BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ VĂN HỌC 1862-1913
Thời gian từ 1862 đến 1913, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa chấm dứt văn học lịch triều và mở màn văn học hiện đại. Hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) khởi đầu tiến trình đô hộ của người Pháp, đem theo nền văn minh, văn hóa Tây phương cùng với sự khuyến khích sử dụng chữ quốc ngữ. Năm 1913, sự ra đời của Đông Dương Tạp Chí (1) đã đánh dấu một nền văn chương chữ Việt được quảng bá và phát triển với tầm mức rộng rãi.
Sở dĩ thời kỳ chuyển tiếp kéo dài tới nửa thế kỷ là bởi sự khác biệt hoàn toàn giữa hai nền văn minh Đông Tây. Hơn nữa, sự tiếp xúc với Tây phương từ căn bản là một sự cưỡng bách nên việc từ bỏ nếp suy tư, diễn đạt theo nếp cũ đã có từ ngàn năm sang lối mới không thể diễn ra trong một thời gian ngắn.
Tiếng súng đại bác từ các chiến hạm dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Hải Quân Rigault de Genouilly bắn phá các đồn lũy ở Đà Nẵng, rồi hạ thành An Hải và Tôn Hải, là dấu hiệu bắt đầu ý đồ thôn tính Việt Nam của người Pháp. Sau khi quân Pháp chiếm thành Gia Định (1859), hạ thành Mỹ Tho (1861), chiếm Bà Rịa (1861), Biên Hòa và Vĩnh long (1862), triều đình Huế buộc phải ký hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường). Năm 1867 Thiếu Tướng De la Grandière chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), từ đó Nam Kỳ chính thức trở thành thuộc địa của Pháp.
Chữ quốc ngữ dùng diễn tả tiếng nói của người Việt do các mẫu tự La Tinh ghép thành, khởi thủy xuất phát từ nhu cầu truyền đạo Thiên Chúa của các giáo sĩ người Âu sang Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 16. Tuy chữ quốc ngữ căn cứ vào giọng Bắc Kỳ và miền bắc Trung Kỳ nhưng được sử dụng trước nhất lại là người miền Nam. Sau khi chiếm được Việt Nam, người Pháp chủ tâm cắt đứt liên lạc văn hóa giữa Việt Nam và Trung hoa. Muốn xóa bỏ quá khứ văn hóa Việt bị ảnh hưởng nặng nề Hán học thì điều căn bản phải thực hiện là thay thế chữ Nho bằng một thứ chữ khác. Chữ quốc ngữ có sẵn, lại cùng mẫu tự La Tinh, nên người Pháp không bỏ lỡ cơ hội đã khuyến khích (2), cổ võ, và bắt buộc dạy chữ Việt trong các trường học (3), dùng chữ Việt trong guồng máy hành chánh (4), xuất bản báo chí, tạp chí văn học nhằm phát triển việc sử dụng chữ Việt cho tiếng nói của người bản xứ. Tóm lại, việc cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong hành chánh và học chánh nằm trong chính sách quan trọng hàng đầu của Pháp. Trước tiên, họ cho dựng nên những cơ sở giáo dục để truyền bá chữ Pháp và chữ Việt La Tinh. 1861: Đô Đốc Charner thành lập trường Collège d’Adran (nghị định ngày 08/05/1861) để đào tạo thông ngôn người Việt và cho người Pháp học tiếng Việt. 1865: soái phủ Sài Gòn xuất bản Gia Định Báo (5) là tờ công báo Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Văn chữ Việt chính thức ra đời kể từ năm này.
Chữ Việt được dùng đầu tiên ở Nam Kỳ, vì thế những văn gia đi tiên phong trong hồi đầu mới có chữ quốc ngữ đều là những người trong Nam. Trong số những người có công trong buổi sơ khai, Trương Vĩnh Ký được coi là nhà văn đã mở đường cho nền văn học chữ quốc ngữ.
TRƯƠNG VĨNH KÝ, NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG NỀN VĂN HỌC CHỮ QUỐC NGỮ
Trương Vĩnh Ký tức Petrus Ký (1837-1898), tự Sĩ Tải, còn có tên Trương Chánh Ký, là con út trong một gia đình có 3 người con. Thân phụ ông, Dominique Trương Chánh Thi, lãnh binh dưới triều Minh Mạng đồn trú ở Nam Vang, bị bệnh và tạ thế ở đó vào năm 1845. Ông sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại chợ Cái Mơn, thôn Cái Mong, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình theo Thiên Chúa Giáo nên từ nhỏ ngoài chữ Hán thụ huấn với một ông đồ trong làng, ông còn được vị linh mục trong vùng dạy chữ quốc ngữ. Mới 5 tuổi (1842) ông đã tỏ ra có thiên khiếu về việc học cùng một lúc hai thứ chữ khác nhau. Năm thân phụ qua đời ông được 8 tuổi, gia đình sa sút, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Châu phải làm lụng cực khổ để lo cho ông tiếp tục việc học. Một năm sau, 1846, may nhờ một linh mục tục gọi là cụ Tám vốn từng thụ ơn thân phụ ông thấy gia đình nghèo túng xin về nuôi dạy giùm. Từ đó ông theo cụ Tám, rồi cố Long, cố Hòa về ở trong nhà thờ Cái Nhum.
