Mặt trời mùa đông như con mắt của người ngái ngủ, chỉ lim dim chứ không mở hẳn bao giờ, rồi lại bị những đám mây màu xám bạc che khuất triền miên. Làn gió thổi nhẹ, làm rung rinh những nụ hồng và thược dược, lang thang quét qua mấy luống rau màu xanh thẫm trong khu vườn. Ngoài đường, mọi người tất bật đi lại sắm tết hoặc vì một công việc xã giao nào đó. Thời tiết tuy khô hanh, nhưng cái rét ngọt như cắt thịt da, khiến cho người ta phải diện nguyên bộ đồ ấm, trong khi vẫn bận bịu với bao nhiêu là công việc cuối năm.
Trong sân nhà mình, cụ Tứ đang chăm chú cắt tỉa cành đào được cắm ngay ngắn trong cái lục bình lớn. Mái đầu bạc của cụ ngó nghiêng, mắt thì nheo nheo ngắm nghía, cái kéo trong tay đưa lên đưa xuống nhịp nhàng. Cành đào cao hơn đầu người, giờ đây trở nên đầy sức sống, lá hoa rực rỡ. Rồi vì thích thú với tác phẩm nghệ thuật của mình, cụ tấm tắc nghĩ bụng: “Đất trời muôn hoa đua nở, vậy mà tự bao giờ hoa Đào đã trở thành biểu tượng của mùa xuân nhỉ? Lại còn được dân gian đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà, để mà điểm tô cho không khí ngày tết. Nhưng hoa Đào cũng xứng với vị thế đứng đầu muôn hoa, với sự yêu mến của con người lắm chứ! Cái giống đào phai này, cành lá gân guốc, gần gũi với tự nhiên. Kể cũng đẹp thật!”. Năm nay cụ mua được cành đào có nhiều búp và lộc, vì vậy mà có thể chơi đến tận rằm tháng giêng. Trước đó, cụ đã kỳ công gọt bỏ phần cuống vỏ, rồi hơ lửa cho sém, như vậy sẽ để được lâu và cho ra nhiều hoa trong dịp tết.
Như chợt nhớ ra điều gì hệ trọng, cụ bước vội lên thềm mà nhìn vào cái đồng hồ quả lắc cổ treo trong nhà. Đã gần hai giờ chiều.
Cụ Tứ sốt sắng hỏi lớn:
– Nhân ơi! Đã chuẩn bị lạt buộc và găm bánh cho bố chưa?
– Rồi bố ạ! Con để ở góc thềm, chỗ khóm hoa hồng ấy! – Tiếng anh con trai từ ngoài vườn rau vọng vào.
Căn bếp nhà cụ Tứ khá rộng rãi, lúc này bề bộn rau quả ngày tết, cùng những thịt, những vại dưa cải, dưa hành. Cô con dâu đang lom khom, bận bịu chuẩn bị gạo nếp và nhân bánh. Bàn tay đảm đang thoăn thoắt, trán cô lấm tấm mồ hôi, hai gò má thì đỏ ửng lên vì công việc. Những hạt nếp mẩy, trắng muốt đã được đãi sạch, đựng trong cái rá. Đây là loại nếp thơm và ngon nhất, gia đình đã kỳ công để dành từ trong năm để gói bánh tết. Chỗ đậu xanh sau khi bỏ vỏ trở nên vàng óng, loang loáng những nước còn chưa ráo. Cạnh đó là một cái tô lớn, đựng đầy thịt lợn thái lát, trộn lẫn hạt tiêu, hành củ và gia vị thơm lừng. Nghe tiếng nhắc nhở của bố, cô biết đã đến giờ gói bánh. Với cụ Tứ, chuyện gì cũng nhất nhất phải tuân theo quy củ nghiêm ngặt. Trong nhà từ cụ bà, cho đến vợ chồng cô, ai cũng chiều ý để cụ vui lòng.
Xong xuôi, cô bê rổ nếp có để sẵn cái bát con và tất cả những thứ đã chuẩn bị lên nhà trên cho bố.
Cụ Tứ đã trãi chiếu hoa ra trước thềm, đặt lên đó cái mâm đồng sạch bóng. Rội cụ lại đi lấy lá dong, khuôn gói bánh và cái kéo để cắt lá. Những công việc đó được thực hiện một cách từ tốn như quen thuộc từ lâu, nay trở thành phản xạ tự nhiên. Khi mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, cụ vào thắp lên bàn thờ cây hương trầm, để vừa ngồi gói bánh vừa thưởng thức cái hương vị đầm ấm của ngày tết. Bao giờ cụ cũng có thói quen đó, như là một nghi thức bắt buộc đối với bản thân.
