Đối với các quốc gia đang trên đà phát triển, mục tiêu chính yếu là nâng cao phúc lợi cho người dân trong nước. Việc quân bình hay cân bằng phát triển là một vấn đề gai góc mà bất cứ lãnh đạo chân chính nào cũng phải lưu tâm. Bài viết dưới đây nhằm mục đích khai triển tình trạng phát triển của Chí Lợi và các mối quan tâm của chính quyền trong việc cân bằng quản lý môi trường và phát triển quốc gia để từ đó có một cái nhìn khái quát về tình trạng phát triển ở Việt Nam.
Xin đan cử dưới đây những chuyển đổi và thành quả về chính sách môi trường do chính phù dân sự ở Chí Lợi đã thực hiện được; từ đó, qua sự so sánh tỷ giảo, cố gắng truy tìm những nguyên nhân liên quan và một số suy nghĩ cho vấn đề Việt Nam. Những nguyên nhân đưa đến tình trạng môi trường suy thoái và sự hạn chế trong phát triển có thể tóm tắt vào các điểm chính sau đây: tiêu cực trong phát triển, ấu trĩỉ trong quản lý, và cực đoan trong việc điều hành đất nước.
Đất nước Chí Lợi
Chí Lợi là một quốc gia nằm về phía Nam bán cầu thuộc Nam Mỹ Châu, từ nam vĩ tuyến 20 đến 50. Chí Lợi nằm đối chéo hai bên bờ Thái Bình Dương so với Việt Nam, có bờ biển dài 2.897Km. Chí Lợi theo thể chế Cộng hòa, hiện tại do Tổng thống Ricardo Lagos lãnh đạo. Với diện tích 756.950Km2 trên tổng dân số là 16.601.707 (thống kê 2009), Chí Lợi có mật độ dân số là 21 người/Km2. Tỷ lệ người dân viết đọc biết viết: 95%; tỷ lệ sinh sản: 1.4 %. Lợi tức trung bình của người dân là US$ 14.400 năm 2009, có mức lạm phát trung bình hàng năm là 3,4% và tỷ số thất nghiệp khoảng 4%/năm (2009).
Main macroeconomic aggregates of GDP.
Sector | 2003-09 (%) | 2009 (%) |
Private consumption | 58.3 | 59.8 |
Government consumption | 11.6 | 13.4 |
Inventory variation | 0.4 | -2.4 |
Gross fixed capital formation | 20.8 | 21.4 |
(Exports) | (42.1) | (38.1) |
(Imports) | (33.1) | (30.4) |
Exports – Imports | 8.9 | 7.8 |
GDP | 100.00 | 100.00 |
(Quốc doanh chỉ chiếm 13,4%, tư doanh 59,8%)
Thủ đô Santiago chứa 5,4 triệu dân và Chí Lợi có khoảng trên mười thành phố có lượng dân số trung bình từ 200 đến 350 ngàn. Lực lượng lao động toàn quốc là 6,0 triệu (2009) gồm 13% là nông dân (tương đương với 5,1% dân số), 27% thuộc thành phần kỹ nghệ, và 60%, dịch vụ.
Cán cân xuất nhập cảng cho năm 2009 là: 159 tỷ Mỹ kim cho xuất cảng và 9,4 tỷ cho nhập cảng.
Về viễn thông, Chí Lợi có 4,5 triệu đường dây điện thoại (2002) và 6,5 triệu điện thoại di động cùng với 4 triệu máy truyền hình.
Mối tương quan giữa Phát triển và Môi trường
Tại Chí Lợi, chính quyền chủ trương theo mô hình thị trường kinh tế tự do, đặt trọng tâm vào việc khai thác và xuất cảng các nguồn tài nguyên quốc gia với châm ngôn là giảm thiểu giá thành sản xuất tối đa. Do đó, có hơn 90% sản phẩm xuất cảng gồm đa số là các nguyên liệu kim khí thô, gỗ, giấy và bột giấy, trái cây, tôm cá v.v… Gần đây chính phủ đề ra chủ trương cho các công nghệ là cố gắng thực hiện các quy trình “sạch” và “bầu bạn” với môi trường (clean and environment-friendly process) nghĩa là cố gắng hạn chế tối đa tác hại mội trường và sử dụng dụng cụ, máy móc sản xuất có thể thay thế được khi có vấn đề trong sản xuất. Thêm nữa, các nhà sản xuất phải trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý môi trường trong địa phận hoạt động của mình và phải thiết lập bộ phận xử lý các chất phế thải rắn, lỏng, và khí nếu có.
Tuy nhiên, sau hơn 17 năm, chế độ độc tài (chấm dứt vào 1990) đã để lại cho các chính phủ dân sự sau đó một tình trạng kinh tế, phát triển, và môi trường không mấy sáng sủa. Và đây là một gia sản đang đi dần đến kiệt quệ, đã và đang được cứu nguy cùng với sự trợ giúp của các cơ quan quốc tế và các quốc gia hậu kỹ nghệ.
Để có một cái nhìn đối chiếu về cung cách quản lý đất nước của lãnh đạo Việt Nam, xin đan cử ra đây vài hàng về chế độ Pinochet của Chí Lợi. Đây là một chế độ độc tài quân phiệt hoàn toàn bất lực về việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hoặc bảo tồn hệ sinh thái cho quốc gia. Họ đã quan niệm quyền lực có thể giải quyết được tất cả vấn đề của đất nước, có thể đem lại trật tự xã hội (theo quan điểm của họ), và người dân không thể cưởng lại cường quyền được. Từ đó, khái niệm con người (độc tài) có thể làm chủ thiên nhiên và có thể “cải tạo” thiên nhiên. Kết luận là, Pinochet đã để lại cho chế độ mới một di sản không sáng sủa: một xã hội băng hoại về đạo đức, một đất nước cạn kiệt tài nguyên, và một môi trường ô nhiễm trầm trọng. Chính phủ dân sự của Tổng thống Lagos đã trải qua những giây phút thật khó khăn để làm lại từ đầu.
Theo thống kê của ngân hàng trung ương Chí Lợi năm 1995, tổng số rừng thiên nhiên của quốc gia nầy chỉ có thề tồn tại trong vòng 20 hay 30 năm nữa nếu tiếp tục khai thác với vận tốc hiện tại. Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng Chí Lợi đã “khai thác quá độ” nguồn tài nguyên cá tôm của hải phận quốc gia.
Ngoài hai vấn nạn kể trên, quốc gia nầy đã tận dụng đất đai để canh tác nông phẩm và cây ăn trái, sử dụng bừa bãi phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ dại, và diệt nấm. Bộ Nông nghiệp năm 1999 đã báo cáo rằng, 45.5% đất canh tác trong nước đã bị xói mòn, và 62% đang đi vào tiến trình sa mạc hóa nghĩa là sẽ không còn khả năng trồng trọt được nữa. Bộ Y tế cũng đã công bố nhiều khuyến cáo rằng việc khai thác các hầm mỏ đã tạo ra một tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí trầm trọng ảnh hưởng lên sức khỏe người dân trong vùng bị khai thác.
Tỷ lệ người dân bị mắt kéo mây (cataract), hư võng mạc (cornea), một số bịnh ung thư, và các bịnh liên quan đến khí quản tăng dần theo thời gian trong những vùng trên, và chiếm tỷ lệ quá cao so với người dân sống trong các vùng không bị ô nhiễm.
Trong nhiều vùng nông nghiệp, lượng hóa chất độc hại hiện diện trong đất và nước cao gấp trăm lần hơn hàm lượng cho phép. Thêm nữa, các phế thải lỏng và rắn hòa tan được chuyển thẳng vào sông ngòi và biển cả, làm hủy diệt và tiệt chủng hàng trăm loài; thậm chí ở nhiều nơi, các bãi biển không còn sử dụng cho kỹ nghệ du lịch được nữa. Santiago đã từng được xem là thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 1999.
Về địa thế, quả thật Chí Lợi là một quốc gia khó quản lý về mặt môi trường:
- 1/3 của miền Bắc cấu tạo do núi và sa mạc với nguồn tài nguyên về kim loại như đồng lớn nhất thế giới, và các kim loại khác.
- Vùng phía Nam được bao phủ nhiều ao hồ len lỏi trong các vùng núi cao do đó vấn đề thải hồi các phế thải lỏng luôn luôn là một áp lực nan giải cho chính quyền trung ương và địa phương. Mặc dù chiếm một diện tích rộng so với dân số nhưng trên 45% đất có thể canh tác được đã bị xói mòn.
Với một di sản không mấy sáng sủa, Tổng thống Logos và chính phủ hiện tại đã từng bước cải thiện môi trường và kế hoạch hóa việc sản xuất cho xuất cảng và lần lần cân bằng được bài toán quản lý môi trường trong các kế hoạch dứt khoát về đổi mới môi trường. Chỉ trong một thời gian ngắn ở những năm gần đây, tình trạng môi trường ở Chí lợi đã lần lần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Đổi mới quản lý môi trường
Sau khi chấm dứt chế độ độc tài Pinochet năm 1990, chế độ dân chủ đầu tiên do Tổng thống Patricio Alywin đã đắc cử qua một cuộc phổ thông đầu phiếu. Từ đó việc làm đầu tiên của chính phủ là đặt trọng tâm vào việc đổi mới quản lý môi trường. Trong suốt 17 năm, chế độ độc tài Pinochet đã để lại một hiện trạng không mấy sáng sủa vừa kể trên. Do đó việc làm cấp bách của chế độ mới là tổ chức một hệ thống quản lý môi trường tương đối hữu hiệu hơn và được các chính phủ tiếp theo liên tục nâng cao chất lượng quản lý cho đến ngày nay.
Trước hết, Comicion Nacional del Medio Ambiente (CONAMA) hay Hội đồng Quốc gia về Môi trường đã được thành lập ngay sau chính phủ dân sự lên nắm quyền. Lần lượt các cơ quan tư vấn tư nhân được mời đến tham khảo để thẩm định hiện trạng môi trường cùng với CONAMA hoạch định kế hoạch để quy định các điều luật về môi trường và định mức giới hạn các phế thải độc hại hấp thụ trong đất, nước, con người và gia súc.
Từ năm 1996 trở đi, CONAMA phải chịu nhiều sức ép của công luận để chuyển đổi các quy trình sản xuất công nghệ quốc doanh thành ra những quy trình sạch để bảo vệ môi trường. Và tòa án vốn dĩ độc lập là nơi tranh tụng sau cùng giữa chính phủ và các nhà sản xuất để điều giải các bất đồng quan điểm về môi sinh giữa hai phía. Do đó vấn đề ô nhiễm môi trường được cải thiện rất nhiều so với những năm 90. Thêm nữa, các công ty tư vấn môi trường được trực tiếp tham dự vào CONAMA để hòa giải và đề nghị những cung cách xử lý môi trường và tăng cường mối lưu tâm của dân chúng trên các vấn nạn môi trường trầm trọng.
