Nhưng sau khi đã phân tích rạch ròi như vậy, ông Cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An lại đi tới những kết luận, phải nói là rất nhạt nhẽo, vòng vo lẩn quẩn, và hoàn toàn vô ích. Ông nói: “Tôi đề nghị chúng ta vẫn giữ học thuyết Marx-Lenin.” Rồi ông lại nói tiếp: “Nhưng chúng ta không chỉ biết và vận dụng duy nhất học thuyết Marx-Lenin, mà cần phải biết và vận dụng những học thuyết tinh hoa của nhân loại như chúng ta bắt đầu làm từ khi đổi mới.” Ðã thế thì phải “giữ học thuyết Marx-Lenin” để làm cái gì? Tiếp theo đó, ông đề nghị “thay đổi chính trị,” đây mới là chuyện hấp dẫn, ai cũng muốn nghe. Nhưng sau khi đòi “thay đổi toàn diện và triệt để,” ông An lại vẫn muốn đảng Cộng Sản giữ độc quyền chính trị! Ông đề nghị mỗi lần bầu cử đảng Cộng Sản đưa ra nhiều người ra tranh cử với nhau, cho dân bỏ phiếu chọn lựa trong đám “ứng cử viên” đó! Nói những câu như thế mà không cười, người nghe cũng không bật cười, thật không thể nào hiểu nổi!
Chúng ta phải thương ông mà tự hỏi: Tại sao khúc đầu ông thông minh thế, mà đến khúc cuối ông lại lú lẫn như vậy?
Suy nghĩ cho kỹ, thì thấy ngay từ đầu ông đã không tìm ra đúng căn bệnh. Thầy thuốc không tìm ra đúng bệnh thì không biết dùng thuốc nào để chữa bệnh.
Khi ông Nguyễn Văn An nói rằng “chế độ công hữu” làm cho kinh tế nước ta thụt lùi, ông đã nói đúng. Nhưng cái gì đưa tới kinh tế công hữu? Phải hỏi tại sao ông Lenin lại muốn quốc hữu hóa tất cả các phương tiện sản xuất? Tại sao khi biết phương pháp đó không chạy, ông đã “đổi mới” làm “Kinh Tế Mới NEP” rồi sau đó lại quay về với lối kinh tế quốc doanh? Tại sao ông Stalin đã củng cố cho hệ thống quốc doanh ngày càng mạnh càng cứng hơn? Tại sao các ông Mao, ông Hồ, ông Pol Pot, ông Kim Nhật Thành cũng rập khuôn mô hình kinh tế quốc doanh đó mà làm, không suy nghĩ gì hết?
Bởi vì các ông ấy biết rằng kinh tế quốc doanh chỉ là một khí cụ nhằm tới mục đích khác. Ai kiểm soát được cái bao tử của người dân thì sẽ nắm được vận mạng của cả nước. Kiểm soát phương tiện kiếm ăn chỉ là một trong nhiều khí cụ để kiểm soát tất cả đời sống dân chúng. Kinh tế Quốc Doanh chỉ là một khâu trong cả hệ thống kiểm soát; trong đó có chế độ hộ khẩu, chủ nghĩa lý lịch, guồng máy công an, ban văn hóa tư tưởng, các hội văn nghệ, đoàn văn công, vân vân.
Phải thấy từ phía sau chế độ kinh tế công hữu có một nguồn gốc, chính là hệ thống độc quyền toàn trị, để kiểm soát tất cả xã hội. Trong lịch sử chưa bao giờ có chế độ chính trị nào như thế, cho tới khi các ông Lenin và Stalin sáng chế ra, rồi được ông Mao Trạch Ðông hoàn thiện. Ông Bao Ðồng, một người thân tín của cố lãnh tụ cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, tuần trước mới viết một bài ca ngợi Lưu Hiểu Ba (bài này đăng trên mạng Asia News). Ông nói thẳng rằng ông đã sống dưới hai thể chế gọi là Cộng Hòa, mà nay nghĩ lại mới thấy chế độ Dân Quốc thời Tưởng Giới Thạch còn khá hơn chế độ Cộng Hòa Nhân Dân của Mao Trạch Ðông. Thời trước, chính quyền Quốc Dân Ðảng của ông Tưởng không bao biện tất cả mọi mặt. Thời ông Mao thì đảng Cộng Sản nắm tất cả: “Bất cứ ai, nhà khoa học hay nghệ sĩ, nhà văn, thương gia, nhà chính trị, quân sĩ cho tới thường dân, ai mà có một ý kiến độc lập hay là muốn tự do một chút là cảm thấy bị ngạt thở ngay.”
Ðó mới thật là một Lỗi Hệ Thống lớn: Ðộc quyền Chính trị. Kinh tế Quốc doanh chỉ là một phương tiện để đảng Cộng Sản củng cố độc quyền chính trị mà thôi.
