Chúng ta, ai cũng biết Mặt Trời đã cho loài Người ý niệm về Ngày và Mặt Trăng đã cho ý niệm về Tháng. Khi Mặt Trăng trở lại cùng một vị trí đối với Mặt Trời, ta có một tuần Trăng, hay một Tháng (trung bình là 29,530 589 ngày, hay 29 ng 12 g 44 p 3 giây). Cũng vì vậy mà chữ Trăng, chẳng những tượng trưng cho vệ tinh thiên tạo của Trái Đất mà còn tượng trưng cho Tháng.
Ca Dao, Tục Ngữ, Thi Ca… đã chứng minh chuyện đó :
Bởi thương nên ốm nên gầy,
Cơm ăn chẳng đặng sầu đầy ba trăng.
Ngó lên sao mọc như giăng,
Thấy em có nghĩa mấy trăng cũng chờ.
(Ca Dao).
Ba trăng là ba tháng. Mấy trăng là mấy tháng…
Tôi đã không biết nhiều Sinh Ngữ, nói chi đến Cổ Ngữ, nhưng đôi khi, đọc các bài trên báo chí, tập san, nhận thấy, trong một số cổ ngữ, hai chữ TRĂNG, THÁNG có cùng một ÂM.
Chữ mà chúng ta gặp hàng ngày là chữ NGUYỆT 月 , ai cũng biết Nguyệt là Tháng, Nguyệt là Trăng. Dở một cuốn tự điển hay từ điển Trung Hoa ra, ta thấy ngay Nguyệt 月 : 1) Mặt Trăng. 2) Tháng.
Tôi tò mò, xem tự điển Khmer, la tinh hóa, thì thấy : 1) Khaè = Mặt Trăng. 2) Khaè = Tháng. Tự điển Lào cho : 1) Deuane = Mặt Trăng. 2) Deuane = Tháng…
Trong « Bulletin de la Société Royale des Sciences de Liège, Volume 74, 4, 2005, trang 261 » cho :
Tiếng Hy Lạp chữ mhnh (mênê) = Mặt Trăng ; mhn (mên) = Tháng. Tuy hai âm có hơi khác nhau, nhưng cùng một gốc. Tương tựa, tiếng Anh cho Moon = Mặt Trăng ; Month = Tháng; tiếng Đức der Mond = Mặt Trăng, der Monat = Tháng…
Hay « The Concise Dictioary of English Etymology. Walter W. Skeat – Wordsworth Reference 1993 » (trang 291) cho :
Tiếng Anh : « Moon ; (E) (Modern English) ME (Middle English) mone…G(German) mond… Allied to Skt (Sanskrit) mása, a month. Lit the “measure” of time. Month : see Moon. »
Tiếng Đức : « Mond : La Lune. Monat : Mois (faire référence à der Mond). Mond : viendrait de l’indo-européen mènòt…»
Vậy một số dân tộc xưa, và chắc là nhiều lắm, đã lấy âm của chữ Trăng để chỉ Tháng, vì như đã trình bày trên, con Người đã có ý niệm về Tháng do Mặt Trăng, hay đúng hơn do Tuần Trăng, nhưng dù sao cũng là Mặt Trăng !
Thế thì trong tiếng Việt, âm THÁNG có do âm TRĂNG mà ra không ?
Xem Tự Điển « Dictionarivm Annamititicvm Lvsitavm, et Latinvm OPE – DALL, Typis, & fumptibus eiufdem Sacr.Congreg. 1651. ROMÆ » của Linh Mục Alexandre de Rhodes, ta thấy :
Mạt Blời = o ʃol (Sol); ſol (Sol) = Mặt Trời.
Mặt Blời. Trời trong Tự Điển Tabert cho chữ Nôm như sau :
Trên, chữ Ba 巴 ; dưới, chữ Lệ 例 . Vậy Blời = BaLệ.
Mạt Blang = a lua ; luna = Mặt Trăng.
Mặt Blang. Trong Tự Điển Tabert cho chữ Nôm như sau :
Trên, chữ Ba 巴 ; dưới, chữ Lăng 夌 . Vậy Blang = BaLăng
Tôi có nghe, có đọc những âm như sau (cổ âm hay thổ âm ?) để chỉ Mặt Trời : Lời, Giời và âm bây giờ Trời.
Cách đây khoảng 40 năm, có một Linh Mục lo cho gíáo dân miền Côte d’Azur, Pháp. Ông ta có nhiều kiến thức. Những bài giảng của ông rất hay, nhưng ông đọc kinh « Lạy Cha », thì có người phải nín cười : « Nạy Cha chúng con, ở trên LỜI… »
Vậy từ âm BLỜI, ta có âm LỜI, âm GIỜI, để đến bây giờ có âm TRỜI.
