Une Voix Dans La Nuit, Một Tiếng Nói Trong Đêm Khuya. Vâng, đó là nhan đề một tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp của cố Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997), chưa được in và phổ biến. Tuy nhiên sơ lược nội dung đã được trích dịch trong cuốn biên khảo Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc của nhà phê bình văn học Thụy Khuê (NXB Tiếng Quê Hương, Virginia, 2012 – 975 trang) (1). Đó là tác phẩm cuối đời của cụ, hoàn tất năm 1993.
Những người thuộc thế hệ 20, 30, 40 thế kỷ trước, ngoài Bắc, trong Nam, chắc không xa lạ với Nhân Văn Giai Phẩm, một phong trào của văn nghệ sĩ đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác (Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, v.v.) và tên tuổi cùng sự nghiệp và số phận nghiệt ngã của vị trí thức tiền bối Nguyễn Mạnh Tường, lừng danh “lưỡng khoa trạng nguyên” trong giới trí thức Việt-Pháp thế kỷ 20.
Trước hết, trong tác phẩm Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc (NXB Quê Mẹ tái bản, 1983) học giả Hoàng Văn Chí đã giới thiệu “Nguyễn Mạnh Tường là một người nổi tiếng thông minh, mới 23 tuổi đã đỗ hai bằng Tiến sĩ, Luật khoa và Văn khoa”. Sau đó, là bài diễn văn “Qua Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất, Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo” mà cụ Tường với tư cách đại diện trí thức Thủ đô, đã đọc trước Mặt Trận Tổ Quốc tại Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 1956, được cụ Chí mô tả là “đã làm rung động dư luận thế giới”. Vì sao?
Một cách sơ lược, qua lời văn hùng biện và đầy thuyết phục — nhưng khiêm nhường, đôi khi cay đắng — nhà trí thức luật học Nguyễn Mạnh Tường đã phân tích rạch ròi nguyên nhân những sai lầm tai hại mà Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã mắc phải trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) tại Việt Bắc trong những năm 1953-56 mà ông quy vào “sự lãnh đạo của ta thiếu dân chủ, xa lìa quần chúng”. Sau đó, ông chỉ ra phương hướng sửa chữa: “một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự”.
Hậu quả ra sao, ai ai cũng đã rõ, và CCRĐ vẫn còn tồn đọng như một vết nhơ lịch sử chưa được tẩy xóa (2). Phản ứng “căm thù giai cấp” của ĐCSVN đã đẩy cuộc sống cụ Tường xuống bùn đen: 30 năm bị cô lập với xã hội trong đói khổ triền miên.
***
Sau truyện dài Ác Mộng của Ngô Ngọc Bội lần đầu kể chuyện CCRĐ, nhà văn Tô Hoài theo ký ức của ông trong vai trò một anh đội phó đã phơi bầy trung thực những hành vi nhảm nhí, thô tục, lợi dụng tình dục của một đội Cải Cách (CC) trong tác phẩm Ba Người Khác (NXB Đà Nẵng, 2006) được nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân mô tả như “một tiểu thuyết lịch sử, chẳng những vì đã 50 năm từ sau CCRĐ mà còn vì tác phẩm nói thẳng về sự kiện đó, một sự kiện rung chuyển đời sống của hàng triệu người Việt, một sự kiện không thể tẩy xoá được của lịch sử nước Việt”.
Cụ Tường là một nhà thâm cứu văn chương cổ điển Pháp và chịu ảnh hưởng nặng nề của văn minh Địa Trung Hải cho nên những tác phẩm của cụ có phần xa lạ với đa số người Việt. Cuốn Un excommunié (Kẻ bị khai trừ) (3) là một ví dụ mặc dầu trong đó cụ đã nặng lời phê phán chủ nghĩa và nhà nước cộng sản dưới hình thức hỏi-đáp. Cụ cũng đã xót xa kể lể về cái đói “mờ con mắt” mà gia đình cụ bị hứng chịu.
Là một trí thức nặng lòng yêu nước, cụ Nguyễn Mạnh Tường đi kháng chiến, làm việc trong kháng chiến, tham gia CCRĐ rồi ở lại với “người ta” sau 1954.
