Như đã được viết trong bài “Hội Nghị Các Dân Tộc Đông Dương, Một Trang Sử Bị Bỏ quên” (10.9.2010), tôi xin tóm lược các sự kiện đã diễn ra như sau:
“Hội Nghị các Dân Tộc Đông Dương” (tên tiếng Pháp: Conférence de Peuples Indochinois) khai mạc vào ngày 01.3.1965. Hội nghị này đã được Quốc trưởng Cam Bốt Norodom Sihanouk quyết định triệu tập sau khi tiếp xúc với Ông Lê Doãn Kim, lãnh tụ của Phong trào Trung Lập Việt Nam từ Sài-Gòn sang Phnom Penh vận động. Hội Nghị này được dự định khai mạc vào ngày 25.2.1965 nhưng đã bị đình hoãn vì phái đoàn Cộng sản Hà-Nội và “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” phản đối sự tham dự của “Phong trào Trung Lập Việt Nam” do Ông Lê Doãn Kim cầm đầu.
Đòi trục xuất phái đoàn của Ông Lê Doãn Kim không được, vì bị Ông Sihanouk cương quyết bác bỏ, phe cộng sản lại đòi có sự tham dự của một phái đoàn khác cũng chủ trương “trung lập” từ Sài-Gòn sang. Nhờ Ông Lê Doãn Kim đồng ý, bế tắc đã được khai thông và Hội Nghị đã được khai mạc vào ngày 01.3.1965 và kéo dài 8 ngày.
Tham dự cuộc Hội Nghì này có phái đoàn của nhà cầm quyền CS Hà Nội (gồm Hoàng Quốc Việt, ủy viên Bộ Chính trị CSVN kiêm chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc, Hoàng Minh Giám, bộ trưởng ngoại giao của chính phủ Hồ Chí Minh đầu tiên năm 1945, và Trần Xuân Bách, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị CSVN), phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (gồm Huỳnh Tấn Phát, Phùng Văn Cung, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng), từ Paris có cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu và Ông Nguyễn Mạnh Hà, đến từ Lào có phái đoàn của Hoàng thân Souphana Phouma, và phái đoàn “Trung Lập Thuần Tuý” do Ông Lê Doãn Kim cầm đầu.
Trong khi chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ở Sài-Gòn cố tình làm ngơ Hội Nghị Phnom Penh và tình hình chiến sự ngày một lan rộng với việc đổ quân tác chiến Mỹ vào miền Nam VN, báo chí quốc tế đã đặc biệt quan tâm tới cuộc Hội Nghị này và đã tường thuật đầy đủ. (Xin xem phóng ảnh đính kèm bài viết về Hội Nghị Phnom Penh của Chaffard trên nhật báo Pháp Le Monde ngày 09.3.1965 và một trang trong cuốn “La Conférence des Peuples Indochinois” của Francois Joyaux).
Trong hồi ký Thời Đại Của Tôi (cuốn II), GS Vũ Quốc Thúc đã viết về “Hội Nghị Phnom Penh” (trang 679- 694) nguyên văn như sau:
“Ai cũng biết năm 1966, trong một cuộc viếng thăm chính thức Cam Bốt, cố Tổng Thống Pháp De Gaulle đã đọc một bài diễn văn quan trọng. Bài diễn văn của ông De Gaulle đã đưa ra đúng lúc Hoa Kỳ vừa đem quân vào dưới vĩ tuyến 17 lấy cớ giúp đỡ cho đồng minh Việt Nam Cộng Hoà chống lại sự xâm lăng từ Bắc Việt. Cố Tổng Thống De Gaulle thấy đó là một mối đe dọa cho sự an ninh của toàn cõi Đông Dương. Chính vì thế, theo lời mời của Quốc trưởng Sihanouk, ông De Gaulle đã sang thăm Nam Vang và đọc bài diễn văn quan trọng trong đó ông ta gần như thỉnh cầu Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam Cộng Hoà, mặt khác nên để cho toàn cõi Đông Dương, trong đó có Việt Nam, Lào Quốc, Cam Bốt được hưởng quy chế trung lập theo quốc tế công pháp. Cố Tổng Thống De Gaulle còn đi xa hơn nữa. Ông cho rằng nền trung lập này không nên chỉ giới hạn ở ba nước Đông Dương, mà cần phải nới rộng ra toàn vùng Đông Nam Á. Có như thế nền hoà bình của thế giới mới bảo đảm được, vì ngày nào còn xung đột quân sự giữa phe tự do và phe cộng sản như đã xảy ra trên đất Việt Nam, mối đe dọa đó vẫn tồn tại và vẫn có thể đưa tới chiến tranh liên mien. Điều này trong cuốn bạch thư về vấn đề vã hồi Hiệp Định Paris, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh.
