Khi Thúy Nga báo tin sẽ thu hình Paris By Night 120 tại casino Choctaw, thuộc thành phố nhỏ Durant của tiểu bang Oklahoma, phải nói là nghệ sĩ ai cũng hết sức ngạc nhiên. Cá nhân tôi lúc đầu cũng ngờ vực, cho đến khi thấy quảng cáo chính thức, mới dám tin đây là chuyện có thật. Sở dĩ như thế là vì những năm gần đây, do tình hình băng đĩa đi vào ngõ cụt, các chương trình Paris By Night thường chỉ quanh quẩn ở Nam Cali, cố ý giảm thiểu tối đa các chi phí về chuyên chở cảnh trí, vé máy bay và khách sạn cho nghệ sĩ cùng với chuyên viên các ngành, tổng cộng khoảng 150 người.
Ngày trước, khi tôi mới đặt chân lên sân khấu Paris By Night, có đến cả chục năm, Thúy Nga đều đưa nguyên lực lượng sang thu hình tại Paris. Rồi sau đó lại liên tục mấy năm bay sang Toronto, Canada. Thu hình tại hai nơi ấy, Paris và Toronto, Thúy Nga đều không quan tâm đến việc bán vé, studio chỉ chứa được khoảng từ 200 đến 400 người, giá vé tượng trưng và một nửa là khách mời. Nói chung thì tiền bạc không phải là vấn đề nặng gánh thuở ấy, mà chất lượng của sản phẩm mới làm Thúy Nga bận tâm.
Rời Canada qua Mỹ, Thúy Nga mấy lần đến Las Vegas, về Houston, Foxwoods Connecticut và San Jose, ở đâu cũng chọn toàn những rạp trứ danh. Xuống Nam Cali thì dừng chân ở các hý viện nổi tiếng như Cerritos, Long Beach, Knott Berry Farm và thậm chí dám mướn cả đại hý viện Shrine Auditorium ở Hollywood, nơi chỉ dành riêng cho giới điện ảnh và âm nhạc Mỹ trao giải thưởng Oscar hoặc American Music Awards trước khi có rạp Kodak Theater. Thậm chí Thúy Nga còn đưa nguyên đoàn sang thu hình tận Hàn Quốc bởi ngày ấy Thúy Nga có ý định hợp tác với đài truyền hình Hàn Quốc, đem truyện của Nguyễn Ngọc Ngạn thực hiện thành phim bộ, sử dụng kỹ thuật tân tiến của nước này.
Bây giờ thì không còn nữa, tất cả đều chỉ là những kỷ niệm của dĩ vãng, khiến nhiều ca sĩ từng cộng tác lâu năm với Thúy Nga, mỗi khi nhớ lại thuở vàng son ấy, đều phải ngậm ngùi hát câu “Ngày ấy đâu rồi!”. Khoa học kỹ thuật tân tiến quá, giúp người ta mặt này thì lại hại người ta mặt khác. Đó chính là internet, công trình lớn nhất của con người ở thế kỷ này. Internet làm thay đổi hẳn bộ mặt của xã hội văn minh. Nó tạo nên biết bao nhiêu triệu phú, tỷ phú overnight, nhưng cũng làm điêu đứng hàng loạt ngành nghề truyền thống lâu đời phút chốc trở thành lạc hậu! Chịu hậu quả trực tiếp nhất là các ngành xuất bản, báo chí và băng đĩa. Có những tờ báo uy tín của Mỹ, hiện diện cả trăm năm, giờ cũng phải khai tử. Nhà xuất bản co cụm lại, nhà sách đóng cửa hàng loạt. Đại công ty Blockbuster của Mỹ, chuyên phát hành băng đĩa, lặng lẽ phá sản. Mỹ còn thế thì huống chi cộng đồng Việt Nam bé nhỏ lại phân tán trên toàn cầu.
Cách đây 6 năm, khi chuẩn bị thu hình Paris By Night số 100, ông Tô Văn Lai trả lời phỏng vấn, nói rằng: Với tình hình băng đĩa lậu tràn ngập như hiện nay, không biết sau cuốn 100, Thúy Nga có còn tiếp tục được nữa hay không!
