Tôi, Phạm Bá Hoa, xin phép tác giả Trần Ngọc Giang. Vì có nhiều bạn chuyển đến tôi bài viết của tác giả, kèm theo câu tóm tắt chung là “muốn tôi cho biết ý kiến”….Lúc đầu, tôi có trả lời rất vắn tắt riêng cho 4 bạn, nhưng vì càng nhiều bạn chuyển bài này đến tôi và muốn biêt ý kiến, nên tôi thấy cần trình bày chi tiết thêm vào từng đoạn thích hợp trong bài viết của tác giả để tiện trả lời chung. Vào đầu bài:
“Cơn Lốc Rối Loạn Đệ Nhất Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam”, tác giả có y như “trần tình” với người đọc với dòng chữ “… sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở vẫn phải cầm viết hầu phơi bày một sự thật để phần nào giúp các sử gia sau này có những sự kiện quan trọng đưa vào dòng định mệnh của Lịch Sử Việt Nam”.
Cũng vì vậy, một lần nữa, tôi xin phép tác giả để viết lại những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, những gì mà mắt tôi thấy trực tiếp, tai tôi nghe trực tiếp, cùng nét nhìn của tôi từ những điều đó và từ những dòng chữ của tác giả, còn đánh giá như thế nào xin tùy quí vi hữu, quí độc giả.
Xin thưa, trong cuộc đảo chánh 1/11/1963, tôi là Đại Úy chánh văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Trong bài này, phần chữ nghiêng tôi viết và save dưới dạng pdf.
Kể từ biến cố lịch sử năm 1975 đến nay đã có nhiều sách báo, đoàn thể, tôn giáo cũng như hầu hết đồng bào Việt Nam đều quy trách những nhà lãnh tụ miền Nam như Tổng thống Diệm, tuớng Minh, Đôn, Thiệu, Kỳ v.v… đều là những người đã một phần chịu trách nhiệm để Cộng sản thôn tính miền Nam. Sự quy trách này trên bình diện chính trị, truyền thông đương nhiên không ai phủ nhận, nhưng trên phương diện lịch sử thì thật là phiến diện. Do đó tiện giả sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở vẫn phải cầm cây viết hầu phơi bày một sự thật để phần nào giúp các sử gia sau này có những sự kiện quan trọng đưa vào dòng định mệnh của Lịch sử Việt Nam.
Ngược dốc thời gian năm 1958, Đại tá Trần Thiện Khiêm là một trong những sĩ quan được Tổng thống Diệm ưa thích vì vậy Đại tá Khiêm đã được bổ nhiệm Tư lệnh Sư đoàn 4BB. Thời gian này Đại tá Khiêm có hai người bạn thân nhất là Đại tá Nguyễn Khánh và Trung tá Nguyễn Văn Thiệu, bất cứ cuối tuần nào , Đại tá Khiêm đều lái xe đến thăm Đại tá Khánh tại đồn điền trà J’Ring, sau đó 2 người kéo lên Đà Lạt thăm Trung tá Thiệu đương là Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Tôi không biết Thiếu Tướng Khiêm thân với Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu từ lúc nào, mà tôi chỉ biết – theo lời của bà Trần Thiện Khiêm – Đại Tướng Khiêm, Đại Tướng Nguyễn Khánh, và Đại Tướng Cao Văn Viên, thân nhau khi 3 vị cùng là Đại Úy và cùng chiến đấu trong quân đội Liên Hiệp Pháp tại mặt trận Na Sản trên đất Lào
Năm 1960 trong vụ đảo chánh do Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu bị thất bại, bởi Đại tá Khiêm Tư lệnh SĐ 21BB từ miền Tây kéo về giải cứu Tổng thống Diệm, và kể từ đó Đại tá Khiêm được Tổng thống Diệm tín cẩn tuyệt đối, thăng cấp Thiếu tướng và được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Liên quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
(1) Sau khi Đại Tá Nguyễn Chánh Thi thất bại cuộc đảo chánh 11/11/1960, Đại Tá Khiêm gọi tôi đến gặp ông tại Bộ TTM – lúc ấy tôi đang học lớp tham mưu tại trường đại học quân sự đồn trú trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, tức Bộ TTM. Trước khi đi học, tôi là Trưởng Ban Hành Quân Phòng 3/SĐ21BB- Đại Tá Khiêm chỉ nói: “Ông Khánh sẽ cho di chuyển trường đại học lên Đà Lạt. Phần chú, mãn khóa là chú về lại Phòng 3 SĐ, tôi có việc cho chú”. Ngày hôm sau, Đại Tá Khiêm trở về Quân Khu 5 đồn trú tại Cần Thơ, ông vẫn kiêm nhiệm Tư Lệnh SĐ21BB đồn trú tại Sa Đéc. Tháng 4/1962, giải thể các Quân Khu, các Quân Đoàn Sư Đoàn được trao thêm nhận trách nhiệm an ninh lãnh thổ với danh xưng kèm theo là Vùng Chiến Thuật, Khu Chiến Thuật, Đại Tá Khiêm vẫn là Tư Lệnh SĐ21BB/Khu Chiến Thuật Hậu Giang, và SĐ21BB di chuyển từ Sa Đéc sang Cần Thơ. Ngày 6/12/1962, Đại Tá Khiêm thăng cấp Thiếu Tướng, được cử giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân/Bộ Tổng Tham Mưu, và ông nhận chức ngày 17/12/1962. Lúc ấy tôi Đại Úy chánh văn phòng Tư Lệnh SĐ21BB, tôi cũng được lệnh thuyên chuyển đến bộ TTM, và Thiếu Tướng Khiêm cử tôi giữ chức chánh văn phòng TMT Liên Quân cũng từ ngày ấy (17/12/1962). Danh xưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới sử dụng từ 1/4/1964 thời Trung Tướng Nguyễn Khánh, sau văn kiện hệ thống hóa “QLVNCH gồm: Hải Quân, Không Quân, Lục Quân, Địa Phương Quân & Nghĩa Quân” (2) Trong cuộc sống nhất là trong sinh hoạt chính trị, tôi không tin là có sự “tín cẩn tuyệt đồi”, vì thật ra không có gì tuyệt đối trong đời sống chúng ta cả.
Sau khi nắm chức vụ trên và nhất là được sự tin tưởng của Tổng thống, Thiếu tướng Khiêm đã đề cử Trung tá Thiệu làm Tư lệnh Sư đoàn 5BB và Thiếu tướng Khánh làm Tư lệnh vùng 2 Chiến thuật. Tóm lại tất cả các chức vụ quan trọng trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào thới điểm này nếu có sự đề bạt của Thiếu tướng Khiêm chắc chắn sẽ được Tổng thống Diệm chấp thuận, ngoài ra TT Khiêm hơn hẳn các tướng lãnh khác là được cả ông Cố vấn Ngô Đình Nhu mến phục. Bởi vậy tiếng nói của Thiếu tướng Khiêm với hai nhân vật then chốt của nền Đệ Nhất Cộng Hòa có một tác dụng gần như tuyệt đối, các tướng lãnh và tư lệnh quân binh chủng trong QLVNCH biết như vậy nên mọi lệnh của TT Khiêm, Tham mưu trưởng Liên quân đưa ra đều được thi hành đầy đủ, chính xác.
