“De l’audace, encore de l’audace, toujours de l‘audace, et la France est sauvée” [Hãy táo bạo, dám làm, táo bạo hơn nữa, và luôn luôn dám làm, và nước Pháp thoát nạn]. Danton (Bài hịch ngày 2 septembre 1792)
Tối Chúa Nhựt 7 tháng 5 năm 2017, ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống nước Pháp. Phong trào « Tiến Bước – En Marche » do ông thành lập vừa tròn năm (6 /04/2016), đã giựt được quyền lãnh đạo. Riêng ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, chỉ mới được dư luận và giới chánh trị biết đến cũng chỉ vào khoảng từ 2 năm nay, và chỉ mới lập đảng cũng từ một năm nay. Người dân Pha Lang Sa nhìn ông, « Như một chai nước, người thấy chai nửa vơi sợ ông Tổng thống còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm ; người thấy chai nửa đầy, nghĩ ông ta là người của thời đại mới, có phương pháp hành động khác hẳn những chính khách kỳ cựu, đã thi nhau lãnh đạo, thi nhau thất bại, đã đưa một quốc gia đầy tiềm năng vào ngõ cụt. Điều chắc chắn : Macron vừa mở một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt chính trị ở Pháp và ở Âu Châu. Macron đứng trước những trở ngại vạn nan, cải cách một cường quốc tụt hậu, đã quen sống trên khả năng của mình và không có thói quen hy sinh quyền lợi cá nhân » (Từ Thức, Thế hệ Macron, Paris, ngày 7/05/201). Và dân Pháp đã DÁM bầu cho Ông làm Tổng Thống, đã DÁM giao trách nhiệm tối cao cho Ông. Chỉ vì Ông tuy nhỏ tuổi nhưng đầy tự tin, đã DÁM ứng cử vào chức vụ tối cao ấy, DÁM lãnh trách nhiệm nầy với quốc dân mình ! Một kỷ nguyên mới, một cách làm chánh trị mới. Một con người mới GẶP GỞ một thời cuộc mới, với một lòng dân mới ! Bên DÁM nhận, bên DÁM Giao !
Trở ngại vạn nan:
Tổng Thống Macron thắng cử trong một tình trạng khủng hoảng kinh tế và tài chánh đầy khó khăn. Khó khăn không những cho quốc gia Pháp của mình, mà vừa cả thế giới, và vừa cả Âu châu. Công Nợ Pháp đang sắp vượt mức 95% Tổng Số Sản Lượng Quốc Gia (Tổng số Công Nợ Pháp 2,000 Tỷ €uros/ Tổng số 2,118 Tỷ €uros của Tổng Sản Lượng Pháp*). Cán cân thương mãi Pháp lỗ lã triền miên, xêm xêm 7 tỷ €uros vào tháng ba 2017*, và tổng số lỗ lã của 12 tháng cuối cùng là 55 Tỷ €uros*. Toàn là những con số kỷ lục ! Còn có hy vọng tăng trưởng gì không ? Chắc chắn không vượt được 1% cho toàn năm 2017* ! Tất cả trong một không khí một buổi chợ chiều ảm đạm của nền kinh tế âu châu trên đà xuống dốc, một hệ thống đồng €uro rất khó khăn, cùng với một môi trường kinh tế quốc tế không thuận lợi, và đến cả những đầu tàu kinh tế là các quốc gia đang lên cũng đang bị hạn chế, tăng trưởng chậm lại. Đó là chúng ta chưa nói đến ảnh hưởng tương lai của Brexit – Liên Hiệp Vương Quốc Anh đang rời khối Liên Âu.
Mặc dù như chúng ta cũng đã biết : Bức tường tiền bạc, tài chánh, các ngân hàng, các ngân khoản, những luật lệ khó hiểu đầy rủi ro của kinh tế thị trường, những đột phá dã man của những thị trường chứng khoán hay những cơn nóng sốt của thị trường tự do do đầu cơ tích trử không phải là những hiện tượng mới mẻ hay mới sanh ra gần đây !