Nghe câu nói ấy, có người vội suy diễn ngay rằng ông Tô văn Lai tuyên bố sốc như vậy mục đích chỉ để bán vé, chứ thật ra Thúy Nga vẫn còn giàu lắm, chưa thể hết tiền được!
Tôi điện thoại cho ông và vui vẻ nói:
– Anh Lai ơi! Khi đăng rao vặt trên báo, người ta thường viết “Cần sang gấp nhà hàng đang đông khách”. Không ai viết “Cần sang gấp nhà hàng đang ế chỏng gọng!” Tôi nghe nói anh đang định bán Trung Tâm Thúy Nga, sao anh lại khai ra là mình sắp sập tiệm thì bán làm sao được!
Ông cười buồn đáp:
– Bán cho ai, em! Trung tâm băng nhạc đâu phải như nhà hàng hay tiệm nail mà sang lại!
Dĩ nhiên tôi nói chơi cho ông vui thôi chứ thời buổi này ai bỏ tiền kinh doanh băng nhạc bao giờ! Trong nước trước đây có băng Duyên Dáng, Rạng Đông, Làn Sóng Xanh, Kim Lợi v.v… tất cả đều đã ngưng hoạt động từ lâu vì sản xuất tốn kém mà không có thị trường. Nhưng bù lại họ có rất nhiều đài truyền hình bên cạnh hệ thống internet sử dụng rộng rãi mà ít tốn kém. Nếu họ có sản xuất băng ca nhạc thì cũng chỉ là để cung cấp cho đài truyền hình mà thôi.
Tôi biết nỗi khổ tâm của ông Tô Văn Lai. Khi ông nói Thúy Nga có thể đóng cửa, thì đó không phải là một lời “báo động hay kêu cứu” mà thật ra chỉ là tiếng than của người chủ trung tâm, tiếc cái công trình mà Thúy Nga đã gây dựng mấy chục năm qua, với bao nhiêu đóng góp của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nay bỗng dưng đi vào ngõ cụt! Bảo rằng ông cố ý tạo scandal để bán vé thì hoàn toàn sai sự thật, bởi vì thu hình tại Las Vegas vào dịp Lễ Độc Lập thì chuyện bán vé không phải là một mối bận tâm. Las Vegas tự nó đã thu hút rất đông người tứ xứ, huống chi lại là dịp lễ lớn July 4, đúng mùa nghỉ hè của sinh viên học sinh, vé vào cửa show nào hầu như cũng sold out dễ dàng. Hơn thế nữa, người Việt rất nặng về “mặt mũi”, business dù có thê lương đến đâu cũng phải giấu đi chứ ai dại mà khoe ra! Chẳng qua là vì trong lúc xúc động, ông không nhịn được, bởi ông xót xa khi thấy con ông làm việc ngày đêm, đổ ra hơn 1 triệu đô cho mỗi chương trình, rồi khi sản phẩm vừa phát hành thì thị trường tràn ngập băng lậu. Thậm chí có lần ông đã rươm rướm nước mắt bảo con gái:
– Ba rất hối hận đã để lại cho con nghề này!
Rồi ông thúc giục con mở thêm business khác để hỗ trợ cho Thúy Nga đang tuột dốc vì cái tệ nạn mà người Mỹ gọi là “internet piracy”. Thúy Nga lập công ty gửi hàng RMI Cargo và bán Thiên Long Trà. Cả hai đều thất bại vì không có người chuyên nghiệp điều hành. Thúy Nga bước thêm một bước táo bạo nữa là mở đài truyền hình Viet Face để Thúy Nga và VietFace nương dựa lẫn nhau. Làm truyền hình trong cộng đồng người Việt là một nghề vất vả đầu tắt mặt tối mà lợi tức không có bao nhiêu vì thu tiền quảng cáo rẻ mạt, nói ra người ngoại quốc sẽ thấy tội nghiệp! Cho đến nay, có lẽ chưa có chủ đài nào trở thành đại gia đúng nghĩa! Lấy công làm lời, đủ sống là may lắm rồi!
Tất cả những nỗ lực ấy chẳng qua chỉ vì sự sống còn của Paris By Night mà thôi. Là người cộng tác lâu năm và chặt chẽ với Thúy Nga, tôi biết cô Tô Ngọc Thủy không muốn làm việc gì khác ngoài việc sản xuất Paris By Night!
