biệt Đức, làm vũ khí tuyên truyền ngay. Họ sử dụng như « con đường thứ ba », đi giữa hai làn quá khích « kinh tế thị trường tự do » và « kinh tế chỉ đạo ». Con đường kinh tế thứ ba nầy cũng được biến thành « con đường ngoại giao thứ ba » khi các nhà lãnh đạo Âu châu sử dụng nó để đứng giữa « Tư bản Tự do chủ nghĩa » Huê kỳ vả khối « Cộng đồng chủ nghĩa Đỏ » Liên Sô. Và cuối cùng, vào đầu thế kỷ thứ XXI, lại được tất cả những ai, có lý hay không có lý, sử dụng để lánh xa Huê kỳ, với W. Bush, với nhóm Tân Bảo thủ và các đồng minh, được nhận diện đó là « trường phái anglo – saxon » một cách miệt thị và đầy chủng tộc tánh. Một trường phái bị nguyền rủa, bị “tố giác, đánh giá” là một trường phái kinh tế thị trường hổn loạn, vô tồ chức, rừng rú.
Nhưng hiện nay với sự khủng hoảng của Liên Âu và đồng Euro, Trường phái nào thực sự «Xã hội »? Thị trường tự do để tạo sự giàu có và phát triển trước, và sau đó dùng, để tổ chức Xã hội? Hay Tự do và Xã hội song song với một sự phát triển đồng bộ, mặc dù có chậm hơn.
(Nước Anh phái Tự do với Tổng sản lượng/ đầu người 27 000 US$, Chỉ số phát triển 2, 8%, Chỉ số thất nghiệp 5% ; so sánh với nước Pháp, phái Tự do Xã hội : TSL/Ng 24 000 US$, Pt 1%, thất nghiệp 10%)
3. Công Bằng Xã hội là gì?
Cái khó khăn là làm sao cắt nghĩa được “công bằng xã hội”. Ai cũng mơ có công bằng xã hội, từ thuở khai thiên lập địa, nhà lãnh đạo quần chúng nào, nhà tiên tri nào cũng nói đến “công bằng xã hội”.
Ai mà không có một giấc mơ có một xã hội công bằng hơn, có một nền công lý trong sáng hơn để mỗi người đều có một chổ đứng, một địa vị xứng đáng với nhân phẩm của mình, và có cùng một cơ hội và những điều kiện chung, để hưởng mọi phát triển khoa học kỹ thuật? Nhưng đó là một khái niệm trừu tượng, khó khăn nhiều khi dẫn đến những bài giải hoàn toàn trái ngược nhau.
Thoạt tiên, quan niệm của Aristote (-384 TCN / -322 TCN) chia công lý thành hai loại: công lý chỉnh lưu và công lý phân phối (justice commutative et justice distributive). Một loại là mỗi ngưòi chỉ nhận những gì mỗi chúng ta đem lại nghĩa là “công lý được hưởng theo công đức”. Loại thứ hai “công lý được trả theo nhu cầu”, nghĩa là tùy theo mỗi hoàn cảnh, mỗi người được hưởng phần công lý đó. Ai đúng ai sai? Thế nào là công bằng? Aristote và sau đó Thomas d’Aquin (Saint) (1228 – 1274) trả lời rằng tùy trường hợp, tùy điều kiện của khế ước cá nhơn hay cộng đồng. Trong một văn kiện khế ước, không nên làm thiệt thòi lẫn nhau, mỗi việc phải được trả giá đúng mức. Nhưng trong một công đồng, cũng như trong một gia đình chúng ta cũng dễ hiểu là mỗi người chỉ nhận một phần tối thiểu đúng với phần do lượng ước cá nhơn.
