Có phải khi người ta vẽ thật tinh vi, như thật từng sợi tóc, sợi râu, như vậy mới đúng là nghệ thuật ?
Trịnh Cung: Đúng vậy, nhưng đó là nghệ thuật rất đặc trưng của thời từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 19, tức từ Tiền Phục Hưng cho đến Tân Cổ Điển, do phần lớn các tài năng hội họa gốc Ý, Hoà Lan, Anh và Tây Ban Nha tạo ra, nó kéo dài khoảng sáu thế kỷ, trước khi Trường phái Ấn Tượng ra đời tại Paris vào đầu thế kỷ 20.
Những búc vẽ trông như thật ấy được gọi chung là tranh vẽ theo lối cổ điển, hay còn đươc coi là hội hoạ trường qui. Nó được thiết lâp một hệ thống tiêu chuẩn cho sự cân xứng, xa gần, dầy mỏng, cứng mềm, sáng tối, hoà hợp và tương phản thông qua vẽ người. Tác giả đặt nền móng cho hội họa trường qui, tác giả của tỷ lệ vàng (canon d’or) chính là Leonardo Da Vinci, người vốn là một bác sĩ giải phẫu, một khoa học gia, một kiến trúc sư và là một hoạ sĩ vĩ đại. Tất nhiên, lối vẽ này vẫn còn tiếp tục được ưa chuộng bởi những họa sĩ thuộc nhiều thế hệ sau các bậc thầy như Leonard Da Vinci, Michelangelo, Botticelli, Vermeer, Rembrandt, Goya …. Việt Nam chúng ta có Đỗ Quang Em, Trung Quốc có Yen Chi Phey, là những họa sĩ thuộc thế hệ ngày nay của Á châu đang rất thành công với lối vẽ tỉ mỉ, chau chuốt từng chi tiết của mẫu vẽ. Giá tranh của Yen Chi Phey hiện không còn dưới một triệu USD đối với nhũng bức có kích thước trên 2m vuông. Riêng Đỗ Quang Em, người họa sĩ đã được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhắc tên trong diễn văn đọc tại Hà Nội khi ông đến thăm Việt Nam lần đầu, có giá đến 5-7 chục ngàn USD vào những năm 2000.
Giotto – Lamentation of Christ (khoảng 1305 – Tiền Phục Hưng)
Botticelli – The Birth of Venus (khoảng 1485 – Đầu Phục Hưng)
Tranh Tự Họa của Đỗ Quang Em (sơn dầu trên canvas, khoảng 2007)
Trở lại hội hoạ cổ điển (trường qui, hàn lâm, hiện thực) dựa trên những nguyên tắc nào?
Môn học này, ở những trường mỹ thuật, thường chiếm nhiều giờ học nhất cho mỗi tuần lễ, thời tôi còn theo học ở trường mỹ thuật ở Huế và Sài gòn, giờ vẽ khoả thân là 16 giờ/tuần, ai có điểm thầy chấm trên 7 là thuộc loại khá và giỏi. Hồi đó, tôi được học bởi hai ông thầy giỏi về môn này, Huế có thầy Lê Yên, Sài Gòn có thầy Lê Văn Đệ. Mỗi ông mỗi tính cách, thầy Lê Yên thì nét vẽ sắc và mạnh, còn thầy Đệ thì cách vẽ luôn mềm mại, nhẹ nhàng. Từ vẽ bằng bút chì loại 6b cho đến chì than, rồi vẽ bằng mầu nước, sau chuyển qua bột mầu và cuối cùng là vẽ khoả thân bằng sơn dầu. Sở dỉ, môn vẽ này được cho là quan trọng hơn tất cả các môn học khác của các trường mỹ thuật là vì nó được coi là nền tảng, vẽ người đúng bài bản từ đường nét, hình khối, đậm nhạt, xa gần, bóng tối và ánh sáng, diễn tả thể chất và sau cùng là sự hoà hợp mầu sắc thì người họa sĩ sẽ vẽ được tất cả các sự vật trong tự nhiên. Những ai không được học đầy đủ về vẽ khoả thân như đã đề cập ở trên sẽ vẽ trật nhiều chỗ phức tạp của thân thể con người, nhất là khi người mẫu mặc áo quần. Người vẽ có chuyên môn thường vẽ người từ trong ra, người không được đào tạo thì vẽ những gì họ thấy bên ngoài, có nghĩa là những nếp áo quần trên thân thể người mẫu đều đươc cấu tạo bởi cơ bắp bên trong tuỳ theo tư thế đứng, ngồi hay nằm của người mẫu.
Trong sáu thế kỷ ngự tri thế giới mỹ thuật kể từ Thời Phục Hưng, hội họa cổ điển không phải không có sự thay đổi phong cách và chủ đề, tuy nhiên về cơ bản trong nghệ thuật tạo hình không mấy thay đổi, nếu có cũng khó nhận ra đối với người không thực sự giỏi về chuyên môn.
Tại sao vẽ tỉ mỉ, tinh vi … thời trước được cho là nghệ thuật? Và cho đến khi nào thì trào lưu nghệ thuật này hết thời huy hoàng?