(1) Thiếu Tướng Khánh bàn giao chức vụ Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu cho Thiếu Tướng Khiêm trước khi ông đi Pleiku nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn 2/Vùng 2 Chiến Thuật. Như vậy, tôi nghĩ, không phải Thiếu Tướng Khiêm đề cử Thiếu Tướng Khánh sau khi Thiếu Tướng Khiêm nhận chức. Chức TMT Liên Quân là chức vụ mới thiết lập và Thiếu Tướng Khiêm là người đầu tiên nhân chức vụ này. (2) Có phải Thiếu Tướng Khiêm đề cử Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Tư Lệnh SĐ5BB hay không, điều này tôi không biết. (3) Các đơn vị thi hành lệnh của Bộ TTM ngang qua TMT Liên Quân ký thừa lệnh Tổng Tham Mưu Trưởng là hành động bình thường trong quân đội.
Từ trước tới nay đã có nhiều sử gia và nhân vật chính trị đề cập đến cuộc đảo chánh ngày 1-11-63 nhưng nhiều sự kiện vẫn còn thiếu sót và không chính xác vì chưa ai nêu đúng nhân vật chủ chốt, hầu hết đều cho rằng các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính là những nhân tố chính. Nhưng mặt trái bên trong hậu trường thì không phải vậy, Trung tướng Đôn mặc dù là Quyền Tổng Tham mưu trưởng nhưng không được các Tư lệnh quân binh chủng tin tưởng, Tướng Minh không có thực lực trong tay còn lại Tướng Đính chỉ trong phạm vi Tổng trấn Sài Gòn mà thôi.
Đầu tháng 3/2007 trong lúc nói chuyện với cựu Đại Tướng Khiêm sau khi đón ông và gia đình từ phi trường IAH sau chuyến du lịch Pháp quốc trở về Houston, nhân lúc vui vẻ, tôi hỏi: “Thưa anh Tư, hồi đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, bắt đầu từ phía Hoa Kỳ hay từ phía Việt Nam mình anh Tư?” “Từ phía Hoa Kỳ”. “Vậy ai là người nối vào Việt Nam mình anh Tư?” “Ông S.”. “Ông ấy nối vào ai vậy anh Tư?” “Nối vào anh, nhưng anh thấy việc lớn quá nên giới thiệu với Trung Tướng Minh (Dương Văn)”. Cựu Đại Tướng Khiêm có nói tên đầy đủ của người Mỹ này, nhưng ông không muốn tôi nêu tên ông ấy dù ông S. đã chết rồi. Trong năm 1963, tôi có dịp nói chuyện với ông S. này trong những lúc ngồi chờ vào gặp Thiếu Tướng Khiêm. Ông ta trong ngành tình báo, nói tiếng Pháp sành sỏi. Với những gì tôi biết, Thiếu Tướng Khiêm là một trong những vị quan trọng trong cuộc đảo chánh chớ không phải là “nhân vật chủ chốt”. Trong một đoạn bên dưới, tôi trình bày rõ hơn về điểm này.
Đến đây tiện giả xin trình bày diễn tiến cuộc đảo chánh 1-11-63 để quý vị độc giả có thể thấu hiểu ai là người đã soạn thảo, móc nối và thi hành kế hoạch đảo chánh.
Khoảng đầu tháng 10-1963 Thiếu tướng Khiêm gọi Thiếu tá Giang lên văn phòng cho biết sẽ có đảo chánh để lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa vì Thiếu tướng Khiêm được biết ông Ngô Đình Nhu đã có liên lạc với phía Việt Cộng. Đến đây tiện giả xin mở dấu ngoặc. Sở dĩ Thiếu tướng Khiêm tiết lộ cuộc đảo chánh cho Thiếu tá Giang vì Thiếu tá Giang đã từng là Chánh Văn phòng của Thiếu tướng Khiêm, và ngay sau nhậm chức Tham mưu trưởng Liên quân Thiếu tướng Khiêm đã yêu cầu Nha An ninh quân đội đưa Thiếu tá Giang sang giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh Quân đội Bộ Tổng Tham mưu.
(1) Nếu tôi nhớ không lầm, lúc đảo chánh 1/11/1963, tác giả là Đại Úy chớ chưa là Thiếu Tá. Tôi còn nhớ văn phòng của tác giả trong Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu, building bên trái từ cổng số 1 vào. Tác giả có trách nhiệm xét cấp “Thẻ” ra vào cổng Tổng Tham Mưu cho quân nhân viên chức phục vụ trong khuôn viên Bộ TTM. Tôi cũng được cấp thẻ đó. Tác giả nói đầu tháng 10/1963, Thiếu Tướng Khiêm gọi tác giả lên văn phòng cho biết có đảo chánh, nhưng những gì tôi biết thì những buổi họp tối mật giữa Thiếu Tướng Khiêm với các vị đảo chánh là từ trung tuần tháng 10/1963. Chứng minh: Khoảng 17 hay 18/10/1963, Thiếu Tướng Khiêm bắt đầu có những lần rời khỏi nhà ban đêm (sau đảo chánh tôi mới biết là ông đến nhà Thiếu Tướng TT Đính) mà không cho xe hộ tống theo sau, cho phép suy đoán là chuyện đảo chánh được thảo luận từ đó.
(2) Về phần tôi, 7 giờ sáng 1/11/1963 (hôm ấy là lễ Các Thánh Tử Đạo) Thiếu Tướng Khiêm gọi tôi đến nhà ông, sau khi ngồi ở góc sân mà từ đó nhìn thấy chung quanh để biết chắc là không ai nghe thấy, trước khi ra lệnh ông nói thế này” “Đây là chuyện tối mật, chú không được nói với bất cứ ai kể cả vợ chú và chú Có, nếu bị tiết lộ thì chú đứt đầu trước tôi.” Chù Có mà Thiếu Tướng Khiêm nói ở đây là Trung Úy Nguyễn Hữu Có, sĩ quan tùy viên của ông. Tôi nghĩ, nếu tác giả được tín cẩn đến mức được Thiếu Tướng Khiêm cho biết trước đảo chánh một tháng, ắt hẳn tác giả phải là nhân vật rất quan trọng trong cuộc đảo chánh 1/11/1963, nhưng trong thực tế chừng như không phải vậy, vì tôi không nhận thấy “người thật việc thật” liên quan đến cuộc đảo chánh. Tôi nói “rất quan trọng” vì đây là hành động ảnh hưởng trực tiếp đến binh nghiệp và mạng sống của những vị tham gia đảo chánh. Hơn ai hết, ngành an ninh biết rõ điều này ít nhất là sau vụ 11/11/1960. (3) Những gì ở Sư Đoàn 4 Dã Chiến liên quan đến tác giả, tôi có nghe Trung Úy Nguyễn Hữu Có – sĩ quan tùy viên lúc ấy – nói lại, nhưng vì chưa đủ lý lẽ để tôi tin nên tôi xem như không biết gì hết.
Ngày 20-10-1963 Thiếu tướng Khiêm chỉ thị Thiếu tá Giang qua gặp Đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh quân đội để cho Đại tá Mậu biết là ông Cố vấn Ngô Đình Nhu vừa ra lệnh cho Thiếu tướng Khiêm tạm giữ Đại tá Mậu vì ông này đang vận động đảo chánh; và Thiếu tướng Khiêm dặn Thiếu tá Giang nói với Đại tá Mậu tạm thời lánh mặt để Thiếu tướng Khiêm dễ dàng trình lên ông Cố vấn. Cũng trong thời gian này Thiếu tướng Khiêm tiết lộ với Thiếu tá Giang về phía tướng lãnh Thiếu tướng Khiêm đã tranh thủ được hầu hết, chỉ còn có Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh vùng 4 là chưa hội ý, riêng Tướng Khánh và Đại tá Thiệu hoàn toàn đồng ý với Thiếu tướng Khiêm, ngoài ra các Tư lệnh quân binh chủng đã có hứa là sẽ sát cánh với Thiếu tướng Khiêm. Nói tóm lại việc vận động, tổ chức cũng như hoàn tất kế hoạch đảo chánh hầu như do Thiếu tướng Khiêm chủ động vì chỉ có tướng Khiêm hội đủ mọi yếu tố để cho các tướng lãnh và tư lệnh quân binh chủng tin tưởng.
