Nếu chỉ có một năm để sống” bạn sẽ làm gì? Câu hỏi này có thể là đề tài một cuốn phim hồi hộp, một tiểu thuyết hấp dẫn hay một tác phẩm văn học phân tâm. Nhất Linh ở trong trường hợp thứ ba: Bướm Trắng[1] là một “ăng-kết” của Trương về bản ngã mình. Trương bị lao, bác sĩ cho biết chàng chỉ có thể sống được một năm nữa là cùng. Nhất Linh tạo ra chiếc máy đặt trong óc Trương để ghi toàn bộ suy nghĩ, hành động của chàng từ khi biết mình chỉ có một thời gian nhất định để sống.
Phản ứng đầu tiên của Trương là ghi vào nhật ký ngày 21/2: Hôm nay mình chết (trang 26). Đó là cái chết đầu tiên, sau khi biết mình sắp chết. Cái chết này biểu hiện tính cách hóa thân của hai từ Bướm Trắng và đưa Trương vào đoạn đời thứ nhì, đoạn đời mà Trương quyết định rằng từ nay “chàng sẽ nếm đủ các khoái lạc ở đời, chàng sẽ sống đến cực điểm, sống cho hết để không còn ao ước gì nữa, sống cho chán chường. Trương thấy mình nô nức hồi hộp mà lại sung sướng nữa. Chàng sung sướng vì chàng thấy mình như con chim thoát khỏi lồng, nhẹ nhàng trong một sự tự do không bờ bến. Những cái ràng buộc, đè nén của cuộc sống thường không có nữa, chàng sẽ hết băn khoăn, hết e dè được hoàn toàn sống như ý mình.
– Chết thì còn cần gì nữa?” (trang29)
Đặt ngược vấn đề, Albert Camus bắt đầu cuốn tiểu luận Le Mythe de Sisyphe(Huyền Thoại Sisyphe) bằng câu: “Chỉ có một vấn đề triết lý thật sự nghiêm túc: đó là tự tử, xét rằng đời đáng sống hay không đáng sống là trả lời câu hỏi cơ bản của triết học”.
Nhất Linh và Camus, bằng hai đường khác nhau, nhưng đều muốn điều tra ý nghĩa của cuộc sống từ cái chết. Cuối cùng Nhất Linh và Camus đều chết bất đắc kỳ tử. Camus, vì tai nạn xe hơi ở tuổi 47, Nhất Linh tự tử ở tuổi 57, một sự trùng hợp phi lý.
Cái chết, trước tiên, đối với Trương là một giải thoát, khi giao hẹn “hôm nay mình chết” là Trương đã tự hóa: từ một người bị ràng buộc, trở thành người tự do, hồi sinh trong cuộc sống mới, với hai đặc điểm: Biết mình sắp chết; và quên mình đang sống.
Ở điểm thứ nhất, Trương quyết định tìm vui trong trụy lạc: trụy lạc thể xác và tinh thần. Về thể xác, hưởng thụ hết những thú vui nhục dục trước khi chết và về tinh thần, chiếm hữu tình yêu của Thu, người con gái tình cờ gặp và ngay sau đó Trương đã muốn yêu như một trò chơi: yêu cũng được mà không yêu cũng được.
Ở điểm thứ nhì, Trương sợ sống: không dám về nhà, muốn quên mình đang sống: lẩn tránh những ý nghĩ của mình, sợ đối diện với chính mình. “Trương ở vào tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống” (trang 41).
