VIỆT THANH CHIẾN DỊCH
PHẦN VIII
KẾT LUẬN
Trong các tài liệu cũ, việc miêu tả tổ chức và sinh hoạt quân sự của nhà Thanh không chính xác đưa đến những hư cấu và tưởng tượng. Ðến đời Càn Long, quân đội Trung Hoa đã được chính qui hóa và tổ chức rất chặt chẽ, các luật lệ về điều động, thăng thưởng, tiếp vận, trang bị, tử tuất, qui chế sinh hoạt … đều chi ly phức tạp. Ðối chiếu tổ chức chính qui của nhà Thanh với tổ chức theo kiểu dân quân [militia] nặng phần tự phát của Tây Sơn có những khác biệt một trời một vực không phải trên hình thức mà về hoạt tính của quân đội.
Quân Thanh di chuyển cồng kềnh và lỉnh kỉnh đủ mọi loại quân trang, vật dụng trong khi quân Ðàng Trong vì trang bị và sinh hoạt đơn giản, quen với đời sống di động nên có thể đóng quân và nhổ trại rất nhanh. Chính vì quân Thanh vốn dĩ thuộc loại đồn binh [binh đóng quân tại một chỗ để phòng thủ, canh tác sinh hoạt như một tập thể định cư], việc điều binh trở nên phức tạp phù hợp với nhận định của John Keegan là “chiến tranh nào cũng cần di chuyển nhưng đối với những dân tộc định cư thì chỉ đi một đoạn ngắn cũng gặp nhiều khó khăn”.[1]
Quân đội của nhà Thanh điều động sang đánh nước ta cũng chỉ gồm Lục Doanh, là quân đội người Hán, khác hẳn với các kỳ binh ở miền bắc và chung quanh hoàng thành. Chúng ta có thể tham khảo những phân tích cụ thể về sức mạnh của Thanh triều tương đối chính xác khi phái đoàn Anh Macartney sang Trung Hoa năm 1793, ngoài công tác ngoại giao còn đưa ra những nghiên cứu nhằm đánh giá sức mạnh của đế quốc Trung Hoa để phác họa một chính sách đối phó. Bên cạnh những số liệu, người Anh còn cất công vẽ hàng trăm bức về cảnh quan, về sinh hoạt thực tế thời đó. Tài liệu của phái bộ Anh có thể giúp chúng ta thấu đáo hơn về đoàn quân sang cứu viện cho vua Lê.
Một điểm cần nhấn mạnh là y phục của họ rất lụng thụng, vướng víu vốn dĩ dùng trong lễ lạc và trình diễn. Áo giáp của binh lính làm bằng da và các mảnh kim loại, bên trong lót bằng nhiều lớp giấy bản trông bề ngoài rất oai vệ, tuy phần nào hộ thân khi chiến đấu và phòng thủ nhưng rất bất lợi khi cần di động nhanh. Miền bắc nước ta trong mùa đông, mưa phùn gió bấc, nhiều hồ ao, đầm chằm nên khi quân Thanh bị sa lầy đều không gượng được.[2] Theo quan sát của nhiều tác giả ngoại quốc đã tìm hiểu thì thực lực của nhà Thanh không hùng mạnh như người ta tưởng.[3]
Dưới mắt người nước ngoài,[4] quân Thanh sang nước ta được miêu tả như “một đoàn quân vừa yếu vừa quá mê tín dị đoan … lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa và các hành trang phụ khác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính vừa là lái buôn bồi bếp …” [5] nhưng lại bị “… những kẻ man rợ từ cao nguyên miền Nam … trông giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh”[6] đánh cho thảm bại.
Hai trở ngại lớn của quân Thanh khi điều động ra khỏi biên giới là tổ chức các đài trạm [lán lương thực] và dịch trạm [trạm truyền tin]. Theo qui định của Thanh triều, ngoài việc tính toán cho các trạm này theo khoảng cách để lương thực có thể vận chuyển liên tục tiếp tế cho tiền tuyến – quân đến đâu, lương thực tới đó. Vì tình hình đường sá nước ta khó khăn, Tôn Sĩ Nghị không thể sử dụng các loại phương tiện hữu hiệu hơn như thuyền bè, xe ngựa, trâu bò … mà hoàn toàn phải dựa vào sức người để mang vác. Nhân phu khi đó chỉ có thể điều động dân chúng sống ở các tỉnh giáp biên giới nhưng Quảng Tây đất rộng người thưa, việc trưng dụng rất khó khăn và chậm chạp, gây phiền toái cho quần chúng. Vùng biên giới lại nhiều bộ lạc, nhiều nhóm thổ dân khác nhau về phong tục, về tiếng nói nên cũng khó đôn đốc, điều hợp.
Nhà Thanh cũng tính đến việc sử dụng, thuê mướn dân phu An Nam nhưng lại e ngại việc dò thám hư thực, bất lợi cho quân cơ. Vả lại những năm trước đó, tình hình đói kém, chiến tranh, bên nào cũng bắt lính, mộ phu nên làng xóm tiêu điều, dân chúng thưa thớt nhiều nơi xương trắng còn nằm dọc bên đường, di thể không ai chôn cất.
Nói chung, tuy bề ngoài diệu võ dương oai nhưng thực ra quân Thanh không có khả năng thực hiện những chiến dịch ngoại biên, điển hình là các lần chinh phạt Miến Ðiện đều thảm bại. Ngoài ra, khí hậu thất thường, muỗi mòng rắn rết, thời tiết phương Nam không hợp nên nếu ở lâu chắc chắn quân Thanh và phu phen của họ sẽ bị những trâän đại dịch. Dịch tả, sốt rét, thương hàn … là kẻ thù còn nguy hiểm hơn đối phương nhiều. Chính Tôn Sĩ Nghị khi trở về cũng bị phong thấp nặng, phải điều dưỡng lâu ngày, Tôn Vĩnh Thanh thì cũng chết vì bệnh mặc dù chỉ trú đóng tại biên giới mà không qua nước ta.
Về quân ta, đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến ưu điểm và khả năng của Nguyễn Huệ trong chiến thắng Kỷ Dậu.
1. DI ÐỘNG NHANH
Một trong những yếu tố khiến quân Tây Sơn có thể tấn công bất ngờ là việc họ có thể tập trung một binh lực áp đảo về lượng cũng như về phẩm mà địch không tiên liệu được. Không ít sách vở đề cao về ưu điểm làm tướng của Nguyễn Huệ, đó là kỷ luật nghiêm minh.
Lẽ dĩ nhiên, kỷ luật thép là một yếu tố quan trọng khiến binh sĩ chỉ biết tiến chứ không lùi. Trong một mức độ nào đó, kỷ luật và đè nén rất khó phân biệt. Ðối với các nhà nghiên cứu, kỷ luật quân đội chỉ có thật khi đời sống của người lính được bảo đảm mọi mặt, nhất là phần lương thực, trang bị và những nhu cầu cá nhân kể cả bản thân họ và gia đình.
Vào thời kỳ đó, những cánh dân quân tổ chức còn lệ thuộc nhiều vào tương quan “chủ tướng – thuộc hạ” không có những doanh trại trú đóng những đại đơn vị thường trực trong tư thế “nuôi quân ba năm dùng một giờ”. Theo nhận xét của giáo sĩ de la Bissachère, quân của Nguyễn Huệ đều là dân binh được tuyển mộ gấp rút từ các làng xã dọc theo trục lộ tiến quân, tới đâu bắt lính tới đó và lớn dần theo hiện tượng tuyết lăn.[7]
Trong trận đánh ở Thăng Long, lực lượng chủ yếu của ông là quân bản bộ Ngô Văn Sở đóng tại Tam Ðiệp cộng thêm số quân “vét” được trên đường ra Bắc, đáng kể nhất tại hai xứ Thanh Nghệ. Danh tiếng của Ngô Văn Sở đã vang dội tới tận tai vua Càn Long chứng tỏ công lao không nhỏ trong chiến dịch này.
Thứ hai, quân của ông cũng không tiến theo hàng dọc theo đường thiên lý. Vào thời kỳ đó, đường cái quan dọc theo bờ biển chưa được thiết lập, đường thông từ Bắc vào Nam chủ yếu là đường thủy. Tuy nhiên vì gió bấc, chúng ta không tin rằng ông dùng đường biển để chuyển quân, mà chú trọng vào đường thượng đạo xuyên qua khu vực Bắc Lào (khi đó là một vùng hoang sơn trái độn giữa Xiêm La và Ðại Việt) thuận tiện và quen thuộc hơn với đám thân binh người Thượng và voi trận của ông. Con đường đó được sử dụng rất thường xuyên cho tới đầu thế kỷ XIX khi nhà Nguyễn xây dựng con đường cái quan và các dịch trạm từ Nam ra Bắc. Những cánh quân đó được điều động mà điểm tập kết là Nghệ An qua đèo Qui Hợp.