Bấy giờ cụ điềm tĩnh ngồi xếp bằng xuống chiếu, cẩn thận cầm lấy cây kéo để cắt lá dong cho vừa khuôn. Bánh chưng được gói trước, vì cụ bà đã dặn kỹ cần bao nhiêu cặp dọn cúng, bao nhiêu cặp để thờ. Khi đã gói đủ số cặp bánh chưng, mới bắt đầu quay sang gói bánh tét. Đầu tiên cụ gói ba cặp bánh chưng lớn, một cặp để thờ, hai cặp khác mang đi cúng tết. Cứ được cặp nào, cụ lại để úp vào nhau, dùng lạt buộc chéo chữ thập, rồi để riêng ra một góc chiếu. Những cặp bánh chưng thật đẹp, trông cứ vuông chằn chặn như cho vào khuôn đúc vậy.
Đứa cháu đích tôn chừng năm tuổi, mon men đến ngồi bên ông, trên tay còn cầm mấy chiếc kẹo cốm mẹ vừa cho. Nó kéo lấy áo ông, vòi vĩnh:
– Ông ơi! Tẹo nữa ông gói cho cháu chiếc bánh tét đầu đày nhé!
Dù rất cưng chiều cháu, nhưng cụ vẫn cố tình trêu:
– Ừ! Để xem đã, còn thừa nếp thì ông sẽ gói cho!..
Đứa bé lắc đầu quầy quậy:
– Không! Ông phải gói cho cháu cơ!
– Được rồi! Để ông sẽ gói cho! – Cụ hứa rồi xoa đầu nó âu yếm.
Đứa bé bấy giờ mới chịu ngoan ngoãn ngồi yên, mở to đôi mắt tròn xoe mà xem ông gói bánh.
Cụ Tứ là người gói bánh khéo tay có tiếng nhất trong làng. Bánh chưng do cụ gói vuông vức, lại chặt cứng, cầm lên cứ là nặng chình chịch. Người ta tranh nhau nhờ cụ gói, những mong có được cặp bánh đẹp để thờ và dọn mời khách. Ngày tết ai cũng bận rộn, ngay đến việc nhà làm còn không xuể nữa là, nhưng vì nể nang, cụ cũng nhận gói cho vài ba nhà. Được cụ nhận lời, họ lấy làm hãnh diện lắm, cho nên ai cũng đón tiếp chu đáo cả. Về phần mình, khi mang cái niềm vui đến cho nhà người ta như vậy, cụ cũng thấy ấm áp trong lòng.
Đối với một người cẩn thận như cụ Tứ, cái việc gói bánh cũng đòi hỏi nhiều kỳ công lắm. Lá Dong mua về được cụ rửa sạch, để cho ráo nước rồi buộc chặt quanh cột nhà. Làm như vậy, để đến lúc gói lá dẻo mà không bị rách, lại không quăn mép nữa. Thứ lạt để buộc bánh cũng phải tước thật mỏng, làm sao khi giơ lên có thể nhìn suốt từ bên này sang bên kia. Lạt được chẻ trước lúc gói mấy hôm, để khô và có độ dẻo nhất định.
Bấy giờ trong vùng, người học chữ nho còn lại rất hiếm. Hồi trước, cụ Tứ là học trò của cụ đồ Mai nổi tiếng hay chữ. Vì vậy mà hằng năm, cụ đều tự tay viết câu đối tết treo trong nhà, để lưu giữ cái thú chơi tao nhã của bậc nho sĩ xưa. Nét chữ đậm nhạt, bay bổng như nhảy múa, khiến cho ai cũng phải tấm tắc khen ngợi. Người ta kính cẩn và nể nang, xem cụ như là báu vật lưu giữ giá trị văn hóa cha ông tự ngàn xưa.
Lúc này, cụ Tứ vừa gói bánh vừa đang suy nghĩ cho tứ thơ xuân sắp tới, từng vần điệu cứ nảy lên nhịp nhàng trong đầu. Chợt có tiếng chó sủa, ngoài cổng có một đứa bé đang đi vào. Chú chó xộc ra đánh hơi vị khách mấy cái, khi nghe tiếng chủ mắng thì vội quỵt đuôi mà lảng ra chỗ khác.
Đứa bé xúng xính trong bộ quần áo mới, khép nép đứng trước mặt cụ Tứ, rụt rè:
– Ông ơi! Bố cháu nói… lát nữa mời ông đến gói bánh, để bố kịp nấu tối nay ạ!
