About the author

Related Articles

2 Comments

  1. 1

    Dân trần

    Kỳ thi tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học ở Việt Nam hiện nay ; chỉ luẩn quẩn sáu môn trong các môn học được chỉ định để chọn: Văn, Toán, Ngoại Ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Sử và Địa .
    Môn căn bản nhất thuộc về con người : CÔNG DÂN ; có học nhưng không bao giờ được chỉ định để chọn thi tốt nghiệp.
    Môn học có tính hiện đại phát triển : TIN HỌC , có học nhưng cũng không được chỉ định để chọn thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học .
    Ngoài ra còn một số môn học khác trong chương trình chính thức như : Quốc Phòng, ngoại ngữ 2, thể dục..
    Học thì nhiều, thi tốt nghiệp chỉ chốt ba môn chính : Văn, Toán, Ngoại Ngữ !
    Còn : Sinh, Lý, Hóa, Sử, Địa . Thông thường trong năm môn này thì chọn 3 ; đa phần Sinh thì chắc chắn, còn chọn Lý thì bỏ Hóa, chọn Sử thì bỏ Địa . và ngược lại .
    Lại, môn rất “nguồn cội” là môn SỬ ; vài năm liên tiếp không được chọn, và sự kiện năm nay thấy được – học sinh một trường Trung Học Cấp 3 đã xé nát đề cương môn SỬ , chỉ sau khi biết kết quả các môn được chọn thi tốt nghiệp 2013 là không có môn Sử ! Một trận mưa giấy giải tỏa tâm lý – thoát nạn học và ôn thi môn Sử !!!!Mưa giấy trắng sân trường !!!

    “Tất cả vì học sinh thân yêu” !!!

    Học sinh là tương lai của đất nước mà không cần biết đến nguồn cội – Lịch sử , cũng chẳng ý thức được công dân là gì ? Thì thật xa vời với khái niệm ” quyền công dân ” !

  2. 2

    Metamorph

    Tại sao có những con người không cần nhân quyền?

    Tưởng tượng một bộ lạc người thiểu số vùng sâu vùng xa đâu đó miền ngược trên đất nước ta. Hãy gọi là làng thay vì bộ lạc cho có vẻ tôn trọng họ. Theo truyền thống, cả làng bầu ra một ông tù trưởng, thì cũng gọi là trưởng làng cho nó có vẻ lịch sự. Toàn ngôi làng cách biệt hẳn với đồng bằng nơi có vô số người Kinh, còn gọi là người Việt ở. Khác với chúng ta, họ không biết ánh sáng điện lực. Ngay cả xe đạp cũng ít người được nghe nói tới, nói chi được xem, được sờ tận mắt. Từ những mẩu chuyện kháo nhau, cái xe đạp được mô tả thành nhiều phiên bản. Kẻ thì nói xe đạp là 2 cái bánh xe, phải cần 1 người đẩy mới chạy được, người thì nói cái xe đạp giống cái kiệu rước thành hoàng, phải cần 2 người khiêng. Rốt cuộc, chẳng ai có một hình dung rõ rệt cái xe như thế nào.

    Đời sống người dân ở đây quanh năm vất vả. Họ phá rừng làm rẫy. Phụ nữ cũng địu con ra rẫy. Cho nên mới sinh ra cho đến già 50 tuổi cũng phải lao động mà vẫn không đủ ăn vì mùa màng hoàn toàn lệ thuộc vào mưa mà mưa nắng thì thất thường nào ai biết trước được. Đói khát triền miên cộng với thuốc men chả có nên chẳng ai sống quá 50 tuổi. Cả làng chỉ có vị trưởng làng là không lao động. Ông ta ở cái nhà to nhất, cũng dùng làm nơi hội họp mỗi khi có lễ hội, ma chay hay công việc cần thông báo cho mọi người biết. Ông cũng là người có nhiều trâu bò nhất vì từ lâu trong “hiến pháp” của làng, mọi vi phạm lệ làng được quy thành trâu bò gà vịt nộp cho ông. Cũng theo “hiến pháp” làng, ngôi vị trưởng làng dành cho người cao tuổi nhất và cứ thế làm trưởng làng cho đến chết.

