Trong Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định rằng « Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo » trong cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chẳng ai hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa cụ thể là như thế nào và chưa biết kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo ra sao, nhưng trước mắt chỉ thấy là các tập đoàn Nhà nước thua lỗ, thậm chí nợ nần chồng chất, như trường hợp của Vinashin. Điều đáng nói là thay vì để cho phá sản, chính phủ Việt Nam đã cố duy trì tập đoàn này, thậm chí sử dụng công quỹ để trả nợ dùm Vinashin. Quyết định của chính phủ lấy 300 triệu đôla tiền thu được từ phát hành trái phiếu quốc tế để trả nợ cho Vinashin đã gây nhiều tranh cãi trong những ngày qua.
Trong một bài viết đăng trên mạng Bauxite Việt Nam ngày 24/9, tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nêu thắc mắc : Trước đây cũng không thấy nhắc đến khoản nợ nước ngoài 300 triệu USD này của Vinashin. Nó có nằm trong 600 triệu USD mà Vinashin tự vay và không có bảo lãnh của Chính phủ hay không? Nếu 300 triệu này là trong 600 triệu USD không có bảo lãnh, thì tại sao Chính phủ lại đi trả nợ hộ một doanh nghiệp? Nếu nó nằm ngoài 600 triệu Vinashin tự vay thì nó là khoản nào? Quốc hội có biết không?
Ông Nguyễn Quang A lưu ý : « Chính cách vay hộ rồi lại trả hộ cho Vinashin và các tập đoàn khác là một cách làm cho doanh nghiệp “hư” (giới chuyên môn gọi là khiến cho ràng buộc ngân sách của chúng trở nên mềm) và đó là một trong hai nguyên nhân chính làm cho chúng hoạt động không hiệu quả.
Người ta bàn nhiều về nợ công của ta vẫn trong ngưỡng an toàn. Bộ Tài chính nói nợ công của ta năm 2009 mới ở mức 52,6% GDP, nhưng đó là chưa tính các khoản nợ của những đứa con hư mà Chính phủ có thể phải trả. Lấy khoản vay mới để trả nợ cũ trong nhiều trường hợp là dấu hiệu nguy hiểm. »
Trả lời phỏng vấn RFI vào thứ năm tuần trước từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng nêu thắc mắc tương tự và từ vụ này, ông Lê Đăng Doanh đã một lần nữa đặt lại vấn đề về vai trò và cách vận hành của doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam. Sau đây mời quý vị nghe cuộc phỏng vấn:
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh : Vừa qua, dư luận rất quan tâm đến việc Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký quyết định giao cho Bộ Tài chính xử lý món nợ 300 triệu mới phát hiện của tập đoàn Vinashin. Dư luận quan tâm là bởi vì, thứ nhất, trước đây, trong tất cả các báo cáo thì không hề thấy nói trên khoản nợ 300 triệu đôla này. Món nợ này sắp đáo hạn, cho nên sẽ phải thanh toán. Thứ hai, người ta không biết là còn có những món nợ nào khác của Vinashin nữa hay không ? Các tập đoàn khác thì sao ? Thứ ba, trái phiếu chính phủ, mà trước đây được dự trù là dành cho các mục đích khác, nay lại được dùng để trả nợ Vinashin và giao cho Bộ Tài chính thực hiện, thì điều này có nghĩa là chính phủ dùng tiền thuế của dân để trang trải nợ của Vinashin hay không ? Đó là những câu hỏi có tính nguyên tắc và công luận hiện nay hết sức quan tâm.
Nếu tình hình diễn ra như thế này thì các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước sẽ được chính phủ đảm nhận và chi trả hết hay chăng ? Nếu mà điều này diễn ra thì số nợ công của Việt Nam sẽ là bao nhiêu ? Khả năng chi trả là như thế nào ? Tại sao lại lấy tiền thuế của dân để trả những món nợ như thế này ? Đấy là những câu hỏi mà hiện nay người ta đang nêu lên và tranh luận rất sôi nổi trên mạng, mà chưa có câu trả lời.
RFI : Thưa ông Lê Đăng Doanh, trong chuyện này thì chúng ta phải hiểu quan hệ giữa Nhà nước với các doanh nghiệp, các tập đoàn Nhà nước là như thế nào ? Tức là Nhà nước như vậy là người đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn về những sai lầm do ban quản trị của tập đoàn đó gây ra, hay là chúng ta phải đặt vấn đề : những người lãnh đạo trực tiếp các công ty đó phải chịu trách nhiệm ?
