“Non Nước Ấy Ngàn Thu” là lời dịch câu thơ “Vạn Cổ Thử Giang Sơn” của cụ Trần Trọng Kim. Câu này trích từ một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt của Thượng tướng Trần Quang Khải, một tùy tướng của Đại Vương Trần Hưng Đạo sau chiến thắng quân nhà Nguyên của Trung Quốc lần thứ hai tại bến Chương Dương năm 1285.
Lời tiền nhân căn dặn các thế hệ sau đã rõ ràng: “Phải giữ vững non sông cho muôn đời sau”. Muốn giữ vững non sông, trước hết chúng ta phải khẳng định chủ quyền quốc gia, nên không thể quên Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của Đại Việt do danh tướng Lý Thường Kiệt công bố trước đó khoảng 200 năm: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”.
Cổng Đền Kiếp Bạc ghi: Vạn Cổ Thử Giang Sơn – Ảnh do tác giả chụp -1998
“Nam Quốc Sơn Hà” đó là Việt Nam ngày nay, hiện do “Nam Đế” là Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) độc quyền thống trị. ĐCSVN có giữ vững non nước ấy được “ngàn thu” hay không như cổ nhân đã dậy là một câu hỏi bức xúc lớn đang lửng lơ trong tâm trí mọi người Việt, trong cũng như ngoài nước. ĐCSVN vẫn coi ông Hồ Chí Minh là “cha già dân tộc” và lấy “tư tưởng” của ông làm chủ đạo. Công, tội của ông Hồ rồi ra lịch sử sẽ phán xét công minh. Còn tư tưởng ấy ra sao, có Trời biết (1). Ta chỉ biết ông là đồ đệ trung thành của Marx, Lenin, Stalin, và Mao Trạch Đông (2). Nhưng là đảng viên, phải nhớ những câu chính ông Hồ đã có lần tuyên bố trước ba quân:” Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!“…Và những khẩu hiệu đã nhạt nhòa theo thời gian như “Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do” và lời nhắn nhủ bộ đội phài “Trung với Nước, Hiếu với Dân”. Đâu rồi những lời nói đó, đảng viên còn ghi khắc trong tâm khảm hay không?
Trong bài viết “Chống Diễn Biến Hòa Bình của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc”, nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc khẳng định:
TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT
“Đó là cốt lõi của tư cách đảng viên. Đó là tiêu chí hàng đầu trong phẩm chất chính trị của mỗi cán bộ gánh vác việc dân việc nước. Đó là nguyên lý tồn tại của Đảng cầm quyền hiện nay và bất kỳ một đảng cầm quyền nào trong một chế độ đa đảng sau này”.
Trách nhiệm của Bộ Chính Trị — những nhà lãnh đạo đang nắm vận mệnh quốc gia trong tay – tại Đại Hội XI tới đây có bao gồm sự bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam theo tiêu chí và nguyên lý nói trên hay không? Việc góp ý đổi thay Cương Lĩnh và Chiến Lược của biết bao cựu đảng viên yêu nước, dù hợp lòng dân đến đâu cũng chỉ là nước đổ lá khoai chừng nào ĐCSVN còn là đàn em của ĐCSTQ như vẫn từng là từ khi thành lập đến nay. Vấn đề còn lại chỉ là sự sắp xếp nhân sự sao cho vừa lòng đàn anh để tồn tại.
Đó là nguy cơ mất nước vào tay Trung Cộng, không sớm thì muộn.
Từ trước đến nay, ĐCSVN vẫn canh cánh mối lo sợ “Diễn Biến Hòa Bình” đến từ thế giới tư bản Tây Phương mà không ý thức được rằng chính mình đã “tự diễn biến” theo sát ý chí của ĐCSTQ thông qua mối quan hệ giữa hai đảng cầm quyền. Tưởng không cần phải chứng mình nhiều khi đảng đã dâng đất, dâng biển, và chịu lép vế mọi bề với đàn anh phương Bắc. Diễn biến hòa bình là gì mà đảng phải cảnh giác đến thế?
Báo điện tử của ĐCSVN biện bạch (3):
Diễn biến hòa bình là một trong những chiến lược có phạm vi toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc trong thế kỷ XX nhằm chống phá các nước xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam đã và đang là mục tiêu thực hiện “diến biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội.
