VIỆT THANH CHIẾN DỊCH
PHẦN VI
LỰC LƯỢNG TÂY SƠN
1. LỰC LƯỢNG
Quân Tây Sơn có một số đặc tính ảnh hưởng đến chiến thuật, chiến lược của Nguyễn Huệ mà chúng ta cần nghiên cứu:
Thành phần đa tạp không thuần nhất:
- Thân binh Thuận Quảng là quân đội ông mang từ miền Nam đi ra;
- Binh sĩ ra từ trước dưới quyền chỉ huy của Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân …;
- Tân quân dân chúng bị cưỡng bách tòng chinh tại các làng mạc ông đi qua hay do các tướng lãnh đã tuyển mộ;
- Các lực lượng phụ thuộc vào ông bao gồm các toán quân người thiểu số ở phía tây và các toán dân chài, du thương, hải phỉ … ở biển đông.
Chính vì gia nhập hàng ngũ vào nhiều thời điểm khác nhau, tại nhiều địa phương nên tổ chức và trang bị cũng thay đổi không đồng nhất. Tuy nhiên để bảo đảm sự có mặt của họ và vận dụng tối đa lực lượng trong chiến đấu, tham mưu Tây Sơn không thể không áp dụng một số biện pháp thông thường của quân đội vùng Nam Á:
- Kỷ luật thép trong tuyển mộ và trừng phạt;
- Lương thực tối thiểu, do cá nhân tự mang theo hay do từng tổ nhỏ đảm trách để có thể di hành nhanh mà không thể bỏ trốn, lệ thuộc hoàn toàn vào đoàn thể, không tồn tại được nếu sống riêng rẽ;
- Ði theo đường núi để giới hạn tối đa tiếp xúc với quần chúng vừa bảo toàn bí mật vừa không tạo những xáo trộn một khi binh đội đi ngang qua;
- Chia thành nhiều toán nhỏ riêng rẽ chỉ tập trung ở những điểm nhất định;
- Không đóng quân tại đâu một thời gian dài để khỏi tạo ra những nhu cầu thực tế như buôn bán, liên hệ trai gái, trộm cắp và tiết lộ tin tức quân sự.
Ðể bù lại tổn thất trong chiến tranh và có đủ nhân sự, chính sách cưỡng bách tòng quân đến mức tối đa. Nhiều người ngoại quốc đến Ðàng Trong thời gian đó đã ghi nhận rằng xã hội hầu như không có đàn ông, chỉ có đàn bà trẻ em và người già cả.[1] Sự khủng hoảng về dân số cũng đưa đến việc đàn bà Nam Hà dễ dãi hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.
Ðể tổ chức một hệ thống quân đội đúng nghĩa, phù hợp cho nhu cầu của một vương quốc hùng mạnh, Nguyễn Huệ đã có những cải cách quan trọng, đáng kể nhất là những pháp qui và kỷ luật mà trước đây vẫn tuỳ tiện. Cuối năm 1788, trước khi lên ngôi không lâu, Nguyễn Huệ đã công bố một văn bản quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong vai trò của ông, vừa khẳng định được vị thế của ông đối với toàn thể lãnh thổ, vừa cảnh cáo tất cả những ai đã từng dung túng cho bộ hạ làm những điều thất nhân tâm.
Tiếc rằng chúng tôi chưa tìm được bản chính bằng Hán Văn [của tờ chiếu Nguyễn Huệ gửi cho Ngô Văn Sở và quan binh Bắc Hà] nhưng xuyên qua bản tiếng Pháp [do các giáo sĩ dịch ra] và bản tiếng Việt của Ðặng Phương Nghi cũng phần nào thể hiện tinh thần đó:
Bởi sắc lệnh này ta cho các tướng Ðại Tư Mã, Ðại Ðốc (tức Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân) và các sĩ quan khác biết rằng từ trước tới nay các vua chúa đều lấy luật pháp để cai trị thần dân và duy trì hoà bình, nên ta cũng noi gương các vị tiền bối mà đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra một bộ luật để dân chúng sống trên đất đai ta nghiêm nhặt tuân theo. Vì thế ta đã giao cho các quan tư pháp và tham chính viện nhiệm vụ hoàn tất các tác phẩm đó trong một, hai tháng. Trong khi chờ đợi ta ban bố vài pháp quy yêu cầu mọi người và mỗi các ngươi đứng đắn thi hành. Nội dung điều lệ đó như sau:
- Nếu một sĩ quan hay binh lính nào phạm tội gì, các quan văn võ sẽ họp lại để xử họ và nếu họ đáng bị xử tử họ sẽ bị kết án tử hình.
- Song le trong thời chiến tranh, mỗi lần một vị chỉ huy sai bộ hạ mình đi đánh địch, bộ hạ đó phải tuyệt đối tuân theo, người nào tử trận một cách can đảm sẽ được vẻ vang. Trái lại ai vì sợ chết mà bỏ trốn sẽ bị sỉ nhục. Bởi vậy ta cho phép xử tử tức thì những kẻ trốn bổn phận cũng như những kẻ cho địch có thì giờ dưỡng sức lại và tấn công vì hèn nhát hay vì chậm chạp; sau rồi các tướng lãnh phải báo cáo hành động của họ trong trường hợp đó.
- Khi chiến tranh chấm dứt và khi quân đội trở về kinh đô và được trả lại cho chính quyền, không một quan chỉ huy nào được tự tiện xử tử một người ngang quyền hay ngang chức và ai mà vi phạm luật này sẽ không có hi vọng được khoan hồng.
- Mỗi lần xảy ra chuyện gì liên quan đến quốc gia hay công ích, mọi người đều phải lưu ý ngay đến việc đó kẻo một sự chậm trễ nhỏ nhặt cũng có thể gây trở ngại cho công việc. Thời bình, sự mau lẹ đó cũng cần thiết rồi, huống chi tại Bắc Kỳ nơi cuộc chiến càng ngày càng ác liệt, một cuộc chiến mà các ông phải coi như việc trọng yếu bởi vì mỗi giây phút có thể mang lại nhiều thay đổi bất ngờ liên tiếp theo nhau như gió, chớp hay như hơi và những biến chuyển đó lúc thì thuận, lúc thì nghịch thành thử không thể căn cứ trên cái gì chắc chắn được. Bởi vậy mỗi khi nhu cầu quốc gia hay tình hình chiến tranh bắt phải họp để thảo luận về những việc phải làm và mỗi khi ngày giờ họp được ấn định, các quan văn võ sẽ phải họp ngay lập tức vào ngày giờ đó để bàn bạc và quyết định với nhau. Nếu bất đồ có người vì sơ xuất mà quên tới nơi họp đúng giờ, ta cho phép Tư Mã và Ðại Ðô Ðốc phạt họ tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ.
- Nếu mỗi khi thuộc hạ quan chỉ huy chi đội hay thuộc hạ của ông đi đuổi bắt kẻ gian, đáng lẽ bảo vệ và che chở dân vô tội và hiền lành họ lại cưỡng đoạt của cải của dân chúng đáng thương sẽ đau khổ và thất vọng, vì họ phải chịu nhiều tai vạ hơn dưới thời ác quỉ Nhậm hay Tiết chế. Họ cư xử như vậy thì làm sao dân chúng yên lành được? Và làm sao gọi hành động đó là giải phóng dân chúng khỏi áp bức và làm sao phạt thủ phạm cho được? Vậy ta ra lệnh cho các sĩ quan phải công bố trong trung đội hay binh đoàn mình điều nghiêm cấm, không được lấy bất cứ vật gì của dân dù là một ngọn cỏ, như ta không ngớt tuyên cáo trước đây. Các sĩ quan sẽ chắc chắn làm vừa lòng ta và đúng theo tình ý ta nếu hết sức thi hành điều nghiêm cấm đó. Ai cư xử như vậy có thể tin rằng sau khi chia sẻ cùng ta những nỗi khổ nhọc và những mối hiểm nghèo của thời chiến này, họ cũng sẽ chia sẻ thanh danh và hưởng thú vui thời bình cùng ta. Vả lại nữa, không ai có quyền dựa vào sự vắng mặt hay sự xa cách của ta để phiền nhiễu cướp bóc dân chúng và uy hiếp đàn bà con gái. Chỉ khi nào ngưng và dẹp được những bạo hành đó, họ mới có thể tự phụ giữ nổi chức vụ và bảo đảm an ninh cho cá nhân và gia đình họ, bằng không, đừng mong gì ta dung thứ họ.
Ðó là những điều ta muốn các ngươi phải biết.
Ngày 3 tháng Mười [âm lịch] năm Thái Ðức (Tiếm vương Nhạc) thứ 11 [31-10-1788].[2]
1.1. Bộ Binh
Cứ theo truyền thống của Ðàng Trong và cũng như bất cứ danh tướng nào từ cổ chí kim, Nguyễn Huệ luôn luôn có một đạo thân binh, được trang bị tối tân và rất kỷ luật. Những toán quân xung hãm này gọi là đội thân binh Thuận Quảng, bao gồm binh sĩ các vùng Thuận Hoá và Quảng Nam ở Ðàng Trong, trong đó có một số đông người Thượng và người Hoa rất thiện chiến.
Theo nhiều tài liệu, các cấp chỉ huy Tây Sơn thường chít khăn đỏ (hồng cân), người miền Bắc gọi họ có ý khinh rẻ như man binh (quân mọi), cuồng Chiêm (quân Chiêm hung tợn)[3] hay quân Quảng Nam. Những người từ Ðàng Trong ra bắc thường được giao cho chức vụ chỉ huy các toán thổ binh, nhưng những địa điểm quan trọng thường có quân “Quảng Nam” đóng nút chặn. Sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục cũng gây ra thất lợi khi cần phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Theo Hoàng Xuân Hãn, “quân Tây Sơn cầm cờ đỏ có tháp lông gà nhuộm đỏ, gọi là cờ hồng mao”.[4] Lê Quí Dật Sử thì viết rằng quân Tây Sơn khi đóng ở Nghệ An mặc áo màu đỏ tía, chỏm mũ đính lông chiên đỏ, vũ khí dùng tên lửa buộc trên đầu ngọn giáo gọi là hỏa hổ.[5]Y phục này cũng được nhắc đến trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca trong câu 1829-30:
Quân dung đâu mới lạ nhường,
Mão mao, áo đỏ chật đường kéo ra.