Chính vì ông Nguyễn Văn An bắt mạch mà không thấy đúng bệnh, cho nên ông chỉ trích nền kinh tế quốc doanh nhưng lại vẫn muốn đảng Cộng Sản tiếp tục nắm độc quyền chính trị, đảng là nơi duy nhất chọn những người ra ứng cử mọi chức vụ! Theo đề nghị của ông thì đúng là “Vẫn Như Cũ!” Mười năm nữa, lại có một ông Nguyễn Văn An khác ra tay bắt mạch và tuyên bố: Phải thay đổi hệ thống! Ðổi từ gốc đến ngọn!
Nếu như ngay từ năm 1989 mà đảng Cộng Sản Việt Nam biết nghe ông Trần Xuân Bách, thay đổi toàn diện như ở Ðông Âu, thì không đất nước đã lâm vào cảnh lúng túng như bây giờ. Hãy ngó xem kinh tế các nước Ba Lan, Tiệp, Hung bây giờ họ tiến bộ ra sao! Cuối tuần rồi, một bài đăng trên nhật báo Phnom Penh Post (Nam Vang Bưu Báo) cảnh cáo rằng kinh tế Việt Nam đang trên đà suy sụp vì lạm phát lên cao, đồng bạc mất giá, ngoại tệ sở hữu chưa đủ hai tháng trả tiền nhập cảng, vân vân. Bài báo nói dân Việt Nam đang chờ vở tuồng “Ðổi Mới Hai!”
Bước thứ hai, là phải đổi mới chính trị. Không có đường nào khác. Mà đổi mới thật, chứ không thay đổi theo lối gà què ăn quẩn cối xay được!
Kinh tế chậm lụt cũng vì căn bệnh thứ hai mà ông Nguyễn Văn An mới “khám phá,” như đã bàn trong bài trước: Ðảng Cộng Sản đã không nhìn thấy tác dụng “kỳ diệu” của quyền tư hữu giúp cho kinh tế phát triển, vì tin theo lý thuyết của Karl Marx.
Nhưng ông Nguyễn Văn An chưa thấy hết: Tại sao quyền sở hữu tư có tác dụng kỳ diệu? Có phải là cứ cho phép các đảng viên làm giầu, rồi mời các nhà tư sản gia nhập đảng Cộng Sản thì phép lạ kinh tế kỳ diệu sẽ xảy ra hay không? Hãy coi các ông Batista, Mobutu, Marcos, họ đã cho các đảng viên của họ tha hồ làm giầu, giầu nứt đố đổ vách. Nhưng có nhờ thế mà nền kinh tế của xứ họ phát triển tốt hay không? Hãy coi các ông Lương Khưu Thìn, Năm Cam, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến. Bọn họ đều hăng hái tích lũy tài sản, giầu vứt tiền qua cửa sổ đánh cá độ hàng triệu đô la cũng không hết. Nhưng có nhờ họ làm giầu như thế mà dân Việt Nam cũng giầu có hơn không?
Ðây là một sự thật: Thả cho lòng tham nó được tự do tung hoành mà vẫn để cho nó nắm độc quyền quyết định về chính trị thì nó chỉ tác hại chứ không mang lại lợi ích nào cho dân cả.
Quyền sở hữu tư là một nền tảng giúp cho kinh tế các nước tư bản phát triển. Nhưng nó chỉ có tác dụng ở những nước có một hệ thống pháp lý khiến người ta chỉ có thể làm giầu nếu làm ăn chính đáng. Muốn thế, pháp luật phải bảo đảm ai cũng có cơ hội làm giầu như nhau, tự do cạnh tranh với nhau. Kinh tế phát triển là nhờ quyền tư hữu cộng với các quyền tự do và hệ thống pháp luật bình đẳng. Không có tự do, không có bình đẳng, sẽ trở về thời tư bản hoang dã!
Một bài trước trong mục này đã nhắc tới những phân tích của Giáo Sư Tôn Lập Bình về xã hội Trung Hoa bây giờ. Ông thấy có hai nhóm người với “ký đắc quyền lợi” đang bắt tay nhau thao túng xã hội: Những người nắm quyền và những người nắm tiền. Bọn người nắm quyền có thể làm ra luật lệ, ban chỉ thị để giúp bọn người nắm tiền lũng đoạn thị trường. Chúng sẽ điều khiển nền kinh tế sao cho vừa tiếp tục kiếm thêm tiền vừa tiếp tục nắm vững quyền hành. Cứ như vậy, chúng coi cả xã hội chung quanh là cái ao cá cho chúng độc quyền khai thác. Kinh tế tư bản phát triển được là nhờ tự do cạnh tranh trong một xã hội có luật lệ rõ ràng. Kinh tế phát triển khi mọi người làm ăn tin được vào hệ thống tư pháp. Khi một đảng chiếm độc quyền cai trị thì không thể nào xã hội có tự do và bình đẳng, kinh tế sẽ không tiến lên được.
