Trong bài nói chuyện với dân chúng về kiểm soát súng vừa qua, Tổng Thống Barack Obama không nhắc tới những con số sau đây: Mỗi năm trung bình có 30,000 người Mỹ chết vì súng. Sau cuộc khủng bố 11 Tháng Chín, 2001, đã có hơn 400,000 người bị giết, trong số đó chỉ có 45 người do khủng bố gây ra. Trong mười năm qua, bốn triệu người Mỹ bị tấn công bằng súng. Cùng thời gian đó, 446 nhân viên công lực bị bắn và hơn 20,000 trẻ em dưới 18 tuổi chết vì súng. Con số những người tự sát bằng súng cũng hơn 20,000. Trên thế giới không một quốc gia nào sống chết với súng nhiều như vậy!
Ông Obama đã phải lau nước mắt trong lúc nói chuyện trước ống kính truyền hình ngày Thứ Ba, 5 Tháng Giêng 2016; nhưng đây không phải là lần đầu tiên. Tháng Mười vừa qua, sau cuộc thảm sát ở Đại Học Cộng Đồng Umpqua tại tiểu bang Oregon, ông đã nghẹn lời và khóc. Cuối năm 2012, sau khi 20 học sinh trường tiểu học Sandy Hook, tại Newtown, Connecticut bị giết cùng với 6 người lớn lo bảo vệ các em, ông Obama tới ủy lại cũng ngừng nói, lau nước mắt. Năm sau, Tòa Bạch Ốc đã đề nghị một dự luật kiểm tra lý lịch những người mua súng chặt chẽ hơn và cấm bán các loại súng máy đã bị chặn lại ở Thượng Viện, vì không đạt đủ 60 nghị sĩ đồng ý đưa vào nghị trình. Một nhà bình luận ở Anh quốc viết: “Vụ Sandy Hook báo hiệu cuộc tranh luận về kiểm soát súng đã chấm dứt ở Mỹ. Khi dân Mỹ thấy rằng giết chết 20 trẻ em là điều có thể chịu đựng được (bearable) thì thôi rồi, không cần tranh luận nữa.” Trong năm 2013 đó, 100 trẻ em đã bị bắn chết vì vô tình, hai phần ba các em chết trong nhà hay trong xe nhà mình.
Khó hy vọng Quốc Hội sẽ làm luật mới, ông Barack Obama đã xoay cách khác trong phạm vi thẩm quyền của hành pháp. Ông sẽ ban hành một nghị định, chỉ nhắm thi hành các đạo luật cũ một cách chặt chẽ hơn.
Luật lệ hiện nay còn nhiều lỗ hổng, việc thi hành cũng lỏng lẻo vì không được các tiểu bang cộng tác cung cấp lý lịch những người mang bệnh tâm thần hay những người đã có tiền án dùng súng. Vì thế việc kiểm tra lý lịch không đủ hiệu lực. Nước Mỹ có danh sách mấy ngàn người bị nghi ngờ liên can tới khủng bố, họ cấm không được lên máy nay. Nhưng những người đó vẫn được tự do mua súng.
Ở nước Mỹ, mua súng dễ hơn mua xe hơi. Một lỗ hổng lớn là luật lệ hiện nay bắt buộc những nhà buôn súng chuyên nghiệp (có môn bài, licenses) chỉ bán súng cho những người được kiểm tra lý lịch. Nhưng các cơ quan chính phủ phải hoàn tất việc kiểm tra trong ba ngày, nếu không thì nhà buôn có quyền cứ bán. Ngoài ra, việc mua bán súng ở các “hội chợ súng;” trao đổi giữa các tư nhân; và bán súng cho các tổ chức chứ không phải cá nhân đều không cần kiểm tra lý lịch.
Nghị định mới sẽ bắt buộc những tư nhân bán súng nhiều lần trong một năm cũng như tại các hội chợ súng phải có môn bài, tức là người mua phải được kiểm tra lý lịch. Ông Obama tin rằng các biện pháp mới không trái với luật pháp hiện hành. Tuy nhiên, những thế lực chống kiểm soát súng sẽ tìm cách kiện bản nghị định mới ra trước tòa án, nhân danh Tu Chính Án số 2 trong hiến pháp Mỹ, nói rằng các công dân có quyền mang súng. Đứng đầu các lực lượng chống đối là Hội Súng Toàn Quốc (National Rifle Association, NRA).
Trong bao năm qua Hội NRA đã vận động hành lang quốc hội bằng cách đe dọa sẽ đánh bại bất cứ ứng cử viên nào đồng ý nên hạn chế bớt việc bán súng, kể cả những loại súng máy giết người hàng loạt. Không những họ đi ngược chiều với dư luận đa số dân chúng Mỹ mà còn trái với sở nguyện của đa số hội viên vẫn mang súng.