Chúng ta có thể hình dung được cách chuyển quân của ông tương tự như phương pháp “just-in-time” trong quản trị, các cánh quân khắp nơi được phối hợp để cùng di chuyển, mỗi đơn vị chỉ nhận một lệnh rất đơn giản là chuyển người đến điểm tập trung vào một hạn kỳ đã định trước.
Những đơn vị nhỏ đó không liên lạc với nhau, cũng không biết mình được điều động để làm gì (rất có thể vì ngôn ngữ phức tạp, họ cũng không hiểu được nhau nữa). Ðể có thể đem đại quân ra Bắc đánh một trận hết sức bất ngờ, Nguyễn Huệ có lẽ chỉ tập hợp bộ tham mưu tại trung quân để ra chỉ thị, khi hành quân chính ông cũng trộn lẫn vào trong số đông, tránh cảnh bị địch dồn sức đánh vào bản doanh chỉ huy đưa đến cảnh rắn mất đầu như Chế Bồng Nga thuở trước.
Những việc có tính chất thủ tục như tập hợp đại binh để cưỡi voi truyền hịch chắc không làm rầm rộ như người ta phóng đại sau này. Việc hỏi ý kiến các nho sĩ miền Bắc lại càng không thể làm, vì bí mật quân sự cũng có, vì tình hình thực tế cũng có. Bài hịch hùng hồn của Nguyễn Huệ chép trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí nếu không phải là một hư cấu của người kể chuyện thì cũng là một sáng tác sau này để chính danh hoá việc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, tô điểm cho chiến dịch sau khi đã thành công. Những tạo dựng như thế không phải là hiếm trong lịch sử.
2. TRANG BỊ NHẸ
Trang bị là một yếu tố quan trọng trong di hành. Quân Tây Sơn vào thời đó bao gồm rất nhiều sắc dân, chủ yếu là các sắc dân thiểu số Ðàng Trong với lối ăn mặc hết sức giản dị thường chỉ đóng khố, đi chân không. Cánh quân người Kinh của ông thì ăn mặc giống như người Chàm ngày nay, quần áo thoải mái, không quân phục mà là quần áo hàng ngày, không cần phải trang bị hay đồng phục [ngoại trừ những cánh thân binh]. Truyền thống đi chân không của vùng Nam Á trở thành một yếu tố quyết định trong chiến thuật gọi là “thần tốc” của vua Quang Trung.[8]
Vấn đề quan trọng nhất của quân đội là vũ khí và lương thực thì đã có những kho ông để sẵn, không nhiều nhưng đủ để cho quân của ông ăn từ 5 đến 10 ngày.[9] Ðể xây dựng một tân đô ở Thanh Nghệ, ông đã tập trung khá nhiều nhân lực, tài lực, vật liệu về vùng này kể cả những kho lương thực để làm hậu cần cho quân đội. Một kinh đô hành chánh không thể không có những huyết mạch kinh tế kèm theo. Ðây cũng là một yếu tố cần nghiên cứu về sự thất bại quá dễ dàng của quân Thanh khi họ chỉ chiếm được Thăng Long, một kinh đô “ảo” đã mất hết “vượng khí” như lối tin tưởng của người Nam Á nên cần tìm một vùng đất mới để xây dựng trung đô.[10]
Những cánh quân di chuyển mang một số lượng lương thực ít ỏi như thế nên họ có thể đi nhanh và chỉ được nghỉ khi đến trạm kế tiếp để lấy thêm lương thực. Việc tự mang lấy lương thực cũng là một cách để gia bội lực lượng chiến đấu, giảm thiểu cơ cấu hậu cần. Trong khi một binh sĩ chiến đấu của quân Thanh cần từ ba [nếu di hành trong khu vực nội địa] đến năm [nếu chiến dịch bên ngoài biên giới] phu dịch để phục vụ thì mỗi người lính của vua Quang Trung đều tự bảo đảm việc cung cấp cho chính mình, cả lương thực tự mang theo lẫn mưu sinh tự túc. Người nước ngoài khi đến vùng Ðông Nam Á đã ghi nhận khung cảnh “toàn dân vi binh” từ rất sớm.
Khi tập trung quân ở cứ điểm sau cùng trước khi bôn tập, Nguyễn Huệ đã hẹn ngày vào Thăng Long không phải như một lời tiên tri mà người ta thường ca tụng mà là một kỳ hạn tối hậu cho số lượng lương thực mỗi người có thể mang theo. Với những người dân Thanh Nghệ đang đói ăn, ăn Tết trước và hẹn vào kinh đô chiếm lấy các kho đụn của quân Tàu cũng là một hình thức “vọng mai chỉ khát” [chỉ rừng mơ để cho lính bớt khát] để kích thích lòng quân. Chúng ta cũng không bỏ qua mối căm phẫn sẵn có của ưu binh Thanh Nghệ khi phải chạy về quê vì biến động tại kinh đô cuối đời Cảnh Hưng, và trong những thời kỳ đói kém, việc tòng quân còn là một chọn lựa để mưu sinh bên cạnh tinh thần vì đại nghĩa.
Chiến thắng của người Việt cũng gần giống như những trận đánh của người Miến chống quân Thanh hay giao tranh giữa người Xiêm và người Miến. Những trận đánh đó cũng khốc liệt không kém và chiến thuật sử dụng voi để làm tiền đạo, kỵ binh và bộ binh tiến theo chính là một điều hợp quân sự khá thông dụng và phổ biến ở khu vực Nam Á.
3. CHỦ ÐỘNG TẤN CÔNG
Nhiều sử gia vẫn ngạc nhiên về chiến thuật bất ngờ và chớp nhoáng mà chúng ta thường gọi là thần tốc. Thực tế cho thấy, đây là một yếu tố quyết định của những thắng lợi trong suốt cuộc đời cầm quân của Nguyễn Huệ. Mặc dầu ông không bỏ qua yếu tố địa hình (advantage of terrain) và tấn công từ nhiều phía, nhiều hướng, nhiều mặt nhưng nếu không có tính chất đột ngột và quân số áp đảo (surprise attack with superior numbers), chúng ta khó có thể tin rằng Nguyễn Huệ đạt được như mong muốn.
Nguyễn Huệ đã khai thác được nhược điểm cốt lõi của đối phương (crucial errors) và đã lướt thắng được những ưu điểm của một đoàn quân trú phòng chính vì ông tìm ra được cách tấn công chí mạng. Rõ ràng ông không dàn trận để đợi địch tới như phương pháp chúng ta thường thấy của một đội quân yếu và ít đánh với một kẻ địch mạnh và đông, mà trái lại ông để cho địch đã bố trí đâu ra đấy rồi mới tìm cách phá giặc. Chiến thuật của ông cho ta thấy một điểm mà ít sử gia nhắc tới. Ông luôn luôn nghi ngại việc tập trung đóng quân ở những vùng đất lạ – và cũng là vùng đất thù – như ở Bắc và Nam vì ông biết rằng một khi đã đồn trú và bảo vệ diện địa, ông trở thành bị động, là kẻ bị tấn công mà không còn thế tiên cơ như khi đem quân tới tấn công địch.
Ông cũng nắm được nhược điểm của chính ông là không thể duy trì một cuộc chiến kéo dài mà không bị khó khăn về binh lương, về nhân lực. Cuộc tranh chấp của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc tại Qui Nhơn năm 1788 đã cho thấy ông không có ưu thế về công kiên khi địch quân cố thủ trong thành. Nguyễn Huệ có nhiều ưu điểm hơn khi mặt trận xảy ra trên đất “lạ” vì ông không bị ràng buộc với địa phương như tại Qui Nhơn. Các nhà nho thường dùng những từ ngữ mang tính gợi hình như “quyển địa” [cuốn đất] để miêu tả cách hành binh thần tốc và bất ngờ. Ðoàn quân ấy đi đến đâu lập tức phân tán lẩn vào thôn ấp, sử dụng những công ốc như đình chùa, miếu mạo … làm chỗ đóng quân nên không khỏi bị dân địa phương oán trách vì không tôn trọng tín ngưỡng của họ.
4. HỢP ÐỒNG TÁC CHIẾN
Chúng ta không thể hình dung Nguyễn Huệ đi đến đâu đều kéo theo toàn bộ quân số dưới quyền như một ông bầu gánh hát đem theo cả đoàn khi lưu diễn. Trong tình hình cuối năm 1788, Nguyễn Huệ phải đối phó với nhiều nguy cơ từ nhiều phía trong đó không thể thờ ơ với đe doạ của Nguyễn Nhạc từ Qui Nhơn kéo ra, và có thể cả Xiêm La hợp lực với Nguyễn Ánh từ Gia Ðịnh tấn công theo đường thuỷ và đường núi nhân cơ hội ông bị vướng vào một trận chiến lớn. Vì thế, Nguyễn Huệ phải giữ lại rất nhiều chủ lực để bảo vệ những trọng điểm chiến lược ở Ðàng Trong.