Những việc làm trên của CONAMA đã làm tăng thêm niềm tin vào chính quyền, khuyến khích sự tham gia đông đảo của quần chúng và do đó, việc xử lý môi trường ở nhiều nơi được giải quyết kịp thời. CONAMA đã đề ra những mục tiêu sau đây:
- Phòng vệ những tai nạn về môi trường ở các công nghệ.
- Phục hoạt môi trường ở những nơi đã xảy ra ô nhiễm.
- Và quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên thiên nhiên như: rừng, ao hồ, sông ngòi, đất đai.
Năm 1997, để thực hiện mục tiêu đầu tiên, chính phủ bắt buộc tất cả các công nghệ sản xuất hay chế biến phải thực thi việc nghiên cứu tác động môi trường của từng quy trình trước khi cấp giấy phép hoạt động. Do đó, mức độ ô nhiễm, lượng phế thải của từng cơ sở được ước tính rõ ràng và mỗi cơ sở phải đệ nạp phương pháp hay quy trình xử lý các phế thải trên. Nghiên cứu tác động môi trường từ đó đã trở thành luật định căn bản áp dụng cho tất cả các công nghệ dù là tư nhân hay quốc doanh, và không có bất cứ một ngoại lệ nào ngay cả cho các công ty ngoại quốc đầu tư vào Chí lợi.
Một thí dụ điển hình là công ty Bellingham, một công ty hóa chất Hoa Kỳ đầu tư vào Chí Lợi đã bị CONAMA kiện vì đã làm ô nhiễm môi trường. Ban Giám đốc công ty đã thành công trong việc kiện lên Tối cao Pháp viện viện cớ là CONAMA chưa định mức được tác động môi trường của công ty. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tuần lễ, CONAMA thiết lập được các định mức trên và buộc được Cty Belligham không được vượt quá giới hạn đã được quy định. Nơi đây thể hiện một tinh thần dân chủ cao độ và sự độc lập giữa chính quyền (hành pháp) và hệ thống tư pháp Chí Lợi.
Về mục tiêu thứ hai, chính phủ đã thực hiện những kế hoạch đặc biệt và tùy theo mức độ ô nhiễm để sắp xếp thứ tự ưu tiên của những nơi cần xử lý như ô nhiễm không khí ở Santiago, xử lý phế thải độc hại ở các hầm mỏ khai thác, những vùng bị bão hòa (saturated), và các nguồn nước ô nhiễm.
Đối với mục tiêu thứ ba, chính phủ đã đệ nạp lên quốc hội dự thảo luật về quản lý rừng nguyên sinh từ hơn sáu năm, và các luật tiếp theo cũng đang được CONAMA soạn thảo.
Tuy nhiên, vấn đề nhân sự chuyên môn là một trong những cản ngại lớn của Chí Lợi trong việc quản lý môi trường. Hiện tại, cũng còn nhiều trường hợp vi phạm môi trường xảy ra do sự khiếm khuyết nhân sự. Việc kiểm soát và quản lý không được chặt chẽ như mục tiêu đã đề ra. Thêm nữa, còn có quá nhiều định mức chưa được cứu xét và quy thành luật. Do đó, có nhiều kẽ hở về phía chính quyền và chính các kẽ hở đó đã vô tình tiếp tay cho các công ty, nhất là các công ty ngoại quốc tiếp tục vi phạm vì chưa có quy định rõ ràng.
Ngoài yếu tố nhân sự, yếu tố tài chánh cũng chính là một trở ngại then chốt thứ hai, và trở ngại nầy đã gây khó khăn cho việc quản lý rất nhiều, và cũng là lý do chánh trong việc trì trệ cứu xét các định mức độc hại.
Yếu tố thứ ba là thiếu tính nhất quán trong quản lý. Vì khả năng chuyên môn của nhân sự quản lý không được huấn luyện đồng nhứt, vì chính phủ không đủ điều kiện để cập nhật hóa các thông tin về luật lệ mới để thích ứng với tình hình, cho nên việc thi hành luật ở nhiều nơi đôi khi mâu thuẫn với nhau khiến cho CONAMA phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh và dàn xếp ở tòa án thay vì tập trung vào việc soạn thảo các quy định còn thiếu sót.
Tuy luật môi trường đã được quốc hội thông qua từ năm 1994 và có thêm nhiều bổ túc tiếp sau đó, nhưng sự hiểu biết của dân chúng về vấn đề nầy vẫn còn mơ hồ do sự thiếu phổ biến và dân trí của người dân cũng còn hạn chế.
Tổ chức quản lý môi trường
Tại Chí Lợi, cơ quan quyền lực cao nhất về quản lý môi trường kể từ năm 1994 là CONAMA. Cơ quan nầy báo cáo trực tiếp những vấn đề liên quan đến môi trường lên Tổng thống qua trung gian của Bộ Tổng thư ký. Ủy ban quản lý môi trường được triệu tập do ông Tổng thư ký. Tổng thống chủ tọa mỗi khi có vấn đề môi trường có tính cách quốc gia cần được tham khảo. Ủy ban gồm có các thành viên của CONAMA và một số Bộ trưởng liên hệ. Trong tương lai, các tham vấn độc lập và các nhóm vận động môi trường, tổ chức phi chính phủ NGO, cùng các công ty có tầm vóc lớn có thể tham gia vào ủy ban nầy.
Nhiệm vụ chính của CONAMA được ghi rõ trong luật môi trường là:
- Đề nghị và Thực thi các chính sách môi trường của chính phủ cùng phối hợp với các ban ngành liên hệ để bảo đảm tính hữu hiệu và tính đồng nhứt trong quản lý.
- Nhiệm vụ thứ hai cũng không kém phần quan trọng là hợp tác với các công ty kỹ nghệ và các công ty tư vấn môi trường để hoàn chỉnh các chính sách ngày càng thích ứng với thực tế hơn. CONAMA thiết lập hệ thống thẩm định, phân tích tác động môi trường và qua đó đã theo dõi và kiểm soát việc chấp hành các quy định môi trường của từng công ty.
Tổng số nhân viên điều hành CONAMA ở trung ương là 240 người và hoạt động với nhân sách 14 triệu Mỹ kim/năm (1999). Cơ quan nầy đặt văn phòng ở khắp 13 vùng (tương đương hệ thống tỉnh ở Việt Nam, cung cấp mọi dịch vụ tiếp ứng kỹ thuật cho Hội đồng môi trường của từng vùng có tên gọi là COREMA (R: Regional). Mỗi COREMA do ông Trưởng vùng (Tỉnh trưởng) làm chủ tịch và thành viên là các đại diện của từ 12 đến 15 bộ liên hệ trong vùng. Hội đồng tư vấn độc lập cũng được triệu tập để tham khảo ý kiến.
Luật Môi trường
Điều căn bản trong hiến pháp 1980 là tất cả mọi công dân đều có quyền được sống trong một môi trường sạch, không ô nhiễm. Hiến pháp cũng quy định rõ ràng là chính phủ phải bảo vệ quyền căn bản trên. Đây là một luật ưu tiên so với tất cả các luật khác trong hiến pháp mỗi khi có tranh tụng về giới hạn giữa các luật.
Một trong những thành quả lớn nhất của luật môi trường là hệ thống thẩm định, phân tích môi trường (Điều 2, luật môi trường được Tổng thống ban hành tháng 4/1997). Qua hệ thống nầy CONAMA đã theo dõi và kiểm soát tất cả các công ty từ lúc mới xây dựng cho đến khi đi vào hoạt động. Mọi vi phạm đa số đều được khám phá kịp thời và thực thi những biện pháp đáp ứng thích đáng ngay sau đó. Điều luật nầy được áp dụng cho các đập thủy điện, hệ thống dẫn thủy (aqueduct), hệ thống điện cao thế, các nhà máy phát điện dùng than, gas, hay nguyên tử năng. Phi cảng, bến xe buýt, đường xe lửa, đường sá, hải cảng, bến tàu, cùng tất cả các vùng phát triển trong thành phố…điều được luật nầy chiếu cố đến. Các dự án có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe người dân, làm nguy hại nguồn tài nguyên thiên nhiên, bắt buộc phải di dân, hay làm tổn thương môi trường…. đều phải nộp bản báo cáo nghiên cứu tác động môi trường trước khi được chính quyền duyệt xét.
Thủ tục thẩm định tác động môi trường
Khi nhận được báo cáo trên, COREMA cho tiến hành thủ tục triệu tập Ủy ban vùng để cứu xét dự án. Tùy theo tầm quan trọng của dự án, đại diện các bộ Y tế, Hầm mỏ, hay Du lịch…cùng các cơ quan hành pháp trung ương cũng được triệu tập để cùng thẩm định. Trong trường hợp có bất đồng ý kiến trong Ủy ban cứu xét, COREMA có thể mời gọi các tư vấn độc lập để tham khảo ý kiến thêm. Và COREMA có 120 ngày để quyết định chấp thuận hay từ chối dự án, kể từ ngày dự án được đệ nạp. Và luật nầy cũng quy định rằng, nếu COREMA không lấy quyết định trong thời hạn kể trên, dự án sẽ được tiến hành mà không qua thẩm định của COREMA nữa.Thêm nữa, cơ quan nầy còn có thêm quyền hạn là có thể chấp thuận toàn thể dự án, chấp thuận với điều kiện thay đổi vài điểm, hay từ chối hẳn dự án. Nhưng một khi được chấp thuận, người điều hành của dự án có toàn quyền thực thi dự án, được cấp giấy phép, và giấy phép nầy có tính cách bất khả hoàn, nghĩa là không còn có cơ quan chính phủ nào có thể thu hồi giấy phép trở lại được. Điều nầy là một điểm mạnh trong thủ tục điều hành và phối hợp giữa hành pháp và CONAMA, COREMA để tránh mọi lạm dụng có thể xảy ra và đưa đến thảm nạn tham nhũng.
Tuy nhiên, cho đến nay luật lệ về quản lý nước và rừng vẫn còn nhiều thiếu sót và cần phải bổ túc thêm để tránh bớt lạm dụng vì còn nhiều quy định chưa được minh bạch.
Thủ tục khiếu nại
Từ khi COREMA lấy quyết định từ chối, người chủ công trình của dự án có quyền khiếu nại lên Giám đốc CONAMA trong vòng 30 ngày. Từ đó, Hội đồng bộ trưởng có 60 ngày để giải quyết các khiếu tố; và nếu cần tòa án có thể giải quyết trong vòng 30 ngày sau đó. Trong trường hợp nầy, các tổ chức dân sự và tư vấn độc lập cũng có quyền tham gia vào việc khiếu nại trên. Giám đốc điều hành CONAMA sẽ phải giải quyết và lấy quyết định sau cùng.