Một cuộc nghiên cứu của Pew Research Center cho biết đại đa số dân Mỹ đồng ý cần bắt những người mua súng ở các hội chợ hoặc trao đổi cá nhân phải bị kiểm tra lý lịch; trong đó có 79% các cử tri Cộng Hòa và 88% cử tri Dân Chủ. Một cuộc nghiên cứu của tạp chí Y tế New England Journal of Medicine, cho biết 74% các hội viên NRA muốn mọi người mua súng phải được kiểm tra lý lịch.
Nếu hội NRA tìm cách đưa ra tòa bản nghị định hạn chế súng của ông Barack Obama, vấn đề này sẽ trở thành một đề tài tranh cử lớn trong năm 2016. Ông Donald Trump, người dẫn đầu trong số các ứng viên muốn tranh cử tổng thống cho đảng Cộng Hòa, đã dọa trước rằng Tổng Thống Obama muốn ngăn cản không cho người Mỹ mua súng; trong khi bà Hillary Clinton phía đảng Dân Chủ hoan nghênh quyết định mới của ông Obama!
Nhưng Tối cao Pháp viện Mỹ đã tuyên bố nhiều phán quyết nghiêng về phía kiểm soát súng.
Năm 2008, Tối Cao Pháp Viện công nhận Tu Chính Án số 2 bảo vệ quyền mang súng của các công dân nhưng đồng thời cũng xác định rằng các luật lệ ấn định điều kiện cho việc mua bán súng có thể vẫn hợp hiến. Trong tháng trước, Tối Cao Pháp Viện đã từ chối không đem xử một vụ kháng án chống việc cấm bán súng. Một số nguyên đơn đã kiện một đạo luật của tiểu bang Illinois cấm bán các loại “súng tấn công” bán tự động với băng đạn lớn, tố cáo là trái với hiến Pháp. Tòa phá án hạt 7 đã bác bỏ đơn kiện đó, rồi Tối Cao Pháp Viện từ chối không xét lại, công nhận luật cấm bán súng này không trái với Tu Chính Án số 2. Tính chung, đến nay Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã từ chối không cứu xét 60 vụ luật lệ kiểm soát súng bị kiện, cho thấy đa số quan điểm của các quan tòa tối cao như thế nào.
NRA là một tổ chức vận động hành lang Quốc Hội mạnh nhất nước Mỹ. Họ có thể tấn công các ứng cử viên thuộc bất cứ đảng nào có ý kiểm soát việc bán súng chặt chẽ hơn. Từ thập niên 1990 đến nay, trong hơn 20 năm Quốc Hội Mỹ chưa làm một đạo luật kiểm soát súng quan trọng nào nữa, vì đại biểu Quốc Hội nào cũng e ngại sẽ trở thành mục tiêu tấn công của NRA trong kỳ bầu cử tới. Họ có thể huy động nhiều người yêu súng chống lại các ứng cử viên không vừa ý hội. Họ thường tập trung hỏa lực vào một số ứng cử viên, vận động, quảng cáo mọi cách cho phải thất cử, để làm gương cho những người khác.
Đầu năm 2014, NRA đã ngăn cản thượng viện không cho phê chuẩn việc bổ nhiệm Bác Sĩ Vivek Murthy làm bộ trưởng y tế, mặc dù chức vụ của ông không liên can gì đến việc mua bán súng! Ra trước thượng viện, ông nói trọng tâm của ông là ngăn ngừa bệnh mập phì và các bệnh kinh niên. Nhưng NRA đã gây áp lực khiến các cuộc thảo luận kéo dài, chính phủ Obama không có bộ trưởng y tế trong suốt một năm. NRA đe dọa sẽ nhận diện tất cả các nghị sĩ nào bỏ phiếu thuận, cho vô “sổ đen” để họ sẽ chống lại trong các cuộc bầu cử sắp tới. Lý do NRA chống lại ông Murthy chỉ vì ông có lần tuyên bố rằng súng làm chết người nhiều không khác gì bệnh tật! Cuối cùng, hội NRA thua, thượng viện đã phê chuẩn ông Murphy, ông là vị bộ trưởng gốc Ấn Độ đầu tiên trong chính phủ Mỹ.
Nhiều người lo rằng thế lực của hội NRA mạnh không ai địch nổi. Nhưng trong lịch sử Mỹ, đã có nhiều tổ chức vận động hành lang (lobby) mạnh không kém, có thể hơn hội NRA. Đầu thế kỷ thứ 20, hội Chống Quán Rượu ASL, Anti-Saloon League đã khuynh đảo các đảng chính trị. Kết quả là quốc hội và chính phủ đã ban hành Luật cấm Rượu (Prohibition), giúp cho các băng đảng buôn rượu lậu như Al Capone có dịp tung hoành, và kỹ nghệ nấu rượu ở Canada phát đạt (cho tới bây giờ!) Hội ASL cũng dùng chiến thuật “tập trung hỏa lực.” Họ có thể đóng góp cho quỹ tranh cử tổng thống và nghị sĩ nhiều gấp 12 lần số đóng góp trung bình. Năm 1903 hội này tấn công thống đốc Myron T. Herrick, và 70 ứng cử viên các chức vụ trong tiểu bang Ohio, và họ toàn thắng. Phải đợi đến khi dư luận dân chúng Mỹ thấy việc cấm rượu toàn quốc trong thực tế chẳng được ích lợi gì, thế lực của ASL mới giảm. Năm 1933, giữa cơn đại khủng hoảng kinh tế, Luật Cấm Rượu bị xóa, hội ASL dần dần rơi vào quên lãng.