    Người giàu có thứ hai là thày mo làm nhiệm vụ y sĩ. Con người ai chả bịnh? Ở cái nơi không có ánh sáng văn minh, dĩ nhiên thuốc men tây phương làm gì có. Mỗi khi có bịnh, dân làng chỉ vào rừng tìm những lá cây gì đó có dược tính giã nát làm thuốc. Chữa không khỏi thì phải sắm sửa trâu bò lễ vật đến gặp thày mo. Không phải tiêu cực như dưới xuôi đâu. Chuyện này cũng thường thôi. Ai bịnh mà không tốn kém? Kể ra thày mo cũng chữa được hầu như các chứng bịnh. Ai gặp thày mo cũng đều nói bịnh đã khỏi hay tệ lắm cũng bớt nhiều. Thày mo không phải bầu, cũng không được lệ làng quy định ra sao mà chỉ là nghề cha truyền con nối. Mỗi ba tháng thày lại đi vào rừng luyện thuốc. Thực ra, thày đi bộ xuyên rừng sang Lào mua thuốc phiện. Đặc tính thuốc phiện là giảm đau rất kiến hiệu. Sau một buổi cúng kiến trừ tà, thày cho bịnh nhân một viên thuốc phiện, kèm theo một lá bùa đốt thành tro uống với nước suối. Chẳng cần cúng kiến với bùa ngải, chỉ thuốc phiện không cũng đủ làm bịnh nhân tỉnh táo, mọi bịnh tình thuyên giảm ngay lập tức. Cứ như thế từ bao nhiêu trăm năm qua, bao thế hệ nối tiếp nhau, cả làng vẫn sống yên ổn và cái chế độ của làng ấy không có vấn đề gì gây bất mãn, cần phải thay đổi.

    Một hôm, làng mở một cuộc họp bất thường. Có một cái gì đó hằn lên gương mặt vị tù trưởng và ông thày mo khiến ai nấy cũng có thể đoán được sự nghiêm trọng của buổi họp. Đó là bọn người Kinh muốn phóng một con đường qua làng và mang điện lực vào làng. Sau khi loan báo tin này, vị trưởng làng cao giọng lên án âm mưu thâm độc của người Kinh. Luận điểm chính của vị trưởng làng rằng trước mắt, mở một con đưởng thì mỗi nhà phải mất ít nhiều đất, có nhà phải bị phá hủy lấy chỗ làm đường. Đất là của ông cha, tại sao bọn người Kinh lại cướp trắng? Mở đường cho xe cộ người Kinh chạy chứ cả làng lấy đâu ra xe mà chạy? Ai hưởng lợi, ai mất đất?

    Vị thày mo tiếp theo với lập luận hùng hồn hơn. Ông nói tổ tiên ta cả ngàn năm nay không cần điện, cớ sao ta phải nhường đất ông cha ta cho bọn người Kinh vì điện. Không có điện thì đã chết ai? Cả làng không ai hiểu sự thật rằng, các ông ấy sợ mất địa vị. Có điện nước, có giao thông tất có thuốc tây, thày mo thất nghiệp. Có chính quyền người Kinh, tất có bầu cử thì già yếu như lão trưởng làng chắc chẳng ai bầu. Trẻ em được đi học tất dần dà sẽ hiểu quyền lãnh đạo không phải Trời ban riêng cho ai, mà chỉ có toàn dân ban cho bằng cách đầu phiếu. Chưa ai thấy được văn minh nên không cảm thấy cần nó. Chưa ai mặc quần bao giờ nên vẫn thấy cái khố là truyền thống. Để cho xôm tụ và đẩy mạnh phong trào chống “thế lực thù nghịch”, trưởng làng và ông thày mo hoạch định một lễ hội dự thi “khố truyền thống” có 1 con trâu làm giải thưởng, có sự giúp vui của giàn chiêng cồng của làng và mời cả thanh niên thiếu nữ làng bên tham dự. Năm nay dù chưa tới mùa gặt, làng tổ chức sớm hơn một tháng và linh đình hơn mọi năm. Nếu có sự quan sát nào đó thì người ta có thể nói lễ hội không thuần túy văn hóa mà nhuốm màu sắc chính trị, vì cái không khí lễ hội hừng hực lòng căm thù bọn “thế lực thù nghịch”, bọn người Kinh âm mưu cướp đất dưới danh nghĩa mở đường, dẫn điện.