1.2.Thượng Binh
Khu vực Ðông Nam Á vào cuối thế kỷ XVIII không phải là những quốc gia có lãnh thổ hành chánh rõ rệt được qui định theo công pháp mà là những khu vực ảnh hưởng của từng bộ tộc sống rải rác, du canh. Bên cạnh sinh hoạt của từng bộ lạc, khu vực này còn có một hệ thống sơn lộ chằng chịt mà chỉ dân bản xứ mới am tường. Nhiều đoàn thương nhân (caravan) đã sử dụng hệ thống giao thông này để đi buôn tới tận Miến Ðiện, Xiêm La và Nam Trung Hoa khiến cho sản phẩm từ vùng này có thể đem tới vùng khác. Những thương nhân đó rất đa dạng bao gồm người Trung Hoa, người Thái, người Shan (?), người Bhamo (ở Miến Ðiện).[6] Chính anh em Nguyễn Nhạc cũng là những đầu nậu trong những đoàn buôn này, thông thạo đường sá, phong tục của vùng Tây nguyên, quen thuộc với những loại bùa chú, thuốc men, chất kích thích mà dân tộc thiểu số thường dùng để chữa bệnh.
Sử sách chép không đầy đủ nhưng quân Tây Sơn chắc chắn bao gồm một lực lượng lớn những đồng bào thiểu số, không phải chỉ trong vùng Qui Nhơn mà gần như toàn cõi Tây Nguyên, kể cả Nam Lào và bắc Campuchia ngày nay.[7] Căn cứ khởi nghĩa của họ nằm ở An Khê, thời đó gọi là đèo Mang (có nghĩa là cổng theo tiếng Bahnar). Vùng đất ở phía đông đèo Mang gọi là Tây Sơn hạ đạo, còn vùng phía tây trở lên chen lẫn rừng rậm núi cao gọi là Tây Sơn thượng đạo.
Khi làm chủ luôn cả miền Bắc, ảnh hưởng của Nguyễn Huệ bao trùm luôn cả vùng Thượng Lào và đã nhiều lần đem quân tiêu diệt các dư đảng của nhà Lê tại nơi đây. Ngay cả cái tên Tây Sơn mà chúng ta gọi cũng không phải chỉ là một địa danh nhỏ bé của vùng Qui Nhơn mà là tên gọi chung cho toàn thể khu vực rừng núi phía tây, không phân biệt sắc tộc.
Con đường mòn này không chỉ là một trục lộ giao thông mà cả một khu vực phía Tây là một địa bàn chiến lược với những sắc dân người Thượng và hàng trăm, hàng ngàn con voi, lưu động tới những khu vực cần thiết.[8]
1.3. Tượng Binh
Một trong những binh đội quan trọng nhất của Ðàng Trong là tượng binh. Miền nam có nhiều voi nhưng người Việt không biết cách huấn luyện nên các vua chúa thường phải mua của lân bang hay đòi các thuộc quốc tiến cống. Giáo sĩ Cristophoro Borri đã viết như sau:
Có rất nhiều voi trong xứ Ðàng Trong, nhưng họ không dùng được vì chưa biết cách bắt và huấn luyện. Vì thế phải đưa những con đã thuần thục và biết khuôn phép từ Campuchia là một nước láng diềng. Voi ở đây lớn gấp hai voi ở Ấn độ. Chân và vết chân nó để lại đo chừng một piê rưỡi đường kính. Răng thò ra từ miệng gọi là ngà voi thì thường dài tới mười bốn piê, đó là voi đực. Còn voi cái thì ngắn hơn nhiều. Vì thế người ta dễ nhận thấy voi ở xứ Ðàng Trong to lớn hơn những voi người ta vẫn dẫn đi diễu ở Âu châu: ngà chưa được hai piê rưỡi.[9]
Vào thế kỷ XVII, XVIII khu vực rừng núi bao gồm miền bắc Campuchia, Nam Lào và miền trung nước ta còn nhiều loại voi lớn không như giống voi cỏ là loại voi nhỏ hiện nay ta thường thấy.[10] Chính đó là những con voi được huấn luyện dùng trong tượng binh mà người ta miêu tả là mang cả đại bác.
Khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui (trên) bành đi để thành một thứ chòi chở lính giao chiến với nỏ, với súng và có khi với khẩu đại bác: voi không thiếu sức để mang nổi và là con vật rất khoẻ, nếu không có gì khác. Chính tôi (tức giáo sĩ Borri) đã thấy một con dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, một con khác chuyển một khẩu súng lớn và một con nữa một mình kéo tới mười chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia, giữa đôi ngà một cách rất khéo và đưa xuống biển ...[11]
Voi dùng trong chiến đấu cũng khác hẳn những con voi được thuần hoá để dùng trong các đoàn lưu diễn hay trong lễ lạc và cũng không giống như một gia súc mà nhiều dân tộc dùng trong công việc hàng ngày. Nhiều khi người ta chỉ cần so sánh đội tượng binh của một quốc gia cũng đủ đánh giá sức mạnh quân sự của nước ấy và đoàn voi trận thường được dùng như một cách phô trương trong các buổi tiếp sứ thần nước ngoài. Những con voi trận có khi còn được mặc giáp bằng da hay kim loại và theo Maurice Collis, một người chuyên môn huấn luyện voi, thì “đây là những con vật được đào tạo để hung dữ theo lệnh lạc, sử dụng như một mũi xung kích trong chiến đấu và cũng là một sát thủ giết người bằng cách tung lên, dày đạp, xé nát (đối phương) một cách thích thú như trẻ con”.[12]
Thực ra quân Thanh cũng có khá nhiều kinh nghiệm với việc chống lại voi chiến vì vùng Vân Nam cũng có voi và trong lịch sử họ cũng đã có khi điều động tượng binh. Quân Nguyên dùng tên lửa và vũ khí nhọn đánh bại đoàn voi của nhà Trần năm 1257 rồi sau đó quân Minh cũng đã đánh thắng 15 vạn quân Maw Shan và 100 con voi bằng súng và hoả tiễn.[13]
Trong chiến tranh với Miến Ðiện trước khi sang nước ta không lâu, quân Thanh đã học tập khá nhiều và Tôn Sĩ Nghị cũng từng đi theo đoàn quân viễn chinh nên không xa lạ gì với voi chiến. Ðối với binh sĩ chưa từng trông thấy con vật khổng lồ này, việc kinh hoàng là điều đương nhiên, nhất là nhiều khi người ta đồn đãi những điều quá sự thật.
1.4. Thuỷ Binh
Khi người Việt còn định cư tại miền Bắc, kỹ thuật đi biển của ta chưa có gì khởi sắc mặc dù đã nói đến biển cả từ những truyền kỳ thời Hùng Vương. Hai trận đại thắng của Ngô Quyền và của Trần Quốc Tuấn đều xảy ra trên sông, nơi giáp giới với biển chứ không phải ở ngoài khơi. Mãi tới đời nhà Hồ, con trưởng của Hồ Quí Ly là Hồ Nguyên Trừng mới bắt đầu đóng những chiến thuyền loại lớn. Với thói quen sống biệt lập thành từng làng xã, sinh hoạt kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị của dân miền Bắc thu hẹp trong một không gian nhỏ. Mỗi làng là một đơn vị tự túc về mọi mặt mà không cần phải giao tiếp với khu vực khác.
Trái lại các vương quốc ở Ðàng Trong đã có những quá khứ rất oai hùng liên quan đến mặt biển, một phần vì truyền thống học hỏi của các nước ở vùng Ðông Nam và Nam Á, phần khác vị trí địa lý là bao lơn trông ra đại dương, nơi qua lại của một hải lộ đã nổi danh là Con Ðường Gia Vị (Spice Route) ngay từ thời thượng cổ.
Về kỹ thuật, người Chiêm Thành đã biết dùng thuyền nhẹ dàn thành thế trận tấn công những tàu buôn từ lâu. Người Chăm có một đội hải thuyền hùng hậu và những thủy thủ can trường thường liều mạng xông xáo trên biển cả để buôn bán và chiến đấu. Kiểu mẫu tàu chiến của người Chăm có hình dáng tương tự như của thuyền vùng Nam Dương mà hiện nay chúng ta còn thấy dấu vết để lại nơi các thuyền trạm trổ mỹ thuật của người Thái Lan trong những cuộc đua thuyền. Theo những hình ảnh mà người Âu Châu vẽ lại về chiến thuyền của Ðàng Trong, đó là một loại thuyền chèo tay, mũi ngẩng cao, trạm trổ và trang trí hoa văn kỳ dị, thân thon và dài đủ biết có thể lướt sóng với tốc độ cao.[14] Ðể gia tăng sức chịu đựng khi đụng vào nhau, mũi thuyền dùng trong chiến đấu thường ghép thêm những thanh gỗ chéo vẫn còn thấy ở các thuyền nơi cửa sông vùng Quảng Ðông.[15]
Những chiến thuyền đó không chở được nhiều nhưng hiệu quả khi tấn công bất ngờ những thương thuyền hay tàu lớn trong đêm tối, chiến thuật quen thuộc với người Chiêm Thành từ lâu mà Nguyễn Huệ thường sử dụng. Tuy không có những tài liệu nào miêu tả chính xác các kiểu thuyền của Tây Sơn, chúng ta có thể tin rằng chiến thuyền vào thế kỷ XVIII ở Ðàng Trong cũng tương tự, khác nhau họa chăng là số lượng, chiến thuật hay cách điều động mà thôi.