TS Lê Đăng Doanh : Vấn đề ở đây là trước hết phải kiểm kê rốt ráo các khoản nợ đã phát sinh. Thứ hai, phải là có sự phân loại là Nhà nước chịu trách nhiệm đến mức độ nào và đến mức độ nào thì doanh nghiệp phải tự chịu có trách nhiệm trang trải. Thứ ba, phải có một quy chế và kỷ luật rõ ràng rằng những doanh nghiêp nào được vay nợ như thế nào và họ phải tự chịu trách nhiệm trang trải món nợ đó. Chứ nếu cứ để doanh nghiệp Nhà nước vay nợ, rồi cuối cùng Nhà nước lại phải trang trải và lo một cách hết sức là đột ngột và không có kế hoạch gì cả như trong trường hợp của 300 triệu đôla nợ của Vinashin, thì đây sẽ là một tiền lệ xấu và có thể dẫn đến một tình hình phức tạp hơn rất nhiều. Đấy là điều mà hiện nay nhiều chuyên gia và giới chuyên môn đang thảo luận trên mạng và trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam.
RFI : Thưa ông Lê Đăng Doanh, món nợ của Vinashin chính là hậu quả của việc trong một thời gian dài các doanh nghiệp Nhà nước không được quản lý minh bạch, thiếu sự kiểm soát, ràng buộc đối với các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông, chúng ta phải cải tổ cách quản lý các doanh nghiệp Nhà nước như thế nào để tránh những Vinashin mới ?
TS Lê Đăng Doanh : Rõ ràng là phải có một sự rút kinh nghiệm rất đầy đủ đối với tất cả các doanh nghiệp Nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình, thực hiện kỷ luật tài chính, thực hiện trách nhiệm cá nhân, phân định rạch ròi trách nhiệm Nhà nước với trách nhiệm doanh nghiệp.
Suy cho cùng thì đấy là thuộc sở hữu toàn dân, vậy thì người dân được hưởng gì từ những món nợ, từ những hoạt động này ? Như vậy phải có những quy chế về công khai, minh bạch, phải thường xuyên công bố ra cho người dân biết. Từ ngày 1/7/2010, luật doanh nghiệp Nhà nước đã hết hiệu lực, nhưng những doanh nghiệp Nhà nước vẫn tồn tại dưới hình thức là những công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và quy chế quản lý cũng như toàn bộ khung pháp lý để quản lý các công ty này cần phải được hoàn thiện và bổ sung thêm.
RFI : Tức là theo ông thì cần phải có sự kiểm tra định kỳ về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn Nhà nước để tránh tình trạng thua lỗ kéo dài, mà đến bây giờ người ta mới phát hiện như trường hợp của Vinashin ?
TS Lê Đăng Doanh : Phải thực hiện một quy chế công khai, minh bạch, công bố kết quả hoạt động, như là các công ty đã ghi danh trên thị trường chứng khoán, tức là phải công bố ít nhất sáu tháng một lần để cho mọi người biết. Kèm theo đó là chế độ kiểm toán, chế độ thanh tra và các chế độ trách nhiệm cá nhân cần được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.
RFI : Về vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, theo định nghĩa cho tới nay thì khu vực Nhà nước vẫn là khu vực nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Qua vụ Vinashin, chúng ta có nên xác định lại vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước và giao cho tư nhân đảm nhận thêm nhiều lĩnh vực khác, để khu vực Nhà nước tập trung vào một số lĩnh vực chiến lược thôi ?
TS Lê Đăng Doanh : Khái niệm được sử dụng là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhưng kinh tế Nhà nước ở đây là bao gồm tài sản quốc gia, dự trữ quốc gia, tài nguyên rừng biển và doanh nghiệp Nhà nước. Như vậy, nó là một khái niệm kinh tế hết sức là hỗn độn, chứ không phải là một khái niệm chuyên môn. Trong cái kinh tế Nhà nước có rất nhiều phạm trù sở hữu khác nhau, các loại hình tư bản khác nhau, thể hiện bằng tiền, bằng tài sản, bằng tài nguyên, v. v. . . Khái niệm kinh tế Nhà nước như vậy rất là trừu tượng và không có ý nghĩa gì lắm trong điều hành kinh tế. Trong khi đó thì doanh nghiệp Nhà nước vẫn được đề cao, các tập đoàn Nhà nước vẫn được coi là quả đấm mạnh, là xương sống của nền kinh tế. Nhưng quả đấm ấy có thật mạnh hay không, đó là một vấn đề cần phải được xem xét từ thực tế, chứ không phải được xác định như là tín điều. Thứ hai, chính phủ cứ nói rằng các doanh nghiệp Nhà nước là công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường. Cho đến nay, lý thuyết kinh tế và thực tế không chứng minh điều này.
