VIỆT THANH CHIẾN DỊCH
PHẦN IV:
QUÂN THANH TIẾN BINH
Ngày 28 tháng Tám năm Mậu Thân, Càn Long 53 [27-9-1788], Tôn Sĩ Nghị cùng Hứa Thế Hanh chuẩn bị xuất phát.[1] Sau khi cả hai mặt trận đông và tây đều đã truyền hịch để phô trương thanh thế, quân Thanh bắt đầu tiến sang nước ta.
1. LỰC LƯỢNG NHÀ THANH
1.1. Bộ Phận Tham Mưu
Cứ như tổ chức hành chánh và quân đội của Thanh triều, đội quân viễn chinh sang đánh nước Nam được đặt dưới quyền chỉ huy của các viên chức sau đây:
– Chỉ huy tối cao: Tôn Sĩ Nghị, tổng đốc Lưỡng Quảng
– Chỉ huy yểm trợ: Phú Cương, tổng đốc Vân Quí
o Chỉ huy quân đội (cánh quân mặt đông): đề đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh (許世亨),[2] có hai phụ tá
§ tổng binh[3] Quảng Tây Thượng Duy Thăng (尚維昇),[4] phó tướng Tôn Khánh Thành[5]
§ tổng binh Quảng Ðông Trương Triều Long (張朝龍),[6] phó tướng Lý Hóa Long
o Chỉ huy quân đội (cánh quân mặt tây): đề đốc Vân Nam Ô Ðại Kinh,[7] có hai phụ tá
§ tổng binh Thọ Xuân Ðịnh Trụ (定柱)[8]
§ tổng binh Khai Hóa Tôn Khởi Giao (孫起蛟)[9]
1.2. Quân Ðội Ðiều Ðộng
1.2.1. Quân chính quy
Theo những chi tiết ghi trong các tài liệu của Thanh triều (Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Ðế Thực Lục, Thanh Sử Cảo, Ðông Hoa Tục Lục và các sổ sách của Bộ Hộ, Bộ Binh…) được Lai Phúc Thuận (賴福順) tổng kết trong Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh chi Quân Nhu Nghiên Cứu(乾隆重要戰爭之軍需研 究) thì quân Thanh chia làm hai đạo chính: Quảng Tây và Vân Nam.
1.2.1.1. Lưỡng Quảng
Thoạt tiên nhà Thanh điều động 5,000 quân Quảng Ðông, 10,000 quân tỉnh Quảng Tây, tổng cộng là 15,000 người. Về sau Tôn Sĩ Nghị thấy 15,000 không đủ nên lại điều động thêm 3,000 lính nữa từ Quảng Ðông, 3,500 lính từ Quảng Tây nâng con số mặt đông lên tổng cộng 21,500 người, nếu tính cả phu dịch chăn ngựa thì vào khoảng 23,000 Thanh binh các loại.
Tháng Giêng năm Càn Long thứ 54 (Kỷ Dậu, 1789), sau khi triệt binh, nhà Thanh lại đưa thêm 3,000 quân tỉnh Quảng Ðông, 2,100 quân tỉnh Quảng Tây đến Nam Quan chia ra các nơi phòng thủ, ngoài ra tổng binh trấn Hữu Giang là Vương Lâm cũng điều động từ 900 đến 1,400 quân chia ra canh phòng các cửa ải thuộc phủ Trấn An. Quân số chính thức của hai tỉnh Quảng Ðông – Quảng Tây dùng vào chiến dịch vào khoảng 3 vạn người (mặc dù một số binh sĩ chỉ mới điều động nhưng chưa di chuyển sang nước ta), không tính phu phen và thổ binh, hương dũng.
1.2.1.1.1 Quảng Ðông:
Quân Quảng Ðông từ Quảng Châu đưa tới, theo đường thủy đến phủ Triệu Khánh, qua huyện Phong Châu ra khỏi cảnh giới [biên giới hai tỉnh Quảng Ðông – Quảng Tây] vào huyện Thương Ngô, phủ Ngô Châu (Quảng Tây) đi qua phủ Tầm Châu, Nam Ninh đến bến đò huyện Tuyên Hóa, rồi từ đó đi theo đường bộ đến huyện Sùng Thiện, phủ Thái Bình, từ châu Ninh Minh mà qua Nam Quan để vào nước ta.
Năm ngàn quân (đợt I) điều động từ tỉnh Quảng Ðông gồm có bao quát (quân địa phương) và đề tiêu (quân trực thuộc đề đốc) mỗi đội 1,500 người, cánh tả, cánh hữu mỗi cánh 1,000 người, do hai tổng binh Trương Triều Long, và Lý Hóa Long chỉ huy, chia từng đội 500 người tổng cộng là mười đội lần lượt kéo đến biên cảnh Quảng Tây. Những quân này là quân mới đánh Ðài Loan, phần lớn vừa trở lại quân doanh thì đã bị xuất chinh lần nữa.
Quân Quảng Ðông vào huyệân Thương Ngô (Quảng Tây) thì đã ra khỏi địa giới tỉnh mình, chiếu theo qui định về quân nhu thì khi nào còn ở bản tỉnh – từ lúc xuất quân đến khi tới giáp giới hai tỉnh – chỉ mang theo gạo ăn, không cần mang muối hay đồ ăn, còn khi đã rời khỏi bản tỉnh thì tất cả gạo muối thức ăn đều được chu cấp. Nếu thắng trận trở về thì đến bản tỉnh cũng chỉ phải mang theo gạo ăn, quan viên các tỉnh sẽ ứng chiếu cung cấp dân đinh phục dịch những nhu cầu khác.
Quan binh tỉnh Quảng Tây chiếu theo như thế mà cấp, chỉ có đến Nam Quan rồi, ở nội địa thì theo luật trong nước, ra khỏi quan thì theo luật xuất cảnh. Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị lại ra lệnh cho những viên chức biện sự, quan binh từ khi chưa xuất cảnh cũng chiếu theo chiết giảm thực phẩm, định rằng mỗi người quan binh mỗi ngày được phát lương hai lần, phó tướng 1 tiền 6 phân, tham tướng, du kích 1 tiền, đô ti 7 phân, thủ bị 6 phân, thiên, bả tổng cho chí ngoại ủy 4 phân, tiền đó bao gồm cả gạo lẫn đồ ăn, muối mắm. Lính 2 phân, còn binh đinh, căn dịch (lính chăn ngựa), dư đinh (phu phen) mỗi ngày được 8 hợp 3 dược gạo.[10]
Cứ tính theo lương bổng lúc bình thời, việc cấp dưỡng như thế bị giảm bớt nhiều, nếu tính một tháng thì phó tướng bị bớt đi 2 lượng 4 tiền, tham tướng, du kích 1 lượng 2 tiền, đô ti 9 tiền, thủ bị 6 tiền, thiên thống 8 tiền, bả tổng, ngoại ủy 3 tiền, binh lính phu phen 3 tiền. Ðổ đồng ra lương lậu bị giảm khoảng 30%, trong đó thiên tổng, binh đinh bị giảm nhiều nhất.[11]
Vào thời kỳ này bên ngoài cũng như bên trong Nam Quan, mưa dầm rất nhiều, đường đi lại càng khó khăn, mấy năm liền bị hạn hán nhưng từ vào thu đến nay lại quá nhiều nước, nhiều đoạn đường núi bị ngập. Từ Nam Quan đến Thăng Long, đường khoảng 600 dặm, đi qua ba con sông Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương, nước sông chảy xiết, binh mã qua lại rất khó khăn, phải đến trung tuần tháng Mười trời tạnh ráo, đại binh lúc ấy mới tiến qua được. Bốn ngàn quân lính phòng thủ các ải của tỉnh Quảng Tây vì bị mưa dầm nên rất đông người bị bệnh. Còn quân của tỉnh Quảng Ðông bị điều đi từ cuối tháng Chín, mất 10 ngày từ mồng 1 đến ngày 11 tháng Mười [29-10 đến 8-11-1788] tất cả mới ra khỏi cảnh giới nhưng phải sau ngày 20 tháng Một [17-12-1788] mới đến được Nam Quan.
Tôn Sĩ Nghị không đợi cho quân Quảng Ðông đến đủ số đã ra lệnh phát binh, đích thân hối thúc quan binh, cho rằng đã trễ lắm rồi. Thế nhưng thời đó bên ngoài Nam Quan trời mưa tầm tã, quân có đi cũng ướt át lầy lội, nếu ra khỏi cửa quan rồi đứng lại chờ thì cũng thế, đành phải đợi đến trung tuần tháng Mười về sau, trời tạnh ráo mới tiếp tục đi.
Ngày 28 tháng Mười, giờ Mão [25-11-1788] quân Thanh tế cờ mở cửa ải tiến qua. Tôn Sĩ Nghị đích thân đưa 3,800 quân tỉnh Quảng Tây, thêm 1,500 quân tỉnh Quảng Ðông, tổng cộng 5,300 người xuất phát, tới Lạng Sơn thì đóng quân đợi viện binh. Ngày 12 tháng Một [9-12-1788], thêm 3,500 quân Quảng Ðông, 1,200 quân tỉnh Quảng Tây đến, Tôn Sĩ Nghị phân bố 2,000 quân phòng thủ trên đường đi, đưa 8,000 quân tiến lên.
1.2.1.1.2. Quảng Tây:
Về tỉnh Quảng Tây, ngoài 5000 quân bản bộ, Tôn Sĩ Nghị cũng điều động 4000 quân đang trấn giữ ở Nam Quan và các cửa ải, lại tuyển thêm 1000 quân bổ sung thành 5000 người nâng quân số của tỉnh Quảng Tây lên tổng cộng 10,000 người.[12] Ngoài lính ra, Quảng Tây còn mang theo 423 con ngựa, về sau tăng viện 3,500 binh sĩ, tổng cộng 13,500 quân và 423 ngựa.
Tính như thế tổng cộng số quân do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy bao gồm hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây là 21,500 quân và 751 con ngựa. Trong số này, khoảng chừng 18,000 người qua Nam Quan tiến vào Thăng Long, 5,000 còn lại chia thành ba toán, 2,000 người ở lại phòng thủ Lạng Sơn, 1300 người chia ra canh gác 17 kho lương thực được thành lập dọc theo tuyến đường từ Lạng Sơn đến kinh đô, 1700 người khác chia ra canh phòng các nơi hiểm yếu.[13]
Ðường qua nước ta lắm rừng nhiều núi, súng lớn (大礟) không thể mang theo được nên chỉ đem được loại nhỏ hơn gọi là phách sơn pháo (劈山礟) vì tương đối gọn nhẹ dễ vận chuyển. Có điều Quảng Tây lại không được trang bị loại súng này, Tôn Sĩ Nghị phải điều động đem 20 khẩu phách sơn pháo từ Quảng Ðông sang.