Hai trạng thái, hai lớp lang tâm thần giao nhau trong một môi trường không có lối thoát: Sự trụy lạc mà Trương tìm đến như một ao ước hưởng thụ hết trước khi chết không đem lại cho Trương tị ti thỏa mãn nào, và cuộc tình đối với Thu, mới đầu chỉ là một trò chơi, sau đã chiếm đoạt tâm hồn Trương, chi phối tư tưởng Trương như một định mệnh thứ ba: quái ác, tưởng (yêu) đùa lại hóa (yêu) thật, tưởng chết lại không chết, lại sống, cứ sống. Chính cái sống thừa, sống ra ngoài mọi ước vọng ấy, đã chơi khăm Trương; bởi mọi toan tính về định mệnh đều vô nghĩa: không ai có thể biết trước được định mệnh, kể cả những thầy thuốc giỏi nhất và cũng không ai dự đoán được kết quả một cuộc tình. Trương, như con bướm trắng lượn trong những nẻo tâm tư của chính mình, bay hết nơi này đến nơi khác, trong mê muội cực đoan của một con bệnh, bị cái chết thường trực ám ảnh, với những giây phút chợt huy hoàng, chợt u tối. Tâm tư chàng nhảy cóc từ những ý nghĩ trong sáng, dịu dàng nhất đến những toan tính tồi tệ, đê hèn nhất. Trương là bướm trắng bay trong não trạng của chính mình. Trương hành động, nhận xét mình hành động, mà không hiểu những gì xẩy ra quanh mình, cho mình.
***
Cuộc phiêu lưu của Trương, sau khi tuyên bố “chết”, mở đầu bằng một chinh phục: Trương vừa nhìn thấy Thu, thấy Thu giống Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước, “chàng có cái ý oái oăm muốn Thu sẽ yêu chàng” (trang11). Cuộc tình này là một thứ ái tình sét đánh, tưởng chừng sẽ lãng mạn ướt át, nhưng lại ráo hoảnh trâng tráo như ý nghĩ của Trương “muốn yêu thì sẽ yêu” (trang 13). Cuộc tình này là một cuộc đánh đố, một trò chơi, muốn là được và Trương đã làm được.
Nhưng trò chơi nào cũng có thể dẫn đến một thực tại không đùa, bí ẩn và tàn nhẫn. Trương chỉ là một cánh bướm, không biết mình sẽ bay đến đâu, như con người là cánh bướm bay trong định mệnh phi lý của chính mình. Ngoài ra, Trương không chỉ là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết mà chàng còn là hoá thân của Nhất Linh, bởi mỗi nhân vật tiểu thuyết, trong chừng mực nào đó, chính là một phần thân xác và tâm linh tác giả.
Trương, con bướm trắng di chuyển theo sự chỉ đạo của Nhất Linh, theo những ghềnh thác suy tư của Nhất Linh. Trương sống mà như chết, chết mà như sống. Trương không biết những ý nghĩ và hành động ấy sẽ dẫn mình đến đâu.
Nhất Linh vừa tạo ra Trương, vừa là Trương, cho nên cũng bị Trương dẫn vào cái chốn không biết ấy.
Trước đây, khi còn chăm chỉ đi học, Trương có một thể xác và tâm hồn có thể gọi là “lành mạnh”; nhưng cái tôi “lành mạnh” này đã chết bởi vì nó không thật, bởi vì nó chỉ là một nửa Trương, nửa thánh thiện.
Bướm trắng là hồn Trương, nhưng mảnh hồn này không “siêu thoát” theo nghĩa nhà Phật mà nó là người, nó là cái thực, nó là Trương toàn diện theo đúng nghĩa con người.
Chính cái hồn bướm trắng này đã chỉ dẫn cho Trương khám nghiệm tử thi của chính mình, đào ra những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn đích thực của mình.
Trương trong Bướm Trắng, đời và người hơn Dũng trong Đôi Bạn, bởi trong Trương những va chạm của xấu tốt là thường trực, những ám ảnh của ham muốn, dục tình, tính toán, lừa lọc … là hàng ngày.
Nếu trong Đôi Bạn, Nhất Linh vẫn còn là một nhà văn lãng mạn chủ tâm tìm cái đẹp, thì ở Bướm Trắng, ông đã đoạn tuyệt với lãng mạn, Nhất Linh lạnh lùng hơn, tự do hơn, từng trải hơn, không những ông đứng xa cuộc đời, đứng ngoài cuộc đời để nhìn cho rõ, mà ông còn chìm biến trong con người, để mô tả những đối chất nội tâm giữa thiện và ác.