Tuy nhiên, một trong nhiều yếu điểm của hệ thống thẩm định môi trường là COREMA vẫn là một bộ phận chính trị của chính quyền địa phương, do đó có nhiều quyết định đôi khi đi ngược lại với những khuyến cáo kỹ thuật do các công ty tư vấn đề nghị. Để điều chỉnh yếu điểm nầy, “công dân tư vấn” ở các vùng có thể khiếu nại và đem COREMA ra tòa về những quyết định thiếu căn bản khoa học hay không hợp lý.
Sức mạnh của nhân dân Chí Lợi
Một trong những lý do làm tăng thêm uy tín của ngành quản lý môi trường tại Chí Lợi là sự tham gia của dân chúng vào những buổi điều trần của các dự án có tầm vóc quốc gia.. Đây là một điểm son của chế độ, thể hiện một tinh thần dân chủ rất cao, lãnh đạo Chí Lợi đã can đảm dành cho người dân có tiếng nói hầu hạn chế bớt những lạm quyền nếu có của COREMA, hay CONAMA. Sự tham dự nầy cũng còn có khả năng làm giảm thiểu hay chấm dứt những tệ nạn hối lộ và cửa quyền qua các thủ tục phê chuẩn giấy phép cho các dự án.
Từ tháng 7/1997, chính phủ đã thiết lập Bộ Giáo dục Môi trường và Tham vấn công dân (Department of Citizen Participation & Environmental Education) để tiếp tay với chính quyền trong việc soạn thảo và thi hành các chính sách về môi trường. Hiến pháp đã quy định rõ quyền hạn của công dân trong việc tham gia trực tiếp quản lý môi trường ở bốn địa hạt chính yếu như:
- Định chuẩn.
- Chất lượng môi trường.
- Kế hoạch giải nhiễm (decontamination plan).
- Dự kiến và cập nhật hóa các luật lệ mới.
Người dân còn được tham vấn qua hệ thống thẩm định phân tích tác động môi trường và được thông báo chính thức qua công báo và các báo chí địa phương hay toàn quốc. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày công bố, mỗi công dân có quyền trình bày ý kiến về các dự án gửi lên cho CONAMA duyệt xét, và cơ quan nầy phải ghi nhận ý kiến trên trong tiến trình phê chuẩn dự án theo tinh thần của hiến pháp.
Trong trường hợp ý kiến của người dân không được lưu ý, họ có quyền khiếu tố lên cấp cao hơn trong vòng 15 ngày. Cơ quan sau cùng nầy phải có câu trả lời trước 30 ngày sau đó, và mọi khiếu tố cũng phải được ghi trên công báo.
Do được hiến pháp bảo vệ, người dân Chí Lợi đã mạnh dạn tham gia cụ thể vào công cuộc phát triển quốc gia, do đó đã tạo điều kiện cho đất nước nầy có cơ hội tiến dần theo chiều thuận của đà dân chủ hóa. Mọi người dân được khuyến khích góp ý vào các dự án quốc gia đặc biệt liên quan đến bốn địa hạt mấu chốt kể trên. Không khí dân chủ lần lần làm tăng thêm uy tín của chính quyền và đây cũng là điều kiện cần và đủ để xây dựng và phát triển một đất nước trong giai đoạn toàn cầu hóa.
Những mối ưu tư hàng đầu của Chí lợi
Vì nhận thức được nguy cơ của các thảm nạn môi trường đã, đang và sẽ xảy ra song hành với việc phát triển quốc gia, chính phủ Chí Lợi qua CONAMA đã đưa vào kế hoạch giải quyết đồng loạt những vấn nạn môi trường xảy ra sau đây:
Không khí: Ô nhiễm không khí là một vấn nạn môi trường nguy hiểm nhất là ở các thành phố lớn như Santiago, và các vùng khai thác quặng mỏ. Các biện pháp làm giảm mức ô nhiễm nitrogen dioxide NO2, sulfide dioxide SO2, carbon monoxide CO, các hạt lơ lửng trong không khí (particles in suspension), hợp chất hữu cơ nhẹ (VOCs)….là những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ.
Thay đổi thời tiết: CONAMA phối hợp cùng với các đại học liên hệ, các viện nghiên cứu, Bộ năng lượng để thiết lập bộ luật về bảo vệ và giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu trong phạm vi của quốc gia nầy theo tinh thần Hội nghị thượng đỉnh Kyoto năm 1997.
Nước: Ô nhiễm nguồn nước là một hiểm họa quốc gia. Do sự phân phối không hài hòa của thiên nhiên, miền Nam Chí Lợi có lượng nước dư thừa; trong khi miền Bắc thì khô cằn (địa thế tương tự như miền Trung Việt Nam). Thời bấy giờ (1997), hầu như tất cả lượng nước thải công nghiệp (95%) đều được chảy thẳng vào sông, hồ, hoặc biển gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước sinh hoạt cho cả nước, đặc biệt là ô nhiễm arsenic, sắt và đồng. Một sắc lệnh tối cao về quản lý chất phế thải lỏng vào nguồn nước vừa được chính phủ phê chuẩn, trong đó tuyệt đối cấm thải hồi những chất phế thải lỏng có chứa: phóng xạ, chất ăn mòn (corrosive), chất độc, vi khuẩn, chất nổ, chất hữu cơ nhẹ… mà không qua giai đoạn xử lý. Nước thải sinh hoạt từ các gia đình cũng đang được nghiên cứu xử lý trong năm 2001 trước khi thải hồi vào sông hay biển.
Đất canh tác: Giống như trường hợp của các quốc gia đang phát triển, ba vấn nạn căn bản của đất đai dùng để canh tác ở Chí Lợi nhằm mục đích tăng nguồn sản xuất nông nghiệp là: sự xói mòn (erosion), sự sa mạc hóa (desertification), và sự ô nhiễm. Hai phần ba lãnh thổ Chí Lợi đang bị xói mòn, 75% đất trồng trọt đang trên đà thoái hóa và có khả năng bị sa mạc hóa nếu không có biện pháp cứu chữa thích nghi . (Tình trạng trên cũng đang xảy ra tương tự như ở Việt Nam. Cộng thêm tệ trạng nhiễm mặn do sự xâm nhập nước biển vào, và cũng do việc sử dụng phân bón ào ạt đã làm tăng lượng muối trong đất. Do đó tiến trình sa mạc hóa cùng sự xói mòn có khả năng tăng nhanh hơn so với Chí Lợi).
Trước những nguy cơ trên, chính phủ bắt đầu theo dõi, kiểm soát các kế hoạch phát triển nông nghiệp cũng như hạn chế sản xuất một số nông phẩm xuất cảng dư thừa để bảo vệ đất và giữ cho đất có đủ thời gian để tái tạo trở lại giống như tình trạng nguyên thủy.
Quản lý chất phế thải rắn: Chất phế thải từ các hộ gia cư vẫn còn được đổ vào những bãi rác mở (open dump site). Tình trạng chất phế thải kỹ nghệ cũng chẳng khá hơn, tuyệt đại đa số công nghệ hiện có đều không có hệ thống xử lý và phế thải vẫn phải đi vào các bãi rác nếu là chất rắn, và vào sông, hồ, biển nếu là chất lỏng.
Chính phủ đã đưa ra một chương trình hành động nhắm vào từng mục tiêu riêng biệt để giải quyết tình trạng trên:
- Thiết lập cơ quan giáo dục công cộng về môi trường có mục đích giải thích cho người dân hiểu rõ thêm về các vấn nạn môi trường.
- Khai triển thêm các luật lệ chi tiết để quản lý từng loại rác.
- Thành lập những bãi rác theo tiêu chuẩn quốc tế nghĩa là có vách ngăn nước rỉ để bảo vệ nguồn nước ngầm và hệ thống xử lý nước rỉ để bảo vệ sức khỏe người dân.
- Khuyến khích và hỗ trợ sự tham gia của các nhà sản xuất công nghiệp vào việc giảm thiểu phế thải (waste minimization) kỹ nghệ.
Tài nguyên thiên nhiên
Nhận thức được nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là một nguồn vô tận, đó là một nguồn dự trữ thiết yếu của quốc gia, và là một vấn đề sống còn của đất nước, Chí Lợi đã thấy và thấy rất rõ đây chính là nguồn nội lực cần phải được bảo vệ. Do đó việc khai thác các hầm mỏ và nguồn tài nguyên rừng được lưu tâm kỹ lưỡng.
Mỏ: Đây là một nguồn tài nguyên lớn chiếm 25% sản lượng thế giới về đồng (Cu), 40% về lithium (Li), 21% về selemium (Se), và 40% về rhenium (Rh). Quốc gia nầy đứng thứ nhì thế giới về molybdenum (Mo); ngoài ra còn có nhiều mỏ có trữ lượng đáng kể như: sắt, manganese, vàng, bạc, nitrate và iodine. Tổng lượng xuất cảng của Chí Lợi chiếm 50% trong doanh số về quặng mỏ. Để đổi lại các thành tựu trên, Chí lợi phải trả một giá đắt về tình trạng ô nhiễm ở những vùng bị khai thác. Do đó kể từ 1992, luật về mỏ số 185 đã quy định rõ ràng định mức khai thác và biện pháp để làm giảm thiểu ô nhiễm bắt đầu đi vào áp dụng. Tình trạng ô nhiễm ở những vùng bị khai thác đã được cải thiện rất nhiều sau đó.
Rừng: Gỗ là nguồn tài nguyên thứ hai của Chí Lợi. 90% gỗ xuất cảng gồm gỗ thông và khuynh diệp. Do thiếu kiểm soát và không có kế hoạch khai thác từ đầu, nạn phá rừng thiên nhiên đã đưa Chí Lợi đến nguy cơ cạn kiệt về rừng. Nhưng sau đó chính phủ đã kịp thời đưa ra hai biện pháp thích nghi để chận đứng nạn khai thác rừng bừa bãi như:
- Cấm và hạn chế xuất cảng một số gỗ tạp.
- Quy định kế hoạch trồng rừng để tái tạo rừng nguyên thủy. Hành động nầy của chính phủ tuy có làm giảm bớt một số ngoại tệ nặng do xuất cảng, nhưng trái lại nó đã mang lại cân bằng hệ sinh thái của quốc gia, một điều cần thiết để bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp: Trong khoảng 20 năm trở lại, sản xuất nông nghiệp của Chí Lợi tăng vọt mạnh với khoảng 5 triệu mẫu trồng cây ăn trái. Nhiều trái cây hầu hết được xuất cảng qua Bắc Mỹ và Âu Châu.