1.2.1.2. Vân Quí
Các phủ Khai Hóa và Lâm An của Vân Nam thông với An Nam, trong đó huyện Mông Tự tiếp giáp với trấn Hưng Hóa của nước ta, từ Lâm An đến biên giới khoảng chừng hơn 30 trạm, từ biên giới Hưng Hóa đến Thăng Long, xa gần thế nào, qua những vùng nào thì quân Thanh cũng không biết đích xác. Từ Lâm An đến biên giới phải qua 3 con sông, đều phải qua đất của dân thiểu số, chướng khí rất nặng, nước sông tuy chảy xuôi nhưng lại không có thuyền bè gì mà qua được, cũng chẳng biết là đi đến đâu. Một đường do phủ Khai Hóa tới Mã Bạch Quan rồi qua Tuyên Quang xuống Thăng Long, lộ trình phải qua hơn 20 trạm, gần hơn lối Mông Tự, khí hậu cũng dễ chịu hơn, lại không xa đất Cao Bằng, Lạng Sơn.
Ngày 15 tháng Chín [13-10-1788], tổng đốc Vân Quí là Phú Cương phụng chỉ điều 3,000 quân từ ba phủ Khai Hóa, Lâm An, Quảng Nam (thuộc Vân Nam), lại sai tổng binh Khai Hóa Tôn Khởi Giao đưa thêm 2,000 quân của hai phủ Lâm An, Khai Hóa đến đóng tại Mã Bạch Quan, cùng với 3,000 người ở các doanh khác, định ngày mồng 10 tháng Một sẽ cùng đến biên giới nước ta.
Ngày 13 tháng Một [10-12-1788], Phú Cương dẫn 1,000 binh đến Mã Bạch, cộng thêm 2,000 quân trú đóng sẵn nơi đây chia thành từng đội định ngày 17 [14-12] ra khỏi cửa ải. Tuy nhiên vì phu lương chưa đủ nên phải hoãn lại đến giờ Thìn ngày 20 [17-12] mới khởi trình, 3,000 binh chia làm ba ngả sai phó tướng Ðịnh Trụ đi đầu, Phú Cương, Ô Ðại Kinh dẫn hai đội theo sau. Còn những binh lính chưa tới kịp thì sau đó sẽ đi.
Theo Sư Phạm trong Chinh An Nam Kỷ Lược thì cánh quân Vân – Quí điều động 20,000 dân phu, chia ra để vận chuyển 25 đài trạm. Ngoài ra họ cũng dùng đến 2000 con ngựa và 2000 con bò để chuyên chở lương thực.
Ra khỏi cửa ải đường rừng rậm rạp, lộ trình càng thêm hiểm trở, 1000 lính thuộc phủ Quảng Nam và 500 lính thuộc phủ Phú Châu thông thạo đường lối nên đi trước dẫn đường. Quân Thanh phải đi qua những triền núi rất hẹp, leo trèo, dắt díu nhau mà tiến theo hàng một, mỗi ngày chỉ đi được ba bốn chục dặm.
Tính như thế tổng cộng tất cả quân số của Vân Nam – Quí Châu sử dụng là 8000 người do Ô Ðại Kinh và Ðịnh Trụ chỉ huy nhưng đợt đầu tiên chỉ đem 3000 quân đi trước, 5000 quân đóng tại biên giới chờ lệnh. Theo tài liệu của nhà Thanh, tổng đốc Vân Quí Phú Cương tình nguyện chỉ huy 5000 quân cùng với đề đốc Ô Ðại Kinh xuất quan nhưng vua Cao Tông không bằng lòng, lấy lý do là một đoàn quân không thể có hai nguyên soái ngang nhau, không người nào dưới người nào.[14] Thành thử khi ra khỏi cửa ải chỉ có Ô Ðại Kinh và Ðịnh Trụ mà thôi.
1.2.2. Quân phụ trợ
1.2.2.1. Thổ binh
Các trấn, hiệp, doanh tại đốc phủ đề lân cận cũng được lệnh chuẩn bị thêm vài nghìn quân để điều động sau, tính ra riêng tỉnh Vân Nam cũng đã dự bị cả thảy hơn một vạn quân. Ngoài ra còn thổ quan châu Bảo Lạc là Nông Phúc Tấn (農福縉) cũng tình nguyện đem 2000 quân đi theo, Tôn Sĩ Nghị liền sai y tấn công Cao Bằng. Thổ ti Ðiền châu (田洲) là Sầm Nghi Ðống (岑宜棟) cũng dẫn 2000 thổ binh đến Thái Bình [Quảng Tây] đi theo quân Thanh.[15] Ngoài ra còn thổ quan (quan lại người thiểu số ở các vùng trung, thượng du nước ta) Ðô Long (都龍) là Hoàng Văn Trăn (黃文溱) và thổ quan Bảo Thắng (保勝) là Hoàng Văn Thao (黃文韜) cũng đem quân đi theo để đánh Tây Sơn. Riêng mạc hữu xưởng Ba Bồng (波篷) là Lâm Tế Thanh (林際清) được nhà Thanh đặc thưởng hàm tri huyện, thống suất những người trong xưởng đi theo quân Thanh.
Ở cánh quân Vân Quí, nhà Thanh cũng điều động 1,500 thổ binh vùng biên giới Hoa – Việt để dẫn đường nhưng cánh quân này không đụng độ với quân Nam thì đã rút về nước. Tổng số thổ binh như vậy vào khoảng 5,500 quân mặc dầu không ít quân của một số châu huyện phía bắc nước ta cũng nhân dịp này tiếp tay với địch, gia nhập đoàn quân viễn chinh.
1.2.2.2. Mã phu
Quan binh hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây cùng các phu phen, binh lính chuyên chở lương thảo, đường bộ và đường thủy, tốn phí tổng cộng hơn 70,800 lượng bạc. Năm Càn Long thứ 53, tỉnh Quảng Ðông điều động 5000 quân, đem theo 266 con ngựa, Quảng Tây điều động 10,000 quân cùng 423 con ngựa. Năm Càn Long thứ 54 lại điều thêm 3000 quân tỉnh Quảng Ðông, thêm 62 con ngựa, tỉnh Quảng Tây thêm 3,500 binh sĩ nhưng không đem thêm ngựa. Theo tiêu chuẩn mỗi con ngựa là 2 người phu thì họ phải điều động thêm khoảng 1500 dân phu để phục dịch cho 751 con ngựa, riêng cánh quân phía đông (Lưỡng Quảng) tổng cộng cả lính lẫn phu chăn ngựa lên khoảng trên dưới 23,000 người. Cũng nên nói rõ là ngựa mà quân Thanh dùng trong chiến dịch không phải là loại ngựa chiến mà là loại ngựa bản địa, nhỏ nhưng dai sức để dùng cho quan quân cưỡi và chở đồ đạc, súng đạn.[16]
Ngựa được nuôi bằng đậu mà tỉnh Quảng Tây không sản xuất được đậu nên khi đi qua châu huyện nào thì các trạm sẽ ứng chiếu cung cấp bốn thăng thóc, mỗi thạch trả cho 4 tiền, 10 cân cỏ tính thành một bó.
Ra khỏi cửa ải rồi (tức qua bên nước ta) trên đường tới Thăng Long vì đường đi gập ghềnh hiểm trở, đất bằng rất ít, ngựa không thể đi nhanh nên tính theo lối cũ, mỗi con ngựa ngày cho ăn 4 thăng đậu như lúc bình thời nuôi doanh mã, thêm 5 thăng 3 hợp 3 dược thóc nhưng vì ra ngoài không có thóc cho ngựa ăn nên đổi thành 2 thăng 6 hợp 6 dược gạo và 2 bó cỏ, chiếu quân nhu tính giá là 2 phân bạc.
Những quan binh không có ngựa thì chiếu tiền nuôi ngựa mà cấp cho để trả phu phen. Tổng kết lần này quan binh Lưỡng Quảng, cả lính lẫn ngựa cùng phu phen, hao phí 22,153 lượng bạc, gạo 2,804 thạch gạo. Những quan đi ngựa trên bộ, mỗi con ngựa được cấp hai người phu, còn những phu phen, ngựa cần thêm thì các trạm tùy theo nhu cầu mà cung ứng, nếu không có đủ thì bắt thêm dân phu. Phu phen cứ theo lệ mỗi người được trả 5 phân bạc, không có gạo nhưng lần này ở quan nội thì mỗi người được 5 phân, ra quan ngoại thì được 8 phân, mỗi ngày được một thăng gạo. Trước đây khi ra đánh các vùng quan ngoại (miền bắc) thì ngựa cho thả rong kiếm ăn nhưng lần này Thanh triều phải cấp gạo cỏ cho ngựa vì tình hình địa thế không giống nơi khác.
1.2.2.3. Dân phu
Ngoài thành phần lính chính qui, quân Thanh còn có thêm những đoàn dân phu đi theo để chăn ngựa, khuân vác nhưng không rõ rệt là bao nhiêu, được sử dụng theo từng công tác hay đi kèm theo với quân đội. Ðể làm công tác vận tải súng ống, quân dụng, canh giữ và chuyển vận lương thảo… đóng rải rác dọc theo trục lộ tiến quân hay phục dịch tại mặt trận họ cũng điều động một lượng dân phu tính ra còn đông hơn cả binh sĩ.
Số người này phần lớn là dân chúng vùng nam Trung Hoa bị bắt đi làm công không lương (được cơm ăn trong số gạo họ mang vác) và cả một số người Việt tại các vùng biên giới. Riêng cánh quân Quảng Tây đã lên đến 54,000 người. Con số dân phu Vân Quí như trên đã viết là 20,000 người để vận chuyển 40,000 thạch gạo. Ngoài ra, dân phu thường xoay chuyển (rotation) hết đoàn này đến đoàn khác nên qua lại nhộn nhịp dễ cho người ta cái cảm tưởng là đông hơn con số thực sự. Theo thói thường, nhà Thanh phao truyền đại quân lên đến 50 vạn, rõ ràng là một con số thổi phồng để dọa dẫm quân Nam.
*thạch: 125 cân khoảng 74.5 kg (đời Thanh). Ngày xưa, đơn vị đo lường 10 hợp thành một thăng, 10 thăng thành một đấu, 10 đấu thành 1 thạch. Như vậy tính đơn giản thì 1 thăng khoảng 745 gram, 1 đấu khoảng 7.45 kg.