Bởi những ngõ ngách tâm linh phức tạp và mâu thuẫn của Trương không thể dùng ngọn đuốc tình cảm lãng mạn để soi tỏ mà phải bay lượn như con bướm trắng thoát tục, mới có thể chiếu vào những ngõ ngách đó thứ ánh sáng trong suốt, không thiên vị: Trương sống tự do buông thả như một kẻ muốn quên mình đang sống, như một gã kiệt lực muốn leo Hy Mã Lạp Sơn, đi từ mâu thuẫn này đến mâu thuẫn khác, đôi khi hai mâu thuẫn cùng chung sống như hình ảnh kiêu sa của Thu nằm chung màn với những cô gái ăn đêm hôi hám trong những nhà săm tồi tàn nhất; rồi những ý nghĩ đen tối như mua dao để giết Thu, những ám ảnh kỳ dị bị Thu giết nổi dậy trong những ác mộng: “Trương ngủ thiếp đi, chàng thấy mình cứ cố nhoi lên để tránh mũi dao mà Thu đưa vào cổ mình, nhưng có một sức mạnh ghê gớm giữ chặt lấy chàng, đè nặng lên hai bên ngực. Mũi dao đã chạm vào cổ, nhưng chàng không đau đớn gì cả: một dòng máu chảy ngang cổ xuống gáy lạnh như một dòng nước đá mới tan, Trương kêu thét lên: “Em giết anh” và giật mình tỉnh dậy. […] Chuông đồng hồ buông năm tiếng ngắn. Qua khe cửa, trời hãy còn tối […] Ngoài đường cái có tiếng lăn lạch cạch của một chiếc xe bò đi qua. Trương đoán là một xe rau ở ngoại ô lên chợ sớm. Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: Khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thắm, những luống thìa là lá nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hòa lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về …” (trang 106).
Như vậy không chỉ có tâm hồn Trương là cánh bướm mà cảnh vật xung quanh cũng là những cánh bướm biến ảo không ngừng, Nhất Linh đã tìm thấy một giao thoa vô cùng tế nhị giữa Đông và Tây, giữa thiện và ác, giữa mơ mộng và ác mộng; tất cả những đối cực ấy xẩy ra trong tiềm thức của Trương, trong vùng u tối bí mật của bản ngã mà trước Bướm Trắng, chưa có tiểu thuyết gia Việt Nam nào thật sự đi vào, thật sự thám hiểm.
***
Nhất Linh viết Bướm Trắng năm 1938-39. Bốn năm sau, 1942 ở Pháp, Albert Camus cho in tập tiểu luận Le mythe de Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe), rồi tiểu thuyết L’étranger (Người Xa Lạ), tiếp theo là kịch bản Le malentendu (Ngộ Nhận) và sau cùng là tiểu thuyết La chute (Sa Đọa). Tất nhiên hai nhà văn này không đọc nhau. Tuy Nhất Linh không đọc Camus trước khi viết Bướm Trắng, nhưng có một ngẫu nhiên trùng hợp lạ lùng là những chủ đề ẩn trong Bướm Trắng về tính chất phi lý của cuộc đời, về vấn đề tự tử, về sự ngộ nhận, về tính sa đọa của con người -những đề tài chủ yếu của Camus- đều có mặt trong tác phẩm của Nhất Linh.
Tại sao có sự gặp gỡ kỳ lạ này? Nhất là khi triết học hiện sinh bắt đầu phát triển ở Pháp thì Tự Lực Văn Đoàn đã hầu như hoàn tất nhiệm vụ khai phá của mình: Những tác phẩm chính của Tự Lực Văn Đoàn đã viết xong. Chỉ có thể trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi khác: Phải chăng Nhất Linh đã tạo ra một cõi hiện sinh của mình, một hình thức tra vấn bản ngã rất Đông phương, rất Trang Tử?