Về chính trị, chúng cố tình xuyên tạc đi đến hạ bệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Về văn hoá – xã hội, chúng lợi dụng các mâu thuẫn, khiếu kiện, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và dân chủ… để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Về quốc phòng – an ninh, chúng mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội và công an nhân dân ta”.
Sự thực thì những biến báo nói trên chỉ là ngụy biện vì lỗi thời. Trong thực tế những điều này chưa bao giờ xảy ra. Trái lại, ĐCSVN đã vô thức “bị diễn biến” bởi không ai khác là những thế lực thù địch phương Bắc: ĐCSTQ.
Tình hình Việt Nam chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay. Về kinh tế, được đánh giá là “con hổ khập khiềng” với dự trữ ngoại tệ xuống tới mức báo động. Tiền đồng phá giá ở mức kỷ lục đẩy lạm phát lên 11%. Đó là hệ quả nhãn tiền của chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo gây nên nợ nần nhiều tỷ USD trong vụ Vinashin. Tệ quan liêu, tham nhũng ngày một chồng chất khiến người dân nghẹt thở dưới áp lực của chúng.
Hiểm họa mất nước đang hiển lộ trước mắt. Trung Cộng đã khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trưòng Sa là thuộc chù quyền của họ. Làm sao đàn em cãi lại nối đàn anh trong các đàm phán song phương chỉ có tính lấy lệ? Đó chính là hệ quả sự lệ thuộc của ĐCSVN vào ĐCSTQ bắt đầu từ thủa xa xưa, có lẽ từ ngày Mao Trạch Đông cử bí thư thân tín La Quý Ba sang làm cố vấn (hay chính ủy?) cho mặt trận Điện Biên Phủ. Đồng thời, cũng do Trung Cộng thúc đẩy, Việt Minh thiết lập hệ thống chính ủy từ đại đoàn xuống tới cấp đại đội để thống soái tư tưởng [cộng sản] trong bộ đội.
Từ đó trở đi, ĐCSVN nhất nhất tuân theo những động thái của đảng đàn anh, từ chiến dịch “Rèn Cán Chỉnh Quân”, qua “Thổ Địa Cải Cách” (Cải Cách Ruộng Đất), rồi đến mưu mô triệt hạ hữu khuynh (Bách Hoa Tề Phóng hay Trăm Hoa Đua Nở). Và sau cùng, Trung Cộng cũng chỉ đạo chiến dịch “Xét Lại Hiện Đại Chống Đảng” sau Đại Hội XX của ĐCS Liên Xô mà người thừa hành đắc lực là Lê Đức Thọ. Thọ tuyên bố: “Về mặt lý luận ta để cho ĐCSTQ làm, còn về mặt tổ chức thì ta tự làm lấy (4)
“Diễn biến” (evolution) là quá trình biến đồi từ một trạng thái thấp kém sang một tình trạng cao đẹp hơn. Quá trình này thường tiệm tiến và diễn ra trong hòa bình. Theo định nghĩa này, nó chính là sự thăng tiến hay tiến hóa trong thiên nhiên cũng như trong xã hội con người. Một cách giản lược, trải qua hàng triệu năm con người đã từ dã nhân (hominid) diễn biến qua nhiều giai đoạn rồi mới thành con người hiện đại ngày nay (homo sapiens sapiens) (5).
Ghép với hai chữ “hòa bình” dư thừa, “diễn biến hòa bình” biến thành một con “ngoáo ộp” chính trị giơ nanh vuốt đe dọa mạng sống của ĐCSVN. Không biết cụm từ này xuất hiện từ bao giờ, nhưng tôi đoán chắc là từ thời “đổi mới” (1986). Để tự cứu mình thoát khỏi vũng lầy của nền kinh tế quan liêu bao cấp xã hội chủ nghĩa, ĐCSVN bắt chước đàn anh phương Bắc “đổi mới” và “mờ cửa” cho các nước tư bản Âu, Á, Mỹ vào đầu tư và trao đổi buôn bán với họ. Có điều là thị trường tự do thường kéo theo những ý niệm về tự do dân chủ qua báo chí, sách vở hay âm nhạc. Một hệ quả đáng mừng của đổi mới là sự xuất hiện một nền văn học “cởi trói” mà cốt lõi là sự thẳng tay phê phán những lỗi lầm, tội ác, hay bất cập của chế độ vô sản chuyên chính mà xã hội phải hứng chịu trong bao năm và sự ca tụng tư duy dân chủ tự do. Dư âm của nền văn học này còn gây ảnh hưởng sâu xa cho đến nay mặc dầu nó chỉ thọ được vài năm.
