Lặn lội từ Việt Nam sang tận Hoa Kỳ để kêu oan cho con mình đang bị cầm tù vì các hoạt động đấu tranh dân chủ ôn hòa mà Hà Nội gọi là ‘chống phá-phản động’. Đó là câu chuyện của ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, bà Nguyễn Thị Trâm, thân mẫu luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, và bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của hai nhà hoạt động trẻ chống Trung Quốc Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy.
Quốc Quân, Nguyên Kha, và Duy Thức đang bị các bản án từ hai năm rưỡi đến 16 năm tù lần lượt về các tội danh ‘trốn thuế’, ‘tuyên truyền chống nhà nước’, và ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, những bản án khơi dậy những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế về thành tích nhân quyền tai tiếng của Việt Nam.
Trong chuyến đi quốc tế vận cho con mình, bố của doanh nhân Duy Thức và mẹ của nhà hoạt động Nguyên Kha đã dành cho VOA Việt ngữ buổi trò chuyện về cuộc hành trình vạn dặm, hiếm hoi này.
http://www.youtube.com/watch?v=A-VT4AKSSyQ#t=138
Trà Mi-VOA
13.12.2013
Gia đình các tù nhân lương tâm vận động quốc tế hỗ trợ
Hòa Ái, phóng viên RFA
2013-12-12
121213-phongvan-hoaai.mp3
Thân phụ và thân mẫu của ba nhân vật trẻ tuổi và trung niên tranh đấu cho tự do dân chủ của Việt Nam đã tìm cách đi sang một nước thứ ba để từ đó vào nước Mỹ, hầu vận động quốc tế cứu giúp con của họ khỏi vòng lao lý, tìm lại tương
lai.
Đó là bà Nguyễn Thị Kim Liên, thân mẫu của anh Đinh Nguyên Kha và anh Đinh Nhật Uy cùng với ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
Trước tiên, với giọng nói yếu ớt không nên lời của một người cha đã 74 tuổi phải gắng đi tìm nơi cứu giúp con mình, ông Trần Văn Huỳnh bày tỏ mục đích chuyến đi:
Ông Trần Văn Huỳnh: . Mục đích của tôi trong chuyến đi này đến nước Mỹ vận động tìm sự giúp đỡ của cộng đồng hải ngoại cũng như của nhà nước Hoa Kỳ nhằm giúp vận động tự do cho con tôi, hiện đang thụ án 16 năm tù và 5 năm quản chế.
Bà Nguyễn thị Kim Liên tiếp lời:
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Mục đích chuyến của tôi là tôi tìm kiếm sự tự do cho bản án 4 năm tù của cháu Đinh Nguyên Kha và bản án 4 tháng rưỡi từ giam và 15 tháng tù treo của cháu Đinh Nhật Uy.
Bà nghẹn ngào nói tiếp, cố nén giọt lệ tràn:
– Tôi rất hy vọng chuyến đi này, tôi được qua đây và cất lên tiếng nói của một người mẹ: Chỉ vì con mình thể hiện lòng yêu nước, quyền công dân của nó mà nó lại áp đặt những năm tù oan khốc như vậy.
Bà chia sẻ thêm tâm tình của một người mẹ về những nỗi ngang trái phủ chụp lên gia đình bà cùng tương lai hạnh phúc của hai người con, vì những áp lực ác nghiệt của Nhà nước Việt Nam tác động lên những gia đình của những người hôn phối tương lai của Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy:
Tôi nghĩ là những người mẹ như tôi rất nhiều ở nước Việt Nam. Tôi rất đau khổ khi con mình bị như vậy. Một gia đình mà có một người bị đi tù như vậy thì rất là khốn khổ mà gia đình tôi lại là hai đứa. Những hệ lụy đến rất nhiều, rất nhiều. Kể cả chị Hai của nó cũng bị chồng li dị vì bên chồng nói là có gia đình phản động. Cháu Uy bây giờ ra tù thì bên nhà vợ cháu cũng từ hôn. Tôi rất mong qua đây để lên tiếng nhờ chính phủ Mỹ, những tổ chức của Liên Hiệp Quốc, nhờ những báo, đài mà mấy ngày nay tôi có đi và cả Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng để giúp đỡ những gia đình như tôi bên Việt Nam .
Hỏi về tình cảnh tù đày của ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Văn Huỳnh kể rõ chi tiết hoàn cảnh ngày càng khắc nghiệt mà người con phải chịu đựng nơi các trại tù do công an quản lý:
Ông Trần Văn Huỳnh: Khi bắt đầu bị đưa về trại giam Xuân Lộc vào năm 2010 cho đến 30 tháng sáu vừa rồi, 2013 thì bên trại giam Xuân Lộc sinh hoạt có vẻ thoáng hơn cho nên sức khỏe tương đối ổn định; Nhưng từ khi chuyển qua trại Xuyên Mộc đêm 30 tháng sáu sau sự kiện xảy ra tại đó. Khi sang Xuyên Mộc cái quản lý khắt khe hơn, chẳng hạn những tiếp phẩm của gia đình mang đến hàng tháng theo qui định mỗi tháng được thăm một lần. Chúng tôi luôn mang đến những tiếp phẩm theo nhu cầu mà Thức cần dùng mỗi ngày.