Trong chiến dịch đánh quân Thanh, vua Quang Trung chỉ điều động quân địa phương và các lực lượng phụ thuộc. Ðó chính là điểm các nhà nghiên cứu không thể xác định được lý lịch của những toán quân xuất hiện rất bất ngờ và vô danh, sau đó hầu như biến mất. Cũng như Chế Bồng Nga thuở trước, Nguyễn Huệ đã đạt được một uy tín lãnh tụ khiến nhiều tiểu quốc, nhiều bộ lạc thần phục ông. Phương thức hợp đồng tác chiến đó đã khiến nhiều quốc gia tập hợp được một lực lượng mạnh khi cần đến, điển hình là Miến Ðiện và Xiêm La khi giao tranh không phải do lực lượng của chính họ mà do các khu vực thần phục mỗi bên đánh với nhau. Ngay cả khi “quân Xiêm” sang giúp Nguyễn Ánh, đoàn quân đông đảo đó cũng bao gồm nhiều sắc dân ở Chân Lạp và Nam Lào nên khi bại trận đã “theo đường thượng đạo” chạy về [đất của họ].
Thứ đến, quân sĩ chiến đấu muốn hiệu quả phải có tính chuyên nghiệp, được huấn luyện và quen với khung cảnh máu đổ, đầu rơi. Không phải cứ đưa dao kiếm cho một người vốn quen nghề ruộng rẫy sẽ biến họ thành một chiến sĩ, nhất là ở thời kỳ mà chưa có những vũ khí sát thương ở tầm xa. Việc tập hợp hàng chục vạn nông dân để trở thành một binh đội thiện chiến không thể chỉ trong đoản kỳ. Riêng việc có đủ binh khí để trang bị cho họ cũng là một vấn đề lớn khi đoàn ngũ hoá tầng lớp dân chúng ở nông thôn. Ðó cũng là lý do tại sao các thổ hào không thể có được những đội quân tinh nhuệ. Cho nên, dù tinh thần cao chăng nữa, muốn hữu hiệu ba cánh quân của vua Quang Trung trong chiến dịch Bắc Hà phải là những chiến binh chuyên nghiệp, không phải là những tân binh mới tuyển mộ. Chỉ có những chiến binh với đầy đủ khả năng, Nguyễn Huệ mới tính toán được một chiến thuật gọi là “thần tốc”.
– Cánh quân thứ nhất do các tiểu vương và bộ lạc phía tây dãy Trường Sơn mang theo voi trận vốn dĩ là lực lượng quan trọng nhất của họ. Chắc chắn nếu Nguyễn Huệ mang voi từ Phú Xuân ra, bên cạnh việc trở ngại trong vấn đề di chuyển, chỉ riêng thời tiết thay đổi đột ngột và cung ứng lương thực cho đoàn thú to lớn này cũng đã làm cho vai trò của tượng binh bị hạn chế rất nhiều.
– Cánh thứ hai là hải quân do những tướng lãnh và lực lượng hải khấu ông thu phục được từ biển theo đường sông đánh ngang hông và chặn các đường rút quân của địch.
– Bộ binh do chính ông chỉ huy ngoài các lực lượng cơ hữu của Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân lại được bổ sung bởi một thành phần đã quen với chiến đấu. Ðó chính là ưu binh Thanh Nghệ vốn dĩ là lực lượng quan trọng nhất của chúa Trịnh bị truy sát đang trở về trốn tránh tại quê hương, bản quán.[11]
Việc điều động ba lực lượng chủ chốt với ba đặc tính riêng rẽ vô hình chung phù hợp với lối đánh của Nam Á mà những nhà nghiên cứu đã đề cập đến. Rất có thể đây chỉ là một ngẫu nhiên nhưng chúng ta thấy có nhiều tương đồng khi đối chiếu với binh thư của những quốc gia chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Ðộ mà không tìm thấy tại những khu vực vay mượn ở văn minh Trung Hoa. Ông cũng không đánh cầu may mà thực tế thường chuẩn bị và tính toán kỹ càng, có điều ông dựa vào tin tức tình báo và sử dụng cái năng khiếu bén nhậy của mình để quyết định. Tin tức tình báo đó do một mạng lưới thương nhân có những liên hệ mật thiết với ông, được mua chuộc bằng cả lợi lộc lẫn đe doạ. Thương nhân nếu ở phe ông được ưu đãi bao nhiêu thì không liên minh với ông sẽ bị trừng trị thảm khốc bấy nhiêu, điển hình như vụ tàn sát người Hoa ở Gia Ðịnh năm 1782.[12] Ðể bảo đảm sự tuân hành tuyệt đối những lệnh lạc của mình, Nguyễn Huệ áp dụng một thứ kỷ luật sắt, tạo cho binh sĩ thói quen chỉ biết nghe lệnh ông mà không cần suy nghĩ, không đóng đồn hạ trại, dùng lương khô khi di hành và ăn uống giản dị tới mức chỉ ăn cơm nhạt với muối.
Chiến thuật của ông cũng khác hẳn cổ nhân. Trong khi Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn sử dụng lối đánh dằng dai để địch tự tiêu hao rồi mai phục tại những địa điểm hiểm yếu phá địch bằng những trận then chốt khi họ rút lui thì vua Quang Trung lại tấn công khi địch đang đóng quân một chỗ, lấy ưu thế nhân số và di động để bao vây áp đảo đối phương.
Hưng Ðạo Vương có thể đánh chặn đường vì ông được lòng dân, có cả một khối quần chúng hậu thuẫn “cả nước đấu sức lại mà đánh”, trái lại Nguyễn Huệ tuy phải chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm và to lớn trước mặt nhưng vẫn phải đề phòng khối quần chúng bản địa vì trong số địch quân lại có những người đã từng là vua, là chúa của vùng đó. Ông chỉ có thể vô hiệu hóa quần chúng chứ khó lòng mà dùng họ như một lực lượng hậu cần để bổ sung thiệt hại. Nhiều chi tiết rải rác cho thấy quân Tây Sơn luôn luôn phải dè chừng khi ra Bắc vào Nam, từ việc Nguyễn Nhạc bị người dân Nghệ An tấn công khi ông ra gặp Nguyễn Huệ, đến việc Nguyễn Hữu Chỉnh khi bị bỏ rơi đã phải vội vã chạy theo chứng tỏ quân Tây Sơn dưới mắt người Bắc Hà vẫn chỉ là một đoàn quân ngoại nhập, có nhiều cách biệt về phong tục, ngôn ngữ, một thứ quân của Quảng Nam quốc mà các nhà nho đã gọi là “man binh”, không ngang hàng với quân Trịnh, quân Lê vốn dĩ có những liên hệ mật thiết với quần chúng.
Chính vì phải đối phó với một tình thế khó khăn, Nguyễn Huệ không thể trải rộng mà phải tập trung thanh toán địch theo lối bẻ đũa, tiêu diệt địch bằng lối hành quân bất ngờ và một lực lượng đông đảo gấp bội để chiếm tiên cơ. Lối điều binh đó cho ta thấy ýđịnh giữ đất giành dân, thành lập vương quốc của ông chỉ được hình thành sau khi những thế lực thù nghịch đã hoàn toàn bị thất bại.
Có thể nói, Nguyễn Huệ đã tập hợp được nhiều ưu điểm mà nhiều người đã đánh giá là tính sáng tạo, khác hẳn với truyền thống cố hữu. Trong khi có những triều đại luôn luôn coi Trung Hoa như bậc thầy để bắt chước, Nguyễn Huệ đã chứng tỏ rằng người Việt Nam có những đặc tính riêng và sự phát huy một bản sắc dân tộc là một điều cần thiết.
Một yếu tố tinh thần được nhắc đến nhiều là tinh thần quyết thắng của vua Quang Trung. Không biết chính xác tới mức nào nhưng được ghi lại trong tài liệu của nhà Thanh [theo lời khai của Phan Khải Ðức với Tôn Sĩ Nghị] là đích thân ông đã bí mật lên vùng biên giới để thám sát địa hình[13] và ra lệnh cho chư tướng nếu quân Thanh tiến sang thì sẽ rút lui để bảo toàn lực lượng, chờ ông ra chỉ huy phản công.
Nếu thực như thế, ngay từ đầu Nguyễn Huệ đã có kế hoạch triệt thoái để bảo tồn lực lượng và tái chiếm Bắc Hà khi tình hình thuận tiện hơn. Tinh thần quả cảm đó đã khiến cho binh sĩ dưới quyền ông hết lòng với chủ tướng và cũng phù hợp với những nhận xét của người ngoài về con người dũng mãnh của ông.
