Giải pháp can thiệp quân sự vào Libya đã được Hội Đồng Bảo An thông qua vào tối hôm qua, 17/03/2011. Pháp, Anh, Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ tấn công theo nhiều phương án để bảo vệ thường dân và lật đổ chế độ Kadhafi.
Sau thái độ do dự trước phong trào nổi dậy tại Tunisia và Ai Cập, nước Pháp cùng với Anh đã thành công trong việc thuyết phục Hội Đồng Bảo An cho phép dùng vũ lực với nhà độc tài Kadhafi.
Ngoại trưởng Pháp, Alain Juppé, phát biểu trước báo giới, bên ngoài phòng họp Hội đồng Bảo an (New York), 17/3/2011.
Sáng sớm hôm nay, phát ngôn viên chính phủ Pháp François Baroin tuyên bố, chiến dịch oanh kích « sẽ bắt đầu trong vài giờ tới ». Theo phát ngôn viên chính phủ, nước Pháp « đi tiên phong trong yêu cầu can thiệp nên sẽ tham gia vào chiến dịch với mục tiêu lật đổ Kadhafi ».
Hai cường quốc quân sự châu Âu là Anh và Pháp phải biến lời nói thành hành động. Đức đã từ chối tham gia vào Libya, viện lý do lo ngại gợi lại kỷ niệm xấu thời Đệ nhị thế chiến. Khả năng can thiệp của Hoa Kỳ tới đâu vẫn còn là một ẩn số, vì Washington tỏ ra rất ngần ngại một giải pháp quân sự, trước khi bất ngờ thay đổi lập trường vào giờ chót.
Tại Hội Đồng Bảo An, nghị quyết được thông qua với 10 phiếu thuận, không có phiếu chống, nhưng có 5 thành viên không tham gia bỏ phiếu là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Đức, mặc dù là thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Trên lý thuyết, không lực Anh Pháp thừa sức đè bẹp không quân Libya nhất là nếu được Hoa Kỳ hỗ trợ phần kỹ thuật vệ tinh gián điệp và nhiễu sóng.
Nhưng cuộc nổi dậy tại Libya đã biến thành nội chiến, can thiệp vào các khu dân cư khó tránh khỏi gây thiệt hại cho thường dân.
Do vậy, giải pháp vũ lực của Paris đã thay đổi từ « lập vùng cấm bay » trở thành « tập trung tấn công vào mục tiêu có chọn lọc » để không cho quân Kadhafi tiến chiếm Benghazi, thành trì của phe đối lập nổi dậy.
Nước Pháp đã sử dụng tối đa thế cờ Ả Rập và lý giải là phải bảo vệ thường dân trước các biện pháp đàn áp của chính quyền Tripioli.
Trước đó, tổ chức Liên đoàn Ả rập, với 23 thành viên, đã trục xuất Libya ra khỏi liên đoàn.
Nhiều nước Trung Đông đã tham gia tích cực vào cuộc vận động của Pháp. Liban đóng vai trò năng động trong việc vận động thuyết phục các thành viên Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết. Qatar và Tiểu vương quốc Ả Rạp Thống Nhất đề nghị tham gia vào chiến dịch quân sự. Theo báo Mỹ The Wall Street Journal, hôm nay 18/03/2011, quân đội Ai Cập, láng giềng của Libya, đã chuyển giao vũ khí nhẹ cho phe nổi dậy tại Benghazi từ nhiều ngày qua.
Phía Tây phương, Canada sẽ gởi 6 máy bay chiến đấu, Na Uy, Đan Mạch cũng bật đèn xanh, Ý cho mượn phi trường quân sự, còn Ba Lan hỗ trợ hậu cần.
Pháp có thể cho máy bay cất cánh từ đảo Corse không xa Libya. Những trận oanh kích sẽ nhắm vào hệ thống phòng không, trung tâm chỉ huy quân sự và phi trường để không cho máy bay Libya cất cánh.
Theo giới phân tích, nếu mục tiêu tối hậu là lật đổ chế độ Kadhafi, đồng minh còn có thể tấn công các đoàn chiến xa và bộ binh Libya đang dàn trải trên con đường tái chinh phục miền đông. Trên con đường này, thời Đệ nhị thế chiến đã diễn ra những trận đánh đẫm máu giữa quân đoàn của thống tướng Đức Rommel và quân đoàn 8 của Anh Quốc.
Theo AFP, phe nổi dậy và dân chúng tại Bengazi, nơi đang bị bao vây, đã đón chào nghị quyết của Liên Hiệp Quốc như một luồng sinh khí.
Còn theo đài CNN, từ Tripoli, Seif Al-Islam, con trai của đại tá Kadhafi cho biết, đã thay đổi chiến thuật, bỏ ý định tấn công vào cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Chưa biết đây có phải là phản ứng lo ngại của lãnh đạo Kadhafi hay chỉ là một mưu kế đánh lạc hướng của nhân vật, mà bản lĩnh sinh tồn của ông ta đã được chứng minh nhiều lần trong suốt 42 năm cầm quyền.
Tú Anh
[Nguồn: REUTERS/Jessica Rinaldi]