Vì phải tập trung vào việc xuất cảng nông phẩm tối đa, Chí Lợi hiện nay phải trực diện với tình trạng đất xói mòn, bị sa mạc hóa, và ô nhiễm môi trường do phân bón tồn đọng trong đất và sự hiện diện của đủ loại thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ dại. Hiện tại có 45% đất bị xói mòn, và lượng thuốc trừ sâu rầy khổng lô được nhập cảng trong năm 1998 là 50 ngàn tấn gồm hơn 900 loại khác nhau. Hầu hết các loại thuốc bị cấm sử dụng như DDT, Aldrin, Endrin, v.v…đều đang được sử dụng rộng rãi ở Chí lợi (tương tự như ở Việt Nam). Do đó, từ năm 1998, Ủy ban thẩm định mức độc hại của thuốc bảo vệ thực vật được thành lập gồm đại diện bộ y tế, một nhà độc tố học của CONAMA, và nhiều chuyên gia nông nghiệp để thẩm định mức tối thiểu của từng hóa chất có thể ảnh hưởng lên con người và thú vật. Bộ nông nghiệp được chỉ định kiểm soát việc phân phối các loại thuốc nầy.
Trường hợp Việt Nam
Từ giữa thập niên 80, chính sách kinh tế “Mở cửa” và “Đổi mới” tiếp ngay sau đó đã khai mào cho một chu kỳ tăng trưởng cho toàn quốc, đặc biệt ở thành phố Sài Gòn và các vùng lân cận, trong đó hầu hết các khu kỹ nghệ đều tập trung vào và chiếm hơn 35% tổng sản lượng quốc gia. Với tiềm lực kinh tế và lao động như trên, Liên Hiệp Quốc ước tính cần phải có thêm 10 ngàn cơ sở công kỹ nghệ mới hàng năm để có đủ khả năng thu dụng lượng lao động mới bước vào xã hội ước tính là một triệu mỗi năm.
Từ hiện trạng xã hội nầy, lãnh đạo Việt Nam hiện đang vấp phải những lỗi lầm tương tự như những lầm lỗi của nhà độc tài Pinochet trong việc quản lý đất nước. Độc tài quân phiệt hay độc tài chuyên chính đều đưa đất nước đến cùng một hệ quả: sự diệt vong.
Họ không nghĩ rằng những khẩu hiệu “thay trời làm mưa”, “biến sỏi đá thành cơm”… không thể chuyển đổi và vực dậy một nền kinh tế èo uột vì quản lý quá tồi tệ. Họ cũng vì chủ quan mà thách đố cả thiên nhiên. Kinh Nhiêu Lộc đã được tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn không tống khứ được khối lượng nước dơ bẩn ra sông Sài gòn.
Vì sao? Vì sông Sài Gòn chịu hấp lực của hiện tượng bán nhật triều nghĩa là trong một ngày có hai thủy triều lên và xuống. Nước ròng chưa kịp rút hết ra sông thì nước rong (nước lớn) đã tràn vào do đó nước bẩn phải bị ứ đọng lại trong kinh. Làm sao họ có thể thẩm thấu và giải đáp được câu hỏi vì sao mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc đã rút xuống (9/2002), trong lúc đó khu Tứ giác Long Xuyên lại bị ngập? Lý do giản dị là vùng nầy đã bị đê bao giữ nước lại thay vì để cho nước lưu thông ra biển khi mực nước sông Cửu Long bắt đầu dâng cao.
Nhìn chung, nếu so với Chí Lợi về mặt địa dư và khí hậu, Việt Nam có nhiều ưu đãi của thiên nhiên hơn vì thời tiết ít khắc nghiệt và vũ lượng của mưa thích hợp cho nông nghiệp. Nhưng ngược lại, Việt Nam phải cung cấp thực phẩm cho quá đông cư dân so với diện tích đất khai thác. Với ước tính khoảng 7 triệu mẫu đất canh tác cho cả nước, và 70% dân số là nông dân so với 30 triệu mẫu và 5,3% nông dân của Chí Lợi, số lượng đất canh tác sẽ ngày càng giảm thiểu so với mức gia tăng dân số trong tương lai. Nếu tính lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp, Việt Nam đã sử dụng một lượng thuốc cao hơn bốn lần lượng tiêu thụ ở Chí Lợi. Theo báo cáo của Bộ Thương Mại năm 2001, Việt Nam nhập cảng 34 ngàn tấn thuốc đủ loại, khoảng 12 ngàn tấn thuốc nhập lậu bị thu hồi, 130.000 tấn sản xuất trong nội địa và không kể một số lượng lớn thuốc lậu ước tính hơn 1,5 triệu tấn đã thoát ra khỏi hàng rào hải quan.
Về rừng, năm 1945, cả nước có 14 triệu mẫu rừng chiếm một diện tích là 43,8%. Nhưng hiện nay chỉ còn khoảng độ 17% diện tích rừng tự nhiên. Cũng theo ước tính, Việt Nam mất khoảng 200.000 mẫu rừng hàng năm, trong khi đó chỉ trồng lại khoảng 20.000 mẫu. Gần đây nhất, hiện tượng phá các rừng tràm, đước để nuôi tôm làm cho diện tích rừng ngày càng suy thoái thêm. Với tình trạng trên, ta có thể phỏng đoán rằng, mức độ xói mòn, sự sa mạc hóa, sự hóa mặn, tệ trạng ô nhiễm…của đất sẽ xảy ra với tốc độ nhanh hơn so với tình trạng ở Chí Lợi.
Mặc dù phải đối diện với nhiều nghịch lý và mâu thuẫn trong bài toán phát triển quốc gia và bảo vệ môi trường, mặc dù cần phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong một quốc gia đang phát triển, lãnh đạo Chí Lợi đã thấy rất rõ là cần phải cân bằng sản xuất, chấp nhận hy sinh một số thu nhập ngoại tệ nặng do xuất cảng để đổi lấy một tình trạng cân bằng hợp lý cho đất nước. Họ biết phải hy sinh để cứu lấy tài nguyên thiên nhiên, nguồn tiềm năng của quốc gia. Họ biết phải bảo vệ môi trường cho các thế hệ về sau mặc dù phải tiến chậm lại vài bước.
Các quyết định và cung cách giải quyết sáng suốt những vấn đề môi trường trên đã đem lại tin tưởng cho người dân, do đó Chí Lợi có được sự ổn định chính trị và xã hội trong nước. Từ sự ổn định trên, đầu tư ngoại quốc sẽ an tâm hơn để giúp đất nước nầy đẩy mạnh phát triển, mang nhiều quy trình công nghệ tân tiến và “sạch” có khả năng làm tăng nhanh phát triển đồng thời giảm thiểu hay ngăn ngừa được ô nhiễm. Làm được như thế, Chí Lợi cùng một lúc giải quyết được hai vấn đề cho quốc dân: làm tăng phúc lợi cho người dân và bảo vệ được môi trường cho các thế hệ về sau, đi đúng theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc đề ra cho sự phát triển bền vững của các quốc gia đang phát triển là: 1- Tạo dựng tăng trưởng kinh tế; 2- Cân bằng môi sinh; 3- và Tiến bộ xã hội.
Tính tiêu cực trong phát triển
Đối với Việt Nam, nếu nhìn về các con số thống kê, không ai có thể phủ nhận mức phát triển tăng vọt hàng năm. Về mặt xuất cảng trên thế giới, Việt Nam được xếp hàng thứ nhì về gạo, thứ ba về cà phê, cao su, tiêu, trà, điều. Các mặt hàng nầy đã chiếm vị trí quan trọng trong cán cân xuất cảng chỉ sau dầu hỏa. Ngược lại, Việt Nam phải trực diện với muôn vàn vấn nạn ô nhiễm môi trường như đã xảy ra cho Chí Lợi. Nhưng để đổi lại, người dân chẳng những không được hưởng những phúc lợi do xuất cảng đem lại mà còn phải chịu đựng thêm nhiều áp lực kinh tế trong đời sống hàng ngày và sức khỏe ngày càng bị đe dọa nhất là đồng bào miền Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sản xuất càng tăng, nhưng ngược lại, mức sống người dân ngày càng thoái hóa! Theo sách Le Dossier Noir du Communisme do Michel Tauriac xuất bản tại Pháp (4/2001) thì hiện có 80% dân chúng Việt Nam sống với ít hơn 1 Mỹ kim/ngày và 12 triệu người vẫn thường xuyên bị đói. Có 69,5% trẻ em đang trong tình trạng thiếu dinh dưỡng và nghịch lý hơn nữa là có từ 500 đến 1.000 đảng viên là triệu phú đô la! Và các số liệu trên có chiều hướng tăng thêm trong hiện tại.
Các nghịch lý trên đưa đến những mặt tiêu cực sau đây:
- Nhiều dịch vụ phát triển quá nhanh chóng và không được điều nghiên kỹ lưỡng như việc thiết lập các trung tâm giải trí, khách sạn, sân golf.. . với mục đích phục vụ cho người giàu và ngoại quốc tạo thêm ranh giới cách biệt giữa tuyệt đại đa số quần chúng và một nhóm thiểu số “tư bản mới”.
- Một số tư bản mới đã thành hình, từ đó phát xuất ra thêm nhiều mâu thuẫn và hệ lụy tiêu cực trong hệ thống quyền lực kinh tế-chính trị. Chính hai mặt tiêu cực trên đã là một trong nhiều nguyên nhân chính tạo nên khủng hoảng xã hội gần đây nhất và làm giảm dần mức tăng trưởng kinh tế từ 10% ở những năm đầu đổi mới xuống đến 4% năm 1999, mặc dù Việt Nam vẫn còn quá nhiều nhu cầu cần phải cung cấp cho đất nước.
Việc tăng trưởng kinh tế-kỹ nghệ quá nhanh so với tốc độ trước khi có chính sách đổi mới, nhưng không đủ nhanh so với nhu cầu của quốc gia, đã tạo nên những biến động ảnh hưởng lên môi trường ở những vùng được phát triển mạnh. Tại các nơi trên, bầu không khí ngày càng ô nhiễm thêm. Thán khí cùng với nhiều kim loại độc hại như chì, thủy ngân, manganese, chrome và một số hợp chất hữu cơ nhẹ làm dung môi trong quá trình sản xuất đã được ghi nhận. Nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt ở các vùng tiếp nhận trực tiếp nguồn nước thải từ các nhà máy vào hệ thống cống rãnh.