Đi kháng chiến nhưng cụ Tường không “hề tham gia Mặt Trận Việt Minh” theo lời cụ nói năm 1990, nhưng năm 1951 có gia nhập đảng Xã Hội vì “bắt buộc phải chấp nhận, bởi chẳng nên khăng khăng cương quyết từ chối mãi ý nguyện của Đảng, nhất là trong chiến khu, có những con mắt vô hình kiểm soát nhất cử nhất động. Khá là nguy hiểm”. Là luật sư, cụ cũng được “cử làm luật sư của chính phủ đi bào chữa cho tội nhân tại tòa án quân sự, đại hình”. Tham gia CCRĐ, cụ kể lại sự việc “mấy ông từ trung ương cứ tưởng tượng ra những chỉ tiêu rồi ra lệnh xuống bắt các địa phương phải thực hiện”. Cụ thấy “điếng cả người” khi “được học tập theo lệnh từ trên là tại địa phương này (Phủ Nho Quan) có cả thẩy 80% dân chúng thuộc thành phần địa chủ”!
Cuối 1952, cụ được cử đi Vienna dự Hội Nghị các Dân Tộc do Phong trào Hòa Bình Thế Giới (ảnh hưởng Liên Xô) tổ chức. Theo George Boudarel (4), “một lần nữa, ông lại làm phát ngôn viên khôn khéo và hùng biện cho chính phủ Hồ Chí Minh, dù ông không chia sẻ mọi quan điểm… Chuyến đi Vienna đã có thể là cơ hội lý tưởng cho luật sư Nguyễn Mạnh Tường chạy sang phía bên kia. Nhưng không. Ông trở về xứ. Vì yêu nước… mà cũng vì muốn làm thay đổi từ bên trong bằng sức mạnh của ngôn từ”.
Bốn năm sau và hai năm sau Điện Biên Phủ (tháng 5, 1956), một lần nữa, cụ Tường lại được cử làm Trưởng Phái đoàn Luật gia nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) dự hội nghị Hiệp hội Luật gia Dân chủ tại Bruxelles (Bỉ). Một lần nữa, cụ lại trổ tài thuyết khách bênh vực cho chủ trương thống nhất đất nước, cho dù có phải đấu tranh vũ trang, viện dẫn ngạn ngữ La-tinh Si vis pacem, para bellum (5). Và sau đó, cụ cũng lại mất công đối thoại dông dài với các “luật gia” của Tiệp khắc và Liên Xô.
Có điều là dù cụ viết năm 1990 theo hồi ức, cụ dường như không biết rõ tình hình của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong thời gian cách ly Bắc-Nam 1954-1975 nên cụ đã lên án mạnh mẽ việc chính quyền Ngô Đình Diệm “thân Mỹ” bắt giam các trí thức như LS Nguyễn Hữu Thọ (6) và đàn áp nhân dân sau khi họ “tổ chức đấu tranh vũ trang rộng khắp miền Nam” (7). Lạ nữa là cụ Tường không hề đả động tới cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, việc ĐCSVN “đánh tư sản mại bản” và cho đi “tù cải tạo” hàng trăm ngàn quân dân cán chính trong đó có không ít trí thức, và xô đẩy hàng nửa triệu con người xuống vực sâu biển cả, sau khi miền Nam bị cưỡng chế “thống nhất” như cụ đã từng biện minh. Thời khoảng 1975-90 là 15 năm, cụ há không biết những hành động tàn khốc đó?
Cho nên, có thể coi Un Excommunié đơn thuần như hồi ức kể lể cuộc đời khổ ải của riêng cụ tại miền Bắc và bài diễn văn “nẩy lửa” nói trên là một nguyên nhân khiến Đảng đàn áp trí thức tàn bạo cho dù ta có xót thương cụ hay mến phục tài năng bẩm sinh của cụ như một “đại trí thức” một thời của đất nước? Nếu cần so sánh, có thể viện dẫn những “hậu sinh khả úy”, cái chết tức tưởi trong lao tù CS của nhà trí thức LS Trần Văn Tuyên, BS Phan Huy Quát, 27 năm tù đầy của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, “Trại Kiên Giam”, “Đại Học Máu”, “Đáy Địa Ngục”? Tôi nghĩ cũng cần phải sòng phẳng với quá khứ mà không quá thiên vị một ai.