Đối với Nhất Linh, ngộ nhận và phi lý là điều kiện sống của con người. Nếu ở Camus, phi lý có thể đưa đến giết người (Meursault trong L’étranger giết người vì ánh mặt trời chiếu vào mắt). Và trong “nghề” giết người, ngộ nhận có thể đưa đến mẹ giết con, chị giết em mà không biết (Le malentendu), thì ở Nhất Linh, tình yêu tuyệt đối giữa Trương và Thu cũng là một hình thức ngộ nhận và phi lý. Thu yêu Trương trên căn bản ngộ nhận, do phi lý đưa đẩy:
“Trương nhìn theo Thu. Khi nàng đi khuất sau cái thành bể xây, Trương gấp vội bức thư bỏ vào túi. Chàng nhìn cửa buồng bên lưỡng lự một lúc rồi đi vào buồng. Chàng đến gần bên giường. Nhìn qua khung cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong hai bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm cay cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa, xông lên ngây ngất. Trương cảm thấy mình khổ sở vô cùng; chàng lấy làm lạ sao mình lại đau khổ đến thế, đau khổ như một người sắp chết, cảm tưởng lúc ấy giống hệt cảm tưởng đêm qua khi chàng nhìn trộm bàn tay của Thu trên tấm chăn.
Trong lúc ấy Thu đã đi gần đến nhà khách bỗng quay trở lại. Nàng mang máng thấy có vẻ gì bất thường trong cử chỉ của Trương vừa rồi. Như cái máy, nàng quay trở lại, nàng cũng không biết tại sao và quay trở lại để làm gì. Đi khỏi cái bể xây, Thu dừng lại vì thoáng thấy Trương trong buồng. Nàng chăm chú nhìn và khi đã hiểu: nàng đứng yên lặng, khắp người rờn rợn như có ai sờ vào da thịt mình. Thấy Trương bỏ chiếc áo vắt vào chỗ cũ, nàng giật mình, đứng lùi khuất sau thành bể.” (trang 44). Với màn độc đáo này, Nhất Linh đã khai trương sự tiếp xúc thể xác ra ngoài thể xác mà sau này nhiều nhà văn, đạo diễn điện ảnh Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu sắc. Cuộc tình Trương Thu thật sự bắt đầu từ giây phút ấy, giây phút mà hai thực thể phi lý và ngộ nhận trùng hợp: Nếu Thu không quay lại, không nhìn thấy cảnh này thì có lẽ Thu đã không bị Trương chinh phục. Tại sao Thu quay lại? Thu không biết tại sao và quay trở lại để làm gì? Việc Thu quay lại là một việc hết sức phi lý, không giải thích được. Nhưng phi lý và bất khả tri, cũng là những điều kiện của hiện sinh con người. Vì quay lại, nhìn thấy “cảnh ấy” cho nên Thu đã tin rằng “Trương yêu nàng và tôn trọng nàng một cách siêu việt”. Đành rằng tất cả những khía cạnh ấy trong tình yêu của Trương đều có thật, nhưng mới chỉ là một nửa sự thật. Thu ngộ nhận vì chỉ biết nửa sự thật, Trương còn một nửa khác mà Thu không biết: Chàng viết thư tình giả dối, lấy nước rỏ lên làm giả nước mắt, cho nhòe chữ đi, Trương thụt két, đánh bạc, hút thuốc phiện, chơi gái, … Trương biết mình bị ho lao mà vẫn muốn chiếm đoạt Thu, đánh lừa Thu, cho Thu tưởng là mình cao thượng, tình thật Trương biết rõ: “căn bản của tâm hồn mình, một căn bản vô luân, khốn nạn” (trang 104).