Mà đây cũng không phải là lần đầu mà nước Pháp phải trải qua những cơn khủng hoảng kinh tế, chánh trị hay tài chánh đâu : – Năm 1981, nước Pháp cũng vừa vượt khỏi hai « cú sốc » dầu hỏa và cũng đang sống với con số lạm phát khổng lồ là 14%, nhưng các công quỹ vẫn còn giữ được thăng bằng. Chính nhờ vậy, tân Tổng thống François Mitterrand (phái tả, Đảng Xã hội Pháp) đã cứu vãn được tình hình và vực dậy được bộ máy kinh tế hoạt động lại hữu hiệu. – Năm 1997, mặc dù đã bắt đầu có công nợ do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1993, và cũng vì những lời hứa không thực hiện được của Tổng thống Jacques Chirac (Thuộc Phái Hữu, Đảng Liên hiệp các Phong trào Bình dân – Union des Mouvements Populaires UMP) nên phải giải tán Quốc hội, đổi chánh quyền, trao quyền Thủ tướng cho đối lập, nhưng nhờ môi trường thuận lợi của tình hình kinh tế thế giới, nên thủ tướng Lionel Jospin (Đảng Xã hội) cứu được nước Pháp.
Nhưng năm nay, 2017, tình hình kinh tế hoàn toàn khác hẳn ! Thế nhưng dân Pháp lần nầy, DÁM phá lệ, vứt bỏ truyền thống bỏ phiếu cho hai đảng lịch sử kỳ cựu, Đảng Xã Hội và Đảng Cộng Hòa đã thay nhau cầm quyền từ 1958, từ đầu Đệ Ngũ Cộng Hòa do Tướng De Gaulle thành lập, DÁM giao quyền lực Tổng Thống, bầu một vị trẻ tuổi, 39 tuổi đời, không có một lịch sử chánh trị bản thân đi cùng với một Tập Họp Chánh Trị – một Phong trào chưa tạo được thành Đảng tròn trèm vừa được một năm. Dám, táo bạo vì :
Tân Tổng thống nầy phải biết lấy lại thăng bằng cán cân công quỹ, tài chánh.
Tân Tổng thống nầy phải tạo lại sức sản xuất của nền công nghiệp Pháp,
Tân Tổng thống nầy phải biết tạo lại sức cân bằng xã hôi : rút bớt lại khoản cách giàu nghèo, giải quyết những bất công, nghề nghiệp, giai cấp xã hôi…
Và chuyện ấy không phải dễ :
Vì : nếu không tạo tăng trưởng làm sao có phát triển, có sức tạo dựng lại xã hội ?
Nếu không có đạo đức, công lý trong quản trị tài chánh làm sao có tạo được sự tín nhiệm của nhơn dân Pháp ?
Và nếu không có một nền công lý xã hội công bằng, làm sao có thể nói đến sự hợp tác giữa người dân và chánh phủ, giữa người cầm quyền và người dân, giữa chủ nhơn và công nhơn ?
Đó là một phương trình kinh tế tài chánh chánh trị : ba vế hài hòa.
Bỏ quên vế tài chánh, là nước Pháp sẽ bị loại khỏi thế giới tài chánh âu châu, vì không kiểm soát và kềm chế giảm bớt được lạm phát nợ công quỹ.
Bỏ quên vế kinh tế, là nền kinh tế thương mại ngân hàng và các đại cơ sở kinh doanh thương nghiệp của nước Pháp sẽ thụt lùi, thâm thủng ngân sách lỗ lã.
Bỏ quên vế chánh trị là toàn bộ vai trò quốc gia Pháp trên thương trường, trên các tổ chức quốc tế sẽ xuống cấp, và những địa vị vai trò lịch sử của nước Pháp đi vào quên lãng.
Ông tân Tổng thống nầy không có nhiều thì giờ : năm năm cầm quyền rất ngắn. Tất cả vấn đề phải được đề xuất trong năm đầu tiên và có ngay kết quả trong năm thứ hai. Tất cả những dự án về kinh tế xã hội phải được vẽ ngay từ 100 ngày đầu, được thực thi ngay năm đầu. Việc đầu tiên là những biện pháp cải tổ ngành thuế vụ : đó là những dấu hiệu của một sự đối xử công bằng giữa những người giàu và nghèo ; giữa giới sản xuất và giới công nhơn ; giữa giới tài phiệt chủ nhơn những chứng khoán, những tài khoán đầu tư và giới lao động chủ nhơn tay nghề và sức lao đông phát triển. Đạo đức trong sự công bằng đối xử và quản trị tài chánh và quản trị con người, giữa kinh tế và xã hội. Công bằng giữa các phương tiện phát triển để có công bằng trong việc chia lợi tức giữa lợi nhuận các tài phiệt và mãi lực của người dân. Công bằng và Đạo đức trong quản trị các công quỹ, giảm bớt phung phí, rút ngắn lại các đường giây quản trị, quyết định. Chia đều trách nhiệm giữa trung ương và địa phương sẽ tạo hữu hiệu và tiết kiệm ngân sách.
