Thi tập đầu tay của Vũ Lang, mang tên Hạnh Ngộ,[1] là một thi phẩm có tính cách đa dạng, từ thể thơ tới ý thơ: tất cả 72 bài thơ, lúc nhịp nhàng với bẩy hoặc sáu chữ, lúc nhậy bén với năm hoặc bốn chữ, lúc phá thể, đã tuần tự hội nhập vào ba lãnh vực chính: một nửa thi tập dành cho hai loại thơ — thế nhân và thế sự –, với những sắc thái trịnh trọng, xót xa, đôi lúc châm biếm, khôi hài. Phần nửa kia là loại thơ trữ tình, với thể chất vừa giản dị mộc mạc, vừa ẩn mật duyên dáng, đã dùng thơ để thực hiện một tâm giao, để chuyển đạt một ước nguyện tồn sinh mà tình yêu là nguồn trào lực bất tận. Tình hiện hữu bất cứ ở đâu, bất cứ ở giai đoạn nào trong nguồn cảm hứng, bất cứ ở tâm cảnh hoặc duyên cớ nào. Thơ, thi ngữ chỉ còn là cơ hội điển hình, là bóng chữ, là ánh sáng của chất tình miên man, diễn biến như một dòng sông bất tận giữa một cõi đời hữu hạn, giữa một cõi lòng vô biên.
Chúng ta hãy đặt trọng tâm vào phần thơ trữ tình đó và đặc biệt chọn bài thơ “Ohm law” như một thi ảnh thu hẹp, nhưng tiêu biểu nhất, của thi tập Hạnh Ngộ, để thưởng thức kỹ thuật gây men bằng thi vị tình yêu của Vũ Lang:
Từ thuở thiếu thời khi lớn khôn,
Em chưa từng biết cách nào ohm!
Vừa mới gặp anh, anh đã bảo
Anh dạy em ohm, em hết hồn!
Rồi cứ mỗi tuần ta gặp nhau
Anh ohm em, và biết ohm law
Nghe anh giảng giải từng chi tiết
Điện trở tình yêu thật nhiệm màu
Đen, đỏ, vàng, xanh, tím, trắng, nâu…
Anh dạy cho em cách tính màu
Mỗi vòng định giá bằng con số
Ohm nhiều, ohm ít có sao đâu!
Một ngàn lần ohm, một triệu ohm
Hay anh chỉ muốn một lần ohm?
Anh mang điện trở tình yêu tới
Cường độ tim em rung động luôn.
Và kể từ nay đã biết ohm.
Em đi tìm job dễ như không,
Chủ có đòi ohm, em sẽ bảo
Ohm law thì được, cấm anh hôn!
Ở bình diện ngôn ngữ, bài thơ được định hướng bởi phiên âm của hai chữ Anh ngữ: Ohm law. Hai chữ này được dùng làm tên bài thơ, và sau đó, đã được nhắc lại mười hai lần trong suốt bài thơ. Đây không phải lần đầu tiên, hay lần duy nhất, Vũ Lang dùng ngoại ngữ trong thơ mình. Chẳng hạn trong bài thơ “Sông Tình Potomac”, Vũ Lang đã dùng hai chữ “Potomac river” để hòa âm nơi cuối câu với “xanh lơ”, với “đón chờ” và chữ “Potomac” với “giăng mắc”, với “trong mát”, một cách rất tự nhiên, hòa nhã. Hoặc trong bài “Mưa PRPC” (viết tắt của Philippines Refugees Processing Center), những vần “mưa PRPC” đã được láy đi láy lại nhiều lần ở giữa hay cuối câu trong bài thơ để gợi tưởng những âm thanh nhỏ giọt đang vang nhẹ ngay trong tâm hồn cô quạnh của người dân tỵ nạn.
Chúng ta hãy về lại bài thơ “Ohm law”. Đặc biệt là lần này, không những ngoại ngữ đã được lồng vào bài thơ, mà còn được dùng như một “thách đố”, vì hai chữ này khác nhau về mặt thính và thị. Quả thật, nếu “xem” hai chữ đó, hoặc đánh vần theo mặt chữ Anh ngữ: O-h-m l-a-w — thì chúng ta ắt phải nhớ tới “định luật Ohm”, một định luật do nhà vật lý học Đức, Georg Simon Ohm, soạn thảo để xác định sự kháng thể của điện lực (electrical resistance). Vậy Vũ Lang có liên hệ gì với “định luật Ohm” đó?