Sai lầm to! Vì tất cả những nỗ lực để đem lại những chia sẻ công bằng đều vô vọng. Triết lý gia nỗi tiếng người Mỹ John Rawls (1921-2002), sau những năm nghiên cứu, đi đến kết luận: công bằng xã hội chỉ thực hiện được “khi nào người ta ban phát tối đa cho những người thiệt thòi nhứt (có ít nhứt), nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng chung ở mức độ cao nhứt cho toàn thể mọi người”. John Rawls nhận thấy rằng lấy của người nầy để chia cho kẻ khác không phải là cách làm đúng, vì không có phát triển, và sau cùng tất cả đều nghèo khó lần lượt: những ý thức hệ san bằng cách biệt trong xã hội đều bị phá sản ở mọi nơi, mọi người bình đẳng là một tư tưởng không tưởng. Chúng ta phải biết tổ chức lại cuộc phân chia, một cách khôn khéo, để sự san bằng có thể được chấp nhận ở mọi người. Nhưng đâu là mức “tối thiểu” (hay là cái “tối đa” của những người có “tối thiểu”).Không ai trả lời được, cả John Rawls, cả nhà giải thưởng Nobel kinh tế 1998 Amartya Sen (1933 – ), người đã từng bỏ công nghiên cứu, chưa ai tính được một bài giải vừa lòng cả mọi người – “kẻ nhận vẫn cảm thấy chưa đủ – kể cho thấy đã quá thừa rồi”.(Thật là tâm trạng: “cho cũng nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”)
Frederich Von Hayek đề nghị một cái nhìn khác. Có vẽ hợp tình hợp lý hơn, có vẽ “công bằng “ hơn. Ông đề nghị lựa chọn giữa “công bằng trong kết quả” hay “công bằng trong thủ tục”. Bởi làm sao đo lường được kết quả? (giữa những san bằng do trao đổi, bù trừ). Chúng ta thử nhìn vào một khía cạnh khác: thủ tục: bằng cách gì, chúng ta đánh giá? Trong phương pháp nầy, chúng ta không còn đánh giá con số người nghèo với con số người giàu để đo lường được sự bất công hay mất thăng bằng của một xã hội. Chúng ta phải đo lường bằng những thủ tục gì để nói đó là người giàu (hoặc người nghèo) ? Trong một xã hội mà một luật rừng được áp dụng, kẻ thắng là kẻ có sức mạnh, kẻ giàu là kẻ cầm quyền, tịch thu, cướp giựt, tham nhũng, xã hội đó đương nhiên là một xã hội kém công bằng. Tài sản, sự giàu có của các nhà độc tài, của một nhóm mafia, băng đảng, bạn bè, đoàn thể, đảng viên không phải là những sự giàu có trong lương thiện, trong công bằng xã hội. Vậy thì:
4. Kinh tế Thị Trường, làm giàu trong “công bằng”?
Làm kinh doanh qua kinh tế thị trường có phải là cách làm ăn lương thiện, làm giàu trong công bằng?
Có kẻ cho rằng làm ăn theo kinh tế thị trường là một cách làm ăn có tính cách bóc lột, lợi dụng. Cũng có người bảo rằng làm ăn theo kinh tế thị trường là chuyện không thể không làm được, bất khả kháng, cái đường phải đi bắt buộc.
Nhóm thứ nhứt nói rằng kinh tế thị trường do dân nhà giàu bóc lột dân nghèo để càng ngày càng giàu hơn. Liên hệ không cân bằng giữa “sức lao động” và “của cải”. Quan hệ bất công nầy do nhiều nguyên nhơn tạo thành. Đệ tử của Marx nói đấy là do của tính cách “tư hữu” của “Tiền Vốn” (Tư bản) Vì là quan niệm “đầu tiên” của đầu tư là “tiền đâu”, Tiền Vốn, hay Chủ Vốn đóng một vai trò tối ưu trong tiến trình sản xuất. Sự mầt cân bằng giữa “kẻ có vốn – có tiền bỏ vốn bỏ tiền” và những kể không có gì cả, ngoài “sức lao động”. Người bỏ vốn, chủ nhơn, với thế thượng phong của tiến bạc, bóc lột kẻ làm công trả lương không tương xứng với sức sản xuất thực sự. Sự cách biệt, gọi là lợi nhuận, chủ nhơn hưởng trọn.
Ngày nay, với một nhản quan tiên tiến hơn, vài nhà kinh tế gia đưa ra thuyết chủ nhơn tài sản là chủ nhơn của thông tin, hay chủ nhơn của sự hiểu biết. Một khế ước giữa một kẻ “biết” và một kẻ “không biết” dỉ nhiên là bất bình đẳng. Sự “bất bình đẳng” trong khế ước ấy là khỏi đầu của mọi sự bóc lột. Bất bình đằng, bất công giữa ngưòi bán “biết” và người mua “không biết”, tay thợ nhà nghề “biết” và anh tay mơ, bạn hàng “không biết”, anh chủ nhà cho thuê nhà “biết” và anh đi thuê nhà “không biết”…và dỉ nhiên đó không gì khác hơn là quan hệ bất bình đẳng giữa anh chủ nhơn “biết” và anh công nhơn” không biết” (trở lại thuyết mác –xít). Kinh doanh, thị trường là một sự “bất công” kẻ bán gạt người mua. Kinh tế thị trường là một sự lừa gạt kẻ giàu lầy của kể nghèo.