Tổng thống Emmanuel Macron, vừa đắc cử vào ngày 7 tháng 5 phải bắt đầu ngay một cuộc chạy đua để cứu tình hình nước Pháp. Như chúng ta cũng đã thấy tình hình nước Pháp, tài chánh thì nợ như chúa chổm, kinh tế thì sản xuất ra không người mua, cán cân thương mãi đang suy sụp, hàng bán quá mắc, hàng hóa cần thiết như quần áo, giầy dép, lương thực, cây trái đều nhập cảng… : quần áo thì Tàu, Ấn độ, Việt Nam … máy móc cao cấp thi Đức, Nhựt, Đại hàn… Người Pháp không tiêu thụ hàng « made in France », vì thiếu tự trọng, thiếu lòng yêu nước ? Chỉ biết mua « hàng ngoại thứ giá rẽ, sản phẩm xấu » ? Hay tại vì không có mãi lực để đi mua hàng trong nước quá mắc ? Hay cũng có thể hàng thực dụng trong nước không còn nữa, chỉ còn hàng « ngoại » thôi ?
Chuyện Người Việc Ta: Và Việt Nam?
Khi bàn về nước Pháp, chúng tôi thường nghĩ đến Việt Nam. Những tiêu đề trong chương trình của một tân Tổng thống Pháp chúng ta đều có thể áp dụng ở Việt Nam được cả.
Tăng trưởng để Phát triển, đi từ một quốc gia kém mở mang lên đến một quốc gia đang lên là cả một phương trình quản trị đúng đắn công bằng, giữa giai cấp cầm quyền và người dân ; giữa giới chủ nhơn và giới công nhơn… Công bằng, Đạo đức là giảm bớt khoảng cách ăn chia giữa các chủ nhơn tài khoán đầu tư (chứng khoán) và lương bổng công nhơn. Quản trị công bằng và đạo đức trong lợi nhuận sản xuất là quản trị công bằng xã hội. Giảm bớt giàu nghèo là tạo mãi lực, tạo một thị trường nội địa, bớt phải lo lắng đến xuất cảng.
Một thể chế thuế vụ công bằng và đạo đức sẽ tạo những công bằng xã hôi. Nhà nước hãy bỏ bớt những vai trò chủ nhơn sản xuất, chỉ nên chú trọng đến các vai trò giám khảo, điều hợp các hợp đồng giữa chủ nhơn và công nhơn, điều hợp giữa sản xuất và tiêu thụ … Từ Nhà một Nước Sản Xuất hãy trở thành một Nhà Nước Trọng Tài**.
Muốn đi đến một thể chế kinh tế sung mãn, một nền tài chánh dồi dào, phải có một thể chế chánh trị công bằng, dân chủ, chấp nhận giao nhiệm vụ quản trị cho người dân, có đa nguyên, mới có cạnh tranh, có cạnh tranh mới có sáng kiến, có sáng kiến mới có trách nhiệm và phát triển.
Nhà cầm quyền nên là một điều hợp viên, một nhạc trưởng, một « chef d’orchestre » cho một giàn nhạc giao hưởng hài hoà. Hoà hợp kinh tế-tài chánh để có một đất nước giàu mạnh.
Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cầm quyền, và cầm quyền tuyệt đối đã trên 70 năm. Và nước Việt Nam vẫn là một nước nghèo, vẫn đang bị một lô chuyện khủng hoảng, từ đời sống xã hội, kém vệ sanh nghèo đói, đến đời sống kinh tế, tổng sản lượng đầu người hằng năm tròn trèm trên dưới 2,000 dollars US, đứng vào những quốc gia cuối hạng trong bảng xếp hạng giàu nghèo trên thế giới.
