Luật về quản lý đất đai của thời Đệ nhất, Đệ nhị Cộng Hòa
Giới sinh viên luật và những người làm công việc liên quan đến pháp luật trên thế giới đều biết khái niệm “tục giao pháp lý”, tức là những nguyên tắc pháp lý cơ bản để mỗi khi làm luật hoặc áp dụng luật, họ sẽ tham chiếu các nguyên tắc này như là những tiêu chuẩn để đưa ra quyết định hoặc luật mới. Những câu “tục giao pháp lý” này được dạy cho sinh viên luật ngay từ năm thứ nhất, trừ những nước theo chế độ cộng sản thì chẳng những sinh viên luật không được dạy mà còn được… giấu đi.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn một ngàn câu “tục giao pháp lý” tiếng La tinh bắt nguồn từ Bộ Luật Hammurabi (Code of Hammurabi), do Hoàng Đế Hammurabi (1792 -1750 trước CN) nước Babylon (Iraq ngày nay) biên soạn và ban hành. Ví dụ: “In dubio pro reo” (Khi có nghi vấn, phải tha bổng bị can), được diễn dịch theo kiểu hiện đại là “Nguyên tắc suy đoán vô tội”. Hoặc: “Nemo bis penitur pro eodem delicto” (Không ai bị phạt hai lần vì cùng một tội), v.v…
Việt Nam thời Pháp thuộc và thời Đệ nhất, Đệ nhị Cộng Hòa xây dựng Hiến Pháp và hệ thống pháp luật về đất đai dựa trên nền tảng nguyên tắc “tục giao pháp lý” từ câu 1 đến câu 7, đó là: lẻ phải, lẻ phải và lẻ phải, công bằng, công bằng và công bằng, phải được số đông ủng hộ.
Năm 1956, ở miền Nam Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 57, còn gọi là “Luật Người Cày Có Ruộng”, gồm những điểm chính là: Bảo vệ quyền tư hữu về ruộng đất đối với bất cứ ai; Hạn điền đối với điền chủ có trên 100 mẫu đất; Ruộng đất dư bị truất hữu được nhà nước mua lại theo giá thị trường. Theo thống kê, miền Nam thời điểm này có 2.033 điền chủ có trên 100 mẫu ruộng, không có trường hợp nào khiếu nại hay yêu cầu Tòa xét xử do bị nhà nước truất hữu ruộng đất, càng không có ai bị chính nhà nước ra tay “giết chết” vì đã sở hữu nhiều ruộng đất.
Điều 384 Bộ Dân Luật Việt Nam Cộng Hòa khẳng định: “Không ai có thể bị tước đoạt quyền sở hữu của mình, trừ phi vì lợi ích công cộng và được bồi thường thỏa đáng. Vì lợi ích công cộng, người sở hữu chủ cũng có thể bị bắt buộc để cho công quyền tạm chiếm hữu bất động sản của mình, với điều kiện được bồi thường thỏa đáng”.
Luật về quản lý đất đai của thời XHCN và hệ lụy phát sinh
Trong khi đó, ở miền Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc Lệnh số 197/SL về việc thi hành Luật Cải Cách Ruộng Đất “sao y” Cách Mạng Văn Hóa của Trung Quốc, nhằm mục đích “Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ”. Cái gọi là “giai cấp địa chủ” sau “sửa sai” số liệu được công khai chính thức là: 172.008 nạn nhân bị đấu tố (tức bị giết) có đến 123.266 người bị oan (chiếm 71,6%). Nỗi ám ảnh giết người kinh hoàng thời của các đội cải cách ruộng đất làm cho dân chúng miền Bắc không dám kiện cáo gì.
Việc tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất được gọi bằng cái cái tên mỹ miều “sở hữu toàn dân”, nhưng thực chất dân nào có quyền gì đối với mảnh đất của mình. Bởi lẽ, quyền sở hữu bao gồm ba quyền năng: định đoạt, quản lý và sử dụng thì dân chỉ được phép sử dụng có thời hạn. Nhà nước muốn “thu hồi” (thực chất là đuổi đi chổ khác) lúc nào thì “thu hồi”, có khác nào các địa chủ thời phong kiến đối với tá điền?
“Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai” (Điều 18 Hiến Pháp 1992), “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” (Khoản 1 Điều 5 Luật Đất Đai). Việc nhà nước có toàn quyền về ruộng đất đã khiến cho “Cán bộ địa phương bán đất công bừa bãi như bán mớ rau, con cá. Tỉnh nào cũng có chuyện chính quyền cấp cơ sở bán đất vô tội vạ. Ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng bán đất vô tội vạ. Tham nhũng đất đai nan giải lắm. Các kiểu tham nhũng đất đai thì muôn hình vạn trạng”. Đó là nhận xét của Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An (Tuổi Trẻ ngày 08/7/2006).
Kết quả là theo thống kê của Thanh Tra Chính phủ, số đơn thư khiếu tố về đất đai năm sau cao hơn năm trước mà không giải quyết dứt điểm được, có vụ khiếu kiện đất đai kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa chấm dứt.
“Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, so với 2009, năm nay các cơ quan nhà nước tiếp nhận hơn 157.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo (tăng gần 30%). Nội dung khiếu nại chủ yếu về lĩnh vực đất đai (gần 70%). Nội dung tố cáo tập trung vào lĩnh vực hành chính (chiếm 94% và chủ yếu liên quan tới cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài chính…)”. (VnExpress 27/9/2010)
Như vậy, trong năm 2009 có hơn 523.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Năm 2010 có hơn 680.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tính bổ đồng cho 80 triệu người (cả cụ già và trẻ sơ sinh, không tính cán bộ đảng viên đảng cộng sản), cứ bình quân 118 người thì có 1 người đứng đơn khiếu nại, tố cáo đến cấp Trung ương, quả là con số người đứng đơn khiếu tố kỷ lục mà các nước tư bản không thể với tới. Có hơn 476.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai, 204.100 đơn khiếu nại, tố cáo cho tất cả các vụ việc xã hội khác.
Phải trả lại quyền tư hữu đất đai của người dân
Để giải quyết việc đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng chóng mặt, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn thấy cần sửa Luật đất đai, còn Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lại cho rằng vấn đề chính là bộ máy cán bộ. “Theo ông Vượng, để giải quyết, vấn đề cốt lõi nằm ở bộ máy cán bộ. Khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài chỉ được giải quyết khi tập trung được một bộ máy có đủ năng lực với lực lượng cán bộ tập hợp từ các bộ, ngành liên quan”.
Ông Trưởng ban Dân nguyện lại có vẻ như không biết gì về nguyện vọng của dân, đó là được hoàn toàn làm chủ mảnh đất của cha ông để lại gắn bó bao đời với họ, chớ không phải như tình trạng hiện nay là thấp thỏm lúc nào cũng có thể bị “thu hồi” và cả dân lẫn cán bộ nhà nước phải bù đầu với khiếu kiện kéo dài. Ngân sách nhà nước (cụ thể là tiền thuế của dân) không thể dùng hao phí vô ích vào việc nuôi một bộ máy cán bộ để làm mỗi một việc là quanh năm suốt tháng “cắm đầu cắm cổ” vào điều tra, xác minh, xử lý hàng đống đống đơn từ khiếu tố cao ngất trời kia. Vấn đề mấu chốt không phải ở “trình độ cán bộ” không biết giải quyết khiếu nại hay cán bộ làm sai trong khi thu hồi đất, mà là người dân không có quyền sở hữu đất đai, tình trạng Tòa án phụ thuộc vào cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Và cơ quan này sẳn sàng lợi dụng cái thế của mình để “đè” Tòa án nhằm bảo vệ “chữ ký” của mình.
“Thảo luận trong phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 27/9, ông Trần Đình Đàn cho rằng, chừng nào không sửa Luật đất đai thì không thể thay đổi thực trạng đơn thư khiếu nại năm sau tăng hàng chục phần trăm so với năm trước. Ông Đàn đề nghị xem xét sửa luật này và cách định giá đất hiện nay”.
Đề nghị của ông Trần Đình Đàn đúng nhưng chưa đủ. Thậm chí nếu sửa luật theo hướng tăng mức đền bù vẫn không giải quyết được tình trạng khiếu tố về đất đai ùn đống khi mà giá nhà nước quy định luôn chạy theo đuôi giá thị trường một cách lẹt đẹt, hụt hơi. Cho dù có sửa luật đến mức nào đi nữa mà nhà nước cứ khư khư giữ quyền sở hữu đất đai thì vẫn không thể chấm dứt khiếu kiện về đất đai, bởi ai cũng biết rõ cái vòng xoáy “Quyền đẻ ra tiền, Tiền đẻ ra quyền”.
