Cuộc họp hôm đó quy tụ rất nhiều người, tất cả đều đi sát với ông từ những ngày đầu tiên và cùng nhau về Washington D.C. nếu ông đắc cử. Trên tay mỗi người là một danh sách khá dài những chính trị gia có triển vọng được chọn, và mọi người chờ đợi xem ý kiến của ông Obama như thế nào, lắng nghe những tiêu chuẩn ông đặt ra trước khi họ phát biểu. Không khí chẳng đến nỗi nặng nề nhưng được xem là khá căng thẳng, vì người được mời đứng chung liên danh sẽ là người giữ một vị trí quan trọng, có thể dẫn đến thắng bại cho cuộc bầu cử diễn ra 4 tháng sau đó.
Tin tức được phổ biến sau đó cho thấy ông Obama là người phát biểu đầu tiên. “Các bạn nghĩ sao về bà Clinton? Nếu tôi chọn Hillary thì các bạn thấy thế nào? Các bạn đồng ý hay phản đối? Ðiều tôi mong là các bạn trình bày thẳng thắn những gì các bạn nghĩ trong đầu, đừng ngần ngại gì cả”.
Ông Obama bảo “đừng ngần ngại” nhưng những người có mặt trong cuộc họp dường như ai nấy đều khá… ngại ngần khi nghe ông đặt câu hỏi với ý muốn chọn bà Clinton. Cũng như cử tri Hoa Kỳ, cả tháng trời trước đó tất cả các bản tin được phổ biến trên truyền hình, truyền thanh hay phổ biến trên mặt báo đều dự đoán bà thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang New York đứng đầu danh sách “những người có thể được mời đứng phó”, hai tờ tuần báo uy tín nhất là TIME và Newsweek phổ biến những cuộc thăm dò với kết quả giống hệt nhau: Liên danh Obama-Clinton là liên danh “ăn chắc”, không thể nào thua được. Nói rõ hơn: Với sự góp mặt của bà Clinton, ông Obama nắm chắc chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc.
Phải mất vài phút đồng sau đó ông cố vấn chính trị David Axelrod là mới cất tiếng “thay mặt cho anh em” để trình bày những gì họ đã thảo luận với nhau. “Chọn Hillary là điều hợp lý, nhưng chưa hẳn đã hay”. Tại sao vậy, ông Obama hỏi? “Tụi này nghĩ rằng anh nên chọn một người có thể làm việc với mình, đừng nên chọn một người lúc nào cũng có ý nghĩ nếu không có tôi thì anh không đắc cử tổng thống, sẽ khó làm việc lắm”. Ông Robert Gibbs phụ trách truyền thông và bà Valerie Jarrett đặc trách chính sách tiếp thêm, người bảo “đừng quên trong thời gian vận động tranh cử sơ bộ bà Clinton lúc nào cũng nói bà hiểu biết, kinh nghiệm nhiều hơn anh”, người thì nói “cuộc tranh cử thành công hay không là phải do chính mình, không thể trông cậy vào người khác”. Bà Jarrett còn bảo thêm “khí thế đang lên, các cuộc thăm dò nói anh sẽ thành công, đừng để chuyện có Hillary gây cản trở”.
Bốn mươi lăm ngày sau đó, ông Obama quyết định chọn Thượng Nghị Sĩ Joseph Biden đứng chung liên danh.
Chẳng ai ngờ gần 4 năm sau, bà Clinton lại được nhắc tới và giống như lần trước, liên danh Obama-Clinton vẫn là liên danh lý tưởng, giúp người đang lãnh đạo quốc gia ở lại thủ đô thêm 4 năm nữa.
Tại sao chuyện này lại được giới quan sát chính trị tại Washington bàn tán khá xôn xao trong những ngày gần đây? “Câu trả lời dễ lắm”, ông Mark O’Brien của đảng Dân Chủ trả lời. “Trong những ngày gần đây úy thế chính trị của ông Obama đang xuống, giữ ông Biden ở lại không giúp được gì cả, người ông Obama đang cần chính là bà Clinton”.
Nhưng tại sao lại phải là bà Clinton? Nhà bỉnh bút Cộng Hòa Joseph Curl trả lời “một trong những lý do ông Obama cần bà Clinton vì tỷ lệ phiếu nữ cử tri dành cho ông ta đang giảm sút”. Bằng chứng ông Curl đưa ra: Tháng trước tới 49% nữ cử tri nói họ sẽ ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm, mới đầu tuần này tỷ lệ đó đã giảm xuống còn có 44% trong khi số phiếu nữ cử tri 2 đảng nói sẽ ủng hộ ông Mitt Romney của đảng Cộng Hòa lại nhảy vọt lên thành 46%. Tỷ lệ này “rất khít khao, nhưng điều phải để ý tới là ông Mitt Romney đang dẫn đầu”.