Do ảnh hưởng của văn minh hải đảo Malaysian, thủy thủ vùng Ðông Nam Á nói chung và thủy thủy người Chiêm Thành nói riêng có thể ra khỏi bờ bể hàng ngàn dặm chẳng cần hải bàn hay hải đồ, chỉ dựa theo màu sắc của những đám mây, màu nước biển và độ sóng, giương buồm nương theo sức gió và nhìn sao để lấy hướng. Chỉ cần tìm hiểu các loài chim biển và rong biển họ gặp, người Chăm có thể nhận biết những hòn đảo còn cách xa đến 30 dặm và kiến thức về biển cả được truyền miệng từ đời này sang đời khác theo kiểu cha truyền con nối.[16] Phương thức và kỹ thuật đóng thuyền của họ cũng rất độc đáo và người Việt chúng ta đã kế thừa khá nhiều truyền thống của họ. Những con số chúng ta còn ghi nhận được cho thấy tốc độ đóng thuyền rất đáng kể cho thấy vào thời kỳ này miền Nam Việt Nam có những phát triển kỹ thuật mà nhiều điều đến nay vẫn chưa khám phá hết.[17]
Những thuyền đó khác hẳn những thuyền buôn hay tàu chiến của người Trung Hoa (junks) nặng nề, thô kệch, tuy trang bị nhiều đại pháo hơn nhưng thiếu linh động, khó xoay trở. Cũng như người Chiêm Thành, Nguyễn Huệ rất chú trọng đến chiến thuyền và cũng có hai loại: thuyền lớn để chở quân, lương thực, vật liệu và tàu nhỏ nhẹ và linh động đùng để bao vây, tấn công và xung kích. Ðội chiến thuyền đó rất đông, ít ra cũng vài trăm, có khi lên hàng ngàn. Ðó cũng là lý do tại sao thủy quân thời Tây Sơn có một vị trí đáng kể, phù hợp với những gì sử sách đã cho ta biết, Nguyễn Huệ luôn luôn dùng binh thần tốc, bất ngờ, áp đảo và tiến đánh cũng như rút lui rất nhanh.
Trong nhiều thế kỷ tuy nạn cướp biển có hoành hành nhưng cũng không trở thành một lực lượng đáng kể vì thiếu một căn cứ địa để trốn tránh khi bị săn đuổi. Thế nhưng đến thế kỷ thứ XVIII, triều đình nước ta đã nhìn ra được tiềm năng và vai trò của họ nên thu dụng để dùng vào việc tuần phòng duyên hải. Nguyễn Huệ cũng tập hợp được nhiều nhóm, phân chia lãnh bàn hoạt động, chỉ đạo các chiến dịch và cho họ nơi trú ẩn. Robert J. Antony đã nhận ra rằng ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cướp biển đã thành một vài tập hợp lớn, có đến hàng ngàn chiến thuyền, tổng cộng đến hơn 7 vạn người.[18] Dian Murray cũng tường thuật khá chi tiết về những thủ lãnh mà Nguyễn Huệ chiêu dụ được căn cứ trên những tấu triệp của nhà Thanh (văn thư các quan tâu về triều) còn giữ trong Quân Cơ Xứ. Những tên tuổi của họ giải thích được phần nào một số “đô đốc” chỉ có tên mà không có họ trong danh sách các tướng lãnh:
… Ðối với đám hải khấu lẻ tẻ vùng Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tô, Nguyễn Văn Huệ được gọi là Ðại Ca Việt Nam, là người bán những đồ họ cướp được và chia cho họ từ 20 đến 40% số tiền. Những bọn cướp lớn cũng được Hoàng đế che chở vì họ không những được phép neo thuyền tại vùng biên giới (Trung Hoa và Ðại Việt) để tuyển quân và trộm lương thực mà còn có thể dùng Việt Nam như một “sào huyệt” để rút về. Bọn hải khấu đó coi nhà vua như chủ nhân của họ vì dưới thẩm quyền của ông họ có thể thu hoạch nhiều nguồn lợi từ biển cả.[19]
Ngay từ khoảng cuối năm 1773, anh em Nguyễn Nhạc đã sử dụng thương nhân Hoa kiều là Tập Ðình (集亭) và Lý Tài (李才) chiêu mộ một số người Hoa tổ chức thành Trung Nghĩa Quân và Hoà Nghĩa Quân. Hai đạo quân này rất dữ tợn, sử nhà Nguyễn chép là:
… Lại lấy người thổ trước cao lớn, cạo đầu dóc tóc, lẫn lộn với người Thanh. Lúc đánh thì cho uống rượu say, cởi trần, đeo giấy vàng giấy bạc vào cổ, để tỏ ý là tất chết; thường làm quân tiền xung, quan quân không thể chống được …[20]
Một trong những danh tướng của Nguyễn Huệ xuất thân cướp biển là Trần Thiêm Bảo (陳添保). Theo Dian Murray thì Trần làm nghề đánh cá ở vùng Liêm Châu (廉州), Quảng Ðông cùng với vợ và hai con trai. Tháng 10 năm 1780, thuyền của y bị bão thổi dạt xuống phương Nam nên cư ngụ luôn tại khu vực gần Thăng Long. Năm 1783, gia đình y đầu nhập Tây Sơn, được phong chức tổng binh và tham gia cuộc hành quân chống lại họ Trịnh. Theo lời khai của Trần Thiêm Bảo thì y được người tài công cũ là Lương Quí Hưng (梁貴興) tiến dẫn và cả hai cùng tham gia trận đánh chiếm Thuận Hoá năm 1785. Lương Quí Hưng được phong tước Hiệp Ðức Hầu (合德侯) và được ban một quả ấn khắc “súc hữu đầu phát” (蓄有頭髮) nghĩa là được quyền để tóc dài.[21]
Trần Thiêm Bảo lập nhiều công lao nên được phong làm Tổng Binh Bảo Ðức Hầu, dưới tay có đến sáu chiến thuyền, chỉ huy một đạo quân trong đó có 200 người Việt. Chỉ trong mấy tháng, Tổng Binh Bảo đã chiêu tập được tất cả các nhóm hoạt động trong vùng biển đông và vịnh Bắc Việt, xây dựng cho Nguyễn Huệ một lực lượng thuỷ binh đáng kể. Trong số các thủ lãnh, kiệt hiệt nhất có hai người là Lương Văn Canh (梁文庚) và Phàn Văn Tài (樊文才). Lương Văn Canh gốc là ngư phủ ở Tân Hội (新會), khi về đầu quân được Trần Thiêm Bảo phong cho làm thiên tổng (lieutenant). Phàn Văn Tài gốc ngư phủ ở Lục Thuỷ (陸水), Quảng Ðông, theo từ năm 1786, được phong chức chỉ huy (commander).
Ðến năm 1788, Nguyễn Huệ bị áp lực từ phương Bắc nên gấp rút tổ chức thuỷ quân để đối phó với tình hình ngày càng quyết liệt. Tổng binh Bảo được cấp thêm 16 đại thuyền nữa và phương tiện để tuyển mộ thêm quân. Nhờ thế, Trần Thiêm Bảo chiêu dụ được Mạc Quan Phù (莫官扶) và Trịnh Thất (鄭七). Mạc Quan Phù người Toại Khê (遂溪), gia nhập cướp biển năm 1787. Năm 1788, y liên kết với Trịnh Thất và cả hai được Trần Thiêm Bảo chiêu mộ, phong cho làm tướng quân. Trần Thiêm Bảo có nhắc đến hai người “ra biển chiến đấu nhiều lần, khi trở về Việt Nam có đem biếu lụa là, vải vóc và tiền bạc ngoại quốc”. Những chức vụ của một số cấp chỉ huy cho ta thấy họ thực sự đóng một vai trò trong tổ chức quân sự của vua Quang Trung.
2. VŨ KHÍ
2.1. Vũ Khí Cổ Ðiển
Những loại vũ khí truyền thống không những thông dụng trong chiến đấu mà cả trong sinh hoạt thường nhật của người dân Ðàng Trong bao gồm lao, dao lớn (đao) và quan trọng nhất là một loại đoản đao rất phổ biến trong các dân tộc Mã Lai gọi là kris. Theo một số tác giả, kris có thể coi như một loại võ khí độc đáo và độc nhất của người Chăm vào thế kỷ XVI, rất tiện dụng khi đi rừng, ra khơi hay cận chiến.[22] Việc trang bị cho quân đội có thể thay đổi tuỳ từng thành phần, những đội thân binh và các toán quân tinh nhuệ đều mang hoả khí (firearms) trong khi các toán dân quân hay tân tuyển chỉ được trang bị những loại vũ khí có thể tìm thấy tại địa phương, kể cả những dụng cụ của nông dân như câu liêm, đinh ba, đòng (lao đâm cá), rựa, búa …
Một loại võ khí của quân đội Ðại Việt mà người Tây phương ghi nhận là loại đao dài sử dụng bằng cả hai tay (two-handed swords). Loại đao này chúng ta cũng thấy hiện hữu nơi nhiều dân tộc khác trong vùng Ðông Nam Á, nhất là khi chiến đấu trên lưng ngựa hay lưng voi, rất hiệu quả để chặt đứt các loại áo giáp. Cán đao có thể dài bằng lưỡi đao (giống như cái rựa của người Thượng) hay dài hơn (như đại đao của người Trung Hoa).[23] Theo ghi nhận của giáo sĩ Borri, các chúa Nguyễn ở Ðàng Trong thường mua đao kiếm của người Nhật vì thép của họ rất tốt. Vào thế kỷ XVI, người Nhật cũng nổi tiếng về nghề đúc súng bán cho các lân bang.