2. TIẾP LIỆU
2.1. Binh Lương
Khó khăn về tiếp liệu cho quân đội vẫn là trở ngại lớn lao nhất mỗi khi quân Tàu sang đánh nước ta.[17] Ðể giải quyết vấn đề lương thực, Tôn Vĩnh Thanh tâu lên vua Càn Long để tạm thời đặt tổng hành dinh tại phủ Thái Bình (Quảng Tây) do quận đạo Diên Kiến (延建) là Lục Hữu Nhân (陸有仁) phối hợp với tri phủ Thái Bình Lâm Hổ Bảng (林虎榜) cùng lo toan. Khi quân ra khỏi Nam Quan rồi thì lúc ấy binh lương sẽ do các lương trạm (糧站) cung ứng. Các lương trạm này do Hữu Giang Ðạo Tống Văn Hình (宋文型) cùng tri phủ Nam Ninh Cố Quỳ (顧葵), tri phủ Trấn An Trần Ngọc Lân (陳玉麟) quản lý. Ðể chi phí, ngoài số lượng hơn 30 vạn lượng bạc tồn ngân của tỉnh Quảng Tây, Tôn Vĩnh Thanh phải tâu về triều để yêu cầu các tỉnh phụ cận phụ thêm hơn 50 vạn lượng nữa cho đủ chi dụng.[18]
Riêng hai tỉnh Lưỡng Quảng, phu phen và tiền chuyên chở cả bộ lẫn thuỷ để từ các nơi tập trung đến cửa Nam Quan trước khi ra đi cũng đã tốn 70,800 lượng bạc. Còn về ngựa thì phải nuôi bằng đậu mà tỉnh Quảng Tây không sản xuất được nên các trạm sẽ phải thay thế bằng thóc, mỗi thạch tính giá 4 tiền, còn cỏ thì mười cân tính thành một bó. Sau khi ra khỏi ải, đường đi từ Nam Quan đến Thăng Long gập ghềnh khó đi, hiểm trở nên không thể đi nhanh, ngựa cho ăn theo lối cũ, mỗi ngày 4 thăng đậu thêm 5 thăng, 3 hợp, 3 dược thóc nhưng vì không có thóc nên đổi thành 2 thăng, 6 hợp, 6 dược gạo và 2 bó cỏ, chiếu quân nhu tính thành tiền là 2 phân bạc.
Những quan binh nào không có ngựa thì chiếu tiền nuôi ngựa mà trả cho phu phen. Quan đi ngựa trên bộ thì mỗi con được cấp hai mã phu, đi đến trạm nào thì trạm ấy phải lo, nếu không có mã phu thì bắt dân phu thay thế. Phu theo lệ mỗi người là 5 phân bạc, ra khỏi nước thì được 8 phân và một thăng gạo.
Quân của tỉnh Quảng Ðông đi từ Quảng Châu tới theo đường thủy đến Triệu Khánh, qua Tầm Châu rồi đi theo đường bộ đến Ninh Minh để qua Nam Quan. Quân Thanh chia thành từng đội mỗi đội 500 người, phải tự mang gạo nhưng muối và đồ ăn tới đâu thì quan lại địa phương cung cấp, chỉ khi đã qua khỏi Nam Quan vào địa giới nước ta thì mới được hưởng luật xuất cảnh. Cũng theo Lại Phúc Thuận, viên chức và binh sĩ được cấp phát theo biểu xuất sau đây:
Tiền này là tiền lương bao gồm cả gạo lẫn đồ ăn, mắm muối cho một ngày. Theo tính toán của Lai Phúc Thuận, nếu tính ra lương tháng thì đổ đồng mỗi người mất đi 1/3 lương, quả là một thiệt thòi lớn. Có điều chúng ta không rõ khi bớt lương như thế, các quan binh có được hứa hẹn gì về việc truy lãnh sau này, hay trợ cấp gì cho gia đình không. Tuy nhiên điều đó cũng xác định rằng công khố của nhà Thanh ở địa phương hay trung ương cũng đều kiệt quệ nhất là vào thời gian này, Thanh triều đang tập trung tài vật chuẩn bị buổi tiệc thọ bát tuần của vua Càn Long, một đại lễ hết sức tốn phí và huy hoàng năm 1790. Nhà Thanh cũng phải đúc thêm một loại tiền đặc biệt để dùng trong chiến dịch đánh Ðại Việt, một mặt có bốn chữ Càn Long Thông Bảo (乾隆通寶) một mặt có hai chữ An Nam (安南).[19]
Ðây là loại tiền đúc ra để tiêu trên đất nước ta và giá trị của nó tùy theo hàng hóa có thể mua được[20] là nỗ lực của Thanh triều đẩy việc binh lương sang dân An Nam, trên danh nghĩa thì vẫn là mua thực phẩm nhưng thực ra họ không tốn phí gì bao nhiêu, đã không mất của lại chẳng tốn công chuyên chở từ Trung Hoa sang. Việc thúc bách đó Tôn Sĩ Nghị giao cho vua Chiêu Thống nên dân chúng chỉ nghĩ rằng vua Lê gom góp thóc lúa dâng cho giặc mà thực ra ông cũng chỉ là nạn nhân.
Theo như sử sách thì quân Thanh không điều động bát kỳ binh (tức quân Mãn Châu) mà chỉ dùng Hán quân (tức Lục doanh). Ngoài ra họ còn sử dụng một số lớn thổ binh tức là những cánh quân riêng trực thuộc những thổ ti, thổ hào, châu mục, tù trưởng… các dân tộc thiểu số ở khắp miền tây nam Trung Hoa (và một số ở miền bắc nước ta, biên giới Hoa Việt). Dẫu cho đoàn quân ngoại nhập này có được sự hưởng ứng và tiếp tay của quân binh nhà Lê cùng một số Hoa kiều đang sinh sống trên đất nước ta, tổng số binh sĩ chiến đấu dưới quyền Tôn Sĩ Nghị không quá 5 vạn người (mặc dầu số dân phu có thể thêm nhiều vạn người khác) trong số đó một phần được phân chia để giữ các trục lộ tiến quân và vận chuyển lương thảo nên con số vào được đến Thăng Long để chia ra trú đóng phải thấp hơn. Bỗng dưng có thêm hàng chục vạn người ở khắp nơi hẳn sinh hoạt bình thường của quần chúng bị xáo trộn và vì thế con số được thổi phồng hơn cả sự thực.[21]
Riêng tại kinh đô, quân Thanh được trải mỏng ra nhiều khu vực ngoại ô để bảo vệ cho chủ tướng. Ðó cũng là lý do tại sao nhiều tài liệu của Âu Châu cho thấy quân Thanh trông rất nhếch nhác, đi đâu mang cả nồi niêu vật dụng thật bệ rạc. Số lượng đông đảo như thế trú đóng ở một thành phố nhỏ bé như Thăng Long thời đó quả là một vấn đề, việc ăn ở sinh hoạt không đơn giản, dễ dàng gây ra bệnh truyền nhiễm, dịch tễ… còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh. Các phủ đệ của vua Lê và chúa Trịnh khi ấy cũng đã bị phá tan hoang rồi nên quân Thanh phải đóng quân ở bên ngoài, thời tiết khắc nghiệt của năm ấy khiến cho họ lâm vào cảnh hết sức khốn khổ lúc nào cũng chỉ mong được trở về đoàn tụ với gia đình nhất là vào dịp cuối năm.
2.2. Liên Lạc
Hai đường xuất binh Quảng Tây, Vân Nam thì việc truyền tin của quân Thanh về triều đình cũng chia làm hai nhánh.
Cánh quân Quảng Tây theo đường đi từ Trực Lệ qua Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, các tỉnh phía trên Hồ Bắc thì từ Võ Xương xuống phía nam qua Nhạc Châu, Hồ Nam, Trường Sa, Hành Châu vào cảnh giới Toàn Châu, Quảng Tây, qua Quế Lâm, Liễu Châu, Thái Bình rồi trở lại Ninh Minh, đi qua Nam Quan, xuống Lạng Sơn tới Thăng Long. Từ Hồ Nam về bắc thì sử dụng các dịch trạm để truyền tin, không phải thêm đài trạm, còn tỉnh Quảng Tây vốn dĩ chưa thiết lập dịch trạm, từ Toàn Châu đến biên giới tới Nam Quan tổng cộng là hơn 1800 dặm đã sắp xếp 35 chỗ chính trạm, yêu trạm (trạm phụ), tùy theo đường bằng phẳng hay khó đi, lộ trình xa hay gần mà mỗi trạm đặt từ 1 đến 20 con ngựa, dùng tất cả 580 con.
Từ Nam Quan đến Thăng Long, thiết lập 18 trạm thông tin, mỗi trạm đặt 20 con ngựa, tổng cộng 360 con, nhu cầu cả thảy 940 con ngựa, do những châu ở quan nội có sản xuất ngựa đem đến. Còn như đường từ Thăng Long xuống Thuận Hoá, phỏng chừng phải đặt hơn 50 trạm, tùy theo đường sá phẳng hay hiểm trở mà đặt 10 hay 12 con, tính ra khoảng 5 đến 600 con ngựa nữa, sẽ phải xuất tiền ra mua nhưng về sau Tôn Sĩ Nghị thua trận chạy về nên việc này bãi bỏ.
Còn về trong địa hạt tỉnh Quảng Tây các phủ Quế Lâm, Liễu Châu, Tư Ân, Nam Ninh, Thái Bình đường đi lắm cầu khỉ, hiểm trở khó dùng ngựa, đi bộ thuận tiện hơn. Các tấu chương hay văn báo và tin tức quan binh, dân phu, những nơi người ngựa khó qua lại thì phải tu sửa còn khe suối rãnh thì phải bắc cầu nổi để qua, từ Nam Quan trở xuống có ba con sông phải làm cầu bằng tre bắc ngang để dễ dàng cho việc truyền tin tức quân sự.
Cánh quân Vân Nam thì việc truyền tin phải đi qua các tỉnh Trực Lệ, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quí Châu, từ Bình Di (平彝) vào địa giới Vân Nam thì từ tỉnh Vân Nam chuyển qua Khai Hóa, tới Mã Bạch Quan rồi ra khỏi biên cảnh đi tới Tuyên Quang của An Nam, cả thảy thiết lập 25 đài trạm, còn từ Tuyên Quang đến Thăng Long lập thêm 15 trạm, cả thảy 40 trạm để truyền tin tức quân sự.[22]
So sánh với những chiến dịch khác (trong 10 chiến dịch của nhà Thanh đời Càn Long) thì việc truyền tin của chiến dịch này dễ dàng hơn nhiều, giao tranh lại cũng ngắn ngủi, tổng đốc Tôn Sĩ Nghị chỉ phải sử dụng có 5 cái tráp (là loại hộp có khoá được niêm phong để truyền tin quân cơ từ chiến trường về triều và ngược lại), nhưng vua Cao Tông cũng đã sắp xếp nếu như tin tức binh nhung truyền đạt không sai sót thì binh đinh các dịch trạm cũng được khen thưởng.