Thế giới đang cần nền kỹ nghệ mới, tiên tiến, mủi nhọn, xanh, điện gió, điện mặt trời … một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì nhờ không có những cơ chế xưa, cổ hủ… đáng lý là phải phát triển ngay những kỹ thuật mới, trái lại vẫn chạy theo những kỹ thuật cũ kỹ, dùng điện bằng dầu hỏa, bằng than đá… hại môi trường, hại sức khỏe người dân.
Một đất nước có tỷ lệ thanh thiếu niên tuổi trẻ cao, đầy tương lai như Việt Nam phải biết đầu tư vào những kỹ thuật mới.
Tại sao cứ nghèo hoài ? Cứ chậm tiến, tụt hậu hoài ? Hỏi là trả lời ! Bài viết hôm nay nói chuyện về chế độ quản trị. Nước Pháp đang gặp khó khăn, dân Pháp DÁM vứt bỏ quan niệm quản trị chánh trị, hệ thống chánh trị truyền thống, lưởng đảng, Tả Hữu … Phá rào, phá lệ, bầu và DÁM giao tương lai vận mệnh đất nước cho một vị Tổng Thống trẻ (39 tuổi), với một Đảng Chánh Trị vừa thành lập chưa tròn năm, ít kinh nghiệm chánh trường… Thành công, thất bại ? Tương lai sẽ trả lời…Dám thôi !
Câu chuyện Việt Nam còn dài, người viết xin phép được dừng ở đây ! Chúng tôi chỉ mong bài viết về tình hình nước Pháp của chúng tôi được đọc giả Việt Nam dùng để đấu tranh với nhà cầm quyền Cộng Sản Hà nội, để những người Việt Cộng đương quyền PHẢI tỉnh ngủ, hoặc cải tổ hoặc trao quyền cho người dân ! Nếu không e rằng chính người dân Việt Nam sẽ nổi dậy cướp lại chánh quyền nơi tay Đảng Cộng Sản Hà nội… Gương Liên Sô còn đó, gương bức tường Bá linh còn đó …Cả khối Số Viết, cả khối Đông Âu, khối quân sự Varsovie, khối thương mại Comecom to lớn như thế kia mà còn sụp đổ chỉ trong vài tháng !
Ông Pierre Mendès-France, một nhà chánh trị Pháp thuộc phái tả, của những năm 1950 (ông đã thay mặt nước Pháp ký hiệp ước ngưng bắn ở Đông dương Pháp tại Genève này 20 tháng 7 năm 1954) có viết một câu để đời « Không có một thể chế chánh trị nào mà không có rủi ro cả, chỉ có những thể chế chánh trị không có vận may thôi – Il n’y a pas de politique sans risque, mais des politiques sans chance ».
Đảng Cộng sản Việt Nam có DÁM lấy những cái rủi ro, cải tổ lại cơ chế, guồng máy chánh trị, thay đổi nảo trạng chánh trị, để tạo một nước Việt Nam Độc lập, Tự do, Phú cường, Dân chủ, Công bằng không ?
Đó là một quyết định rất nhỏ : chỉ DÁM hay không dám thôi !
Đó cũng chỉ là một quyết tâm chánh trị – une volonté politique – để chứng minh là thực sự yêu nước Việt Nam, yêu người Việt Nam và quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam tử tế, văn hóa và phồn thạnh để góp mặt cùng thế giới tiên tiến. Nếu không thì người dân Việt Nam sẽ DÁM ! Và sẽ Mạnh Dạn Đứng Lên Tự Lấy Trách Nhiệm !
Chỉ có thế thôi, mong lắm!
Hồi nhơn Sơn, đầu tháng năm
Mừng Tân Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron
TS Phan Văn Song
Ghi Chú:
*Dữ kiện do Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp. INSEE Institut Nationale de la Statistique et des Études économiques-Viện Thống kê Quốc Gia và Nghiên Cứu Kinh tế
** Xin đọc bài viết tuần trước “Mẫu Quản Trị nào …? Quốc Gia Can Thiệp hay Quốc Gia Trọng Tài” cùng tác giả Phan Văn Song