(1) Những ngày cuối tháng 10/1963, một buổi tối sau khi Thiếu Tướng Khiêm ra khỏi nhà một lúc, Trung Tá Phạm Thư Đường – chánh văn phòng ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu – điện thoại tôi, hỏi TT Khiêm đi đâu và tôi trả lời TT Khiêm vừa đi đâu đó tôi không biết. Trung Tá Đường nói lệnh của ông Cố Vấn bảo tôi trình với Thiếu Tướng Khiêm là sau giờ làm việc không nên ra khỏi nhà, vì lúc này bọn đặc công Việt cộng tìm ám sát các Tướng Lãnh. Điều này cho thấy ông Cố Vấn Nhu theo dõi hoạt động của Thiếu Tướng Khiêm (và có thể những vị khác nữa) chớ không phải lòng tín cẩn. Tôi chứng minh thêm. Tháng 4/1962, khi ông Cố Vấn xuống Vĩnh Long quan sát trắc nghiệm Ấp Chiến Lược, Đại Tá Khiêm – Tư Lệnh SĐ21BB/Khu Chiến Thuật Hậu Giang – có mặt tại phi trường nhỏ đón ông Cố Vấn, nhưng khi lên xe đi thăm ACL thì Đại Tá Khiêm vẫn ngồi trên xe của ông chớ không đi theo phái đoàn. Trung Tá Lê Văn Phước -Tỉnh Trưởng Vĩnh Long- đến tận xe mời Đại Tá Khiêm cùng ngồi xe với ông Cố Vấn, Đại Tá Khiêm nói: Anh đưa ông Cố Vấn đi thăm ÂCL, tôi vào nhà anh ngồi chờ”. Sở dĩ tôi nghe được câu trả lời và nhìn thấy thái độ của Đại Tá Khiếm, vì tôi vừa là chánh văn phòng Tư Lệnh SĐ21BB vừa trách nhiệm theo dõi trắc nghiệm ACL tại các tỉnh Hậu Giang, và lúc ấy tôi đứng cạnh Đại Tá Khiêm. (2) Trong quân sự, lệnh phải “ngắn gọn, rõ ràng, chính xác”. Ở đây, Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho tác giả bảo Đại Tá Đỗ Mậu “tạm thời lánh mặt” dường như lệnh này không rõ nghĩa. Xin thưa, mỗi lần Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho tôi, bao giờ ông cũng hỏi: “Chú có gì cần hỏi không?” Trường hợp tôi hiểu không rõ là tôi hỏi lại ngay. Với lệnh bảo Đại Tá Đỗ Mậu “tạm thời lánh mặt” phải hiểu thế nào để chuyển lệnh cho đúng? (3) Chính tôi điện thoại liên lạc Thiếu Tướng Khánh (ở Pleiku) nhưng ông không nhận điện thoại, mãi đến gần sáng 2/11/1963 ông mới lên tiếng ủng hộ đảo chánh, chứng tỏ Thiếu Tướng Khánh không tham dự từ đầu, vì nếu tham dự từ đầu thì Thiếu Tướng Khiêm đâu cần ra lệnh cho tôi điện thoại hỏi TT Khánh.
Sáng sớm ngày 31-10-1963 Thiếu tướng Khiêm gọi Thiếu tá Giang lên văn phòng; khi Thiếu tá Giang bước vào thì thấy Đại tá Nguyễn Hữu Có ở đó, Thiếu tướng Khiêm chỉ thị cho Thiếu tá Giang cầm công điện hỏa tốc đi cùng với Đại tá Có xuống Mỹ Tho để bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn hiện do Đại tá Đạm là tư lệnh. Sở dĩ Thiếu tướng Khiêm ra lệnh cho Thiếu tá Giang đi với Đại tá Có là để Đại tá Đạm tin tưởng là lệnh thật do chính Thiếu tướng Tham mưu trưởng ký vì Đại tá Đạm từng biết sự thân cận giữa Thiếu tướng Khiêm và Thiếu tá Giang.
(1) Vào thời gian ấy, cử vào chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn phải là Sắc Lệnh của Tổng Thống, đâu thể nào chỉ do một công điện mà là công điện của vị Tham Mưu Trưởng Liên Quân lại đủ thẩm quyền thay cho một Sắc Lệnh? Thêm nữa, những tài liệu thuộc loại mật và tối mật trong văn phòng TMT Liên Quân, hoàn toàn do tôi đánh máy, cho số, vào phong bì, dán kín mới gởi, cũng như lưu giữ trong tủ sắt ngay sau lưng tôi, không một sĩ quan nào có trách nhiệm này. Nhưng tôi hoàn toàn không biết gì về công điện mà tác giả nói ở trên. (2) Tôi có chút thắc mắc: “Tại sao phải có mặt tác giả bên cạnh Đại Tá Nguyễn Hữu Có để chứng minh công điện đó là thật”. Như vậy phải hiểu rằng, nếu không có tác giả thì Đại Tá Có chẳng có giá trị gi hết, nếu không nói lúc ấy “Đại Tá Có chỉ là cái bóng của tác giả”. Với lại những gì tôi biết về Đại Tá Đạm, ông là người rất chính chắn bình tỉnh trong mọi vấn đề, nên tôi tự hỏi: Chẳng lẽ Đại Tá Đạm biết tác giả được sự tín cấn của Thiếu Tướng Khiêm đến mức chỉ cần sự có mặt của tác giả đã đủ để ông tin tưởng cái lệnh tối mật đó là thật sự của Thiếu Tướng Khiêm? Chẳng lẽ Đại Tá Đạm lại chấp nhận cái công điện đó của vị TMT Liên Quân có thẩm quyền thay cho Sắc Lệnh của Tổng Thống? Dù gì thì trên quyền của TMT Liên Quân còn có Trung Tướng Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng nữa mà. Phải chăng tác giả hàm ý tác giả là biểu tượng của Thiếu Tướng Khiêm do tác giả từng là chánh văn phòng của Đại Tá Khiêm khi ông giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Dã Chiến đồn trú tại Biên Hòa. (tùy theo thời gian, tôi dùng cấp bậc đúng vào lúc ấy)
Đến 11 giờ sáng cùng ngày Thiếu tá Giang trở về Bộ Tổng Tham mưu và được Thiếu tướng Khiêm cho biết đúng 12 giờ trưa Thiếu tướng Khiêm sẽ chủ tọa buổi họp các tư lệnh quân binh chủng, và sau buổi họp nếu ai chống lại đảo chánh thì thiếu tá Giang phải giữ lại trong phòng họp Bộ Tổng Tham mưu chờ lệnh của Thiếu tướng Khiêm. Buổi họp vừa chấm dứt; trong lúc lộn xộn thì Đại úy Nhung sĩ quan cận vệ của Trung tướng Minh tự ý bắt Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng đặc biệt dẫn đi đâu không rõ, sau đó Đại úy Nhung trở lại định bắt Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Sư đoàn nhảy dù và ông Lê Văn Tư, Giám đốc Cảnh sát Đô Thành, nhưng Thiếu tá Giang đã ngăn chặn kịp thời. Đại úy Nhung báo lên Trung tướng Minh và Trung tướng đến hỏi lý do cản trở Đại úy Nhung thì Thiếu tá Giang trả lời là thi hành lệnh Tướng Khiêm.