3. CHIẾN SỰ TỪ LẠNG SƠN ÐẾN THĂNG LONG
Sau khi được lệnh, quân Thanh chia hai ngả kéo sang nước ta. Cánh quân Quảng Ðông vì điều động từ nhiều nơi nên mãi đến 20 tháng Mười trước sau mới tới được Nam Quan. Ðược cái vào mùa này thời tiết tương đối tạnh ráo nên việc di chuyển cũng không mấy khó khăn. Tôn Sĩ Nghị không đợi cho quân các nơi tới đủ, truyền lệnh cho đề đốc Hứa Thế Hanh tập trung cánh quân Quảng Tây ngày 28 tháng Mười, giờ Mão [25-11-1788] tế cờ mở cửa quan tiến qua.[23]
Từ Nam Quan đến Lạng Sơn đường sá còn bằng phẳng dễ đi nên khi đến thị trấn rồi, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh cho quân nghỉ lại 2 ngày chờ quân ở sau đi tới rồi mới tiếp tục. Ngoài Lạng Sơn phải qua một con sông (sông Kỳ Cùng), hàng tướng nhà Tây Sơn là Phan Khải Ðức cho chặt tre làm bè kết thành cầu phao quân Thanh mới qua được.
Ngày mồng một tháng Một năm đó, Tôn Sĩ Nghị bàn với Hứa Thế Hanh chia quân thành hai ngả:
– Ðạo quân thứ nhất theo phía trái đường Mai Pha (枚坡) do tri huyện Lâm Tế Thanh dẫn xưởng dân (tức phu phen từ bên Tàu sang khai mỏ ở nước ta) và đám quân cần vương dẫn lộ. Ðường phía này vừa hẹp vừa hiểm trở nên chỉ có 1000 quân Thanh đi theo.
– Ðường thứ hai theo Giang Hán (江漢) ở cánh hữu tỉnh Lạng Sơn do Phan Khải Ðức tuyển thổ binh đưa lối,[24] đi theo các ngả Nhân Lý (仁里), Ðường Giáp (唐甲), Mai Tiêu (枚梢), Quang Lang (桄榔)… Phía này đường tương đối rộng rãi dễ đi, chính là đường mà xưa nay sứ thần nước ta vẫn dùng mỗi khi qua Tàu. Tuy nhiên vào thời kỳ này, vì tình hình loạn lạc nên trộm cướp nổi lên như rươi, không ai dám qua lại. Suốt đoạn đường này chỉ có hai chỗ tương đối khó đi là Núi Mẹ Con (Mẫu Tử Lãnh) và Úy Thiên Quan (tên thường gọi là Quỉ Môn Quan).[25]
Tôn Sĩ Nghị tiến quân theo đường Lạng Sơn thấy nơi nơi nhà cửa tiêu điều, xóm làng tan nát vì chiến tranh lâu nay, nhiều nơi còn cả xương trắng lẫn xác người thối rữa. Ngày mồng 6 tháng Một, đốc tiêu quân tỉnh Quảng Ðông lại tăng viện thêm 1000 người nữa.
Ðoàn quân đi theo hướng Mai Pha vì đường khó đi nên lại phải chia thành hai nhánh, một đội theo lối Ðài Cao (苔高) và Cúc Thung (菊椿), một đội vẫn theo lối Mai Pha rồi gặp lại ở Gia Quan (嘉關). Quân Tây Sơn đóng ở Gia Quan nghe thanh thế quân Tàu quá lớn nên rút lui để bảo tồn lực lượng, giao binh khí, súng ống, thuốc nổ lại cho thổ quan Phan Khâm Doãn (潘欽允) thống lãnh dân chúng chống giữ nhưng khi quân Thanh tới vây đánh, Phan Khâm Doãn và Hoàng Ngọc Bá (黃玉伯) liền ra hàng.
Quân Tây Sơn rút về giữ Tiên Lệ (先麗), Cần Dịch (芹驛), Ha Hộ (訶戶), Trụ Hữu (柱右), dựa vào thế đất hiểm trở để ngăn giặc. Vì quân Thanh còn đang tiếp tục tiến qua, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh cho đóng quân lại chờ cho đủ để cùng tiến.
Trong khi quân Tàu đưa quân tiếp viện, cả đường bộ lẫn đường thủy, một biến cố nhỏ đã xảy ra. Một số thuyền của quân Thanh từ Quảng Ðông theo đường biển (có lẽ là chở lương thực hoặc đi dò thám vì sử sách không đề cập đến việc Trung Hoa có đủ chiến thuyền để tổ chức thành một cánh quân đi theo hải đạo) bị bão thổi, một viên bả tổng tên là Hứa Xương Nghĩa (許昌義)[26] cùng 40 tên lính bị gió thổi dạt xuống Nghệ An, được quan An Nam đưa về Thăng Long, do giám quốc Lê Duy Cẩn đứng ra nuôi ăn, sau đó chia bọn Hứa Xương Nghĩa và 40 tên lính thành hai đội đưa trả về doanh trại cho Tôn Sĩ Nghị. Cứ theo lời bẩm của Hứa Xương Nghĩa thì viên Ðại Tư Mã và thủy binh Ðô Ðốc tại Thăng Long ngày ngày thao diễn thủy quân, lại đóng nhiều thuyền lớn trên sông Phú Lương, thuyền nào hai bên cũng có rất nhiều mái chèo, trong thuyền có để súng lớn, các viên đạn sắt mỗi viên ước chừng 2, 3 mươi cân.[27]
Cho đến lúc này, bản thân Lê Duy Kỳ vẫn còn bị quân Tây Sơn săn bắt ráo riết nên tiếp tục trốn tránh, phần khác tình hình không lạc quan như các lời tâu của đám tòng vong cho rằng một khi quân Thanh tiến qua cửa ải ắt dân chúng sẽ nổi lên chống lại Nguyễn Huệ. Chính vì thế, Tôn Sĩ Nghị cũng hoang mang nên đã gọi những bầy tôi nhà Lê đến trách cứ về việc chưa thấy Lê Duy Kỳ ra mặt.
Nếu như Lê Duy Kỳ thất tung hay đã chết, nhà Thanh sẽ khó có thể nói cho xuôi được việc đem quân sang nước ta.[28] Tôn Sĩ Nghị vội vàng tính một đường khác, tâu lên xin cho hoàng đệ Lê Duy Chỉ tạm coi việc nước nhưng vua Càn Long gạt đi e rằng một khi Lê Duy Kỳ xuất hiện, hai anh em sẽ có tranh chấp, nếu không tìm thấy vua Lê thì khi tình hình yên ổn sẽ lập Lê Duy Thuyên là đích truyền của vua Hiển Tông [con của Lê Duy Kỳ đang ở với mẹ và bà nội tại Nam Ninh, Trung Hoa] lên làm vua.[29]
Không phải chỉ dự trù việc phong vương, vua Càn Long lại phá lệ cho đúc sẵn ấn và sắc giao cho Tôn Sĩ Nghị mang theo để làm lễ trao lại. Chính vua Càn Long đã viết:
Theo định lệ của bản triều đối với Triều Tiên, Lưu Cầu, An Nam nếu muốn xin phong vương thì trước hết người kế thừa ngôi vua phải tâu lên, triều đình sẽ sai chánh phó sứ thuộc bộ Lễ sang làm lễ sách phong, sau đó tự vương sẽ sai bồi thần mang biểu và lễ vật đến kinh sư tạ ân.
Tháng Mười năm ngoái, khi Tôn Sĩ Nghị tâu lên xin xuất quan, ta nghĩ rằng việc chinh thảo ắt sẽ lập lại nhà Lê theo cách cũ nên tuy không đúng thể chế (vẫn định rằng) khi chiếm lại Lê thành liền sách phong cho Lê Duy Kỳ để thu phục nhân tâm…[30]
Theo tài liệu nhà Thanh, việc tổng đốc đại thần của triều đình đích thân sang phong vương sẽ khiến cho nhà Lê có đủ uy tín trị nước, nhân dân tâm phục. Chiếu điển lệ, ấn phong vương cho phiên bang làm bằng bạc mạ vàng, núm ấn hình con lạc đà. Tuy nhiên vì ấn cũ thất lạc nên vua Cao Tông cho đúc ấn mới, chữ khắc có khác đi để nếu như tìm thấy ấn cũ thì không lẫn lộn.[31] Ấn cũ khi đó sẽ trao lại cho nhà Thanh đem về kinh sư tiêu huỷ.
Sử nước ta gần như không đề cập gì đến việc quân ta chuẩn bị nghinh chiến, còn sử Trung Hoa thì chỉ miêu tả đường tiến quân của họ mà thôi. Tuy nhiên rải rác trong một số sử liệu, chúng ta cũng biết được quân Nam không chỉ triệt thoái mà thực tế cũng có sắp xếp với mục đích cầm chân địch để đại quân rút về Ninh Bình. Chính vì tiến quân khá dễ dàng Tôn Sĩ Nghị tưởng rằng quân Tây Sơn đã rút khỏi Bắc Hà trả lại cương thổ cho nhà Lê. Cuộc triệt binh đó êm thắm đến nỗi gần như không ai hay biết và quân Thanh không khỏi phóng đại lên một số chiến công để báo cáo về triều đình.
Bắc Hà thời kỳ đó đang lâm vào cảnh đói kém, một phần vì chiến tranh tàn phá trong nhiều năm, lại thêm thiên tai mất mùa. Theo lời của các quan nhà Lê, mấy năm trước trời hạn hạn lại thêm dịch tễ nên bị nạn đói, đến năm này (Mậu Thân, 1788) thì lại mưa dầm. Ở Thăng Long, Ngô Văn Sở cho xúc tiến việc xây đắp thành luỹ, trai tráng, đàn bà con trẻ đều phải tham gia các công tác lao dịch. Ðể có đủ chi phí, quân Tây Sơn thu thuế “mãi lộ”, ai muốn vào thành Thăng Long thì phải đóng tiền từ 20 đến 30 văn.
Việc tận dụng nhân lực và thu góp tài lực, lương thực đã tạo cho đối phương nhiều khó khăn và chính nhà Thanh cũng phải thú nhận rằng họ đã không tìm được đủ gạo thóc mà trái lại còn phải dùng gạo đem sang để nuôi đám quân nhà Lê.