Năm ông 11 tuổi, 1848, ông được gửi theo học trường Pinhalu ở Nam Vang, Cao Miên. Thời gian này ông có dịp giao tiếp với các học trò người Thái, Miên, Lào, Tàu, Miến Điện và Nhật Bản nên có dịp phát huy năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ. Năm 1852, sau khi hoàn tất học trình 4 năm, ông được gửi đi học tiếp ở trường Thày Dòng Collège Constantinien của hội Truyền Giáo Viễn Đông tại đảo Polou Pinang, Mã Lai do người Anh cai trị. Ông học 6 năm tại đây (1852-1858) chuyên về tiếng Hy Lạp và La Tinh. Ông học rất xuất sắc, có năng khiếu về ngôn ngữ học và được giải thưởng của Thống Đốc người Anh ở Pinang về môn luận văn bằng tiếng La Tinh. Nhưng đến lúc này ông vẫn chưa biết Pháp văn. Nhờ một tình cờ hi hữu, ông mới bắt đầu học tiếng Pháp và học luôn cả chữ Anh, Nhật và Ấn Độ Hindoustani (6).
Năm 1858, được tin thân mẫu qua đời ông xin trở về nước chịu tang sau đó sang Cái Nhum phụ các linh mục trong việc dạy học. Lúc này phong trào “Bình Tây Sát Tả” đang hồi cao độ ông phải tạm lánh lên Sài Gòn nhờ sự che chở của giám mục Lefèbre.
Tháng 7 năm Mậu Ngọ 1858 (Tự Đức thứ 11) Trung Tướng Hải Quân Regault De Genouilly đem 14 chiến thuyền Pháp và Y Pha Nho với hơn 3000 quân của 2 nước đến bắn phá vào các đồn lũy ở Đà Nẵng (01/09/1858) rồi chiếm thành An Hải và Tôn Hải với chủ đích lấy xong Đà Nẵng sẽ tiến chiếm Huế. Triều đình cử Kinh Lược Sứ Nguyễn Tri Phương lập đồn Liên Trì và đắp lũy từ Hải Châu đến Phúc Ninh chia quân ra chống giữ. De Genouilly thấy quân Nam đã phòng bị khó đánh nên giao cho Đại Tá Toyon ở lại giữ các đồn rồi đem quân vào Nam đánh Gia Định. Quân Pháp vào cửa Cần Giờ bắn phá các pháo đài hai bên bờ sông Đồng Nai, tiến đánh thành Gia Định. Hai ngày sau, 17/02/1859, thành vỡ, hộ đốc Vũ Duy Ninh tự tận. Sau khi chiếm được thành, De Genouilly cho đốt hết thóc gạo, san bằng thành quách chỉ để lại một đồn ở phía nam. Trước khi trở ra Đà Nẵng, De Genouilly sai Trung Tá Hải Quân Jauréguiberry đem quân chống giữ với quân của Tôn Thất Hợp đang đóng ở Biên Hòa. Lúc này người Pháp rất cần thông ngôn giỏi nên năm 1860 Trương Vĩnh Ký được Giám Mục Lefèbre tiến cử với Jauréguiberry vào chức vụ thông ngôn lương $20 một tháng. Ông kết hôn với Vương Thị Thọ và xây nhà riêng ở Chợ Quán.
Năm 1862, Trương Vĩnh Ký được phái ra Huế tham dự vào cuộc đàm phán đưa đến hòa ước năm Nhâm Tuất ngày 05/06/1862. Năm 1863 ông được sung chức sứ bộ trùng dịch, làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản (6) sang Pháp điều đình việc chuộc lại 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ. Tháng 6 ông cùng sứ bộ xuống tàu Européen và tới Pháp vào tháng 8. Đến Paris vào lúc Pháp hoàng sắp đi nghỉ mát nên sứ bộ Phan Thanh Giản phải chờ hơn một tháng sau mới được Napoléon III tiếp kiến. Trong thời gian ở Pháp ông có dịp tiếp xúc và quen biết với văn hào Victor Hugo, Renan, sử gia Duruy, Littré, nhà thực nghiệm học và là hội viên Hàn Lâm Viện Paul Bert… Cũng dịp này ông được nhận làm hội viên của Viện Nhân Chủng Pháp (7). Ông đi thăm các thành phố Pháp như Rouen, Le Havre, Lorient, Tours, Lyon, Bordeaux và đi thăm các thành phố lớn ở Âu Châu như Madrid, Rome, Alicante, Barcelone, Gênes, Florence. Sau chuyến đi sự hiểu biềt và tầm nhìn của ông được mở rộng rất nhiều.
