Có người cho rằng vì vẽ cổ điển khó quá nên nhiều người không theo nổi, họ đã chọn cách dễ hơn là nhảy qua hiện đại, không cần học hành cẩn thận, vẽ sao cũng được, càng quái càng được cho là sáng tạo, siêu?
Trịnh Cung: Cách nay, nhiều năm, ở Việt Nam, tôi đã từng nghe tận tai một câu nói tương tự như thế, không phải từ một người ngoài mà từ một hoạ sĩ có tiếng. Thật ra, ở một góc nhìn nào đó, trong một thực tế nào đó, câu nói trên không hề sai. Ngay cả ngày nay, thời của văn minh số, thời của Nghệ Thuật Đa Phương Tiện (Multi-Media Art), photoshop và các công cụ kỹ thuật số đã làm đảo lộn các hệ thống mỹ thuật từ cổ điển đến hiên đại, tuy nhiên, trong dòng chảy “thác loạn” của Nghệ Thuật Đa Phương Tiện hay còn có một tên gọi chung là Nghệ Thuật Đương Đại (Contemporary Art) này đã không hề có ít những art work mà nhiều người quan tâm đã thốt lên: “Đó là nghệ thuật đấy ư?”(Tôi sẽ đề cập nhiều hơn vấn đề này vào dịp khác). Tôi có thể xác quyết một điều là không có một thể loại nghệ thuật nào để biết tới nơi tới chốn mà không học hành tử tế cả.
Cũng phải công bằng nhìn nhân rằng, từ khi nghệ thuật hiện đại ra đời vào đầu thế kỷ 20, đã giải phóng người nghệ sĩ ra khỏi những luật lệ tạo hình nghiêm khắc của hội hoạ cổ điển và nhà nghệ sĩ sống và vẽ không phải chỉ đắm mình trong đức tin và dâng hiến nghệ thuật cho tầng lớp vua chúa, tăng lữ và quí tộc vốn làm hạn chế cá tính và tư duy sáng tạo của riêng mỗi nghệ sĩ. Chính trị nào thì sẽ sản sinh ra nghệ thuật ấy, do đó, hội họa cổ điển của các thế kỷ từ 14 đến 19 phần lớn bị phủ bóng của nền chính trị phong kiến-Thiên Chúa giáo, trái lại, nghệ thuật hiện đại là sản phẩm của nền chính trị-dân chủ-tự do được khai sinh từ sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789.
Edouard Manet – Le déjeuner sur l’herbe (Bữa Trưa Trên Cỏ)– 1863 – đánh dấu sự chuyển tiếp từ cổ điển đến hiện đại. Sau khi Salon de Paris từ chối không nhận tranh, Manet hiên ngang triển lãm bức tranh này ở Phòng Triển Lãm Những Bức Tranh Bị Loại Trừ.
(Salon des Réfusés)
Tất nhiên, vì thấy con đường nghệ thuật này thênh thang, ít có bảng cấm, nên đã có những phát sinh hỗn tạp hoặc quá bất ngờ và xa lạ với quán tính cái đẹp cổ điển vốn đã đươc thiết lập từ lâu trong đầu của những người yêu tranh nên đã từng xảy ra những cuộc phỉ báng tranh được vẽ theo các trường phái mới như Ấn Tượng,
Claude Monet – Nymphéas (Hoa súng) – 1907 – Trường phái Ấn Tượng (Impressionism)
Biểu Hiện,
Edvard Munch – The Scream (Tiếng Hét) – 1893 – Trường phái Biểu Hiện (Expressionism)
Hồn Nhiên,
Henri Rousseau – The Snake Charmer (Người Ru Rắn) – 1907 – Trường phái Hồn Nhiên (Naif)
và nhất là Lập Thể,
Pablo Picasso – Les Desmoiselles d’Avignon – 1907 – Trường phái Lập Thể (Cubism)
và tất nhiên đã có sự quay lưng lại một thời gian nhất định với cái Đẹp mới, phi hàn lâm và nhiều phần tỏ ra quá táo bạo.