… Ngoài số quân lương cung ứng cho quan binh, lần này ta còn phải phát cho người An Nam ở Lê thành về hàng 3, 4 vạn thạch, đến sau chỉ còn cho được vài trăm thạch còn bao nhiêu phát tiền.[32]
Theo sử nước ta thì vua tôi nhà Lê bị bắt phải cung ứng lương thực cho quân Thanh mà tình hình thê thảm như sau:
… Bấy giờ luôn năm mất mùa, đói kém, nhất là năm này lại càng quá lắm. Quân lính nhà Thanh đóng ở kinh thành rông rỡ cướp bóc; dân chúng lại càng chán ghét. Triều đình đốc thúc lương quân, các châu và các huyện đều không cung ứng. Nhà vua (Lê Duy Kỳ) bèn sai các quan chia nhau làm việc này. Dân chúng có người đến nỗi phải khóc lóc mà dâng nộp. Ðường tiếp tế lương thực quân Thanh thì xa, nên bao nhiêu lương và tiền mà triều đình thu được của dân đều đem cung đốn cho họ hết sạch. Còn vài vạn người vừa nghĩa binh các đạo vừa ưu binh Thanh Nghệ thì đều lòng không dạ trống đi theo việc binh nhung. Lòng người do đấy lại càng chia rẽ tan tác.[33]
Khi nghe tin quân Thanh sắp sửa sang đánh, nội hầu Phan Văn Lân đem 1000 quân lên chỉ huy các phòng tuyến chống giữ. Từ Lạng Sơn đến Thăng Long, đường nhiều núi non, rừng rú rất khó đi, Phan Văn Lân thiết lập nhiều đồn trại mà theo nhà Thanh miêu tả thì là cho nhiều toán quân phục kích sẵn để đón đánh giặc. Một số đồn luỹ bằng gỗ được dựng lên, ngoài đào hào, cắm chông theo lối bố trí của Ðàng Trong. Theo sử nhà Thanh còn để lại, quân ta mai phục sáu nơi, ít thì 1, 2 ngàn người, nhiều thì lên tới 3, 4 ngàn. Tuy nhiên đây chỉ là con số mà Tôn Sĩ Nghị tâu lên để cho chiến công thêm hiển hách, thực sự mỗi nơi quân ta chỉ đóng từ vài chục đến một, hai trăm ngoại trừ các vị trí hiểm yếu dựa vào ba con sông lớn.
Những luỹ đó giao cho thổ quan, thổ binh phòng ngự, chỉ có một số ít là quân sĩ từ Thăng Long lên yểm trợ. Ngoài ba vị trí chính yếu ở ba con sông, quân ta cũng đóng thêm ba vị trí phụ để cầm chân địch mà sử nhà Thanh ghi là Gia Quan – Ha Hộ, Tam Dị – Trụ Hữu, Thọ Xương, Thị Cầu và Phú Lương, dựa vào địa thế hiểm trở để ngăn địch và dùng nghi binh để làm chậm bước tiến quân Thanh. Một khi thấy không chống đỡ nổi, quân Tây Sơn liền rút lui để bảo toàn lực lượng còn thổ binh, thổ quan thấy quân Thanh thế mạnh thường đầu hàng.
Một trong những bất lợi của quân Nam là khu vực Lạng Sơn, vị trí yết hầu để chặn địch thì trấn thủ Phan Khải Ðức đã theo giặc, lại chủ động đóng vai tiên phong đưa quân đánh xuống.
3.1. Trận Thị Cầu
Khi phái đoàn Lê Duy Ðản, Trần Danh Án, Lê Quýnh sang Quảng Tây mang theo tờ bẩm của Lê Duy Kỳ, họ đã xác quyết rằng một khi quân Thanh tiến qua khỏi cửa ải thì vua Lê sẽ tới ngay để cùng với Tôn Sĩ Nghị tiến xuống Thăng Long. Thế nhưng ra khỏi Nam Quan đã gần nửa tháng vẫn chưa thấy bóng dáng Lê Duy Kỳ đâu nên ngày 11 tháng Một năm Mậu Thân [8-12-1788], Tôn Sĩ Nghị sai Lê Quýnh đi tìm vua Chiêu Thống.
Ðến hôm sau, quân hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây đã đến đủ, Tôn Sĩ Nghị lập tức điều động 2000 quân đóng dọc theo bờ sông phòng thủ, 8000 quân còn lại tiếp tục tiến xuống nhưng khoa trương là dưới tay có đến 10 vạn quân.[34]
Trên đường dọc từ Lạng Sơn xuống Thăng Long, quân Tây Sơn đã xây dựng nhiều đồn luỹ bằng gỗ rất kiên cố, chung quanh đào hào cắm chông tre nhưng khi nghe quân Thanh tiến đến, các tướng trấn giữ liền rút lui để bảo toàn lực lượng. Tôn Sĩ Nghị tuyển vài trăm binh đi cùng với bồi thần nhà Lê là Nguyễn Ðĩnh (阮挺) hợp cùng đám thổ binh ra hàng, nhân lúc trời tối theo các khu vực cây cối rậm rạp tiến lên nhưng không gặp phục binh vì quân Nam đã lui về dựa vào các sông lớn ở Thọ Xương (壽昌),[35] Thị Cầu (市球), Phú Lương (富良) án ngữ chống giặc.
Ngày Tân Mùi 13 tháng Một năm Mậu Thân [10-12-1788], tổng binh Thượng Duy Thăng (尚維昇) và phó tướng Tôn Khánh Thành (孫慶成), tham tướng Vương Tuyên (王宣), du kích Tiêu Ứng Ðắc (蕭應得), thủ bị Trương Vân (張雲) dẫn 1200 binh đến bờ sông Thọ Xương thì quân Tây Sơn đã chặt đứt cầu phao lui về giữ nam ngạn. Hôm đó trời sương dầy đặc, thiên tổng Liêu Phi Hồng (廖飛鴻) đem quân vừa bắn vừa đuổi theo, y không biết cầu đã đứt nên cùng với 20 binh sĩ rơi tõm xuống sông may sao níu bè tre trèo lên bờ được.
Quân Thanh vội chặt tre kết bè làm cầu qua sông Thọ Xương theo đường Gia Quan đánh vòng xuống. Tổng binh Trương Triều Long (張朝龍) cũng đem 1500 quân theo đường mòn trên núi tràn xuống Tam Dị (三異). Khi Trương Triều Long đến ranh giới Tam Dị, Trụ Hữu (柱右) thì đụng độ với quân Nam. Quân Tây Sơn chia làm nhiều mặt phân binh theo cờ đỏ, cờ trắng, cờ đen đánh trống tấn công, Trương Triều Long cũng chia binh ba mặt, do tham tướng Dương Hưng Long (楊興龍), du kích Minh Trụ (明柱) và đô ti Phú Tang A (富桑阿), thủ bị Lưu Quang Quốc (劉光國) nghinh chiến, quân ta phải rút lui.
Trương Triều Long lại sai du kích Lưu Việt (劉越) mai phục ở thung lũng, sáng ngày 14 tháng Một [11-12-1788], khoảng 200 quân ta đến đây bị quân Thanh xông ra tấn công phải nhảy xuống khe nước bơi theo dòng trở về. Ngờ đâu quân Thanh do biện viên Trương Phan (張璠) cùng đám xưởng dân (phu người Hoa sang khai thác mỏ ở nước ta) và một số thổ binh quen thuộc địa thế đã đón từ trước trong những khu rừng rậm ở hạ lưu sông Thương đổ ra vây đánh, quân Nam tan vỡ bị địch bắt sống 79 người.[36]
Ngày 12 tháng Một [9-12-1788], quân Thanh do du kích Trương Thuần (張純) và đô ti Châu Ðôn (珠敦) đi theo đường Gia Quan, gặp một đầu mục đội khăn đỏ từ núi cao đổ xuống đánh[37] nhưng bị quân Thanh đẩy lui, mười người bị giết, 13 người bị bắt, người đầu mục bị trúng đạn từ trên ngựa ngã xuống tử trận. Quân ta lập tức lui binh, Trương Thuần đem quân đuổi từ Gia Quan, Vân Long đến Ha Hộ (訶戶) gặp quân của Trương Triều Long từ Tam Dị, Trụ Hữu hai mặt đánh ập xuống, hơn một trăm người bị giết, 52 người bị địch bắt giải về chém đầu thị uy.
Trước đây khi Trần Danh Bính (陳名炳) đem quân tấn công Phan Khải Ðức thấy thế giặc to nên cũng đã bí mật ra hàng, đến khi nhận được thư của Ðại Tư Mã Ngô Văn Sở phủ dụ thì quay về đái công chuộc tội, khi đó đóng ở Trụ Hữu đem quân nghinh chiến. Tôn Sĩ Nghị sai Tôn Khánh Thành, thủ bị Lê Chí Minh (黎致明) đem 300 quân đánh úp, hiệp trấn Trần Danh Bính, chỉ huy Lê Ðình (黎廷), nội vệ Lật Toàn (栗全) đều bị bắt.[38] Trần Danh Bính bị xử tử.
Nghe tin quân ta thua ở sông Thương, nội hầu Phan Văn Lân (潘文璘) đem binh lên giữ Thị Cầu, đóng trên các sườn núi và chỗ hiểm yếu ở bờ sông phía nam, lại thiết lập nhiều đồn luỹ bằng tre, gỗ dọc theo bờ sông phòng ngự. Ngày 15 tháng Một năm Mậu Thân [12-12-1788], quân Thanh từ núi Tam Tằng[39] (三層) tiến xuống đóng ở bắc ngạn sông Thị Cầu. Phía bắc sông Thị Cầu đất thấp, Phan Văn Lân tập trung súng lớn bắn sang, quân Thanh chống đỡ không nổi cố gắng theo cầu phao vượt sông. Quân ta chặn cầu phao và dùng thuyền nhỏ đánh tới khiến quân Thanh tổn thất nặng nề, du kích Vu Tông Phạm (于宗範) trúng đạn chết, du kích Trần Thượng Cao (陳上高), thủ bị Trương Vân (張雲) thiên tổng Trần Liên (陳連) bị trọng thương, tổng binh Thượng Duy Thăng cũng bị thương ở ngón tay, Hứa Thế Hanh vội vàng sai quân đắp tường đất để ngăn đạn, hết sức chống giữ. Hai bên dàn đại pháo bên bờ sông bắn sang nhau từ giờ Tỵ (khoảng gần trưa) ngày 15 đến chiều tối ngày 16 tháng Một [13-12-1788].
Trận địa của quân ta vững chắc, lại có lợi thế từ cao bắn xuống khiến địch lâm vào thế bị động. Dòng sông ở đây ngoằn ngoèo, địa thế tối tăm nên bọn tòng vong nhà Lê hiến kế vòng ra xa rồi quay lại tấn kích vào phía sau quân ta.
