Hiện đại hóa là hội chứng của các chuyển biến xã hội gắn liền với công nghiệp hóa. Khi được khởi động, hiện đại hóa sẽ xâm nhập mọi khía cạnh đời sống, mang lại chuyên nghiệp hóa, đô thị hóa, nâng cao dân trí, kéo dài tuổi thọ và gia tăng tốc độ phát triển kinh tế.
Những thành tựu nói trên sẽ tạo ra một tiến trình có khả năng tự củng cố (self-reinforcing process), một tiến trình chuyển hóa đời sống xã hội và các định chế chính trị. Tiến trình đó mang lại sự tham dự đông đảo hơn của quần chúng vào công việc của đất nước và, về lâu về dài, khiến việc thiết lập các định chế dân chủ ngày càng trở thành hiện thực. Đó là cách lý giải rõ ràng nhất để có thể hiểu tại sao tiến trình dân chủ hóa xảy ra, và xảy ra như thế nào.
Quan niệm về hiện đại hóa có một lịch sử lâu dài. Học thuyết Mác-Xít về hiện đại hóa cho rằng việc bãi bỏ quyền tư hữu sẽ chấm dứt tình trạng bóc lột, bất công và chiến tranh, trong khi học thuyết Tư Bản khẳng định rằng phát triển kinh tế sẽ nâng cao mức sống của con người và đưa đến dân chủ.
Hai viễn kiến về hiện đại hóa nói trên đã cạnh tranh khốc liệt trong thời Chiến Tranh Lạnh. Đến thập niên 1970 thì chủ nghĩa cộng sản bế tắc và viễn kiến của phe Tư Bản cũng không thấy xuất hiện tại các nước nghèo. Trước hiện tượng bế tắc này các nhà phê bình tuyên bố thuyết hiện đại hóa cáo chung.
Phiên bản mới của thuyết hiện đại hóa
Từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt quan niệm hiện đại hóa đã hồi sinh với một phiên bản mới. Lý thuyết “hiện đại hóa mới” công nhận tiền đề “phát triển kinh tế” là đúng vì nó mang lại thay đổi quan trọng có thể tiên đoán được trong các lãnh vực xã hội, văn hóa và chính trị. Phiên bản mới, trong nội dung, thật ra chỉ là những phiên bản cũ được chỉnh sửa và nới rộng về nhiều mặt. Sau đây là một số chỉnh sửa cần lưu ý.
Thứ nhất, tiến trình hiện đại hóa không đi theo đường thẳng. Nó chuyển động theo một hướng nhất định và trong mỗi thời kỳ chuyển động như thế nó lại tạo ra một chuyển biến đặc biệt trong thế giới quan (worldviews) của quần chúng.
Công nghiệp hóa đã thay đổi tôn ti xã hội, tập trung quyền hành, thế tục hóa chính trị, biến đổi những giá trị truyền thống (traditional values) thành những giá trị thế tục hợp lý (secular rational values). Xã hội hậu công nghiệp ra đời cũng mang lại một loạt chuyển biến nhưng những chuyển biến này lại đi theo một hướng khác: khuynh hướng mới này nhắm tới tầm quan trọng của vai trò tự trị cá nhân (individuall autonomy) và giá trị lập ngôn (self expression values). Đây là những nhân tố đưa đến sự giải phóng con người khỏi quyền lực áp đặt từ trên.
Mức phát triển kinh tế càng cao, người dân càng có khả năng lập ngôn cao và ham muốn tham gia các dự án công ích. Tuy nhiên yếu tố này không phải là yếu tố tác động duy nhất, và hiện đại hóa không phải là một tiến trình không thể đảo ngược. Một sự ̣ suy sụp kinh tế có thể đảo ngược diễn trình của nó.
Thứ hai, những chuyển biến xã hội và văn hóa vẫn nương theo một lối mòn sẵn có. Ảnh hưởng của phát triển kinh tế thường mang lại các chuyển biến có thể tiên liệu trong thế giới quan của đại chúng, nhưng di sản văn hóa của một xã hội đều để lại một dấu ấn lâu bền trong thế giới quan đó. Lý do này giải thích tại sao không thể có một nền văn hóa đồng nhất toàn cầu.