Tuy nhiên ở Xuyên Mộc thì đồ tiếp tế của gia đình mặc dầu họ cho nhận nhưng lục soát rất kỹ cho nên thay vì xài được 4 tuần thì một tuần nó đã hư hỏng rồi. Đó là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của Thức. Cũng như 4 tù nhân lương tâm khác khi bị chuyển qua Xuyên Mộc, Thức không được nầu nướng như bên trại Xuân Lộc. Họ bị biệt giam mỗi người một chỗ. Do vậy phải mua thức ăn của căn-tin của trại giam. Điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn nên làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con tôi.
Chúng tôi cũng chỉ nói với nhà cầm quyền Việt Nam rằng chúng tôi đi vì tình cha con. Tôi với con tôi. Nó bị oan sai. Tôi đi tìm tự do cho nó bằng sự giúp đỡ của bên trong và bên ngoài nước.
Ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ ông Trần Huỳnh Duy Thức
Ông cho biết ông và bà Nguyễn thị Kim Liên đã dự kiến những tình cảnh ác nghiệt mà họ sẽ gặp phải khi trở về sau chuyến đi này:
Ông Trần Văn Huỳnh: Tôi nghĩ điều đó là điều chúng tôi đã dự đoán trước khi ra đi trong chuyến đi này . Qua truyền thông thì họ biết chúng tôi có chuyến đi này thì khi trở về chắc chắn có những khó khăn thì chúng tôi cũng chấp nhận. Tuy nhiên, chúng tôi đi với tấm lòng của người cha, người mẹ vì con cho nên chúng tôi chấp nhận hết mọi tình huống xảy ra.
Ông gắng nhấn mạnh, giọng cứng cỏi:
-Chúng tôi cũng chỉ nói với nhà cầm quyền Việt Nam rằng chúng tôi đi vì tình cha con. Tôi với con tôi. Nó bị oan sai. Tôi đi tìm tự do cho nó bằng sự giúp đỡ của bên trong và bên ngoài nước.
Có thể khi về tôi sẽ bị tù đày, bị câu lưu hoặc là gia đình tôi sẽ bị sách nhiễu. Bằng chứng là từ ngày hai tháng 12 tôi đi qua đây thì ngày 3 tháng 12, an ninh Long An đã lên đứng đối diện nhà tôi, mỗi ngày hai người. Họ theo dõi, khủng bố tinh thần ông xã tôi đang còn bên nhà nhưng tôi chấp nhận
Bà Nguyễn thị Kim Liên, thân mẫu Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy
Bà Nguyễn Thị Kim Liên tiếp lời, rằng bà chấp nhận mọi tình cảnh khó khăn để vì các người con, tìm lấy tự do cho các con, bằng sự giúp đỡ của chính quyền Hoa Kỳ và các tổ chức yêu chuộng tự do:
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Tôi rất mong đợi chuyến đi này. Từ lâu rồi rất mơ ước nhưng không ngờ là có những tổ chức phi chính phủ giúp đỡ như chúng tôi qua được đến đất Mỹ này. Đất Mỹ mà lúc nào tôi cũng nghĩ đến sự tự do, dân chủ và công bằng. Bởi vậy tôi chấp nhận sự hiểm nguy. Có thể khi về tôi sẽ bị tù đày, bị câu lưu hoặc là gia đình tôi sẽ bị sách nhiễu. Bằng chứng là từ ngày hai tháng 12 tôi đi qua đây thì ngày 3 tháng 12, an ninh Long An đã lên đứng đối diện nhà tôi, mỗi ngày hai người. Họ theo dõi, khủng bố tinh thần ông xã tôi đang còn bên nhà nhưng tôi chấp nhận. Tôi đi tìm tự do cho các đứa con tôi vì tụi nó còn rất là trẻ. Nếu chính phủ và các tổ chức Quốc tế bên này mà họ cứu được hai đứa con tôi thì tuổi trẻ bên Việt Nam chúng tôi họ sẽ biết đường đi mà thay đổi theo dân chủ, tự do.