Trở về Việt Nam Trương Vĩnh Ký được bổ làm giáo sư trường Thông Ngôn (8) rồi thăng lên làm Giám Đốc trường này từ 1866-1868. Sau đó ông xin nghỉ ở nhà chuyên tâm vào việc khảo cứu. Nhưng không được bao lâu, năm 1869, súy phủ Sài Gòn lại giao cho ông quản nhiệm tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo. Tờ báo, vốn là phần ấn bản tiếng Việt của tờ Courrier de Saigon, dưới sự điều hành của ông đã trở thành một tờ báo mới, độc lập, nội dung hoàn toàn thay đổi với các cộng tác viên tên tuổi như Huỳnh Tịnh Của (9), Trương Minh Ký (10).
Năm 1872 ông được thăng huyện hạng nhất bổ chức vụ thư ký Hội Đồng Thành Phố Chợ Lớn. Năm 1873, giáo sư trường Hậu Bổ (11) giảng dạy về Việt và Hán văn. Năm 1876, thống đốc Nam Kỳ Dupré biệt phái ông ra Bắc nghiên cứu tình hình chính trị để thăm dò việc mở rộng thế lực của người Pháp. Trong thời gian 3 tháng ở ngoài Bắc ông nhìn thấy cảnh quan tham lại nhũng, nạn cường hào ác bá, trộm cướp lục lâm, tình hình lương giáo sung đột trầm trọng đòi hỏi một cuộc cải cách rộng lớn về hành chánh và tư pháp trong khi Nam triều bất lực. Trong phúc trình lên Dupré ông đưa ra nhận xét: “Triều đình Huế không thể nào làm nổi những cải cách ấy và chỉ có người Pháp mới có thể đưa tay ra đỡ dậy một xứ sở quá suy yếu như vậy” (phúc trình gửi Dupré ngày 28/04/1876). Nhân dịp này ông thu thập tài liệu cho tập du ký Chuyến Đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (12). Trở về Sài Gòn ông được Dupré cử vào Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn (hội viên người Việt đầu tiên và duy nhất) và Hội Đồng Học Chánh Thuộc Địa. Năm 1883 ông được bổ vào chức vụ Officier d’Académie.
Năm 1886, thủ tướng Freycinet triệu hồi thống tướng De Courcy về Pháp và giao binh quyền cho trung tướng Warnel, Paul Bert được cử làm khâm sứ Trung và Bắc Kỳ. Vốn quen biết và rõ khả năng của Trương Vĩnh Ký trong thời gian sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp thương thuyết, Paul Bert ngay khi đến Sài Gòn vào tháng 2, 1886 đã cho người đi tìm Trương Vĩnh Ký. Paul Bert lúc đầu nhờ ông mấy việc nhỏ như thiết lập danh sách những người có thể ra Bắc làm thông ngôn, dịch ra chữ Nho bài bố cáo đọc ở kinh đô Huế. Sau đó Paul Bert điều đình với súy phủ Sài Gòn để Trương Vĩnh Ký làm việc trực thuộc dưới quyền. Paul Bert đem ông ra Huế để giúp cải thiện mối giao thiệp giữa hai chính phủ Pháp-Nam. Paul Bert đặt ông ở Viện Cơ Mật và trao cho nhiệm vụ quan sát hoạt động của viện, đồng thời vận động cảm tình của vua Đồng Khánh cùng các quan trong triều. Ông được phong chức Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ nhờ dạy vua Đồng Khánh học chữ Pháp. Ông ở vào vị thế trung gian rất tế nhị và khó khăn. Phía Nam triều thì ngoan cố, nghi kỵ thiện ý của ông, còn phía Pháp thì đố kỵ vì thấy ông được Paul Bert trọng dụng nên nói xấu, vu cho ông không thật lòng với Pháp. Trong tình huống này ông rất cẩn trọng và luôn luôn trình bày cho cả hai chính phủ hiểu rõ quyền lợi lâu dài để tương nhượng lẫn nhau hầu đôi bên đều có lợi (13). Không có tư kiến khi lo việc quốc gia nên một mặt ông hết sức thuyết phục quan lại Nam triều chấp nhận sự hợp tác và những lợi ích dưới sự bảo hộ của Pháp. Mặt khác, ông bênh vực Nam triều không để cho Pháp dễ dàng dẫm chân lên quyền lợi hoặc thể diện quốc gia. Trong vụ Paul Bert đòi triều đình Huế dành cho Pháp nhiều quyền hơn ở Bắc Kỳ, ông đề nghị đổi lại Pháp phải chia một phần thuế thâu ở Bắc Kỳ cho ngân quỹ Nam Triều (thư gửi Paul Bert ngày 04/11/1886). Một điều đáng chú ý nữa là thái độ của ông trong vấn đề tôn giáo. Tuy là tín đồ Thiên Chúa Giáo và chính bản thân ông đã từng là nạn nhân cũng như chứng nhân của những vụ khủng bố đạo, song ông không có ý thiên vị. Vài nơi theo đạo Thiên Chúa ở miền Trung đã tự cho mình ưu thế nên có những hành vi lộng quyền, ông thẳng thắn phúc trình và lên án. Ông cho rằng phải giải quyết sự việc theo quan điểm quốc gia và phải từ bỏ mọi vị nể tín ngưỡng. Ông không có thành kiến của một tín đồ, trái lại, ông có cái nhìn thực tiễn của nhà chính trị, óc duy lý của một học giả. Trong thư gửi cho Paul Bert, ông viết: “Les religions ne vivent que par certains principes de moralité qui leur sont communs. En voyant les choses ainsi le devoir et le rôle de l’état sont bien simples; ils se résument dans une attitude neutre tant que les sectes ne troublent pas l’ordre public, l’un des premiers soucis de l’état”. Tóm lại, ông đã có thái độ thích đáng của một trí thức có liêm sỉ và tự trọng. Thực ra bản chất ông vẫn là môn đệ Nho Giáo. Trái tim ông vẫn đập về phía đất nước, dân tộc. Bằng chứng cụ thể là mặc dầu người Pháp cám dỗ, thúc giục nhiều lần nhưng ông nhất định từ chối gia nhập Pháp tịch (thư gửi Pène Siefert ngày 15/09/1888).