(1) Ngày 31/10/1963, hoàn toàn không có buổi họp nào tại Bộ TTM do TT Khiêm chủ tọa cả. (2) Ngày 1/11/1963, lúc 7 giờ sáng (hôm ấy nghỉ lễ buổi sáng), Thiếu Tướng Khiêm đưa tôi hai danh sách và ra lệnh: Thứ nhất. Mời quí vị trong danh sách 1 đến câu lạc bộ Bộ TTM trước 12 giờ để dùng cơm, thật ra là buổi họp của những vị tham gia đảo chánh trước khi lên phòng làm việc của Thiếu Tướng Khiêm. (2) Mời quí vị trong danh sách 2 đến họp tại phòng họp số 1 (tầng 1 tòa nhà chánh) và yêu cầu có mặt trước lúc 1 giờ trưa, thật ra là cầm chân trong phòng họp. Đúng 1 giờ trưa, đóng cửa lại và cho Quân Cảnh gác, không một ai trong số đó được ra vào. Lúc ấy tác giả không phải là thành viên của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, cũng không phải là sĩ quan thừa hành của bất cứ vị nào trong đó, tôi nghĩ, tác giả làm sao ngăn chận Đại Úy Nhung là người nhận lệnh của Trung Tướng Chủ Tịch Hội Đồng. Thật ra – theo lời của cựu Đại Tướng Cao Văn Viên – nói với tôi trong bữa ăn tại nhà anh chị Lý Thanh Tâm ở Virginia trưa ngày 6/9/2003, chính Thiếu Tướng Đính bảo Đại Úy Nhung tháo còng ra (lúc ấy mới còng 1 tay). (3) Tôi ngạc nhiên ở điểm, tác giả không phải là Trung Tướng Minh, cũng không phải là Đại Úy Nhung, làm sao biết được Đại Úy Nhung “tự ý” bắt Đại Tá Tung? Sự kiện mà tác giả nêu lên là sự kiện lịch sử, vì vậy mà sự suy đoán nhất là suy đoán theo chủ quan, tôi nghĩ là nên tránh. (4) Nhẩy Dù lúc ấy là Lữ Đoàn chớ chưa là Sư Đoàn. (5) Ngay Đại Tá Nguyễn Đức Thắng Trưởng Phòng 3 TTM, Đại Tá Đặng Văn Quang Trưởng Phòng 4 TTM, cũng không vào được, tác giả làm sao vào bản doanh HĐQNCM để nhận lệnh của Thiếu Tướng Khiêm. Xin mời đọc thêm đoạn cựu Đại Tướng Khiêm từ Virginia điện thoại tôi ở Houston vào tối 21/10/2003 (bên dưới) để nhận ra điều mà tác giả nói Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho tác giả ngăn chận hành động Đại Úy Nhung, “điều đó có thể có hay không”.
Khoảng 2 giờ trưa ngày 31-10-63 Đại úy Lê Quang Triệu, em ruột của Đại tá Tung dẫn 1 đại đội lực lượng đặc biệt cùng với 4 chiến xa đến cổng Bộ Tổng Tham mưu để hỏi tình trạng Đại tá Tung, ngay khi đó Đại úy Nhung chạy ra gặp Đại uý Triệu và yêu cầu Đại úy vào trình diện Thiếu tướng Khiêm, Đại úy Triệu nghe lệnh trình diện Thiếu tướng Khiêm nên Đại úy không nghi ngờ gì do đó mới bị chết thảm.
Ngày 31/10/1963, không có chuyện Đại Úy Triệu đẫn quân đến hỏi tình trạng Đại Tá Tung.
Khi tiếng súng đảo chánh nổ trưa 31-10-63 Thiếu tướng Khiêm đã chủ động qua các diễn trình như:
Ngày 31/10/1963, đâu có cuộc đảo chánh nào mà nổ súng. Đảo chánh ngày 1/11/1963, ngày này không phải riêng Việt Nam mình mà nhiều quốc gia trên thế giới đều biết, nhưng theo tài liệu của tác giả là ngày 30/10/1963. Viết nhầm con số chăng? Tôi e không phải, vì ngày 1 chỉ có một con số nhưng tác giả lại gõ vào số 3 trước rồi đến số 1. Còn con số tháng 10 khác xa với con số tháng 11. Muốn viết số 11 thì gõ hai lần số 1 tận cùng bên trái, nếu gõ nhầm số thứ nhì phải là số 2 hay số 3, chớ đâu thể nào gõ nhầm vào số 0 ở gần tận cùng bên phải của hàng số. Nếu được tác giả giải thích điều này thì rõ nghĩa.
– Ra lệnh cho Đại tá Có điều động Sư đoàn 7 ngăn chặn lực lượng tiếp viện từ vùng 4 chiến thuật.
Lệnh của HĐQNCM (không phải lệnh của Thiếu Tướng Khiêm) cử Đại Tá Nguyễn Hữu Có xuống SĐ7BB (Mỹ Tho) khống chế Đại Tá Đạm án binh bất động. BTL Quân Đoàn 4 tại Cần Thơ và SĐ9BB đồn trú tại Sa Đéc, hai đại đơn vị này cũng bị khống chế án binh bất động như vậy.
– Lệnh cho Đại tá Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 điều quân về Sài Gòn để làm chủ lực tấn công Lữ đoàn phòng vệ Phủ Tổng thống và Dinh Gia Long.
– Cô lập tất cả Tư lệnh Quân binh chủng nào xét ra chống lại cuộc đảo chánh.
Lúc 1 giờ trưa, tôi xuống lầu chuyển lệnh cho Quân Cảnh đóng cửa phòng họp số 1 và Quân Cảnh đứng gác. Tôi thấy tận mắt để biết chắc là lệnh đã được thi hành, rồi trở lên văn phòng trình Thiếu Tướng Khiêm.
– Ra lệnh cho Tướng Khánh, Tư lệnh vùng 2 và Tướng Trí vùng 1 chiến thuật thi hành những biện pháp cần thiết.
Tối 1/11/1963, tôi điện thoại lên Quân Đoàn 2 để chuyển lời của Thiếu Tướng Khiêm hỏi TT Khánh có ủng hộ hay không, nhưng TT Khánh không nhận điện thoại. Như vậy, Thiếu Tướng Khánh không được biết cuộc đảo chánh ít nhất cho đến sau 1 giờ trưa (giờ G của cuộc đảo chánh). Trường hợp Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí có công điện ủng hộ ngay sau 1 giờ trưa ngày 1/11/1963. Tôi có trách nhiệm nhận các công điện do Truyền Tin Bộ TTM đưa đến và mang vào trình Thiếu Tướng Khiêm, cũng có nghĩa là trình cho HĐQNCM. Ngay sau đó, những công điện ủng hộ được chuyển sang đài phát thanh để phát trên làn sóng. Tôi cũng được lệnh bảo Truyền Tin Bộ TTM “chận bắt” tất cả công điện gởi về Phủ Tổng Thống và trình ngay vào Hội Đồng.