2.2. Hỏa Khí
2.2.1 Hỏa Hổ
Một trong những câu hỏi lớn mà nhiều sử gia tránh né không muốn đề cập đến là võ khí vẫn được của quân Tây Sơn gọi là “hỏa hổ ” thực sự đó là gì. Nhiều người khẳng định rằng đây là một loại súng phun lửa. Thực ra, muốn phun được lửa người ta phải có những loại chất lỏng hoặc hơi có độ bắt lửa cao (chẳng hạn như xăng hay dầu ngày nay) và cơ phận tạo sức ép mạnh để tống nhiên liệu về phía trước. Vào thế kỷ thứ XVIII chúng ta chưa có loại chất lỏng hay máy móc nào có đủ những điều kiện đó. Vả lại dẫu có súng phun lửa, với sức người thì cũng không thể nào phun được xa, chưa tới gần địch e rằng đã bị súng và cung nỏ của họ tiêu diệt trước. Hai tác giả Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng thì lại giải thích rằng hỏa hổ chính là đuốc mà quân Tây Sơn chế tạo ra từ những ngày đầu tiên.[24]
Ngoài ra chúng ta không thể không nhắc đến một loại hỏa tiễn hình đầu quạ, thân bằng tre có nhồi thuốc súng. Bốn ống phun ở đuôi có thể đẩy loại tên lửa này bay xa đến 300 mét và thường được dùng để đốt phá doanh trại hay tàu bè của đối phương đã khá phổ biến và thông dụng từ trước thế kỷ XVII.
Những loại đạn phóng như thế cũng đã được quân Mông Cổ dùng trong những cuộc tấn kích Nhật Bản và các quốc gia vùng Ðông Nam Á mà sử sách còn ghi chép. Việc sử dụng thuốc súng vào trong những loại súng phóng tay (hand-held projectile weaponry) đã được dùng khá rộng rãi trên bộ cũng như trên biển vào thời kỳ đó nhưng cụ thể loại võ khí đó ra sao thì chưa thấy ai đề cập đến.[25] Tài liệu duy nhất miêu tả sơ qua chỉ được thấy trong tờ biểu của Nguyễn Huy Túc như sau:
Tháng Sáu năm thứ 51 (tức năm Bính Ngọ 1786) Nguyễn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ công thành, nghe nói có đến hơn 5 vạn quân, khí giới của chúng phần lớn là giáo mác và hỏa đồng (火筒), còn có tên là hoả hổ (火虎), có bầu (nguyên văn doanh bả 盈把) lớn, dài chừng một thước (khoảng 30 cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy, có cả hoả pháo nhưng không nhiều …[26]
2.2.2 Hỏa Cầu
Một loại võ khí đặc biệt khác cũng có tác dụng tương tự là hỏa cầu (fireball) được các binh sĩ ngồi trên lưng voi ném ra. Ðây là những bình đất nung chứa thuốc súng trộn rượu mạnh. Diêm sinh được chứa vào nắp bình, treo sẵn, khi xáp trận sẽ ném lên sàn tàu địch, bình sẽ vỡ và bén lửa.[27] Hỏa cầu đã được hải quân (và cả giặc cướp) dùng từ lâu để phá vỡ tàu địch nhưng chỉ được dùng trên bộ khi người ta đã chế tạo được những loại thuốc súng tốt, bén lửa nhanh và ít khói. Kỹ thuật chế tạo thuốc nổ bộc phát ở Âu Châu từ thế kỷ XIV, XV đã truyền sang Nam Á và được sản xuất khá nhiều trong thời kỳ này.[28]
Thế nhưng ngay từ nhiều thế kỷ trước, hải khấu đã biết dùng một loại bom làm bằng bình đất nung, miệng hẹp trong chứa thuốc súng và miểng, ném ra như một loại lựu đạn chế tạo giản dị. Loại bom này gần đây đã được tìm thấy nơi biển Ðài Loan do quân của Trịnh Thành Công sử dụng khi tấn công quân Hòa Lan.[29] Dian Murray cũng đề cập đến việc hải phỉ dùng những loại miểng vụn của nồi sắt hay đinh, có khi còn dùng tiền đồng hay các loại bình chứa. Họ cũng hay đánh hỏa công bằng thuyền chất đầy đồ dẫn hỏa xông thẳng vào địch hoặc ném những loại pháo bằng ống tre để đánh gãy cột buồm.
2.2.3. Hỏa Long
Một giả thuyết khác mà chúng tôi đưa ra là ở vào thời kỳ này người ta đã biết chế tạo một loại hỏa tiễn đốt theo hai giai đoạn (two-stage rocket) gọi là “hỏa long” (fire-dragon). Con rồng lửa là một loại ống phóng có bốn hỏa tiễn ở thân chính, khi cháy hết sẽ mồi vào những tên lửa ở trong bụng rồng và những tên lửa đó sẽ được bắn vọt ra đằng miệng. Vì chưng hỏa tiễn bắn ra hàng loạt trông như một con rồng lửa bay trên mặt nước nên được đặt tên là hỏa long.[30] Có thể cũng loại võ khí này được cải tiến đôi chút để sử dụng trên bộ nên được đặt tên là hỏa hổ để tượng trưng cho một loại trên bờ, một loại dưới nước nhưng thực chất chỉ là một. Vả lại hỏa long, hỏa hổ chủ yếu đều dùng tre, nứa làm ống chứa thuốc mà tre trúc là một loại thảo mộc rất thông dụng ở phương nam nên việc quân Tây Sơn sử dụng các loại võ khí này cũng không phải là chuyện lạ. Có thể nói, nguyên thủy võ khí đó do người Trung Hoa nghĩ ra nhưng lại được dùng như một thứ võ khí chiến lược của quân Nam để chống lại phương Bắc. Có lẽ vì thế mà người thời đó đã truyền tụng là:
Hổ tự Tây Sơn xuất
Long tòng Ðông Hải lai
虎自西山出, 龍從東海來
(Hỏa hổ phát xuất từ rừng núi phía Tây,
Hỏa long nguồn gốc từ biển cả phía Ðông)
2.3. Ðại Pháo và các loại Súng
Ngoài những loại võ khí thông dụng như kiếm kích, cung nỏ, gươm đao, quân Tây Sơn có nhiều loại súng ống bao gồm cả súng đại bác và súng điểu thương (súng chim). Súng đại bác được dùng để phòng thủ, nếu đưa ra trận thì dùng voi kéo hay chở. Việc chở súng trên lưng voi và đội hình dùng voi xung phong không phải là sáng kiến của Nguyễn Huệ mà là một truyền thống khá lâu đời ở khắp vùng Ðông Nam Á. Trong những trận đánh của Xiêm La và Miến Ðiện chúng ta cũng thấy họ sử dụng chiến thuật này. Không nói gì về sau khi họ đã trở thành một lực lượng đáng kể, ngay từ những ngày đầu còn ở tại căn cứ nơi núi rừng, họ cũng đã có súng. Trong một lá thư của giáo sĩ Diégo de Jumilla viết 15 tháng 2 năm 1774 cũng kể lại là khoảng đầu tháng 4 năm 1773 ông ta đã thấy những người lính Tây Sơn xuống chợ “kẻ đeo gươm, người mang cung tên, lại có người mang súng”.[31]
2.3.1. Súng tay
Theo nhiều người Âu có mặt trên đất nước ta thời đó, trang bị của quân Nam rất hùng hậu. Quân Tây Sơn kế thừa tất cả những kỹ thuật của xứ Ðàng Trong[32] nên cũng có được nhiều loại võ khí tối tân nhất thời đó, đáng kể là một số lượng lớn các loại súng điểu thương (flintlock), hỏa mai và đại bác.[33] Về kỹ thuật, người Việt ở Ðàng Trong cũng nổi tiếng là thiện xạ và thuần thục trong việc sử dụng các loại súng tay cũng như đại pháo.
Người Ðàng Trong hiện giờ đã hết sức chuyên môn trong việc dùng súng lớn và súng nhỏ vượt xa cả Âu Châu; vì dường như suốt ngày họ chẳng làm gì khác ngoài việc tập bắn. Họ giỏi đến nỗi họ có thể dùng súng lớn bắn trúng còn hơn người ta bắn bằng súng nhỏ. Súng hoả mai họ bắn cũng tài lắm vì ngày nào cũng ra đồng để thực tập.[34]
Súng thời đó thường đúc bằng đồng cho ít bị nứt vỡ, nạp tiền nghĩa là nạp thuốc và đạn từ đằng trước. Ðại bác thời đó đủ cỡ và dài ngắn khác nhau tùy theo mỗi nước, mỗi thời kỳ. Muốn bắn được xa thì nòng phải dài, việc đợi cho thuốc cháy hết cũng lâu hơn. Thoạt tiên, những súng trường được gọi dưới các tên matchlock, arquebus hay musket là những súng cá nhân trang bị cho bộ binh. Những súng đó dài và nặng nề nhưng về sau nòng súng (barrel) đã có khương tuyến (grooves) để khi viên đạn bắn ra sẽ xoay tròn và vì thế đi được xa hơn. Ðạn là đạn chì hình tròn, vừa khít với nòng súng, phải nhồi từ trước bằng môït cây thông nòng (ramrod) và một cái búa gỗ (mallet). Khi viên đạn bắn ra, đạn đạo sẽ bay thẳng và không bị lệch hướng như đạn súng trường thuở trước.