Tôn Sĩ Nghị mừng rỡ một mặt sai dân quân dùng thuyền chở tre gỗ giả vờ như định làm cầu nổi để qua sông nhưng bí mật sai tổng binh Trương Triều Long đem 2000 quân nhân lúc tối trời đi xuống 20 dặm dùng cầu phao và thuyền cướp được của thổ dân, mang theo lương khô len lén vượt qua. Trương Triều Long cho để lại 500 quân chặn giữ cửa sông, đem 1500 quân tiến lên trước, sai các thổ dân dẫn đường. Tôn Sĩ Nghị lại sợ quân đi quá ít nên sai tổng binh Lý Hoá Long (李化龍) đem 500 quân đi tiếp ứng.
Ðến giờ sửu ngày 17 tháng Một (khoảng 2, 3 giờ sáng) [14-12-1788] quân Thanh ôm ống tre làm phao, theo cầu nổi từ chính diện tiến sang, trong khi Trương Triều Long dẫn quân qua sườn núi tập hậu đánh bất ngờ vào đại doanh của Phan Văn Lân. Khi thấy lửa nổi bốn bề, quân ta tan vỡ phải bỏ đồn chạy về Thăng Long. Theo báo cáo của quân Thanh, trận này quân ta chết hơn 1000 người,[40] hơn 500 bị bắt. Tôn Sĩ Nghị muốn thị uy nên ngoài một số dân công bị cắt tai cho về báo tin còn chém đầu 423 người, tịch thu 34 khẩu đại pháo.[41] Phan Văn Lân rút quân về bảo vệ Thăng Long.
3.2. Trận Phú Lương
Theo tài liệu của Trung Hoa, ngày 19 tháng Một năm Mậu Thân [16-12-1788], lúc trời mờ mờ sáng, quân Thanh kéo đến phía bắc sông Nhị Hà, quân Nam dùng thuyền chở đại pháo ở trên sông bắn chặn quân địch. Quân Thanh cướp được một số thuyền của ngư dân và bè tre chở khoảng 100 binh vượt sông, hai bên đụng độ nhiều trận, cùng thiệt hại. Quân ta bị địch bắt mất 17 người. Vì tre nứa dọc bên sông đã bị quân Nam đốn sạch để xây đồn luỹ, quân Thanh không kiếm đâu ra tre để đóng bè vượt sông. Tờ mờ sáng ngày 20 tháng Một [17-12-1788], theo báo cáo của quân Thanh, Hứa Thế Hanh sai 200 quân cảm tử vượt sông cướp được ba chục chiếc thuyền nan, dùng những thuyền đó chở quân. Quân Thanh cũng huyên hoang là họ còn đánh thắng nhiều trận nhỏ khác, nhưng xem ra chỉ là những bịa đặt cốt để phóng đại chiến thắng và báo công.
Theo sử sách, kể cả những bút ký của nhiều người có mặt ở Thăng Long vào thời gian đó thì khi quân Thanh tới nơi, thành đã bỏ trống. Tài liệu của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Ba Lê có chép:
… ngày 13 tháng 11 [chi tiết này không chính xác, phải là tháng 12 mới đúng], hai người lính Bắc Kỳ, thuộc quân đội Tây Sơn chạy trốn đến nơi chúng tôi ở và kể lại rằng quân Nam Kỳ đã bị đánh tan trong sáu cuộc chiến; một số lớn tử trận, quân còn lại thì tẩu tán. Tin đồn đó được tiếp theo nhanh chóng bởi nhiều tin khác. Chiều ngày 15 và hôm 16 [tháng 12 tức 18/19 tháng Một, đúng như báo cáo của quân Thanh vào tiếp thu thành Thăng Long ngày 20], Ðại Tư Mã và các sĩ quan Tây Sơn khác đã rời bỏ thủ đô và chạy trốn với đội ngũ, khí giới và hành lý họ. Nhưng không thấy ai bị bắt cả.[42]
Ngày 20 tháng Một [17-12-1788], quân Thanh tiến vào Thăng Long. Triều đình Lê Duy Cẩn lập tức ra hàng. Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị trong KDANKL thì:
Tông thất họ Lê và bách tính đều ra khỏi thành quì đón, Lê thành không tấn công mà tự phá. Thần và Hứa Thế Hanh chỉ đưa vài tướng lãnh mang đồ nhẹ cưỡi ngựa vào thành, đến các đường lớn ra cáo thị phủ dụ an dân xong, tức khắc ra khỏi thành về quân doanh. Binh đinh không một ai được vào trong thành.
Xem xét thấy chung quanh dùng đất đắp cao chừng 4 thước[43] bên trên trồng tre rậm rạp, bên trong thành đất có hai thành bằng gạch không rộng lắm. Thần ra lệnh cho tông thất họ Lê bảo vệ cung thất của quốc vương, họ nói là hiện đã bị tàn phá không còn nguyên vẹn, các đồ vật đều mất cả rồi.[44]
Tôn Sĩ Nghị cũng miêu tả sinh hoạt ở Thăng Long trong thơ văn, sự tiêu điều của kinh thành, và hình ảnh những quan lại nhà Lê [nguyên văn “ông đồ” 翁荼 đọc như chữ Nôm] di chuyển bằng võng cùng việc dân chúng đem trầu cau ra đón tiếp.[45]
Sau khi Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh chiếm được thành rồi, quân Thanh ra tuyên cáo rồi chia quân ra đóng ở hai bên bờ sông, làm cầu nổi qua sông Nhĩ Hà để tiện qua lại. Một số quan lại nhà Lê xin theo quân Thanh lập công. Những đồn nhỏ lẻ tẻ của Tây Sơn ở các nơi chưa rút lui kịp bị quân Thanh và dư đảng nhà Lê tiến đánh, lính trấn giữ bị bắt và bị giết. Một số làng ở miền Bắc đánh trống để hưởng ứng với đoàn quân viễn chinh.
4. RÚT LUI ÐỂ BẢO TOÀN
Khi Nguyễn Huệ rút quân về, ông chỉ để một số tì tướng trấn thủ Bắc Hà với số quân chính qui khoảng 3,000 người [có tài liệu chép là 8,000 người]. Miền Bắc lúc này có hai hệ thống, quan lại cũ của nhà Lê đóng nhiệm vụ hành chánh dưới quyền của giám quốc Lê Duy Cẩn, còn hệ thống quân sự do Ngô Văn Sở chỉ huy giữ nhiệm vụ bảo hộ trị an thuộc quyền Nguyễn Huệ tại Phú Xuân.
DNCBLT, tr. 32-3 chép như sau:
… Tôn Sĩ Nghị từ khước. Ngô Văn Sở bèn hội các tướng thương nghị đánh hay giữ. Ngô Nhậm đề nghị rút lui giữ núi Tam Ðiệp cho thuỷ quân và lục quân thông nhau chiếm cứ chỗ hiểm yếu mà cố thủ, sai người gấp đưa thơ cáo nguy cấp.
Ngô Văn Sở bèn mật truyền các trấn Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn lên (đánh) tiếng nói (phao rằng) hội quân xây luỹ đất ở sông Nguyệt Ðức rồi ngầm thu quân mà lui về. Ngô Văn Sở đưa thông tư cho các quan trấn thủ Hải Dương, Sơn Tây nội ngày phải hội quân ở Bắc Thành, cho trấn thủ Sơn Nam phải chỉnh bị thuyền tàu chờ thuỷ quân đến thì cùng tiến phát.
… Ngô Văn Sở… ra lệnh cho các đạo quân chỉnh tề đội ngũ mà đi đến núi Tam Ðiệp (Tằng?), chia đồn đóng quân cố thủ, gấp sai Nguyễn Văn Tuyết, một tên nữa là Ðinh Công Tuyết, vội chạy về báo nguy cấp.[46]
Trong tình hình đó, việc tập trung quân về một vị trí cổ ngỗng như Tam Ðiệp cũng do tướng lãnh Tây Sơn suy nghĩ về thế yếu, thế mạnh của ta và địch rồi tự quyết chứ không cần đến Ngô Thì Nhậm hiến kế như ngoại sử tô vẽ.[47] Theo Lịch Triều Tạp Kỷ, sau khi vua Quang Trung thắng trận, Ngô Thì Nhậm mới “ra hàng” và trong di văn của ông còn chép bài biểu ông thay mặt quan lại nhà Lê tạ ơn tân triều đã dung nạp. Do đó ông không thể cùng đi trong đoàn quân Tây Sơn như một mưu sĩ hàng đầu mà hậu duệ khoe khoang.
Về việc quân Thanh không đóng ở trong thành, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao. Kinh thành Thăng Long khi được tạo dựng đã dựa vào sông Nhị Hà để làm một chướng ngại thiên nhiên đối phó với giặc bắc mỗi khi tràn xuống. Cho đến thế kỷ thứ XVIII, thành trì của nước ta chưa được xây dựng như một pháo đài với chủ đích phòng thủ theo lối của Trung Hoa hay ở Âu Châu. Khi quân Tây Sơn đánh Thăng Long, chiến tranh đã khiến cho hầu hết cung điện, nhà cửa bị hư hại. Cuối năm Bính Ngọ (1786), Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc Hà, Quyển Trâm (卷簪) và trấn thủ Lạng Sơn là Nguyễn Khắc Trần (阮克陳) đem quân chống lại. Khi rút khỏi kinh thành, hai người thừa cơ đốt phá cung điện, Thăng Long tan nát không còn gì nữa.[48] Năm sau, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông lại phá một số dinh thự để đem vật liệu về xây kinh đô mới ở Nghệ An. Một giáo sĩ đã viết trong thư gửi về Hội Truyền Giáo Ba Lê như sau:
… Trong khi chờ đợi, vì Bắc vương (tức Nguyễn Huệ) sắp phải lên đường vào Nam, ông nhất định cho phá huỷ thủ đô Bắc Kỳ, gọi là Kẻ Cho (Chợ), Kinh Ðô hay Kinh Ki (Kỳ) và xây lại tại xứ Nghệ An một hoàng thành mới gần quốc gia nhỏ bé của ông (Phú Xuân) và gần Nam Kỳ thượng, ở khoảng giữa hai vương quốc. Ông liền cấp tốc cho thực hiện kế hoạch này…[49]
TS Nguyễn Duy Chính
[1] Ðề đốc Quảng Tây là Tam Ðức đã bị bệnh mất ngày mồng 8 tháng Bảy năm đó [9-8-1788], Hứa Thế Hanh (từ Chiết Giang được điều động lên thay) đem quân tới Long Châu phòng thủ (theo Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, quyển 2 trang 1). Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 359.
[2] người Tân Ðô, Tứ Xuyên gốc người Hồi, tòng quân đánh Kim Xuyên, lập công trạng trong vụ đánh Ðài Loan nên được làm đề đốc Quảng Tây, khi bị chết ở Thăng Long được thăng Tráng Liệt Bá, ban tên thuỵ Thiệu Nghị.