Phải chăng nó là cái chìa khóa mở được nhiều ngăn tủ, nhiều cửa ngõ, đưa tới nhiều phương hướng khác nhau: Trước hết, căn bản khô khan của khoa học, và nhất là ý niệm về sự chống đối, trở lực của thiên nhiên, phần nào nhắc tới một thực tế khó khăn của đời sống, mà người kể truyện muốn nêu ra như một khởi điểm. Đó là ám ảnh tiếp nối trong tiềm thức của thi nhân về những giai đoạn xáo trộn, những thống khổ mà cả dân tộc Việt, từ tầng lớp xã hội này qua thế hệ nọ đã phải trường kỳ, nhẫn nhục chịu đựng. Đó cũng là những cảnh huống đổi đời, thằng thì thành ngài, chủ thành tớ, thầy thành trò.
“Định luật Ohm” ở khía cạnh này ắt phải gồm những thống kê của tàn bạo xã hội, của thảm trạng kinh tế, của đói rách tù tội mới phải! “Định luật Ohm” cũng nhắc lại bài giảng của một thầy đồ tân tạo, của kẻ sĩ dám tìm hiểu sự thật, tìm hiểu những bí ẩn, những khó khăn mà con người trước đây chỉ dám nhìn nhận và tôn xùng như ý trời, như lệnh thánh. Điện khí lúc đó là thần thoại và phép lạ, là thảm họa và định mệnh bất khả cưỡng. Gần đây, tôn chỉ và định mệnh đã “được” xiềng xích bằng lệnh Nhà Nước, bằng gông cùm của Đảng, của Phiệt. Kiến thức con người đã nhiều lần bị thắt bóp, nhuộm tẩy bằng lời lẽ thô cạch, bằng phương thức tuyên truyền man trá, bằng kế hoạch uốn nắn, phỉnh gạt.
Đó là những giai đoạn hậu 1954, hậu 1975 mà nhà thơ Vũ Lang đã từng chứng kiến tại quê hương xứ sở. Hai chữ “Ohm law” cũng còn liên quan tới thời điểm hậu 1989, khi Vũ Lang xuất ngoại theo diện ODP và định cư tại tiểu bang Virginia. Lúc đó, những trở ngại, những thắt buộc hiện sinh chỉ còn là vực chia cách về văn hóa và ngôn ngữ xa lạ, mà chúng ta, người trú khách muôn đời, vẫn thấy dị ứng, ngượng nghịu. Điển hình là Vũ Lang khi viết “Ohm law” thì đúng, nhưng khi phát âm thì lại “cố tình” nhái nhiếc cho sai thành “Ôm-lâu”. Nếu như Vũ Lang phát âm cách khác, đúng hơn một chút, thì chắc bài thơ đó sẽ có một nội dung và định hướng khác, vì bài thơ sẽ được hoạ thành “Ôm-lo”, với những chi tiết có bề bi quan, ái ngại, khác hẳn với vẻ yêu đời, lãng mạn của “ôm lâu”.
Dù sao chăng nữa, khi đề cập tới định luật “Ohm law” mà Vũ Lang muốn đọc là “Ôm-lâu”, tác giả ắt muốn nói tới khả năng tồn trữ chí khí của con người bất khuất. Phải chăng dù bị đầy đọa, trà đạp, dù lâm cảnh bạc phận đổi đời, thầy thành trò, thông thành ngọng, con người đó vẫn có thể vươn lên và sống lại, có khả năng chứa đựng và chia sẻ chất ấm, như một luồng điện hiền hòa. Luồng điện đó đã mất hẳn tính chất khắc nghiệt, đe dọa, hoặc hủy hoại của Trời đất, của Đảng, của Phiệt. Luồng điện đó đã đổi dòng, đổi thể thành nhân điện khi con người còn là người, khi con người còn có tình yêu. Xấm xét của vũ trụ đã cải dạng thành xấm xét của con tim, thành tiếng thơ, tiếng nhạc.