Súng trường dài từ 1.5 đến 1.6 mét, hơn chiều cao trung bình của người Việt Nam, có báng và gỗ đỡ nòng, được trang trí bằng những hoa văn kim loại. Dùng trong chiến trận, viên đạn có thể đúc nhỏ hơn một chút cho tự động chạy vào trong nòng súng. Loại súng điểu thương được mồi bằng đá lửa (flint) bằng một cái cần mổ hình như mỏ gà (pecking hen). Mỏ gà được kéo ngược ra sau bằng tay cho mắc vào khớp và sẽ giữ tại đó. Khi người lính bóp cò, mỏ gà sẽ bật ra, mổ viên đá vào một thanh sắt cho xẹt ra tia lửa, đồng thời buồng thuốc súng sẽ mở ra để lửa bén vào.
Súng quân lính thời Tây Sơn dùng chính là loại điểu thương này, cộng thêm việc sử dụng rộng rãi các loại hỏa long, hỏa hổ, các loại bình chứa miểng như một loại bom đơn giản … đã khiến cho họ có nhiều ưu thế về sức mạnh, việc huấn luyện cũng mau, hiệu năng lại cao hơn lối đánh dùng các loại cung nỏ, gươm giáo.
2.3.2. Tiểu Pháo
Vì địa thế chật hẹp, gập ghềnh quân Tây Sơn ít dùng đại pháo[35] nhưng có rất nhiều súng đại bác loại nhỏ (small cannon). Những khẩu đại bác đó có thể mang trên lưng và bắn một loại đạn nặng chừng hơn 100 gr (4 ounces). Một người lính “cõng” cái nòng súng (barrel), dài chừng 2 thước, trong khi một người lính khác mang cái “giá” là một khúc gỗ tròn dài cũng chừng cái nòng súng. Khi tác xạ, cái giá được dựng lên bằng hai cái càng hay một cái chạc cao khỏi mặt đất chừng một mét, nòng súng sau đó để lên trên giá trong một cái ngàm sắt. Người lính có thể điều chỉnh độ nhắm và kiểm soát bằng một cái báng tì lên trên vai.[36] Các loại súng này rất tiện lợi cho việc di chuyển và phục kích quân địch.[37]
2.3.3. Thuốc Nổ
Quân Tây Sơn cũng được huấn luyện để tự pha chế lấy thuốc nổ và người Âu Châu đã kinh ngạc vì họ nạp đạn nhanh hơn bất cứ quân đội nào khác. Trong khi người Anh phải thực hiện đến 20 động tác cho mỗi lần nạp đạn thì người Việt chỉ cần có 4 động tác.[38] Thuốc súng được chia thành từng liều chứa trong các ống trúc, vừa tiện dụng, vừa khô ráo, tiện hơn người Âu Châu chứa vào các hộp giấy dễ bị ẩm ướt trong khí hậu nhiệt đới.
Có điều vì thuốc súng còn sơ khai, nhất là của nhà Thanh bắt lửa kém, nhiều khói nên họ thường đốt để làm màn khói che cho trận đánh hơn là dùng để tác xạ. Chính vì thế mà sử sách đã ghi là vua Quang Trung sau trận đánh “áo bào đen như mực” vì ám khói.
Chúng ta không có con số cụ thể bao nhiêu binh sĩ các loại và trang bị như thế nào nhưng so sánh với những lực lượng đối nghịch, trang bị của quân Tây Sơn chắc hẳn không kém hơn.[39]
3. TỔ CHỨC ÐIỀU HÀNH
3.1 Tổ Chức
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được một sơ đồ về tổ chức hành chánh và quân sự của triều đại Tây Sơn. Liệt Truyện đưa ra một số chức vụ như Ðại Tư Khấu, Ðại Tư Mã, Thái Úy, Ðô Ðốc, Nội Hầu … nhưng quyền hạn và phạm vi các chức vụ đó đều không rõ ràng. Dường như sự liên hệ giữa chứcvụ, quyền hạn và số binh sĩ dưới quyền không có tương quan chặt chẽ. Một số cấp chỉ huy các đội chiến thuyền được phong tới tước vương, không hiểu căn cứ trên công lao hay khu vực quản hạt.
Theo cách tuyển mộ và ấn định ngạch số cho từng địa phương, dường như tổ chức quân sự vẫn dựa theo khả năng “bắt lính” của mỗi người, số lính tuyển được coi như quân bản bộ của họ. Do đó, để có được số quân đông đảo, các tướng lãnh thường rất gay gắt và cứng rắn trong việc thúc đẩy dân chúng tòng quân.
Quân đội được chia thành Ngũ Quân (Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu) nhưng chỉ khi ra trận, bình thời không có những chức vụ Tả quân, Hữu quân … như đời Nguyễn. Trong chiến dịch đánh với quân Thanh, các tướng chỉ huy quân của mình theo những đường đi và nhiệm vụ nhất định nhưng đều được toàn quyền đưa ra cách thức tấn công, phòng ngự mà không phải chịu một mệnh lệnh tuyệt đối từ cấp chỉ huy tối cao là vua Quang Trung.
3.2. Ðiều Hành
3.2.1 Di Chuyển
Một trong những huyền thoại về vua Quang Trung là việc điều quân nhanh chóng từ nam ra bắc. Thực tế việc đi nhanh có lẽ ông chỉ thực hiện được từ Ninh Bình đến Thăng Long vì một đội quân lớn không thể di chuyển trên một khoảng đường dài mà không có những chuẩn bị thích hợp. Hệ thống đường sá thời đó cũng còn rất sơ khai, khó có thể đưa đại quân đi mà không trở ngại. Chúng ta không hiểu Nguyễn Huệ và bộ tham mưu của ông đã thực hiện việc di chuyển, tiếp liệu, lương thực, y tế, tải thương … như thế nào. Những vấn đề đó là những ưu tư hàng đầu của các tướng lãnh trước khi bàn đến chiến thuật, chiến lược. Hậu cần cũng liên quan đến thực trạng chính trị, kinh tế và khung cảnh xã hội phải được sử dụng một cách linh động và thời nào cũng có những hạn chế có tính qui luật không thể vượt qua. Ðó là những nguyên tắc chặt chẽ của ngành hậu cần đã được Jomini định nghĩa là “nghệ thuật thực dụng của việc chuyển quân” (the practical art of moving armies) trong đó bao gồm cả “cung ứng những đội ngũ tiếp liệu liên tục” (providing for the successive arrival of convoys of supplies) và “thiết lập, tổ chức đường tiếp liệu” (establishing and organizing … lines of supplies).[40] Một cách tổng quát, vấn đề tiếp vận là làm sao một mặt di chuyển được binh đội, mặt khác cung cấp đủ cho họ những điều kiện vật chất để sẵn sàng chiến đấu.
Tình hình miền Bắc nước ta thời kỳ đó hoàn toàn chưa yên ổn, phần lớn dân chúng và sĩ phu vẫn có bụng hoài Lê và mong mỏi vương triều cũ được tái lập. Sự hoài vọng không khỏi khiến con người có những ảo tưởng, từ trông đợi quân Thanh sang giúp đến mong đợi chúa Nguyễn ở trong Nam kéo ra (nhiều người nghĩ rằng chúa Nguyễn cũng như chúa Trịnh vẫn là thần tử nhà Lê, niên hiệu vẫn dùng Cảnh Hưng, chỉ đến sau này khi vua Gia Long lên ngôi mới thực sự thất vọng) đánh đuổi nhà Tây Sơn. Chính vì hoàn cảnh bấp bênh đó, Nguyễn Huệ phải tính toán những biện pháp tương đối quyết liệt và ngắn hạn, không thể chuẩn bị một cuộc chiến kéo dài khi chung quanh bạn thù rất khó phân biệt. Rất đông người tuy nhất thời phải khuất phục ra cộng tác với nhà Tây Sơn trong hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh (sau là Bảo Hưng) nhưng nếu có dịp đều sẵn sàng trở mặt. Chúng ta không thể bỏ qua tâm lý quần chúng thờ ơ, không cộng tác một cách tích cực khiến cho quân Tây Sơn phải hoạt động rất bí mật, nhanh gọn và luôn luôn phải đề phòng những bất trắc có thể làm đảo ngược tình thế.
Tuy có được lợi điểm là “đánh trên đất nhà” nên binh sĩ Tây Sơn có thể bám rễ vào quần chúng nhưng không phải vì thế mà chúng ta hoàn toàn phủ nhận một số nhược điểm hiện diện trong bản chất. Những khó khăn đó vốn dĩ đã được các quân sự gia Tây phương nhấn mạnh, gọi là “cọ xát” của chiến tranh (friction of war), ám chỉ sự tiêu hao năng lực ảnh hưởng đến chiến đấu vẫn thường bị các sử gia bỏ quên nên miêu tả như những hiện tượng hiển nhiên và chìm lẫn vào những chi tiết sôi động hơn.
Một quân sự gia Tây phương đã nhận định:
Cơ bản để hoạch định của cấp chỉ huy là kiến thức vững chắc về tiếp liệu và di hành; có thế ông ta mới biết làm sao và khi nào có thể liều lĩnh, mà chiến trận chỉ có thể thắng khi dám mạo hiểm.[41]
Cuộc tiến quân của Nguyễn Huệ trong giai đoạn đầu rõ ràng phải dựa vào một hệ thống tiếp liệu tại chỗ bao gồm một số doanh trại ông bố trí sẵn từ Phú Xuân ra Nghệ An. Trong thời gian di hành, ông đã thực hiện nhiều lối di chuyển khác nhau theo nhiều trục lộ và chỉ ấn định một “điểm hẹn” để tập kết. Việc tập trung lực lượng để chuẩn bị “bôn tập” đó được thực hiện một cách rốt ráo, cực đoan có tính một mất một còn. Lịch sử chứng minh rằng ông đã tính toán đúng trong lối tấn công quyết tử (predatory warfare) nên hậu thế ít ai nhắc đến những thiệt hại của bên mình.