Trận chiến Việt – Thanh đã được khai thác rất nhiều trong lịch sử Việt Nam, xoáy mạnh vào thắng lợi ở Thăng Long đầu xuân năm Kỷ Dậu. Chúng ta cũng nói nhiều đến thành tựu ngoại giao và ưu thế của Ðại Việt trong đời Càn Long sau khi hai bên trở lại hoà hoãn. Từ trước đến nay, những nghiên cứu về trận đánh long trời lở đất này chỉ được soi xét dưới khía cạnh quân sự, ít khi được quan sát trong bối cảnh chính trị của Trung Hoa, đặc biệt dưới triều đại Càn Long sau khi vị hoàng đế đã trị vì hơn nửa thế kỷ.
Với quan niệm ăn sâu trong đầu rằng vai trò của một thiên tử thay mặt Trời để cai trị thiên hạ, vua Càn Long vẫn nhân danh một nhiệm vụ rất cao cả là “hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong” [dấy lại một dòng đã đứt để nuôi nấng sự mất còn của nước nhỏ] để sai Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta. So sánh những bất đồng qua những sử liệu của cả hai bên, chúng ta cũng biết được rằng việc Nam chinh có những âm mưu bất chính của giới quan lại địa phương muốn khai thác cơ hội để thăng quan tiến chức, nhưng bản thân vua Càn Long lại e ngại một sa lầy mới có thể làm hỏng đại lễ “Bát Tuần Khánh Thọ” vào năm sau nên khi thấy rằng nhiệm vụ cơ bản đã hoàn thành, chữa được nỗi bất bình sau nhiều lần thất bại ở Miến Ðiện, ông ra lệnh rút quân về.
Chiến lược của nhà Thanh trong thời điểm đang trên đà thắng lợi vì thế không thống nhất. Vua Cao Tông tuy ra lệnh triệt binh nhưng cũng chỉ nói nửa chừng, đặc biệt nhất trong bài thơ liên hoàn ngày mồng Một Tết tại Trùng Hoa Cung không đề cập gì đến chuyện đó. Những tin tức về diễn tiến mặt trận gửi về Bắc Kinh vẫn là những tin tức đầy hứa hẹn và triều đình Trung Hoa chưa dứt khoát sẽ rút quân như thế nào nếu không tiến hành chiến dịch đánh xuống Phú Xuân.
Ðại thần nhà Thanh cũng biết được tâm lý của đấng chí tôn. Ở tuổi 80, vua Càn Long mong mỏi một kỳ thịnh thế bằng sự phô trương tốn kém để đón nhận triều yết của chư phiên hơn là bày mưu tính kế, lo nghĩ về một chuyện tranh chấp ở biên cương. Do đó, khi tiếp nhiệm tổng đốc Lưỡng Quảng, Phúc Khang An đã khôn khéo đề ra chính sách “dưỡng quân uy, tồn quốc thể” làm cơ sở đối phó với An Nam, một đường lối cương nhu thật thích hợp với tình thế, vừa chữa một thất bại quân sự, vừa góp phần vào việc nâng cao uy tín vua Càn Long.
Tuy nhiên cũng còn một chi tiết mà hầu như không một ai trong chúng ta nhắc đến. Ðó là trọng điểm chiến lược trong cai trị mà nhà Thanh luôn luôn muốn duy trì: làm thế nào để tuyệt đại đa số quần chúng người Hán luôn luôn chỉ nghĩ rằng họ chỉ là một loại “công dân hạng hai” trong xã hội, không thể đòi hỏi những biệt đãi như người Mãn Châu.
Ý thức đó luôn luôn được điều chỉnh để sao cho người Mãn, tuy chỉ là thiểu số, vẫn nắm giữ tất cả những chức vụ lớn, được hưởng những đặc quyền đặc lợi một cách đương nhiên không thể dị nghị. Chính vì thế, một mặt vua Càn Long rất phấn khởi với những thắng lợi nhanh chóng ban đầu, một mặt ông lại tìm cách ghìm lại để cho vai trò của Tôn Sĩ Nghị không vượt qua một giới hạn có thể chấp nhận được.
Như đã viết, ngoài việc giao cho Phú Cương (người Mãn) và Ô Ðại Kinh truyền hịch dụ hàng Nguyễn Huệ để cướp lấy công lao, vua Càn Long cũng hạ lệnh triệt binh khi cánh quân Quảng Tây chiếm được Thăng Long cốt để tạo cơ hội cho cánh quân Vân-Quí có thể tiếp tục công tác thời bình là “cải thổ qui lưu”, phương thức cổ điển mà nhà Thanh thực hiện để bình định và đồng hoá các khu vực ở tây và tây nam Trung Hoa. Dù không thôn tính một cách lộ liễu, nhà Thanh có thể cho những người Trung Hoa lén lút qua khai khẩn mỏ ở Tuyên Quang, Hưng Hóa [xưởng dân] được tách ra thành một khu tự trị [qui chế thổ ti] để một lúc nào đó sẽ sáp nhập vào nước Tàu. Một người làm quan lâu năm như Tôn Sĩ Nghị không thể không biết điều đó nên ông miễn cưỡng thi hành, hẹn đến đầu năm sẽ thực hiện lệnh rút quân.
Chính ở điểm tế nhị này, khi Tôn Sĩ Nghị đại bại chạy về, vua Càn Long lập tức đưa Phúc Khang An (một trong bốn người con đại thần Phó Hằng, người Mãn) sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng, vừa lấy binh uy trấn ngự biên giới, vừa bí mật nhận lệnh chủ hoà để biến một thất bại quân sự (của một đại thần người Hán) thành một thắng lợi ngoại giao (của một đại thần người Mãn).
Chính sách ức Hán hưng Mãn của Thanh triều được thi hành tương đối chặt chẽ trong hai trăm năm. Mãi về sau, khi bị hoạ xâm chiếm của Tây phương và nhà Thanh phải nhượng bộ trong nhiều hiệp ước bất bình đẳng, dân chúng đói khổ khiến loạn lạc tại nhiều khu vực, người Hán lúc đó mới có cơ hội vươn lên cao hơn và một số người được giữ nhiệm vụ hành chánh và quân sự quan trọng (Tăng Quốc Phiên, Tả Tông Ðường, Lý Hồng Chương, Lâm Tắc Từ, Viên Thế Khải …) Tuy nhiên, đó là những thay đổi trong chính sách ở thời Thanh mạt chứ không phải vào thời thịnh trị của Khang Hi, Ung Chính, Càn Long.
Ðể khai thác triệt để lợi điểm chính trị này, vua Càn Long sau đó đã mau chóng chấp nhận phong vương cho Nguyễn Huệ và ra lệnh “vô hiệu hoá” những chống đối của vua tôi nhà Lê bằng cách phân tán mỏng, an tháp những người chạy sang Trung Hoa.
Xét riêng một trận đánh trong khoảng mươi ngày trước và sau Tết Nguyên Ðán, chiến thắng đầu xuân này là một điểm son trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân những tương quan rộng lớn trong một thời gian dài, chúng ta có thể phải cân nhắc kỹ trước khi đi đến một kết luận về hậu quả của nó.
Về phần nhà Thanh, sự thần phục của Ðại Việt dưới triều đại Quang Trung đã đem lại ít nhiều tiếng vang đối với phiên thuộc, củng cố thêm uy tín của một triều đình vốn dĩ bị coi là ngoại tộc vào cai trị Trung Nguyên. Ðại Việt đóng một vai trò phên giậu đã giải quyết cho nhà Thanh mối lo về một số thổ ti dọc theo biên giới Hoa – Việt, không còn cơ hội chống lại triều đình và qua lại quấy phá những tỉnh dọc theo biên cương.
Ðối với nhà Tây Sơn, tuy những biến chuyển không nằm trong dự tính của Thanh triều nhưng lại đưa tới những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Vua Quang Trung bị cầm chân vào những thủ tục và nghi lễ ngoại giao trong suốt hai năm (1789-1790) là thời kỳ tối quan trọng để xây dựng thực lực nên đã bỏ lửng việc đối phó với mối đe doạ từ phía Nam, tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh chiếm lấy Gia Ðịnh làm bàn đạp tiến ra Phú Xuân. Lẽ dĩ nhiên, lịch sử còn nhiều vấn đề được đặt ra bằng chữ “nếu” vì ví thử Nguyễn Huệ không chết sớm, cục diện không biết rồi sẽ đi về đâu.
TS Nguyễn Duy Chính
Tháng 5, 2011
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tạp chí
– Nam Phong Tạp Chí [Ấn Bản Ðiện Tử] Viện Việt Học, 2009, California, USA.
– Nghiên Cứu Huế, tập năm 2003. Trung Tâm Nghiên Cứu Huế, 2003, Thừa Thiên.