    Cách xa làng này nửa ngày đạp xe đạp, có một làng khác thuộc miền xuôi. Ngược xuôi xuôi ngược không cách xa bao nhiêu về không gian, mà chỉ cách nhau về mức độ văn minh thôi. Hễ cứ thiếu văn minh thì dù chỉ cách nửa ngày đường, thì được liệt vào miền ngược. Có một anh chàng đang ngồi đan sọt bên vệ đường làm cản trở lưu thông bị công an bắt về huyện. Thời xửa thời xưa cách bây giờ non ngàn năm, khi cả nước chuẩn bị đánh giặc Mông, cũng có 1 anh hùng đan sọt. Giời sinh cái quân xâm lăng đến hay. Chúng toàn lấy tên ở chỗ kín con người. Chẳng Háng cũng Mông. Lạ thế chứ. Thời nay, đan sọt không còn là anh hùng nhưng máu yêu nước vẫn còn. Yêu nước có lẽ cũng tốt nhưng yêu nước có đính kèm cái thất học sinh ra dễ bị lợi dụng. Thời Mao Trạch Đông bên Tàu, bọn yêu nước thiếu i ốt được dùng trong việc các đồng chí thanh toán nhau. Ngoài chuyện tàn phá đất nước, hãm hại người lành, có lẽ loại người này chẳng làm được tích sự gì cả. Ta gọi đó là hồng vệ binh. Trong cách mạng, khi các đồng chí lãnh đạo ngày càng giàu có thì hồng vệ binh lại nghèo sút móng. Chẳng ai chịu đoái hoài ban cho chúng ít tiền ăn cháo cầm hơi để phục vụ cách mạng. Nghề đan sọt thời nay cũng vậy. Thời mở cửa, biết bao ngành nghề thi nhau phất, riêng nghể đan sọt vẫn nghèo sặc máu. Vậy thì anh chàng đan sọt yêu nước thiếu i ốt này nghèo kép, double nghèo. Trên con đường bắt giải về huyện, cái bụng chửa bao giờ được no, cứ sôi ùng ục. Đói quá!

    Nhân lúc huyện thiếu một chân làm công tác dân vận miền ngược mà các đồng chí chẳng ai chịu đi, một phần vì dân trên ấy chẳng có tiền mà hối lộ, một phần dân trên ấy phản động lắm, họ đánh chết như chơi. Tóm được một tên cản trở lưu thông mắc tật yêu nước thiếu i ốt là dịp để cách mạng lợi dụng. Thế là Năm Lùn, chàng thanh niên đan sọt trở thành một đồng chí tuyên huấn mới toe, được lệnh trên công tác giáo dục làng này. Phải làm sao cho dân làng vui lòng hiến đất cho đề án phóng một con lộ qua làng. Rồi đây, làng sẽ được nâng cấp thành huyện. Có khu du lịch, có trường học, bịnh viện. Lúc ấy ai cũng giàu có, chẳng lo gì đói kém nữa. Nhận công tác, Năm Lùn chẳng được “Trên” cấp cho gì cả. Ngân sách không, ăn uống ngủ nghỉ tự túc, chỉ có một cái loa mượn của huyện và một cái xe đạp. À quên. Còn 1 cái điện thoại di động, phòng khi bọn yêu nước yêu làng đánh thì còn có chỗ cầu cứu.
    Giời sinh cái điện thoại thật thần diệu. Thoạt tiên, nó chỉ là một tiện nghi dành cho giới dư tiền dư bạc người Kinh. Dần dà nó là một thiết yếu, không có không được. Này nhé! đi trong rừng chẳng may mất phương hướng, bị lạc, đã có GPS. Nếu không dùng GPS định vị, ta có thể gọi người thân đến đón người bị lạc. Có nó trong tay, ta yên tâm hơn có công an bảo vệ vì cái điện thoại giống như nắm được luật pháp dù đơn độc một mình giữa rừng. Trộm cướp thường e dè khi thấy một người đang áp cái điện thoại vào mặt vì nó có nghĩa, nạn nhân có thể gọi công an đến ngay lập tức. Vắng cái điện thoại một ngày, không, chỉ vắng một lúc thôi, ta cảm thấy như ta yếu đuối đi nhiều lắm. Tiếng nói không còn truyền đi xa. Pháp luật cũng vắng bóng. Bạn bè hàng trăm đứa dù bình thường sát bên tai, chỉ cần ấn vài con số bỗng cách xa vời vợi. Ốm đau làm sao gọi bác sĩ? Làm sao tâm sự với người yêu. Không có nó mới biết không có là không được. Năm Lùn hiểu lờ mờ rằng trên đời có những thứ thật là cần thiết với điều kiện chỉ khi có nó, làm quen với nó, mới biết nó cần thiết, không có không được Thiếu nó cầm bằng sống đấy mà như chết. Hiểu như thế nhưng còn lơ mơ lắm vì ngoài cái TV, cái điện thoại di động, cái xe đạp hắn chẳng còn biết có cái gì thực sự cần thiết cho hắn nũa.

    Vừa mới đạp xe tới cổng làng. Gọi là cổng vì lệ thường làng nào cũng có cổng chứ thực ra làng này chỉ có 2 bụi tre 2 bên con đường mòn làm cổng. Chẳng thấy ai ra tiếp đón, chỉ có lũ trẻ suốt đời chưa thấy xe đạp chạy theo, reo hò ơi ới trong mờ ảo bụi đường. Một lũ thanh niên tay dao tay thước như đã chực sẳn, giăng hàng ngang chặn lại.