Chắc chắn khi tiến quân đánh Thăng Long, Nguyễn Huệ không thể coi thường dân chúng ở vùng Nghệ An Thanh Hóa trước đây đã từng phục kích tấn công Nguyễn Nhạc, hiện đã trở thành một cánh quân nằm phục sau lưng. Nếu như vì một lý do nào đó mà việc giao binh với quân Thanh kéo dài hơn dự tính, sau lưng lại có con cháu nhà Lê, dư đảng họ Trịnh nổi lên tấn công từ hai mặt, ông sẽ khó tránh khỏi một cuộc chiến tiêu hao vốn là sở trường của Bắc Hà.
Nếu đúng như sự thông tin của các giáo sĩ cho nhau, ông lên ngôi ngay từ đầu tháng Mười (Âm Lịch) và mất khoảng từ 40 đến 45 ngày để ra đến Nghệ An (cuối tháng Một) trung bình mỗi ngày có thể đi từ 10 đến 15 cây số. Con số này xem ra có vẻ hợp lý với một đội quân vào thế kỷ XVIII, phức tạp và cồng kềnh, tổ chức còn sơ khai, thiếu hẳn một hệ thống tiếp liệu chu đáo. Nói tóm lại, một khi đặt Nguyễn Huệ trở về vai trò của một tướng lãnh cần “mạo hiểm” để chiến thắng, việc điều quân “thần tốc” chính là phương thức để khắc phục những sở đoản mà ông không thể nhất thời giải quyết được.
Vào thời kỳ đó đường từ Phú Xuân ra Bắc chưa có đường lớn, chỉ là đường mòn dọc theo triền núi nên nếu dùng đường bộ thì phải thật gọn nhẹ, muốn di chuyển với đồ đạc, quân lương, khí giới phải đi bằng thuyền trong mùa thuận gió.
Theo người ta mục kích, quân Tây Sơn có voi, ngựa, võng, các loại xe kéo … nhưng chủ yếu vẫn là đi bộ và hầu hết các phương tiện chỉ dành cho cấp chỉ huy hay chuyên chở vũ khí, lương thực. Theo truyền thống của vùng Ðông Nam Á, voi của quân Tây Sơn có khá đông nhưng ngựa không nhiều, các loại súng ống, vật liệu nặng thường dùng các loại xe trâu, xe bò hay xe lừa kéo. Trong những trường hợp cấp bách, sức người được điều động thay súc vật và việc di chuyển không khỏi nhọc nhằn, hao binh tổn tướng. Khi tình hình khó khăn, binh lính đào ngũ cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Các giáo sĩ cũng ghi nhận là trong lần ra Bắc thứ hai, Nguyễn Huệ:
… tiến như vũ bão … từ Thanh Hoá ra Ninh Bình chỉ mất có một ngày, không quản đường xa khó nhọc đã giết chết nhiều ngựa voi của ông, trong khi người khác phải mất ba bốn ngày …[42]
Nếu gặp gió thuận, thuyền buồm hay thuyền chèo tay đỡ hao tốn nên được dùng nhiều hơn. Chính vì thế những chiến dịch lớn chỉ được tiến hành khi có gió mùa trong thời gian không có mưa.
Tốc độ di hành luôn luôn có liên hệ mật thiết với phương tiện và địa thế. Trong lịch sử, những đạo quân có thể di chuyển nhanh thường là những dân tộc vùng thảo nguyên bằng phẳng dùng chiến xa hay ngựa cưỡi. Ở cuối thế kỷ XVIII, đơn vị căn bản của nước ta là làng xã có dân số trung bình chỉ khoảng vài trăm đến một ngàn, việc di chuyển hàng vạn người (tương đương với vài chục xã) đi một khoảng cách vài trăm cây số chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến những địa phương ngang qua. Những đoàn quân đó thông thường cũng kéo theo một cái đuôi dài bao gồm xe cộ, lừa ngựa, gia súc, vật dụng cá nhân … và cả đàn bà, trẻ con, ông già, bà cả … Ðây là tình trạng chung của mọi quốc gia, mọi quân đội, nhất là trong đó rất đông những binh sĩ người Thượng có thói quen đi chung với nhau thành từng bầy.
3.2.2. Tiếp Vận
Về tình hình tại Ðàng Trong thế kỷ thứ XVIII chúng ta thấy rất ít khả năng xây dựng những doanh trại lớn trú đóng hàng vạn quân. Nhu cầu chiến tranh và cơ cấu xã hội đơn sơ khiến chúng ta phải nghĩ đến một phương thức đồn trú rất thông dụng là mỗi người lính đều ở với gia đình và ra trình diện khi gọi đến còn khi ra khỏi địa phương thì chia ra từng tiểu tổ ở lẫn với dân. Lương thực vì thế cũng thất thường và chủ yếu dựa vào số gạo thóc lấy được của địch hay mua tại những địa phương mà họ đi ngang qua. Những phương thức đó đều rất bấp bênh nhất là vào những năm đói kém.
Theo tính toán của các chuyên gia về hậu cần, ngoài lương thực, binh lính còn nhiều nhu cầu khác như y phục, vũ khí, vật dụng hàng ngày, củi lửa … chỉ có thể kiếm được tại những thị trấn có đông dân cư. Nếu không có quần chúng yểm trợ và tiếp tế – trong trường hợp phải di chuyển trong rừng sâu hay hoang địa – một người chỉ đủ sức mang theo thực phẩm căn bản trong vòng 5 đến 10 ngày, nếu đi xa hơn thì bắt buộc phải có những trạm tiếp liệu (magazines) hay (đôi khi) phải cử người đi trước để kiếm lương hoặc gầy dựng chợ búa ngõ hầu các cánh quân đi sau có chỗ mua bán đồ dùng cần thiết.
Phương thức tiếp liệu và sinh hoạt của quân Tây Sơn theo các giáo sĩ miêu tả thì thường chia nhau ra đóng tại các đền chùa, miếu mạo, nhà thờ … là cách sinh hoạt tự túc đơn giản và hữu hiệu hơn cả. Ðể có vật liệu đúc súng hay rèn vũ khí, nhiều tượng thờ, chuông đồng và dụng cụ canh nông đã bị trưng dụng cho nhu cầu chiến tranh.
Về vấn đề lương thực và trang bị của quân Tây Sơn có người cho rằng lương khô của binh sĩ thời đó là món bánh tráng, mỗi khi ăn chỉ cần nhúng nước là có thể qua bữa. Ngoài lương thực cũng không thể bỏ qua súng ống, đạn dược … vốn dĩ rất nặng nề, không dễ dàng di chuyển trên đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội vào mùa đông và thường đòi hỏi một số dân công đông đảo để phục dịch. Súng thần công loại nhỏ được chở trên lưng voi, quân Tây Sơn không đem các loại súng lớn và đã công thành bằng sức người và các cuộn rơm để xông vào, sau đó đánh hoả công.
Những vấn đề liên quan đến hậu cần khác như chữa bệnh, tản thương hay các chính sách quản trị nhân sự khác (lương bổng, tử tuất, khen thưởng, tưởng lệ …) thì hoàn toàn không ai ghi lại. Với hình thức tổ chức còn sơ khai, những vấn đề đó chắc chưa được qui định rõ ràng mà chỉ giải quyết dựa theo tình hình và khả năng tại chỗ.
Trên thực tế, quân đội của Nguyễn Huệ tuyển mộ từ nhiều khu vực khác nhau, gồm nhiều thành phần, nhiều dân tộc, có tập quán và sinh hoạt đa dạng. Quân đội đó phần lớn không theo tổ chức chính qui nên thường thì không có lương bổng, phải tự túc nhiều mặt chứ không có tiêu chuẩn hàng tháng, hàng ngày. Việc ăn uống vì thế không theo quy định mà tuỳ theo tình hình, theo thói quen của từng nhóm, không hiếm những thành phần có lối sống còn sơ khai.
Chỉ những khi đóng quân và phải ổn định trật tự thì kỷ luật thép mới được áp dụng. Theo thư của giáo sĩ Le Roy ở Nam Ðịnh viết cho ông Blandin ở Paris ngày 11 tháng 7 năm 1786 thì:
… Những người Nam Hà này đã áp dụng sự xử án khắc nghiệt, mới thấy tố cáo chẳng cần đợi xét xử lôi thôi, họ đã chém đầu những bọn trộm cướp hay tất cả những kẻ nào bị người ta tố cáo là trộm cướp Người ta rất lấy làm thích sự xử phạt như vậy và sự liêm khiết của quân Tây Sơn. Vì họ không cướp bóc ai, họ chỉ biết chặt đầu mà thôi. Ðiều đó đã khiến cho yên lành ở một vài nơi trong một thời gian.[43]
Không phải chỉ sử gia Việt Nam, hầu hết những nhà nghiên cứu thế giới cũng ít ai nghiên cứu vấn đề tiếp vận một cách tường tận và thường đơn giản hoá việc di hành. Nhiều sử gia còn coi việc di chuyển một đoàn quân quá giản dị đến mức không đếm xỉa gì đến những điều kiện thực tế tưởng chừng như “một đoàn quân có thể di chuyển đi bất cứ phương hướng nào, bằng bất cứ tốc độ nào, bất cứ khoảng cách nào một khi cấp chỉ huy đã quyết định”.[44] Con người cũng như con vật trong một đoàn quân đều cần lương thực, quân trang, khí giới … và những điều kiện tối thiểu về sinh hoạt, nghỉ ngơi khi di hành mặc dù trong nhiều trường hợp con người bị bắt buộc “áp giải” đi một cách miễn cưỡng nhưng tinh thần chiến đấu đương nhiên rất thấp.