Nhận ra nó là con chú Xuân trong họ, cụ mỉm cười, tay vẫn không ngừng tra nhân vào bánh:
– Cứ về nói với bố chuẩn bị mọi thứ đầy đủ, gói xong ở nhà là ông sang liền nhé!
Đứa bé nhanh nhảu “dạ” một tiếng, rồi chạy vụt ra ngõ.
Chỗ nếp cuối vừa đủ để cụ Tứ gói cho đứa cháu cái bánh tét đầu đày, cứ như đã được lường từ trước rồi vậy. Những cặp bánh chưng lúc này được sắp thẳng hàng dưới chiếu vuông vức, mấy chiếc bánh tét thì tròn trùng trục đều nhau như những chú lợn con ú sữa, nom đến là thích mắt.
Nhận chiếc bánh nhỏ có buộc sợi dây lạt từ tay ông, đứa bé mừng quá, nó liền đeo toòng teng lên cổ, rồi nhảy lò cò khoe khắp nhà:
– Ê!.. Ê!.. Bánh đây! Bánh tét đây!…
Nét mặt nghiêm nghị, cụ Tứ gọi anh con trai đến dặn:
– Bây giờ anh ra bắc bếp, chuẩn bị củi để bố về nấu! Nhớ là cho bánh tét xuống dưới nồi, bánh chưng lên trên nhé!
Nói rồi cụ cầm theo mớ dây lạt còn thừa, vội vàng bước đi, đến nổi không kịp vào nhà ngồi nghỉ ngơi và uống hớp nước.
Bữa cơm chiều hôm ấy, ngồi trên chiếc ghế bọc nỉ ở vị trí trung tâm dành cho chủ nhà, cụ Tứ cất giọng sang sảng:
– Sáng mai anh Nhân mang cặp bánh chưng lớn đến nhà bác Thạnh, cặp nữa thì chỗ cậu Phương để cúng ông bà và cụ ngoại!
Rồi cụ khoát tay nhìn con, như sợ nó quên mất:
– Còn nữa! Nhân tiện, anh xem cây bưởi nhà cậu Phương năm nay có sai quả không, nếu có thì trẩy vài trái về để làm mâm ngũ quả nhé!
Việc đó đã thành lệ, năm nào cụ cũng cho mang hai cặp bánh chưng to và đẹp nhất để đến cúng ông bà ngoại cùng cố ngoại ở hai nơi.
Những bữa cơm cuối năm thường diễn ra trong không khí khẩn trương, chóng vánh. Người ta ăn vội vàng, vì bao nhiêu là công việc dở dang đang chờ đợi. Cụ Tứ chỉ dùng qua loa vài lưng cơm với món súp, rồi vẫy tay ra hiệu cho anh con trai theo mình đi xuống bếp.
Nồi bánh lúc này đã được bắc lên kiềng, lừng lững choán cả một góc bếp. Nhân lấy cái xô nhôm múc nước, rồi khệ nệ nâng lên đổ vào nồi bánh. Cụ Tứ chắp tay đứng bên để xem xét mực nước. Khi nước đã xăm xắp chỗ bánh trên cùng, Nhân nhón chân, nhẹ tay rót nhắp từng chút một. Cụ Tứ mắt vẫn không ngừng quan sát, luôn miệng nhắc: “Thêm tí nữa! Tí nữa!…”. Khi thấy lượng nước vừa đủ, cụ giơ ngón tay lên cao ra hiệu “Được!” – Giọng cụ vang vang, nghiêm khắc như người chỉ huy pháo binh. Anh con trai lập tức ngừng rót nước, rồi mang cái xô lầm lũi đi ra ngoài.
Trời vừa nhá nhem tối, cụ Tứ bắt đầu cho củi vào bếp và châm lửa. Ngọn lửa bùng lên sáng bừng cả căn bếp, reo tí tách nghe vui tai. Cụ lại rắc thêm ít trấu để lửa bén nhanh hơn. Những thanh củi to đã bắt đầu cháy đượm, cứ duy trì mức lửa như vậy, bánh mới nhừ và ngon. Chốc chốc, cụ lại cầm cái ống tre mà thổi phù phù, khiến cho tàn lửa bắn lên đỏ rực như pháo hoa.
Trên chiếc bàn chỗ góc bếp, cụ bà đã chu đáo chuẩn bị sẵn ấm chè xanh ủ nóng, cạnh đó là điếu thuốc lào để ông thức canh nồi bánh. Cụ Tứ hài lòng mang những thứ đó để xuống cạnh bếp, để vừa đun lửa vừa uống nước, hút thuốc cho tiện.