[3] Theo Ian Heath trong Armies of the Nineteenth Century: Asia V. 2: China (Great Britain: Foundry Books, 1998) trang 18-9 thì những cấp bậc đó tương đương với hiện thời như sau: Ðề Ðốc (đại tướng), Tổng Binh (trung tướng), Phó Tướng (thiếu tướng), Tham Tướng (đại tá), Du Kích (thượng tá), Ðô Ti (trung tá), Thủ Bị (thiếu tá), Thiên Tổng (đại uý), Bả Tổng (trung uý)… Tuy nhiên nếu là ngoại vi thiên tổng thì chỉ tương đương trung sĩ còn ngoại vi bả tổng chỉ tương đương hạ sĩ. Thực ra những danh hiệu này là chức vụ, không phải cấp bậc nên những phiên dịch không hoàn toàn chính xác nhưng cũng cho ta một số khái niệm về vai trò quân sự của các tướng lãnh nhà Thanh thời đó.
[4] thuộc Nhương Lam Kỳ Hán quân, làm tổng binh Hữu Giang trấn Quảng Tây, khi chết tại nước ta được ban thuỵ là Trực Liệt (直烈)
[5] Tôn Khánh Thành (孫慶成) là chắt (great-grandson) của Chấn Võ tướng quân Tôn Tư Khắc, một danh tướng đầu đời Thanh.
[6] Người Ðại Ðồng nhưng sang sống ở Quí Châu, từng tham dự các trận đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên lập nhiều công lao nên thăng lên đô ti. Sau tham dự đánh Ðài Loan trong chiến dịch bình Lâm Sảng Văn, Trang Ðại Ðiền nên được lên tổng binh Nam Áo (南澳), Phúc Kiến. Khi chết ở nước ta được ban tên thuỵ là Tráng Quả (壯果).
[7] Người Trường An, đậu tiến sĩ võ đời Càn Long, làm tham tướng Ðức Châu. Khi Vương Luân nổi loạn ở Thọ Trương, ông đem quân đánh dẹp, thăng lên đề đốc Vân Nam và ở đây cho tới chết.
[8] Thuộc Nhương Hoàng Kỳ Mãn Châu, từng tham gia các cuộc chiến đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên, thăng lên tổng binh Thọ Xuân. Ðến đời Gia Khánh có công trong việc đánh dẹp các giáo phái tại Hà Nam, Thiểm Tây. Sau lên làm đề đốc Ô Lỗ Mộc Tề (烏魯木齊)
[9] người Võ Thành, có chiến công nên được làm ngoại uỷ đời Càn Long, tham dự đánh Kim Xuyên, sau lên làm đề đốc Quảng Ðông
[10] Theo hệ thống đo lường của Trung Hoa thì 10 dược [龠] là 1 hợp [合], 10 hợp là một thăng [升], 10 thăng là 1 đẩu [斗], 10 đẩu là 1 thạch [石]. Theo cách tính đong gạo, đời Thanh một thạch là 125 cân, thời Dân Quốc lại là 150 cân. Một cân đời Thanh là 596 gram. Như vậy 1 thạch là 74.5 kg, 1 đẩu là 7.45 kg, 1 thăng là.745kg, 1 hợp là 74.5 gram, 1 dược là 7.45 gram. Trung Quốc Lịch Sử Ðại Từ Ðiển, (Thượng Hải từ thư, 2000)
[11] Mặc dù Tôn Sĩ Nghị giảm lương vì muốn tiết kiệm ngân sách nhưng cũng vì thế mà quan binh trong lòng bất mãn nên không có chí chiến đấu, gặp lúc núng thế liền bỏ chạy như khi tại Thăng Long sau này.
[12] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 360.
[13] Tôn Sĩ Nghị vốn dĩ định sau khi chiếm được Thăng Long rồi sẽ đem quân đánh vào Quảng Nam nên đã dự bị thủy lục hai mặt, quân thủy nửa tháng sau sẽ qua nhưng vì thuyền lớn qua không được mà cửa sông Nhĩ Hà thì quân địch đã chặn rồi nên ra lệnh cho đóng 40 chiến thuyền, đủ sức chở 2,000 quân, lập thêm 25, 26 trạm trên bộ cách nhau chừng 8, 90 dặm, ngoài ra còn xây thêm 53 trạm lương thực nhưng vì sau này bị thua ở Thăng Long nên những công tác này không thực hiện.
[14] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 363.
[15] Nhiều tài liệu chỉ chép số quân của Sầm Nghi Ðống là 1500 người nhưng các con số trên đây trích từ chính tấu thư của Tôn Sĩ Nghị (KDANKL, quyển X, tr. 14)
[16] Trong chiến dịch đánh An Nam, rút kinh nghiệm các trận đánh ở Miến Ðiện, nhà Thanh đổi chiến lược không điều động kỵ binh từ miền bắc xuống mà chỉ dùng quân địa phương, thổ binh và chủ yếu phương tiện của bốn tỉnh miền tây nam giáp với nước ta. Chính vì thế, công tác chuẩn bị cũng nhanh mà lực lượng điều động cũng nhỏ (nhỏ nhất trong mười chiến dịch đời Càn Long), không ghê gớm như chúng ta thường tưởng tượng.
[17] Không riêng gì quân Thanh ở cuối thế kỷ XVIII, 500 trước quân Mông Cổ cũng lâm vào những khó khăn tương tự. Ðoàn quân ngoại nhập phải mang theo một số lượng thực phẩm rất lớn cho cả quân đội lẫn phu phen. Nhà Nguyên cũng phải thiết lập nhiều trạm tiếp vận, cách nhau 30 dặm (khoảng 15 km) và một dịch trạm mỗi 60 dặm (30 km). Trong một lá thư của quan chức nhà Nguyên gửi triều đình có đề cập đến những khó khăn như sau:
Ngay từ thời cổ, khi điều binh thì luôn luôn phải sao cho hợp với thiên thời. Trung Nguyên đất phẳng, vậy mà ta cũng vẫn phải tránh cái nóng mùa hè. Còn như Giao Chỉ là nơi oi nồng (feverish) ôn dịch (pestilential), khí hậu nơi đây khiến cho quan quân thiệt hại còn nhiều hơn cả đối phương tấn công. Nay ta lại điều binh xuống vào tháng Bảy, trước khi tới được An Nam đã chết mất khá nhiều, thế thì khi gặp địch làm sao mà đối phó? Xứ Giao Chỉ lại chẳng có gạo thóc, thủy đạo bất tiện, không thể không tiếp tế bằng đường bộ nhưng lại không có ngựa, bò, xe cộ. Mỗi người có thể mang được 5 đấu, nhưng trên đường đi phu cũng phải ăn, thành thử quân chỉ còn được một nửa. Cho nên nếu như muốn gửi tới 100,000 thạch gạo thì phải dùng đến 40 vạn phu để chuyên chở, mà gạo đó cũng chỉ đủ ăn 1 đến 2 tháng mà thôi. Xie Qikun, Guangxi Tongzhi (Quảng Tây thông sử) bản đời Gia Khánh (1796-1821) (Quảng Tây Nhân Dân Xb xã tái bản, 1988) Vol VIII, chương 187, trang 5032.
Lấy trong http://mcel.pacificu.edu /as/resources/ zhuang/zhuang11.htm tr. 22-3.
[18] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 363
[19] Nguyễn Anh Huy, Lịch Sử Tiền Tệ Việt Nam: Sơ Truy và Lược Khảo (2010) tr. 151 Tấm ảnh của đồng tiền này có in trong trong Phụ Lục Ảnh Màu của tài liệu trên. Xem thêm Annam and its minor currency (Ed. Toda 1882) phần II, chương XX Chinese intervention in Tunquin, and the Nguyen Dynasty (http://art-hanoi.com/toda/20.html).
[20] Vào thế kỷ XVII, XVIII tiền tệ có thể dùng lẫn lộn tại nhiều nơi và lưu hành nhiều loại tiền cùng một lượt ở nước ta.
[21] Trong bất cứ lần Nam chinh nào, Trung Hoa đều gặp phải những khó khăn tương tự và quân đội điều động tuy có lớn trên số lượng nhưng thành phần binh sĩ chiến đấu chỉ là 1/4, 3/4 còn lại là phu khuân vác thường là các sắc dân thiểu số vùng Vân – Quí và người dân tại hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây. Nếu với tỉ lệ tương ứng, quân Thanh tuy tiếng là 20 vạn nhưng thực ra chỉ độ 5 vạn quân chiến đấu, 15 vạn kia là phu phen. Những số liệu đó phù hợp với con số mà sổ sách binh nhu, chi phí của nhà Thanh trong chiến dịch và cũng phần nào giải thích được tại sao Nam sử lại chép một số lượng quá chênh lệch với số quân nhà Thanh điều động.
[22] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 314-5
[23] Trang Cát Phát: TTVC (1982) tr. 363.
[24] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (quyển 9) (1976) ngự chế thi tập V, quyển 43, trang 34.
[25] Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (Quốc Sử Quán triều Nguyễn) Phạm Trọng Ðiềm dịch (1997) thì cách châu Ôn 11 dặm về phía tây có núi Kháo gồm 2 ngọn, một cao một thấp gọi là “kháo mẹ, kháo con”, trên đỉnh có đường lớn cho sứ bộ đi, khách buôn bán cũng qua đường này. Phía nam châu Ôn thì có Quỉ Môn Quan, thuộc xã Chi Lăng, đường hẹp, khó đi, hiểm trở, nước độc, đá hình như đầu ma, đầu quỉ nên đặt như thế. Khi sứ bộ Trung Hoa sang sách phong cho vua Lê đổi tên thành Úy Thiên Quan. (quyển 4, tr. 377, 387)
[26] theo tờ biểu của vua Quang Trung gửi lên vua Cao Tông thì bọn tuần dương binh ấy do Hắc Thiệu Tông cầm đầu, khi trả về cũng bị Tôn Sĩ Nghị giết cả. Hoa Bằng. Quang Trung Nguyễn Huệ, Anh Hùng Dân Tộc 1788-1792. (1958) tr. 214. Thực ra những người này một số được dùng vào đội thủy quân, một số trả về nguyên quán.
[27] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 364
[28] Vua Càn Long cũng đã đề cập đến việc ngay từ đầu Tôn Sĩ Nghị đã tâu rằng nhân cơ hội này lấy luôn nước Nam. (Nguyên văn: 孫士毅初奏安南內訌情形有乘此機會剿平後收其土地之意… Tôn Sĩ Nghị sơ tấu An Nam nội hống tình hình hữu thừa thử cơ hội tiễu bình hậu thu kỳ thổ địa chi ý…) Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 26. Chi tiết này hoàn toàn không thấy các sử gia Trung Hoa nhắc đến và cũng phù hợp với sử nước ta nói rằng khi bắt được một số văn thư mật, họ Tôn đã đề cập đến việc khai thác tình hình rối loạn của An Nam để trục lợi. Câu chúng tôi trích dẫn ở trên là chính lời nguyên chú của vua Cao Tông không phải của sử thần.