– Riêng các Tướng Minh, Đôn, Kim, Nghiêm, Xuân v.v… có mặt tại Tòa nhà chánh bộ Tổng Tham mưu chỉ có tính cách phụ giúp hơn là thực quyền vì tất cả mọi lệnh và điều hành đảo chánh đều diễn ra trong phòng làm việc của tướng Khiêm.
Tôi có mặt trong văn phòng từ sáng sớm ngày 1/11/1963 liên tục ngày đêm đến chiều ngày 3/11/1963 mới về nhà, tôi không thấy tác giả có mặt trong phòng Thiếu Tướng TMT Liên Quân, tức bản doanh của HĐQNCM. Đúng là mọi diễn biến đều diễn ra trong phòng làm việc của Thiếu Tướng Khiêm và điều này trong Bộ TTM ai cũng biết cả, nhưng thực quyền thì không phải vậy. Bằng chứng. Khoảng 5 giờ chiều 1/11/1963, khi tôi vào cầm ống nói điện thoại đưa Thiếu Tướng Khiêm và mời ông tiếp chuyện với Tổng Thống, Thiếu Tướng Khiêm chưa kịp phản ứng thì Trung Tướng Minh giựt ống nói trên tay tôi và nói chuyện với Tổng Thống. Vài phút sau đó, cũng điện thoại từ Đại Úy Bằng, sĩ quan tùy viên của Tổng Thống, yêu cầu tôi mời Thiếu Tướng Khiêm tiếp chuyện với Tổng Thống, nhưng Trung Tướng Minh cũng giựt ống nói và đặt xuống máy chớ không nói chuyện. Thiếu Tướng Khiêm với thái độ bình thản, im lặng. Thêm nữa, lúc 7 giờ tối, Trung Tướng Minh gọi các vị vào họp, lúc ấy có thêm Trung Tá Đỗ Khắc Mai (Không Quân) mới đến. Ông ra lệnh: “Đến 7 giờ sáng mai (2/11/1963) nếu dinh Gia Long chưa đầu hàng, Không Quân cho nhiều phi tuần khu trục đánh bom, sau đó Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp tấn công vào …..” Chỉ vài sự kiện đó thôi, tôi nghĩ, cũng đủ cho thấy vị nào thực sự nắm quyền.
Tiếng chuông của chiếc điện thoại được reo đúng 3 giờ 17 phút, Thiếu tướng Khiêm nghe, đầu giây bên kia người đối thoại không ai khác là Tổng thống Diệm. Sau cuộc điện đàm Thiếu tướng Khiêm quay qua tướng Minh, Đôn nói “Tổng thống nói với các tướng lãnh đến dinh Gia Long nói chuyện. Moi trả lời để hội ý rồi sẽ trình lại Tổng thống sau” nhưng sau đó tướng Minh, Đôn, Kim và cả Khiêm không đồng ý đến gặp Tổng thống Diệm. Tuy nhiên khoảng 4:30 chiều 31-10-63 Thiếu tướng Khiêm tự ý điện thoại cho Tổng thống Diệm với đề nghị đưa Tổng thống cùng toàn thể gia đình ông Nhu ra ngoại quốc với sự bảo đảm an ninh do chính Thiếu tướng Khiêm hứa. Khoảng 6 giờ chiều Tổng thống Diệm gọi cho tướng Khiêm để cho biết là T.T. đồng ý đề nghị nói trên nhưng khi tướng Khiêm hội ý với tướng Minh, Đôn, Kim thì tướng Minh nói ngay “Giờ này quá trễ rồi, chúng ta cứ tiếp tục”. Qua các cuộc điện đàm kể từ lúc tiếng súng bắt đầu nổ cho đến khi Tổng thống Diệm chạy đến nhà thờ Cha Tam, Tổng thống Diệm chỉ có gọi điện thoại cho Thiếu tướng Khiêm mà thôi.
Trong Bộ TTM vào ngày 31/10/1963, tình hình vẫn bình thường như những ngày trước đó. Chuyện mà tác giả nói ở đây, tôi không biết xảy ra ở đâu. Cứ cho rằng cuộc đảo chánh diễn ra ngày 31/10/1963 như tác giả viết, vậy thì đúng 3 giờ 17 phút, lúc 4 giờ 30 phút, và khoảng 6 giờ chiều mà tác giả viết trong tài liệu, liệu tác giả có mặt trong phòng Thiếu Tướng Khiêm vào những lúc ấy hay không mà viết rất rõ giờ phút? Vế phần tôi, tôi thấy tận mắt Trung Tướng Minh cầm ống nói nói chuyện với Tổng Thống khoảng 5 giờ chiều và tôi nghe tận tai Trung Tướng Minh thuật lại cuộc nói chuyện đó với các vị ngồi trong phòng Thiếu Tướng Khiêm lúc ấy, nhưng không phải ngày 31/10/1963 mà là ngày 1/11/1963. Đây là vấn đề lịch sử, mà lịch sử phải là khách quan, trung thực!
Đọc hết đoạn trên chắc độc giả đã nhận ra vai trò của tướng Khiêm từ tiền đảo chánh đến khi cuộc cách mạng 1-11-63 thành công, nếu tướng Khiêm không được Tổng thống Diệm tin dùng, nếu không có sự hợp tác với tướng Minh, Đôn v.v… chắc chắn là cuộc đảo chánh không thể xảy ra được vì trên cương vị Tham mưu trưởng Liên quân lại được sự tín cẩn của Tổng thống vì vậy các Tư lệnh Quân Binh Chủng đã không có phản ứng nên cách mạng 1-11-63 mới thành công một cách dễ dàng. Ngược lại nếu tướng Minh, Đôn, Đính ra lệnh cho các đơn vị chắc chắn sẽ bị chống đối hoặc không thi hành, nhất là 2 lực lượng nồng cốt do chính Thiếu tướng Khiêm điều động với SĐ7 có nhiệm vụ ngăn chặn tiếp cứu của vùng 4, và Sư đoàn 5 chủ yếu tấn công Lữ đoàn Liên Binh phòng thủ phủ Tổng thống với dinh Gia Long.