Kết quả phân tích cho thấy ô nhiễm hữu cơ đã được ghi nhận ở Bến Than, thượng nguồn sông Đồng Nai, nguồn nước chính cung cấp nước cho cư dân thành phố. Ở nhiều nơi, chỉ dấu oxy hòa tan (Dissolved oxygen-DO) giảm xuống đến 2.3 mg/L (nếu chỉ số DO xuống dưới 3,5, cá tôm sẽ không đủ nguồn oxy trong nước để có thể tồn tại được). Lượng E-coliform, vi khuẩn gây bịnh đường ruột và có thể làm chết người nếu không cứu cấp kịp thời, tăng trung bình tùy nơi từ 14.000 đến 480.000 MPN/100mL ở kinh Nhiêu Lộc (tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt ở Hoa kỳ là 23MPN/100mL) (MPN, most probable number). Đặc biệt cũng tại Bến Than, độ mặn đo được vào giữa tháng 2/1999 (giữa mùa khô) là 400 mg/L. Tuy lượng chloride trong nước chưa đến mức báo động, nhưng đây là lần đầu tiên chỉ dấu trên báo hiệu sự nhiễm mặn đã xâm nhập vào thượng nguồn sông Đồng Nai. Đặc biệt, vào tháng 4, 2010, nghĩa là chỉ mới vào giữa mùa khô, nước mặn đã xâm nhập vào tận Cần Giuộc, chỉ cách Sài Gòn 15 Km, cũng như đã vào sâu tận Cần Thơ và Tân An… Ngoài ra, các ô nhiễm dầu, kim loại nặng đạt đến mức độ có thể tác động đến nguồn tài nguyên nước và con người. Hàm lượng thuốc trừ sâu như aldrin, diedrin, DDT (đây là những loại thuốc đã được xếp vào trong danh sách 12 hóa chất độc hại bị cấm sử dụng do LHQ đề ra) đôi khi vượt quá tiêu chuẩn của nước uống. Riêng arsenic, được trực tiếp phân tích từ các mẫu nước giếng mặt và giếng khoan trên nhiều nơi ở Việt Nam, đã hiện diện ở nhiều địa phương mà kết quả sơ khởi đã được ghi nhận như sau: 5ug/L (phần tỷ) tại Xóm Mới (Tp HCM); ở thị xã Biên Hòa 35 ug/L (cho giếng khoan sâu trên 150m), 11,5ug/L (giếng mặt); thị xã Tân An, 8,5 ug/L (giếng đóng sâu trên 280m); thị xã Tiền Giang, 11 ug/L; và nhất là tại những nơi có nồng độ nhiễm mặn cao như Bình Đại (Bến Tre), 37 ug/L; Gò Công, 5,4 ug/L. Các kết quả trên cho thấy tình trạng ô nhiễm arsenic đã bắt đầu ảnh hưởng lên ĐBSCL.
Về các bãi chứa rác, các bãi chính không bảo quản đúng tiêu chuẩn như bãi rác Đông Thạnh ở Hốc Môn đã xảy ra nhiều vụ “bể bờ” làm cho nước rỉ chảy tràn ra sông Rạch Tra và Sàigòn năm 2000. Cũng tại nơi bãi rác nầy, chính quyền đã chi ra trên 500 tỷ đồng (tương đương 32 triệu Mỹ kim) để xây dưng nhà máy xử lý nước rỉ. Nhưng tiếc thay, nhà máy chỉ hoạt động không hơn một tuần lễ sau khi khánh thành vào giữa tháng 7/2002. Ngoài ra, còn vô số bãi rác “phụ” chen lẫn trong các khu dân cư đông đúc đã làm tăng thêm điều kiện cho các bịnh truyền nhiễm phát triển mà thôi.
Về ô nhiễm đường nước, một thí dụ cụ thể cho thấy tại Việt Trì (Bắc Việt), hàng năm các khu kỹ nghệ nơi đây đổ ra biển khoảng 35 triệu m3 nước thải kỹ nghệ, 100 tấn acid sulfuric H2SO4), 4000 tấn acid chloridric (HCl), 1300 tấn sút (NaOH), 300 tấn dầu đủ loại, và 24 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Một thí dụ khác là hàng năm nhà máy than đá Quảng Ninh đã thải vào vịnh Hạ Long 900 triệu tấn nước thải và bụi than làm ô nhiễm toàn vùng san hô vùng biển phía bắc và đông bắc vịnh Bắc Việt. Viện Hải Dương Học Nha Trang đã ước tính là có ít nhất 50% san hô bị hủy diệt ở vùng nầy và đã tìm thấy dấu vết của kim loại chì trong cá tôm. Đối với khu Tứ Giác Long Xuyên (ĐBSCL) độ mặn đã xâm nhập đến nhiều nơi và đạt đến mức 6,5 mg/L cũng như đã lấn sâu vào đất liền trên 100 Km.
Nhìn chung, tình trạng môi sinh ở Việt Nam đã đến mức báo động, nhất là ở các thành phố lớn mặc dù mức độ khai triển kỹ nghệ vẫn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của dân chúng toàn quốc, chỉ tập trung váo những thành phố lớn mà không lưu tâm hay quy hoạch tùy theo điều kiện của từng địa phương. Hiện nay vẫn còn khoảng 75% dân chúng sống tập trung ở các vùng nông nghiệp, vẫn sống trong điều kiện sơ khai của thời đại phát triển kỹ nghệ.
Nguyên nhân của việc trì trệ phát triển cho những năm gần đây cũng như hiện trạng ô nhiễm ở Việt Nam có thể được tóm tắt vào những ghi nhận sau đây:
- Ảnh hưởng của sự sụp đổ hệ thống Cộng sản ở Nga sô và Đông Âu đầu thập niên 90 cùng với sự khủng hoảng kinh tế vùng Đông Nam Á ở những năm gần đây làm cho quốc tế ngần ngại đầu tư vào Việt Nam.
- Hệ thống tiền tệ Việt Nam chưa hoán chuyển được và chưa thiết lập được thị trường chứng khoán cùng các luật định ngân hàng phức tạp và thay đổi thường xuyên, không bảo đảm tối thiểu cho cuộc giao thương với bên ngoài.
- Hệ thống ngân hàng không hữu hiệu, chưa thể hiện nhiệm vụ đúng đắn trong dịch vụ trao đổi và không có tính xuyên suốt trong báo cáo. Thống đốc ngân hàng Nhà nước mới đây đã xác quyết nhiệm vụ của ngân hàng là phục vụ cho nhu cầu của quốc gia và dân chúng chứ không thi hành theo chỉ thị và mệnh lệnh của Đãng nữa (?). Nhưng xin thưa, đây cũng chỉ là những lời nói để xoa dịu áp lực dư luận mà thôi.
- Mặc dù có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Chương trình phát triển LHQ (UNDP).. . về tài chính và kỹ thuật cho việc nâng cấp và giải quyết các vấn nạn môi sinh ở Việt Nam do sự phát triển kỹ nghệ và nạn gia tăng dân số, nhưng hầu hết các hạng mục công trình trên vẫn còn nằm bất động trên hình thức các dự án khả thi hay thực thi nửa chừng rồi biến thành những “dự án treo” do mức độ thi công tiến hành quá chậm do thủ tục hành chánh rườm rà và bất nhất cũng như các tệ nạn quan liêu, và tham nhũng.
- Việc phá hoại các rừng ven biển và việc dẫn nước mặn vào sâu trong đất liền để khai thác dịch vụ nuôi tôm là một trong những nguyên nhân chính cho việc nhiễm mặn. Ngay cả việc nuôi tôm, sau một vài mùa có thu hoạch cao, dịch vụ nầy lần lần đi vào phá sản vì tôm con bị chết quá nhiều do hệ sinh thái thay đổi và môi trường sinh sống của tôm không còn đồng nhất như vùng nước mặn nguyên thủy. Việc thay thế chloramphenicol, một hóa chất được sử dụng như thuốc kháng sinh trong kỹ nghệ nuôi tôm đã bị cấm vì không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất cảng qua Liên Hiệp Âu châu và Hoa Kỳ, bằng rễ của cây thuốc cá có chất rhotenone cũng sẽ là một đề tài cần phải thảo luận và nghiên cứu lại trong kỹ nghệ nầy. Ảnh chụp từ vệ tinh năm 1999 cho thấy khoảng 100.000 mẫu tây ở ven biển Cà Mau, Bạc Liêu đã bị bỏ hoang trong số khoảng 200.000 mẫu đã khai thác trong thời gian 10 năm trở lại đây. Từ xa xưa, các rừng tràm, đước, vẹt.. . đã phát triển vững mạnh trong vùng nầy, thiết lập một hệ sinh thái thiên nhiên vừa cân bằng và cầm chân nước mặn tiến sâu vào đất liền, vừa là môi trường sống thích hợp cho tôm cá, do đó tôm khó thể phát triển lâu dài được vì sự mất cân bằng trên.
- Trong những năm sau nầy, lãnh đạo Việt Nam có khuynh hướng cứng rắn hơn trong việc điều hành quốc gia. Đường lối và chính sách hiện tại thể hiện sự bất an, bối rối trong quyết định trước những vấn nạn sinh tử của đất nước.
- Có nhiều thành phần tham gia vào việc phát triển Việt Nam. Đó là quân đội, công an, chính quyền, tư nhân, và ngoại quốc. Một khi đã nắm chặt quyền lực trong tay, cộng thêm sức mạnh kinh tế có sẵn, các thành phần như công an, quân đội, và chính quyền có khả năng tạo ra nạn kiêu binh có thể làm xáo trộn xã hội mà lãnh đạo sẽ khó kiểm soát được. Điều nầy sẽ làm giảm thiểu mức đầu tư của dân chúng và nhất là đầu tư quốc tế.
- Đối với nhu cầu phát triển, điều kiện tiên quyết là phải có sự bàn thảo và đồng thuận giữa chính quyền và các tư nhân. Cho đến nay, sự hợp tác giữa chính quyền–tư nhân-ngoại quốc chưa được đặt trên căn bản công bằng và đồng thuận, do đó vẫn còn nhiều cản ngại trong việc giao thương quốc tế. Vẫn còn có nhiều thiên vị cho các đối tác có liên quan đến chính quyền. Công ty quốc doanh chiếm đa số vẫn còn được tài trợ và ưu đãi mặc dù làm ăn thua lỗ. Việc kiểm soát môi sinh còn quá lỏng lẻo đưa đến việc lơ là trong bảo quản và xử lý phế thải.
- Một số dự án có tầm vóc quốc gia, đối tác được chọn chưa thu thập đầy đủ dữ kiện nghiên cứu tác hại môi trường, nhân sự chuyên nghiệp không đáp ứng được nhu cầu của công trình, do đó nhiều dự án phải bị bỏ dở nửa chừng. Một công ty tư vấn ngoại quốc vừa mới trình dự án khả thi để thải hồi 800.000 m3 nước sinh hoạt của thành phố Sài Gòn hàng ngày sau khi xử lý sơ bộ (cơ học) và thải vào sông Sài Gòn với mục đích vừa để giải quyết lượng nước thải của thành phố và vừa để ngăn chặn sự nhiễm mặn trong mùa khô (2000). Có cần phải xét lại tính khả thi của dự án về mặt kỹ thuật và ảnh hưởng tác hại lên môi trường hay không?