Nhìn từ khía cạnh độ lùi của thời gian, ta có thể đặt câu hỏi: LS Nguyễn Mạnh Tường có thể “khờ khạo” đến mức không tưởng đó sao? Hậu bối chúng ta có thể không hiểu nổi. Yêu nước? Vì muốn độc lập, thống nhất cho Việt Nam? Đâu chỉ có một con đường sắt máu của ông Hồ? Bản năng trí thức trong con người cụ Tường không thể không biết! Vì sao? Thượng tôn pháp lý? Cụ cũng thừa biết, qua kinh nghiệm, là Đảng luôn luôn ngồi trên pháp lý. Cụ đã bênh vực trên pháp lý cho Bảo Đại hồi 1950-51, khi ấy đã thành lập chính phủ Quốc Gia trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, chẳng lẽ cụ không có tinh thần dân tộc, hay trong thâm tâm cụ đã khinh rẻ Bảo Đại như tay sai của thực dân Pháp? Để rồi sau này, năm 1989-90, cụ cũng trở qua cựu mẫu quốc,“quê hương của trí tuệ”, mà chẳng có lấy một lời nhận xét về chế độ đã bức hại cụ hay châm chước “hãy để lịch sử phán đoán về ông Hồ Chí Minh”. Một tâm hồn quá cao thượng? Một trí thức “lầu ngà”? Hay chỉ là nạn nhân bị điều kiện hóa “à la Pavlov” của hội chứng sợ hãi như nhà triết học Trần Đức Thảo sang đến Paris mà nhìn đâu cũng thấy công an?
***
Trong tiểu thuyết Une Voix Dans La Nuit mà Thụy Khuê dịch là Tiếng Vọng Trong Đêm, 109 trang, viết xong đầu năm 1993 khi tuổi đời đã xấp xi 85, cụ Nguyễn Mạnh Tường mô tả và phân tích những giai đoạn chính trong đời sống Việt Nam dưới chế độ cộng sản trong khoảng thời gian 40 năm (từ 1950 đến 1990). Một điều cần nói rõ ngay là không gian tiểu thuyết chỉ giới hạn ở miền Bắc.
Cũng vẫn những chủ đề: CCRĐ, Cải Tạo Tư Sản, và thân phận trí thức dưới chế độ độc quyền đảng trị, nhưng theo Thụy Khuê, đó là một tài liệu lịch sử “mở địa bàn rộng hơn”, “truy nguyên đến cội nguồn…lý do vận hành và mục đích của ba chính sách: tiêu diệt địa chủ, tư sản, và trí thức”.
Tiêu diệt địa chủ trong CCRĐ
Nhân vật nòng cốt của tiểu thuyết là Năng, đội phó CC, Thùy, đoàn viên Thanh niên CS và hai vai phụ: Lan và Hiền. Khác với Huỳnh Cự, đội trưởng CC ngu đần, hãnh tiến trong tiểu thuyết Ba Người Khác của Tô Hoài, ông đội trưởng của cụ Tường rõ ràng là một người có học. Trong gần 3 trang giấy, ông trịnh trọng đọc một diễn văn trước cử tọa đội viên với ngôn từ hoa mỹ, kiêu sang hiếm có, nghe như chính biện luận của tác giả vậy.
Với những thưa gửi lễ độ, Thùy và Năng cũng “xin phép” phát biểu cảm tưởng trịnh trọng và dông dài không kém đội trưởng. Cảm tưởng của người đọc là đang xem một vở kịch do những kịch sĩ tài ba diễn suất. Sau đó là “nghi lễ đấu tố” dược dàn cảnh với ba vị thẩm phán nhân dân rồi hai phụ nữ “chuyên cãi lộn với bạn hàng và những con mẹ lắm điều ngoài chợ, họ sành sỏi ngôn ngữ hàng tôm hàng cá và tối ưu trong việc vận dụng tiếng chửi thề.” Đó là những bần cố nông “xâu chuỗi”? Ta cũng chưa thấy các đội viên “bắt rễ” với họ như thế nào như Tô Hoài đã kể một cách sống động và sống sượng. Tôi ước chi được xem lại phim “Chúng tôi muốn sống” (8), thay vì đọc truyện tao nhã của cụ Tường.