Thưa quí vi hữu và quí độc giả, sau 12 năm 3 tháng bị nhốt trong 4 trai tập trung của cộng sản tại miền Nam và miền Bắc, tôi đến Hoa Kỳ ngày 5/4/1991 trong đợt HO5. Sau mấy năm làm nhiều việc khác nhau, cuộc sống ổn định. Năm 2003, tôi lên Virginia thăm cựu Đại Tướng Khiêm và cựu Đại Tướng Viên. Sau đó, thỉnh thoảng điện thoại qua lại. Tối 21/10/2003, cựu Đại Tướng Khiêm từ Virginia điện thoại tôi ở Houston, ông nói một số điểm liên quan đến cuộc đảo chánh 1/11/1963. Đây là vài điểm trong số đó: “Trước ngày đảo chánh, Anh (tức cựu Đại Tướng Khiêm) nói như một điều kiện liên quan đến Tổng Thống Diệm rằng: “Phải để Tổng Thống bình yên và xuất ngoại”. Lúc đó Trung Tướng Dương Văn Minh đồng ý, Thiếu Tướng Lê Văn Kim cũng đồng ý. Sở dĩ Anh nói với Trung Tướng Minh và Thiếu Tướng Kim, vì hai ông này là hai nhóm riêng chớ không phải là một nhóm đâu nghe chú. Khi biết ông Diệm cùng với ông Nhu bị giết, Đại Tá Quyền (Hồ Tấn Quyền) bị giết, Đại Tá Tung (Lê Quang Tung) cũng bị giết, đến em của ông Tung là Lê Quang Triệu cũng bị lừa rồi giết chết. Ông Viên (Cao Văn Viên) thì bị còng tay. Họ hành động lén nên Anh với chú có hay biết gì đâu. Mấy ổng ngồi bên phòng của Đại Tướng Tỵ quyết định với nhau. (Lúc ấy Đại Tướng Tỵ dưỡng bệnh ngoài Vũng Tàu, Trung Tướng Trần Văn Đôn Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng). Ngưng một chút, ông tiếp: “Chú thấy chưa? Nhóm ông Minh với nhóm ông Kim độc ác quá! Ông Diệm gọi điện thoại bảo cho xe đến đón, tức là ổng đầu hàng rồi, tại sao lại giết người đầu hàng? Trước đó, ông Minh ông Kim đồng ý với Anh là để ông Diệm bình yên và lưu vong, tại sao lại giết? Cho nên từ đó Anh bất mãn với ông Minh ông Kim”. Với lời của cựu Đại Tướng Khiêm trên đây, cho thấy lúc ấy ông trong thế bị động, cho nên không hay biết gì về Đại Tá Tung bị đưa ra khỏi phòng họp số 1, Đại Tá Viên bị còng tay, thì làm sao ông ra lệnh cho tác giả ngăn chận hành động của Đại Úy Nhung như tác giả viết ở một đoạn bên trên.
Sau cuộc cách mạng 1-11-63 thành công vai trò nổi bật là những tướng Minh, Đôn, Kim, Đính, Xuân. Riêng tướng Khiêm với chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng hữu danh vô thực, ngoài ra tiếng nói của tướng Khiêm trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng hầu như bị lãng quên do đó cuộc chỉnh lý mới bùng nổ mà nguyên nhân chính là do sự bất mãn của tướng Khiêm.
(1) Chiều ngày 2/11/1963, Thiếu Tưóng Khiêm thăng cấp Trung Tướng (cùng với nhiều vị khác nữa) và vẫn giữ chức Tham Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Chức vụ đó là chính xác, vì tôi vẫn là chánh văn phòng. (2) Ngày 1/1/1964, bàn giao chức TMT Liên Quân cho Trung Tướng Lê Văn Kim, và ngay chiều hôm ấy sang nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Vùng 3 Chiến Thuật. Cả hai cuộc bàn giao không có vị nào chủ tọa, mà chỉ có 2 vị “bên giao bên nhận” và các sĩ quan tham mưu liên hệ. Tôi và các sĩ quan cùng nhân viên văn phòng TMT Liên Quân đều thuyên chuyển sang Quân Đoàn 3, cộng thêm Đại Úy Lê Văn Tuấn (về sau anh Tuấn là Đại Tá Giám Đốc Nha An Ninh Hành Chánh khi Đại Tướng Khiêm giữ chức Tổng Trưởng Nội Vụ). Tôi nghĩ, tác giả được tín cẩn đến mức được Thiếu Tướng Khiêm cho biết trước một tháng về cuộc đảo chánh 1/11/1963, nhưng tiếc là tác giả không biết gì về chức vụ của Trung Tướng Khiêm sau cuộc đảo chánh. Mời quí vi xem lại đoạn trên để thấy cựu Đại Tướng Khiêm thố lộ một chút tâm trạng của ông sau ngày 1/11/1963. (2) Nếu chỉ cho rằng, vì Trung Tướng Khiêm bất mãn do chức Tổng Trưởng Quốc Phòng hữu danh vô thực, tại sao trong bản doanh của các vị Chỉnh Lý ngày 30/1/1964 có mặt một viên chức tình báo Hoa Kỳ? (viên chức này khác với viên chức Hoa Kỳ trong cuộc đảo chánh 1/11/1963). Chẳng lẽ Hoa Kỳ chỉ đơn thuần ủng hộ sự bất mãn của Trung Tướng Khiêm mà không có quyền lợi của Hoa Kỳ?
Người tổ chức, thảo kế hoạch do tướng Khiêm chủ động với sự trợ giúp của tướng Khánh và tướng Thiệu cùng 1 số đông các Tư lệnh quân binh chủng. Tuy nhiên vì sở trường của tướng Khiêm là không bao giờ muốn lộ mặt nên tướng Khánh được tướng Khiêm chỉ định coi như lãnh đạo cuộc chỉnh lý. Trên thực tế tướng Khánh không có thực lực, không được ai tin tưởng cho nên nếu không có tướng Khiêm đẩy ra sân khấu chắc chắn không bao giờ tướng Khánh mơ tưởng được làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân, Thủ tướng v.v…
Đến đây tác giả viết đến cuộc chỉnh lý ngày 30/1/1964. Lúc bấy giờ Trung Tướng Khiêm Tư Lệnh Quân Đoàn/Vùng 3 Chiến Thuật, Trung Tướng Khánh Tư Lệnh Quân Đoàn 1/Vùng 1 Chiến Thuật. Xin nhắc lại, sau cuộc đảo chánh 1/11/1963, nhiều vị Tướng Lãnh thăng cấp và giữ chức vụ mới. Trong số đó, HĐQNCM cử Trung Tướng Trí Tư Lệnh QĐ1/V1CT đồn trú ở Đà Nẳng, Trung Tướng Khánh Tư Lệnh QĐ2/V2CT đồn trú ở Pleiku, hai vị hoán chuyển chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn. Cũng lúc ấy, tôi là Thiếu Tá, chánh văn phòng Tư Lệnh QĐ3/V3CT. Từ giữa tháng 1/1964, Trung Tướng Khiêm với Trung Tướng Khánh thường liên lạc nhau bằng điện thoại, đôi khi dùng tiếng Pháp. Chiểu ngày 26 hoặc 27/1/1964, Trung Tướng Khiêm bảo tôi lái xe của ông lên phi trường nhưng bên bãi đáp quân sự đón Trung Tướng Khánh. Đừng cho ai biết tin này. Những đêm sau đó, 2 vị cùng ngồi chung xe đi đâu đó, tương tự như trước ngày 1/11/1963 vậy.
Ngày 29/1/1964, sau giờ làm việc chiều về nhà (thuở ấy là việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều), Trung Tướng Khiêm gọi tôi đến tư dinh và cho biết: “Tôi, Trung Tướng Khánh, và Đại Tá Viên, lật đổ nhóm ông Minh ông Đôn, vì các ông này có kế hoạch đưa Việt Nam đến trung lập. Sau giờ này, chú đưa xe truyền tin hành quân của Quân Đoàn về đậu sau nhà chú. Đích thân chú liên lạc với Thiếu Tướng Thiệu và Thiếu Tướng Có, khi liên lạc được rồi phải giữ máy thường trực cho tôi. Công tác này chú phải xong trước 2 giờ sáng. Đúng 3 giờ sáng, chú đón tại cổng số 1, mời Đại Tá Viên vào nhà Trung Tướng Khánh (bên phải sau khi vào cổng sổ 1) và hướng dẫn Tiểu Đoàn Dù bố trí chung quanh tòa nhà chánh. Phần an ninh trại Trần Hưng Đạo, chú với Trung Tá Luông lo như lần trước. Chú còn gì cần hỏi thêm không?” Tôi không có gì phải hỏi. Cuối cùng, ông bảo tôi chỉnh lại đồng hồ theo đồng hồ của ông. Và rồi Chỉnh Lý (tôi vẫn gọi đảo chánh) thành công.