– Nghiên Cứu Lịch Sử, 1997 – Số 2, 185, tháng 3-4. Viện Sử Học (UBKHXHVN), Hà Nội.
– Tập san Sử-Ðịa [9-10] 1968, [13] 1-3, 1969, [21] 1-3, 1971, [26] 1-3, 1974, Saigon.
– Tạp Chí Hán Nôm 2 (5), 1988, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (UBKHXHVN), Hà Nội.
– Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 4(38). 2002, Huế.
– Thông báo Hán Nôm Học năm 2005, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (UBKHXHVN), 2006, Hà Nội.
Từ Ðiển
– Cổ Hán Ngữ Thường Dụng Tự Tự Ðiển (古漢語常用字字典) Phồn Thể Tự Bản (繁體字本). Bắc Kinh: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 2000.
– Cổ Ðại Hán Ngữ Từ Ðiển (古代汉语词典). Bắc Kinh: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1998.
– Hummel, Arthur W. (chủ biên) Eminent Chinese of the Ch’ing Period (1644-1912) (清代名人傳略) Taipei: Ch’eng Wen Publishing Company, 1970. (in lại theo bản của chính phủ Mỹ, Washington 1943)
– La, Trúc Phong (罗竹风) chủ biên. Hán Ngữ Ðại Từ Ðiển (漢語大詞典). Thượng Hải: Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã, 1986.
– Lã, Tông Lực (呂宗力) chủ biên. Trung Quốc Lịch Ðại Quan Chế Ðại Từ Ðiển (中國歷代官制大辭典) (2nd ed.). Bắc Kinh: Bắc Kinh xb xã, 1995.
– Ðàm Kỳ Tương 潭其驤 (chủ biên). Trung Quốc Lịch Sử Ðịa Ðồ Tập (中國曆 史地圖集) (8 quyển). Bắc Kinh: Trung Quốc Ðịa Ðồ xb xã, 1996.
– Ðào, Duy Anh. Hán Việt Từ Ðiển (漢越辭典) [in lần thứ ba]. Saigon: Trường Thi, 1957
– Phương, Thi Danh. Niên Biểu Lịch Sử Trung Quốc. Nguyễn Liên Hoàn (dịch). Hà Nội: Thế Giới, 2001.
– Tạ, Mẫn Hoa, Uông Hiển Huy 謝敏華,汪顯輝 (chủ biên). Trung Hoa Thành Ngữ Ðiển Cố Ðại Toàn 中華成語典故大全( 4 vol.). Cát Lâm: Cát Lâm nhiếp ảnh xuất bản xã, 2003.
– Tang, Lệ Hoà (臧勵龢) (chủ biên). Trung Quốc Cổ Kim Ðịa Danh Ðại Từ Ðiển (中國古今地 名大辭典) (in lần thứ hai). Hương Cảng: Thương Vụ ấn thư quán, 1982.
– Tang, Lệ Hòa (臧勵龢) chủ biên. Trung Quốc Nhân Danh Ðại Từ Ðiển (中國人名大辭典). [bản tăng bổ lần thứ 2] Ðài Bắc: Ðài Loan Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1979.
– Tchang, Le P. Mathias. Synchronismes Chinois. Chang-hai: Imprimerie de la Mission Catholique, 1905. (reprinted by Ch’eng-wen Publishing Co., Taipei, 1967)
– Trần, Văn Chánh. Từ Ðiển Hán Việt: Hán Ngữ Cổ Ðại và Hiện Ðại (in lần thứ hai). tpHCM: Trẻ, 2001
– Trịnh, Thiên Ðĩnh (鄭天挺) (chủ biên). Trung Quốc Lịch Sử Ðại Từ Ðiển (中國歷史大辭典) (thượng và hạ). Thượng Hải: Thượng Hải từ thư xb xã, 2000.
Việt Văn
– Borri, Cristophoro. (Hồng Nhuệ dịch) Tường Trình Về Khu Truyền Giáo Ðàng Trong 1631. Thăng Long, không rõ năm.
– Hoa Bằng. Quang Trung Nguyễn Huệ, Anh Hùng Dân Tộc 1788-1792. Saigon: Thư Lãm Ấn Thư Quán, 1958.
– Hoàng, Xuân Hãn. La Sơn Phu Tử. Saigon: Minh Tân, 1952
– Hoàng, Xuân Hãn. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, [ba tập]. Hữu Ngọc – Nguyễn Ðức Hiền (sưu tập). Hà Nội: nxb Giáo Dục, 1998.
– Hồ, Bạch Thảo (dịch). Thanh Thực Lục: Quan hệ Thanh – Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Hà Nội: Hà Nội, 2010.
– Hoàng, Văn Hoè (dịch). Ðại Việt Quốc Thư. Saigon: Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1972.
– Mai, Quốc Liên (chủ biên). Ngô Thì Nhậm tác phẩm (4 quyển) Hà Nội: nxb Văn Học, 2001-2
– Một Nhóm Học Giả. Một Vài Sử Liệu về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Cali.: Ðại Nam, 1992.
– Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí (bản dịch Nguyễn Ðức Vân – Kiều Thu Hoạch) Hà Nội: nxb Văn Học, 2002.
– Ngô, Cao Lãng. Lịch Triều Tạp Kỷ (bản dịch Hoa Bằng và Hoàng Văn Lâu) Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1995.
– Ngô, Thời Chí. Hoàng Lê Nhất Thống Chí (bản dịch Ngô Tất Tố) Saigon: Phong Trào Văn Hóa tái bản, 1969.
– Nguyễn, Anh Huy. Lịch Sử Tiền Tệ Việt Nam: Sơ Truy và Lược Khảo. [越南古錢學初考] (An Initial Researching Into Vietnamese Numismatics). tpHCM: VHSG, 2010.
– Nguyễn, Cẩm Thuý, Nguyễn Phạm Hùng. Văn thơ Nôm thời Tây Sơn. tpHCM: KHXH, 1997.
– Nguyễn, Khắc Ngữ. Bộ Sưu Tập Bản Ðồ Cổ Việt Nam. Montréal: Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa Việt Nam, 1987.
– Nguyễn, Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng. Tìm Hiểu Thiên Tài Quân Sự của Nguyễn Huệ . Hà Nội: nxb QDND, 1971
– Nguyễn, Thu. Lê Quí Kỷ Sự (Hoa Bằng dịch, Văn Tân hiệu đính). Hà Nội: KHXH, 1974.
– Phạm, Văn Thắm (dịch). Lê Quí Dật Sử. Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1987
– Phú Xuân Thuận Hóa thời Tây Sơn (nhiều tác giả). Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Huế: nxb Thuận Hoá, 2001.
– Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục I, II (bản dịch Viện Sử Học). Hà Nội: nxb Giáo Dục, 1998.
– Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện: Nhà Tây Sơn (bản dịch Tạ Quang Phát) Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1970.
– Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện tập II (Ngô Hữu Tạo, Ðỗ Mộng Khương dịch). Huế: nxb Thuận Hoá, 1997.
– Sử Ký Ðại Nam Việt (in lần thứ năm, 1909) [Sài gòn: Nhà In Nhà Dòng Tân Ðịnh (Imprimerie de la mission à Tân Ðịnh)] (nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa xuất bản tại Sài gòn 1974, tái bản theo lối chụp ảnh tại Montréal, 1986)
– Tạ Quang Phát (dịch), Nhà Tây Sơn (Ðại Nam chính biên liệt truyện – Nguỵ Tây liệt truyện) Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1970
– Tạ, Quang Phát (dịch). Tây Sơn Thuật Lược (西山術略). Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1971
– Trần, Văn Giáp. Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm, tập I (in lần thứ hai). Hà Nội: Văn Hóa, 1984.
– Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Lịch Sử Việt Nam (tập I) Hà Nội: nxb KHXH, 1976
– Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Ðịa Chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử . Hà Nội: nxb Khoa Học Xã Hội, 2005.
– Viên Mai. Tùy Viên Thi Thoại [Trương Ðình Chi dịch] tpHCM: nxb Văn Nghệ, 2002
Anh Văn
– Amranand, Ping và William Warren. The Elephant in Thai Life & Legend. Bangkok: Monsoon Editions, Ltd.,1998.
– Antony, Robert J. Like Froth Floating on the Sea: The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China. Berkeley: Institute of East Asian Studies, UC Berkeley, 2003.
– Bạch, Thọ Di (Bai Shouyi – 白壽彝). An Outline History of China (Trung Quốc Thông Sử Cương Yếu). Bắc Kinh: Trung Quốc Quốc Tế Thư Ðiếm, 1982.
– Barnes, Thomas J. Tay Son, Rebellion in 18th Century Vietnam. Xlibris Corporation, 2000.