[29] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 35
[30] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 36
[31] Theo tấu thư của Tôn Sĩ Nghị khi còn ở Triều Châu được lệnh đúc ấn có dụ chỉ là ấn mới nên thêm hay bớt đi một chữ để phân biệt với ấn cũ, ngõ hầu biết cái nào thực, cái nào không thực. Tôn Sĩ Nghị đề nghị đem mẫu ấn cũ bỏ đi chữ chi (之) chỉ còn An Nam Quốc Vương Ấn (安南國王印). Ấn cũ dọc 11.6 phân, ngang 11.5 phân, trên khắc 6 chữ An Nam Quốc Vương Chi Ấn bằng chữ triện bằng cả hai thứ chữ Mãn Châu và Hán. Tuy nhiên việc này không thực vì theo con dấu mới đóng trên các tấu biểu của Lê Duy Kỳ vào ngày mồng 2 và 24 tháng Chạp năm đó (còn lưu tại văn khố Ðài Loan) thì ngang dọc cũng bằng ấn cũ, chỉ có chữ khắc mảnh mai hơn, và cũng vẫn thấy đủ 6 chữ An Nam Quốc Vương Chi Ấn, không bỏ chữ chi. Trang Cát Phát, TTVC (1982) chú thích 72 trang 411.
[32] Cung Trung Ðáng, CCBVV, Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 259
[33] CM II (1998) tr. 843-4
[34] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368.
[35] tức sông Thương
[36] Theo tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày 15 tháng Một năm Mậu Thân (Càn Long 53) [12-12-1788]. Cung Trung Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368.
[37] đây có lẽ là một cánh quân người Thượng từ trong nam ra
[38] Ðại quân thẳng tới huyện Bảo Lộc, thuộc Giang Bắc. Ba lần đánh đều được. Bắt đô đốc Trần Danh Hoán, chém đi. (Có lẽ hai chữ bính 炳 và hoán 煥 vì mặt chữ khá giống nhau nên tam sao thất bổn) Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Kyù “.La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr. 879.
[39] núi có ba tầng chồng lên nhau, ở xã Nam Ngạn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh, cách huyện Việt Yên 9 dặm về phía đông.
[40] có thể không đến con số này nhưng quân Thanh phao lên để báo tiệp cho thêm vẻ vang.
[41] Minh Thanh sử liệu, thiên Canh, bản thứ 2, trang 101. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368-9. Trận Thị Cầu mỗi sách chép một khác, chẳng hạn trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí:
… Phan Văn Lân nói:
– Quân không cứ nhiều, nước không cứ lớn. Nay ta làm tướng cầm quân ở ngoài, giặc đến, chưa tửng tiếp chiến, mới nghe thấy tiếng doạ hão đã tự lui nhụt, thì còn dùng tướng làm gì? Tôi xin tự đem một nghìn tinh binh tiến thẳng lên sông Như Nguyệt, chọi nhau với nó một trận, xem nó có khí thế gì? Người Nam với người Tầu ai khoẻ hơn ai? Và cho nó biết mình đây không nhát. Ðó cũng là cách “chặn trước thì đè được người”.
Sở (Ngô Văn) cho là phải. Lân bèn đốc quân qua sông Bắc canh ba, tới bờ phía nam sông Nguyệt Ðức, vừa nghe Tôn Sĩ Nghị đã đóng ở núi Ba Tầng. Lúc ấy tiết trời cực giá rét, Lân cứ dồn quân sang sông khai chiến. Tướng sĩ sợ oai của Lân, đều phải liều xông hơi lạnh, lội bừa xuống nước. Ra đến giữa sông nhiều người cóng quá không thể sang được, đều bị chết đuối, kẻ nào vào được tới bờ, cũng bị quân Thanh giết chết. Lân liệu không thể giao chiến, tức thì vẫy quân chạy lùi. Dư đảng tan vỡ, chạy vào các làng, lại bị dân quê săn bắt đem nộp cho quân Thanh. Lân phải một mình một ngựa chạy về Thăng Long… Ngô Thời Chí, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, (1969) tr. 290-1.
Việt Thanh chiến sử của Nguỵ Nguyên thì chép theo Thanh sử, tuy không rõ ràng nhưng cũng đầy vẻ ngoa ngôn:
… Ngày 15, tiến đến Thị Cầu (Nguyệt Ðức). Sông rộng. Vả bờ nam dựa vào núi, cao hơn bờ bắc. Giặc giữ chỗ hiểm dàn súng. Quân ta không thể kết bè. Các tướng nghĩ rằng hình thế sông cong queo, (khiến) giặc trông ra thấy không được xa. Bề ngoài, bèn chở tre gỗ, làm cầu phao để tỏ rằng thế nào cũng qua sông (chỗ ấy). Rồi giấu hai nghìn quân ở thượng du (cách đó hai mươi dặm), chỗ nước chảy chậm, lầy thuyền con đang đêm qua sông.
Ngày 17 (tháng Một) quân ta cưỡi bè áp bờ. Cầm cự với nhau đang sôi nổi, thì gặp khi quân từ thượng du đả vòng ra sau lưng giặc, nhân chỗ cao mà hét to, đánh xuống. Tiếng ran các hang núi. Giặc không biết vương sư từ đâu xuống, bèn tan rã chạy lùi. Nguỵ Nguyên, “Việt Thanh Chiến Sử”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 1342.
Riêng Lê Quýnh trong Bắc Hành Tùng Ký thì viết là mưu đánh tập hậu là do bồi thần nhà Lê hiến kế như sau:
… Quýnh và Lê Duy Ðản bàn với nhau rằng: “Từ khi (ta) ra cửa ải đến nay, quân địch thua luôn. Chắc chúng đặt nhiều quân ở núi Thị Cầu, (mong) có nước chặn, để cự lại. Nhưng chúng nó dùng binh chỉ biết nhìn phía trước, thường không ngoảnh về phía sau. Nên dùng kỳ binh chộp phía sau, thì chắc sẽ thắng. Quân ở doanh Thị Cầu (nếu) đã bại, thì khôi phục cố đô dễ như nhổ nước bọt vào tay”.
Ðến khi đại binh tiến đến núi Tam Tằng, cách địch con sông. Lê Duy Ðản nói (mưu ấy) với quan lớn Tôn. Quan lớn bèn nghe kế. Ngày 20, qua sông Thị Cầu, phá doanh giặc, tiến đến bờ bắc sông Phú Lương (muốn nói sông Nhị). Giặc Tây Sơn bỏ thành Thăng Long chạy về phương nam. Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Ký”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr 880.
[42] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ…” Một Vài Sử Liệu… (1992) tr. 216. Những ngày tháng mà các giáo sĩ nêu ra có lệch (trước) với tài liệu của nhà Thanh 3 ngày.
[43] Một thước đời Thanh nếu đo đất thì khoảng 34.5 cm, đo vải thì khoảng 35.5 cm. Bốn thước xem ra chỉ khoảng 1.4 m.
[44] KDANKL, quyển IX, tr. 3
[45] Viên Mai, Tùy Viên Thi Thoại [Trương Ðình Chi dịch] (2002) tr 839-41
[46] Tạ Quang Phát (dịch). Nhà Tây Sơn (1970) tr. 127-9
[47] Các tài liệu do nhiều nguồn khác nhau viết rất mâu thuẫn về vai trò của một số văn thần nhà Lê. Tây Sơn thuật lược viết là Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phiền (Phiên?), Phan Huy Ích, Ngô Vi Quí, Ðoàn Nguyên Tuấn cùng vào Phú Xuân yết kiến Nguyễn Huệ (hay bị đưa đi theo?) khi Nguyễn Huệ ra Bắc trừ khử Vũ Văn Nhậm. Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng có chỗ viết tương tự trong khi KÐVSTGCM thì viết là Ngô Thì Nhậm còn ở Thăng Long với Ngô Văn Sở. Việc quân Tây Sơn rút lui các sách vở Việt Nam cho là do mưu của Ngô Thì Nhậm và được Nguyễn Huệ khen là biết thời thế, trái lại theo tin của các giáo sĩ thì Ngô Văn Sở bị khiển trách nặng nề. “Mấy giáo đồ Bắc Kỳ là bộ hạ của quan Ðại Tư Mã mà tôi nhắc tới ở trên, đã quả quyết với tôi rằng Tiếm vương phạt vị quan này về tội hoảng sợ bằng cách trừ của ông một tháng lương và cấm ông không được đụng tới thực phẩm của binh lính. Ngoài ra Quang Trung… mời các võ quan cao cấp dự tiệc, nhân đó ông bắt Ðại Tư Mã quì xuống cách xa ông trong khi các quan khác ăn uống và dùng lời lẽ gay gắt, dữ dội nhứt quở trách về tính nhút nhát của ông này. Ít lâu sau muốn làm ông [Ðại Tư Mã] thất đảm, Quang Trung cho xử trảm viên trấn thủ Than (Thanh) Hoa và một đại thần khác bị khép tội quấy nhiễu đàn áp dân chúng… bắt ông ra chỉ huy quân đội (nhưng) bãi chức Tổng Nguyên Soái (tư lệnh quân đội tại Bắc Kỳ)…” Chú thích số 49, Ðặng Phương Nghi, Vài tài liệu… (1992) tr. 227-8. Các tướng lãnh Tây Sơn chắc không tin tưởng vào quan lại nhà Lê và nếu có tính toán gì cũng không bao giờ bàn bạc với họ để khỏi lộ bí mật quân sự.
[48] Theo lời tâu của Khách Ninh A (喀寧阿). Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập, tập 9, quyển 43 (1976) tr. 25
[49] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ…”. Một Vài Sử Liệu… (1992) tr. 188.
MINH HOẠ [Tranh/hình ]
Bốn tấm hình tranh trên thuộc loại tranh tuyên truyền của nhà Thanh về việc sang đánh nước ta: các trận Tam Dị-Trụ Hữu, Thọ Xương, Thị Cầu và Phú Lương [tức sôg Nhĩ Hà]. Những tranh này thuộc loại phô trương, không có gì đúng sự thật vì chỉ là hoạ sĩ của Thanh đình nghe kể và tưởng tượng ra thôi. Các tranh này nguyên gốc vẽ theo lối đồng bản hoạ [copperplate] là kỹ thuật học của người Pháp, về sau vẽ lại bằng màu để treo trong cung vua (TS Nguyễn Duy Chính).