Cuộc hợp tác chính trị giữa Trương Vĩnh Ký và Paul Bert mới được 6 tháng, kết quả chưa được bao nhiêu thì Paul Bert bị bạo bệnh từ trần ở Hà Nội ngày 11/11/1886. Lúc đó Trương Vĩnh Ký đang nghỉ dưỡng bệnh lao phổi ở Sài Gòn (từ tháng 8, 1886) nhưng sau khi khỏi bệnh ông không ra Huế mà xin ở lại dạy môn Ngôn Ngữ Đông Phương (14) cho trường Hậu Bổ và trường Thông Ngôn. Từ lúc này cho đến khi mất, Trương Vĩnh Ký dành nhiều thì giờ chuyên tâm vào việc trước tác.
Ngày 18/03/1888 ông được cử đi Vọng Các, Thái Lan. Khi về ông phúc trình cho Thống Đốc Nam Kỳ vấn đề quyền lợi của Việt Nam ở tả ngạn sông Cửu Long. Trương Vĩnh Ký từ trần ngày 01/09/1898 trong cảnh nợ nần túng thiếu và tuyệt vọng (15).
TÁC PHẨM CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ
Sự nghiệp văn học của Trương Vĩnh Ký rất lớn lao, tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại (dịch thuật, khảo cứu, du ký, sáng tác) rất hữu ích và giá trị trong thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ. Ông là một nhà bác ngữ học, viết được 11 thứ tiếng, đọc và nói rành 15 sinh và tử ngữ (ông được Pháp xếp hạng thứ 17 trong những nhà thông thái trên thế giới hồi đó) (16), một học giả nghiên cứu có phương pháp và làm việc rất chuyên cần, đều đặn. Suốt 35 năm, từ khi bắt đầu viết vào năm 1863 lúc 26 tuổi tới khi từ trần năm 1898 Trương Vĩnh Ký để lại 118 tác phẩm (17) (chưa kể các tác phẩm viết bằng tiếng La Tinh và Y Pha Nho). Số lượng tác phẩm thật đồ sộ, tuy trong đó một số sách viết bằng Pháp Văn, có nhan sách chỉ là một bài diễn thuyết, một bài báo chỉ dày vài trang hoặc vài chục trang (18), nhưng sự nghiệp văn học của Trương Vĩnh Ký không nằm ở phần lượng. Điều chính yếu là phần lớn tác phẩm của ông được phiên dịch từ Hán Nôm ra chữ quốc ngữ với chủ đích là dùng những truyện phổ thông trong dân gian làm lợi khí truyền bá chữ quốc ngữ. Sau đây là những tác phẩm chính xếp theo thứ tự năm xuất bản như sau:
– 1866: Chuyện Đời Xưa lựa nhóm lấy những chuyện hay và có ích, 74 trang (Sài Gòn, bản in nhà nước)
– 1867: Abrégé de Grammaire Annamite, 131 trang (Sài Gòn, Imprimerie Impériale)
– 1868: Cours Pratique de Langue Annamite, 69 trang (Sài Gòn, Imprimerie Impériale)
– 1869: Mẹo Luật Dạy Học Tiếng Pha-Lang-Sa (Sài Gòn, bản in Nhà Nước)
– 1870: Manuel des Écoles Primaires (tuy nhan sách bằng tiếng Pháp nhưng nội dung bằng tiếng Việt. Sách gồm 3 phần: syllabaire quốc ngữ, Histoire Annamite, Histoire Chinoise.
– 1875: Petit Cours de Géographie de la Basse Cochinchine, 51 trang (Sài Gòn, bản in Nhà Nước)
– 1875: Cours de Langue Mandarine ou de Caractères Chinois
– 1875: Kim Vân Kiều của Nguyễn Du 179 trang (Sài Gòn, bản in nhà nước), in lần thứ 2, 1898 191 trang
– 1875: Đại Nam Quốc Sử Ký Diễn Ca (Sài Gòn, bản in nhà nước)
– 1875: Trung Dung
– 1875: Mạnh Thượng Tập Chú
– 1875 & 1877: Cours d’Histoire Annamite, 2 quyển, quyển 1: 184 trang, quyển 2: 278 trang (Sài Gòn, bản in nhà nước).