Làm gì có chuyện đó! Các đệ tử của trường phái thị trường tự do nhao nhao phản đối. Theo họ, khế ước là một trao đổi bổ sung luởng lợi. Kẻ chín phân người tám lạng. Mỗi người sẽ tìm trong đối thủ mình một đối tượng để trao đổi những dị biệt bổ sung cho nhau.Nếu ta phân tích các trao đổi tự nguyện, chúng ta sẽ thấy sự bổ sung của những dự tính rất chủ quan về quyền lợi trong sự lưạ chọn. Hãy nghĩ tới chuyện trao đổi giữa anh mù và anh què (“anh là cặp chơn của tôi và tôi là cặp mằt của anh”, và anh què được anh mù cỏng đi chơi – nhưng cỏng mệt sức hơn ngó)). Frédéric Bastiat (1801 -1850) cho rằng thị trường là nơi trao đổi mà mọi người đều có lợi. Và Tư sản không phải là nguồn của sự bóc lột mà là phương tiện giúp chúng ta để chúng ta gặt hái những thành quả có thể trao đổi với những sáng tạo của những tư sản khác. Như vậy Tư sản là công bằng, Tư sản giúp chúng ta sáng tạo, đó là một sự ích lợi. Vì sáng tạo sử dụng cho nhu cầu của kẻ khác. Ngày nay ta thường nói khế uớc là lưởng lợi, là synallagmatique, hay Win-Win.
Thị trường là một sự cưỡng bách, đầy sức sống.Thị trường buộc chúng ta mỗi người phải suy nghĩ để làm sao có những sáng tạo để phục vụ nhu cầu của kẻ khác, và cũng sẳn sàng tiếp nhận những sáng tạo của kẻ khác. Và nếu chúng ta nhận định rõ ràng rằng sự “Giàu có”, “của cải”, “tài sản” không phải là một “lô hàng hóa chất đống một cách vô hiệu lực”, mà là những “sáng tạo” để phục vụ “nhu cầu” của công đồng, thì “Thị trường” là nơi có “công bằng” xã hội.
5. Làm sao xóa đói giảm nghèo
Biết rằng thị trường là công bằng, và chúng ta đã nhận định vậy, chúng ta làm sao quên được những hệ quả của nó, chúng ta làm sao không thấy những người vì bất tài hay vì không may bị thị trường bỏ quên hay đặt bên lề của một xã hội do lợi nhuận tạo thành ? Vì vậy quan niệm kinh tế thị trường xã hội mới được nghĩ tới: quan niệm nầy đề nghị những kết quả của thi trường phải được “kiểm soát” “dung hòa” “sửa saỉ”. Dung hòa sửa sai là những quan niệm rất “kinh tế chỉ đạo”, nhưng ở đây được sử dụng để tổ chức một kinh tế, để kiểm soát một thị trường, để tránh sự bất công trên thị trường lao động. Nhà cầm quyền phài lãnh phần chỉ đạo ấy. Nhà làm luật phải tiên liệu một khuôn khổ luật lệ để tạo ra những khế ước quy định những liên hệ khế ước cộng đồng nghề nghiệp (conventions collectives) tránh những khế uớc cá nhơn (contrats individuels). Người ta vẫn ngại những sự cạnh tranh vô tổ chức. Nhà cầm quyền phải có bổn phận tạo một sự cạnh tranh công bằng. Không nên có những xí nghiệp quá lớn, độc tôn, độc quyền giữ một quyền “sanh sát” đối với thị trường lao đông. Không nên có nhửng thị trường “phá giá sức lao đông” (dumping salarial) phá giá bằng những thuế xã hội (dumping sur taxes sociales) phá giá bằng những biện pháp thuế vụ (dumping fiscal). Khu vực nào gặp khó khăn? (ở Pháp, Nông nghiệp, hay Kỷ nghệ May mặc…) chúng ta hãy giúp đở nâng đở bằng trợ cấp, bắng giúp đở, bằng tái cấu tạo (restructuration) bằng sáng kiến kỹ thuật, v..v. Tái phố trí, cân bằng, kiểm soát để điều hòa thị trường chưa đủ, nhà cầm quyển phải biết phân phối lại tài sản: bằng thuế vụ nhà cầm quyền gọt dủa bớt những tài sản lớn (Đánh thuế những nhà giàu : Impôt sur la fortune) để trợ cấp nhà nghèo.