Khi cán bộ được giao quyền sinh sát quá lớn trong tay, thực tế đã chứng minh họ dùng cái quyền ấy thao túng vô tội vạ để tham nhũng đất đai, bán dự án, bán quy hoạch… thu tiền vào túi riêng. Ví dụ: Ký duyệt bất cứ dự án nào người ký duyệt cũng phải có “%”, dân thì không có quyền thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng doanh nghiệp thì vô tư. Chỉ cần “thu hồi” một khoảnh ruộng, ném cho người nông dân một mớ tiền (không đủ mua lại nhà tái định cư, không có phương tiện sản xuất khác để sinh sống), thay đổi thành đất ở hay sân gôn rồi chia lô bán nền nhà, đẩy giá đất lên gấp 100 lần số tiền họ trả cho nông dân là bên A, bên B, bên ký duyệt… đều “ẳm” tiền khẳm túi.
Có tiền rồi, người ta lại tìm cách mua bằng cấp, mua chuộc lòng cấp trên (gọi nôm na là mua chức) để ngoi lên chức vụ cao hơn, có quyền phê duyệt những dự án lớn hơn (tất nhiên là “%” nhiều hơn), vậy là tiền đã đẻ ra quyền, rồi quyền lại đẻ thành tiền mới.
Trong khi giới doanh nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền tư hữu về tư liệu sản xuất (nhà máy, công cụ, phương tiện…) thì công cụ sản xuất của nông dân là đất lại không được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu. Nhà nước muốn “thu hồi” lúc nào thì “thu hồi”, bất kể đó là đất hương hỏa, đất thừa kế, đất mồ mả tổ tiên dòng họ mấy trăm năm hay đất khẩn hoang của nông dân, hoặc nông dân đã đổ mồ hôi sôi nước mắt làm cho mảnh ruộng ấy trở thành phì nhiêu phải cực khổ đến thế nào. Có cảm giác nông dân vẫn là những “tá điền thời hiện đại” đi thuê đất của nhà nước “địa chủ mới”?
Chưa kể đến tình trạng nông dân (thành phần chiếm hơn 70% dân số) đang bị đối xử bất công trên chính đất nước của mình, thua cả những người mang quốc tịch nước ngoài… nhưng lại lắm tiền. Ví dụ: khi nhà nước ký văn bản cho nhà đầu tư nước ngoài “thuê đất thời hạn 50 năm” cùng với chấp thuận cho phép họ xây biệt thự, xây khu liên hợp, xây chung cư cao cấp, xây khu thương mại… đồ sộ, khổng lồ bán lại cho người dân, số tiền bán dĩ nhiên vào túi nhà đầu tư sau khi trừ vốn xây dựng, đóng thuế kinh doanh và “miễn trả lại” tiền cho người mua. Tiếng là “cho thuê” nhưng rõ ràng nhà nước đã “bán đứt” mảnh đất ấy cho nhà đầu tư, vì sau khi hết thời hạn thuê, nhà nước đâu thể yêu cầu nhà đầu tư “bứng” những công trình xây dựng của họ đi nơi khác trả lại tình trạng ban đầu của “vật cho thuê”? Nhà nước muốn lấy lại mảnh đất đã “cho thuê” ấy sử dụng ư? Lại phải làm hàng loạt thủ tục thu hồi, giải tỏa và bồi thường cho những người đã bỏ tiền ra (cho nhà đầu tư) mua từng phần công trình ấy.
Nhà nước giành quyền quản lý nhiều quá thành ra hiệu quả quản lý không đi đến đâu, chưa bao giờ “rừng vàng biển bạc” nước ta bị tàn phá dữ dội như hiện nay, rừng thì bị “cạo trọc”, biển thì bị “băm nát”, nghe thấy mà đau lòng.
Vì vậy, trả lại cho người dân quyền tư hữu đất đai là việc phải làm, nhà nước muốn dùng đất đó vào việc gì phải thỏa thuận với dân và mua lại đúng giá, không đồng ý với nhau có quyền đưa nhau ra Tòa một cách công bằng là sẽ chấm đứt được tình trạng khiếu tố về đất đai cao ngất ngưỡng hiện nay.
Tạ Phong Tần