Thứ ba, hiện đại hóa không có nghĩa là Tây Phương hóa. Tiến trình công nghiệp hóa bắt đầu ở Tây Phương nhưng vài thập niên qua, Đông Á đã đạt mức độ phát triển cao nhất thế giới. Hoa Kỳ không phải là khuôn mẫu cho việc thay đổi văn hóa toàn cầu. Các xứ đang công nghiệp hóa sẽ không giống xã hội Mỹ.
Thứ tư, hiện đại hóa không tự động đưa đến dân chủ. Phải về lâu về dài hiện đại hóa mới mang lại những thay đổi văn hóa và xã hội cần thiết làm cho dân chủ trở thành hiện thực. Nhưng sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp sẽ mang lại một số thay đổi xã hội và văn hóa nhất định, và chính những thay đổi này sẽ dẫn đến dân chủ: một xã hội tri thức (knowledge society) có trình độ cao sẽ hoạt động hữu hiệu cho dân chủ; những giá trị lập ngôn sẽ thúc đẩy sự tham gia sinh hoạt chính trị.
Như vậy, ở giai đoạn phát triển kinh tế cao, sự nghiệp hiện đại hóa sẽ làm cho khả năng xuất hiện của dân chủ trở thành một hiện tượng phải xảy ra. Ý tưởng nòng cốt của lý thuyết Hiện Đại Hóa Mới là sự phát triển kinh tế và kỹ thuật sẽ mang lại một tập hợp chặt chẽ bao gồm những đổi mới cho xã hội cả về văn hóa và chính trị. Những chuyển biến này kích thích quần chúng đòi hỏi các định chế dân chủ và những đáp ứng tích cực hơn của giới thống trị. Phản ứng giây chuyền này làm cho dân chủ phát sinh.
*
Những cuộc thăm dò về giá trị xã hội cho thấy thế giới quan của dân chúng sống trong một xã hội giàu khác biệt một cách có hệ thống với thế giới quan của dân chúng trong một xã hội có lợi tức thấp. Những dị biệt này biến thiên theo hai chiều cơ bản: giá trị truyền thống(traditional values) đối chọi với giá trị thế tục hợp lý (secular rational values) và giá trị sinh tồn (survival values) đối chọi với giá trị lập ngôn (self expression values).
Sự chuyển biến từ giá trị truyền thống sang giá trị thế tục hợp lý tương ứng với sự chuyển biến từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Các xã hội truyền thống coi trọng tôn giáo, nhấn mạnh sự phục tùng quyền lực và tôn vinh quốc thể. Những đặc tính này thay đổi khi xã hội trở nên thế tục và hợp lý hơn.
Sự chuyển biến từ các giá trị sinh tồn sang các giá trị lập ngôn tương ứng với sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp. Nó phản ánh một chuyển biến văn hóa diễn ra vào thời điểm con người không cò quá bận tâm về vấn đề mưu sinh.
Những giá trị sinh tồn dành ưu tiên hàng đầu cho an ninh mạng sống và an toàn kinh tế. Còn những giá trị lập ngôn dành ưu tiên cao cho quyền tự do phát biểu, cho việc tham gia các quyết định xã hội, hoạt động chính trị, bảo vệ môi sinh, cổ vũ bình đẳng nam nữ, khoan dung với các dân tộc thiểu số, với người nước ngoài và các người đồng tính luyến ái.
Giá trị lập ngôn ngày càng trở nên quan trọng, tạo nên một nền văn hóa tràn đầy tin tưởng và bao dung trong đó dân chúng trân quý tự do cá nhân và khả năng diễn đạt của chính mình. Khuynh hướng tham gia sinh hoạt chính trị lan rộng. Những thuộc tính này giải thích tại sao phát triển kinh tế, một tiến trình đưa xã hội từ nông nghiệp sang công nghiệp, rồi từ công nghiệp sang hậu công nghiệp, có thể dẫn đến dân chủ.