- Các công ty tư vấn ngoại quốc được Việt Nam mời đến để khai triển một số dự án kỹ thuật và tính khả thi trong từng điều kiện hiện có. Đôi khi Việt Nam dùng tư cách chủ nhà để “chỉ đạo” dự án hay sửa đổi không đúng với quy cách kỹ thuật làm cho dự án cáng khó được thực hiện hoàn chỉnh. Cũng có nhiều công ty ngoại quốc vì muốn được trúng thầu mà thiết lập dự án khả thi khi chưa hoàn tất thủ tục điều tra cặn kẽ ban đầu. Điều nầy làm cho việc phát triển Việt Nam bị trì trệ về thời gian, tài lực, nhân lực, và nhất là làm giảm thiểu niềm tin của người dân về thực tâm xây dựng đất nước của những người có trách nhiệm.
Nhận diện được một số nguyên nhân căn bản đưa đến sự kiện chậm phát triển cho Việt Nam trong những năm gần đây, chỉ cần một ít động não, việc truy tìm giải đáp cho bài toán phát triển cũng không khó vậy.
Ấu trĩ trong quản lý môi trường
Luật môi trường của Việt Nam đã được quốc hội chấp thuận và đem vào áp dụng kể từ ngày 8/1/1994. Luật nầy gồm 7 chương và 55 điều như sau:
- Chương I – Những quy định chung.
- Chương II – Phòng chống suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
- Chương III – Khắc phục suy thoái mội trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
- Chương IV – Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
- Chương V – Quan hệ quốc tế về bảo vệ môi trường.
- Chương VI – Khen thưởng và xử lý vi phạm.
- Chương VII – Điều khoản thi hành.
Ngoài luật lệ môi trường, Việt Nam còn có một số luật khác liên quan đến môi trường như luật bảo vệ rừng, luật đất đai, luật dầu khí, luật đất lâm nghiệp. Nhìn chung đây là một bộ luật nói lên quy định và chính sách tổng quát trong việc bảo vệ và xử lý môi trường. Cá nhân và cơ sở sản xuất kỹ nghệ không thể nào căn cứ vào văn bản của bộ luật môi trường nầy để chấp hành luật pháp trong sinh hoạt sản xuất được. Lý do căn bản là bộ luật không minh định rõ ràng, và không có tính xuyên suốt.
Điều 37 trong chương IV quy định rằng nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn môi trường. Trái lại, trong Điều 38 lại quy định Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước để bảo vệ môi trường. Trong lúc đó, cũng trong Điều 38 luật lại chỉ định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương. Hai điều luật trên đây cho thấy tính mơ hồ và tròng tréo về trách nhiệm trong việc quản lý môi trường. Ủy ban nhân dân, dù không có khả năng chuyên môn vẫn có đầy đủ tư cách pháp nhân để giải quyết các vấn nạn môi trường! Và kinh nghiệm đã chứng minh rằng, cho đến ngày nay, 17 năm sau ngày ban hành, có rất nhiều “sự cố” quản lý ở địa phương đã xảy ra trong khi đi tìm phương án để giải quyết “sự cố” môi trường. Mặc dù khả năng nhân sự và tài chánh không cho phép thực hiện một bộ luật môi trường chi tiết áp dụng cho tất cả mọi trường hợp-điều kiện như bộ luật của Hoa Kỳ (gồm trên 25.000 trang giấy cỡ chữ nhỏ), thiết nghĩ Việt Nam cũng có khả năng làm một bộ luật chi tiết hơn một văn bản gồm 17 trang giấy như bộ luật hiện hành với chi phí hai triệu Mỹ kim do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Viễn tượng tài nguyên bị cạn kiệt vì sự khai thác quá độ để đáp ứng cho nhu cầu kinh tế cấp bách như: nạn phá rừng, đất đai bị tận dụng khai thác mà không có đủ thời gian để tái lập cân bằng cho đất, sử dụng phân bón và thuốc sát trùng bừa bãi, tận dụng nguồn nước mặt và nước ngầm mà không điều nghiên kỹ lưỡng đến tác động môi trường, không khí và nguồn nước bị ô nhiễm. Nếu không tìm được một phương cách tiếp cận mới để tạo dựng một sinh lộ cho tương lai thì hình ảnh một dân tộc triền miên sống trong nghèo đói, và không có sinh khí vì thiếu dinh dưỡng và bịnh hoạn sẽ là hình ảnh của Việt Nam trong tương lai.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào cuối tháng 2/2000, James Wolfensoln, chủ tịch Ngân hàng thế giới đã khuyên Việt Nam rằng: “Việt Nam cần phải thiết lập một nền kinh tế dựa trên cơ sở kiến thức”. Lời tuyên bố trên vẫn còn có giá trị cho đến ngày hôm nay. Đây là một thông điệp chiến lược về phát triển kinh tế áp dụng không những cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia đang phát triển. Cơ sở kiến thức là gì, nếu không là một cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật để thỏa mãn ba yêu cầu phát triển do Liên Hiệp Quốc đề ra. Đó là tạo dựng tăng trưởng kinh tế, cân bằng môi sinh, và phúc lợi xã hội.
Thời đại cách mạng nông nghiệp đã qua rồi. Đổi mới để hội nhập vào nền kinh tế thị trường toàn cầu mà chỉ dựa trên phát triển nông nghiệp để gia tăng phúc lợi cho đất nước chắc chắn không phải là một thượng sách cho Việt Nam ở thế kỷ 21 nầy.
Cực đoan trong quản lý đất nước
Từ các hiện tượng tiêu cực trong phát triển, ấu trĩ trong quản lý môi trường, lãnh đạo Việt Nam còn thể hiện tính cực đoan trong quản lý đất nước. Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa trong mọi lãnh vực của con người, lằn ranh quốc gia, chủng tộc cũng lần lần phai mờ dần. Cùng với sự tiếp tay của các nước hậu kỹ nghệ, người dân ở các quốc gia đang phát triển ngày càng được tiếp thu và hấp thụ thêm nhiều thành quả của tiến bộ khoa học để cải thiện xã hội từng bước một. Tuy nhiên, cũng cần nhận rõ thêm nhiều mặt tích cực và tiêu cực của một số quốc gia Tây phương trong cung cách hành xử trước xu hướng trên để có cái nhìn khái quát về các phương cách tiếp cận môi sinh cho toàn cầu. Xin đan cử ra đây hai trường hợp điển hình để từ đó lãnh đạo Việt Nam có thể chuyển hóa được những nét cực đoan trong việc quản lý và phát triển đất nước. Đó là trường hợp nước Đức và Pháp.
Pháp quốc và người Pháp luôn luôn tự hào là chiếc nôi của cách mạng dân chủ trên thế giới qua cuộc nổi dậy phá ngục Bastille năm 1789. Họ đã kiêu hãnh vì có một nền văn hóa ưu việt và một ngôn ngữ văn minh, tiến bộ nhất trên thế giới. Nước Pháp cũng là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển công-kỹ-nghệ và có nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu.
Nhưng đứng trước nhu cầu toàn cầu hóa, người dân Pháp đã thể hiện một số mặt tiêu cực có thể làm chậm lại tiến trình đi đến gần nhau của các dân tộc trên thế giới để cùng giải quyết những vấn đề chung cho nhân loại. Các thí dụ điển hình sau đây liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ trong giao dịch quốc tế đã nói lên tính “cô lập” tiêu cực của người Pháp.
Kể từ năm 1994, chính phủ Pháp đã dự phóng tính toàn cầu hóa của nhân loại nên khuyến cáo về việc sử dụng tiếng Anh trong giáo dục, dịch vụ công cộng và trao đổi quốc tế. Claude Allegré, Bộ trưởng giáo dục Pháp thời bấy giờ đã yêu cầu các nhà nghiên cứu khoa học trong khi viết luận án hay báo cáo nên trình bày bằng Anh ngữ. Nhưng cho đến năm 2010, hầu hết các tài liệu nghiên cứu từ Pháp vẫn được soạn thảo bằng Pháp ngữ; và đây là một cản ngại lớn cho thế giới và nước Pháp trong việc trao đổi các tiến bộ của khoa học. Hiện tại chỉ còn trên dưới 130 triệu người nói tiếng Pháp so với hơn 6 tỷ người hiện diện trên thế giới.
Tính cực đoan còn thể hiện trong việc trao đổi trong lãnh vực hàng không. Các phi công Pháp vẫn tiếp tục cưỡng lại lệnh của chính phủ đề ra trong luật an toàn không lưu vào tháng 2/2000 về việc sử dụng Anh ngữ khi đi và đến phi trường De Gaulle (Paris). Hai sự kiện kể trên thể hiện rõ tinh thần tự mãn và tự ái dân tộc cực đoan của người Pháp. Kết quả là hiện tại nước Pháp không còn ảnh hưởng mạnh về kinh tế-chính trị-văn hóa đối với các quốc gia đang phát triển như ngày xưa nữa. Vị trí của nước Pháp đã tụt xuống hàng thứ yếu cùng với các trì trệ về kinh tế-xã hội mà chính phủ Pháp đang phải đương đầu.
Trước kia, ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ Pháp rất quan trọng đối với Việt Nam. Vào giữa thế kỷ 20, có thể nói rằng hầu hết trí thức từ Bắc chí Nam đều sử dụng Pháp ngữ một cách rành rọt. Cho đến ngày nay, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học toàn quốc (2000) có 528.380 thí sinh, trong đó có 471.585 thí sinh chọn môn Anh ngữ làm ngoại ngữ chính, trong khi chỉ có 18.006 chọn Pháp ngữ và 5.801 chọn tiếng Nga. Số thống kê trên đã giảm rất nhiều cho kỳ thi trung học năm 2010.
Ngay trong lãnh vực điện toán, cũng vì tính cực đoan trên mà người Pháp đã để lộ ra những yếu điểm trong việc chuyển ngữ các danh từ thông dụng quốc tế mà đôi khi “không hiểu” ý nghĩa thực sự của các danh từ trên. Đại để như: CD rom ra Cédérom, start-up ra jeunes pousses(?),và lố bịch hơn nữa là stock option ra option sut titre (?). Theo lịnh của Liên Hiệp Âu châu (7/2002), các nhãn hiệu thực phẩm sản xuất từ Pháp phải ghi chỉ dẫn, công thức, liều lượng. .. bằng Anh ngữ. Điều nầy làm cho người Pháp càng thêm khó chịu.
Trên đây là những nét đặc thù thể hiện tính cực đoan của dân Pháp và đang là một cản lực lớn cho sự phát triển của đất nước nầy.
Trở về nước Đức, từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, người dân và chính phủ Tây Đức trong vòng 10 năm phải cưu mang hai vấn nạn chính:
- Một Đông Đức nghèo nàn và hạ tầng cơ sở cùng hệ thống công-kỹ-nghệ không còn phù hợp với cung cách phát triển mới.