Khoảng 12 giờ trưa 30/1/1964, Sau một lúc thảo luận với viên chức Hoa Kỳ đã có mặt từ sớm, Trung Tướng Khánh mời Trung Tướng Khiêm và Đại Tá Viên vào bàn họp. Một số sĩ quan quan tâm hay hiếu kỳ, đang đứng lóng ngóng trong nhà để theo dõi tin tức, được mời ra sân, đang có khá đông sĩ quan các quân binh chủng và một số phóng viên báo chí. Lúc bấy giờ trong nhà Trung Tướng Khánh, ngoài 3 vị tại bàn họp, chỉ còn người Việt Nam có vẻ là thân tín của Trung Tướng Khánh, một viên chức Hoa Kỳ, và tôi. Trung Tướng Khánh lên tiếng trước như là người chủ tọa: “Thôi, mọi việc xong rồi. Bây giờ thì anh Khiêm làm đi”. Trung Tướng Khiêm xoay qua Đại Tá Viên, vừa cười vừa nói: “Phần tôi đến đây là đủ rồi. Tôi không thích chính trị đâu, hay là anh Viên nhận đi”. Đại Tá Viên với nụ cười không hết miệng như lúc nào: “Thôi. Hai anh tính với nhau đi, ai làm cũng được mà. Tôi không thích lao vào chính trị. Phần tôi đến đây là xong. Tôi muốn ở Lữ Đoàn Dù với anh em”. Trung Tướng Khánh cười cười: “Các “toa” không nhận thì “moa” đành nhận thôi”.
Mục tiêu của cuộc chỉnh lý không ngoài mục đích của tướng Khiêm là vô hiệu hóa hết quyền hành các tướng Minh, Đôn, Kim v.v…để trả thù lại sự vô ơn của các tướng đối với tướng Khiêm sau cách mạng 1-11-63 và luôn thể đưa những người bạn thân nhất nắm chính quyền là tướng Khánh, tướng Thiệu v.v… Do đó ngay khi cuộc chỉnh lý thành công tướng Khiêm không muốn ở vị thế lãnh đạo nên đẩy tướng Khánh ra thay thế tướng Minh, đưa tướng Thiệu nắm chức Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH.
Sau Chỉnh Lý, Trung Tướng Khánh nhận chức Chủ Tịch HĐQNCM hành sử chức năng Quốc Trưởng, Trung Tướng Khiêm nhận chức Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Thiệu nhận chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân.
Nhưng khi tam đầu chế Minh, Khánh, Khiêm thành hình thì tướng Khánh ham quyền lực, quên đi người đã gây dựng sự nghiệp cho mình là tướng Khiêm, nên tướng Khánh một mặt củng cố uy quyền mặt khác loại bỏ những người thân cận của tướng Khiêm. Tiện giả còn nhớ câu của tướng Khánh nói với tướng Khiêm khi tướng Khánh tống tướng Khiêm đi làm Đại sứ tại Đài Loan như sau: “Anh phải dời VN trong vòng 48 tiếng, nếu không tôi sẽ không bảo đảm tính mạng của anh”.
(1) Có tổ chức “tam đầu chế” vì theo các tổ chức chính trị mít tinh biểu tình “cáo giác” Hiến Chương Vũng Tàu là sản phẩm của Trung Tướng Khánh phảng phất tính độc tài. Trung Tướng Khánh đưa ra “sáng kiến” kết hợp Đại Tướng Khiêm (thăng cấp trước ngày ban hành Hiến Chương), Trung Tướng Minh, và Trung Tướng Khánh vào tổ chức này, nhưng quyền hành vẫn trong tay Trung Tướng Khánh. (2) Ngày 13/9/1964, Trung Tướng Dương Văn Đức, Tư Lệnh QĐ4/V4CT cùng Đại Tá Tồn Tư Lệnh SĐ7BB, thực hiện cuộc Biểu Dương Lực Lượng cảnh cáo Trung Tướng Khánh. Có lẽ khi hoàn thành công tác cảnh cáo nên viên chức tình báo Hoa Kỳ ra lệnh rút quân về Mỹ Tho và Cần Thơ. Trung Tướng Khánh buộc Đại Tướng Khiêm lưu vong vì ông cho rằng Đại Tướng Khiêm đứng sau lưng những vụ xáo trộn chống đối ông. Trong bữa ăn trưa ngày 30/9/1964 tại tư dinh Đại Tướng Khiêm do Trung Tướng Khánh bắt buộc, chỉ có Đại Tướng Khiêm & phu nhân, và Trung Tướng Khánh. Nhóm an ninh của Đại Tướng Khiêm – có tôi – và nhóm cận vệ của Trung Tướng Khánh gần như ghìm nhau chung quanh bên ngoài. Sau khi Trung Tướng Khánh ra về, tôi hỏi: “Thưa Đại Tướng, điều gì xảy ra mà Trung Tướng Khánh to tiếng vậy Đại Tướng? “Ông Khánh “muốn” (hàm chứa ý nghĩa một mệnh lệnh) tôi phải ra ngoại quốc, nếu không thì tánh mạng tôi khó an toàn”. “Đại Tướng nghĩ sao? “Tôi quyết định đi. Chú lo thủ tục cho tôi và gia đình tôi càng sớm càng tốt. Chú với chú Châu, nếu được thì cùng đi với gia đình tôi”.
Tôi thắc mắc: Lúc ấy tác giả đứng đâu mà nghe câu ấy? (3) Đại Tướng Khiêm lưu vong dưới danh nghĩa đi cám ơn các quốc gia Âu Châu đã ủng hộ VNCN chống cộng sản chớ không phải đi làm Đại Sứ ở Đài Loan như tác giả viết trong tài liệu. Thật ra, Đại Tướng Khiêm giữ chức Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ, sau đó mới chuyển sang Đài Loan, và từ Đài Loan về nước tham gia chánh phủ.
Mặc dù sau khi tướng Khánh loại được tướng Khiêm, nhưng từ Đài Loan tướng Khiêm vẫn âm thầm tổ chức để lật đổ tướng Khánh, do đó mới có những cuộc binh biến xảy ra liên miên cầm đầu bởi tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Đại tá Tồn, Trang v.v… Tuy nhiên, tướng Khiêm ít nhất vẫn được người bạn trả ơn đàng hoàng là tướng Thiệu, vì ngay khi tướng Thiệu đắc cử Tổng thống thì tướng Khiêm, đương kim Đại sứ Hoa Kỳ được gọi về giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và sau đó là Thủ tướng cho đến sát biến cố 4-1975.
(1) Xin lặp lại. Biểu Dương Lực Lượng do Trung Tướng Đức thực hiện dẫn đến trường hợp Đại Tướng Khiêm lưu vong, chớ không phải Đại Tướng Khiêm từ Đài Loan điều khiễn cuộc Biểu Dương Lực Lượng.