– Barrow, John. A Voyage To Cochinchina. Kuala Lumpur: Oxford University, 1975 (in theo lối chụp ảnh nguyên bản năm 1806)
– Black, Jeremy. War, Past, Present & Future. New York: St Martin’s Press, 2000.
– Brighton Borough Council. William Alexander: An English Artist in Imperial China. Brighton: Nottingham University Art Gallery, 1981.
– Chakrabonse, Chula. Lords of Life: A History of the Kings of Thailand (2nd Ed). London: Alvin Redman, 1967
– Charney, Michael W. Southeast Asian Warfare 1300-1900. Netherlands: Brill Leiden Boston, 2004.
– Collis, Maurice. Foreign Mud: being an account of the Opium Imbroglio at Canton in the 1830’s and the Anglo-Chinese War that followed. London: Faber and Faber Limited, 1946 (reprinted 1969 by John Dickens & Co Ltd Northampton)
– Crawfurd, John. Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China exhibiting a view of the Actual State of those Kingdoms. New Delhi: Asian Educational Services, 2000 (chụp lại nguyên bản London, 1828)
– Crawfurd, John. Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin China. Kuala Lumpur and London: Oxford University Press, 1967.
– Creveld, Martin Van. Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton. Cambridge: Cambridge University Press, 1992
– Do, Phuong Quynh. Arts and Handicrafts of Viet Nam. Hanoi: The Gioi (Foreign Languages Publishing House), 1992
– Dutton, George. The Tây Sơn Uprising – Society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam. Honolulu: University of Hawai’i Press, 2006.
– Dyer, Gwynne. War. New York: Crown Publishers, Inc., 1985.
– Fairbank, John K. (chủ biên) The Chinese World Order. (2nd printing) Mass: Harvard University Press, 1968.
– Fairbank, John K., Reischauer and Craig: East Asia – Tradition and Transformation. Harvard University, Houghton Mifflin Co., 1973.
– Fitzgerald, C.P. The Southern Expansion of the Chinese People. New York-Washington: Praeger Publishers, 1972.
– Graff, David A. và Robin Higham. A Military History of China. Boulder, Colorado: Westview Press, 2002.
– Griess, Thomas E. (ed.) Ancient and Medieval Warfare (The West Point Military History Series). Department of History, US Military Academy, West Point, New York. New Jersey: Avery Publishing Group Inc., 1984
– Hanes, W. Travis III v Frank Sanello. The Opium Wars. Illinois: SourceBooks, Inc. 2002.
– Heath, Ian. Armies of the Nineteenth Century: Asia (V. 2: China). Great Britain: Foundry Books, 1998.
– Heath, Ian. Armies of the Nineteenth Century: Asia (V. 4 – Burma and Indo-China). Great Britain: Foundry Books, 2003.
– Hintz, Martin. Tons of Fun Training Elephants. New York: Julian Messner, 1982
– Hocquard, Eùdouard. War and Peace in Hanoi and Tonkin (A Field Report of the Franco-Chinese War and on Customs and Beliefs of the Vietnamese 1884-1885) Bangkok: White Lotus Press, 1999. (dịch từ nguyên tác Trente Mois au Tonkin trong bộ Le Tour du Monde, Vols. 57-61, 1889-91, Paris)
– Keegan, John. A History Of Warfare. New York: Alfred A. Knopf, 1994
– Lach, Donald F. Asia in the Making of Europe (4 vol.) Chicago: The University of Chicago Press, 1993.
– Lamb, Alastair. Asian Frontiers – Studies in a Continuing Problem. New York-Washington-London: Frederick A. Praeger, Publishers, 1968.
– Lamb, Alastair. The Mandarin Road to Old Hué. London: Chatto & Windus, 1970
– Latourette, Kenneth Scott. The Chinese, Their History and Culture (7th ed.) New York: The Macmillan Co., 1968.
– Legouix, Susan. Image of China: William Alexander. London: Jupiter Books, 1980.
– Lewis, E. Jon (ed.) The Mammoth Book of Soldiers at War: Firsthand accounts of warfare from the Age of Napoleon. New York: Carrol & Graf Publishers, Inc. 2001.
– Majumdar, R.C. Champa, History & Culture of an Indian Colonial Kingdom in the Far East 2nd-16th Century A.D. New Delhi: Gyan Publishing House, 1985.
– Murray, Dian H. Prirates Of The South China Coast 1790-1810. Calif.: Stanford University Press, 1987.
– National Museum of Chinese History. A Journey Into China’s Antiquity (4 volumes). Beijing: Morning Glory Publishers, 1997
– Ngaosrivathana, Mayoury và Kennon Breazeale (ed.). Breaking New Ground In Laos History. Chiang Mai: Silkworm Books, 2002
– Ngaosyvathn, Mayoury và Pheuiphanh Ngaosyvathn. Paths to Conflagration: Fifty Years of Diplomacy and Warfare in Laos, Thailand, and Vietnam, 1778-1828. New York: Cornell Southeast Asia Program Publications, 1998.
– Paludan, Ann. Chronicle of the Chinese Emperors. New York: Thames & Hudson, 1998.
– Parker, Geoffrey. The Military Revolution – Military innovation and the rise of the West 1500-1800. Cambridge: Cambridge University Press, 1996.
– Parker, Geoffrey. The Military Revolution: Military innovation and the rise of the West 1500-1800. Cambridge: Cambridge University Press, 1996
– Paul, E. Jaiwant, By My Sword and Shield – traditional weapons of the Indian warrior. (Lotus Collection) New Delhi: Roli Books, 1995.
– Peers, Chris, Christa Hook. Late Imperial Chinese Armies 1520-1840. London: Reed International Book Ltd, 1997.
– Peterson, Willard J. (ed.) The Cambridge History of China, Vol. 9, Part One: The Ch’ing Dynasty to 1800. Cambridge University Press, 2002
– Pluvier, Jan M. Historical Atlas of South-East Asia. New York: E. J. Brill, 1995.
– Reid, Anthony. Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680 (volume II) New Haven, London: Yale University Press, 1993
– Reid, Anthony. Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680. (vol I) New Haven, London: Yale University Press, 1988.
– Shortland, John R., M.A. The Persecutions of Annam: A History of Christianity in Cochin China and Tonking. London: Burns and Oates, 1875
– Simms, Peter và Sanda Simms. The Kingdoms of Laos: Six Hundred Years of History. Richmond: Curzon Press, 1999
– Singh, Sarva Daman. Ancient Indian Warfare. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1997
– Smith, Bradley và Wan-go Weng. China: A History in Art. Doubleday & Company, Inc., không đề năm.
– Spencer, Jonathan D. In Search for Modern China. New York : W.W. Norton & Co., 1990.
– Steinberg David J. (ed.). In Search of Southeast Asia. Hawaii: University of Hawaii Press, 1987.
– Sun, Laichen, “Military Technology Transfers from Ming China and the Emergence of Northern Mainland Southeast Asia (c. 1390-1527)” Journal of Southeast Asian Studies, vol. 34, 3 (10-2003)
– Tana, Li. Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries. New York: Cornell University – Southeast Asia Program Publications, 1998.
– Tarling, Nicholas (ed.) The Cambridge History of Southeast Asia, tập I, phần 2: từ 1500 đến 1800. Cambridge: Cambridge University Press, 1999.
– The Cambridge History of China, Vol. 9 Part 1 – The Ch’ing Dynasty to 1800. Cambridge University Press, 2002.
– Tien, Chen-Ya. Chinese Military Theory, Ancient and Modern. Mosaic Press, 1992.
– Wakeman, Frederic Jr. The Fall of Imperial China. New York: The Free Press, 1975.
– Woodside, Alexander B. A Comparative Study of Vietnamese and Chinese government in the first half of the nineteenth century. Mass: Harvard University Press, 1971.
– Woodside, Alexander B. Vietnam and the Chinese Model – A Comparative Study of Nguyễn and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century. MA: Harvard University Press, 1971.
Pháp Văn
– Durand, Maurice. Histoire des Tây Sơn. Paris: Les Indes Savantes, 2006
– Forest, Alain. Les Missionnaires Franҫais au Tonkin et au Siam XVIIe – XVIIIe siècles. Livre II: Histoires du Tonkin. Paris: Éditions l’Harmattan, 1998.
– Le Livre de Paris. Les Grands Dossiers de L’illustration L’indochine, 1995.
– Maybon, Charles B. Histoire Moderne du Pays d’Annam (1592-1820). Paris: Librairie Plon, 1920
– Maybon, Charles B. La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère. Paris: Librairie Ancienne Honoré Champion, 1919.
Hoa/Hán Văn
– Bách, Dương (柏楊). Trung Quốc nhân sử cương (中國人史綱) (thượng và hạ) Ðài Bắc: Tinh Quang xb xã, 1996.
– Cao, Dương (高陽). Thanh Triều Ðích Hoàng Ðế, (清朝的皇帝) Q. II. Ðài Bắc Viễn Ảnh xb Sự Nghiệp Công Ty, 1989.