Một lý khác nữa cũng được ông Curl nói tới là con số 270 phiếu cử tri đoàn mà cả 2 ứng viên Cộng Hòa lẫn Dân Chủ cần phải có để trở thành người lãnh đạo quốc gia. “Tôi phải nói ngay là chưa ông nào có đủ con số 270 cả, nhưng nếu tính thật kỹ thì ông Romney cũng đang dẫn đầu”. Bài toán của ông Curl như sau: Tổng Thống Obama sẽ thắng ở miền Tây và vùng Ðông Bắc (ngoại trừ New Hampshire và Massachusetts được xem là “quê nhà” của ông Romney), thắng cả các tiểu bang Hawaii, Illinois, Michigan, Minnesota, Colorado và New Mexico. Tổng cộng ông Obama hầu như chắc chắn sẽ được 252 phiếu cử tri đoàn.
Trong khi đó, các tiểu bang vẫn thường bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa giúp ông Romney khởi đầu với 191 phiếu, và ông có thể sẽ thắng ở Ohio lẫn Florida (nơi cử tri đến giờ vẫn thường lên tiếng chê bai chính sách kinh tế của ông Obama) và ở Virginia cùng North Carolina (nơi cử tri tỏ thái độ không bằng lòng với việc tổng thống ủng hộ chuyện cho thôi người đồng tính lập gia đình với nhau). Chỉ riêng 4 tiểu bang này không thôi đã giúp ông có thêm 75 phiếu “để nắm khá chắc 266 phiếu cử tri đoàn”, tiến thật sát với con số cần phải có.
Như thế để có thể chiến thắng -dù kết quả sẽ rất khít khao- ông Obama phải tìm người thay thế ông Biden hầu có thể thu hút cử tri, và “người ông nên chọn là bà Clinton”, theo ý kiến của nhà phân tích độc lập Beth Mary Johnson. “Phải nhớ 4 năm trước đây chỉ ở vòng sơ bộ không thôi, bà Clinton có 18 triệu người ủng hộ, từng được dự đoán sẽ thắng bất cứ ứng viên nào đại diện cho phía Cộng Hòa”, bà Johnson nói với giọng thật tự tin. “Mới tháng trước, đài ABC và tờ The Washington có làm cuộc thăm dò, tới 67% người Mỹ ủng hộ bà mà chỉ có 27% chống đối. Cũng trong cuộc thăm dò đó, chỉ có 41% cho biết họ hài lòng với ông Obama, số người lắc đầu với ông tổng thống lên đến 44%. Mời một người đang được dân chúng ủng hộ vào chúng liên danh là điều thật lợi, ông Obama phải nghĩ đến chuyện này”.
Chưa rõ ông Obama có đồng ý với nhận định của các nhà quan sát hay không nhưng trong một bài diễn văn mới đọc gần đây chính ông cũng nói đến vai trò của nữ giới. Ông bảo sau những thập niên phát triển, “Chúng ta đang bước vào một thế kỷ mới, trong đó phụ nữ không chỉ quyết định tương lai cho họ mà còn quyết định cho tương lai của cả nước Mỹ và toàn thế giới”.
“Ðiều ông Obama nói không sai, chỉ thiếu một điểm: Người có thể giúp ông ở lại Tòa Bạch Ốc thêm 4 năm nữa chính là bà Hillary Clinton”, theo nhà bình luận Joseph Curl của đảng Cộng Hòa. Ông Curl cho rằng bốn năm trước đây ông Obama thành công với lời kêu gọi “thay đổi và hy vọng” (“hope and change”), và ông sẽ làm một cuộc cách mạng chính trị nữa khi đưa một người uy thế như bà Clinton “trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ”. Vẫn ông Curl, “thành phần trung lưu, da trắng từng ủng hộ bà Clinton sẽ quay lại ủng hộ liên danh Obama-Clinton” và đó là “con đường duy nhất để ông Obama tái đắc cử”.
Liệu chuyện này có trở thành sự thật không? Chẳng ai biết cuối cùng câu chuyện sẽ đi tới đâu, chỉ biết đây là đề tài đang được nói tới. Lịch sử bầu cử cho thấy từng có 7 vị tổng thống Hoa Kỳ chọn người khác đứng phó cho họ khi tái tranh cử và 5 vị thành công, được cử tri giữ lại làm việc nhiệm kỳ 2.
Nguyễn Văn Khanh