Một câu hỏi thường được nêu ra là: “có phải các giá trị lập ngôn đưa đến dân chủ hay chính chế độ dân chủ sẽ khiến các giá trị lập ngôn xuất hiện ?” Bằng chứng cho thấy là chính các giá trị lập ngôn đã dẫn đến dân chủ. Sự gia tăng của các giá trị lập ngôn sẽ bào mòn tính chính đáng của các chế độ độc tài và làm cho dân chủ sớm trở thành hiện thực.
Thế nào là dân chủ hữu hiệu (effective democracy)
Chiến Tranh Lạnh mở đường cho việc dân chủ hóa. Thoạt đầu người ta có khuynh hướng coi bất cứ chế độ nào chịu tổ chức tuyển cử tự do và công bằng là một chế độ dân chủ. Nhưng nhiều chế độ dân chủ mới đã phải đối đầu với nạn tham nhũng lan tràn và không áp dụng được nguyên tắc pháp trị. Đó là tính bất cập của các chế độ tuyển cử và nhiều dạng dân chủ phi tự do khác.
Điều quan trọng là phải biết phân biệt dân chủ hữu hiệu với dân chủ vô hiệu. Yếu tính của chế độ dân chủ là trao quyền (empower) cho người dân bình thường. Một chế độ dân chủ có hoạt động hữu hiệu hay không, điều đó không chỉ dựa vào mức độ hiện hữu của những quyền dân sự và chính trị trên giấy tờ mà còn dựa vào mức độ các viên chức chính quyền tôn trọng các quyền này như thế nào.
Sự hiện hữu của các quyền công dân trên giấy tờ được đo lường bằng bảng xếp hạng hàng năm của Freedom House (1) : nếu một quốc gia tổ chức tuyển cử tự do, Freedom House sẽ đánh giá quốc gia đó là tự do và cho đứng đầu hoặc gần đầu thang điểm. Bên cạnh thang điểm này, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) (2) đặt ra thang điểm về thành tích (governance score) để đo mức hữu hiệu cũa các định chế dân chủ tại một quốc gia.
Chỉ số hiệu năng của một quốc gia dân chủ được tính bằng cách nhân hai số điểm trên với nhau. Bản chất dân chủ thực sự của chế độ do Freedom House thẩm định là tính lương thiện của giới cầm quyền và các định chế do Ngân Hàng Thế Giới đo lường.
Dân chủ hữu hiệu (effective democracy) là một tiêu chuẩn đòi hỏi nhiều điều kiện hơn dân chủ tuyển cử (electoral democracy). Dân chủ hữu hiệu có khả năng trở thành hiện thực nhất nếu nó đi song hành với một cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, trong đó người dân biết tôn trọng giá trị lập ngôn của mình, nghĩa là biết đòi hỏi tham gia việc lấy những quyết định vì công ích.
Lý thuyết hiện đại hóa có ý nghĩa tích cực với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Lý thuyết này đưa đến kết luận rằng phát triển kinh tế là động lực cơ bản cho việc chuyển hóa dân chủ. Hoa Kỳ hoan nghênh và cổ vũ phát triển kinh tế trên địa bàn toàn thế giới. Mặc dù phát triến kinh tế đòi hỏi nhiều thích nghi khó khăn nhưng hậu qủa lâu dài của nó sẽ khuyến khích sự xuất hiện của những chế độ bao dung hơn và dân chủ hơn cho nhân loại.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 7 năm 2014
Chú thích
(1) Freedom House là một tổ chức phi chính phủ (NGO) được thành lập năm 1941 và có trụ sở tại Washington DC. Tổ chức này chuyên nghiên cứu và phổ biến tư tưởng dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền. Hàng năm Freedom House xuất bản một bản báo cáo đánh giá mức dân chủ hóa của mỗi quốc gia. Tổ chức này có ảnh hưởng bao trùm thế giới trong lãnh vực đấu tranh cho dân chủ.
(2) Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) là một tổ chức tài chánh quốc tế được thiết lập tại Hội Nghị Bretton Woods năm 1944 . Mục tiêu chính yếu của WB là xóa đói giảm nghèo bằng cách cho các nước chậm tiến vay tiền để đầu tư. Sau WB, một định chế thứ hai cũng được thành lập tại Hội Nghị Bretton Woods là Qũy Tiền Tệ Quốc tế (IMF). Cả hai tổ chức này đều có trụ sở tại Washington DC.