– Chu, Viễn Liêm (周遠廉). Càn Long Hoàng Ðế Ðại Truyện (乾隆皇帝大傳) Hà Nam: Hà Nam nhân dân xb xã, 1996.
– Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院). Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược (欽定安南紀 略) (bản chụp lại gồm 30 quyển) Hải Nam: Hải Nam xb xã, 2000.
– Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院). Thanh Cung Yến Lạc Tàng Trân 清宮宴樂藏珍 (Qinggong Yanyue Cangzhen). Bắc Kinh: Bắc Kinh xb xã, 2002.
– Lại, Phúc Thuận (賴福順). Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh Chi Quân Nhu Nghiên Cứu (乾隆重要戰爭之軍需研究). Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1984
– Lam, Ngọc Xuân (藍玉春). Trung Quốc Ngoại Giao Sử – Bản Chất Dữ Sự Kiện, Xung Kích Dữ Hồi Ứng (中國外交史- 本質與事件,衝擊與回應). Ðài Bắc: Tam Dân thư cục, 2007.
– Lã, Nguyên Thông – Cát Vinh Tấn (呂元驄 – 葛榮晉). Thanh Ðại Xã Hội Dữ Thực Học (清代社會與實學) Hongkong: Hongkong University Press, 2000.
– Lê, Kiệt (藜傑). Thanh Sử (清史) Trung Quốc Cận Ðại Sử. Hongkong: Hải Kiều xb xã, 1964.
– Lê, Ðông Phương (藜東方). Tế Thuyết Thanh Triều (細說清朝) (thượng và hạ). Ðài Bắc: Truyện Ký Văn Học Xã, 1987.
– Lưu, Gia Câu (劉家駒). Thanh Sử Bính Ðồ (清史拼圖) Ðài Bắc: Viễn Ảnh, 2003.
– Nguỵ, Nguyên (魏源). Thánh Vũ Ký (聖武記). Ðài Bắc: Thế Giới Thư Cục, 1980.
– Ðường Văn Cơ – La Khánh Sái (唐文基-羅慶洒). Càn Long Truyện. Bắc Kinh: Nhân Dân xb xã, 1994.
– Phan, Thúc Trực (潘叔直). Quốc Sử Di Biên (國史遺編). Hương Cảng: Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á, 1965
– Phương, Thiết 方鐵(chủ biên). Tây Nam Thông Sử 西南通史 (Series of a Complete History of China Borders – A Complete History of China Southwest Borderland). Hà Nam: Trung Châu Cổ Tịch Xb xã, 2003.
– Quách, Chấn Phong (郭振鋒) và Trương Tiếu Mai (張笑梅) (chủ biên). Việt Nam Thông Sử (越南通史). Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân Dân đại học xb xã, 2001
– Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện, [大南列傳] quyển XXX, Nguỵ Tây [偽西].
– Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (清高宗御製詩文全集)(10 quyển). Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1976.
– Thanh Sử (清史) (8 quyển) Thanh Sử Biên Toản Uỷ Viên Hội (清史編纂委員會) Ðài Bắc: Quốc Phòng Nghiên Cứu Viện (國防研究院), 1961.
– Thanh Sử Cảo (清史稿) (48 quyển) Triệu Nhĩ Tốn 趙爾巽 (tuyển). (in lần thứ 5). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1996.
– Tiêu, Nhất Sơn (蕭一山). Thanh Sử (清史). Ðài Bắc: Trung Hoa Văn Hoá, không đề năm.
– Tôn, Cảnh Phong (孫景峰), Lý Kim Ngọc (李金玉). Chính Thuyết Thanh Triều Tam Bách Niên (正說清朝三百年). Bắc Kinh: Trung Quốc Quốc Tế Quảng Bá xb xã, 2005.
– Tống, Liên Sinh (宋連生). Ðại Thanh Thịnh Thế (大清盛世). Bắc Kinh: Ðương Ðại thế giới xb xã, 2006.
– Trần, Chí Bình (陳致平). Trung Hoa Thông Sử (中華通史) q. 11 & 12. Ðài Bắc: Lê Minh Văn Hóa Sự Nghiệp Công Ty, 1979.
– Trần, Khánh Hạo (陳慶浩) chủ biên. Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San (越南漢文小說叢刊) (đệ nhất tập) [7 quyển] Paris-Taipei: École française d’Extrême-Orient & Editions Universitaires de Taipei, 1986
– Trần, Khánh Hạo (陳慶浩) chủ biên. Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San (越南漢文小說叢刊)(đệ nhị tập) [5 quyển] Paris-Taipei: École française d’Extrême-Orient & Editions Universitaires de Taipei, 1992
– Trạch, Văn Minh (翟文明) (chủ biên). Trung Quốc Toàn Sử (中國全史) (4 quyển). Bắc Kinh: Quang Minh Nhật Báo xb xã, 2002.
– Trạch, Văn Minh (翟文明). Càn Long Ðồ Truyện (乾隆圖傳). Bắc Kinh: Trung Quốc Hí Kịch xb xã, 2001.
– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.
– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Sử Giảng Nghị (清史講議). Ðài Bắc: Thực Học Xã, 2002.
– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Sử Luận Tập 清史論集(quyển XII) “Thanh Cao Tông Sách Phong An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình Thuỷ Mạt” 清高宗冊封安南國王阮光平始末. Ðài Bắc: Văn Sử Triết, 2008
– Trần, Nguyên Nhiếp, An Nam Quân Doanh Kỷ Lược. Bản chép tay thư viện Harvard-Yenching [Tạp Sử, số hiệu 2404]
– Trương, Hiểu Quang (張曉光). Thanh Ðại Ðồng Bản Chiến Công Ðồ Toàn Biên (清代銅版戰功圖全編) Bắc Kinh: Học Uyển xb xã, 2000.
– Trương, Minh Canh (張明庚), Trương Minh Tụ (張明聚). Trung Quốc Lịch Ðại Hành Chánh Khu Hoạch (中國歷代行政區劃). Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xb xã, 1996.
– Trương, Ngự Hoàn (張馭寰). Trung Quốc Thành Trì Sử (中國城池史). Thiên Tân: Bách Hoa Văn Nghệ xb xã, 2003.
– Trương, Tú Dân (張秀民). Trung Việt Quan Hệ Sử Luận Văn Tập (中越關係史論文集). Ðài Bắc: Văn Sử Triết, 1992
– Trung Quốc Quân Sự Sử Biên Tả Tổ. Trung Quốc Lịch Ðại Quân Sự Chế Ðoä (中國歷代軍事制度). Bắc Kinh: Giải Phóng Quân xb xã, 2006.
– Trung Quốc Thông Sưû (中國史通) (10 quyển). Sái Lỗi 蔡磊 (chủ biên). Bắc Kinh: Thời Ðại Văn Nghệ xb xã, 2002.
– Trung Quốc Thông Sử 中國通 史(22 quyển). Bạch Thọ Di (Bai Shouyi – 白壽彝) (chủ biên). Thượng Hải: Thượng Hải Nhân Dân xb xã, 2000.
– Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Vân Nam. “Thanh Thực Lục” Việt Nam, Miến Ðiện, Thái Quốc, Lão Qua Sử Liệu Trích Sao (清實錄 – 越南緬甸泰國老撾史料摘抄). Vân Nam: Vân Nam Nhân Dân xb xã, 1985.
– Vương Nhung Sinh (王戎笙). Thanh Ðại Toàn Sử (清代全史) (10 quyển). Thẩm Dương: Liêu Ninh xb xã, 1995.
[1] “All war require movement, but for settled peoples even short-range moves impose difficulties” John Keegan, A History Of Warfare (1994) tr. 164
[2] Một chi tiết chép trong ngoại sử đáng chú ý: … Ông Quang Trung thấy chỉ (tức hịch của nhà Thanh) nói xấc xược thể ấy thì giận quá. Có bao nhiêu binh sĩ sẵn thì đem đi tức thì, cho được đánh quân Ðại Minh (thực ra là quân Thanh nhưng khi đó miền Nam quen gọi người Trung Hoa là người Minh). Ông ấy đi vội vàng bất phân nhựt dạ (ngày đêm) cho nên trong 15 ngày thì đã đến Vân Làng, là nơi quân Ngô đã đóng trại, cùng xông vào đánh quân ấy xuất kỳ bất ý. Vốn khi trước, ông Quang Trung đánh được nhiều trận cả thể và đã giết nhiều quân giặc; song le chẳng bao giờ được trận cả thể cùng giết nhiều giặc cho bằng lần nầy. Vì chưng nơi hai bên giao chiến với nhau thì đầy những bùn lầy; mà quân Ngô thì mặc nhiều áo, cùng gánh lương thực và khí giái (giới), nó lại dùng những giày nặng nề, cho nên hễ bước xuống bùn, thì chịu phép mà thôi, không thể nào mà rút chân lên được.