Câu nói “Thúy Nga có thể đóng cửa” mà ông Tô Văn Lai tiết lộ 6 năm trước, mới đây được con gái ông, cô Tô Ngọc Thủy, Tổng Giám Đốc Trung Tâm Thúy Nga, xác nhận lại một lần nữa. Nghĩa là, chuyện toan đóng cửa năm 2010 là có thật chứ không phải là một “chiến thuật” của Thúy Nga như có người ngờ vực.
Ngày 25 tháng 7 năm 2015, ký giả Margot Roosevelt của tờ báo Mỹ Orange County Register đến văn phòng Trung Tâm Thúy Nga phỏng vấn cô Tô Ngọc Thủy để tìm hiểu về sinh hoạt văn nghệ hiện nay của Thúy Nga. Cô Tô Ngọc Thủy cho báo Register biết:
– In 2010, we came close to shutting down…
(Tạm dịch: Năm 2010, Thúy Nga đã toan đóng cửa…)
Cô Thủy cũng không ngần ngại tiết lộ với ký giả Margot Roosevelt những con số cụ thể:
– Năm 2005, nghĩa là 10 năm trước, mỗi cuốn Paris By Night bán được 85,000 copies. Bây giờ chỉ còn khoảng 30,000. Con số ít ỏi ấy không đủ để bù đắp chi phí bạc triệu cho mỗi chương trình Paris By Night.
Sau cuốn Paris By Night 100, thấy Thúy Nga vẫn tiếp tục, có người lại suy diễn một cách ngây ngô rằng, Thúy Nga đã bán cho chủ khác rồi! Thậm chí họ còn quả quyết là bán cho người trong nước!
Sở dĩ tôi nói “ngây ngô” là vì không ai đổ tiền ra mua lại một cái business đang tuột dốc. Huống chi người trong nước bây giờ làm gì cũng chỉ nhắm vào lợi nhuận chứ không nhẽ ôm cái trung tâm băng nhạc chỉ để mua vui mà không đếm xỉa gì đến tiền bạc! Vả lại, nếu Thúy Nga bán cho người trong nước, thì Paris By Night đã về nước thu hình rồi. Với lượng khán giả quốc nội quá đông đảo, show Paris By Night chắc chắn sẽ không đủ vé bán, ít ra là một hai năm đầu!
Trong cuốn Paris By Night chủ đề S phát hành cách đây 2 năm, nhân vụ Việt Nam xung đột với Trung Quốc, tôi có nói:
– Lịch sử dạy chúng ta bài học rằng, bất cứ triều đại nào, chế độ nào cũng chỉ có tính cách giai đoạn. Chỉ có đất nước và dân tộc mới vĩnh cửu!… Lịch sử cũng dạy chúng ta bài học rằng, đất nước thuộc về toàn dân, không thuộc về một cá nhân, một gia đình hay đảng phái nào. Đất nước thuộc về toàn dân cho nên những vấn đề trọng đại của đất nước cần phải được sự góp ý của toàn dân, giống Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần.
Nếu chủ nhân của Trung tâm Thúy Nga là người trong nước, họ có dám để tôi nói câu đó trên Paris By Night không?
Trong cuốn Tôi Là Người Việt Nam phát hành năm ngoái, Thúy Nga mời ký giả Triều Giang (Nancy Bùi) cùng các vị đai diện Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt. Hội này đã thực hiện bộ sưu tập về tù nhân chính trị tại Việt Nam, hiện lưu trữ tại đại học Texas. Hội này cũng đã thực hiện bộ lịch sử chiến tranh và hành trình tìm tự do bằng cách phỏng vấn 700 thuyền nhân, và hiện đang trình chiếu khắp nơi bộ phim VIETNAMERICA để đính chính lại những sai lạc về cuộc chiến Việt Nam mà trước đây những tác giả phản chiến hoặc thân Cộng đã đưa ra.
Nếu chủ nhân của Trung tâm Thúy Nga là người trong nước, họ có dám mời những nhân vật này lên Paris By Night không?