– 1877: Sơ Học Vấn Tân
– 1877: Đại Học
– 1881: Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi 1876 (Sài Gòn)
– 1881: Trương Lương Tùng Xích Tòng Tử Du Phú, 8 trang (Sài Gòn bản in Nhà Nước)
– 1882: Chuyện Khôi Hài, 16 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1882: Huấn Nữ Ca
– 1882: Gia Huấn Ca của Trần Hi Tăng, 44 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1882: Nữ Tắc, 27 trang (C. Guillaud et Martinon)
– 1882: Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi
– 1882: Gia Định Phong Cảnh Vịnh, 11 trang (Sài Gòn)
– 1882: Gia Định Thất Thủ Vịnh (Sài Gòn)
– 1882: Kim Gia Định Phong Cảnh Vịnh (Sài Gòn)
– 1882: Trương Lưu Hầu Phú (Sài Gòn)
– 1882: Học Trò Khó Phú, 8 trang
– 1882: Guide de Conversation Annamite
– 1883: Thạnh Suy Bĩ Thới Phú, 7 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1883: Hài Kịch Con Quạ, 7 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1883 Ngư Tiều Trường Điệu, 8 trang (Sài Gòn, nhà in Mission)
– 1883: Phép Lịch Sự An Nam, 55 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1883: Thơ Dạy Làm Dâu
– 1883: Grammaire de la Langue Annamite (Văn Phạm Việt Nam)
– 1883: Thầy Trò Về Luật Mẹo Léo Lắt Tiếng Phang-Sa, 23 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1884: Pháp Việt Tự Điển (Petit Dictionnaire Francaise et Annamite) 1192 trang (bản in Nhà Chung)
– 1884: Tam Tự Kinh Quốc Ngữ Diễn Ca, 47 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1884: Huấn Mông Khúc Ca, 47 trang (Sài Gòn, nhà in Mission)
– 1884: Sơ Học Vấn Tân Quốc Ngữ Diễn Ca, 36 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1885: Phú Bần Truyện Diễn Ca, 24 trang (Sài Gòn, C. Guillaud et Martinon)
– 1885: Kiếp Phong Trần
– 1885: Cờ Bạc Nha Phiến Diễn Ca, 82 trang (Sài Gòn, nhà in Mission)
– 1886: Cours d’Annamite anx Élèves Européens
– 1887: Vocabulaire Annamite et Française, 191 trang (Sài Gòn, Rey et Curiol)
– 1887: Lục Súc Tranh Công, 43 trang (Sài Gòn, bản in Mission)
– 1887: Dư Đồ Thuyết Lược, 116 trang và 8 bản đồ (Sài Gòn, nhà in Mission)
– 1887: Uớc Lược Truyện Tích Nước Nam, 31 trang (Sài Gòn, Ray et Curiol)
– 1887: Tam Thiên Tự Giải Âm, 71 trang (Sài Gòn, Rey et Curiol)
– 1887: Việt Pháp Tự Điển, 191 trang (Sài Gòn, Rey et Curiol)
– 1888-1889: Thông Thoại Khóa Trình (từ số 1 đến số 12)
– 1889: Truyện Phan Trần, 45 trang (Sài Gòn, A. Bock)
– 1889: Tứ Thơ, quyển 1: Đại Học, 71 trang, quyển 2: Trung Dong, 137 trang (Sài Gòn, Rey et Curiol)
– 1889: Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, 79 trang (tái bản lần thứ 5 năm 1897, 100 trang có sửa lại và thêm nhiều chú thích)
– 1891-1893: Minh Tâm Bửu Giám, 2 quyển, quyển 1 135 trang, quyển 2 143 trang (Sài Gòn, Rey, Curiol et Cie).
– 1897: Biên Tích Đức Thầy Vêrô Pinhô, Quận Công Phò Tá Nguyễn Ánh là đức Cao Hoàng, 48 trang (Sài Gòn, nhà in Nouvelle)
ĐỊA VỊ CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ TRONG VĂN HỌC SỬ
Trương Vĩnh Ký là nhà văn tiên phong trong việc sử dụng và phổ biến chữ quốc ngữ. Là một trong những nhân vật hợp tác với thực dân Pháp ngay trong những ngày đầu (19) nhưng ông đã chọn con đường văn hóa để phục vụ dân tộc. Người cùng thời không hiểu tâm sự của ông nhưng trước lịch sử, con người thông ngôn, nhân viên Cơ Mật Viện chỉ là những bóng mờ trước một Trương Vĩnh Ký dịch thuật, trước tác, biên khảo từ lúc chữ quốc ngữ còn trong thời kỳ phôi thai và bị rẻ rúng. Nhờ công lao của ông trong thời kỳ dự bị nên đến đầu thế kỷ thứ 20, nhóm Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí (20), và các văn gia sau này có thể sử dụng quốc văn như một lợi khí truyền bá văn chương, tư tưởng và học thuật để bảo tồn quốc hồn quốc túy.