Tình hình Việt Nam bây giờ khá giống Trung Quốc: lạm phát cao, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và thôn quê và bất mãn gia tăng trong xã hội. Một số chỉ số cơ bản về công ăn việc làm, an sinh xã hội, điều kiện kinh doanh tại Trung Quốc nay đạt điểm thấp nhất kể từ 2006. Nghiên cứu gia cho hay người dân lo lắng về lạm phát và tương lai cuộc sống
Do đó, sớm muộn gì đàn anh phương Bắc sẽ phải thay đổi thể chế chính trị để sống còn. Ôn Gia Bảo đã thả con bong bóng thăm dò để thể hiện một lời cảnh báo quan trọng hàng đầu của mưu sĩ cáo già Đặng Tiểu Bình cho thế hệ sau: «nếu không thực hiện cải cách hệ thống chính trị song song với cải cách kinh tế, theo hướng dân chủ, tự do, thì sự nghiệp cải cách sẽ thất bại toàn diện, có thể dẫn đến sụp đổ».(6)
Muốn tránh sụp đổ, ĐCSVN không thể chờ đợi mà phải đi bước trước. Trước hết, phải quyết tâm dứt khoát chặt đứt mối quan hệ đảng anh – đảng em với ĐCSTQ để biến nó thành một quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia. Có thế mới hy vọng giữ nổi đất nước khỏi rơi vào tay đàn anh đang mưu mô bành trướng mà cả thế giới đều biết. Và đó có lẽ là hy vọng cuối cùng để cứu nước.
Một kế hoạch khả thi trong hòa bình là “tự diễn biến” theo hướng tiến lên: Tạm thời ĐCSVN có thể quay lại với thể chế dân chủ pháp trị “tam quyền phân lập” do Hiến Pháp 1946 quy định mà tuyên bố quốc hiệu mới là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và cải danh thành Đảng Dân Chủ Xã Hội như nhiều vị thức giả đã đề nghị. Bước kế tiếp là chấp nhận đối lập: một đảng gồm những nhà bất đồng chính kiến trong và ngoài nước. Như vậy là “một đá giết hai chim” cùng lúc hóa giải mâu thuẫn quốc-cộng, thể hiện “đại đoàn kết dân tộc” như chưa bao giờ từng có kể từ khi dành lại độc lập. Một Việt Nam dân chủ tự do sẽ là thành viên đồng điệu trong hàng ngũ các nước trong ASEAN mà nhà chính khách lão thành Lý Quang Diệu nghe nói đã từng có ý tưởng không tán thành. Một khi đã gia nhập thế giới dân chù, Việt Nam chắc chắn sẽ được sự bảo trợ tận tình cùa cường quốc Mỹ và các thế lực quân sự khác trong thế giới tự do như Úc và Ấn Độ.
Tựu chung, đó chỉ là sự thừa kế sự nghiệp bảo vệ bờ cõi “Nam Quốc Sơn Hà” mà tổ tiên đã để lại. Người Việt hãy nhớ làm lòng: “Vạn Cổ Thử Giang Sơn” (Non Nước Ấy Ngàn Thu).
Chu Việt
12.2010
(1) Tại Đại hội 2, họp ở chiến khu Tuyên Quang, 1951, ông Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam. Tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin.” (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, NXB. Văn Nghệ, California, 1995, tr. 150,152.)
(2) Cũng trong Đại hội này, Hồ Chí Minh còn nhiều lần tuyên bố: “Ai có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được.” (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, 2001, tr. 63.)
(3) Học Viện Chính Trị Quân Sự, ĐCSVN, trong mạng www.cpv.org.vn.
(4) Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên, NXB Văn Nghệ, California 1997 (tr. 275)
(5) The Making of Mankind by Richard E. Leaky – Elsevier-Dutton Publishing Co, Inc., 1981.