Paris By Night không bao giờ thuộc về người khác. Tôi vẫn tin rằng, dù có người mua, cô Tô Ngọc Thủy cũng sẽ không bán, bởi Paris By Night đã trở thành một “huyền thoại”, bán giá nào cho xứng đáng! Tờ Los Angeles Times từng viết:
“Bát phở, chai nước mắm và cuốn băng Paris By Night là những nét văn hóa trong cuộc sống đời thường của mỗi gia đình Việt Nam.”
Đó là niềm hãnh diện của Thúy Nga, không phải về sự thành công tài chánh, mà về sự đóng góp văn hóa cho đồng hương trên toàn cầu. Cho nên Thúy Nga sẽ giữ lại, hết tiền thì đóng cửa chứ không thể bán đi. Lại càng không thể bán cho quốc nội bởi Paris By Night là một thứ “đặc sản hải ngoại” vượt hẳn trong nước về kỹ thuật và mỹ thuật.
Như trên vừa kể, sau cuốn 100, Thúy Nga đã phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh. Cô Thủy nói với báo Register:
– We change our ways of doing business.
Cái thay đổi ấy nằm ở hai điểm chính:
- Thúy Nga không dám thuê các hý viện độc lập như trước đây nữa, mà phải dựa vào các rạp hát nằm trong casino, điển hình là Pechanga, chỉ cách thủ đô tỵ nạn hơn 1 tiếng lái xe. Thúy Nga sẽ đỡ lo lắng hơn vì có sự hỗ trợ của casino về rạp hát, về phòng ốc và casino sẵn sàng mua một số vé dành cho members của họ.
- Thúy Nga nhận bảo trợ tức là quảng cáo thương mại để có thêm ngân sách. Đây là một điều bất đắc dĩ mà tôi biết rõ. Tôi nhớ trước đây, biết bao nhiêu thương hiệu tha thiết muốn chạy quảng cáo trên băng Thúy Nga nhưng cô Thủy đều từ chối. Năm 1995, khi tôi sang Paris thu hình chương trình chủ đề Văn Phụng, có một doanh nhân từ Quận Cam bay sang gặp tôi, nhờ tôi nói chuyện với Thúy Nga để xin quảng cáo, nhưng Thúy Nga không đồng ý. Bạn đọc thử mở lại các cuốn Paris By Night cũ, sẽ chỉ thấy một cái quảng cáo duy nhất là thẩm mỹ viện Hạnh Phước bởi bà Hạnh Phước là thân hữu lâu năm của gia đình Thúy Nga. Tôi đã từng có lúc bực tức vì Thúy Nga không chịu nhận quảng cáo. Có lần đi show tháng 12 bên Úc, tôi bàn với Kỳ Duyên và Linda Trang Đài rồi từ Brisbane tôi gọi về cho ông Tô Văn Lai và nói:
– Ở Mỹ và các nước tự do, báo không sống bằng người mua báo, truyền hình không sống bằng người subscribers. Tất cả đều sống bằng quảng cáo!
Điều này tôi cũng đã nói với ông một lần khi đi show tại Foxwoods khoảng năm 1994. Ông cám ơn tôi nhưng năm tháng trôi qua, tôi chả thấy Thúy Nga nhúc nhích gì!
Cho đến bây giờ thì quảng cáo tràn ngập, không muốn cũng không được, vì sự sống còn của Paris By Night.
Các cộng đồng thiểu số định cư trên đất Mỹ đều có quốc gia gốc của mình, làm hậu phương yểm trợ. Riêng cộng đồng người Việt thì ở vào thế đối nghịch, hải ngoại và quốc nội không đi cùng hướng cho nên cái thị trường rộng lớn trong nước không giúp gì được cho các trung tâm băng nhạc hải ngoại. Ký giả báo Register viết:
“Vietnam is the only country where Thuy Nga is barred from selling its DVDs or CDs. That’s partly because Marie To refuse to submit them to government censors. Another factor: One of the show’s long-time co-hosts, a former political prisoner, has written books criticizing the regime”.
(Tạm dịch: Việt Nam là quốc gia duy nhất cấm không cho bán DVD và CD của Thúy Nga. Một phần vì cô Thủy không chịu nộp những DVD và CD đó cho chính quyền kiểm duyệt. Một phần nữa vì người MC lâu đời của Thúy Nga là một cựu tù nhân chính trị, đã viết nhiều sách phê phán chế độ trong nước.”)