(2) Cuộc đảo chánh ngày 19/2/1965 do Thiếu Tướng Lâm Văn Phát lãnh đạo để lật đổ Trung Tướng Khánh, nhưng bị Hội Đồng Quân Đội (đã cải danh từ HĐQNCM) buộc rút quân về căn cứ, đồng thời HĐQĐ buộc Trung Tướng Khánh lưu vong với chút an ủi là Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu thăng cấp Đại Tướng cho Trung Tướng Khánh. Xin nói thêm. Trong cuộc điện đàm tối 21/10/2003, có đoạn liên quan. Sau khi ông hỏi tôi những chi tiết trong cuộc đảo chánh này, tôi liền hỏi lại ông: “Thưa anh Tư, xin anh cho biết vụ Thiếu Tướng Phát đảo chánh ngày 19/2/1965, theo lời Trung Tá Lê Hoàng Thao nói thì Trung Tá Phạm Ngọc Thảo từ Hoa Kỳ về tham gia, nếu thành công thì anh Tư về cầm quyền. Điều đó có đúng không?” Cựu Đại Tướng Khiêm trả lời: “Bây giờ chú hỏi Anh mới biết là tại sao lúc đó mấy anh nhà báo của Mỹ nhất là tờ Washington Post theo phỏng vấn Anh về cuộc đảo chánh đó. Anh trả lời là Anh không biết gì hết, và đang chờ tin tức từ Việt Nam. Còn cái vụ ông Thảo về Việt Nam là do ông Khánh (Trung Tướng Khánh) gởi công điện gọi ông Thảo về gấp đó mà không nói lý do. Sau đó Anh mới biết ông Khánh phái người chận bắt ông Thảo đem đi giết, nên người đó giúp ông Thảo chạy trốn. Về sau, bị nhóm nào đó bắt được và giết chết”. Rồi ông nói tiếp: “Chú có biết là tại sao ông Phát đảo chánh ông Khánh bị thất bại, mà ông Khánh lại lưu vong không? Ông Phát thua thì phải rồi, còn ông Khánh tại sao thua? Hồi ông Khánh qua ở đây với Anh (Đại Tướng Khánh có đến nhà Đại Tướng Khiêm khi ông Khiêm giữ chức Đại Sứ tại Hoa Kỳ), Anh có hỏi ổng: “Tại sao ông Phát thua mà Anh cũng thua nữa? Ông Khánh “cười cười mà không trả lời”. Im lặng một lúc, cựu Đại Tướng Khiêm nói tiếp: “Anh có gặp Thiếu Tướng Phát khi ổng qua Mỹ này, Anh hỏi ổng tại sao ổng đảo chánh hồi năm 1965. Ông Phát trả lời thật ngắn là “Mỹ xúi”. Anh thấy chuyện đời mà buồn! Chú có biết là Anh (tức cựu Đại Tướng Khiêm), ông Khánh, ông Đức (Dương Văn), và ông Phát, bốn đứa Anh cùng học một khoá không? Vậy mà khi lên Tướng lại quay mặt đánh nhau! Chú có thấy chính trị nó làm mất tình cảm giữa anh em bè bạn với nhau không!”
Xuyên qua những sụ kiện trình bày trên tiện giả chỉ với mục đích duy nhất là đóng góp nhỏ nhoi vào kho tàng lịch sử biến động nhất của 2 nền Cộng hoà mà tiện giả nghĩ rằng nhân vật Trần Thiện Khiêm dù muốn dù không đã nắm giữ một vai trò tích cực có tính cách xoay chuyển cục diện của miền Nam v.v….
Tôi không có ý kiến.
Tiện giả cũng nghĩ rằng nếu không có Trần Thiện Khiêm sẽ không có đảo chánh 1-11-63, không có chỗ cho vai trò của tướng Khánh trên sân khấu chính trị “cải lương” nhất trong giòng lịch sử Việt và chắc chắn sẽ không có một Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa, người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm làm tan rã QĐVNCH trong một thời gian kỷ lục cũng như đau khổ, tủi nhục cho hàng triệu gia đình Việt Nam.
Xin nhớ rằng, theo lời của cựu Đại Tướng Khiêm thì cuộc đảo chánh 1/11/1963 bắt nguồn từ ông S. viên chức tình báo Hoa Kỳ tại VNCH, chớ không phải tự ông tổ chức (mời xem lại trang 2 bên trên). Trong cuộc Chỉnh Lý 30/1/1964, cũng có một viên chức tình báo Hoa Kỳ bên cạnh các vị lãnh đạo Chỉnh Lý.
Đến đây xin hết phần góp ý của Phạm Bá Hoa.
Xin cám ơn quí vi thân hữu và quí độc giả.
Phạm Bá Hoa
Ngày 11 tháng 11 năm 2009
4 Comments
hoangkybactien
“Việt Thức” đúng là đồ Vứt Thiệt!
Bỉ ổi không kém gì Việt cộng!
Góp ý của tôi có gì sai mà các anh xóa?
Tôi thách các anh cho đăng lại góp ý của tôi để mọi người phán xét.
Đồ hèn hạ, quân đốn mạt. Một lũ Việt gian!
Dám mở một trang để tranh luận không hả “Vứt thiệt” việt gian?
Khang Ng
Tôi thật không hiểu mấy ông Tướng, ông Tá VNCH sao lại thửa thơi giờ để bới móc chuyện xưa như vậy? Chuyện thối đến thế mà vẫn còn muốn ngửi sao? Mấy ông không sợ VC cười khinh miệt a`?
Xin hảy để cho người dân đen miền Nam của chúng tôi sống mà ít tủi nhục. Mấy ông cứ im lặng sống (và có người sống giàu vì tiền của đem theo) để rồi chết đi mà không cần bôi thêm tro trấu vào mặt những nạn nhân thấp cổ bé miệng của mình.
Kẻ thì viết kẻ công (công thật và công giả), kẻ thì bênh vực…thật ra cũng chỉ giống nhau thôi. Mua danh và mua lợi cuối mùa…nghĩ rằng con bài cũ sắp được chủ nhân xưa dùng tới.
Chỉ tội cho bao người lính Miền Nam đã ngã xuống để cho mấy ông Tướng, ông Tá như quý vị – tranh nhau miếng đỉnh chung của ngoại bang!
Một bọn đang ngồi ở Hà Nội thì lớp làm tay sai cho Tàu, lớp thập thò làm đỉ cho Mỹ. Còn những kẻ bên ngoài vỗ ngực chống lại lũ thảo khẩu Cộng sản thì cũng chẳng hơn gì: Nghe mùi tiền, mùi bơ sửa thì bôi mặt đá nhau… tàn tệ còn hơn đánh với kẻ thù.
Đáng buồn và đáng giận!
Le^ co^ng Tu'
Thực ra cũng nên nói để biết trình độ chính trị của đám Khiêm, Đính, Đôn, Minh…
Như vậy mà chạy sang đây còn thò mặt ra trình diện cộng đồng người Việt Quốc gia. Đám tội đồ thiên cổ này tự tử cũng không rử sạch tội lỗi .
Dao Van
Xin chào
Hiện nay có nhiều tài liệu được giả mật và công bố , thí dụ như The Pentagon Papers- tài liệu top secret về chiến tranh VN- Bộ Quốc phòng Mỹ đã giải mật và công bố tại website Văn Khố Chính phủ Hoa Kỳ ngày 13.6.2011 coi như tiếng nói chính thức của nhà nước Mỹ. Tài liệu của CIA thiet lap 2.1965 công bố 2004 và CIA and the House of Ngo(released 2009 ) cho biết nhiều thông tin có thể đọc để biết xem tác giả TN Giang và Phạm Bá Họa ai đúng ai sai …
Xin vô đây :
http://www.scribd.com/doc/32979183/50-n%C4%83m-%C4%91%E1%BB%8Dc-va-coi-l%E1%BA%A1i-clip-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BA%A3o-chanh-1963-CIA-Archives-Published-2012