Hiện nay, tập đoàn điện lực của Việt Nam lại gây tình trạng thiếu hụt điện rất trầm trọng, gần 25%. Thế thì việc này đóng góp gì cho ổn định vĩ mô ? Còn các nỗ lực để ổn định giá ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh , cho tới nay thấy không có hiệu quả gì cả, bởi vì tháng chín, sau khi điều chỉnh tỷ giá và các biện pháp khác, thì giá hàng trăm mặt hàng đang tăng lên và sẽ tiếp tục tăng.
Như vậy chúng ta phải coi doanh nghiệp Nhà nước như là những doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và theo mục tiêu nhất định do Nhà nước định ra, bởi đấy là vốn của Nhà nước và vì vậy phải hạn chế việc các doanh nghiệp Nhà nước đa dạng hóa kinh doanh. Ví dụ như tập đoàn điện lực nay kinh doanh cả khách sạn, chứng khoán, trong khi việc chính là cung ứng điện thì lại không làm tròn. Nhiều tập đoàn cũng đang kinh doanh như vậy ví dụ như tập đoàn dầu khí có ít nhất 2 hay 3 công ty tài chính chứng khoán và 2 hay 3 công ty đầu tư bất động sản.
Như vậy cần phải xem xét lại những đồng tiền này để dùng chúng vào mục đích nhất định. Trong tình hình như thế, cần phải có những biện pháp cần thiết để phát huy các tiềm lực của toàn dân, bởi vì hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp Nhà nước cho tới nay đã được chứng minh là không đúng như những điều đã được báo cáo. Ví dụ như người vẫn báo cáo là thu ngân sách của doanh nghiệp Nhà nước là rất lớn, nhưng thật sự là trong nguồn thu đó có tính luôn cả thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là có cả thuế đánh lên rượu bia và thuốc lá. Như vậy, đó là phần đóng góp của người tiêu dùng, chứ đâu phải là lợi nhuận do doanh nghiệp Nhà nước tạo ra ? Xuất khẩu của doanh nghiệp Nhà nước tính luôn cả xuất khẩu gạo, thủy sản, nhưng gạo là do nông dân làm, thủy sản là do nông dân nuôi. Toàn bộ đều được gộp vào để tính tỷ trọng của doanh nghiệp Nhà nước.
Tất cả những việc này cần phải được xem xét lại một cách hết sức cầu thị và nhìn thẳng vào sự thật. Theo tôi, không nên cứ bám vào các tín điều cũ không còn được thực tế chứng minh và cũng không phù hợp với thông lệ trên thế giới và cần phải quay về thực tế là để cho các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong một số lĩnh vực cần thiết nào đấy, với kỷ luật và quy chế chặt chẽ. Đấy là điều mà Việt Nam hiện nay cần làm, thay vì khoác cho doanh nghiệp Nhà nước một cái áo quá là hoa mỹ, nào quả đấm thép, nào là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, nào là công cụ ổn định giá, trong khi thực tế không phải như vậy.
RFI : Thưa ông Lê Đăng Doanh, các doanh nghiêp tư nhân cho tới nay vẫn than phiền bị phân biệt đối xử, vậy thì phải áp dụng luật lệ như thế nào để không còn sự phân biệt đối xử ấy ?
TS Lê Đăng Doanh : Hiện nay các doanh nghiệp Nhà nước và sử dụng đến 65% tổng số tín dụng, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận tín dụng hoặc số tín dụng tiếp cận được rất là thấp. Việc tiếp cận đất đai và các đặc quyền kinh doanh cũng rất là hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn rất mới và rất non trẻ. Bên cạnh những công ty đã có những đóng góp và có những tiến bộ rất đáng trân trọng như Gốm sứ Minh Long ở Bình Dương, Dệt Thái Tuấn ở TP Hô Chí Minh, Công ty giày dép Biti’s đã xuất khẩu sang được Trung Quốc, là một loạt những doanh nghiệp tư nhân khác đã lớn lên, thông qua mối quan hệ đã tiếp cận được một khối lượng tài nguyên đất đai khổng lồ, đã khai thác những tài nguyên đó để làm giàu lên một cách nhanh chóng. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh quốc tế và tiến bộ về khoa học công nghệ, về năng suất lao động chưa tương xứng.
Vì vậy, đối với doanh nghiệp tư nhân, một mặt phải mở rộng phạm vi hoạt động của họ, thứ hai là là phải có một môi trường cạnh tranh bình đẳng, vượt qua cái gọi là kinh tế thị trường cánh hẩu, sử dụng các quan hệ ưu tiên, ưu đãi để phục vụ lợi ích của một nhóm người nhất định.
RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Thanh Phương