(6) Bùi Tín Blog, VOA News, 12.2010, “Thày Tàu đoán đúng bệnh nhưng không bốc nổi thuốc”
3 Comments
nguyen tuong ba
Một bài ngắn gọn nhưng vạch rõ con đường cho Đảng CSVN và cả dân tộc.Rất thực
tế và tha thiết yêu nước cho nên rất thuyết phục .
Xin khâm phục tác giả.
Nguyễn Tường Bá
trần việt long
Một bài viết rất công phu với một tấm lòng sắc son yêu nước.
Xin góp một ý kiến nhỏ với tác giả về vị trí Thượng tướng Trần Quang Khải đối với Tiết chế Trần Quốc Tuấn:
– Trong họ hàng thì Trần Quốc Tuấn(trưởng nam của An Sinh Vương Trần Liễu)là anh chú bác ruột của Trần Quang Khải(con trai của Vua Thái Tôn Trần Cảnh).
– Khi không có chiến tranh, và nhất là khi Đại tướng Trần Quốc Tuấn chưa được Vua bái phong (chứ không phải tấn phong) Tiết Chế (Tổng Tư Lệnh Quân Đội) thì Đại tướng Trần Quốc Tuấn dưới quyền của Thái Sư Trần Quang Khải. Nhưng khi đã được Vua bái phong Tiết Chế với cờ Tiết và gươm Việt thì Tiết Chế Trần Quốc Tuấn có toàn quyền điều động quân đội, tướng lãnh, đại thần, và kể cả Vua trong lãnh vực thuần tuý quân sự với quyền trưng dụng tuyệt đối về nhân sự và tài nguyên quốc gia cho mục tiêu quyết thắng. Chức vụ Thượng tướng là một tướng lãnh của Triều Đình, và chỉ đứng sau Tiết Chế chứ không phải là tuỳ tướng của Tiết Chế. Quân mệnh đầu tiên sau khi nhận trách nhiệm Tiết Chế của Đại tướng Trần Quốc Tuấn là ban lệnh cho Thượng tướng Trần Quang Khải phải thi hành ba nhiệm vụ: một là bảo giá và lui quân về lãnh thổ phía Nam thành Thăng Long; hai là bảo an hậu phương từ phía Nam thành Thăng Long đến biên giới Chiêm Thành để nguồn lương thực được tiếp tế đầy đủ cho chiến trường phía Bắc; ba là bằng mọi giá phải chận đứng và tiêu diệt cánh quân tấn công từ phía Nam và ven biển của Mông Cổ và Chiêm Thành, nếu có.
– Tuỳ tướng, bộ tướng, gia tướng là sĩ quan cao cấp mà một tướng lãnh có quyển phong cấp và chế tài. Hiệu Uý, Đô Uý, Đề Đốc, Đô Đốc, Thượng Tướng, Đại Tướng được Vua phong cấp và thưởng phạt với sự tham khảo ý kiến của Triều Đình.
– Trong lịch sử Trung Hoa và Việt Nam, chỉ có Tiết Chế Trần Quốc Tuấn được phong tước (tittle) là Đại Vương mà thôi. Hoàng thân được phong vương hiệu là việc bình thường nhưng chữ “Đại Vương” chỉ dành cho người đứng đầu một quốc gia khi chưa chính thức lên ngôi, và chức (function) Đại Vương là một chức vụ tự phong chứ không có ai phong cho mình. Hàm, chức, và tước đầy đủ của Tiết Chế Trần Quốc Tuấn là Thái Sư (hàm) Thượng Phụ Thượng Quốc Công (tước) Bình Bắc Đại Nguyên Soái (chức) Hưng Đạo Đại Vương (tước) Trần Quốc Tuấn. Trong sinh hoạt thường ngày, Vua, Triều Đình và mọi người gọi Ngài là Quốc Công Tiết Chế mà thôi.
Xin cám ơn tác giả Chu Việt.
Chu Việt
Tác giả xin chân thành cảm tạ những chỉ giáo của ông Trần Việt Long về liên hệ giữa Thượng tướng Trần Quang Khải và Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Đọc sử đã lâu chỉ nhớ Hưng Đạo Đại Vương tâu vua xin cho Thượng tướng Trần Quang Khải thống lãnh quân sĩ đi đánh quân Nguyên nên mới ngộ nhận dùng chữ “tùy tướng”. Hơn 12 năm đã qua, không biết hàng chữ này còn tồn tại trên cổng Đền nữa không?