3.2.3. Truyền Tin
Quân Tây Sơn vốn dĩ không phải chỉ gồm một chủng tộc, một tiếng nói nên hay dùng tiếng kêu để truyền hiệu lệnh cho nhau được gọi là “binh Ó”. Một đặc điểm khác có thể do ảnh hưởng của dân vùng thượng du là họ cũng hay dùng chiêng trống để thúc quân, thu quân. Khi ra Bắc, để khỏi lẫn lộn việc khi vui chơi với hiệu lệnh của chiến trận, họ đã cấm dân chúng không được đánh trống.
… từ ngày 17 (tháng 12 năm 1788) [tính ra là ngày 20 tháng Một, trước khi quân Thanh vào Thăng Long một ngày], các làng mạc đánh trống để đánh dấu sự vui mừng của họ vì trống tuy là một nhạc khí được dân Bắc Kỳ rất ưa chuộng đã bị cấm đánh và ngưng sử dụng từ ngày quân Tây Sơn làm chúa tể xứ này …[45]
Trên đường tiến xuống Thăng Long khi quân Thanh đụng độ với Tây Sơn tại ranh giới Tam Dị, Trụ Hữu. Quân Nam dùng ba loại cờ, đỏ, trắng, đen chia thành ba đội đánh trống tấn công. Ngoài ra, chiếc khăn đỏ thường dùng để bịt đầu của cấp chỉ huy cũng có khi được sử dụng như một loại kỳ hiệu. Những đội quân chính qui của họ cũng có sắc phục. Việc dùng các màu cờ khác nhau cũng là một đặc tính nổi bật của các dân tộc vùng Ðông Nam Á, tuy ý nghĩa và công dụng có khác các qui định của Trung Hoa. Một số nhà nghiên cứu phân tích màu cờ sắc áo của quân Tây Sơn theo biện chứng ngũ hành đã không tìm thấy những giải đáp thoả đáng.
[1]… Ðinh bạ các làng xã còn lại đến nay được tìm thấy đều có kê khai số dân đinh tham gia phong trào Tây Sơn. Chẳng hạn trong số tư liệu Hán Nôm ở làng Xuân Hoà, có tập đinh bạ nhiều năm liên tiếp thuộc triều Tây Sơn. Ðinh bạ lập ngày 14-3 năm Thái Ðức thứ 11 (1788) kê khai toàn bộ dân đinh đều tham gia quân đội, giữ các công việc khác nhau, ngay cả người già trên 60 tuổi và trẻ em dưới 14 tuổi cũng được bố trí công việc ở các bộ, các dinh … UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ðịa Chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử (2005) tr. 115
[2] Cũng theo tin của các giáo sĩ thì sắc thư này ban hành ngày 6 tháng Mười năm Mậu Thân [3-11-1788] và còn đề niên hiệu Thái Ðức nên việc Nguyễn Huệ lên ngôi ngày 11 tháng Mười [8-11-1788] có lẽ chính xác. Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”. Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 195-8.
[3] Lê Duy Ðản thi tập.Tài liệu chép tay, Viện Hán Nôm Hà Nội, BEFEO A.2821
[4] Hoàng Xuân Hãn: “Phe đảng chống Tây Sơn ở Bắc”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) chú thích 12, tr. 1258
[5] Lê Quí Dật Sử, [Phạm Văn Thắm dịch] (1987) tr. 77
[6] David J. Steinberg (ed.): In Search of Southeast Asia (1987) tr. 52.
[7] Vào thời đó các quốc gia chung quanh Việt Nam đều thần phục và Nguyễn Huệ tự coi như làm chủ cả Ai Lao, Chiêm Thành (tức các sắc tộc Tây Nguyên, Nam Lào) và Cao Miên. Trong một bức thư gửi quan nhà Thanh để nhờ trình lên vua Càn Long lý do tại sao chưa dùng ấn vàng mới được phong có câu: “Duy Thăng Long tiền đại cố đô, vượng khí toả yết. Bộc (tiếng khiêm xưng) thuỷ doanh tân ấp vu Nghệ An, kiến lập miếu triều ư vị, nghĩ tức kỳ địa ưng thụ phi hiển chi mệnh, dĩ khải vô cùng chi cơ, thả bản quốc phong vực ư yên thủ trung, tây hữu Ai Lao, Nam hữu Chiêm Thành, Cao Miên chi thuộc …” (惟昇龍前代故都,旺氣鎖歇。僕始營新邑于乂安,建立廟朝於位,儗卽其地,膺受丕顯之命,以啟無窮之基,且本國封域於焉取中,西有哀牢,南有占城,高綿之屬 …) … Còn như Thăng Long là kinh đô cũ của các triều đại trước, vượng khí đã tiêu tan hết rồi, kẻ hèn này mới xây một ấp mới ở Nghệ An, kiến lập triều đình, tông miếu, nơi đó hẳn là lập được cơ nghiệp lớn lao, tính cái kế mãi mãi, lại là nơi trung tâm của bản quốc, tây có Ai Lao, nam có Chiêm Thành, Cao Miên đều là thuộc quốc … (Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập I, tr. 690) Về sau Nguyễn Huệ lại cũng thân chinh đi dẹp dư đảng nhà Lê tại Ai Lao và có những kế hoạch theo đường núi đi vòng xuống đánh chặn đường rút lui của Nguyễn Ánh.
[8] Ðiểm đáng chú ý là những đạo quân này không phải do người Kinh chỉ huy, hoặc có thể là người Thượng, hoặc người Tàu nên sử ta chỉ chép những tên và chức vụ mà không có họ, ngay cả tên cũng mỗi chỗ một khác. Ðô đốc Lộc, đô đốc Tuyết trông coi tả quân đánh từ biển vào sông Lục đầu, đô đốc Bảo và đô đốc Long (hay Mưu?) trông coi hữu quân cai quản đội voi ngựa từ Lào đánh qua Hà Ðông.
[9] Cristophoro Borri, Tường Trình về Khu Truyền Giáo Ðàng Trong 1631 Hồng Nhuệ (dịch) (không đề năm) tr. 24
[10] hình ảnh con voi mà hoạ viên William Alexander trong phái bộ Macartney ghé ngang Cửa Hàn năm 1793 (Touron hay Tourane) với người quản tượng bé tí teo nằm trên đầu con vật cho thấy thời kỳ đó con vật nhà Tây Sơn dùng trong chiến tranh lớn hơn các loại voi hiện nay. Xem “Elephant, Tourane Bay, 3 June 1973” trong Susan Legouix, Image of China: William Alexander (1980) tr. 45. Voi Á châu cao tới 3 thước, nặng từ 3 đến 4 tấn (3-4000 kg),sống thành đàn. Voi Xiêm La (tức cùng giống dùng trong tượng binh Ðàng Trong) to nổi tiếng và nhiều cái tên còn lưu lại trong các đoàn xiếc và phim ảnh Tây phương hồi đầu thế kỷ XX như Queenie, Happy, Sally, Ziggy … Martin Hintz: Tons of Fun Training Elephants, (1982) tr. 30. Những giống voi lớn nhất thường tìm thấy ở Lào và Bắc Thái mà người ta miêu tả là cao đến 12-3 feet (gần 4 thước), có lẽ là voi mà người Âu Châu thấy ở Ðàng Trong thời Tây Sơn.
[11] Cristophoro Borri, Tường Trình … tr. 26
[12]… an animal trained to be obediently ferocious, in battle to wield a mightly sword, and, as an executioner, to kill men by tossing, trampling, and rending them. Such monsters relished a bran mash flavored with babies … Ping Amranand và William Warren: The Elephant in Thai Life & Legend (1998) tr. 58
[13] Sun Laichen, “Military Technology Transfers from Ming China and the Emergence of Northern Mainland Southeast Asia (c. 1390-1527)” Journal of Southeast Asian Studies, vol. 34, 3 (10-2003) tr. 500
[14] Les Grands Dossiers de L’Ilustration L’Indochine, Histoire d’un Siècle 1843-1944 (1995) tr. 27. Tấm hình vẽ một chiếc thuyền mũi cong, có 32 người lính và một khẩu đại bác, mỗi bên hông có 12 mái chèo, thuyền thân dài và nhọn có chú thích là Embarcation Annamite Armée en Guerre de l’escorte des ministres Annamites (tức phái bộ Phan Thanh Giản).
Li Tana trong một bài viết cũng nói là “tam bản đầu to của An Nam” được bọc vài lớp da bò chưa thuộc với mũi thuyền cao hơn đuôi nhằm mục đích phòng thủ … Li Tana, ”Thuyền và Kỹ Thuật đóng thuyền ở Ðàng Trong cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX” – Ðức Hạnh dịch, Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 4(38). 2002 tr. 79.
[15]… Ngành nghệ thuật độc đáo của người Ðàng Trong có thể coi là tuyệt vời vào thời buổi hôm nay là kỹ thuật đóng tàu mà không tuỳ thuộc chút nào vào phẩm chất và tầm cỡ của loại gỗ dùng trong mục tiêu đó. Những chiếc thuyền chèo tay để đi chơi quả là khéo léo. Những con tàu đó, dài từ 50 đến 80 feet (15 đến 24 mét), lắm khi chỉ độc có năm mảnh ván ghép lại, mỗi thanh dài suốt từ đầu nọ đến đầu kia, cạnh ghép bằng mộng, gắn khít khao chặt chợm bằng chốt gỗ, buộc với nhau bằng lạt tre chứ không cần phải có sườn hay khung gỗ nào khác. Mũi và đuôi thuyền ngỏng lên khá cao, chạm khắc thành những thuỷ quái hình rồng, thuồng luồng, trang tri bằng sơn hay thếp vàng. John Barrow: A Voyage to Cochinchina (1806) bản in lại (1975) tr. 318-9.
[16] Lyda Norene Shaffer, Maritime Southeast Asia to 1500 (1996) tr. 11-2.