Đặc biệt là hiện tượng “ôm lâu” chỉ là một hiện tượng “khẩu truyền, bất thành văn”, vì trong cả bài thơ chúng ta không hề “thấy” có chữ “ôm lâu”, mà chỉ “nghe” đó là “ôm lâu”. Như vậy, ý niệm “ôm lâu” chỉ hiện diện trong âm hưởng của ngôn ngữ và trong tâm tưởng của độc giả, như một khát vọng, một tiêng kêu gọi thiết tha, gần gũi. Cửa định mệnh trước đây từng khép kín bỗng dưng chuyển động thành vòng tay cởi mở, thành vòng ôm của học trò. Không biết “Ohm law” (Ôm lâu) của Vũ Lang có liên hệ gì tới Vòng Tay Học Trò của nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng?
Tối thiểu thì sự ngẫu nhiên về tư tưởng và từ ngữ cũng nằm trong hiện tượng liên thảo, hay liên tác, mà nhà ngữ học Pháp, Julia Kristeva, gọi là “intertextualité“.[2] Ngôn ngữ tự nó là di tích, là tư tưởng được tích lũy và truyền bá từ đời này sang đời khác, từ tác giả này sang tác giả nọ, trong trào lực sáng tạo tiếp nối, hoặc ẩn hiện trong tiềm thức nhân loại. Ngôn ngữ là trí nhớ, là hồi tưởng khi truyền thống bắt nguồn từ mẫu mực. Mẫu vừa là khuôn phép, vừa là “mẹ”, là hiện tượng “nữ” của vạn hữu. Mẫu trong thơ Vũ Lang cũng là vai nữ-đối-tượng của mơ ước, của khát vọng và sáng tạo. Thật vậy, nhân vật thường được nhắc tới trong tập thơ là “em”, là người yêu muôn thuở. Trong bài thơ “Hạnh Ngộ”, dài 40 câu, đã có 17 lần nhắc tới “em”. Bài “Ohm law” (Ôm-lâu) cũng mải miết tiếp nối với “em”, tất cả 8 lần, trong suốt 20 câu thất ngôn. Hiện tượng liên tiếp xuất hiện của “em” trong những bài thơ đó nói lên cường độ ám ảnh của nhân vật nữ trong hệ thống tư tưởng của lời ca-tụng-niệm về tình yêu.
Toàn diện bài thơ được cấu kết qua sự khuếch xung của âm hưởng “ôm lâu” chung quanh khát vọng về “em”. Như chúng ta đã thấy, bài thơ đã lột xác khi vượt thoát khỏi định mệnh khô khan của khoa học; vượt thoát xiềng xích của quá khứ; vượt thoát hố sâu chia cách của văn hóa, của ngôn ngữ để trở thành những hình dạng cởi mở, khép để nối, mở để kiếm lại nhau thành những vòng tròn đồng tâm liên tiếp, thành những vòng ôm muôn dạng, muôn màu. Đó là cầu vòng mầu nhiệm của tình yêu. Đó cũng là trào lực của sáng tạo qua thi ngữ, hay sự lột xác của ngôn ngữ cởi mở, biến dạng thành thơ, thành nhạc.
Nếu sinh hoạt văn học là truyền thông và giao cảm, thì công việc của người đọc một tác phẩm, một bài thơ sẽ là công việc bổ xung có tác dụng tiếp nối dòng nhân điện giữa người sáng tác và người lãnh hội. Nhờ sự luân lưu hai chiều giữa tác giả và độc giả, tác phẩm trao tay đã dần dần hoàn tất, càng lúc càng chọn vẹn hơn, mầu nhiệm hơn. Nếu tác giả có công tạo dựng tác phẩm, thì độc giả có công tìm hiểu và nuôi dưỡng tác phẩm đó. Cả hai bên đều tham dự vào một công trình hai mặt: sinh và dưỡng đứa con tinh thần, đứa con văn hoá, như một mối tình chung, trong một vòng “ôm lâu” khác, mà thú vị đã gắn liền với thi vị.
Lưu Nguyễn Đạt, Ph.D
Michigan State University
[Trích từ Văn Luận, Lưu Nguyễn Đạt, Cỏ Thơm, 2000]
CHÚ THÍCH
[1] Vũ Lang, Hạnh Ngộ, Nhà Xuất Bản Rạng Đông, Fairfax, VA, 1997.
[2] Julia Kristeva, Semiotiké, Paris, Seuil, 1969