Cải Tạo Tư Sản
Câu chuyện chỉ xoáy vào những chủ nhân như ông Cát cho thuê nhà kiếm thêm tiền sinh sống nhưng bị coi là “bóc lột” bởi vì “không sống bằng việc làm mà sống bằng lợi tức thu được”. Không ai khác hơn là Năng, con gái ông, đã hùng hồn thuyết trình, với tư cách phó chủ tịch UBHC Hà Nội, vể chống tư sản bóc lột bằng cách cho thuê nhà. Lại một diễn văn “trên bình diện nguyên tắc”, “Thưa các đồng chí” dài 5 trang giấy với ngôn từ lộng lẫy của nhà thuyết khách Nguyễn Mạnh Tường.
Công cuộc “đánh mại bản tư sản” của ĐCSVN không đơn giản như thế. Những người giầu “có máu mặt”, chủ nhân những villa, khách sạn, hay nhà hàng lớn đã hứng chịu số phận hẩm hiu bị tống khứ như thế nào, dân Hà Nội đều biết. Hãy nhìn bãi Phúc Xá – Phà Đen trong lòng sông Hồng bây giờ để thấy trùng trùng điệp điệp những căn nhà ở xây cất vội cho những chủ nhân bị tống khứ khỏi thành phố (9). Rồi còn những villa phố Tây của những chủ nhân người Việt, Pháp hay ngoại quốc đã “bỏ của chạy lấy người” sau 1954. Đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Cột Cờ…có bao nhiêu villa được cấp cho những ông “kẹ”, những “công thần” của chế độ “vô sản chuyên chính”, ở xong rồi “hóa giá” bán lại cho ngoại quốc để xây biệt thự lộng lẫy trên đê Yên Phụ? Đó mới là hệ quả lớn lao của “đánh tư sản; căn nhà Hàng Giấy của ông Cát có thể coi như không đáng kể. Ấy là chưa nói trong khu phố cổ, có bao nhiêu căn nhà ống chật hẹp đã bị nhồi nhét hàng 5, 7 gia đình chen chúc nhau sống như gà, lợn? Vợ chồng cụ Tường dẫu sao cũng vẫn yên vị tại ngôi nhà cũ, 34 Tăng Bạt Hổ.
Trí Thức và Độc Tài Đảng Trị
Trong chương 25 dài tới 35 trang, sách đã dẫn, Thụy Khuê dẫn lại lời “vị Tổng Bí Thư” nói về bản chất trí thức “ngậm miệng” đối kháng và thuyết minh phản biện của cụ Nguyễn Mạnh Tường, những mẩu đối thoại vòng vo, lẩn quẩn trong mâu thuẫn ngàn đời giữa độc tài đảng trị và tự do dân chủ. Từ lâu, nghe nói Mao Trạch Đông đã coi “trí thức không có ích bằng cục phân”, nhưng ở Việt Nam không thế. ĐCSVN đã khôn khéo lợi dụng sự tham gia của trí thức, trước hết là trong cuộc kháng chiến dành độc lập đã lập ra hai đảng hình thức ngoại vi: Dân Chủ và Xã Hội, rồi “Mặt Trận Liên Việt” (bây giờ là Mặt Trận Tổ Quốc) để đoàn ngũ hóa trí thức, với mục đích kiểm soát và tận dụng sở trường của họ trong tiến trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa.
Bắt chước Trung Quốc đề ra phong trào “Bách Hoa Khai Phóng, Bách Gia Tranh Minh” để diệt những phần tử hữu khuynh như Hồ Thích, Hồ Phong, VNDCCH cũng “Trăm Hoa Đua Nở” mà hệ quả là Nhân Văn Giai Phẩm quy tụ những văn nghệ sĩ và trí thức đứng ra đòi hỏi tự do dân chủ thoát khỏi sự chỉ đạo của Đảng. Dưới sự điều phối của Nguyễn Hữu Đang, NVGP cũng được sự hợp tác của nhà triết học Mác xít Trần Đức Thảo và sau là LS Nguyễn Mạnh Tường với bài diễn văn phê phán sai lầm trong CCRĐ và đề xuất biện pháp sửa sai: pháp trị và tự do dân chủ.
Đầu thập niên 90 lại đến lượt những trí thức cứng đầu cứng cổ không tin tưởng ở chủ nghĩa cộng sản bị Đảng trách cứ rồi bạc đãi. Sử gia Trần Quốc Vượng đã phải than van: “Ôi làm thẳng người Việt Nam, làm “trí thức Việt Nam” biết bao là “hệ lụy”. Sang nghiên cứu tại Đại học Cornell năm 1991 rồi viết bài bất lợi cho chế độ, ông bị cô lập, cho nghỉ hưu non với số lương hàng tháng mà ông bông đùa “vừa đủ uống 3 chai bia”. Nhà dân tộc học, GS Nguyễn Từ Chi, 25 năm không được ra nước ngoài chì vì tội kết hôn không xin phép Đảng (10).