Cho nên ông Nguyễn Văn An đã khám phá ra tính kỳ diệu của quyền sở hữu tư, nhưng ông không nhìn ra tính kỳ diệu của hệ thống pháp luật độc lập và chính trị tự do. Tức là ông vẫn chưa tìm ra cái lỗi hệ thống nặng nề nhất trong chế độ cộng sản: Ðộc quyền chính trị đẻ ra độc quyền kinh tế, đẻ ra tham nhũng, bất công và chậm tiến.
Cho nên, đúng như lời ông Nguyễn Văn An thiết tha kêu gọi từ đầu, nước ta phải thay đổi toàn diện và thay đổi triệt để! Nhưng hiện nay từ trên xuống dưới, những người trong Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, các đảng viên ăn trên ngồi trốc sắp xênh xang mũ áo đi dự đại hội, họ biết không thể nào thay đổi được. Thay đổi là họ sẽ mất hết. Chính cái “quyền sở hữu tư nhân kỳ diệu” nó khiến những người đang nắm độc quyền chính trị không muốn thay đổi! Họ phải gắn bó với nhau để bảo vệ các quyền lợi đã thủ đắc. Như ông Nông Ðức Mạnh nói: Mất đảng là anh em ta mất tất cả!
Họ sẽ phải bám lấy mô hình kinh tế công hữu cũng như mô hình chính trị độc đảng. Nếu còn độc quyền chính trị, họ biết cách biến công hữu thành tư hữu! Cứ lập ra các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế thật lớn. Cứ đi vay tiền khắp thế giới, đem về tẩu tán cho nhau. Anh nào nói khác đi, bắt bỏ tù. Bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn An, lên mạng được ít ngày thì bị bóc. Không nắm quyền thì ai bóc nó đi được? Làm sao những đại biểu tham dự đại hội đảng sắp tới có thể tự xóa bỏ những đặc lợi, đặc quyền ngon lành như vậy?
Nhưng dù sao, chúng ta vẫn ghi công ông Nguyễn Văn An. Ông đã nói những điều tâm huyết làm nức lòng người. Những lời ông nói ra sẽ được các đảng viên cộng sản khác lắng nghe. Người dân và giới trí thức Việt Nam cũng sẽ lắng nghe. Ông đã nói nhiều sự thật xưa nay vẫn bị bưng bít, che giấu. Nghe xong, lòng người sẽ chuyển động. Người ta sẽ bất giác tỉnh ngộ; giống như khi cả triều đình nghe tiếng một đứa trẻ la lớn: “Ông vua không mặc quần!”
Cần phải có người như ông Nguyễn Văn An hô lớn lên như thế. Ðảng Cộng Sản không thể đánh lừa dân Việt Nam mãi được. Chúng ta không thể nào lừa dối nhau mãi mãi được. Hàng triệu người Việt Nam đang muốn chấm dứt những cảnh bất công, tham nhũng, trì trệ, muốn chấm dứt cảnh lệ thuộc ngoại bang, họ có thể căn cứ trên các phân tích và lý luận của ông Nguyễn Văn An, từ đó phát động những phong trào đòi thay đổi thật sự, thay đổi từ gốc đến ngọn.
Nước Việt Nam không thể chờ đợi các lãnh tụ cộng sản sẽ “giác ngộ” những sai lầm từ gốc đến ngọn của họ. Không thể chờ có một ngày đẹp trời chính họ sẽ thay đổi. Quán tính ù lì do các quyền lợi thủ đắc gây ra rất lớn. Hãy coi gương Nga, Ðông Ðức, Tiệp, Ba Lan, Rumani. Các chế độ Cộng Sản ở đó không thể nào thay đổi từ bên trong, nếu không có áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài thúc đẩy, giúp họ một tay. Áp lực đến từ những người dân “chán ngấy,” “chịu hết nổi.” Các đảng Cộng Sản ở Ðông Âu và Nga chỉ thay đổi sau khi dân chúng quyết tâm muốn chấm dứt nạn độc tài, muốn chống bất công, tham nhũng, cùng nhau xuống đường đòi những quyền tự do dân chủ tối thiểu.
Phải bắt đầu ngay những phong trào như thế. Ðúng như ông Nguyễn Văn An gợi ý, phải đòi đảng Cộng Sản thay đổi từ hệ thống, thay đổi toàn diện và triệt để, từ gốc đến ngọn!
Ngô Nhân Dụng