Địa vị của Trương Vĩnh Ký không nằm trong số lượng tác phẩm của ông mà ở công trình sửa soạn cho việc hình thành nền văn học chữ quốc ngữ thay thế cho văn học lịch triều đã suy tàn. Ông chính là người mở đường nền văn học chữ quốc ngữ.
TRẦN BÍCH SAN
CHÚ THÍCH
(01) Đông Dương Tạp Chí (1913-1919): tạp chí hàng tuần do Nguyễn Văn Vĩnh điều khiển, số đầu ra ngày Thứ Năm 15/05/1913, là cơ quan ngôn luận tạo được nhiều ảnh hưởng hữu ích nhất cho việc thành lập nền văn học chữ quốc ngữ. Những người cộng tác gồm cả hai giới tân và cựu học như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Tản Đà Nguyễn Khắc hiếu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Trác, Thân Trọng Huề…
(02) – Nghị định ngày 23/07/1879 của Thống Đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers thiết lập tiền thưởng cho công chức quân nhân nếu chứng minh được trước Hội Đồng Giám Khảo là biết chữ quốc ngữ (trợ cấp 100 quan một năm nếu viết đượcchữ quốc ngữ). Những người được thưởng sẽ phải thi lại sau 5 năm để chứng minh vẫn viết được chữ Việt.
– Nghị định ngày 04/12/1879 của Thống Đốc Le Myre de Vilers mở kỳ thi biên soạn một niên giám bằng chữ quốc ngữ gồm 3 giải thưởng trị giá 500, 300, 200 quan cho 3 bản hay nhất.
(03) – Nghị định ngày 17/03/1879 của Thống Đốc Nam Kỳ Lafont về việc tổ chức nền học chánh mới ở Nam Kỳ ấn định chương trình học chữ quốc ngữ như sau: cấp I (3 năm) dạy tứ thư, tập đọc, kể chuyện mỗi tuần, cấp II (3 năm) học tứ thư, sử địa An Nam hai lớp một tuần, cấp III (3 năm) học tứ thư, các văn thư, khế ước thông dụng, sử địa An Nam mỗi tuần. Đặc biệt trong nghị định này còn nói sẽ thưởng cho những giáo sư dạy chữ quốc ngữ tùy theo số học sinh nhiều ít, và trong điều kiện nhập học, nếu học sinh nào biết chữ quốc ngữ sẽ được điểm riêng trong việc xếp hạng.
– Nghị định ngày 14/06/1880 của Thống Đốc Le Myre de Vilers ấn định việc thiết lập trường dạy chữ quốc ngữ tại làng, thị xã của tổng nếu những nơi này không có trường dạy tiếng Pháp. Làng nhỏ có trường dạy chữ quốc ngữ sẽ được miễn mọi thuế đóng góp cho trường hàng tổng.
(04) Nghị định ngày 22/02/1869 của Phó Đề Đốc G. Ohier (Quyền Thống Đốc Nam Kỳ) bắt buộc tất cả các giấy tờ chính thức như nghị định, quyết định, án lệnh, phán quyết, thông tư, v.v. phải được viết và công bố bằng chữ quốc ngữ. Bản dịch những văn thư đó ra chữ Nho chỉ có tính cách chỉ dẫn (Recueil de la Législation et Règlementation de la Cochinchine 1er Janvier 1880, page 272).
Nhưng phải tới 10 năm sau, với nghị định ngày 06/04/1878 của Phó Đề Đốc Lafont (Thống Đốc Nam Kỳ) việc cưỡng bách việc dùng chữ quốc ngữ trong hành chánh mới thực sự được thi hành. Trong nghị định này, kể từ 01/01/1886, người không biết chữ quốc ngữ sẽ không được tuyển dụng, các công chức trong ngạch phủ, huyện, tổng sẽ không được thăng trật và có thể bị sa thải (tùy theo Giám Đốc Nội Vụ quyết định căn cứ trên sự mẫn cán và liêm khiết của từng cá nhân). Nếu viết được chữ Việt, hương thân được miễn thuế thân, hương hào chỉ phải trả nửa thuế thân, biện lại được miễn tạp dịch. Tuy vậy, 4 năm sau (1882) nghị định này mới được thi hành trên toàn cõi Nam Kỳ.
(05) Quyết định ngày 18/03/1869 của Quyền Thống Đốc Nam kỳ G. Ohier cho ra lại Gia Định báo ngày Thứ Hai 01/04/1869 với giá 20 quan và dưới sự coi sóc của ông Potteau (được phụ cấp thêm 120 quan một năm).