Còn quân An Nam thì đi chơn (chân) không, mặc áo nhẹ và cầm gươm giáo mà thôi, thì đánh quân Ngô chẳng khác gì đánh giống ngoại vật; lại nó mắc lầy chẳng giết đặng người An Nam nào. Vã (sic) lại ông Quang Trung đem nhiều voi, mà quân Ngô chẳng quen đánh thể ấy; cho nên khi thấy voi thì sợ mà tìm đàng trốn hết. Vậy những quân Ngô bị tử trận hay là phải chết đói khi trốn dọc đàng thì hằng hà sa số. Còn lính An Nam tữ (sic) trận không đầy hai trăm (?). Bao nhiêu lương thực và những đồ khí giái, vàng bạc quân Ngô đã đem sang thì lính An Nam lấy đặng cả, mà các giống ấy thì nhiều lắm, vì chừng bảy mươi con ngựa mới chở hết những vàng bạc quân ấy bỏ lại … Sử Ký Ðại Nam Việt (in lần thứ năm) 1909) [Sài gòn: Nhà In Nhà Dòng Tân Ðịnh (Imprimerie de la mission à Tân Ðịnh), 1909 (nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa xuất bản tại Sài gòn 1974, tái bản theo lối chụp ảnh tại Montréal, 1986) tr. 42-3. Chúng tôi chỉ trích dẫn về tin đồn mà giới thừa sai ghi nhận, những chi tiết khác trong sách này nhiều chỗ sai lầm cả về địa danh cũng như nhân danh, niên hiệu.
[3] Maurice Collis đã trích lại một bản tường thuật trên tờ Chinese Repository tháng 8 năm 1836 nhận định về quân lực nhà Thanh [tuy cách sự việc vài chục năm] mà chúng tôi nghĩ rằng khá chính xác như sau: Quân đội Trung Hoa, từ thời điểm mà họ phát minh ra thuốc súng năm 1275 đến nay [1836] không khác nhau mấy [từ đời Tống sang đời Thanh khoảng hơn 500 năm]. Các giáo sĩ dòng Tên [Jesuits] hồi thế kỷ XVII và XVIII hẳn đã đúc cho các vị Hoàng đế nhiều đại pháo tốt, nhưng không biết vì lý do gì mà họ không bắt chước nên các súng lớn họ sử dụng thường bị vỡ tung khiến pháo thủ còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù. Nếu súng không bể thì cũng bởi vì họ dùng loại thuốc đạn phẩm chất kém nhất, mà chứng cớ rõ rệt nhất là khi hai chiến hạm Andromache và Imogene tấn công Hổ Môn (Bogue) năm 1834, người ta thấy tận mắt là nhiều viên đạn trúng thành tàu chỉ dội ra, nếu bắn xa được tới đó, mà chỉ một số ít vì ngay cả nhắm thẳng, hầu hết cũng không tới và có khi còn rơi ngay trước nòng súng. Thuốc súng, họ bảo rằng, do một nhà thầu địa phương cung cấp (và những ai có chút kinh nghiệm thì biết ngay nhà thầu địa phương ở Á Ðông làm ăn ra sao rồi). Chính vì thế mà trận đánh chỉ làm các chiến thuyền này thiệt hại có hai người, trong khi có đến 300 đại pháo trang bị cho pháo đài Bogue và chiến hạm đã phải theo thuỷ triều để cự lại một luồng gió bấc nên tiến vào vùng hẹp nhất. Và pháo đài Hổ Môn (Bogue) là chiến luỹ kiên cố nhất trên toàn cõi Trung Hoa.
Còn đạo quân trú đóng ở Quảng Châu (Canton) thì chỉ để trình diễn (stage army). Bạn có thể bắt gặp mỗi khi thả bộ tới công đường. Ðội quân này do một gã “trông như cu li, chân quấn xà cạp, tay cầm quạt, có khi thêm một cái roi mây”. Nếu bạn đi với vài người ngoại quốc nữa và ra vẻ như muốn đệ thỉnh nguyện thư thì công sai sẽ bước ra. Họ đi từng người một “không quân phục, không võ trang, không sửa soạn và đang ngái ngủ”. Trong đám đó có một cấp chỉ huy và thường là “viên chức cao cấp nhất có thể gặp được”. Y ra lệnh cho lính gác mặc quân phục lấy trong đống quần áo vừa đem ra. Khi ăn vận rồi trông họ tươm tất hơn, trên ngực và sau lưng có thêu chữ đen trên nền vàng một chữ dũng. Kiếm của họ thì han rỉ đến nỗi rất khó khăn mỗi khi rút ra. Ðây là quân chính qui và không nhiều vì khi khẩn cấp cần binh lính sẽ phải đi thuê thêm tính theo ngày … Maurice Collis. Foreign Mud: being an account of the Opium Imbroglio at Canton in the 1830’s and the Anglo-Chinese War that followed. (1946) (reprinted 1969) tr. 187-8
[4] Theo lá thư của M. Le Roy viết cho giáo sĩ Blandin ngày 8 tháng 7 năm 1789 thì “Ces soldats chinois portaient tout avec eux, comme ce sage de la Grèce qui disait omnia mecum porto, leurs pipes, leurs vasselles et autres meubles de marmiton leur pendant à la ceinture; ils sont soldats, marchands, médecins, marmitons […]; de pareilles armes ne sont guère d’usage au fort d’un combat…” Alain Forest: Les Missionaires Francais au Tonkin et au Siam (1998) tr. 119
[5] Ðặng Phương Nghi, “Triều đại vua Quang Trung …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 233.
[6] Ðặng Phương Nghi, “Triều đại vua Quang Trung …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 233-34
[7]… une nombreuse armée chinoise étant venue au Tonquin pour rétablir sur le throne l’ancienne famille Lé qui s’était réfugiée à Pékin, Quang trung qui pour lors était en Cochin-Chine apprenant l’arrivée de cette armée chinoise accourut au Tonquin seulement avec quelques centaines de soldats, il marchait jours et nuits ramassant sur sa route par force tous les hommes en état de porter les armes, il n’avait d’autres provisions que celles qui se trouvoient dans les villages par où il passait, il faisait couper la tête à tous ceux qui refussaient de le suivre, et bruloit lês maisons de ceuxdes habitans qui ne mettaient pas à la disposition de ses troupes, du riz des buffles et des cochons, souvent de rage et de colère il faisait tuer devant lui les hommes et les chevaux qui ne pouvoient pas marcher … [ … khi nghe tin Trung Hoa đưa một đạo quân đông đảo sang Bắc Hà để lập lại ngôi vua cho dòng họ Lê hiện đang lánh nạn tại Bắc Kinh, Quang Trung lập tức đem vài trăm quân rong ruổi ngày đêm và cưỡng bách ngay trên đường đi tất cả những ai có thể chiến đấu được, lương thực thì không gì khác hơn là của dận chúng những làng mạc ông đi ngang, ai không theo sẽ bị chặt đầu, ai chống lại sẽ bị đốt nhà và tịch thu thóc gạo, trâu bò, lợn và giận dữ giết ngay người ngựa nào không đủ sức bước đi …] Charles B. Maybon, La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère (1919) tr. 132
[8] một tấm hình của hoạ sĩ William Alexander vẽ một người lính Ðàng Trong năm 1792 cho chúng ta những chi tiết đáng chú ý về y phục của quân Tây Sơn.
[9] Theo những nhà nghiên cứu, binh sĩ chỉ có thể mang theo mình lương thực 10 ngày là tối đa, hành quân lâu hơn phải có một hệ thống tiếp liệu. Lính tập và các đơn vị binh sĩ người Việt thời Pháp thuộc mang gạo bằng những ruột tượng bắt chéo trên vai xuống hông.
[10] Chính niềm tin rằng Thăng Long không còn xứng đáng là thủ đô nữa nên về sau Nguyễn Huệ đã khẩn khoản xin nhà Thanh xuống Nghệ An để phong vương. Trong những thư từ qua lại với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ cũng chủ yếu nhờ ông xem đất để xây cung điện chứ không phải muốn dùng ông vì tài kinh bang tế thế.
[11] Theo nhiều nguồn, đoàn quân tân tuyển lại chính là lực lượng trung quân do ông chỉ huy. Một tướng lãnh kinh nghiệm không ai dại gì điều động một đoàn quân mới góp nhặt, thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Chỉ có thể là ưu binh Thanh Nghệ hiện cư ngụ tại bản quán mới có khả năng vua Quang Trung đòi hỏi.
[12] Trên một số hoạt động thì hải phỉ cũng chính là tầng lớp thương nhân, mua qua bán lại những món hàng có lời nhiều.
[13] KDANKL, quyển III, tr. 1