Trên thực tế, lẻ tẻ từng ca sĩ về nước trình diễn thì bầu show trong nước sẽ lo giấy phép cho từng người. Nhưng toàn bộ Trung tâm Thúy Nga và các sản phẩm của Thúy Nga thì vẫn là điều cấm kỵ từ trước đến nay.
Bài báo của Margot Roosevelt viết cách đây hơn một năm (25/07/2015), nhưng mới cách đây hơn 1 tháng, nhà báo Đoàn Dự từ trong nước lại nhắc lại một lần nữa việc cấm phổ biến sản phẩm Thúy Nga ở quốc nội như sau:
“Hiện tại, Thúy Nga Paris By Night được xem như một đại công ty tổ chức biểu diễn và sản xuất các băng đĩa ca vũ nhạc kịch lớn nhất của người Việt hải ngoại. Ở Việt Nam, tuy các băng đĩa Thúy Nga không được phép lưu hành chính thức, nhưng lượng băng sao chép lậu với giá rẻ mạt được tiêu thụ khắp trong nước không phải là nhỏ”. (Thời Báo Canada, thứ bảy, 30/7/2016).
Đó là điều làm cho ông Tô Văn Lai rất bực bội. Là vì từ nhiều năm qua, đã có những doanh nhân ở quốc nội muốn mua băng chính gốc Paris By Night về bày bán công khai trong nước. Với số lượng khán giả quá đông đảo, nhiều người có khả năng tài chính muốn làm collection băng gốc Paris By Night, nhưng họ không xin được giấy phép phát hành. Ông Lai gay gắt nói:
– Nếu Paris By Night là hàng “quốc cấm” thì sao lại chỉ cấm băng gốc, còn băng sang thì đầy đường chỗ nào cũng có mà công an không tịch thu. Như vậy là chủ ý nuôi kẻ in lậu mà giết nhà sản xuất!
Ở hải ngoại từ trước đến nay chỉ có 3 trung tâm hoạt động đều đặn. Vân Sơn về Việt Nam thử một hai cuốn rồi cũng ngưng. Còn lại Asia và Thúy Nga cố gắng vùng vẫy trong hoàn cảnh khó khăn, không biết giã từ lúc nào. Trước đây, Paris By Night thu hình định kỳ mỗi năm 4 hoặc 5 chương trình. Bây giờ làm được cuốn nào chỉ biết cuốn đó, chứ tương lai lâu dài thì không dám nghĩ đến nữa. Chi phí càng ngày càng tăng mà băng bán càng ngày càng giảm. Nặng nhất là tiền kỹ thuật. Cuốn băng tốn khoảng 1 triệu 2, thì phần kỹ thuật là 1 triệu rồi. Có lúc ưu tư, tôi đã hỏi cô Thủy:
– Có thể cắt giảm được không cháu?
Cô Thủy nói:
– Nặng nhất là tiền kỹ thuật. Nhưng nếu cắt giảm kỹ thuật, bỏ bớt cảnh trí, âm thanh và ánh sáng thì sẽ không còn là Paris By Night nữa!
Paris By Night 120 lấy chủ đề Còn Chút Gì Để Nhớ, tên một ca khúc phổ thơ nổi tiếng của Phạm Duy. Thúy Nga chọn chủ đề này, vừa để mời khán thính giả nghe lại dòng nhạc cũ quí giá của chúng ta trước năm 1975, mà cũng là để quí khán thính giả của “miền đất lạ” quanh vùng phụ cận Oklahoma, Texas, Arkansas, Missouri… có dịp tận mắt thưởng thức một show thu hình trực tiếp của Paris By Night. Gặp gỡ lần này rồi không biết có còn cơ hội trở lại vùng đồng bằng này nữa không, hay mãi mãi chỉ còn lại trong trí nhớ!
Paris By Night thu hình bao giờ cũng là công trình nghệ thuật vĩ đại có một không hai trên sân khấu hải ngoại. Quí vị nào chưa từng coi, xin mời ghé qua một lần, chắc chắn khi ra về, sẽ còn một chút gì để nhớ!
Nguyễn Ngọc Ngạn