(06) Khuông Việt, “Tiểu sử Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký“, Nam Kỳ Tuần Báo, số 50 ra ngày 02/09/1943 (viết theo tài liệu do con trai của Trương Vĩnh Ký là Trương Vĩnh Tống cung cấp): “Một hôm đi dạo vườn, Trương lượm được một mảnh giấy đọc không ra. Tức trí, Trương cố tra tìm cho đến khi đọc được. Thì ra đó là một bức thư bằng chữ Pháp của một ông thày đánh rơi. Trương bèn mang vào trả lại thày kèm cả bản dịch ra chữ La Tinh. Hết sức ngạc nhiên trước cái sức thông minh của người học trò trẻ tuổi, ông thày ấy liền vui vẻ giúp Trương học chữ Pháp, mua cho sách vở và dạy cả chữ Anh, chữ Nhật, chữ Ấn Độ…” J. Thomson, người Anh, tác giả “Mười Năm Du Lịch ở Trung Hoa và Đông Dương” có kể lại lần đến thăm Trương Vĩnh Ký thấy ông đang soạn bộ “Analyse comparée des principales langues du Monde” (Phân tích đối chiếu những thứ tiếng chính trên thế giới). (2) Nhân viên sứ bộ gồm 14 người. Chánh Sứ (premier ambassadeur): hiệp biện đại học sĩ Phan Thanh Giản (1796-1867), Phó Sứ (deuxième ambassadeur): tả tham tri bộ Lại Phạm Phú Thứ (1821-1882), Bồi Sứ (troisième ambassadeur): án sát sứ Quảng Nam Ngụy Khắc Đản (1816-1873), thông ngôn (Interprète): Sứ Bộ Trùng Dịch Trương Vĩnh Ký (1837-1898).
(07) Từ năm 1876 Trương Vĩnh Ký là hội viên của hội Nhân Chủng Á Châu.
(08) Collège des Interprètes
(09) Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) có tên là Huỳnh Tịnh Trai hoặc Paulus Của, người Bà Rịa, học ở trường Pulo-Pinang, chủng viện đầu tiên ở VN. Tinh thông Hán văn và Pháp Văn, làm công chức cho Pháp đến năm 1861 được bổ làm đốc phủ sứ coi việc phiên dịch các văn án. 1869: cộng tác với Pétrus Ký làm tờ Gia Định Báo (về sau thay Pétrus Ký làm chủ bút tờ Gia Định Báo). Tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của thuộc về lãnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Tự điển Đại Nam Quốc Âm Tự Vị xuất bản năm 1895-1896 ở Sài Gòn là quyển tự điển bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên cắt nghĩa bằng tiếng Việt. Tác phẩm: Phép Toán (1867), Phép Đo (1867), Chuyện Giải Buồn (1880), Chuyện Giải Buồn cuốn sau (1885), Gia Lễ (1886), Sách Báo Học Sơ Giải (1887), Sách Quan Chế (1888), Tam Soạn Tư Hạt Nhựt Ấp (1888), Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895-1896), Tống Tử Văn, Tục Ngữ, Cổ Ngữ, Gia Ngôn (1896-1897), Quan Âm Diễn Ca (1903), Trần Sanh Diễn Ca (1905), Long Châu Toàn Truyện Bổn Cư Sử A Lạc (1905), Bạch Viên Tôn Các (1906), Thoại Khanh Châu Tuấn Truyện (1906).
(10) Trương Minh Ký (1855-1900): tức Trương Minh Ngôn, tự Thế Tài, hiệu Mai Nham, sinh ngày 23/10/1855 ở Chợ Lớn là con một nhà nho tên Trương Minh Cần. Mặc dầu không theo đạo, Trương Minh Ký học ở trường đạo với Trương Vĩnh Ký rồi sau học trường Chasseloup Laubat, Sài Gòn, sau khi tốt nghiệp làm giáo sư trường này. 1869: viết cho Gia Định Báo do Trương Vĩnh Ký làm chủ bút (về sau Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký thay nhau làm làm chủ bút). 1885: dạy Pháp Văn Trường Thông Ngôn với Trương Vĩnh Ký. 1889: làm thông ngôn cho phái đoàn của triều đình Huế đi dự hội chợ ở Paris. Về nước Trương Minh Ký xin vào quốc tịch Pháp và làm thông ngôn ngạch Tây, mất ngày 11/08/1900 tại Chợ Lớn. Tác phẩm: Truyện Phang Sa Dịch Ra Quốc Ngữ (16 truyện ngụ ngôn của La Fontaine, 1884), Tê Lê Mạc Phiêu Lưu Ký (1887), Tuồng Joseph (1888), Như Tây Nhật Trình (Nhật ký từ Sài Gòn đến Ba Lê, 1889), Quốc Ngữ Sơ Giải, Phú Bần Truyện Diễn Ca, Tuồng Kim Vân Kiều (1896), Thi Pháp Nhập Môn (1898), Thị Gia Cách Ngôn Khuyến Hiếu Ca, Phong Thần Bá Ấp Khảo, Chủ Quốc Thoại Hội, Chu Tử Gia Huấn, Ca Từ Diễn Nghĩa, Ấu Học Khải Mông.
(11) Collège des Administrateurs Indigiènes.