Cộng Đồng Việt Nam tại Washington D.C. Tiếp Đón Thân Nhân, Gia Đình Các Tù Nhân Lương Tâm Đinh Nguy Kha, Đinh Nhật Uy, Lê Quốc Quân, và Trần Huỳnh Duy Thức
Ngày 14 tháng 12, 2013
Vào năm giờ chiều tối ngày Thứ Sáu 13 Tháng 12, 2013, cộng đồng người Việt vùng Washington D.C. đã tổ chức thành công một cuộc họp mặt bỏ túi tại nhà hàng Fortune, quận Falls Church, Tiểu Bang Virginia. Mục tiêu cuộc họp mặt này là chào đón thân nhân bốn nhà tranh đấu nhân quyền hiện đang bị nhà nước Việt Nam giam cầm. Những tù nhân lương tâm này là các anh Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy, Lê Quốc Quân, và Trần Huỳnh Duy Thức. Các thân nhân có mặt vào cuộc họp này là chị Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ các anh Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy, chị Nguyễn Thị Trâm, mẹ anh Lê Quốc Quân, và anh Trần Văn Huỳnh, bố anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Có mặt tại cuộc họp này là anh Trịnh Hội, điều phối viên của VOICE, một tổ chức thiện nguyện không thuộc nhà nước có mục đích giúp đỡ người Việt tỵ nạn tại Phi Luật Tân; một số nhân vật lãnh đạo cộng đồng Việt Nam tại vùng Washington DC trong đó có các anh Đoàn Hửu Định, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Mậu Trinh; và đại diện các tổ chức như Cơ Sở Việt Thức (Việt Thức Foundation, VTF), và các cơ quan truyền thông như đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và đài Á Châu Tự Do (RFA). Trong số những người tham dự còn có các anh Nguyễn Quốc Quân (anh ruột nhà tranh đấu nhân quyền Nguyển Đan Quế), và hai nhà văn nữ Trương Anh Thụy và Nguyễn Thị Thanh Bình.
Buổi họp mặt đã diễn ra trong vòng thân mật. Sau khi anh Trịnh Hội trình bày ngắn gọn về mục tiêu và phương pháp hoạt động của tổ chức VOICE, các người tham dự buổi họp mặt đã dành suốt thời gian còn lại để trao đổi và chia sẻ với các thân nhân những tù nhân lương tâm. Chị Liên nói chuyện say sưa, chân tình, và ngọt ngào, với một giọng nói Miền Nam đặc thù.
Chị Trâm nói chậm, rõ ràng, bén nhọn, bằng tiếng xứ Nghệ – ngắn, cụt và sắc – một thổ âm mà một số không ít những người tham gia cuộc họp đã chưa hề nghe qua. Anh Huỳnh nói với một giọng Hà Nội thuần túy, nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ và đầy hâm hấp nội lực và niềm tin. Từ những thân nhân này, chúng tôi đã say mê nghe những chi tiết về đời sống của các người con thân thương của họ ở chốn lao tù và các mẩu chuyện về những lần thăm nuôi đầy gian nan.
Chúng tôi đã phấn khởi khi nghe anh Bích kể lại một số chi tiết về cuộc thăm viếng văn phòng Ủy Ban Nhân Quyền Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ. Anh nói về việc Ũy Ban đã dành cho các thân nhân những lời hổ trợ đầy khích lệ và những cảm tình chân thật. Anh cũng đề cập đến những lời cám ơn chân thành của Ủy Ban vì theo họ, cuộc thăm viếng này đã cho họ cơ hội nghe được “những lời nói thật trực tiếp từ những con người thật, những nạn nhân thật” của các vi phạm nhân quyền.
Chúng tôi đã xúc động khi nghe cha và mẹ các tù nhân lương tâm từ tốn nói về một niềm tin không có gì lay chuyển được của họ về một nước Việt trong đó quyền sống và quyền làm người của từng nguời một sẽ không bao giờ bị vi phạm nửa. Tim chúng tôi lại đã xúc động mạnh hơn khi nghe Chị Trâm, mẹ của tám người con, phát biểu: “Tôi đã chờ chín năm rồi”, chị nói, và chị tự tiếp lời: “Tôi sẳn sàng chờ thêm, cho đến bao giờ, cho đến bao giờ…”
Cho đến bao giờ?
Câu trả lời cho câu hỏi của người mẹ tám con đó, cho ba thân nhân những người tù lương tâm đến từ ba miền Bắc, Trung, và Nam của đất nước Việt nói riêng, và cho từng người Việt dù ở bất cứ nơi nào, nói chung, có lẽ ai cũng biết. Hay có lẽ, không có ai biết. Thế nhưng, qua khí thế và tâm tình ghi nhận được trong buổi họp bỏ túi này, chúng tôi biết chắc rằng ngày đó không xa. Ngày đó sẽ không xa, nếu 90 triệu người trong nước và 4 triệu người việt hải ngoại biết nghe và biết làm theo tiếng nói của con tim mình và của lẽ phải.
Cuộc họp chấm dứt vào chín giờ tối.