***
Câu chuyện đến đây đã thành lịch sử, tưởng khỏi cần nhắc lại. Có điều là những biến cố trong Une Voix Dans La Nuit cũng chỉ tương tự như trong Un Excommunié. Dù được viết xong năm 1993, tiễu thuyết này không hề đả động tới cuộc chiến “Chống Mỹ Cứu Nước” — cái bellum của cụ — và sau đó, thảm trạng miền Nam, trong đó những hành động độc ác dã man của ĐCSVN dưới triều Lê Duẩn – Đỗ Mười: “đổi tiền”, “đánh tư sản mại bản”, “kinh tế mới”, “tập trung cải tạo”, “xô đẩy thuyền nhân” xem ra còn vang dội gấp nhiểu lần Tiếng Vọng Ban Đêm của cá nhân Nguyễn Mạnh Tường. Đó là Sự Thật Lịch Sử viết ra với lòng thành, không hề sợ thất kính với tiền bối. Là nén hương lòng thắp lên để danh thơm của Cụ sống mãi trong lòng dân tộc với ước vọng mà Cụ đã chỉ ra cách đây 56 năm: “một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự”.
Chu Việt
6.2012
—————————————-
(1) Tất cả những trích dẫn tiếng Việt trong bài là sao chép lại từ cuốn biên khảo này của Thụy Khuê. Phần khác đến từ nguyên bản Pháp văn đã đọc.
(2) Xem tài liệu Bọn NVGP trước Tòa án Dư luận 1959, NXB Sự Thật, Hà Nội trong đó có Báo Cáo Tổng Kết của Tố Hữu.
(3) Un Excommunié – Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel – Avant-propos de Võ Văn Ái – NXB Quê Mẹ, Paris 92. Văn chương hoa mỹ, kiêu kỳ, gần như tư biện; tư duy nặng chĩu ảnh hưởng của Montaigne, Rousseau, Eschyle, Virgile (e.g. La Montée au Capitole, La Roche Tarpéienne, và những điển cố, ẩn dụ, trong văn hóa Hi-La như Saint Antoine, Pontius Pilate, Trissotin…chỉ có những người am tường văn hóa này mới thấu hiểu).
(4) George Boudarel (1926-2003) là đảng viên CS Pháp, từng dậy sử tại Lycée Marie Curie Sài Gòn và triết tại Lycée Yersin Đà Lạt cuối thập niên 1940. Năm 1949, đi theo Việt Minh lên chiến khu Việt Bắc, được cử làm chính ủy Trại 113 (Lạng Kiều, Hà Giang) giam 320 tù binh Pháp và từng bị tố cáo đã tra tấn họ khiến 278 người chết
(5) Muốn sống hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh.
(6) Đảng viên cộng sản, sau này được Đảng cử làm Chủ tịch Chính phủ Lâm thời miền Nam VN (CPLTMNVN), một phó sản của MTGPMN.
(7) Un Excommunié, sđd, trang 32.
(8) Chúng tôi muốn sống, phim đen trắng do đạo diễn Vĩnh Noãn, nhà sản xuất Bùi Diễm, với các diễn viên Lê Quỳnh (thân phụ ca sĩ Ý Lan) và Mai Trâm, trình chiếu từ năm 1956. Phim sống động, hiện thực, về thảm cảnh CCRĐ gây xúc cảm mạnh cho khán giả, nhất là xen cụ già địa chủ bị chôn ngập cổ để một lưỡi cầy kéo qua. Rùng rợn.
(9) ) Trong số có gia đình chị D., người bạn học Trưng Vương của vợ tôi năm nào, vốn là chủ tiệm ảnh Vinh Quang, cạnh nhà thuốc tây Vũ Đỗ Thìn đường Bờ Hồ trông ra cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn.
(10) Xem Trong Cõi của Trần Quốc Vượng, NXB Trăm Hoa, 1993, 5 bài chót, đặc biệt bài “Nỗi Ám Ảnh của Quá Khứ”, trang 272.