Số súng lưu hành trong tay tư nhân ở Mỹ nhiều hơn dân số 300 triệu người. Nhưng chúng ta nhớ lại, trong quá khứ nước Mỹ cũng là nơi mù mịt khói thuốc lá. Thế lực các đại công ty thuốc lá, gọi là “Big Tobacco” cũng cao không khác gì hội NRA bây giờ. Họ tung tiền quảng cáo không những để gieo rắc hình ảnh hút thuốc lá là đẹp, là sang, mà còn để tuyên truyền rằng chất nicotine không gây nghiện, thuốc lá không hại cho sức khỏe, các cuộc nghiên cứu nói như vậy đều sai lầm. Trong nửa thế kỷ, Big Tobacco cũng là nguồn tài trợ lớn cho các ứng cử viên thuộc cả hai đảng. Đến năm 1964, chính phủ Mỹ chính thức công bố một bản phúc trình nói chắc chắn rằng đàn ông hút thuốc sẽ bị ung thư phổi; từ đó dư luận dân Mỹ thay đổi. Hút thuốc không còn được coi là bảnh bao, sang trọng nữa. Ngược lại, nhiều người thấy ai hút thuốc còn tránh xa như tránh bệnh cùi. Ba chục năm sau, Big Tobacco phải chuyển sang thị trường các nước Châu Á và Phi châu.
Đa số dân Mỹ đã chán ngán cảnh tự do mua súng giết người. Không nơi nào được coi là an toàn. Năm 2012 một cuộc tấn công vào đền thờ đạo Sikh ở in Oak Creek, tiểu bang Wisconsin giết sáu tín đồ. Vài tháng sau, một ông vào rạp chớp bóng tại Aurora, tiểu bang Colorado, dùng súng lựu đạn, AK-15, súng trường, súng lục giết chết 12 khán giả. Năm 2015 cuộc thảm sát trong một nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal Church tại Charleston, South Carolina làm 9 tín hữu thiệt mạng kể cả vị mục sư. Và gần đây, 14 người ở San Bernardino, California, trong đó có một cô gái Việt Nam, đi dự tiệc rồi bị giết bằng súng liên thanh. Dân Mỹ phải hãi hùng. Nhưng bao giờ thì họ mới nổi nóng đến độ thấy phải tổ chức và hành động mạnh hơn?
Trong tháng trước, một hội viên NRA có tiếng đã công khai tuyên bố “rút khỏi đảng.” Ông John Oceguera, cựu chủ tịch quốc hội tiểu bang Nevada, thuở nhỏ từng cầm súng đi săn vịt trời với bố trước khi tới tuổi đi học. Ông từng đóng tiền làm hội viên vĩnh viễn của hội NRA; và luôn luôn để súng trong thùng xe. Ông ra khỏi hội, sau khi suy nghĩ về cái chết của bố, ông cụ đã tự tử sau khi bắn chết một người khác. Ông sẽ ra tranh cử dân biểu liên bang với lập trường kiểm soát súng chặt chẽ hơn.
Chính trị nước Mỹ luôn luôn thay đổi. Trong bài nói chuyện hôm qua, Tổng Thống Barack Obama nói, “Quốc Hội có thể bị giới vận động súng (gun lobby) bắt chẹt, nhưng dân Mỹ không thể bị bắt chẹt.” Tuy không nói thẳng tên nhưng ai cũng biết ông đang nhắc tới hội NRA. Ông kêu gọi những người muốn kiểm soát súng hãy tổ chức, vận động để tạo nên thế cân bằng trong chính trị nước Mỹ. Lời kêu gọi này chắc sẽ phải đợi nhiều năm mới thành tựu. Hiện nay số hội viên hội NRA rất đông, rất hăng hái góp tiền và góp sức cho hội. Bao giờ các hội chủ trương gia tăng kiểm soát việc mua súng mới có sức mạnh tương đương?
Ngô Nhân Dụng
One Comment
Trần Ngọc Dụng
Theo sách luật dạy trước năm 1975, tổng thống có quyền ra sắc lệnh, chứ không phải nghị định. Nghị định là văn bản có tính cách dưới luật do bộ trưởng (secretary) hay tổng trưởng (minister) ban hành. Tuy nhiên, nếu là sắc lệnh thì không có giá trị vĩnh viễn, mà phải được quốc hội thông qua để làm luật, và đổi thành sắc luật.