Trong các bản đồ chủ quyền mà Việt kiều Trần Thắng vừa gửi tặng TP Đà Nẵng có bản đồ dầu khí do CHND Trung Hoa xuất bản năm 1975 và được Hoa Kỳ tái bản năm 1980 chỉ giới hạn cực nam Trung Cộng đến đảo Hải Nam mà không hề có “đường lưỡi bò” hay Hoàng Sa, Trường Sa.
|
Cuốn atlas “Trung Hoa Bưu chính dư đồ” do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1919 |
Trong đó, bản đồ tổng thể Trung Quốc… |
Kể cả phần tổng chỉ mục liệt kê hết tất cả các địa danh thuộc Trung Cộng lúc bấy giờ cũng không hề có tên Hoàng Sa và Trường Sa. |
Đặc biệt tờ bản đồ “Nhiên liệu và năng lượng” do Cục Mỏ (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) xuất bản năm 1975 và được Hoa Kỳ tái bản năm 1980 |
Chú thích rất rõ những vùng nào có than, vùng nào có dầu, vùng nào có gas, trữ lượng bao nhiêu, vùng nào có khả năng có than, có dầu và đang được tìm kiếm, vùng nào “chân không”; vùng nào có dầu ở sâu ngoài biển, vùng nào có dầu ở gần bờ, thậm chí ghi rõ cái nào là giếng có dầu, cái nào là giếng cũ, cái nào là giếng gas … |
Nhưng cũng chỉ giới hạn cực nam lãnh thổ Trung Cộng đến đảo Hải Nam |
Bên dưới hoàn toàn không có “đường lưỡi bò” như đòi hỏi phi lý của Trung Cộng hiện nay. |
Sự Thật Từ Bản Đồ Dầu Khí Trung Cộng
Sáng 8/1, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng với sự chứng kiến của đại diện Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, Sở Nội vụ Đà Nẵng, UBND huyện đảo Hoàng Sa, Hội Khoa học Lịch sử, Bảo tàng Đà Nẵng, Công an TP Đà Nẵng và đông đảo phóng viên các báo, đài đã chính thức tiếp nhận và mở niêm phong số bản đồ và atlas (tập bản đồ) do anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ gửi tặng và vừa đến TP Đà Nẵng hôm 3/1 (Infonet đã đưa tin).
Trong đó có cuốn atlas “Trung Hoa bưu chính dư đồ” do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản lần đầu năm 1919 ở Nam Kinh bằng 3 thứ tiếng Trung – Anh – Pháp. Cuốn atlas này gồm 1 Index map và 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc lúc bấy giờ. “Đây là cuốn atlas rất quý, vì theo lời giới thiệu in trong đó thì đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Hoa Dân Quốc chính thức xuất bản atlas và chỉ in với số lượng hạn chế” – TS Trần Đức Anh Sơn nói.
Đặc biệt, trong số 43 bản đồ mà anh Trần Thắng gửi về lần này có tờ bản đồ “55 dân tộc thiểu số Trung Quốc” do nước này xuất bản năm 1980 không hề đề cập gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Càng đáng chú ý hơn nữa là tờ bản đồ “FUELS AND POWER (nhiên liệu và năng lượng) do Cục Mỏ (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) xuất bản năm 1975 và được Hoa Kỳ tái bản năm 1980.
Qua thẩm định sơ bộ, TS Sử học Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng nhận định, đây là tờ bản đồ số 4 được đính kèm trong một ấn phẩm đặc biệt của Cục Mỏ (CHND Trung Hoa) về ngành công nghiệp năng lượng mới với cơ sở tài nguyên mạnh mẽ.
“Tờ bản đồ này do CHND Trung Hoa xuất bản và Mỹ tái bản. Vì vậy tờ bản đồ ghi tên tiếng Anh nhưng các địa danh bên trong đều bằng tiếng Trung Quốc. Ví dụ đảo Hải Nam, nếu Mỹ xuất bản sẽ đề là “Hai Nam Island” chứ không ghi là “Hai Nam Tao”, tức là ghi đúng theo cách phát âm của người Trung Quốc. Có nghĩa đây là tờ bản đồ được Mỹ tái bản theo nguyên gốc bản đồ do Trung Quốc xuất bản!” – TS Trần Đức Anh Sơn nói.