Toulouse Lautrec và một người mẫu khỏa thân – 1902
Mỹ thuật đúng nghĩa, dù nền văn minh có thay đổi theo từng thế kỷ. thời nào cũng phải được quyết định bởi những nghệ sĩ có tài, có nghĩa là họ vừa giỏi về kỹ năng và có một tư duy sáng tạo nghệ thuật đặc sắc. Không phải ai vẽ theo phương pháp cổ điển đều hay, đều được ghi tên, vẽ hiện đại hay làm nghệ thuật đương đại cũng vậy, chỗ chiếu trên không có phần cho hoạ sĩ thường thường bậc trung. Nói chung, không có thứ nghệ thuật dễ và khó, chỉ có tác phẩm Đẹp và Độc Đáo là ở lại lâu dài, cũ hay mới là do sự phát triển của mỗi thời đại, theo hay không là tuỳ theo sở thích và khả năng cũng như ý thức của mỗi con người. Chính trị tuy có chi phối mạnh mẽ lên việc thực hiện tác phẩm, nhưng dấu ấn của tài năng và tâm hồn người vẽ vẫn để lại rõ ràng trên bề mặt tác phẩm của họ. Ngay cả chính trị cộng sản với chủ trương nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, huỷ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chống tình cảm riêng tư, tất cả vì Đảng mà phục vụ cũng không xoá được hết dấu vết cá nhân và tâm hồn của những tài năng lớn như trường hợp Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm của Việt Nam Cộng Sản thời trước 1975.
Lẽ thường, thời đại sau mới hơn thời đại trước, mỗi thời đại có tiếng nói riêng, có cách suy nghĩ riêng về nghệ thuật, theo lối này hay lối khác là quyền của mỗi nghệ sĩ, tuy vậy, trào lưu nào đang cuộn chảy thường không chấp nhận những thứ khác nó. Và thế hệ nghệ sĩ lớp trước không nên dành quyền phát ngôn nghệ thuật cho thế hệ trẻ kế cận vì thiếu tính thời đại mới mà lớp trước không có. Những kiệt tác cổ điển thuộc về những bảo vật của quá khứ, là tiền đề cho những tác phẩm mới ra đời, chiếc thang của nghệ thuật nhân loại không chỉ có vài nấc mà nó ngày càng có thêm nhưng nấc mới, cao hơn và thêm mãi.
Đó là sự tuyệt vời, nếu không thì chúng ta, ngày hôm nay, và các thế hệ sau, chẳng có được một kho tàng nghệ thuật lộng lẫy và luôn luôn phong phú kiểu cách. Chúng ta phải biết chấp nhận qui luật thay đổi này, mở rộng tâm hồn để đón nhận cái mới để tiến bộ, để cảm thông ý nghĩ của thế hệ trẻ đang thay thế vai trò làm mới cuộc sống.
Vậy, việc học hành để trở thành một nghệ sĩ hiện đại ra sao?
Đã nói ở trên, nghệ thuật hiện đại là nghệ thuật của tự do, nó mang tính nghệ sĩ cá nhân và mở đường cho nên đa phần những hoạ sĩ làm rạng danh cho nghệ thuật hiện đại là đa phần do những người tự học hoặc chỉ theo đuổi phương pháp nghệ thuật tạo hình có tính cơ bản ở Trường Mỹ Thuật một thời gian ngắn rồi bỏ đã làm nên và phần còn lại rất ít là có theo học đầy đủ ở trường mỹ thuật nhưng sau đó đã thay đổi, theo chủ nghĩa hiện đại hoàn toàn. Người ta có thể kể ra hàng loạt những tên tuổi lớn như Henri Rousseau, Matisse, Picasso, Van Gogh, Gauguin, Vlaminck, Van Dongen, Miró, Malevich. Kandinsky, Paul Klee … đã thành danh bằng con đường tự học. Cũng tương tự, Viêt Nam có Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Văn Đen, Cù Nguyễn, Ngy Cao Uyên, Âu Như Thuy, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề .…Tự học là một thuật ngữ dành để chỉ cho những nghệ sĩ không được nhà trường đào tạo từ a đến z. Họ tự tìm tòi những cái, những thứ thích hợp với ý tưởng nghệ thuật của họ mà nhà trường không thể có hoặc không chấp nhận. Họ học hỏi từ những tác phẩm của những họa sĩ mà họ cho là tiền phong (avant-garde) họ tham gia vào những salon nghệ thuật để được chia sẻ về quan niệm sáng tác và kinh nghiệm thực hành.
Maurice Denis Rend Hommage à Cézanne (Maurice Denis tôn vinh nghệ thuật của Cézanne) – 1900
Chính trong quá trình thực hành, trải nghiệm, cái mới tình cờ xuất hiện và lúc ấy, cái khoảnh khắc vàng này, sự thông minh trời cho riêng người nghệ sĩ đã nắm bắt ngay và sau đó biến nó thành đường kiếm độc đáo không ai có. Do đó, một điều có tính khám phá ra nhừng kỹ thuật vẽ mới là phải “vọc sơn” thật nhiều, đừng sợ tốn sơn (màu dầu), chưa thấy vừa ý thì cạo bỏ hoặc đắp lên màu cũ một lớp mầu khác … cái mới nhiều khi ra đời bởi những hazard (ngẫu nhiên). Thật ra, hazard là một ngôn ngữ bí ẩn của thi ca, âm nhạc và hội họa của thời hiện đại. Thậm chí nó giữ vai trò bản sắc nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ. Đọc được ngôn ngữ của hazard là một điều khó khăn, không phải ai cũng làm được. Người có tài sẽ nhận ra cái giá trị đặc biệt ấy mà không có sách vở nào, bậc thầy nào dạy được. Trong chuyên môn người ta gọi đó là rechercher ( tìm tòi).