Còn về Mặt Trăng, xin thú thật, tôi chưa nghe hay đọc được âm LĂNG, nhưng các âm Giăng, Trăng thì có nghe, có đọc thường xuyên .
Như trên đã trình bày. Từ âm BLỜI ta có âm LỜI do âm Ba Lệ, thì từ âm BLANG, ta cũng có thể có âm LĂNG do âm Ba Lăng. Đã có Blời, Lời, Giời, Trời, thì có thể có Blang, Lăng, Giăng, Trăng. Chỉ vì lâu ngày quá, người Việt không dùng đến, nên âm Lăng, tượng trưng cho Trăng đã mất trong ngôn ngữ và trong bài viết.
Theo nhiều tác giả, trong tiếng Việt hai phụ âm L và TH rất gần nhau lắm và thường đi theo nhau tạo những chữ điệp từ. Người Việt tự động nói : la tha, lướt thướt, lê thê…
Xin độc giả tự nhiên : lâm….thâm, lầm….thầm, le….the, lẻ….thẻ, lòng….thòng, lốc….thốc, lôi….thôi, lơ….thơ, lưa….thưa, lững….thững, …
Ngoài ra còn có thổ ngữ, những chữ điệp từ mà phụ âm L thay cho phụ âm TH hay ngược lại mà cũng cùng nghĩa, như lò thò. Ở Huế (xem « Từ Điển Tiếng Huế, Tâm An, 2001 », của Bùi Minh Đức), chữ lò đồng nghĩa với chữ thò. Con chuột lò đầu ra, hay con chuột thò đầu ra, người Huế hiểu như nhau, hay lủng với thủng, lè với thè…
Vậy âm Blang, thành âm Lăng và như trên, ta có Lò Thò, Lủng Thủng, Lè Thè…, thì Lăng Thăng, thế là âm Lăng biến ra thành âm Thăng . Rồi từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, âm THĂNG lại biến ra âm THÁNG do hiện tượng pha nhiễm âm hưởng, âm vị ngôn từ.
Theo tôi, trong Việt Ngữ, từ âm Blang, ta có các âm Lăng, Giăng, Trăng ; và cũng từ âm Blang, ta có các âm Lăng, Thăng, Tháng. Hay Trăng, Tháng có cùng một âm gốc Blang.
Và Blang là Trăng, Blang là Tháng. Vậy Tháng là Trăng.
Tựu trung, âm Trăng và âm Tháng đều do âm Blang. Một bên thì tượng trưng cho vệ tinh thiên tạo của trái Đất, một bên tượng trưng cho thời gian giữa hai đêm không Trăng (ngày Sóc), và Trăng là Tháng, Tháng là Trăng, như các cổ ngữ của các dân tộc trình trên.
Tháng giêng chân bước đi cày,
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng.
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng,
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.
(Ca Dao).
Và lúc xưa, ta có thể đọc là :
Trăng giêng chân bước đi cày,
Trăng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng.
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng,
Trăng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.
Và Trăng đây chỉ cho Tháng.
Hay :
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn,
Núi bao nhiêu tuổi núi còn trơ trơ.
(Ca Dao).
Và ta có thể đọc là :
Tháng bao nhiêu tuổi tháng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
Tháng bao nhiêu tuổi tháng tròn,
Núi bao nhiêu tuổi núi còn trơ trơ.
Và Tháng đây chỉ cho Trăng.
Ngày nay, Tháng và Trăng, hai âm khác nhau để chỉ hai ý khác nhau. Đó cũng là sự giàu có của Tiếng Việt.
Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.
(Thời Trước, Lỡ Bước Sang Ngang, 1940, Nguyễn Bính).
Tình ấy hẹn đêm tần giấc lạ
Trăng về trăng từng hạt thu phai
(Mưa Hơi Mưa, Vùng Cao Nước Ẩn, 1999, Lưu Nguyễn Đạt).
Vài hàng xin góp ý. Tôi mong được ý kiến của độc giả.
Nguyễn Vĩnh-Tráng
Tiết Xuân Phân Kỷ-Sửu
209 032 009 nvt*ttl*
One Comment
Trần Tư Bình
Bài viết tra cứu công phu và lý giải hợp lý, chặt chẽ.
Nếu có ai muốn phản bác lại ý tưởng của tác giả NVT thì cũng phải khổ công tra cứu và khó lòng mà biện luận.