Trương gặp Thu là một chuyện tình cờ, yêu Thu một cách vô lý: “Hay có lẽ Thu cũng yêu chàng tự nhiên, yêu một cách vô lý như chàng yêu Thu vô lý bấy lâu.” (trang 148).*
***
Tính chất phi lý của cuộc đời hiện ra ngay từ những trang đầu Bướm Trắng: là một sinh viên trường Luật, đang chăm chỉ học hành, thấy mình chớm lao, Trương đi khám bệnh, bác sĩ tuyên bố một câu xanh rờn: “Phổi và tim ấy cũng còn được một năm nữa là ít” (trang 24). Câu nói cỏn con của Chuyên, người thầy thuốc gà mờ, đã “hóa kiếp” cho Trương: Trương bỏ học, bán nhà bán đất của cha mẹ để lại để tiêu xài xả láng, sống hết mình trong một năm trước khi chết. Đời Trương hoàn toàn đảo lộn, từ lành mạnh xuống sa đọa một cách phi lý, chỉ vì một câu nói. Mà không chỉ có đời Trương, những đời khác, cũng quay gót chuyển hướng ít nhiều sang sa đọa một cách phi lý như thế: Mùi, cô hàng xóm ngây thơ ngày xưa trở thành cô gái điếm què bây giờ, Quang yêu đời trở thành ăn chơi, chết vì bệnh, Nhan sẵn sàng rơi vào tay “người anh họ” hào phóng, “có lương tâm” là Trương, cả Thu, một cách nào đó Thu cũng sa đọa, nhắm mắt chiều chuộng những đòi hỏi điên rồ của Trương. Trương, dưới đáy của tuyệt vọng, lại được Mùi cầu khẩn kéo nàng ra khỏi con đường tội lỗi: phi lý hết sức. Tất cả giăng mắc của cuộc đời là một mớ bòng bong phi lý, ngộ nhậnvà bất khả tri.
Trong sa đọa, Trương tiêu xài cuộc đời mình như một trò cá ngựa, dồn hết tiền (vừa thụt két) đánh vào con ngựa Risque-tout và thua nhẵn canh bạc đời. Trương thua, bởi người ta không thể nào sống gấp được (trang 117) cũng như không ai có thể ăn hết một lúc tất cả những thức ngon trong đời, những thứ mình tưởng là ngon, khi đã nhét đầy miệng, chúng không còn hấp dẫn nữa, mà lại buồn nôn. Do đó, “chàng không bao giờ thấy được sung sướng trong chơi bời, trái hẳn với ý chàng lúc mới ốm”(trang 95). Thậm vô lý. Quanh Trương toàn là vô lý và không biết. Trương thụt két sắp bị bắt vào tù. Thu hỏi: Sao anh làm việc ấy? Trương trả lời: Không biết (trang 134). Rồi Trương tự hỏi: Thực tình chàng có yêu Nhan không? Chàng cũng không hiểu rõ(trang 147). Mùi đòi theo Trương. Theo anh à? Không thể được. Vô lý hết sức (trang 140). Đi bên Mùi, Trương tự nhủ: Đi với một con đĩ què. Vô lý (trang 137). Người ta có cảm tưởng như nhân vật Meurseult trong Người Xa Lạ của Camus là hậu thân của Trương: một sự ngẫu nhiên trùng hợp phi lý hết sức, bởi Camus chưa từng biết Nhất Linh.
Ngay cả đến những ước muốn của tình yêu: được Thu yêu là điều trước kia chàng không dám ước tới, nay đã thành sự thực, sao chàng vẫn không thấy lòng mình thỏa mãn: – Chỉ có thế thôi à? (trang 2). Trương tự hỏi. Có lúc Trương “mong được thỏa nguyện về vật dục để thôi không nghĩ đến Thu nữa” (trang 187). Thậm chí Trương còn nhận thấy đưa thư cho Thu và thụt két đều đem lại cho Trương những cảm tưởng giống hệt nhau, “chàng không muốn thụt két, nhưng biết trước là thế nào cũng thụt két, cũng như khi trước biết là không nên đưa thư mà vẫn cứ phải đưa thư” (trang 121). Tâm sự của Trương, không khác gì tâm sự của Meurseult. Họ là những người xa lạ với chính mình, với người xung quanh, một niềm cô đơn tuyệt đối trong cuộc hiện sinh tàn nhẫn.