“Nhưng đề nghị của ông De Gaulle quả thực lúc đó hãy còn sớm quá. Tất nhiên Hoa Kỳ không thể nào chấp nhận, vì Hoa Kỳ cho rằng cần phải can thiệp trực tiếp ngõ hầu ngăn chặn sự bành trướng của Cộng sản, từ miền Bắc, tức từ Trung Quốc qua Bắc Việt. Hoa Kỳ cho rằng mình có nhiệm vụ tranh đấu cho toàn thế giới tự do. Cho nên đề nghị của ông De Gaulle đã gặp ngay sự chống đối của một phần lớn dư luận Hoa Kỳ, nhất là giới ký giả. Một khi giới này lên tiếng sự việc đã có một âm vang sâu rộng trong dư luận toàn thế giới. Như vậy, lời kêu gọi của ông De Gaulle chỉ là lời kêu gọi trong sa mạc. Mặc dù vậy, đã có một sự cố gắng của những người Việt Nam cũng như Khmer để thực thi đề nghị của ông De Gaulle, và tất nhiên trong này có sự yểm trợ gần như trực tiếp của chính quyền Sihanouk. Một cuộc hội nghị Đông Dương đã được tổ chức ở Nam Vang, trong đó có một nhân vật tôi quen biết dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà là ông Lê Doãn Kim. Ông Lê Doãn Kim đã tranh đấu và có ý kiến trung lập từ lâu. Nhưng năm 1966, ông Lê Doãn Kim không ở Việt Nam, vì thuộc vào ‘thành phần thứ ba’ (trong đó có những người chủ trương trung lập) bị chế độ quân nhân nghi kỵ, nếu hiện diện ở Việt Nam Cộng Hoà, ông Kim có thể bị bắt giam. Chính vì thế ông đã di tản sang Cam Bốt. Trong Hội nghị Đông Dương tổ chức ở Nam Vang tất nhiên không có phái đoàn chính thức nào từ Việt Nam Cộng Hoà tới tham dự. Khỏi cần nói là phiá Hà Nội cũng không có đại diện chính thức. Như vậy, nhóm ông Lê Doãn Kim đã nói lên tiếng nói của những người ‘phi liên kết’. tiếng nói không thể gây âm vang khi trong không gian lúc nào cũng văng vẳng tiếng bom đạn…” (hết trích)
Trong bài “Hội Nghị Các Dân Tộc Đông Dương, Một Trang Sử Bị Bỏ Quên”, phổ biến ngày 10.9.2010, tôi đã ghi lại nhiều chi tiết và diễn biến liên quan đến Hội Nghị Phnom Penh năm 1965 sau khi tiếp xúc với Ông Lê Doãn Kim và tham khảo các tài liệu liên hệ.
Trong gần hai tháng, GS Vũ Quốc Thúc đã giữ im lặng, không giải thích về những sai lầm trong cuốn hồi ký của ông. Trong buổi ra mắt “Thời Đại Của Tôi” tại Paris hôm Chủ Nhật 07.11.2010, Bà Bùi Lan Nga, một cựu môn sinh của GS Vũ Quốc Thúc tại Đại Học Luật Khoa Sài-Gòn, đã nêu lại vấn đề trung lập hoá Việt Nam và Hội Nghị Phnom Penh để xin tác giả “Thời Đại Của Tôi” giải đáp. Giáo sự Vũ Quốc Thúc đã không trả lời vào câu hỏi mà chỉ nói đến bối cảnh lịch sử Việt Nam thời ấy và đến cuộc viếng thăm Phnom Penh của Tổng thống Pháp De Gaulle vào năm 1966, và vẫn cho rằng Hội Nghị Phnom Penh về trung lập Đông Dương đã diễn ra sau khi Tướng De Gaulle tới Cam Bốt.