    – Ê thằng lùn. Mày đi đâu đây?

    Dựa cái xe vào bụi tre, Năm Lùn toét miệng cười. Vợ hắn vẫn khen nụ cười tươi như hoa, dễ lấy cảm tình. Giá mà chịu khó đánh răng có nhẽ còn dễ nom hơn.

    – Ấy chào bà con. Em ở dưới xuôi có chút quà biếu bà con.

    Vừa nói vừa tháo cái túi ni lông đựng mấy gói mì, mấy cái quần sà lỏn mắc trên ghi đông vì hắn cho rằng ở miền ngược quen đóng khố chắc thích quần sà lỏn. Mì gói cũng thế. Thứ này ở đây làm gì có.

    – Sư bố mày. Cút nghe chửa. Định cướp đất phỏng? Này thì cướp.

    Sau khi nghe một tiếng bốp nháng lửa vào gáy, đầu Năm Lùn cúi gục, lưng chúi xuống như dáng điệu của người muốn …xin thêm phát nữa. Tiếp theo là một trận mưa rào đấm đá, gậy gộc giáng xuống đầy chất lượng. Chỉ vài phút hắn chẳng còn biết gì nữa. Chắc là họ đánh nhiều lắm nhưng may là họ không “triển khai” dao với rựa. Đến xẩm tối, Năm Lùn tỉnh dậy. Cái loa mượn trên phường bẹp dí giờ nom giống cái niêu bị ô tô chẹt. Khắp người đau như dần. Cái bẹn ươn ướt như có máu. Khiếp thiếu gì chỗ dễ đánh mà lại đánh cả vào bẹn. Rõ là quân man rợ. Cái điện thoại đâu rồi?

    Một thanh niên yêu làng yêu nước thấy cái điện thoại chả biết là cái gì nhưng cũng mang về làm …chày đâm tiêu. Riêng cái xe đạp chúng để lại vì không biết cỡi. Nhạc rừng đêm bắt đầu trổi. Ếch nhái, tiếng cú ăn đêm, tiếng côn trùng inh ỏi. Không còn điện thoại mà đêm hôm khuya khoắt giữa rừng, không khéo chúng nó mò ra tẩn cho một mẻ nữa có mà bỏ mẹ. Năm Lùn nhăn mặt, dựng cái xe, cắm đầu đạp xuống dốc. Bụi tre cổng làng xa dần, bóng một con người lùn tịt cong lưng đạp xe trong đêm nom quái đản như hình ảnh mụ phù thủy cỡi chổi bay dưới ánh trăng halloween kinh dị. Giờ đây hắn thấu hiểu giáo dục bọn người bán khai man rợ thật là vô ích. Họ chưa thấy điện, họ không cần điện. Họ không có xe hơi, họ không cần làm đường lộ. Với con mắt hồng hoang của họ, mọi lòng tốt được nhìn thấy như là những âm mưu ăn cướp của thế lực thù nghịch.

    Hiểu! Hiểu rõ rồi. Hắn cũng hiểu thêm rằng, ở miền xuôi, nơi hắn ở, cũng còn có những con người không cần nhân quyền, kể cả hắn cũng không cần, đơn giản chỉ vì họ chưa từng hưởng nhân quyền bao giờ. Với họ, nhân quyền chỉ là vỏ bọc của những mưu đồ đen tối của thế lực thù nghịch. Giống như cái điện thoại, cái xe, cái con lộ dự phóng có dùng rồi mới biết nó cần thiết. Nhân quyền cũng vậy. Đối với người chưa từng hưởng nhân quyền bao giờ, ta thấy nó không cần thiết. Cho nên việc chính quyền đánh chết bố mẹ của ta là chuyện bình thường, có lẽ chính quyền ở đâu trên thế giới cũng đều làm thế, phản đối làm chó gì cho rách việc.

    Đã tới ngã ba Huỳnh Ngọc Sĩ. Đạp dấn một đỗi nữa đến miếu thờ ngài Sầm Đức Xương là tới trụ sở huyện. Ấy đấy, ngày nay người ta đặt tên đường tinh những tay tham nhũng, hiếp dâm trẻ con. Giờ này chắc các đồng chí vẫn còn bàn việc nước …ôm. Đã có bia ôm, cà phê ôm tất phải có làm việc nước ôm bên mâm nhậu. Năm Lùn ư ử hát:

    – Tổ quốc ơi, con đã về đây…

    Metamorph

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC

KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]

Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation].  Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo.  Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.

© 2015 VIỆT THỨC . All rights reserved.