Thế nhưng sau 50 năm, sự bất công vẫn còn và chương trình Tư bản Xã hội vẫn chưa đạt được mục đích, trái lại còn được xem thất bại. Ngày nay mẫu Tư bản tự do kiểu “Anh Mỹ” (anglo-saxon) đang được xem là thực dụng hơn. Tại sao? Có lẽ những biện pháp được các nhà cầm quyền lựa chọn để “điều hòa thị trường” không thích hợp: vì lẽ các nhà chánh trị và các chuyên gia đã chọn sai vấn đề, họ xữ dụng lý thuyết và quản lý những tài sản và vốn liếng không phải của họ (cha chung không ai khóc). Những nhà quản trị Cộng sản cũng đã sai vì lẽ ấy! Họ làm những sơ đồ, quy hoạch cho nhiều năm, kế hoạch ngũ niên, kế hoạch ba năm vân…vân…. Họ quên rằng đời sống kinh tế, chợ búa, thị trường là một quan niệm hằng ngày: chợ nhóm hằng ngày, theo dõi hằng ngày, tiên liệu.. Trong quan niệm kinh tế thị trưòng quan niệm cạnh tranh là quan niệm mở, chỉ có khách hàng là quan trọng. Luật thị trường là luật cung /cầu. Kinh tế thị trường là đấu tranh trong cái Cung.
Quan niệm phân phối tài sản do Nhà nước kiểm soát rất bị hạn chế: ngưòi có của không thụ động chờ cho Nhà nước lấy thuế mãi họ. Họ sẽ bỏ rơi Nhà nước, bằng cách hoặc hạn chế nghiệp vụ, bớt lợi tức, bớt thuế, hoặc bỏ ra đi, đầu tư ở nước khác. Ngày nay ở Pháp, lợi tức không còn là lợi tức của sản xuất (revenu d’activité) mà rất nhiều gia đình sống với lợi tức do cộng đồng giúp đở, đó là lợi tức liên đới (revenu de solidarité).
Mục đích Xã hội đã giết chết Kinh tế.
Vậy thì làm sao dung hòa được Kinh tế và Xã hội ?
6. Tiến bộ xã hôi: phát triển kinh tế và tinh thần tương ái
Và chúng ta trở lại với Ludwig Erhard, với quan niệm “Kinh tế thị trường -Tự Xã hội”. Khi một chế độ kinh tế được đặt trên nền tảng có một khế ước tự do, có một sự tự do kinh doanh và có một nền tài sản tư hữu, chế độ ấy sẽ đem lại sự tiến bộ xã hội và sự trách nhiệm liên đới xã hội.
Phân tích kỹ qua thống kê chúng ta sẽ thấy nền kinh tế tự do và sự tiến bộ xã hội được cột chặc với nhau một cách tự nhiên:
Kinh tế thị trường tự do đem lại sáng kiến, đó là điều tất yếu. Sáng kiến đem lại tiến bộ vế mặc kỹ thuật, tạo những nhu cầu mới với những phương tiện mới. Không gian kinh tế do kỹ thuật mới sẽ tạo những sự bổ sung mới. Sự cạnh tranh là một động cơ để đoạt thành tích.
Thống kê cũng đo lường được là những quốc gia nghèo thường là những quốc gia thiếu tự do, với mức tăng trưởng kém. Trong một quốc gia giàu, sự cách biệt giàu nghèo sẽ dần dần được xóa bỏ rất nhanh. Bực thang giai cấp không còn một vấn đề nữa. Mặc dù người giàu và người nghèo vẫn còn, nhưng ý niệm ấy phải được suy diễn trong phạm vi của thế giới quốc gia ấy. Làn ranh nghèo (seuil de pauvreté) ở Huê kỳ khác lằn ranh nghèo ở Bangla Desh. Chúng ta phải phân tích xem, những thế hệ nghèo có cha truyền con nối hay người giàu hôm nay là con người nghèo đời trước. Sự tiến bộ xã hội là chiếc bánh ga-tô càng ngày cảng phồng to để chia xẻ cho mọi người.