Trong bài phát biểu tại buổi ra mắt “Thời Đại Của Tôi” ở Paris nói trên, Luật sư Vương Văn Bắc đã đề cao đặc tính “tôn trọng sự thật” trong bộ hồi ký của GS Vũ Quốc Thúc: “Ngay trong phần mở đầu ở cả hai cuốn sách, Giáo sư luôn nhấn mạnh đến sự thật ‘Việc tôn trọng sự thật là bổn phận hàng đầu của mọi học giả’. Tôi thấy lời hứa này đã được tôn trọng, sự tôn trọng được chọn lựa trên cả toàn diện các thời đại, chứ không riêng gì đối với cá nhân. Toàn thể tác phẩm gợi lại cho chúng ta thấy cả một triều đại rất thật, rất sống động.”
Trong băng hình được Người Việt Online phổ biến ngày 07.11.2010, GS Vũ Quốc Thúc cũng nhấn mạnh: “Sự thật lịch sử nhiều khi, vô tình hay cố ý, đã bị cắt xén, hay tô màu, thậm chí uốn nắn, bịa đặt chỉ vì kẻ tường thuật đã thiếu khách quan.”
Như vậy, việc sai lầm trên sách báo không phải là chuyện lạ. Vì thế người xưa đã có câu “Quá tin vào sách, thà đừng có sách” (tận tín thư, bất như vô thư). Khi sự sai lầm trên sách báo được phát hiện, một tác giả có lòng khiêm tốn và tinh thần trách nhiệm nên kịp thời sửa chữa để tránh những hậu quả tiêu cực cho người đọc.
Vì vậy, với mục đích soi sáng thêm vào vấn đề này, tôi đã liên lạc với Ông Lê Doãn Kim một lần nữa để yêu cầu ông cho biết cảm nghĩ về sự sai lầm trong bộ hồi ký của GS Vũ Quốc Thúc và về quá trình cũng như triển vọng của giải pháp trung lập hóa Việt Nam, và đã được ông trình bày dưới đây, qua chính lời ông.
“GS Vũ Quốc Thúc có tâm thành, chí thiện, duy chỉ lầm lẫn về thời điểm, nội dung, thành phần tham dự và tầm quan trọng của giải pháp trung lập cho Việt Nam được trình bày tại Hội Nghị Các Dân Tộc Đông Dương, họp từ ngày 1 đến ngày 9, tháng 3, năm 1965 tại thủ đô Phnom Penh của Cam Bốt.
“Sự nhầm lẫn ở tuổi hạc cao của Cụ Thúc là điều thông thường, dễ hiểu, mà theo tinh thần ‘kính lão đắc thọ’, ai cũng dễ thông cảm, bỏ qua. (Hơn nữa, xét người phải nghĩ đến ta, nếu thọ đến tuổi hạc như Cụ Thúc, e tâm trí chúng ta còn lắm điều lầm lẫn hơn nhiều.) Nhưng dầu sao tôi cũng nghĩ là GS Vũ Quốc Thúc, một nhà đại trí thức, vẫn cần đính chánh phần sai sót trong tập sách Thời Đại Của Tôi.
“Bằng không, hẳn sau này giới trẻ sẽ rất hoang mang, tưởng lầm rằng giải pháp trung lập và Hội Nghị các Dân Tộc Đông Dương (họp từ đầu năm 1965) tại Phnom Penh là do Tướng De Gaulle, tổng thống nước Pháp, chủ trương, qua bài diễn văn đọc tại Phnom Penh vào đầu tháng 9 năm 1966!
“Sự thật lại không phải như vậy mà chính là do Bản Cương Lĩnh 8 Điểm Kiến Tạo Hòa Bình của Phong Trào Trung Lập Việt Nam (Programme de Paix Constructive en 8 Points du Mouvement Neutralist du Viet Nam) đề ra từ đầu năm 1964, đã góp phần tác ý chính quyền Cam Bốt, khiến Thái Tử Norodom Sihanouk quyết định triệu tập HỘI NGHỊ CÁC DÂN TỘC ĐÔNG DƯƠNG vào năm 1965. Hội Nghị này được dự định khai mạc vào ngày 25-2-1965 nhưng đã phải dời lại đến ngày 1- 3-1965 do yêu sách phi lý của phe Cộng sản nên phải đình hoãn 5 ngày mới được khai thông như tôi đã nói sơ qua trước đây.
