Buổi trình chiếu phim “Mẹ Vắng Nhà”, được VOICE tổ chức vào chiều thứ sáu 31 tháng 8, 2018 tại hội trường Providence Recreation Center, thành phố Falls Church, Virginia.
Sau nghi thức khai mạc do ông Bùi Mạnh Hùng phụ trách, luật sư Trịnh Hội, Giám Đốc Điều Hành Tổ Chức VOICE cho biết đây là phim tài liệu đầu tiên về một nhà dân chủ, một phụ nữ đấu tranh cho nhân quyền, blogger Mẹ Nấm, đang ngồi tù, do đạo diễn Clay Phạm thực hiện tại Nha Trang. Cốt truyện diễn tả cuộc sống kham khổ, gian nan, gia đình của Mẹ Nấm, bà ngoại tật nguyền, mẹ già chật vật nuôi hai con nhỏ của tù nhân lương tâm này mà còn thường xuyên bị công an bám sát, theo dõi, gây khó khăn đủ điều.
Cuốn phim dài 40 phút, được bí mật thu hình trong hoàn cảnh rất gay go, nguy hiểm, đã được chiếu tại các quốc gia trên thế giới tạo nhiều cảm xúc và thương xót trong công luận, khiến cộng sản Hà Nội phản ứng gay gắt.
Mẹ Nấm bị tòa án cộng sản xử 10 năm tù cộng với 5 năm quản chế, ghép vào tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” vì đã tham gia biểu tình chống Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Cô cũng thường xuyên lên tiếng bảo vệ dân oan bị cộng sản chiếm đoạt đất đai, tài sản, bênh vực gia đình các nạn nhân bị đột tử trong đồn công an, chống đối tập đoàn Formosa gây thảm họa môi trường, khiến cá chết đồng loạt tại bốn tỉnh Miền Trung.
Hiện nay cô bị giam trong một hỏa ngục ở Thanh Hóa, ngoài Miền Bắc, cách xa gia đình trên 1200 cây số và thường bị nữ tù hình sự “đầu gấu” hành hung, tính mạng luôn bị đe dọa. Cô đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối hành động khủng bố tinh thần và vật chất dã man của các cai tù.
Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh dù vắng mặt, đã được trao tặng nhiều giải thưởng như: Tự Do Báo Chí, Bảo Vệ Nhân Quyền, Những Người Phụ Nữ Quốc Tế Can Đảm.
Với sự can thiệp nhiều lần của chánh phủ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đòi Hà Nội trả tự do vô điều kiện cho Mẹ Nấm nhưng vẫn chưa được đáp ứng!
Sau phần hỏi đáp qua điện thoại với đạo diễn Clay Phạm, hiện đang lẩn tránh an ninh Việt Nam và bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ở Nha Trang, buổi trình chiếu kết thúc vào lúc 8 giờ tối. Có những vị ân nhân ở Mỹ đề nghị với bà Tuyết Lan xin nhận hai bé Nấm và Gấu làm con nuôi. Bà nói, sẽ hỏi ý kiến của Mẹ Nấm, khi bà đến trại giam thăm con gái và phúc đáp sau.
Lên tiếng với VIETV, luật Sư Trịnh Hội, Giám Đốc Điều Hành của VOICE (Vietnamese Overseas Initiative For Conscience Empowerment/ Sáng Kiến Thể Hiện Lương Tâm Người Việt Hải Ngoại) cho biết về cảm tưởng chung, nói đúng hơn đó là sự phẩn nộ, cú “sốc” của khán giả tại Đài Loan, Philippines, Úc, Canada và Hoa Kỳ khi xem tận mắt những hình ảnh đàn áp, sách nhiễu thô bạo của công an đối với gia đình Mẹ Nấm cũng như những tiếng nói dân chủ khác lên tiếng phản đối bản án nặng nề dành cho Mẹ Nấm.
Tại Việt Nam, phim chỉ được chiếu kín đáo trong các giáo xứ và nhà thờ với số người xem hạn chế. Trên Xứ Thái, phim được chiếu lần đầu tiên vào ngày 27 tháng 6 vừa qua, trong Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Tế (FCCT) tại Bangkok, Thái Lan. Khi biết được, Hà Nội triệt để ngăn cấm đồng thời áp lực chánh phủ Thái phải hủy bỏ các buổi trình chiếu phim “Mẹ Vắng Nhà”.
Bà Phùng Thị Hạnh, cựu Chủ Nhiệm báo Tin Sống ở Saigon [trước 1975] và cựu phóng viên tạp chí Newsweek, bày tỏ sự đồng cảm với hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, chật vật của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và mong muốn công luận quốc tế, cùng tập thể người Việt Hải Ngoại mạnh mẽ vận động đòi hỏi Hà Nội sớm trả tự do cho hàng trăm tù nhân lương tâm còn bị cộng sản Việt Nam giam cầm trong hỏa ngục, trong đó có Mẹ Nấm, nhân vật chính không thể có mặt trong cuốn phim cảm động này.
Đỗ Hiếu/ĐHT