Chúng ta hãy làm một khảo sát giữa tác phẩm La Baigneuse của Renoir, một trong những họa sĩ hàng đầu của trường phái Ấn Tượng thời kỳ đầu
Pierre-Auguste Renoir – La Baigneuse se coiffant (Người Đàn Bà Tắm Đang Búi Tóc) – khoảng 1885 – nét vẽ mịn
với một tác phẩm vẽ theo cách chấm chấm (pointilism) của Seurat trong bức Les Poseurs
Georges Seurat – Les Poseurs (Các Người Mẫu) – 1887-1888
hoặc với bức tự họa của Van Gogh với bút pháp nhấn mạnh từng đường cọ ngắn (touche) khắp mặt tranh,
Vincent Van Gogh – Self Portrait (Chân dung Tự Họa) – 1887 – Trường Phái Hậu Ấn Tượng (Post-Impressionism)
phải chăng là do sự phát hiện kỹ thuật vẽ rất riêng từ những hazardmà họ bắt gặp trong quá trình thực hành? Dã Thú, Biểu Hiện, Lập Thể hay Trừu Tượng cũng có sự góp phần của hazard rất đáng kể. (Trong một dịp khác tôi sẽ trở lại kỹ hơn về hazard trong vai trò làm thay đổi kỹ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình từ hiện đại đến đương đại.)
Mặt khác, chính từ những khám phá như thế mà các trường phái nghệ thuật hiện đại đã liên tục ra đời từ đầu thế kỷ 20 cho đến cuối.
Salvador Dalí – Premonition de la Guerre Civile – (Linh Tính về Cuộc Nội Chiến) – 1936 – Trường phái Siêu Thực (Surrealism)
Và cũng chính những cái mới ấy đã trở thành tiền đề cho những đổi mới trong đào tạo ở các trường mỹ thuật Pháp vào thập niên 90 của thế kỷ 20, vai trò của các môn học cơ bản của trường mỹ thuật dần dần bị lu mờ và các xưởng vẽ của các bậc -thầy -mới trở nên quan trọng hơn vì ở đó những học trò được hướng dẫn những gì họ cần và loại bỏ đi những bài học không còn hợp thời, vì ở đó là nơi làm cho tư duy nghệ thuật phát triển để họ làm nhà nghệ sĩ có cá tính, các qui trình học và thi cử của mỹ thuật trường qui là những gì rất không phù hợp với bản chất nghệ sĩ thời hiện đại. Điều này, những năm cuối thế kỷ 20, đã làm cho các trường mỹ thuật ở Pháp đã phải điều chỉnh phương pháp dạy học và cả hệ thống đào tạo. Tác giả đã quan sát sự kiện thay đổi này khi có mặt ở Paris năm 1994, môn cơ bản học về Academy ( môn vẽ khỏa thân) và các môn học về màu sắc, phối cảnh, lịch sử mỹ thuật … đã chuyển về trường trung học để dạy cho các học sinh ban tú tài mỹ thuật để khi các em vào Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris thì học ngay vào sáng tác, tức là họ khởi đầu vai trò nhà nghệ sĩ từ đây. Hình như ở Hoa Kỳ chưa áp dụng sự thay đổi như thế vì năm 2000 tôi được Trường Herron School of Fine Art (thuộc Trường Đại Học Indiana) mời thỉnh giảng 3 tháng về kỹ thuật mới vẽ sơn dầu cho năm thứ tư thì được Nhật Hoàng, cô giáo gốc Việt, mời đến dự lớp năm thứ nhất đang có buổi học vẽ người như ở trường mỹ thuật trong nước. Hình như ở Hoa kỳ, chưa có ban mỹ thuật ở bậc trung học như ở Pháp.
Một nhận xét có tính kết luận cho phần 2 của đề tài Những Câu Hỏi về Mỹ Thuật là:
1. Họa sĩ hiện đại không lệ thuộc vào một quyền lực cai trị nào.
2. Họa sĩ hiên đại làm mới kỹ thuật thực hiện tác phẩm dựa trên sự phát triển khoa học.
3. Họa sĩ hiện đại vẽ bằng cái đầu nhiều hơn là sự khéo tay.
4. Họa sĩ hiện đại luôn muốn có cách vẽ khác để tìm cho mình một cá tính nghệ thuật
5. Họa sĩ hiên đại là họa sĩ của sáng tạo.
Bolsa, tháng 10-2015
Trịnh Cung