HANOI (VB) — Đảng CSVN có bao giờ bị Quốc hội CSVN tố cáo là nói dối, lừa gạt dân? Chuyện này đang xảy ra. Lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước CSVN, nhiều cán bộ Thường Vụ Quốc Hội công khai nói rằng bản báo cáo của chính phủ về rừng là các con số không có thật. Bản tin trên báo Pháp Luật Thành Phố ngày 12/10/2011 có nhan đề “Ở đâu cũng thấy mất rừng” còn tố cáo bản báo cáo của chính phủ ém đi những con số về tình hình cho “nước ngoài” khai thác rừng.
Đặc biệt, trong khi nhiều tỉnh, như Bình Phước, có mức độ xóa rừng 100%, thì bản báo cáo chính phủ lại tô hồng, lạc quan rằng “độ che phủ rừng không ngừng tăng.” Bản tin cho thấy các quan chức Quốc hội bắt đầu dám nói nhiều lời trái ý được trích từ báo Pháp Luật TP như sau:
“Cho nước ngoài thuê rừng, cho đầu tư ở địa bàn trọng điểm an ninh quốc gia nhưng báo cáo của Chính phủ không rõ.
Thảo luận việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng sáng 11-10, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) hoài nghi về những con số mà Chính phủ báo cáo.
Hoải nghi con số báo cáo
Theo Chính phủ, rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ rừng không ngừng tăng, trong đó trồng mới được 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 3 triệu ha rừng sản xuất…
Chủ nhiệm Ủy ban An ninh – Quốc phòng của QH Nguyễn Kim Khoa cho rằng báo cáo của Chính phủ có phù hợp với thực tế hay không phải xem xét lại. “Chúng tôi đi đến đâu cũng thấy rừng càng ngày càng bị thu hẹp. Do đó phải khẳng định là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang bị thu hẹp chứ không thể tăng được”.
Ông Khoa nói: “Đi trên tuyến quốc lộ 32 từ Phú Thọ đến Sơn La chỉ còn thấy duy nhất một cánh rừng nhưng rừng đó cũng không có lõi. Hay như rừng biên giới Lạng Sơn, đi hàng trăm kilomet thì cũng không thấy có rừng. Đặc biệt, khu vực biên giới Việt Lào, cứ chỗ nào có rừng là của Lào, chỗ nào không có rừng là của Việt Nam!”
“Không những cử tri ở những nơi có rừng mà nhiều đại biểu QH cũng quan tâm đến vấn đề đó. Do đó, chúng ta cần phải xem lại hiệu quả kinh tế-xã hội về chương trình trên” – ông Khoa yêu cầu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Kso Phước cũng “than”: “Ngày trước chúng ta vào rừng khó khăn vì rừng rậm, dày đặc. Bây giờ nhiều nơi không còn rừng nữa. Vừa rồi đi giám sát ở Bình Phước, tôi quay lại những cánh rừng trước đây thì 100% không còn rừng. Tương tự, như ở Đắk Nông cũng sạch rừng rồi, rừng thông cũng còn ít. Chính phủ, bộ nói đưa ra con số tăng rừng, tôi không hiểu tăng ở đâu, tăng chỗ nào. Vì tất cả những chỗ tôi đã sống và đã đi qua, nhất là Tây Nguyên thì chỉ thấy giảm. Tôi rất hoài nghi về con số của Chính phủ”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì chỉ rõ bất hợp lý trong các con số mà Chính phủ đưa ra. “Báo cáo nói chúng ta trồng mới 2 triệu ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Thế nhưng tôi cộng tất cả các con số lại, thấy chỉ trồng được gần 900.000 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Như thế chúng ta mới chỉ đạt được 40% chỉ tiêu mà QH đề ra. Đề nghị làm rõ những vấn đề trên và nghiên cứu xem có tổng kết được phá rừng bao nhiêu, có phá rừng cũ trồng rừng mới không. Cái này cần phải làm rõ để rút ra nguyên nhân và trách nhiệm” – ông Lý nói.
Thủy điện chỉ phá rừng
Với tình trạng các công trình thủy điện phá rừng, nhiều đại biểu không hài lòng khi báo cáo của Chính phủ không đề cập đến. “Làm thủy điện có ảnh hưởng đến rừng và người ta nói là sẽ trồng lại rừng. Nhưng thực tế, tôi chưa thấy anh nào trồng lại rừng cả” – ông Khoa thắc mắc.
Ông Kso Phước cũng cho rằng việc phát triển thủy điện có liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng. Vì thế, đề nghị Chính phủ phải bổ sung mối liên hệ phát triển thủy địên với rừng. “Chúng ta phải nhìn tổng thể việc bảo vệ và phát triển rừng chứ không thể chỉ nói rừng và rừng không thôi” – ông Kso Phước nói.
Nhiều đại biểu cũng “chê” báo cáo của Chính phủ đề cập quá mờ nhạt đến việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng. “Vấn đề cho nước ngoài thuê rừng được dư luận cũng như các đại biểu QH rất quan tâm. Thế mà chẳng hiểu sao trong báo cáo của Chính phủ lại thể hiện mờ nhạt đến như vậy” – bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu, băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chỉ thêm thiếu sót mà báo cáo của Chính phủ không nói đến: Việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng quá thấp, gây bức xúc trong dư luận. Bởi theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, hiện tổng diện tích đất cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng là hơn 288.000 ha với giá cho thuê quá thấp.
Không những thế, một số địa phương còn cấp giấy chứng nhận đầu tư ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả những diện tích đất rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý. “Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hợp lý đối với những diện tích rừng đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng” – Ủy ban Tư pháp kiến nghị.
Theo Bộ NN&PTNT từ năm 1998 đến nay, độ che phủ rừng tăng từ 32% lên 39,5%.
Tuy nhiên, theo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, độ che phủ rừng chưa đồng đều. Trong khi tỉ lệ che phủ ở một số tỉnh thuộc Đông Bắc, Bắc Bộ xấp xỉ 50% thì vẫn còn một số nơi, con số này chỉ đạt hơn 10% (Tây Ninh: 11,4%, Bà Rịa-Vũng Tàu: 12,9%…).”
Phải chi các viên chức Quốc Hội dám nói thẳng nhiều chuyện khác hơn là rừng: trong khi rừng biến mất, thì nhân tài cũng đang bỏ chạy ra khỏi nước vì không ai còn tin vào chính phủ nữa. Và chỉ vài thập niên nữa, rừng sẽõ mất, sông sẽ thành các vũng nước hóa chất, và Biển Đông cũng sẽ treo toàn lồng đèn Thượng Hải thì dân cả nước chỉ còn cách đi làm thuê cho Đảng CSTQ.