- Dân sinh và dân trí người Đông Đức ở dưới mức trung bình quá xa so với người Tây Đức. Thêm nữa, sau gần 50 năm dưới chế độ Cộng sản, người dân Đông Đức không còn thấy một định hướng mới nào khác cho xã hội trước sự phát triển vượt bực của người anh em từ bên kia bức màn sắt.
Đứng trước tình trạng đó, thay vì hành sử với cung cách của kẽ chiến thắng về kinh tế và chính trị đối với người chiến bại, chính phủ và người dân Tây Đức đã mở rộng vòng tay cứu vớt đồng bào ruột thịt Đông Đức. Họ đã tân trang, chuyển vận các công nghiệp sạch qua Đông Đức cùng với việc hàn gắn vết thương ý thức hệ do một chủ thuyết không tưởng đã tạo ra sự nghèo đói cho phân nữa phần đất nước.
Theo ước tính, Tây Đức dự trù chuyển dịch từ 200 đến 300 tỷ Mỹ kim trong vòng 20 năm tới để vực dậy kinh tế và xã hội ở miền đất nghèo khó nầy. Vì vậy khoảng cách kinh tế-kỹ thuật giữa hai miền đất nước lần lần được thu hẹp lại. Hai người anh em ruột thịt Tây và Đông Đức lần lần hội nhập vào sinh hoạt của một tổ quốc chung: quốc gia thống nhất Đức Quốc.
Về cung cách hành sử quốc tế, nước Đức thống nhất đã có tầm nhìn toàn cầu hóa bằng cách sáng lập và khai sinh đồng tiền chung cho Âu Châu: Euro Dollar. Nước Đức thống nhất không còn đứng về phía cánh hữu cực đoan và chính phủ Đức hiện tại đã chuyển vận theo xu hướng toàn cầu hóa về lập trường chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng ôn hòa.
Về đối nội, nước Đức thống nhất đã xem đồng bào chính quốc như một. Về đối ngoại họ đã có cái nhìn vị tha hơn đối các quốc gia đang phát triển bằng cách mang đến cho các quốc gia nấy nhiều khoảng viện trợ không bồi hoàn và xóa nợ.. . hơn là tận dụng và bốc lột kinh tế-lao động.
Đức quố, trong chiều hướng tiếp cận tương lai như trên đã có một tầm nhìn thật dân tộc, nhân bản và một hướng đi khai phóng phù hợp với nguyên tắc căn bản chân chính cho nhân loại để tiếp tục cuộc hành trình vào thế kỷ 21. Tinh thần dân tộc cực đoan của người Đức, từng tự ví mình như một chủng loại siêu nhân, đã nhường bước cho khuynh hướng xích lại gần nhau trên thế giới.
Nhìn lại Việt Nam, chính quyền hiện tại vẫn tiếp tục giữ trong đầu ý tưởng siêu việt, đỉnh cao trí tuệ để điều hành đất nước mà không chịu mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài: thế giới của sự hợp tác hài hòa và tôn trọng lẫn nhau. Một nước Việt Nam thống nhất nhưng đâu đây vẫn còn phảng phất mối ngăn cách vô hình của người chiến thắng và kẽ chiến bại!
Kết quả đã cho thấy trước mắt là, sau 35 năm thống nhất đất nước, cho dù có ý nghĩ hết sức lạc quan, Việt Nam không còn thể hiện một chỉ dấu nào chứng nghiệm cho khuynh hướng đứng đắn trong việc phát triển quốc gia nữa. Lãnh đạo không tìm ra được hướng đi khả dĩ phù hợp cho sự hồi sinh của Việt Nam. Và người dân, như hàng thần lơ láo, quanh quẩn lo toan cho cuộc sống hàng ngày (mà vẫn chưa xong!) thì đâu còn trí tuệ nào nữa để nghiền ngẫm đến việc bồi đấp quốc gia.
Lãnh đạo Việt Nam đã áp dụng chủ nghĩa hình thức thể hiện qua hầu hết các điều luật, biện pháp, quy định.. . để quản lý đất nước. Nhân danh dân tộc, nhân dân để bào chữa cho những thất bại trong chính sách. Do đó, dân có nghèo thêm, có khổ thêm cũng vì những hình thức luật pháp, hình thức dân chủ, hình thức tự do qua các Nghị Quyết. Làm sao người dân cảm thấy an toàn được khi mà đại đa số không đủ ăn, đủ mặc, không đủ nước sạch để sinh hoạt, nấu nướng, không đủ không khí trong lành để thở, vân vân và vân vân. Làm sao người dân gắn bó với quê hương và chế độ khi những điều kiện tối thiểu cho một cuộc sống bình thường không thể có được trên mãnh đất thân yêu nầy.
Nước Việt Nam đã chính thức thống nhất từ năm 1976 về phương diện địa dư, nhưng tình tự dân tộc vẫn còn bị ngăn chặn do những rào cản vô hình. Người dân miền Nam vẫn còn mang nhiều uẩn khúc trong cuộc sống hàng ngày từ đó đến nay. Trái lại người miền Bắc, đa số còn đang hả hê với cuộc giải phóng miền Nam, mải mê tiếp thu xã hội vật chất trong Nam mà trong suốt cuộc chiến cũng như trong hiện tại, họ vẫn không thể hình dung được cái di sản “vĩ đại” của miền đất hứa nầy.
Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới, báo Nhân Dân ngày 6/7/2000 đã nói thay quan điểm của đảng Cộng sản Việt Nam trước sức ép của toàn cầu hóa:”Toàn bộ vấn đề là ở chỗ, chúng ta, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, có thái độ và cần hành động như thế nào trước quá trình toàn cầu hóa? Câu trả lời của chúng ta là: “hội nhập”, “mở cửa”, dĩ nhiên trên cơ sở nguyên tắc của chúng ta, vì lợi ích của chúng ta, và trong hội nhập phải chủ động, phải căn cứ thực lực và không thể không cảnh giác, không thể quên đấu tranh, phải nên nhớ hội nhập mà không hòa tan”.
Tuy nói như thế, nhưng cuối cùng bài viết cũng phải thú nhận để gở gạt rằng:”Nếu không tranh thủ được những cơ hội do toàn cầu hóa mang lại, dù là toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối nhu ngày nay, thì chúng ta không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội được”. Cơ hội đó đã xảy ra ngày 13/7/2000 sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết hiệp ước thương mại giữa hai nước.
Mãi cho đến nay, cơ hội trên chỉ thể hiện ”cuộc tranh thủ” của Việt Nam qua việc thực hiện “toàn cầu hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Và hiện tại, Việt Nam đã có quá nhiều thay đổi theo chiều nghịch. Quả thật vậy, sau hơn 20 năm áp dụng hiệp ước thương mại Mỹ-Việt, hiện tại vẫn còn quá nhiều phức tạp và rào cản trong thủ tục, nguyên tắc, luật lệ mà phía Việt Nam phải còn mất nhiều thời gian mới có thể thẩm thấu được “cuộc chơi của thế giới”.
Với cung cách suy nghĩ trên cộng thêm tâm khảm của một não trạng nghi ngờ, mặc cảm phải tỏ ra chủ động và hội chứng chếch choáng hơi khói chiến tranh vẫn còn đâu đây, làm sao Việt Nam có thể hội nhập vào cộng đồng thế giới và tạo được một sự thông cảm toàn diện và đồng thuận ở cả hai mặt chính quyền và người dân như trường hợp của nước Đức được.
Làm sao có thể chấp nhận được khi Việt Nam qua báo Sàigòn Giải phóng ngày 30/8/2002 đã nhận định về Hội nghị Thượng đỉnh về sự Phát triển Bền vững tại Johennesburg (Nam Phi) qua tuyên bố sau:”Các nước phương Tây định dùng viện trợ để trốn tránh trách nhiệm”. Qua nhận định trên, các quốc gia đã phát triển là nguyên nhân và phải có trách nhiệm cho việc suy thoái môi trường trên thế giới và phải có bổn phận “viện trợ” cho các quốc gia đang phát triển. Sự đổ lỗi nầy thể hiện não trạng bệnh hoạn của một lớp người không còn đủ trí tuệ và lương tri để quản lý một đất nước đứng trước xu hướng toàn cầu hóa đang tiếp tục xảy ra hàng ngày.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tất cả những bất ổn, nghịch lý phân tích trên đây cho chúng ta nhận thức được một cách rõ ràng ai là người chịu trách nhiệm trong vấn đề quản lý đất nước. Đương nhiên, nhà cầm quyền hiện tại phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng môi trường ngày càng đi xuống hiện nay. Hơn một phần tư thế kỷ sống trong hòa bình, thiết nghĩ thời gian cũng đủ dài để thiết lập một xã hội ổn định cho Việt Nam. Nhưng tiếc thay, điều đó không xảy ra.
Hiện tại, trong nhiều cảnh vực kinh tế-khoa học-kỹ thuật-môi sinh, thế giới đanh chuyển mình để biến thành một quốc gia lớn, một trật tự mới đang thành hình. Trong bối cảnh đó, ngày càng thấy rõ ràng mọi người đều có trách nhiệm. Những gì xảy ra tại Tây Tạng, Vân Nam đều trực tiếp ảnh hưởng đến ĐBSCL. Rốt ráo hơn nữa, mọi người Việt đều có trách nhiệm về tình trạng tụt hậu của Việt Nam.
Càng thiết tha, càng gắn bó với quê cha đất tổ càng thấy mình có trách nhiệm. Trách nhiệm không là than thân trách phận, trách ông Trời không cho mình gặp thời. Trách nhiệm không là thái độ đời đục ta trong, ẩn thân trong chùa, trong câu kinh tiếng kệ, trong nhà thờ, trong những thành trì luân lý, hoặc sớm tối trải lòng mình trong thi tửu. Trách nhiệm là một nhận thức thực tiễn, và trên căn bản đó có những thái độ và hành động tích cực hơn cho Đất và Nước. Nói lên tiếng nói, tạo một âm vang, khuếch đại một xu hướng, tạo dựng sức ép, nhưng nhất thiết, không đổ lỗi cho người khác để tự dối mình, hoặc trốn tránh thách nhiệm của mình.
Có một đảng mạnh có kỷ luật, có những cán bộ tiên phong, có một quá trình thử thách nhiều thập niên, có 2.479.717 đảng viên là một điều tốt (thống kê Đại hội đảng kỳ IX)(Hiện tại ước tính trên 3 triệu đảng viên, và đang chuẩn bị cho đại hội đảng vào năm 2011). Những đảng viên ấy đã biến thành một số quan lại của một triều đình vua chúa, đứng ngoài luật pháp, tham ô và lạm quyền, nhất nhất một chiều làm thui chột ý chí và lòng phấn đấu vươn lên của mọi tầng lớp dân chúng. Cả nước chỉ có hơn ba triệu người có quyền dám nghĩ, nhưng nhưng chỉ một thiểu số nhỏ trên đây có quyền dám nói.