7. Tinh Thần Tương Ái còn đấy không?
Thị trường đem lại giàu có. Giàu có không ban phát đều cho mọi người. Nhưng bằng những đường giây khác nhau, bằng những phương tiện khác nhau, của cải qua ngả liên đới xã hội cũng phân phối đến tay kẻ nghéo. “Lòng từ bi”, “lòng trắc ẩn” thủ cựu của thế giới Huê kỳ qua những nhà thờ nhắc nhở chúng ta một quan niệm tư nhiên của mọi tổ chức xã hội: đó là đạo đức, đó là luân lý: kẻ dư ăn dư mặc phải biết lo cho kẻ ngèo khó. Trong một thế giới giàu có, nhiều tổ chức, nhiều hội đoàn, nhiều hội thiện nguyện lo cho những người nghèo khó. Ở Huê kỳ những hội từ thiện mọc lên như nấm. Ở Pháp cũng thế. Nhà cầm quyền có thể giúp đở bằng những biện pháp thuế khóa để khuyến khích lòng từ thiện của những người có của. Đó cũng là một cách gọt bớt sự cách biệt giàu nghèo, và cân bằng xã hội.
Thế giới Anh Mỹ, anglo-saxon, thực tiễn hơn, với văn hóa Tin Lành Giáo, cộng đồng được giải thoát rất sớm khỏi những ảnh hưởng chuyên chế, độc tài nên dễ có những tổ chức thiện nguyện lo việc xã hội. Trái lại trong các quốc gia của thế giới âu châu cũ, với những tập tục “Nhà nước chăm sóc” nhà nước lo cả, những đoàn thể thiện nguyện tự do tư nhơn không làm việc bằng những nhà thờ, vì nhà thờ cũng là một loại nhà nước.
Vì vậy quan niệm “kinh tế thị trường xã hội” mặc dù đã được sử dụng từ trên 50 năm nay ở Pháp ngày nay đã đi đến cái hạn chế của nó. Ngày mai cho Âu châu mở rộng chắc chắn một nền kinh tế kiểu “Anh Mỹ” sẽ đem ra ứng dụng. Nó thực tiển hơn. Nhưng nó cũng cần phải có một thời gian huấn luyện để quan niệm dân chủ và quan niệm trách nhiệm được học nằm lòng trong quần chúng. Các nước cựu Đông âu chắc gì hiểu biết dân chủ đúng mức và ý thức trách nhiệm rõ ràng như Anh quốc hay Huê kỳ không? Đạo đức, trách nhiệm, chia sẻ, tương ái có đủ bao bọc cho một chương trình xã hội đầy tương ái?
Bài nầy xin đóng góp một vài suy nghĩ cho những người cùng tâm tư về chánh trị- kinh tế, làm việc xã hội tương lai cho đất nước. Người Việt trong nước hay ở hải ngoại thường mơ một cái gì cho Việt Nam. Mỗi giấc mơ đều bị hạn chế, bởi thực tế.
Việt Nam có truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Làng xã từ ngàn xưa có chế độ cấp ruộng đất cho những người nghèo khó để họ tự sanh sống. Phải chăng điều nầy mang ý nghĩa như chế độ “An Sanh Xã hội” ngày nay ?
Thiết tha mong những người Việt Nam ái quốc có trách nhiệm lãnh đạo đất nước hôm nay, hay ngày mai sẽ có khả năng tìm được con đường có Tự do, Dân chủ để Phát triển Xã hội.
Hồi Nhơn Sơn, Mùa Vọng 2014
TS Phan Văn Song
Ghi Chú:
Michel Albert: Capitalisme contre Capitalisme, coll Points, ed du Seuil, Paris 1998
Michel Albert: Une nouvelle Économie sociale de Marché? Futuribles, 2003, n° 287
Friedrich A von Hayek: Droit Législation et Liberté, tome 2, Les Illusions de la justice sociale, P.U.F. Paris 1981
Michael Novak : Une Éthique économique, Les valeurs de l’économie de marché ed le Cerf La Boëtie 1987
John Rawls : Une théorie de justice coll Livre de Poche, Hachette 1997 ;
www.libres.org : Dossier : Justice sociale, université d’été 1991
www.forumslions.net L’Europe de l’esprit et du cœur (n°544), Reconstruire les solidarités (no549), Droits de propriété, devoirs de propriété (n°557)