“Qủa thật Tướng De Gaulle có sang Cam Bốt và đọc một bài diễn văn tại Phnom Penh ngày 1 tháng 9, 1966, chỉ để chỉ trích Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, và chính thức, long trọng đề cao chủ trương trung lập hóa Việt Nam và Đông Dương, nhưng vô vọng, chẳng gây được tiếng vang gì tại Cam Bốt, cũng như tại Việt Nam.
“Tôi xin mở một dấu ngoặc để nhắc lại thời kỳ nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế Chiến II, Tướng De Gaulle lãnh đạo phe Pháp Tự Do chống Đức, trong lúc Thống Chế Pétain cầm đầu chánh phủ Pháp thân Đức, tuy chống đối nhau như ‘kẻ thù không đội trời chung’ nhưng lại rất giống nhau trên lập trường thuộc địa. Đặc biệt, sau ngày Nhật xâm chiếm Việt Nam từ trên tay người Pháp (tháng 6, 1940), cả De Gaulle lẫn Pétain đều khẳng định phải giành lại, phải củng cố, phải giữ vững thuộc địa, phải duy trì đế quốc Pháp, hòng phục hồi cương vị cường quốc cho nước Pháp bại trận, đang bị suy thoái trầm trọng ngay trong thời Đức chiếm đóng và sau thế chiến II. Cả hai lãnh tụ Pháp, De Gaulle và Pétain, không ai bảo ai, đều dõng dạc kêu gọi: ‘hỡi những đứa con thân yêu của ‘mẫu quốc,’ phải giữ vững tinh thần và phải tuyệt đối trung thành với nước ‘Đại Pháp’!
“Rồi tại Brazzaville ở Phi Châu, trong cuộc họp giữa những người Pháp Tự Do, Tướng De Gaulle lại khẳng định lập trường thực dân lỗi thời của Pháp, đặc biệt đối với Đông Dương là phải dập tắt ngay tất cả những xu hướng đòi tự trị và đòi phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ của đế quốc Pháp. Còn những mưu toan thành lập tại Đông Dương một lọai ‘chính quyền tự trị’, dẫu rằng trong một tương lai xa vời sẽ được nước Pháp trù liệu cho, nhưng hiện tại phải nhất quyết và dứt khoát lọai bỏ. (Xem Charles De Gaulle: “Discours et Messages 1940-1946”; trang 370-373).
“Vào giữa tháng 8-1941, Roosevelt đề nghị một cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Churchill và đã đi đến việc công bố bản Hiến Chương Đại Tây Dương, trong đó cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Anh quốc đều khẳng định lập trường:
1- Không tìm cách xâm chiếm đất đai hay quyền lợi của một nước nào. 2- Tôn trọng quyền lựa chọn của đại đa số qua những cuộc trưng cầu dân ý về thể chế và chính phủ mà họ mong muốn. 3- Hoan hỷ nhìn nhận sự toàn vẹn chủ quyền sẽ được tái lập tại những nơi nào trước kia từng bị tước đoạt. (Winston Churchill, The Grand Alliance, trang 443).
“Nhưng sau khi Đức Quốc xã bại trận, chính Churchill đã ủng hộ De Gaulles để mưu toan duy trì thuộc địa, đối phó với cao trào nổi dậy đòi độc lập trên khắp thế giới, và đương đầu với Tổng thống Roosevelt, người từng chủ trương giải trừ chủ nghĩa thực dân và giải phóng các thuộc địa một khi Thế Chiến II chấm dứt.
“Xem đó, ắt hiểu được mưu định của De Gaulle, đầu tháng 9 năm 1966, đã phải qua tận Phnom Penh, chỉ sau Hội Nghị Các Dân Tộc Đông Dương một năm, quyết kêu gọi Việt Nam ngả theo thuyết trung lập, mập mờ như là của Pháp De Gaulle, chủ trì lôi kéo Việt Nam bỏ Mỹ, mau trở lại theo Pháp. De Gaulle cố quên rằng giải pháp Trung Lập Hóa Việt Nam và Đông Dương, mà De Gaulle và Churchill đã từng chống đối, lại do chính Tổng Thống Hoa Kỳ, Franklin D. Roosevelt, chủ xướng từ năm 1940, để yêu sách Nhật phải rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đặt Việt Nam và Đông Dương dưới quyền xử lý của một Hội Đồng Quản Trị Quốc Tế, mở rộng đường cho Việt Nam, Cam Bốt và Lào tiến đến Độc Lập và Tự Do.