Trong hơn ba triệu người nầy, đa số vì miếng đỉnh chung, vì sự tiến thân và an ninh bản thân và gia đình đã trở thành a dua, nương thời, nương lúc. Cho nên cuối cùng rồi, cũng không dám nghĩ, không cần nghĩ và nói xuôi chiều cho khỏe thân. Chỉ còn lại một thiểu số hiếm hoi, 1170 đại biểu, 160 ủy viên trung ương đảng và 15 ủy viên chính trị bộ, dầu có thông minh tuyệt đỉnh, dầu có trí tuệ tuyệt vời, thì đương nhiên quốc gia phải èo ọt mà thôi.
Nhìn lại đất nước, với hơn 50% lực lượng lao động thuộc thành phần trẻ tuổi, chúng ta đã có một trợ lực lớn có khả năng đưa đất nước lên cao. Tuổi trẻ Việt Nam, sau một giai đoạn ngắn tiếp cận với phong cách hành xử và giao thương quốc tế đã hiểu thêm và hiểu cặn kẽ về tư do dân chủ. Từ đó tinh thần quốc gia dân tộc sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thành phần nầy.
Tuổi trẻ Việt Nam mong mỏi có một đời sống kinh tế-tinh thần-tâm linh tương xứng với các đóng góp của chính mình. Những rào cản ngăn cách trong tôn giáo hay địa phương sẽ không còn là một chướng ngại để rồi cùng ngồi lại với nhau, không như các thế hệ cha ông trước kia. Những cảm xúc trong tư tưởng, vết hằn trong quá khứ sau cuộc qua phân của đất nước phải nhường bước cho lối nhìn tích cực về triển vọng tương lai của quê hương. Do đó, các mỹ từ “vì thế hệ mai sau, vi chủ nghĩa anh hùng” không còn là một xúc tác tốt để hấp dẫn tuổi trẻ Việt Nam nữa.
Tuổi trẻ Việt Nam trân trọng 4000 năm văn hiến của tiền nhân, nhưng tuổi trẻ hôm nay không vì niềm tự hào đó mà dừng chân lại để chiêm ngưỡng quá khứ. Tuổi trẻ Việt Nam đang lên đường. Đừng cho đó là một cản ngại lớn cho sự bền vững của chế độ mà nên cùng nhau thay đổi đường lối và chính sách thích hợp với xu hướng toàn cầu. Để rồi cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường làm việc thích ứng với tính năng động và hiếu học của tuổi trẻ. Có như thế, cơ hội phát triển và triển vọng tương lai sẽ giao thoa cùng đời sống kinh tế-tinh thần và từ đó, tuổi trẻ sẽ mạnh bước tiến lên. Cũng xin đừng rập khuôn tin tưởng vào văn hóa “coca cola” của Hoa Kỳ để mong được phát triển nhanh và đổi lấy một xã hội bất ổn về tinh thần.
Thay lời kết
Các chuyển hướng phát triển và thành quả của Chí Lợi qua việc giải quyết các vấn nạn môi trường trong những năm gần đây thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Từ các biện pháp bảo vệ nguồn không khí, nước, rừng, đất, và nhất là việc quản lý phế thải kỹ nghệ. Tất cả đều đi theo đúng tiến trình phát triển phải có và đang được áp dụng cho những quốc gia hậu kỹ nghệ. Độc đáo nhất là bài học dân chủ của Chí Lợi: Để cho nhân dân trực tiếp tham gia và góp tiếng nói vào công cuộc phát triển quốc gia.
Chí Lợi đã nhận thức được thế mạnh của người dân và đủ can đảm mở rộng cửa để cho người dân có điều kiện tiếp tay với lãnh đạo trong công cuộc phát triển quốc gia. Thêm nữa, Chí Lợi đã xây dựng được một hệ thống tư pháp độc lập, do đó tòa án có toàn quyền và có uy tín để đứng ra điều giải những mâu thuẫn hay bất đồng giữa chính phủ và người dân. Lãnh đạo Chí Lợi vô hình chung đã đứng về phía dân chúng. Làm được như thế, Chí Lợi sẽ có trên thuận Thiên, dưới thuận Nhân, và không sớm thì muộn, Chí Lợi sẽ có những bước tiến nhảy vọt để rồi Hòa mình theo cung cách toàn cầu hóa của thế giới.
Việt Nam cần có những gương soi như Chí Lợi. Lãnh đạo Việt Nam cần có đủ đảm lược để tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong việc quản lý đất nước nhất là phải biết chấp nhận lỗi lầm để dứt khoát có những thay đổi thích hợp và đúng lúc, hợp với lòng người, hợp với bối cảnh, và hợp với thiên nhiên. Nên nhớ Phát triển (Nhân) và Ô nhiễm môi trường (Quả) phải được cân bằng. Nếu tạo được Nhân lành như phát triển có kế hoạch, có kiểm soát, và sử dụng công nghệ sạch, thì chắc chắn sẽ gặt hái được Quả lành do môi trường ít bị ô nhiễm. Đây là cái lý đương nhiên mà con người không thể nào làm khác hơn được.
Thời gian đã quá dài để cho dân tộc Việt phải chịu nhiều can qua qua các vấn nạn trong đời sống kinh tế, xã hội, và tâm linh rồi. Đã đến lúc cần phải chấm dứt tình trạng trên. Muốn tìm câu giải đáp cho bài toán phát triển Việt Nam, không cần phải có một trí tuệ ưu việt mà chỉ cần những trí tuệ bình thường với một tấm lòng thủy chung với đất nước.
Mọi chế độ độc tài trên thế giới sớm muộn gì cũng phải cáo chung dù chúng thể hiện dưới bất cứ hình thức nào: quân phiệt, cá nhân, tập đoàn hay đảng phái. Đây là một chắc chắn nếu không nói là chân lý. Vấn đề đặt ra nơi đây chỉ là thời gian: chậm hay mau tùy theo sức chịu đựng của người dân và trình độ dân trí của từng quốc gia.
Nếu muốn còn được tồn tại, các chế độ độc tài phải thay đổi theo xu hướng của thời đại, ứng xử hợp với chiều hướng tiến bộ của nhân loại. Bưng bít, đóng cửa không còn là rào chắn an toàn, che chở cho chế độ được nữa trong thế kỷ 21 nầy, kỷ nguyên của tin học. Đòi hỏi một sự thay đổi quả thật khó cho các nhà độc tài, một khi cơn đói quyền lực đã ăn sâu vào tận xương tủy. Đã đến lúc quyền lực cần phải nhường chỗ cho đối thoại và hợp tác hài hòa với dân chúng. Sự thay đổi sẽ càng khó hơn nữa nếu sẽ phải đến từ mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân Việt Nam vốn đã phải chịu triền miên nhiều áp lực khắc nghiệt của chế độ.
Quản lý môi trường đúng đắn thích hợp với điều kiện Việt Nam là một bước chuyển đổi để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Điều nầy có thể giải tỏa được những đối kháng bất khả phân giữa hai đối cực: bạo quyền và dân chúng trong nước. Những tấm gương của Nam Dương, Phi luật Tân, Tiệp Khắc cách đây không lâu đã chứng minh rằng sức mạnh của nhân dân có thể một sớm một chiều thay đổi cả một chế độ. Theo lời ông Lê khả Phiêu phát biểu trong cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam tại Hà Nội (9/2000) thì giải quyết vấn nạn phát triển/môi trường phải là “tri thức hóa dân tộc”, “nắm ngọn cờ khoa học như nắm ngọn cờ dân tộc”.
Thiết nghĩ tri thức hóa chắc chắn không phải là gắn học vị, học hàm cho các ủy viên, cán bộ đảng, ban ngành, chức sắc địa phương. Nắm ngọn cờ khoa học chắc chắn không là thu lượm một vài kiến thức khoa học, có khi xưa cổ lỗi thời, rồi tóm lược vào một vài khẩu hiệu, lấy đó làm cơ sở để “dám nghĩ bậy, và dám làm bậy”, buộc dân làm, để dân đói.
Nắm ngọn cờ dân tộc không có nghĩa là “nhà nhà là tử sĩ”, “con mất cha, vợ mất chồng”, đất nước điêu tàn, gia đình tan nát, càng không có nghĩa là cầm tù hàng triệu người, đưa hàng triệu người ra biển cả, công khai bán nô lệ, bán phụ nữ (dưới hình thức nầy hay hình thức khác), kỳ thị trẻ con, kỳ thi đạo giáo…
Tri thức là thật sống, là biết mình, hiểu người, là cách nghĩ suy, là thấy người mà nhìn lại mình. Hãy học gương Chí Lợi: thời nào và nơi nào có độc tài, chuyên chế, áp đặt, là có nghèo đói, hỗn loạn và trì trệ trong phát triển. Trái lại, thời nào, nơi nào có dân chủ và tự do, nơi đó có sự đồng thuận của đa số người dân, nơi đó có tiến bộ, có phát triển, cuộc sống mỗi lúc mỗi tốt hơn. Khi người dân thấy mình mật thiết với đất nước, với làng mạc của mình, khi người dân thấy mình có một vai trò, có quyền và trách nhiệm tham gia vào việc xóm làng công cộng, việc quốc gia, thì họ đương nhiên sẽ giữ cho môi trường sống của họ được tốt đẹp, họ gắn bó với chế độ, với đất nước làng mạc của họ.
Mỗi người mỗi vẻ, mỗi nước mỗi khác. Tuy nhiên, trong cái riêng có những nét chung, bài học Chí Lợi là một bài học quí giá cho người có trách nhiệm suy gẫm trong bối cảnh bế tắc hiện nay của Việt Nam.
Phát triển quốc gia mà không đi kèm với quản lý và kiểm soát môi trường sẽ đưa đất nước đến tình trạng kiệt quệ về tài nguyên và môi trường thoái hóa. Phát triển quốc gia mà không đi kèm với dân chủ hóa và nhân quyền hóa xã hội sẽ đưa đất nước kề cận với nạn diệt vong. Vì khi cánh cửa dân chủ chưa mở ra được thì tất cả tài nguyên, tài sản quốc gia sẽ tích lũy trong tay của một nhóm thiểu số; do đó phúc lợi nầy sẽ không được chia xẻ đồng đều và công bằng theo nhu cầu của xã hội. Và đây cũng là bế tắc cần phải tháo gở của Việt Nam hiện tại.
Mai Thanh Truyết
Trích đoạn tù sách Những VẤn Đề Môi Trường và Phát Triển Việt Nam [dự định ra mắt vào cuối năm 2010, MTT biên soạn]