(12) Lúc bấy giờ các nho sĩ miền Bắc rất khinh ghét Trương Vĩnh Ký vì ông đã hợp tác với Pháp. Trong truyện dài Bóng Nước Hồ Gươm, nhà văn Chu Thiên có kể lại khi Trương Vĩnh Ký viếng đền Ngọc Sơn, một nhà nho đã tặng ông câu đối như sau:
Bắc du phong độ nhan như ngọc
Tây vọng dung quang khí tự hồng
có nghĩa là:
Đi chơi đất Bắc phong độ mặt đẹp như ngọc
Hướng về phíaTây diện mạo sắc khí màu hồng
Nhưng câu này còn có nghĩa là:
Đi chơi đất Bắc phong độ nhẵn nhụi như đầu ngọc hành
Trông ngóng theo Tây mặt mũi ngây ngô như tĩn lợn đỏ
(13) Trương Vĩnh Ký viết ngày 23/07/1872 như sau: “Que cette mesure indirect puisse contribuer à l’établissement des relations réciproques de plus en plus strictes, pour le bien des deux pays, qui sont appelés aujourd’hui, en s’appuyant, le faible sur le fort, à l’accomplissement de l’oeuvre providentielle!” tạm dịch: “Mong rằng biện pháp gián tiếp này có thể giúp sự thiết lập mối quan hệ hổ tương ngày một chặt chẽ thêm để có lợi cho cả hai nước mà bây giờ được giao sứ mạng hoàn thành công trình của Thượng Đế, nước yếu nương dựa vào nước mạnh!”.
(14) Professeur Des Langues Orientales
(15) Nhật ký của Trương Vĩnh Ký viết vào những ngày cuối đời có đoạn: “Bị hai cái khánh tận, nhà in… nơi nhà…mất hơn năm sáu ngàn đồng bạc. Phần thì sách vở bán không chạy, mắc nợ nhà in Rey et Curiol, phần thì bị phải bảo lãnh nợ cho nó hết, hơn…lại thân phát…đau hư khí huyết…”
Bài thơ sau mang tâm sự nan minh của ông:
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gởi tên con sách mọt
Công danh rút cuộc cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chưn bước
Bò xối con sùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thưa khai
(16) Theo J. Bouchot trong tác phẩm viết về thân thế Pétrus Ký
(17) 118 tác phẩm của Trương Vĩnh Ký căn cứ theo danh sách liệt kê của Long Điền trên tạp chí Tri Tân số 44 ra ngày 28/04/1944.
(18) Theo thư mục của Bouchot: Mắc bịnh Cúm 3 trang, Hài Kịch Con Quạ 7 trang, Thạnh Suy Bĩ Thới Phú, 7 trang, Ngư Tiều trường Điệu 8 trang, Học Trò Khó Phú 8 trang, Gia Định Phong Cảnh Vịnh 11 trang, Chuyện Khôi Hài 16 trang, v.v.
(19) Những nhân vật hợp tác với Pháp buổi ban đầu có thể kể Tôn Thọ Tường trong Nam, Nguyễn Thân ở Trung, Hoàng Cao Khải và Lê Hoan ngoài Bắc.
(20) Nam Phong Tạp Chí (1917-1934): do học giả Phạm Quỳnh chủ trương với sự cộng tác của các nhà văn qua từng giai đoạn:
– Giai đoạn đầu (1917-1922): Nguyễn Bá Trác, Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Khôi, Tản Đà, Thân Trọng Huề, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Mạnh Bổng, Trần Văn Ngoạn, Trần Mỹ, Hoàng Yến.
– Giai đoạn 2 (1922-1925): Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Nguễn Đôn Phúc, Nguyễn Triệu Luật, Hoàng Ngọc Phách, Đoàn Tư Thuật, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Tốn, Vũ Đình long, Nguyễn Tường Tam.
– Giai đoạn 3 (1925-1932): Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Lê Dư, Bùi Kỷ, Tương Phố, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Văn Kiêm, Trúc Hà, Nguyễn Thúc Khiêm, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam.
– Giai đoạn cuối (1932-1934): Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phúc, Nguyễn Tiến Lãng, Đỗ Đình Thạch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Trung tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục tái bản lần thứ 10, Sài Gòn, 1968
– Long Điền, Những Sách Của Cụ Trương Vĩnh Ký, tạp chí Tri Tân số 44, 28/04/1944
– Ngọc Xuyên, Tiểu Sử Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký, Nam Kỳ Tuần Báo số 50, 02/09/1943
– Nguyễn Ngu Í và T.P.H., Trương Vĩnh Ký, Nhà Bác Học Làm Vẻ Vang Nước Việt, Sài Gòn, 1961
– Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Lối Xưa Xe Ngựa…, An Tiêm, Paris, 2002
– Phạm Thế Ngũ, Việt nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển 3, nxb Anh Phương, Sài Gòn, 1965
– Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển 2, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục tái bản, Sài Gòn, 1971
– Trần Văn Giáp, Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, Văn Học, Hà Nội, 2000
– Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, quyển 1, Thăng Long tái bản, lần thứ 3, Sài Gòn, 1960