Tất cả những nhận thức ấy đẩy Trương đến chán chường. Chán sống. Tại sao không tìm một giải pháp? Tại sao không tự tử và Trương nghĩ “cách tốt hơn hết là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái, thế là hết. Ngọt như mía lùi.” (trang 117).
Nhưng tự tử được không phải là dễ, “hèn nhát thì không bao giờ tự tử được, mà có can đảm như trời cũng không thể tự tử được. Tự tử được hay không là ở cảnh chứ không ở người.” (trang 105). Ở đây, Nhất Linh lại nói đến cảnh, tức là hoàn cảnh, làm ta liên tưởng tớisituation của Sartre, tất nhiên là Trương không thể tự tử được vì chàng chưa bị hoàn cảnh đẩy đến cùng. Nhưng Nhất Linh, hơn 20 năm sau, đã bị hoàn cảnh đẩy đến cùng.
***
Nhất Linh, trong Bướm Trắng đã tiên tri số phận, tra vấn những tranh chấp vật lộn giữa sống và chết, giữa cao cả và sa đọa, đã mổ xẻ những quằn quại của con người trước sự phi lý và bất khả tri của định mệnh. Sự biết mình không sống lâu cho phép Trương để lộ mặt trái của chính mình. Và càng để cho cái bộ mặt này hành động, Trương càng ngại nhìn thấy nó, càng không muốn về nhà, sợ sự đối diện với chính mình, cái đối diện cay nghiệt nhất và cũng tàn ác nhất, đó là sự đối diện với chính mình, đối diện với cái xấu, cái chết.
Sự tự hủy của Trương chỉ là sự rút ngắn “cái tôi”, muốn dìm nó đi, cho nó chết trước thời hạn, để những “bầy nhầy” của nó khỏi làm bợn tư tưởng của mình. Nhưng không ai vượt được định mệnh. Cái chết không do sự quyết định của con người -kể cả những người tự tử- mà phải có sự tập hợp của nhiều yếu tố, nhiều hoàn cảnh, tóm lại là phải có sự quần hợp những hoàn cảnh đẩy đến cùng, đến hố sâu nhất của tuyệt vọng. Tựu trung, cái chết vẫn là chuyện của ngẫu nhiên, bí mật của định mệnh.
Nhất Linh, với Bướm Trắng, đã bỏ xa nhiều bạn đồng hành. Trong khi phần lớn những người cùng thời vẫn còn miệt mài trong tiểu thuyết hiện thực xã hội, ông đã bước ra ngoài hiện thực để đi vào địa hạt tâm phân. Khi mọi người vẫn còn là bác sĩ toàn khoa, ông đã trở thành bác sĩ chuyên môn, dùng phương pháp nội soi để chiếu vào những ngõ ngách sâu xa nhất của tâm hồn con người, đối diện với sống và chết, với tình yêu và cái chết, với cao cả và tội ác, với định mệnh và hư vô. Những câu hỏi về thực chất của tình yêu, của lòng nhân ái, của cao cả, của sa đọa được Nhất Linh tìm kiếm và rọi chiếu bằng một thứ ánh sáng vô minh, bằng những hình ảnh phũ phàng thơ mộng, bằng một văn phong nhẹ nhàng thoát tục: Bướm Trắng mở ra bối cảnh một Trang Tử bàn về cốt lõi của vấn đề hiện sinh con người.
Nhưng ở đây không có ngôn ngữ nặng chất duy lý của triết học, ở đây là triết học đã hóa thân thành bướm trắng. Đó là nghệ thuật Nhất Linh. Nghệ thuật dùng cái đẹp để chuyên chở tư tưởng. Nhất Linh gần Trang Tử hơn những nhà lập thuyết triết học hiện sinh, hiện đại.
Thụy Khuê
Paris 2010 – đọc lại và sửa chữa tháng 8/2013.
[1] Nhà xuất bản Văn Mới, năm 2014