Theo giới phân tích, sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng, ít nhất, gây ra hai hậu quả nghiêm trọng đối với Bắc Kinh. Thứ nhất là nguy cơ hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên chạy sang tỵ nạn tại Trung Quốc. Thứ hai là những thay đổi về địa lý chính trị, đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il (trái) và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong lần sang thăm Trung Quốc hôm 27/08/2010. Reuters / Xinhua/Ju Peng
Theo truyền thống « cha truyền con nối » kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Triều Tiên, trong tuần qua, chính quyền Bình Nhưỡng đã hoàn tất việc chuẩn bị cho Kim Jong Un lên thay cha, ông Kim Jong Il, tiếp tục lãnh đạo nước này. Theo giới chuyên gia, Trung Quốc sẽ luôn luôn là đồng minh vững chắc của Bắc Triều Tiên, bởi vì mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh là duy trì sự ổn định tại nuớc láng giềng đông bắc.
Ông Sái Kiến, giáo sư Viện nghiên cứu quốc tế, đại học Phục Đán, Thượng Hải, được AFP trích dẫn, nhận định, « sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên còn quan trọng hơn là việc biết xem ai sẽ trở thành lãnh đạo tương lai của Bắc Triều Tiên ». Đây cũng là ý kiến của chuyên gia Peter Beck, đại học Keio Tokyo, theo đó, cho dù có cách hành xử tồi tệ, Bắc Triều Tiên vẫn luôn luôn được hưởng « tình yêu vô điều kiện » của Trung Quốc bởi vì Bắc Kinh rất lo sợ phải hứng chịu những hậu quả của sự sụp đổ chế độ Bình Nhưỡng.
Do vậy, sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đưa con trai của mình vào những vị trí quan trọng trong quân đội và đảng, chuẩn bị cho nhân vật này lên kế thừa, tại Đại hội bất thường của đảng Lao động Triều Tiên diễn ra vào đầu tuần vừa rồi, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gửi điện « nhiệt liệt chúc mừng ». Trong năm nay, chủ tịch Trung Quốc đã hai lần tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên và đã cam kết xem xét « quan hệ Trung-Triều về lâu dài » và « không tính đến những thăng trầm của tình hình quốc tế ».
Chuyên gia Beck nhấn mạnh, « đây là một thông điệp gửi tới Bình Nhưỡng và thế giới để lưu ý rằng quan hệ với Bắc Triều Tiên là không lay chuyển » và lời lẽ của chủ tịch Trung Quốc đã « làm tiêu tan mọi hy vọng » là Bắc Kinh sẽ gây áp lực với Bình Nhưỡng, đặc biệt trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.
Theo giới phân tích, sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng, ít nhất, gây ra hai hậu quả nghiêm trọng đối với Bắc Kinh. Thứ nhất là nguy cơ hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên chạy sang tỵ nạn tại Trung Quốc. Thứ hai là những thay đổi về địa lý chính trị, đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Chuyên gia Sái Kiến giải thích, « nếu tình hình Bắc Triều Tiên hỗn loạn … một bán đảo Triều Tiên thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc tất yếu sẽ trở thành đồng minh của Hoa Kỳ và điều này nguy hại cho an ninh của Trung Quốc ». Bỏi vì, « kể từ thời Chiến tranh lạnh, Bắc Triều Tiên đã giữ vai trò như một vùng đệm quân sự, che chắn cho Trung Quốc ».
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn luôn tìm mọi cách ngăn ngừa tình trạgn bất ổn định tại Bắc Triều Tiên qua việc khuyến khích giới lãnh đạo nước này tiến hành cải cách kinh tế. Thế nhưng, Bình Nhưỡng lại lo sợ cải tổ, mở cửa kinh tế sẽ đe dọa sự tồn tại của chế độ cộng sản.
Hồi tháng năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il công du Trung Quốc và đã tới thăm các thành phố cảng Đại Liên và Thiên Tân. Trong chuyến đi Trung Quốc hồi cuối tháng tám vừa qua, ông Kim cũng đến tham quan một cơ sở chế tạo xe lửa cao tốc. Chuyên gia Beck cho rằng, các chuyến viếng thăm những cơ sở sản xuất này chứng tỏ lãnh đạo Bắc Triều Tiên quan tâm đến mô hình kinh tế của Trung Quốc, thế nhưng còn quá sớm để kết luận rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành mở cửa kinh tế.
Về phần mình, Trung Quốc cũng có những lợi ích kinh tế tại Bắc Triều Tiên, qua việc khai thác và mua than, quặng sắt. Bắc Kinh cũng đã ký với Bình Nhưỡng một hiệp định cho phép Trung Quốc sử dụng trong nhiều năm các cơ sở thiết bị của cảng Rajin, để thông ra biển Nhật Bản.
Chuyên gia John Park, thuộc viện Hòa Bình, Washington, bổ xung, việc hợp tác với Bình Nhưỡng cũng làm một phương cách để Bắc Kinh phát triển vùng đông bắc Trung Quốc, hiện còn rất nghèo nàn, như các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang.
Đức Tâm [NGUỒN: RFI]