Chừng vài tiếng sau, nồi bánh bắt đầu sôi sùng sục. Mùi thơm của nhân bánh, hòa quyện với mùi nếp và lá dong bốc lên ngào ngạt. Cụ Tứ cho thêm củi vào bếp, đỏ lửa thêm một lúc nữa, rồi lại bắt đầu cho nhỏ dần.
Đứa cháu đích tôn bổng đâu chạy xuống, sà vào lòng nội quấn quýt, đòi được thức nấu bánh cùng ông. Ngọn lửa bập bùng, khiến cho cái bóng của hai ông cháu in trên bức tường đối diện cứ nhảy nhót như trong cuốn phim hoạt hình dành cho trẻ thơ. Chẳng lần nào đến chơi với ông mà nó lại không ra một điều kiện náo đó, thực là đứa bé hóm hỉnh và thông minh. Hiểu tâm lý của cháu, cụ Tứ chỉ im lặng nhìn vào ngọn lửa, để dò xét thái độ nó thế nào. Quả vậy, sau khi dụi dụi cái đầu có những lọn tóc phất phơ vào người ông, nó bắt đầu ngước mắt lên, khẩn khoản:
– Ông kể “Sự tích bánh chưng bánh dày” đi ông!…
Nét mặt cụ Tứ dãn ra, nở nụ cười độ lượng:
– Ừ! Ông kể! Cháu ngồi ngoan nào!
Khuôn mặt mịn màng non tơ của đứa bé lúc này đỏ hồng lên vì hơi ấm của ngọn lửa. Nó ngoan ngoãn ngồi lại ngay ngắn trên chiếc ghế con, đôi mắt tròn xoe chăm chú nhìn ông, chờ đợi.
Đưa tay đẩy mấy cây củi vào trong lò, cụ bắt đầu kể chậm rãi: “Ngày xưa, vào đời Vua Hùng thứ sáu…”
Giọng cụ nhẹ nhàng, như ru cháu vào giấc ngủ: “Một hôm, hoàng tử Lang Liêu nằm mơ thấy có vị thần hiện lên nói: – Này con! Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn tượng trưng cho trời, hình vuông tượng trưng cho đất…”.
Bị câu chuyện cuốn hút, đứa bé níu lấy áo ông, líu lo:
– Lớn lên, cháu cũng sẽ gói bánh chưng như Lang Liêu ấy!…
Cụ ôm nó vào lòng, âu yếm:
– Ừa! Cháu của ông ngoan và giỏi lắm!.
Đêm đã về khuya, ngoài trời bắt đầu mưa phùn và lạnh, nhưng bên ngọn lửa hồng của căn bếp, không gian ấm áp tình người. Đứa cháu cụ Tứ lúc này đã ngủ ngật ngưỡng, cái đầu nó nghiêng hẳn vào người ông.
Cụ lấy tay đỡ cháu, rồi gọi với lên nhà trên:
– Bố nó ơi! Xuống cho cháu đi ngủ này!
Nghe tiếng bố gọi, Nhân khoác cái áo ấm tùm hum đi xuống bếp. Trước khi bế con lên nhà, anh ngoái đầu lại nhắc bố:
– Khi nào bánh chín thì bố đi nghỉ sớm, để mai còn cúng tất niên. đừng thức khuya ảnh hướng sức khỏe bố nhé!
Ông gạt đi:
– Cứ lên nhà đi! Bố biết rồi!…
Một mình bên nồi bánh chưng xanh, dòng suy tưởng khiến cụ nhớ đến tổ tiên, cha mẹ, một lúc lại miên man nghĩ về phong tục gói bánh ngày tết của dân tộc Việt Nam ta. Bốn bề, không gian tĩnh mịch như ru. Vốn có kinh nghiệm nấu bánh lâu năm, cụ chỉ cần lắng nghe tiếng nước sôi cũng đủ biết khi nào thì bánh chín. Lúc này cụ rút mấy thanh củi ra, dụi tắt lửa và vùi vào đống tro. Như vậy có nghĩa là bánh đã chín. Mấy phút sau bánh được vớt ra, tất cả đều được để lên cái chõng tre cho ráo nước.
Xong việc, cụ Tứ đóng cánh cửa nhà bếp, rồi bước ra sân để lên nhà trên đi nghỉ. Đêm cuối năm tối bưng, như có ai lấy hai tay mà bịt mắt người ta vậy. Tối nay đã là hai chín tết, ngày mai giao thừa rồi. Đâu đó tiếng pháo đì đùng vọng lại, vài cây pháo thăng thiên kêu rin rít rồi bay vụt lên trời, để lại những vệt sáng rực rỡ giữa màn đêm.
Minh Văn
10/02/2016