“Tôi tin rằng sẽ không có người Việt Nam nào, một khi đã quyết dấn thân kiên cường tranh đấu cho Việt Nam Độc Lập, Hòa Bình, Tự Do, Dân Chủ, Thống Nhất, Phú Cường, lại xuôi theo cái chiêu bài ‘Trung lập cơ hội’ của De Gaulle, nghe chẳng khác gì cái chiêu bài ‘Trung lập trá hình’ của MTGPMN bao nhiêu!
“Do đó, sự đính chánh của đại tác giả ‘Thời Đại Của Tôi’ là điều quan trọng và cần thiết cho các thế hệ mai sau vì lẽ dễ hiểu: ‘Lịch sử’ phải được tôn trọng, và không một ai có thể tùy tiện bóp méo hay sửa đổi sự thật. Nếu không được hiệu chính, người đọc ‘Thời Đại Của Tôi’, mà tác giả là một tên tuổi lẫy lừng nhiều năm nay từ trong nước ra hải ngoại, nhất là hậu thế sẽ đinh ninh rằng Tướng De Gaulle, một ‘ông Tây thực dân’ lỗi thời, lại là người đã đề ra đường lối trung lập cho Việt Nam noi theo! Ngẫm có buồn không?
“Ngoài mấy lời chân tình trình bày trên, nhân đây tôi cũng xin có lời cám ơn GS Vũ Quốc Thúc trong phần chót, Tập II, ‘Thời Đại Của Tôi’, đã kết luận với lời khẳng định giải pháp trung lập là cứu cánh cho Việt Nam trong giai đọan hiểm nghèo của đất nước. Và GS V ũ Quốc Thúc còn nhắc lại ‘Hội Nghị các Dân Tộc Đông Dương’ và nhắc đến tên tôi, Lê Doãn Kim, đã tham dự, tranh đấu cho giải pháp Trung Lập Hóa Việt Nam từ đầu. Hơn nữa, với hai tập sách Thời Đại Của Tôi, GS Vũ Quốc Thúc đã khiến tôi có cơ hội trình bày rõ ràng – trong một bài khác sau, đâu là con đường ‘Trung Lập Thật Sự’, cứu cánh cho một nước Việt Nam hoà bình, tự do và phú cường.
Một lần nữa, xin chân thành cám ơn GS Vũ Quốc Thúc.”
Qua phần trình bày trên đây của Ông Lê Doãn Kim, thiết tưởng câu chuyện về “Hội Nghị Các Dân Tộc Đông Dương” năm 1965 tại Phnom Penh đã rõ ràng. GS Vũ Quốc Thúc có hiệu chính sự sai lầm trong hồi ký “Thời Đại Của Tôi” hay không là quyền của ông, nhưng sự lên tiếng của Ông Lê Doãn Kim đã đóng góp sử liệu cho những ai muốn tìm hiểu sự thật về vấn đề “trung lập hoá” Việt Nam, một giải pháp được nói tới nhiều giữa thập niên 1960 rền vang tiếng bom đạn của Thế kỷ 20, và nay lại đang được nói tới đầu thập niên 2010 của Thế kỷ 21 trước nguy cơ của một cuộc tranh chấp mới, lớn hơn 50 năm trước trên mảnh đất Việt Nam bất hạnh.
Sơn Tùng
15.12.2010
One Comment
Lê Thành Nhân
Tôi nhiẹt liệt tán thành giải pháp TRUNG LẬP HÓA TOÀN BỘ BÁN ĐẢO ĐÔNG DƯƠNG – BÂY GIỜ – để tránh các cường quốc vào xâu xé Đất Nước chúng ta. Đó là SINH ĐẠO DUY NHỨT (Nếu chỉ TLH VN thì họ sẽ có thể tiếp tục dùng Lào và Cambodia để phá VN).
Thỉnh cầu những vị có cái nhìn và tư tưởng “chiến lưọc” đóng gòp vào vấn đè nầy để cứu Việt khòi họa tiêu vong. Cám ơn vietthuc đưa lên bài nầy của Son Tùng.
Lê Thành Nhân
Email: minhtandiendan@yahoocom