Tờ bản đồ này thống kê toàn bộ những nơi có tài nguyên năng lượng thuộc lãnh thổ Trung Cộng. Trong đó chú thích rõ những vùng nào có than, vùng nào có dầu, vùng nào có gas, trữ lượng bao nhiêu, vùng nào có khả năng có than, có dầu và đang được tìm kiếm, vùng nào “chân không”; vùng nào có dầu ở sâu ngoài biển, vùng nào có dầu ở gần bờ, thậm chí ghi rõ cái nào là giếng có dầu, cái nào là giếng cũ, cái nào là giếng gas …lẫn bản đồ tỉnh Quảng Đông đều giới hạn cực nam lãnh thổ Trung Cộng đến đảo Hải Nam.
TS Trần Đức Anh Sơn chỉ rõ: “Như vậy bản đồ này của Trung Cộng có hết tất cả các thứ, nhưng cực nam lãnh thổ của họ chỉ giới hạn tới đảo Hải Nam mà hoàn toàn không có thêm gì ở phía dưới nữa hết. Nói cách khác, một bản đồ chính thống của Trung Cộngvề tài nguyên năng lượng, đặc biệt là về dầu khí và than, của nước này cũng không hề có Hoàng Sa, Trường Sa như họ đòi hỏi chủ quyền bằng “đường lưỡi bò” hết sức phi lý hiện nay!”
Ngoài ra trong 43 bản đồ do anh Trần Thắng sưu tập và gửi về đợt này còn có nhiều bản đồ khác do Trung Cộng và các nước phương Tây xuất bản như “Bản đồ tổng thể Trung Cộng”, “Bản đồ tỉnh Quảng Đông” (bao gồm cả đảo Hải Nam), “Bản đồ Đế quốc Trung Hoa”, “Bản đồ Đông Ấn Độ”, “Bản đồ tổng quát mới về Đông Ấn Độ”, “Bản đồ Vương quốc Trung Hoa”… giai đoạn 1626 – 1980 đều vẽ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam hoặc là bản đồ Trung Cộng không có Hoàng Sa, Trường Sa.
UBND TP Đà Nẵng Đồng Ý Tổ Chức Triển Lãm
Tại buổi tiếp nhận, TS.Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng trân trọng gửi lời cảm ơn anh Trần Thắng đã dành thời gian, công sức, tâm huyết lẫn vật chất để sưu tập được những tấm bản đồ quý giá gửi về cho Việt Nam và TP Đà Nẵng. “Đây là lần thứ hai chúng tôi được tiếp nhận bản đồ do anh Trần Thắng tặng. Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo TP để khẩn trương tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm cho đông đảo người dân, các tổ chức, các nhà khoa học có thể tham quan, nghiên cứu, khai thác giá trị quý giá của bộ sưu tập này!” – ông Hồ Kỳ Minh nói.
Ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa cho biết thêm, ngày hôm qua 7/1, tập thể lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho UBND huyện Hoàng Sa cùng với Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử và Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình triển lãm để giới thiệu giá trị của tất cả các tư liệu liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa mà Đà Nẵng đã sưu tập hoặc tiếp nhận được.
Trong đó các các tư liệu do anh Trần Thắng và các kiều bào ta ở Mỹ gửi về và các nguồn tư liệu do UBND huyện Hoàng Sa, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng và Ban Tuyên giáo Đà Nẵng sưu tầm, tập hợp, hệ thống hoá và nghiên cứu đánh giá qua hai đề tài khoa học vừa được hoàn thành, nghiệm thu trong năm 2012.
Gồm đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa – TP Đà Nẵng” (do TS Trần Đức Anh Sơn làm chủ nhiệm) và “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1975)” (do Thạc sĩ Võ Công Trí, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng làm chủ nhiệm).
Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa Lê Phú Nguyện cho hay, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương tổ chức triển lãm bộ sưu tập do anh Trần Thắng gửi về cùng với các tư liệu mà Đà Nẵng đã sưu tập được về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
“Sau khi được UBND TP Đà Nẵng đồng ý về chủ trương, UBND huyện Hoàng Sa sẽ phối hợp với các ban, ngành hữu quan tiến hành các công tác chuẩn bị để có thể thực hiện chương trình triển lãm một cách sớm nhất. Thời gian và địa điểm cụ thể chúng tôi sẽ thống nhất và thông báo rộng rãi sau” – ông Lê Phú Nguyện cho hay.