[17] Theo Biên Niên nhà Nguyễn, từ 1778 đến 1819, Nguyễn Ánh đóng 235 ghe bầu (kiểu Chăm-Mã Lai prahu), 460 sai thuyền (thuyền chèo loại lớn hơn), 490 chiến thuyền, 77 đại chiến thuyền, 60 thuyền lớn nhỏ kiểu phương Tây hay là thuyền buồm dọc, 100 ô thuyền và 60 lê thuyền (thuyền chèo có chạm khắc và trang trí) tạo nên tổng số là 1482 chiếc ( Li Tana: “Thuyền và Kỹ Thuật đóng thuyền ở Ðàng Trong cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX” (Ðức Hạnh dịch). Huế: Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 4(38). 2002 tr. 81.
[18] Robert J. Antony, Like Froth Floating on the Sea: The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China. (2003) tr. 20
[19] To the petty pirates of Kwantung, Fukien, Chekiang, and Kiangsu, Nguyen Van Hue was the “Big Boss of Yueh-nan” (Yueh-nan ta-lao-pan 粵南大老板) who sold their booty and gave them between 20 and 40 percent of the profits. The big pirate gangs also benefited from the Emperor’s rule, because he not only allowed them to anchor in the border area to gather recruits and steal food, but also let them use Vietnam as a “nest” to which they could retreat. These pirates accepted the Emperor as their master because under his authority they were able to reap great profits from the sea (Na Ngạn Thành [那彦成]: The collected memorials of Na-yen-ch’eng1834, (Ðài Bắc, 1974) trích lại theo Dian H. Murray, Pirates of the South China Coast 1790-1810 (1987) tr. 40-41
[20] Quốc Sử Quán triều Nguyễn: Ðại Nam Liệt Truyện, tập II (1997) tr. 524
[21] Dian Murray, Pirates of the South …(1987) tr. 36
[22] Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 29
[23] Two-handed swords may have been especially important for Vietnamese combatants, as Chinese soldiers were equipped with thick coats that apparently deflected low calibre bullets as the Burmese dicovered. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 33
[24] Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng, Tìm Hiểu Thiên Tài …(1971) tr. 38
[25] Jeremy Black, War, Past, Present & Future (2000) tr. 96-7
[26] Quân Cơ Xứ, CCBVV, lời khai của Nguyễn Huy Túc, ngày mồng 4 tháng Sáu Càn Long năm thứ 53 [7-7-1788]. Trang Cát Phát, TTVC tr. 339 [sách viết nhầm là Càn Long 54]
[27] Dian Murray, Pirates of the South …(1987) tr. 97
[28] Thomas J. Barnes: Tay Son, Rebellion in 18th Century Vietnam (2000) tr. 133 có ghi lại 10 điều quân lệnh của Tôn Sĩ Nghị trong đó điều 5 và 6 như sau:
… 5. Người An Nam có một loại võ khí đặc biệt gọi là hỏa tiễn. Họ dùng một loại súng có nòng dài chừng hai tấc rưỡi. Họ nhồi thuốc súng chia thành ba phần, sau đó dùng cây thụt phần thứ nhất và phần thứ hai riêng rẽ xuống nòng súng, đóng chặt mỗi phần vài trăm lần. Phần thuốc nổ còn lại nhét vào đầu bằng sắt của một mũi tên cắm vào trong nòng súng. Bước kế tiếp là nhét một sợi tre khô vào trong hộp súng có dây dẫn lửa nối vào. Khi bùi nhùi được đốt lên, mũi tên bén lửa và bay ra. Mục tiêu của chúng là đốt cháy quần áo các ngươi để cho quân ta (tức quân Thanh) phải hoảng sợ. Thế nhưng võ khí đó không bì với võ khí của ta được. Nếu đối phương phóng hỏa tiễn, chỉ cần cầm trong tay mấy lá trầu không để dập tắt lửa còn tay bên kia vung kiếm lên, bọn chúng sẽ phải bỏ chạy.
6. Một loại võ khí đặc biệt khác của người An Nam là hỏa cầu (fireball). Ðó là một khối kim khí rỗng ruột nhét đầy thuốc súng và miểng sắt cùng lưu hoàng, trên đầu có ngòi truyền ra. Lính của chúng sẽ đốt ngòi nổ và ném về phía ta, nếu thấy hỏa cầu thì chỉ cần né tránh là không việc gì cả.
Mặc dầu tác giả có ghi rằng tài liệu tham khảo chủ yếu căn cứ vào ba tác phẩm Khởi Nghĩa Diệt Nguyễn và Chống Xiêm (1993), Lật Ðổ Vua Lê – Chúa Trịnh Ðại Phá Mãn Thanh (1994) và Xây Dựng Ðất Nước (1995) của Ty Văn Hóa Thông Tin tỉnh Bình Ðịnh (theo Ghi Chú ở trang 202-203) nhưng những điều quân lệnh này lại không thấy ghi chép trong các sử sách khác và cuốn sách của Barnes là một cuốn tiểu thuyết lịch sử với nhiều dật sự không chính xác nên chúng tôi chỉ chép lại để độc giả biết thêm. Một điều hơi vô lý là loại mà gọi là hỏa tiễn (fiery rocket) kia chế tạo rất phức tạp. Nếu quả thuốc súng nhồi vào nòng thì như vậy mỗi khẩu súng (musket) chỉ bắn được một lần mà thôi và hiệu quả cũng không có gì đặc biệt, e rằng bất tiện hơn loại tên lửa bắn bằng cung. Vì tính chất mơ hồ của tài liệu này, chúng tôi chỉ ghi lại làm tài liệu tồn nghi.
[29] Bức hình của loại “bom” này có trong A Journey Into China’s Antiquity (V. 4) của National Museum of Chinese History (1997) tr. 165 dưới nhan đề 159. Military “national surname bottle”, Qing Dynasty
[30] China Science and Technology Palace Preparatory Committee and the Ontario Science Centre, China, 7000 Years of Discovery (1982) tr. 11
[31] Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng. Tìm Hiểu Thiên Tài Quân Sự của Nguyễn Huệ (1971) tr. 33
[32] Cochin-China maintained its independence by its superior firepower (Donald F Lach & Edwin J. Van Kley: Asia in the Making of Europe, vol III, book 3 – Southeast Asia, The University of Chicago Press 1993 tr. 1281). Theo các giáo sĩ và thương nhân Âu Tây, chúa Trịnh đã được đặt cho cái biệt danh là “thủy vương” (lord of water) vì có một lực lượng hải quân khá hùng hậu trong khi Chúa Nguyễn được gọi là “hỏa vương” (lord of fire) vì quân đội miền nam được trang bị khí giới đầy đủ và tân tiến hơn. Ðó cũng là lý do tại sao Ðàng Trong tuy kém thế hơn nhưng vẫn cầm cự được mà không bị đánh bại.
[33] Năm 1792, các giáo sĩ ghi nhận hai chiếc tàu từ Macao và Manille sang bán cho vua Quang Trung 100,000 cân (livres) lưu huỳnh (khoảng 50 tấn) để chế tạo thuốc súng. Ðặng Phương Nghi, “Triều Ðại Vua Quang Trung …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 241-2
[34] Nicholas Tarling (ed.), The Cambridge History of Southeast Asia, tập I, phần 2: từ 1500 đến 1800 (1999) tr. 47 (trích lại của C.R. Boxer trong Asian potentates and European artillery in the 16th-18th centuries: a footnote to Gibson-Hill, JMBRAS, 38, 2 (1965) tr. 166
[35] Vào thời đó để giảm thiểu những khó khăn trong việc tiếp liệu, đến cuối thế kỷ XVI nước Pháp chỉ còn 6 cỡ đại bác, Tây Ban Nha còn 12 cỡ và người Anh chỉ còn 16 cỡ, lớn nhất nặng đến 4 tấn, đạn nặng 74 pounds (khoảng 33.5 kg), nhỏ nhất chỉ nặng 300 pounds, bắn đạn chỉ có 5 ounces mà thôi. Súng lớn nòng có thể dài đến 3.3 m.
[36] Nicholas Tarling, The Cambridge History … (1999) tr. 47-8
[37] thường được gọi là jinjal hay gingall bắt nguồn từ tiếng Hindi janjal.
[38] Nicholas Tarling, The Cambridge History … (1999) tr. 48
[39] Theo Ðại Nam Thực Lục, bản thân chúa Nguyễn Ánh cũng là một xạ thủ giỏi và đã đặt mua ở Bồ Ðào Nha một vạn súng điểu thương, 2000 cỗ súng gang mỗi cỗ nặng 100 cân, 2000 viên đạn nổ đường kính 10 tấc vào năm 1791, một năm trước khi Nguyễn Huệ mất. Chi tiết đó đủ biết vào giai đoạn này, lực lượng hai bên đều phải dựa vào súng ống của Tây Phương để chiến đấu và với những trang bị mới, chiến thuật, chiến lược thủy cũng như trên bộ đã thay đổi nhiều cho phù hợp với tình thế.
[40] Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton (1992) tr. 1
[41] A real knowledge of supply and movement factors must be the basis of every leader’s plan; only then can he know how and when to take risks with those factors, and battles are won only by taking risks. A. C. P. Wavell, Speaking Generally (London, 1946) tr. 78-9. Trích lại theo Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton, (1992) tr. 232
[42] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 206
[43] BEFEO, 1912, t. XIII n 7, p. 8. Nguyễn Nhã “Nguyễn Huệ Một Thiên Tài Quân Sự “ Một Vài Sử Liệu …(1992) tr. 91
[44] It may be that this requires, not any great strategic genius but only plain hard work and cold calculation. While absolutely basic, this kind of calculation does not appeal to the imagination, which may be one reason why it is so often ignored by military historians. The result is that, on the pages of military history books, armies frequently seem capable of moving in any direction at almost any speed and to almost any distance once their commanders have made up their minds to do so. Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton (1992) tr. 1-2
[45] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 199