Vẽ như thật, vẽ như chụp hình là một sự tuyệt vời, một thời rất dài lâu trước kia từng là một điều chỉ có thiên tài mới làm được, vì thế mà người đời xưa thán phục là vẽ như thần. Trước những hoạ sĩ Phục Hưng, hội họa đã xuất hiện bởi những hoạ sĩ vô danh lâu rồi nhưng bị coi là sơ khai, đó là nghệ thuật thời Tiền Sử. Người ta coi tranh hang động là nghệ thuật của loài người chưa văn minh, thiếu học hành, nguệch ngoạc trong lúc nhàn rỗi của những người đi săn, đi mưu sinh. Đây là một đánh giá nhầm lẫn của những nhà nghiên cứu quá thiên về chủ nghĩa hàn lâm. Không ai dám phủ nhận sự tuyệt vời của nghệ thuật hàn lâm nhưng vì sao ngày nay nó mất ngôi thống trị nền nghệ thuật thế giới? Và oái âm thay, cái mà nó bị gạt ra bên lề của nghệ thuât suốt mười thế kỷ đầu của lich sử nhân loại lại là bài học mở đường cho Nghệ Thuật Hiện Đại. Thậm chí Picasso đã có lần ca tụng tranh hang động đã làm lu mờ hội họa hiên đại!
Trở lại với hội họa cổ điển, thời hoàng kim của nó, sự ra đời của nó hoàn toàn làm cho văn hoá loài người ở Châu Âu suốt sáu thế kỷ trước thế kỷ 20 trở nên phong phú, sang trọng và văn minh bậc nhất. Không có nền mỹ thuật này ngày nay thế giới mỹ thuật trên hành tinh này sẽ ra sao? Nền mỹ thuật này không chỉ nằm gọn trong các kiệt tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ dĩ bậc thầy mà nó ảnh hưởng rộng qua các lãnh vục văn hoá khác như tôn giáo, kiến trúc, trang phục, nội thất … trong đó nhà thờ Thiên Chúa Giáo được sự đóng góp rất lớn của mỹ thuật cổ điển. Cũng có thể nhìn nhận rằng tầng lớp tăng lữ Thiên Chúa Giáo đã biết nhìn ra rất sớm sự tuyệt vời của tài năng mỹ thuật ở những nghệ sĩ cổ điển thời trước mà khai thác cho sự phụng dưỡng và quảng bá đức tin trước khi có các cuộc cách mạng chính trị dân chủ và khoa học nổ ra vào thế kỷ 19-20 kéo theo cuộc cách mạng mỹ thuật hiện đại vào đầu thế kỷ 20.
Michelangelo – “The Creation of Adam” – Tranh fresco sơn trên trần nhà Sistine Chapel (khoảng 1511-1512)
Vậy, những cuộc cách mạng ấy đã đến những điều quan trọng gì mà nền hội hoạ cổ điển huyền thoại phải thoái vị ngai vương của mình? Đó là khoa học và chủ nghĩa dân chủ cho Châu Âu.
Khi khoa học chưa tỏa sáng và nền đế chế phong kiến toàn trị dưới sự bảo trợ của giáo hội, người nghệ sĩ chỉ có hai con đường để thi thố tài năng của mình, đó là nhà thờ và cung đình. Cả hai thế giới này không chấp nhận thú nghệ thuật đơn giản, đại chúng, càng tinh xảo càng khéo tay càng phù hợp với những câu chuyện trong phúc âm, càng giống càng sang trọng càng phù hợp với vua chúa, quí tộc. Cái mỹ học thời phong kiến phương Tây là hướng về sự hoàn hảo trong tạo hình, sự cân đối trong bố cục, sự hòa hợp trong màu sắc và sự nhịp nhàng trong đường nét. Nói chung là thứ mỹ học của sự tinh xảo, linh thiêng và quí phái và cũng là thứ mỹ học loại trừ chủ nghĩa cá nhân, phi cá tính và phi cả khoa học.
Marie-Guillemine Benoist – Portrait of a Negress (1799-1800) (Tân Cổ Điển)
Với khoa học khám phá ra hệ thống màu trong ánh sáng và cả trong bóng râm, quang học đã mở ra cho giới hoạ sĩ một kiến thức về màu sắc trên sự vật phong phú như thế nào và sự khéo tay không còn là yếu tố duy nhất để hiên thực cái cần vẽ như thời máy ảnh của anh em nhà Lumière phát minh ra máy ảnh. Thậm chí ngày nay, nhiều hoạ sĩ không phải mất công ngồi tỉa tót từng bàn tay, cánh hoa … mà họ có quyền dùng máy chụp hình làm thay họ việc tẩn mẩn như các họa sĩ thời cổ điển. Bù lại, họ rảnh tay để dồn cho tư duy sáng tạo. Dường như sự sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình cũng được đặt lên hàng đầu kể từ khi người nghệ sĩ được giải phóng khỏi những qui ước hàn lâm và làm chủ cảm xúc nghệ thuật của riêng mình nhờ vào những cuộc cách mạng như đã nêu ở trên.
Cali, tháng 9, 2015
Trịnh Cung